Vương Triều Thịnh Thế

Chương 1: Chuyện xưa hơn hai mươi năm



Trần Phong rảo bước dạo trên đường phố kinh thành, nơi được xem là phồn hoa bậc nhất đất nước. Ngựa xe tấp nập, người qua kẻ lại nhộn nhịp.

Trên đường nhiều sĩ tử mặc áo dài, đầu chít khăn, cả người chỉnh chu chờ triều đình yết bảng thi hội. Họ đều mang hy vọng sẽ đậu trong khoa này, nếu không sẽ phải chờ đến khoa thi của ba năm sau. Những sĩ tử còn trẻ thì chờ thêm dăm ba năm cũng không là cái gì. Nhưng đối với những người dành cả đời chuyên tâm đọc sách, chỉ mong một sớm thi đậu quang tông diệu tổ, mà thi hoài không đỗ lại là một quang cảnh khác.

Trần Phong vừa bước đi giữa dòng người vừa suy nghĩ ngẩn ngơi. Nghĩ đến tương lai mịt mờ của bản thân, đến huyết thù của gia tộc, nỗi oan ngập trời của phụ thân không biết ngày nào mới được minh bạch. Nghĩ đến chuyện phụ thân giao phó. Hắn lại nghĩ đến chuyện của hai mươi hai năm trước. Ngày hắn chào đời.



Niên hiệu Đại Bảo, năm thứ ba tháng tám ngày mười sáu. Trần Phong sinh ra được ba ngày. Hôm nay, cả nhà đang tổ chức cúng mụ ba ngày tuổi của hắn. Vì mấy hôm trước hoàng đế vừa sa băng nên chỉ làm đồ cúng đơn giản. Nhưng ai ngờ được… Đây cũng là ngày cả nhà hắn vương tai biến. Phụ thân, đại ca, nhị ca, tam ca, các di nương và hàng trăm gia quyến, nô bộc đều chết dưới đoạn đầu đài. Số còn lại thoát đi được, cũng phải thay tên đổi họ sống một cuộc đời lẫn trốn. Hắn cũng là một trong số ít những người thoát đi được hôm đó.

Năm năm, một thời gian đủ dài để một đứa trẻ lớn lên. Nhưng nó cũng đủ ngắn làm người ta chưa thể quên được những nổi đau. Mẫu thân Trần Phong sinh hạ hắn không lâu, đã gặp phải gia biến. Thương tâm, lo lắng, còn phải bôn ba tìm chốn bôn đào. Thêm mấy năm nay, bà làm lụng vất vả nuôi con thân nhiễm bệnh trầm kha, than thuốc gì cũng không hiệu nghiệm. Bà bệnh chưa được bao lâu thì ly thế.

Theo quyển ký sự mà mẫu thân Trần Phong để lại. Sau đợt gia biến, bà dưới sự bảo vệ trung thành của gia bộc mang theo hắn thoát đi. Vì trốn tránh sự truy bắt của triều đình, bà cùng gia bộc thay tên đổi họ trốn chạy vào Thuận Hóa. Nơi đây cũng là quê ngoại của hắn.

Năm xưa, lúc mẫu thân mười lăm tuổi, lửa loạn ly làm người cùng gia quyến thất lạc. Nay trong lúc lâm nguy không biết phải đi đâu về đâu. Nên đành thử về lại quê xưa với hy vọng tìm được chốn nương thân chờ ngày giải oan cho chồng.

Lúc về lại quê hương, mẫu thân hắn cũng không ngờ ông ngoại vẫn còn sống và ở tại nhà cũ. Vẫn còn cho người tìm kiếm con gái. Nghe đâu, năm đó giặc tràn vào càn quét thôn xóm, ông không theo người chạy đi mà ở lại tập hợp dân tráng trong thôn trang, tổ chức đánh giặc. Là vì sợ con gái út của ông nó không tìm được nhà để về khi ông dọn đã đi nơi khác.

Chờ đợi mỏi mòn. Gần ba chục năm qua tin con vẫn như bóng chim tăm cá. Người chờ vẫn cứ mãi chờ người đi vẫn mãi biệt vô âm tín. Đến nổi vợ ông vào mười năm trước vì quá nhớ thương con mà cũng bạo bệnh qua đời. Trước khi xuôi tay nhắm mắt bà vẫn đăm đăm nhìn về phía cửa:

“Con Thanh nó đã về chưa?”

Lát sau bà lại hỏi:

“Nó vẫn còn chưa về sao?”

Trước khi trút tàn hơi, bà khẩn khoản:

“Ông ơi! Tôi chờ không nổi nữa. Tôi phải đi trước ông rồi. Tôi… tôi phải đi tìm con Thanh, tìm đứa con gái tội nghiệp của tôi để tôi phù hộ cho nó được bình an. Ông… ơi…”

Bà đã chết! Chết không nhắm mắt. Đôi mắt kia cứ mãi vọng ra phía cửa. Chờ tin con từ phương xa gửi về. Chỉ chút tin con bình an là đã đủ lắm rồi. Vậy mà…

Mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm ông đều cho người dò la ra bắc vào nam tìm tin tức con thơ. Đôi lúc nghe tin ở đâu xuất hiện bóng dáng người trạc tuổi con, ông sẽ dọn hành trang chạy ngay đến đó để mà xác thực. Mỗi lần đều mang theo hy vọng và hưng phấn ra đi, sau đó lại mang theo thất vọng não nề trở về.

Nay mẫu thân hắn trở lại. Nhưng bà lại không dám nhìn cha. Chỉ dám lén nhìn ông từ xa, xem ông có mạnh lành… Rồi lặng lẽ rơi lệ khi hương thân nhắc đến những ngày ông thất thỉu tìm con. Có lúc bà đã không kìm được lòng mình chạy đến trước cổng sân nhà cũ định vào thăm nhưng rồi bước chân tần ngần lại quay bước ra về.

Giờ đây với thân phận tội đồ trốn tránh sự lùng bắt của triều đình bà càng không thể đến gặp đoàn tụ cùng cha và gia đình. Bà không thể đem đến nguy hiểm cho phụ thân và cả nhà. Bà không muốn đã một lần khóc chồng, khóc con, lại thêm một lần khóc cha.

Mãi cho đến lúc sắp lâm chung, sợ Trần Phong tuổi nhỏ, dại khờ không nơi nương tựa. Bà mới nén lòng nhờ người đưa chàng gửi gắm cho ông. Và xin ông tha tội cho đứa con gái bất hiếu đã để người đầu bạc tiễn kẻ tóc xanh. Để ông vừa vui mừng tưởng được trùng phùng cùng con gái sau bao năm xa cách, ai ngờ đã phải chứng kiến cảnh bể dâu. Trùng phùng mà chi khi phải chia biệt ngàn thu, âm dương vĩnh cách.

Rốt cuộc ông đã làm sai điều gì mà ông trời lại trừng phạt ông như vậy: Ông trời ơi! Nếu tôi làm gì nên tội xin hãy giáng xuống đầu tôi. Đừng trút xuống những mái đầu xanh vô tội…

Trần Phong nghẹn ngào quỳ trước giường mẫu thân, khóc nấc.

Nguyễn Thanh phu nhân đưa bàn tay khẳng khiu dịu dàng xoa đầu con trai. Ánh mắt càng trở nên kiên định hơn bao giờ hết. Tướng công, xin lỗi chàng, hãy cho thiếp được ích kỉ một lần đi.

Bà đưa mắt nhìn Trần Phong rồi bảo hắn đi đến cái kệ sách thứ hai, hàng bên trái lấy một chiếc hộp đã được đặt từ rất lâu ở đó đến. Nhận chiếc hộp, bà nhẹ nhàng vuốt ve, ánh mắt ôn nhu dịu dàng chuyên chú lau từng hạt bụi phủ trên chiếc hộp. Đôi mắt bà phiêu hốt xa xăm, đã bao lâu rồi bà không động đến nó. Có lúc bà tưởng hủy hoại nó hoặc ném nó đi thật xa, cuối cùng lại luyến tiếc, bởi vì nó là dùng sinh mệnh của tướng công bà và cả gia tộc họ Nguyễn đổi về, nó là gánh nặng ngàn cân, con trai bà làm sao gánh nổi? Lát sau, bà ngẩng đầu cầm tay Trần Phong, tận tay trao cho hắn chiếc hộp và nói:

“Con chẳng phải hay quấn lấy ta mà hỏi, phụ thân đâu hay sao? Đây! Con cầm lấy! Đây là tất cả những gì liên quan đến phụ thân con và sự biến của gia đình ta năm năm trước. Có cả di thư mà phụ thân con để lại. Nó sẽ giải đáp mọi thắc mắc của con.”

Nói đến đây, bà ngừng lại thở dốc, rồi gằn giọng:

“Nhưng, con chỉ được phép mở nó ra vào ngày sinh thần thứ mười tám. Nếu con dám tự ý mở nó ra trước… thì đừng bao giờ gọi ta là mẫu thân. Khụ… khụ…”

Trần Phong hoảng hốt cầm lấy cái hộp, sự bất an bao phủ toàn thân, hắn mấp máy môi như muốn hỏi lại không thể hỏi, cuối cùng chỉ hóa thành hai tiếng:

“Mẫu thân…”

Xin lỗi con. Phong nhi. Ta cũng không muốn ép con… Nhưng ta sợ, con sẽ dẫm lên vết xe đổ của phụ thân con ngày trước.

Tướng công, thiếp muốn cùng chàng lại cược một lần – Cược xem lựa chọn của Phong nhi. Chuyện này, ở trên trời linh thiêng chắc hẳn chàng đã biết.

Đúng vậy. Thiếp đã cho vào trong hộp mà chàng lưu lại cho con một đồ vật. Chàng cũng biết, thứ này có tác dụng phá hủy hết thảy mực nước, văn tự, giấy tờ mà nó tiếp xúc.

Nhưng, chàng yên tâm, thiếp sẽ không lợi dụng lúc chàng không ở mà gian lận. Vì vậy, trước khi bỏ vào, thiếp đã bọc một lớp vỏ ngoài cho nó.

Nếu Phong nhi mở hộp ra trước ngày sinh thần thứ mười tám, thì chàng thắng. Nó sẽ đảm nhận những chuyện mà chàng giao phó, tiếp tục nối nghiệp chàng làm chuyện ngu ngốc.

Bằng ngược lại, nhi tử lựa chọn nghe lời thiếp, thì sau khi mười tám nó sẽ cưới vợ sinh con. Sống một đời an nhiên tự tại, sẽ không bao giờ để tâm lo chuyện của thiên hạ.

“Mẫu thân. Người đừng bỏ con. Phong nhi đã không có cha rồi, con không muốn lại mất thêm mẹ. Mẫu thân…”

Phong nhi của ta. Con đừng khóc nữa. Ta sẽ đau lòng.

Đoạn đường sau này con phải tự bước đi. Dù thế nào, trong lòng ta, con mãi là đứa con thông minh, hiếu thuận.

“Ông trời ơi! Con quỳ xuống đây xin ông. Con dập đầu xin ông. Đừng bắt mẹ con phải xa con. Đừng bắt con đã mồ côi cha nay còn phải mồ côi mẹ. Con xin ông. Con lạy ông mà. Ông trời ơi…”

Và rồi trời cao thì xa quá. Ông không nghe thấy lời kêu la thống thiết của đứa con chí hiếu. Bà vẫn ra đi, để lại mình hắn.



Ngày sinh thần thứ mười tám. Cái ngày mà hắn trông chờ từng giờ từng khắc đã đến. Trước kia, mỗi khi bị người mắng mỏ là cái đồ không cha, không phải hắn không muốn mở cái hộp ra để xem.

Nhưng… mỗi lần chạm tay vào hộp… Trần Phong lại ngập ngừng… nhớ đến khuôn mặt của mẫu thân, rồi nhớ đến lời dặn dò tha thiết của bà trước giờ khắc lâm chung.

Thế là, hắn lại không cam lòng mà đem cái hộp đặt lại vị trí cũ. Mỗi ngày, Trần Phong đều đến xem cái hộp ít nhất một lần, muốn mở ra rồi lại không dám mở.

Lâu dần, cái hộp như người bạn tri âm chứng kiến hắn từng bước trưởng thành. Tình cảm hắn dành cho cái hộp cũng càng lúc càng sâu đậm. Bởi vì, trong hộp có chứa đựng những thứ thuộc về phụ thân hắn.

Thời gian thấm thoát thoi đưa. Chẳng mấy chốc mà đứa bé năm nào đã khôn lớn thành một thư sinh nho nhã, mắt sáng, mày kiếm, mũi cao, giơ tay nhấc chân đều ẩn chứa nét ung dung tự tại. Hắn đã trưởng thành, đã có thể gánh vác mọi thứ.

Sinh nhật lần thứ mười tám. Sau khi nhận lời chúc phúc của ông ngoại và mọi người. Hắn đã gấp không chờ nổi chạy bay về phòng, lấy ngay chiếc hộp chứa đựng bí ẩn về thân thế của hắn – cái thân phận mà ngay cả ông ngoại – mẫu thân hắn cũng giấu không cho biết.

Vậy mà, khi đưa tay chạm đến nắp hộp Trần Phong lại ngần ngừ. Tim hắn đập nhanh hơn. Máu trong huyết quảng chạy dồn cả châu thân. Tay hắn run rẫy. Trong lòng hắn chỉ có một âm thanh. Chỉ cần mở ra… Chỉ cần mở nó ra… Thì bao nhiêu thắc mắc, nghi ngờ bấy lâu sẽ được giải đáp.

Không biết đã qua bao lâu. Một canh giờ qua, hay ba canh đã qua. Hay là… đã qua một đời người. Trần Phong không biết. Hắn chỉ cảm thấy cả người chết lặng, không tri giác. Nước mắt tự bao giờ đã làm nhòe cả mặt chữ vốn đã mờ theo năm tháng. Nam nhi có lệ không dễ đổ… chỉ là vì… chưa đến chỗ thương tâm…

Từ ngày mẫu thân qua đời đến nay, hắn chưa từng rơi lệ. Dù có khổ sở mấy hắn cũng cắn răng chịu đựng. Nhưng hôm nay, dù lòng không muốn nhưng nước mắt hắn vẫn cứ không biết cố gắng mà đổ như mưa. Những dòng huyết thư để lại kia, như những nhát kiếm vô hình xuyên qua mắt… làm hắn đau đớn, xuyên qua tim… làm tim hắn như ngừng đập.

Hắn không hiểu được.

Thật không hiểu.

Tại sao phụ thân lại lựa chọn như vậy? Trơ mắt nhìn người thân từng người, từng người ngã xuống. Hắn rất muốn hỏi ông một câu: Phụ thân, người không hối sao?

Ha ha có lẽ là không hối.

Phụ thân! Mặc dù hài nhi không hiểu tại sao phụ thân lại làm thế.

Nhưng nếu đây là di nguyện của người… Phong nhi sẽ hoàn thành nó.

Không hiểu cũng không sao. Hài nhi có thời gian để đi hiểu cái tín niệm của phụ thân.

Một ngày nào đó con nhất định sẽ hiểu được những gì phụ thân lựa chọn. Bởi vì, con chính là con trai của Nguyễn Trãi.

Từ hôm đó, Trần Phong càng khắc khổ học hành với hy vọng một ngày đỗ đạc tìm ra kẻ chủ mưu giúp phụ thân lật lại bản án, giải nổi oan tình. Và cũng để hoàn thành di nguyện của phụ thân.

Niên hiệu Quang Thuận năm thứ ba, Trần Phong đỗ đầu kỳ thi hương. Sau đó không lâu hắn khăn gối lên đường đến kinh thành chuẩn bị tham dự kỳ thi hội vào mùa xuân. Cùng đi với hắn là thư đồng Lý Hàn và hai gia nhân là Trần Nghĩa và Chu thúc.

Hết chương 1.

Mời các bạn đón xem tiếp chương 2.

Thủy Ngọc Linh.

Chú giải:

Thuận Hóa: Tỉnh Thừa Thiên ngày nay. (Theo Bộ luật Hồng Đức)

Đại Bảo: Niên hiệu vua Lê Thái Tông sử dụng trong giai đoạn 1440 – 1442.

Quang Thuận: Niên hiệu vua Lê Thánh Tông sử dụng trong giai đoạn 1460 – 1469.