Tây Xuất Ngọc Môn

Chương 6: Tìm người



Chương 6: Tìm người

Thật ra chuyện tìm người chẳng hề khó khăn. Hiện nay thông tin cá nhân của một người đều được lưu trữ trên hệ thống quốc gia, chỉ cần biết họ tên thật và có bạn bè làm trong ngành cảnh sát là được giải quyết trong tích tắc.

Xương Đông nhờ Tiểu Hà giúp đỡ. Tiểu Hà có một người bạn nối khố làm ở sở cảnh sát thành phố, chuyện tìm người hiển nhiên dễ như trở bàn tay.

Họ nhanh chóng nhận được hồi âm: Trên cả nước có năm, sáu người tên Diệp Lưu Tây, thế nhưng không có ai phù hợp với độ tuổi và giới tính với thông tin về người mà Xương Đông cần tìm, ngay cả chút xíu liên quan cũng không có.

Xương Đông đã sớm đoán được kết quả này. Việc tìm Diệp Lưu Tây không dễ dàng đến vậy, nếu như quá dễ thì không có tính thách thức. Tuy nhiên nó cũng không đến mức khó nhằn, dù sao cũng là cô tự tìm đến tận nhà anh, chưa nói rõ đầu đuôi đã bày ải thử thách, người bình thường không ai làm như vậy.

Nếu không tra được thông tin cá nhân, cách tốt nhất chính là điều tra camera giám sát, song việc này không phải thuộc phạm vi quyền hạn của cảnh sát bình thường, nên Xương Đông cũng ngại nhờ vả.

Xương Đông đã làm nghề múa Rối bóng hai năm, cuộc sống gói gọn như trong ao tù nước đọng, có vài mối quan hệ ít ỏi, cũng hiếm khi ra khỏi cửa. Thế nhưng mấy ngày nay, lần đầu tiên anh bỏ biểu diễn, sau đó nhờ người tra tìm thông tin, quả thật như nước ao tù bỗng nhiên dậy sóng, khiến Tiểu Hà cảm giác được nguy cơ mất người đang gần kề: Ban đầu, Xương Đông nói là "chữa cháy" giúp, ý chỉ là làm tạm thời, quan hệ hợp tác giữa hai người mỏng manh lắm, thích tan rã lúc nào cũng được.

Đã đến lúc Tiểu Hà phải chuẩn bị "lốp dự phòng” rồi, ban ngày cậu ta nhờ người móc nối quan hệ, gọi điện thoại khắp nơi, thậm chí còn gọi đến tận huyện Hóa Châu thuộc thành phố Vị Nam, nơi được xưng tụng là "Cái nôi của múa Rối bóng" để hỏi thăm xem có ai làm thế chân Xương Đông được không.

Một ngày bận tối tăm mặt mũi trôi qua, có mấy người được giới thiệu nhưng tài nghệ không bằng Xương Đông, lại còn hét giá trên trời. Tiểu Hà ôm lòng cầu may, quyết định thăm dò ý nghĩ của Xương Đông thế nào. Biết đâu tại cậu cả nghĩ, thật ra Xương Đông không hề có ý định đó thì sao?

Ăn tối với bạn gái xong, Tiểu Hà chạy đến phố người Hồi, sân khấu vẫn đóng cửa ngừng biểu diễn, chỉ có con ngõ này tắt đèn, nhìn người ta buôn bán nhộn nhịp, Tiểu Hà cảm thấy xót lòng.

Cậu mở cửa, băng qua sân khấu tối om, thấy phòng vệ sinh phía cuối hành lang sáng đèn, cửa khép hờ, có tiếng nước chảy róc rách truyền ra.

Tiểu Hạ đẩy cửa vào, vừa gọi được một tiếng anh Đông thì bỗng hô lên.

-“Ối!”.

Cậu quên mất, trước phòng vệ sinh có bậc thêm, thình lình vấp phải nên ngã ra đất, đồng thời tay chân còn quơ cào bắt lấy gì đó để đứng vững, nào ngờ đánh đổ thùng rác làm cả sân bừa bộn.

Xương Đông cau mày nhìn, hỏi: "Cậu sao thế?".

Tiểu Hà chật vật bò dậy, vịn eo cười ngượng: "Không sao, tự nhiên em lên cơn thôi”.

Cậu đã quen nhìn dáng vẻ già khụ còng lưng và mái tóc hoa râm của Xương Đông rồi, nay bỗng nhiên thấy một thanh niên cao lớn mặc đồ thể thao màu đen đứng bên bồn rửa tay, đầu đội mũ lưỡi trai che khuất đôi mắt nên não bộ chưa kịp xử lý, còn tưởng có trộm vào nhà nữa.

Xương Đông tắt vòi nước, rút khăn giấy lau mặt, rủ mi mắt không hề nhìn vào gương.

Tiểu Hà cười hơ hớ, giả lả bắt chuyện: "Anh Đông, anh mặc bộ này trông có sức sống hẳn đấy... Tối rồi anh định đi đâu? Có cần em đưa đi không? Em để quên đồ ở đây nên đến lấy”.

Xương Đông vo khăn giấy ném vào thùng rác: "Tôi có việc ra ngoài”.

Tiểu Hà nhường lối đi, dõi mắt nhìn bóng dáng anh xa dần mới sực nhớ ra chuyện muốn hỏi còn chưa kịp lên tiếng, cơ mà không hiểu sao cậu lại thở phào nhẹ nhõm, ngồi xổm xuống dọn dẹp rác trên sân.

Đang loay hoay thì sau lưng chợt vang lên giọng của Xương Đông, "Tiểu Hà!".

Tiểu Hà quay đầu lại: “Hả?” Xương Đông thình lình quay trở lại. Hành lang vẫn không bật đèn, anh kéo thấp vành mũ, hai tay bỏ vào túi quần, như chiếc bóng đang đứng sừng sững: "Cậu tìm người khác biểu diễn thay tôi đi".

Anh đã quen với những tháng ngày sống dưới lớp mặt nạ của người khác, đột nhiên khôi phục lại tướng mạo của mình, cảm giác giống như bị lột da vậy. Từ ngõ ra đến đầu phố người Hồi, chỉ có vài phút ngắn ngủi mà lòng bàn tay Xương Đông đã ướt đẫm mồ hôi, có cảm tưởng như người người trên phố đều đồ dồn ánh mắt vào mình.

Cuối cùng anh đã ngồi vào được xe taxi, lập tức bảo tài xế chạy đến chợ đồ cổ ở đường Chu Tước. Hiển nhiên tài xế rất rành nơi đây, vừa nhai kẹo cao su vừa quay đầu xe, còn bắt chuyện với anh: "Đi săn đồ à? Chợ đồ cổ đã dọn sạch rồi, anh không biết sao?”.

Xương Đông chỉ im lặng, tài xế biết điều nên cũng không nói gì nữa, lái xe một mạch đến chợ.

Chợ đồ cổ ở đường Chu Tước có tuổi đời khá lớn, trước đây cũng từng một thời vàng son, nhưng hai năm qua làm ăn có phần ế ẩm, cộng thêm quản lý tập trung vào tiêu chuẩn hóa nên đương nhiên sa sút đi nhiều. Nghe nói vẫn còn phiên chợ vào mỗi sáng thứ bảy, chỉ cần trải giấy báo hoặc vẽ phần khoanh vùng trên mặt đất là coi như có được quầy hàng.

Hôm nay không phải thứ bảy, cũng không phải ban ngày.

Xương Đông trả tiền xe rồi đi vào con ngõ đậm nét phong nhã bên cạnh, cuối cùng dừng chân trước một cửa hàng nhỏ. Biển hiệu bằng đèn của cửa hàng phát sáng bốn chữ "Hán Đường Phong Vân".