Nhóc Cà Lăm

Chương 95: Ở đâu?



Mùa hè đến, thế giới dường như đắm chìm trong hai màu sắc trắng, xanh. Màu trắng của ánh mặt trời chói lọi, màu xanh là cây lá sum suê. Có điều, màu trắng thì đâu đâu cũng có, còn màu xanh thì thành thị thưa thớt, thôn quê chan hòa.

Trình Hâm ưa nhất trời nắng và màu lá cây, nên mùa mà hắn thích nhất trong năm chính là mùa hạ. Thế nhưng năm nay, Trình Hâm hơi mất hứng. Hắn dự định vừa luyện bóng, vừa kéo Trần Hân đến nhà học ôn, lại về nhà cậu chơi vài ngày. Đùng một cái, mẹ Trình Hâm biết con muốn dự đặc tuyển, liền đăng ký một khóa học tại một câu lạc bộ có tiếng ở Thượng Hải. Trình Hâm xiêu lòng ngay, bởi trước giờ hắn chưa từng được tiếp xúc một môi trường chuyên nghiệp. Đắn đo mãi, hắn quyết định sẽ đi Thượng Hải, tự nhủ hãy tạm xa nhau vài ngày để gầy dựng tương lai bền vững hơn.

Trần Hân hay tin, dù không vui mấy, thế nhưng tôn trọng ý muốn của Trình Hâm, cậu nhủ thầm phải hết sức ủng hộ, không được ngáng đường. Đúng lúc ấy, mẹ cậu điện về bảo sẽ đến đón hai anh em lên Quảng Đông chơi, Trần Hân bảo mẹ không cần, để hai đứa tự đi là được.

Thật ra lúc Trần Hân còn nhỏ, bố cậu từng mang gia đình đến làm việc tại Quảng Đông, cậu đã đi nhà trẻ ở đấy cả năm trời. Thế nhưng lúc ấy còn bé quá, giờ nghĩ lại chẳng nhớ tí gì. Lần này đi xa, còn mang theo em nhỏ. Cũng may Trần Hân đã không còn nhát gan sợ sệt, nhờ Trình Hâm, cậu đã cứng cỏi hơn nhiều. Lúc đón hai anh em ở nhà ga, người mẹ dâng lên niềm xúc động: "Hai con tôi đã lớn thật rồi!"

Mẹ con gặp lại, hàn huyên một lúc lâu. Nhìn mẹ mặc quần dài vàng nhạt, đi giày trắng, mặt trang điểm nhẹ, nom trẻ ra những năm sáu tuổi, Trần Hân đột nhiên cảm thấy xa xôi, bởi hình ảnh mẹ trước giờ lúc nào cũng gầy gò lam lũ. Cậu thầm biết ơn bố dượng đã lo cho mẹ được ăn trắng mặc trơn. Suy cho cùng, hạnh phúc của mẹ vẫn là quan trọng nhất.

Tính Trần Hân vẫn thế, ít nói, hay mỉm cười. Trần Hi hết nhìn đông lại nhìn tây, liên tục đặt câu hỏi, mẹ kiên nhẫn giải thích cho nó.

Dắt hai con đến trạm tàu điện ngầm, mẹ bảo: "Dượng mấy đứa muốn lái xe đến đón, ngặt vì có khách quen đến xem hàng nên phải ra tiếp. Mẹ thì không biết lái xe, chứ nếu biết cũng chẳng phải chen nhau trong tàu điện. Vài ngày nữa, nhà ta đi ô tô ra biển chơi."

Trần Hi hứng chí reo lên: "Đi biển cơ à mẹ?"

Mẹ gật đầu: "Ừ, đi tắm biển."

"Có vỏ sò không?"

Mẹ cười: "Có." Lần đi biển trước là cách đấy mười năm, Trần Hi còn chưa ra đời. Người mẹ nhìn con trai cả đã cao hơn mình nửa cái đầu: "Hân Hân cao bao nhiêu rồi?"

Trần Hân bảo: "Con, không biết, nữa. Lần trước đo, là 1m73."

Mẹ cười: "Có lẽ bây giờ là 1m75, bằng bố con hồi đó. Quần áo ngắn đi rồi chứ nhỉ. Hôm nay nghỉ ngơi, ngày mai ta dạo phố sắm ít đồ."

Trần Hân lắc đầu: "Không cần, đâu ạ."



"Quảng Châu quần áo rẻ, mua nhiều một tí có lợi hơn."

Trần Hân cũng không hào hứng lắm với chuyến đi này. Dù sao, mẹ có gia đình mới, hai anh em đến có thể lại thêm phiền. Nhưng cậu hiểu mẹ vẫn luôn áy náy, tìm cách bù đắp cho hai con. "Thôi, xem như cho mẹ yên lòng, nhân tiện xem cuộc sống của mẹ có hạnh phúc không." - Cậu nghĩ.

Bố dượng của Trần Hân tên là Thái Thắng Long, quê ở Hồ Bắc, từ rất trẻ đã đến Quảng Đông buôn bán, rồi mua nhà định cư luôn. Tiền bạc trong nhà cũng có thể xem như dư dả. Nhà ở quận Hải Châu, giao thông tiện lợi, vừa xuống trạm xe đi vài phút đã đến khu phố nhỏ, tuy hơi cũ nhưng rất yên bình. Cây xanh rợp bóng, mấy cụ già ngồi trò chuyện dưới vòm cây xoài sai quả, bọn trẻ đang chơi đuổi bắt nhau.

Hai mắt Trần Hi hoạt động liên tục, nhìn quanh thấy mấy cây xoài, cây nhãn, còn có cây mít nữa! Nó chần chừ mãi trước một nhánh xoài trĩu trịt, Trần Hân phải tóm lấy lôi đi.

Trần Hi bảo: "Quả xoài to quá! Anh ơi, cây xoài ấy là của nhà ai?"

Trần Hân thầm nhủ làm sao tao biết được. Mẹ cậu nở nụ cười: "Của nhà nước chứ nhà ai. Nghe nói đến lúc xoài chín, tổ dân phố sẽ cho hái xuống, đem đi chia cho từng nhà."

"Thế nhà mẹ có không?" - Mắt Trần Hi phát sáng.

"Cũng có, nhưng nhiều hộ quá, mỗi hộ chỉ được vài quả thôi. Cơ mà xoài rẻ, mẹ có mua ở nhà."

Trần Hi khoái chí, Trần Hân lại đâm lo. Ba mẹ con cầm bằng ăn nhờ ở đậu, rồi con của dượng không biết sẽ đối đãi họ thế nào.

Về đến nhà, mẹ gọi: "Khải Khải ơi, dì về rồi này!" Bà lấy hai đôi dép lê đi trong nhà cho hai con thay.

Vừa đổi dép, Trần Hân yên lặng nhìn quanh. Căn nhà bày biện theo lối thông thường của người thành thị. Cũng may cậu từng ở nhà Trình Hâm mấy tháng, không đến nỗi lơ ngơ như nhà quê lên tỉnh.

Một cậu thiếu niên bước ra. Nó mặc áo quần bóng rổ, hơi đậm người, đeo kính, thấp hơn Trần Hân, ngoại hình giống như bố dượng. Cậu bé nhìn hai anh em bằng ánh mắt lãnh đạm. Trần Hân chợt nhớ đến Tào Kế Tiếp, nở nụ cười với Khải Khải.

Mẹ giới thiệu: "Khải Khải, đây là anh Trần Hân với em Trần Hi, tên ở nhà là Hi Hi." Nói xong đẩy nhẹ lưng con trai nhỏ.

Trần Hi hoạt bát: "Em chào anh ạ!"

Trần Hân hơi mất hứng, gọi mình là anh, gọi tên kia cũng là anh.

Thiếu niên gật đầu: "Tôi tên là Thái Bác Khải, chào mọi người." Sau đó, cậu ta ra ghế sofa ngồi xuống, cầm chùm nho đã rửa sạch trên đĩa, bắt đầu ăn.

Nghe giọng nói nhàn nhạt, Trần Hân chắc hẳn trong lòng cậu ta cũng có khúc mắc như mình. Cậu gật đầu, nói gọn: "Chào em, anh là, Trần Hân."

Mẹ cười vui vẻ: "Mấy đứa ngồi chơi, xem ti vi đi, mẹ đi nấu cơm đây!"

Trần Hân cùng Thái Bác Khải cách nhau không bao nhiêu tuổi, thế nhưng Trần Hân nói năng không lưu loát, còn Thái Bác Khải lại xa lạ hững hờ. Trần Hi còn nhỏ tuổi, không biết bắt chuyện thế nào. Ba đứa con trai ngồi lặng thinh bên bàn nước. Trần Hi khá hồn nhiên, phút chốc liền cầm thức ăn vặt bày sẵn lên ăn, tỏ ra thích thú.

Trần Hân đi vệ sinh, vào nhà bếp, thấy mẹ bận bịu muốn giúp một tay, lại bị xua ra phòng khách. Không có việc gì làm, cậu lấy di động ra, thấy tin nhắn của Trình Hâm, hỏi cậu đã đến chưa, hắn đến nơi rồi.

Thái Bác Khải nhìn cậu hí hoáy với chiếc di động, nói: "Nhà có wifi, để em giúp anh vào mạng."

Thấy cậu ta tỏ ra thiện chí, Trần Hân đưa di động đến ngay: "Cám ơn em."



Mẹ làm cơm trong bếp, chốc chốc lại liếc ra phòng ngoài, thấy bọn trẻ bắt đầu trò chuyện với nhau, thở phào nhẹ nhõm.

Không lâu sau đó, Thái Thắng Long trở về, nhiệt tình chào đón hai anh em Trần Hân, còn ngồi xuống hỏi han vài chuyện. Thái Bác Khải bấy giờ mới phát hiện là Trần Hân bị nói lắp, chăm chú nhìn cậu. Thiếu niên nghe kể Trần Hân là học sinh giỏi nhất trường, được trường tư lớn trong tỉnh lôi kéo sang học miễn phí, lại có thể dạy kèm kiếm ra tiền, vốn hình dung cậu như một con phượng hoàng chói lọi. Ngờ đâu thiên tài cũng có khuyết tật, từ phượng hoàng cao sang giờ đây chẳng khác mấy gà rừng, cũng chẳng có gì ghê gớm, khác gì mình đâu?

Một lúc sau, Trần Hân nhận ra tính tình Thái Bác Khải tốt hơn cậu nghĩ, đối với mẹ mình cũng tỏ ra tôn trọng, không đến nỗi lạnh lùng. Lúc ăn cơm, cậu ta khen thức ăn ngon, cơm xong lại giúp thu dọn bát đũa, sau đó gọt hoa quả, để đủ phần cho mọi người. Trần Hân cảm thấy yên lòng, ít ra trong cái nhà này mẹ cũng không lạc lõng.

Đêm ấy, hai anh em ở phòng ngủ dành cho khách. Thái Thắng Long xin lỗi vì chưa có thời gian lắp điều hòa, chỉ tạm mua một chiếc quạt hơi nước thôi. Trần Hân bảo thế là tốt lắm rồi, ở quê chúng cháu không có điều hòa, còn nóng bức hơn ở đây.

Đêm đầu tiên ở Quảng Châu, hai anh em rất ngon giấc.

Sáng hôm sau, mẹ dẫn ba đứa ra phố mua quần áo, qua đó chứng tỏ mỗi đứa đều được đối xử giống nhau, không thiên vị chút nào. Thái Bác Khải tỏ ra hiểu chuyện, bảo quần áo mình có dư dùng, đừng mua thêm, chỉ cần một đôi giày chơi bóng. Trần Hân cũng không mua gì nhiều, chỉ mua hai bộ chiều theo ý mẹ. Trần Hi đang tuổi lớn, mua nhiều hơn. Ai cũng có phần.

Buổi chiều, mẹ ra giúp trông tiệm, bảo mấy đứa ở nhà chơi. Thái Bác Khải cầm bóng rổ muốn ra ngoài, hỏi Trần Hân có muốn chơi không. Trần Hân đồng ý. Thái Bác Khải phát hiện Trần Hân cũng biết chơi bóng, không đến nỗi mọt sách như mình tưởng, liền có cảm tình với cậu, lúc về còn hỏi trường cấp ba thế nào. Trần Hân kể tỉ mỉ, bảo việc học cũng không khó lắm. Nghe thế, Thái Bác Khải cảm thấy tự tin hơn.

Ngày thứ ba, Thái Thắng Long nhờ người trông tiệm hộ, lái xe đưa cả nhà đi công viên giải trí Trường Long. Năm ngoái, Trình Hâm có dẫn anh em Trần Hân đi khu vui chơi rồi, thế nhưng các trò chơi ở tỉnh lẻ không thể bằng thành phố lớn. Ba đứa trẻ chơi thỏa thích đến mệt nhoài.

Trên đường về, bỗng Thái Bác Khải hô lên: "Nhìn kìa, trường đại học Trung Sơn đấy!"

Vội quay đầu lại, Trần Hân thấy một cơ ngơi bề thế. Lúc này trời tối, chỉ còn cổng trường sáng đèn. Trần Hân cũng biết đây là một trường đại học lâu đời. Cậu hỏi: "Cách nhà xa không?"

Thái Bác Khải bảo: "Không xa, đi mấy trạm xe là đến. Sau này em muốn thi vào đại học Trung Sơn!"

Thái Thắng Long cười: "Muốn vào Trung Đại thì phải cố gắng hơn mới được! Trần Hân này, hay con thi vào đây đi, ở Quảng Đông sinh viên tốt nghiệp dễ kiếm việc làm."

Mẹ cậu cũng mong như thế: "Đúng đấy, thi vào Trung Đại đi con, dù sao mẹ con cũng có nhau."

Trần Hân lúng túng cười, chẳng biết đáp sao. Trần Hi đỡ lời: "Anh ấy muốn thi Thanh Hoa hay Bắc Đại cơ!" Kỳ thực Trần Hân chưa từng quyết định, Trần Hi chỉ nghe thầy giáo bảo hai trường đấy tốt nhất cả nước, mà anh nó lại là người giỏi nhất, tất nhiên phải vào Thanh Hoa, Bắc Đại rồi!

Thái Thắng Long cười giòn tan: "Cũng phải, thành tích con nó tốt như thế mà! Con có nghĩ đến ngành học chưa?"

"Có lẽ, là sinh học ạ."

Thái Thắng Long gật đầu nói: "Sinh học cũng tốt, dù hơi khó kiếm việc làm. Nhưng không sao, tốt nghiệp Thanh Hoa Bắc Đại rồi thì còn lo gì việc ấy! Cứ làm như con muốn, dượng ủng hộ con!"

Mẹ Trần Hân quay lại nhìn con, không nói gì. Lên Bắc Kinh học, nghĩa là mẹ con càng cách xa hơn.

Về đến nhà, Trần Hân lên QQ tán chuyện với Trình Hâm, đột nhiên hỏi hắn: "Cậu có nghĩ đến việc thi vào trường đại học nào chưa?"

Trình Hâm bất ngờ: "Chưa. Sao thế? Cậu nghĩ đến rồi à?"

Trần Hân bảo: "Hôm nay đi chơi, đi ngang qua đại học Trung Sơn, mẹ tôi bảo muốn tôi thi vào đấy cho gần."



"Không phải chứ! Cậu học giỏi như thế, vào đấy phí của giời!" Trình Hâm vẫn chăm chăm hướng về Thanh Hoa, Bắc Đại.

Hu hu! Bây giờ chuyển hướng sang Trung Sơn còn kịp không?

Trần Hân phì cười, nhắn: "Không, tôi định thi khoa Sinh học trường Bắc Đại." Qua tìm hiểu trên mạng, Trần Hân biết đây là ngành học khô khan bậc nhất, học tập thí nghiệm khó khăn, ra trường cũng không dễ tìm việc làm. Rất nhiều sinh viên đổi sang ngành khác. Cậu thì không ngại khó, chẳng qua băn khoăn về chuyện sau khi ra trường. Trần Hân luôn muốn kiếm nhiều tiền, lo cho ông bà đầy đủ.

Trình Hâm thở phào nhẹ nhõm: "Thế còn tạm được."

Nằm trên giường, Trần Hân miên man ngẫm nghĩ. Sau đó cậu nhận ra mình đã suy nghĩ quá nhiều. Còn chưa thi đại học. Vả lại, không phải nên chọn ngành mình thích hay sao?

Trình Hâm thấy cậu không nhắn gì, liền hỏi: "Hôm nay đi chơi những đâu thế? Có tắm biển không?"

"Này, sao không trả lời?"

Trần Hân hồi thần lại, đáp: "À, tôi suy nghĩ chút chuyện. Còn chưa ra biển, hôm nay đi công viên giải trí Trường Long."

Trình Hâm hỏi: "Nghĩ gì mà ngây ra lâu thế?"

Một lúc sau, Trần Hân đáp lại: "Nghe bảo sinh viên khoa sinh học khó tìm việc, hơi lo."

Trình Hâm nhắn ngay: "Lo gì, không có việc thì anh nuôi em."

Đọc đi đọc lại câu này, mặt Trần Hân nóng lên, nở nụ cười hạnh phúc. Tuy rằng sẽ không để hắn nuôi mình, nhưng vẫn cứ vui trong dạ. Cậu lại miên man nghĩ, sau này cùng với Trình Hâm làm bạn đời, sẽ không cần kết hôn, sinh con, tiết kiệm được không ít khoản. Thôi hơi nghèo cũng được. Nghĩ đến đấy, cậu nhẹ lòng hơn.

Trình Hâm bảo: "Đúng rồi, hôm nay Hề Kỳ cho tôi biết có cuộc thi thư pháp, cậu có muốn gửi bản thảo dự thi không? Đợi chốc nữa tôi gửi thông tin sang cho mà xem, có tiền thưởng đấy."

Nghe đến thi thư pháp, Trần Hân hăng hái hẳn lên: "Ừ, gửi cho tôi với."