Chồng Hờ Vợ Tạm

Chương 115: Có phải là mày tìm đàn ông rồi không



Tôi ừ một tiếng rồi xách hành lý cùng bao lớn bao nhỏ ra ngoài.

Không chỉ có cái áo lông dê tặng bố, khăn quàng cổ tặng dì Tống, mà còn có một ít đặc sản của thành phố A như thịt bò khô…

Lấy những thứ này ra xong, trong vali tôi chỉ còn một bộ quần áo dùng để tắm giặt hằng ngày.

“Chị, sao chị không mua quần áo mới cho em?” Em tôi hỏi.

Tôi ngẩn ra một ra một lúc, “Chẳng phải đã mua cho em một cái máy học ngoại ngữ rồi còn gì?”

“Nhưng đó là đồ dùng học tập mà!” Nó nói, “Chị mua cho mẹ em khăn quàng, mua cho bố áo mới, tại sao không có của em? Tết em đã có quần áo mới đâu?”

Tôi buồn cười, đây là điển hình cho câu lòng tham không đáy mà!

“Muốn có quần áo mới hả?”

“Vâng!” Nó gật đầu lia lịa.

“Bảo bố mẹ mua cho!” Tôi nói, “Máy học ngoại ngữ đắt lắm rồi, chị phải cắn răng mua cho em đấy! Chị muốn em phải chăm chỉ học tập, học giỏi thì mới có tương lai!”

“Hừ, chị không quan tâm đến sức khỏe của em gì cả, nhỡ đâu em mặc không đủ ấm thì làm thế nào?”

“Tìm bố mẹ ấy!” Tôi nói, “Lúc chị bằng tuổi em còn phải tự nấu cơm cơ! Quần áo còn phải mặc đồ thừa của người ta, chẳng có ai hỏi xem chị có mặc đủ ấm hay không cả.”

Tôi dừng một lát rồi nói tiếp, “An An, chị thấy dì Tống nói cực kỳ đúng, chỉ có chịu khổ mới nên người!”

Em trai tôi bĩu môi, dúi đầu vào lòng dì Tống.

Dì Tống cười, vỗ nó, “Thằng nhóc này, chị con vừa mới về mà con đòi hết cái nọ đến cái kia, cẩn thận chị con không thích con nữa đấy, sau này không mua quà cho con nữa đâu!”

“Sao có thể thế được? Con là em của chị mà!” Khương An nói.

Trong bụng tôi cười lạnh, em ấy à…

Trong lòng tôi, thằng em trai này chẳng khác gì người ngoài cả!

“Những thứ này cũng tốn không ít tiền đúng không?” Bố tôi lạnh lùng nói, “Vừa nãy ăn cơm, dì Tống ngăn không cho bố nói, bây giờ ăn cơm xong rồi, nói đi.”

Tôi gật đầu.

Cũng tốt, ông chịu hỏi cũng có nghĩa vẫn còn quan tâm đến tôi, dù sao vẫn tốt hơn là không hỏi đến.

“Mày là con gái vừa phải đóng tiền học vừa phải kiếm tiền sinh hoạt, còn mua bao nhiêu đồ về nữa, tao thấy cái điện thoại của mày cũng không rẻ, thế là thế nào? Có phải là mày tìm đàn ông rồi không?” Ông hỏi.

“Con đã nói rồi còn gì, con đi làm thêm.” Tôi nói, “Lúc các bạn khác dạo phố, đi ăn, hát karaoke, yêu đương thì con gái bố đi làm thêm. Con làm thu ngân ở siêu thị, đi phát tờ rời, ngày hè nóng chết người mặc đồ dày bịch đứng ở trung tâm thương mại chào khách, con làm rất nhiều việc, việc kiếm được tiền nhiều nhất là bán đồ mỹ phẩm với làm nhân viên kinh doanh nhà đất.”

“Ai muốn nghe mày nói những cái đó, tao hỏi là có phải mày tìm đàn ông rồi đúng không?” Giọng bố tôi đột nhiên to lên, “Có phải mày cặp kè với mấy gã đàn ông có tiền đúng không?”

Tôi chợt hiểu ra, cái mà bố tôi thực sự quan tâm không phải là tôi kiếm tiền thế nào, đi làm thêm ra sao, mà là có phải tôi giống mẹ tôi, cũng đi cặp kè với đàn ông có tiền hay không.

Khoảnh khắc đó tôi rất muốn hỏi: cặp với đàn ông có tiền thì sao? Chẳng lẽ nhất định phải đi với những kẻ nghèo à? Chẳng lẽ chồng giàu không lấy mà phải lấy thằng nghèo?

Năm đó mẹ tôi lấy bố tôi chẳng phải cũng vì tình yêu à, cuối cùng thì sao? Vài ngày lại bị bố tôi đánh một lần…

“Bố, không phải.” Tôi nói, “Con vất vả lắm mới kiếm được tiền.”

Bố tôi lườm tôi một cái, nhìn tôi một lúc lâu mới nói, “Tốt nhất là không! Nếu như tao phát hiện ra mày cặp kè với đàn ông có tiền thì tao đánh gãy chân mày ra!”

“Nhỡ… bố, con nói là nhỡ, nhỡ có người rất giàu theo đuổi con thì sao?” Tôi hỏi thử.

“Thế cũng không được!” Bố tôi lập tức phủ nhận, “Cái bọn giàu có đó không có thằng nào tốt cả! Tao thà cho mày lấy thằng nhặt rác cũng không cho mày lấy bọn nhà giàu!”

Tôi ngây ra như phỗng!

Tôi không ngờ trên đời này lại có người cha thà cho con đi lấy thằng nhặt rác cũng không cho phép nó lấy chồng giàu, thật quá "đặc biệt"!

Tôi ngồi ngây ra trên sô pha, dì Tống vỗ vào chân tôi, “Đừng nghe bố con nói, bố con có thành kiến với người giàu thôi! Nghe dì nói này, Khương Kha phải tìm một tấm chồng giàu có!”

Tối hôm đó, tôi vẫn ngủ ở sô pha, nghe thấy trong phòng bố tôi và dì Tống có tiếng cãi nhau nhỏ.