Nhóc Cà Lăm

Chương 96: Yêu là chủ động



Rất nhanh, Trình Hâm đã gửi thông báo cuộc thi sang. Hàng năm có vô số cuộc thi thi pháp, thế nhưng số cuộc thi có tiền thưởng chỉ đếm trên đầu ngón tay, đa số chỉ có giấy khen này nọ. Riêng cuộc thi này có giải thưởng rất hấp dẫn: Giải nhất đến 50 nghìn, mà giải khuyến khích thôi cũng được 2 nghìn đồng. Vì thế, số lượng thí sinh nhiều không tả xiết.

Trần Hân đang rảnh rỗi, cũng muốn thử sức xem sao.

Sáng hôm sau, Trần Hân nhờ Thái Bác Khải dẫn mình đi mua giấy bút, bắt đầu ở nhà luyện chữ. Thái Bác Khải phát hiện người anh kế của mình rất tài hoa: Học giỏi, chơi bóng không tồi, lại còn có khiếu viết chữ, bỏ xa mình hàng cây số. Lúc bố cậu ta khen Trần Hân, Thái Bác Khải nghĩ bụng chẳng qua là mọt sách thôi, bây giờ lại phục Trần Hân sát đất.

"Anh Hân, anh lắm tài thật, không chừa đường sống cho người khác nữa à?" - Thái Bác Khải đùa.

Lần đầu tiên được em kế gọi là anh, cứ ngỡ nghe lầm, Trần Hân run tay viết hỏng: "Sao, sao lại nói thế?"

Thái Bác Khải giơ từng ngón tay ra liệt kê ưu điểm của cậu. Ngay cả Trình Hâm cũng chưa từng tâng bốc cậu thế này. Trần Hân đỏ mặt, lắp bắp: "Nào, nào được vậy."

Thái Bác Khải phá ra cười ha hả: "Khuyết điểm duy nhất là không thể mở miệng, vừa nói ra thì khí thế bá vương sụp đổ ầm ầm."

Trần Hân bật cười theo. Cũng đúng, ông trời có cho ai tất cả bao giờ.

Thái Thắng Long trở về, thấy tấm chữ Trần Hân viết hỏng, hết sức kinh ngạc, bảo muốn đem tặng người ta. Trần Hân sao có thể để ông đem bản viết hỏng tặng người, liền bảo để cậu sẽ viết vài bức khác. Nói là làm, cậu viết cho Thái Thắng Long một hơi năm sáu bức. Ông thích thú cầm đi treo một bức ở nhà, một bức ngoài cửa tiệm, còn lại chuẩn bị đem tặng bạn bè.

Thái Thắng Long giúp Trần Hân đi khắc hai con dấu, để cậu đóng mộc đỏ chỗ lạc khoản. Trần Hân rất thích món quà này.

Đi biển chơi xong, nhẩm tính rời quê đã chục ngày, Trần Hân xin mẹ về nhà, bảo nhớ ông bà nội. Mẹ và dượng giữ thế nào cũng chẳng được, đành để hai anh em lên tàu về.

Quê nhà tuy không sạch sẽ tiện nghi như phố thị, thế nhưng chẳng phải có câu nói "Không đâu bằng nhà mình" đấy ư? Mỗi lúc đi xa người ta lại tha thiết muốn quay về là vì thế. Ông bà nội thấy cháu về thì mừng lắm, ông cụ tỏ ra quyến luyến chăm sóc hai cháu nhiều hơn, Trần Hân đoán có lẽ là sợ anh em cậu bỏ đi theo mẹ. Thương quá! Cậu nhất định cố gắng lo cho hai cụ được sống sung túc về sau.

Còn vài ngày là đến hạn chót nộp bài dự thi, Trần Hân càng ra công luyện chữ.

Về nhà được hai hôm, cậu đã thấy trang cá nhân của Tưởng Tư Tiệp đăng một dòng tin mới: "Mọi việc đã qua, cuối cùng được toại nguyện [quả tim]". Bình luận phía dưới đều là những lời chúc tụng, Trần Hân cũng gửi một câu: "Chúc mừng anh, có kết quả thi như ý rồi à?"

Tưởng Tư Tiệp đáp ngay: "Ừ, khoa tài chính đại học A." A Đại ở Thượng Hải.



Trần Hân: "Tốt quá, còn Lạc Dương?"

Tưởng Tư Tiệp: "Cậu ấy cũng lên Thượng Hải, đại học B. Nhưng không đủ điểm vào ngành mong muốn, cuối cùng đành phải chọn công nghệ sinh học vì ngành ấy ít người chịu thi vào. Thôi học tạm một năm rồi tìm cách chuyển ngành sau."

Ngành công nghệ sinh học đại học B cũng có tiếng mà. Trần Hân buồn rầu hỏi: "Ngành ấy không tốt sao? Có phải là khó tìm việc lắm?"

Tưởng Tư Tiệp: "Ngành ấy lơ lơ lửng lửng, thoạt nhìn thì rất hay ho, thế nhưng học xong nếu không giành được vài suất làm nghiên cứu hoặc một số công tác chuyên môn ít ỏi thì chỉ có nước đổi nghề. Nghe bảo chán lắm, công việc nghiên cứu thì đơn điệu, chỉ có cắm đầu cắm cổ lặp đi lặp lại cả đống thí nghiệm chán phèo, chả có cơ hội động não gì cả. Lạc Dương còn đang rầu rĩ đấy."

Trần Hân nghe nói thế, thẫn thờ. Mình đã suy nghĩ đơn giản quá chăng?

Tưởng Tư Tiệp nói tiếp: "Em đừng dại dột mà vào ngành sinh học nhé, rắc rối lắm."

Trần Hân cười méo xệch, rồi ngồi ngây ngốc một hồi lâu. Bỗng Trình Hâm điện đến. Lúc ở Quảng Châu, nghĩ rằng Trần Hân đang ở nhà người ta không tiện nên hắn không dám gọi cú nào. Bây giờ cậu về rồi, không ai nhòm ngó thì tha hồ tâm sự, chỉ phải để ý xóa những tin nhắn mùi mẫn quá kẻo lộ tẩy.

Vừa trò chuyện với Tưởng Tư Tiệp, Trần Hân ỉu xìu tiếp điện thoại.

Trình Hâm không hài lòng: "Tôi gọi đến nhóc không vui à?"

Trần Hân vỗ vỗ trán cho tỉnh táo rồi bịa chuyện: "Nào, nào có. Đêm qua, muỗi nhiều, ngủ không yên giấc."

Trình Hâm mới chịu bỏ qua: "Sao không đi mua nhang muỗi điện. Khổ thân!"

Không muốn tiếp tục đề tài ngớ ngẩn này, Trần Hân ừ một tiếng, hỏi: "Cậu định học, ngành gì? Sau này, muốn làm, nghề gì thế?"

Trình Hâm bật cười: "Cậu đây là muốn lên kế hoạch cuộc đời với tôi hay sao? Chưa nghĩ đến! Tôi khác cậu, chả có ý định rõ ràng nào. Sau này cũng nối bước bố kinh doanh, học ngành gì mà chả được, miễn có bằng đại học thôi! Cơ mà tôi muốn học cái nào dễ dễ ấy, tốt nhất là không cần tốn nhiều tế bào não vẫn ra trường được!"

Trần Hân cười ngất. Thật không hổ là Hâm ca, vừa thẳng thắn, vừa thực tế. Còn cậu thì ngược lại, muốn học khoa nào có thể vận động đầu óc. Thế nhưng tương lai của ngành sinh học do Tưởng Tư Tiệp vẽ ra lại trái ngược hoàn toàn. Trần Hân rất băn khoăn, cười xong liền yên lặng.

Trình Hâm như nhìn thấu tâm can cậu qua điện thoại: "Lại có chuyện gì đấy hử?"

Trần Hân bảo: "Tưởng Tư Tiệp đỗ, đỗ đại học A rồi. Bạn trai, anh ấy, vào đại học B, khoa sinh, sinh học, khuyên tôi, đừng vào đấy, bảo không có, tương lai."

Thì ra là thế. Trình Hâm khuyên: "Đấy là bọn họ nói thế, còn cậu thích học gì thì cứ học, biết không? Dù thế nào anh vẫn luôn ủng hộ nhóc."

Được Trình Hâm an ủi, lòng Trần Hân nhẹ nhõm đi nhiều. Dù bản thân có hoang mang, nhưng bên cạnh luôn có một bờ vai cho mình nương tựa. Cậu bảo: "Ừ, không nhắc, chuyện ấy nữa, còn đến một năm, có thể, từ từ cân nhắc thêm, xem học ngành nào."

Trình Hâm cười: "Đúng thế, bây giờ đừng lo lắng quá." Hắn đổi đề tài: "Hôm qua tôi đi đón Hề Kỳ tan học. Bọn con gái lớp nó nhìn thấy, tranh nhau làm bạn gái của tôi. Thấy bạn trai em đắt hàng không, phải cố mà giữ nhớ!" Trần Hân hướng nội, ít bày tỏ cảm xúc, đôi khi làm hắn bất an đôi chút, nói thế để trêu cậu ghen lên.

Quả nhiên, Trần Hân trách cứ: "Cậu, cậu dụ dỗ, trẻ vị thành niên!"

Trình Hâm cười ha hả: "Cũng chẳng oan, ai kia còn chưa đến tuổi thành niên mà nhỉ!".

||||| Truyện đề cử: Cuộc Chiến Thượng Vị |||||

"Biết, biết thế là tốt!"

"Em là vị thành niên đấy ngốc ạ! Nhóc, anh nhớ em lắm. Để xem, em còn nợ anh bốn mươi lăm cái hôn. Anh muốn đòi nợ, làm sao bây giờ?" - Giọng Trình Hâm bên tai cậu nỉ non.



Mặt Trần Hân đỏ rần. Đây mới là dụ dỗ trắng trợn. "Đừng, đừng nghĩ, lung tung."

Trình Hâm bất mãn: "Giời ạ, nghĩ cũng không cho, làm sao tôi sống nổi? Còn nghĩ được thế là tốt đấy! Hay anh mua vé máy bay, em đến Thượng Hải thăm anh nhớ!"

Trần Hân dở khóc dở cười, nhưng nghĩ đến lời Trình Hâm bảo sẽ luôn luôn ủng hộ cậu, thế mà chuyện bóng rổ của hắn mình lại mấy lần ngăn cản, bàn lùi, Trần Hân áy náy. Tuy vậy, vé máy bay đắt lắm, mà lộ phí mang theo cũng phải mấy trăm. Cậu đáp: "Còn, còn một tháng nữa, là gặp nhau, rồi mà."

Tháng tám, nhà trường mở lớp phụ đạo cho học sinh khối 12, nhưng không bắt buộc. Trần Hân cho là không cần phí tiền nên không ghi danh. Mỗi ngày, cậu ở nhà ôn tập, đọc sách, làm việc nhà, dạy em học, rất an nhàn. Trần Hân mua một quyển sách dạy tin học, bắt đầu học cách sử dụng máy vi tính. Lúc ở Quảng Châu, cậu thấy Thái Bác Khải viết một vài chương trình bằng ngôn ngữ lập trình, nom rất hay. Trần Hân nghĩ đây chính là một sự khác biệt giữa việc học tập ở thành phố và tỉnh lẻ, không phải người nhà quê kém thông minh hơn, chỉ là do không có đủ điều kiện mà thôi. Trần Hân muốn cố gắng vượt qua sự chênh lệch ấy.

Hôm nay, Trần Hân đang mày mò viết mã thì nhận được điện thoại của Tào Kế Tiếp: "Trần Hân, cậu có thời gian không?"

"Ừ, sao thế?"

"Ngày mai nhà trường khai giảng lớp học thêm. Mẹ tôi bắt anh tôi phải đi phụ đạo. Nó một hai lôi tôi theo cùng. Tôi không muốn đi, trong trường nóng lắm. Cậu rỗi thì đến nhà phụ đạo cho bọn tôi với, như năm ngoái ở nhà Trình Hâm đấy. Bao ăn ở, còn có học phí nữa, được không?"

Trần Hân hơi bất ngờ: "Làm, làm gia sư, cho các cậu à?"

Tào Kế Tiếp nói: "Đúng vậy. Bố mẹ tôi đều biết cậu. Thấy thành tích thằng Hâm ca lên như diều gặp gió, mẹ tôi tin tưởng cậu lắm đấy. Mẹ bảo nếu cậu chịu kèm cặp anh tôi thì tốt quá rồi!"

Trần Hân không mấy mặn mà. Cậu kèm Trình Hâm, nhưng hắn rất chăm chỉ học nên mới có tiến bộ. Còn Tào Kế quá biếng nhác, ai dạy cũng phải chào thua thôi. Cậu thấy bản thân không gánh nổi cái trách nhiệm này. Sao Tào Kế không đến trường mà học? Ở trường có thầy giáo hẳn hoi cơ mà. Mấu chốt là nếu học sinh không tiến bộ, thì thầy cô ở trường có thể la mắng học sinh, còn nếu học ở nhà, thì trăm dâu đổ đầu gia sư cả.

Nghĩ thế, Trần Hân từ chối: "Tôi, tôi sợ, không được đâu."

Tào Kế Tiếp cố nài: "Đừng thế, sao lại không được? Tôi hiểu rồi, tại Tào Kế lười quá chứ gì? Lần này là chính nó đòi cậu đến đấy, nếu không tiến bộ thì chỉ trách nó thôi. Năm ngoái, Hâm ca tiến bộ, tôi cũng tiến bộ, mỗi Tào Kế là giậm chân tại chỗ, mẹ tôi biết rõ mà!"

Trần Hân đang đắn đo, bỗng một ý nghĩ vụt đến. Được trả học phí, cậu có tiền đến Thượng Hải thăm Trình Hâm rồi còn gì!

Trần Hân xiêu lòng: "Cho, cho tôi chút thời gian, suy nghĩ nhé."

Tào Kế Tiếp đáp ngay: "Được, được chứ. Tối nay tôi lại gọi. Đồng ý đi mà, nhé."

Kết quả là Trần Hân nhận lời. Cậu tính: Cho dù học phí gia sư có ít cũng đủ tiền đi Thượng Hải. Hơn nữa, sắp đến sinh nhật Trình Hâm, phải mua cho hắn món quà gì thật hay mới được.

Sáng hôm sau, Trần Hân khăn gói đơn giản lên thành phố.

Nhà Tào Kế Tiếp không sang trọng bằng nhà Trình Hâm, tuy thế vẫn rất rộng rãi tiện nghi. Cha mẹ cậu ta là quản lý trong công ty nhà nước, đủ tiền cho hai con vào học trường tư.

Hôm ấy, mẹ Tào xin nghỉ ở nhà. Nhà không có người giúp việc, buổi trưa hai anh em sinh đôi thường tự mua thức ăn ngoài. Hôm nay là ngày đầu tiên Trần Hân đến, mẹ Tào trổ tài nấu nướng, đãi cậu một bữa cơm, xem như ra mắt "thầy giáo" của con. Anh em sinh đôi giống mẹ, bà khá đậm người. Gương mặt mẹ Tào phúc hậu, hòa ái, rất nhiệt tình đối đãi Trần Hân, bởi vì bà thấy trong nhóm bạn, chỉ có cậu là điển hình con ngoan trò giỏi, ai gặp cũng yêu.

Sau bữa cơm trưa thịnh soạn, Trần Hân bắt tay ngay vào việc. Cậu lập một kế hoạch ôn tập cho hai anh em. Trình độ hai người khác nhau nên nội dung học tập cũng khác. Tào Kế Tiếp rất hợp tác, bảo Trần Hân không cần kèm từng li từng tí một, mà tự cậu ta có thể ôn bài, chỗ nào chưa rõ mới cần Trần Hân giảng lại. Trọng tâm "chăm sóc" chính là Tào Kế. Thành tích môn toán năm vừa rồi của y quá kém, nên mới bị mẹ bắt học thêm. Tào Kế học ban xã hội, hai môn chính trị và lịch sử chỉ học thuộc lòng, duy có môn địa lý cần rèn thêm kỹ năng tính toán, cần kíp nhất là bổ túc kiến thức toán và tiếng Anh. Như thế, mặc dù tiếng là kèm hai người, nhưng công việc của Trần Hân cũng tương đối nhẹ.

Kế hoạch đã làm xong thì lập tức được đưa vào thực hiện. Thật ra Tào Kế cũng không tối dạ, y chỉ lười, lười chảy thây chảy nhớt, lúc nào trong đầu cũng có sẵn trăm ngàn cái cớ để trốn tránh học hành. Dạy một buổi trưa, Trần Hân hiểu rõ rằng nếu không có Tào Kế Tiếp giúp đỡ thì cậu không tài nào chịu nổi một đứa học trò trơ lì như Tào Kế.

Biết Trần Hân đến nhà kèm anh em sinh đôi, Trình Hâm gọi ngay điện thoại "chỉ đạo" Tào Kế một phen. Nhờ thế mà y ngoan ngoãn học hành hơn trước. Người khác nói gì, Tào Kế cũng có thể bỏ ngoài tai, duy có lời Trình Hâm là còn trọng lượng.

Tối hôm ấy, Trần Hân chính thức gặp bố Tào. Ở trường hai người thi thoảng gặp nhau nhưng chỉ chào hỏi vài câu. Bố Tào rất thẳng thắn, xem xong bản kế hoạch ôn tập liền đề nghị mức thù lao. Bởi vì Trần Hân ăn nghỉ luôn tại nhà nên ông dự định trả cậu một tháng sáu nghìn. Trần Hân bảo nhiều, toan từ chối. Nhưng bố Tào bảo cho hai đứa đi học thêm học bớt còn tốn kém hơn, vả lại ở lớp phụ đạo là mấy chục học sinh còn đây là một thầy hai trò.



Trần Hân ở lại nhà Tào Kế Tiếp, ban ngày giảng bài cho hai anh em, buổi tối là hai giờ luyện tập, mỗi tuần chỉ có một ngày nghỉ. Buổi trưa không có ai nấu cơm, anh em sinh đôi nếu không ăn KFC thì cũng là PizzaHut, đôi khi ăn hàng quán linh tinh ở ngoài. Ăn như thế được vài ngày, trong người Trần Hân đâm ra bứt rứt. Cậu hỏi: "Sao, sao các cậu, không nấu cơm? Tủ lạnh, có thức ăn mà."

Tào Kế nhún vai: "Tôi không biết nấu."

Tào Kế Tiếp nói: "Tôi chỉ biết pha mì ăn liền và luộc sủi cảo đóng gói sẵn thôi."

Trần Hân bảo: "Tôi nấu cho."

Mắt Tào Kế sáng lên: "Cậu biết nấu cơm à?"

Hai anh em Trần Hân đều phải tự làm cơm từ nhỏ. Anh em sinh đôi được nuông chiều thật đấy! Cậu bảo: "Đơn giản mà." Mấy món cầu kỳ quá cậu cũng chẳng nấu làm gì cho tốn thời gian.

Tào Kế Tiếp bảo: "Thế không gọi thức ăn ngoài nữa. Cậu làm cơm cho chúng tôi với. Chén bát để hai đứa rửa cho."

Vì thế trưa hôm nay, Trần Hân nấu cơm và làm một món canh, hai món mặn: Thịt xào tiêu, khoai tây chua cay và canh cà chua trứng. Thức ăn tuy đơn giản nhưng ba người ăn hết sạch. Từ đấy về sau, Tào Kế phối hợp hơn nhiều, bất kể là làm bài hay rửa bát.

Cách hay nhất để thu phục kẻ tham ăn chính là cho y ăn!

Mẹ Tào nghe nói Trần Hân nấu cơm trưa cho các con, vừa vui mừng vừa cảm kích, ngày nào cũng mua thức ăn chất đầy tủ lạnh: Gà vịt, cá tôm, thịt lợn, thịt bò, rau dưa, trái cây đủ cả. Phải ăn mới có sức mà học chứ, ăn vóc học hay mà! Thậm chí có thứ Trần Hân cũng chẳng biết cách chế biến, phải lên mạng xem hướng dẫn. Mỗi ngày cậu chỉ làm một món gọi là hơi phức tạp, vì cũng chẳng có thời gian.

Biết anh em sinh đôi ngày nào cũng được ăn cơm Trần Hân nấu, Trình Hâm ghen tức đến suýt nổ phổi. Hắn còn chưa hưởng được bao nhiêu tay nghề của cậu, đã bị hai con gấu béo kia ăn trước rồi!

Hôm nay Trình Hâm gọi đến, thở than nũng nịu một hồi lâu rồi đòi cậu không được nấu cơm nữa. Nghe hắn vòng vo một lúc, Trần Hân hiểu chung quy cũng chỉ là ghen, liền thay đổi đề tài: "Tôi mua vé tàu hỏa, mai đến Thượng Hải, thăm cậu."

"Gì cơ!" - Trình Hâm suýt chút nhảy cẫng lên.

Tác giả có lời muốn nói: Xin lỗi đã làm mọi người phải đợi lâu. Gần đây nhà trường thêm một tiết tự học buổi tối, không chỉ mất đi hai tiếng thời gian gõ chữ mà tôi cũng mệt mỏi hơn nhiều, cho nên dây dưa mãi đến chiều mới đăng chương mới.

Vấn đề làm tôi băn khoăn thật ra cũng chỉ là Trần Hân có nên học sinh học không thôi. Tôi tra cứu rất nhiều, đọc càng nhiều lại càng thấy mất niềm tin vào ngành sinh học. Một bài trên mạng viết: "Vấn đề lớn nhất của khoa sinh học không phải là nghề nghiệp, mà là cách thức nghiên cứu khoa học dễ khiến người ta nản chí. Không thể thông qua kiến thức đã học suy ra kết quả thực nghiệm, cách làm thí nghiệm chủ yếu là" lần lượt thay đổi vài thông số thử xem thế nào ". Nghiên cứu khoa học kiểu này khó mà đem lại cảm giác thỏa mãn, những lúc phải động não không nhiều mà phải luôn tay luôn chân, nên những người thông minh đều chán nản." Vì thế, tuy tôi rất kính phục các nhà sinh học tài năng nhưng lại không muốn để Trần Hân muộn phiền như vậy. Vì việc này mà tôi do dự mãi, chương này cũng phải sửa đi sửa lại nhiều lần. Có phải tôi suy nghĩ phức tạp quá hay không?