Tiểu Thời Đại

Chương 6-1



Bí mật bẩn thỉu làm nên những người bạn

Gần bốn năm trước, khi lên lớp Mười hai, Cố Ly đã tập cho mình thói quen và giờ giấc sinh hoạt giống ở xã hội thượng lưu Mỹ, buổi sáng cuối tuần dậy sớm như ngày làm việc bình thường. Đối với đa phần người Trung Quốc, định nghĩa ngày cuối tuần nhất định phải có mấy chữ “ngủ đến lúc tự nhiên tỉnh giấc”, ngược lại thì khó có thể coi là cuối tuần.

Nhưng các doanh nhân bận bịu hoặc quý tộc ở Mỹ thì thường tổ chức các cuộc tụ họp, cùng dùng bữa điểm tâm vào ngày cuối tuần. Khi mặt trời vừa rọi nắng xuống mặt đất, bọn họ đã xong một thỏa thuận, sau đó, vào phòng trang điểm sẽ điện thoại cho trợ lý chuẩn bị sẵn hợp đồng, chớp thời cơ thực hiện luôn.

Những người giống Cố Ly ở quanh tôi vô số, ví dụ cái đám điên cuồng của tạp chí M.E, mà Kitty là đại diện. Những lời oán trách trong tin nhắn gửi cho tôi và trên cửa sổ chat MSN đập vào mắt tôi liên tục, chẳng hạn: “Tôi thực sự không thể lý giải, tại sao người Bắc Kinh không làm việc cuối tuần, thật không tưởng tượng nổi.”

Hồi Cố Ly, tôi và Nam Tương học cấp Ba, chúng tôi túm tụm cùng nhau suốt, nó vẫn còn giống chúng tôi, chưa trở thành cô ả người lai máy tính như bây giờ. Nó và chúng tôi đã hoang phí những năm tháng tuổi trẻ xanh tươi, mặc đủ kiểu váy ren, và những chiếc áo màu sắc thật rực rỡ, túi xách treo đủ thứ đồ chơi rung lên lanh canh, tay nắm tay phô diễn không biết bao nhiêu tư thế trên phố để chụp hình làm avatar, trong ví nhét cả đống ảnh các chàng đẹp trai Nhật Bản - điểm khác biệt duy nhất là cặp sách của nó là loại túi bạt của LV (Nam Tương có lần suýt bị nó đánh vì làm rớt nước canh rau lên cái túi đó). Tôi và Nam Tương sau đó chỉ hận nỗi không thể cho cái túi đó vào tủ kính mà thờ, thắp hương vái lạy, khỏi lo chẳng may có ngày vô ý làm vấy bẩn cái túi, e rằng Cố Ly sẽ giết người diệt khẩu.

Nhưng khi Cố Ly đi hết cái thời xuẩn ngốc đó, cùng với việc gia đình càng ngày càng cưng chiều nó, cái túi vải bạt LV không còn xuất hiện trước mắt bọn tôi nữa. Năm lớp Mười hai, nó thường ra rìa sân vận động, ném bộp một cái túi mới tinh xuống bậc cấp nhem nhuốc bùn đất, sau đó ngồi xuống, đưa đẩy trước mặt tôi và Nam Tương cốc cà phê vừa mua, lúc cốc cà phê lướt trên những cái túi hàng hiệu ấy, chúng tôi đều hết sức kinh hãi. Nó không bao giờ tham gia hoạt động chung nào do chúng tôi phát động nữa, khi tôi và Nam Tương dáng vẻ phấn khích trong lòng hào hứng đứng trước ống kính máy ảnh, Cố Ly thường lập tức cau mày trợn mắt quay lưng bỏ đi, y như nom thấy một tên mắc bệnh phô dâm khoác độc chiếc áo gió dài lượt thượt đang chuẩn bị cởi phanh ra bất cứ lúc nào vậy, ánh mắt chất chứa sự miệt thị. Nó cũng hết thần tượng đám nghệ sĩ, con mắt bắt đầu chuyển sang George Soros hoặc Warren Buffett, những nhà đầu tư tài chính cự phách. Khi miệng nó không ngừng nhắc những cái tên đang thao túng kinh tế thế giới, tôi và Nam Tương cũng tương đối kích động, Nam Tương liều lân la tới cái túi xách của nó, định dò xem ảnh thần tượng Warren Buffett... Chúng tôi đều rất muốn biết bọn họ đẹp trai cỡ nào...

Sáng Chủ nhật, mới chưa đến 8 giờ, Cố Ly đã ở trong phòng tắm bôi bôi vẽ vẽ. Hoàn thành công đoạn cuối cùng (bôi bôi một loại chất lỏng bán ở Bách hóa Cửu Quang với giá 1800 tệ/50 ml), nó mặc áo bông tắm Hermès màu trắng mềm mại, ngồi uống cà phê trong phòng khách nhà nó.

Gõ laptop một hồi, nó ấn phím “in”, sập nắp máy xuống đặt sang bên cạnh, máy in trong thư phòng bắt đầu lạch cạch nhả giấy.

Bố Cố Ly đọc báo, mẹ thì đang ngắm cảnh ngoài ban công, vừa ngắm vừa mát xa vầng trán đang ngày một nhiều nếp nhăn của mình, dáng vẻ lo âu, như đang theo dõi một vụ hỏa hoạn.

Cố Ly nhặt cuốn tạp chí thời trang trên bàn lật xem.

Nó rất thích cuộc sống thế này - một sự khống chế. Nó cần sự khống chế chính xác trăm phần trăm đối với cuộc sống của mình. Bất cứ sự việc nào vượt quá phạm vi khống chế của nó đều khiến nó phát điên. Bất cứ từ ngữ nào đại loại như: niềm vui bất ngờ, ngoài dự kiến đột nhiên, tức thời, biến cố, thêm vào, thay đổi, hủy bỏ... đều là kẻ thù của nó. Nó hận không thể gỡ hết những từ ngữ kiểu này ra khỏi từ điển, vứt vào đống lửa đốt thành tro.

Giống như vậy, bất kỳ con số chính xác nào cũng nháy mắt thổi bùng nhiệt huyết của Cố Ly. Về sau, chúng tôi đều quen với chuyện hẹn hò cùng Cố Ly, thời gian hẹn luôn theo kiểu 6 giờ 17 phút hay đại loại như thế. Vì kiểu nói “khoảng trước sau 6 giờ nhá” sẽ khiến Cố Ly được thể tiến thêm một bước, định nghĩa lối sống của chúng tôi là “lười nhác” và “tùy tiện” - tất nhiên, tôi và Nam Tương cũng ngầm thừa nhận định nghĩa của Cố Ly là cực kỳ chính xác, vì lối sống của chúng tôi chính xác là như vậy...

Tôi còn nhớ năm lớp Mười hai, Cố Nguyên bắt đầu qua lại với Cố Ly, anh vẫn chưa hiểu nó lắm. Một buổi chiều nắng vàng rực rỡ, nói chính xác là chiều 12 tháng Hai, anh và Giản Khê hùng hùng hổ hổ lôi tôi và Nam Tương lại đằng nhà kho phía sau trường. Nói thực, nếu không phải là Cố Nguyên và Giản Khê, tôi sẽ có cảm giác hai đứa sắp bị cưỡng đoạt đến nơi. Bấy giờ, trong đầu tôi thậm chí còn hiện lên vô số hình ảnh hết sức thơ mộng trong phim “All About Lily Chou-Chou”[6], có cả cảnh cô nữ sinh bị ấn ngã xuống chiếc đệm bọt và bị cưỡng dâm, dưới ánh nắng tà càng đẹp lung linh. (...)

Biết ra Cố Nguyên đã chuẩn bị cho Cố Ly một niềm vui bất ngờ nhân dịp 14 tháng Hai, cả Nam Tương và tôi cùng không hẹn mà tuôn ra một đống chữ “không” số lượng cao nhất trong đời chúng tôi. Đến mức độ rốt cuộc tôi lấy làm ngờ không hiểu môi trên môi dưới của mình có sưng tấy vì cứ lặp đi lặp lại có mỗi một từ hay không, và chợt thấy muốn soi gương, kiểm tra liệu mình đã trở nên gợi cảm giống Thư Kỳ môi dày chưa.

Sau một hồi được khuyên nhủ, Cố Nguyên bán tín bán nghi gửi tin nhắn cho Cố Ly, nói đã mua quà lễ Tình nhân cho nó, là một đôi giày thể thao Adidas phiên bản giới hạn có logo cỏ ba lá.

Rất nhanh, Cố Ly trả lời, nó nói: “Ừm, Adidas cũng không tồi, nếu là màu trắng thì it will be good”.

Cố Nguyên và Giản Khê cùng ngẩn người ra.

Tôi và Nam Tương thể hiện bộ dạng “đã nói trước như vậy rồi mà”.

Chiều hôm đó, Cố Nguyên trốn học, mang đôi giày xanh lam đi đổi sang màu trắng.

Đôi giày thể thao phiên bản giới hạn màu trắng ấy lúc này đã bị nhét vào danh sách đang in.

Trông giống một shopping list. Nhưng thực chất, danh sách có tên: “Danh mục quà tặng của Cố Nguyên”.

Một tuần trước, Cố Ly ôm chiếc thùng giấy to tướng đựng những đồ đã tặng Cố Nguyên về nhà, nó giận dữ cực độ, nhưng trong tim le lói cảm giác hào hứng khó tả. Rất lâu rồi nó mới thấy một Cố Nguyên lý tính và lạnh lùng như vậy, không thể không nói rằng Cố Nguyên gần đây đã trở nên hiền dịu và hơi yếu đuối. Cố Ly rất không ưa mẫu đàn ông này. Người đàn ông nó thích phải tuyệt đối lý tính, như một cỗ máy tính năng cao vận hành tinh xảo. Xúc động, lãng mạn, buồn bã là hành vi không thể tha thứ trong mắt nó. Trong lòng Cố Ly, làm đàn ông phải giống dã thú trong thế giới tự nhiên, tàn nhẫn và rắn rỏi, có sức mạnh áp đảo và thuộc tính chiếm đoạt hung hăng của giống đực.

Một lần, tôi và Nam Tương đến hội thơ do khoa Văn trong trường tổ chức, đang ngồi nghe thì Cố Ly chạy tới tìm, nán lại được mười phút nó đã hết chịu nổi. Trên sân khấu, gã nam sinh đeo kính, khuôn mặt ngượng nghịu đỏ bừng vừa dứt câu: “Tôi phiêu bồng trong gió thu, không biết hướng nào, cũng nào muốn biết phương hướng, cuộc đời mờ mịt mang lại cho tôi chút niềm vui bé nhỏ”, Cố Ly đã phẫn nộ rời hội trường. Nó nghiêm túc bảo tôi và Nam Tương: “Bực rồi đấy. Tớ quả thực không chịu đựng nổi một tên đàn ông phiêu bồng trong gió thu. Niềm vui bé nhỏ hả? Đi chết luôn đi cho rồi!” Cố Ly nổi khùng bỏ đi, cánh cửa đóng sập lại đúng lúc thi nhân kia đang phát ra một tiếng “ư...” dài dặc cực kỳ cảm động.

Cố Ly cầm bản kê vừa in xong, kiểm tra một lượt, xác nhận không món đồ nào bị bỏ sót hoặc trùng lặp - giống một người máy kiểm tra bộ nhớ bằng tốc độ siêu nhanh, dãy dãy số liệu và ký hiệu xanh lét nhấp nháy trong mắt - rồi trao cho cô giúp việc: “Lucy, giúp tôi tìm những thứ này.”

Lucy thực ra không phải tên là Lucy, là cô giúp việc người Philippin mà bố Cố Ly mời về. Thực ra cô cũng không hẳn là người Philippin, từ nhỏ cô đã tới Trung Quốc, có thể đọc được tiếng Trung, cũng nói được dăm ba tiếng Trung. Ngày đầu tiên Lucy tới nhà Cố Ly, cô tự giới thiệu tên, nhưng cách phát âm cái tên kỳ cục ấy khiến Cố Ly phát mệt. Nó cúi đầu nghĩ hai giây, rồi ngẩng đầu lên bảo: “Thế này đi, cô tên là Lucy nhé.” Nói xong quay người đi tắm luôn.

Trên phương diện giải quyết vấn đề, Cố Ly luôn có thể cực kỳ nhanh chóng tìm ra cách đơn giản nhất và cũng hiệu quả nhất.

Cố Ly cầm cốc cà phê quay lại bàn ăn trong phòng khách, tiếp tục đọc tạp chí. Lucy bắt đầu lục bới ngăn tủ trong phòng nó.

Mẹ Cố Ly mỉm cười nhìn Lucy nhanh nhẹn làm việc vẻ như rất hài lòng. Trước đây, chính mẹ Cố Ly đòi đuổi cô giúp việc giá rẻ người Thượng Hải, khăng khăng thuê một cô Philippin không thạo tiếng Trung lắm, lại không biết nấu món ăn Thượng Hải (dù sao thì nhà Cố Ly cũng hầu như không nấu cơm). Vì, xét theo chất lượng cuộc sống của gia đình Cố Ly, có một người hầu quốc tịch Philippin rõ ràng là thể diện hơn hẳn.

Có điều, hôm Lucy đến, Cố Ly ra sức khiêu khích mẹ nó, không chút nương tay. Nó ném nhẹ tờ báo xuống bàn trà trong phòng khách, chỉ tay vào một chuyên đề trên đó, nói với mẹ: “Giúp việc người Philippin lỗi mốt từ lâu rồi. Bây giờ giới thượng lưu sính dùng quản gia người Anh cơ. Cây cối trong vườn luôn được xén tỉa vào mùa thích hợp nhất, còn nhất định phải làm lúc chủ nhân ra khỏi nhà để khi trở về, trước mặt đã là cả một vườn hoa mới. Khi chủ nhân quyết định đi du lịch, lập tức có ngay bản lộ trình chi tiết, đủ lịch trình các chuyến bay, khách sạn, xe thuê riêng đã đặt trước; còn tính đến cả giờ cao điểm trên đường và mức độ ảnh hưởng do dòng người gây ra. Kèm theo là một bản kê các vật dụng cần thiết nữa. Buổi sớm thức giấc, trên bàn ăn đều có tờ báo ngày hôm đó được là phẳng lì...” Cố Ly nhẩn nha sửa móng tay, trêu ngươi mẹ nó. Đợi khi mẹ nó mắt mũi sáng rực thốt lên: “Ôi trời! Tuyệt thế! Mời quản gia kiểu đó ở đâu vậy?” Cố Ly mới tung đòn chí mạng - “Con có thể giúp mẹ tìm cách liên hệ, nhưng lương một năm là một triệu tệ ạ.” Nói xong nó ngẩng lên, liếc khuôn mặt như vừa bị tát của mẹ. Điều này nằm trong dự liệu của nó.

Nó lại cầm tờ báo lên, cắt bài giới thiệu quản gia người Anh ra, dán vào sổ của mình. Vì nó rất hứng thú với phương thức phục vụ và phương thức báo giá của quản gia người Anh, cả hệ thống quản lý nhân sự dành cho đội ngũ giúp việc gia đình bên dưới quản gia nữa.

Về sau, mẹ nó tuyệt đối không còn nhắc đến chuyện tìm quản gia Anh quốc nữa. Bà chỉ luôn tự ru ngủ: “Ôi dào, người giúp việc Philippin đã quá tốt rồi, nhìn xem, tháo vát bao nhiêu.” Và mỗi lần xem tivi, thấy cảnh cuộc sống các gia đình quý tộc bên Anh, bà lại cáu kỉnh đổi kênh.

Mười lăm phút sau, Cố Ly cạn cốc cà phê, Lucy cũng đã sắp xong tất cả các món đồ trong bản kê vào một cái túi giấy cực lớn. Cố Ly liếc mắt nhìn qua, rồi cầm điện thoại, bấm số gọi Cố Nguyên.

Nó biết giờ này Cố Nguyên đã dậy từ lâu, thời gian biểu sinh hoạt của anh giống hệt nó, hai đứa từng là một cặp trời sinh.

Cũng hôm Chủ nhật đó, ngoài Cố Nguyên và Cố Ly dậy sớm ra, còn có một người cực kỳ đen đủi, chính là tôi. Trong kế hoạch làm việc, sáng thứ Bảy tôi phải nộp công ty bài viết của Sùng Quang - tác giả đang rất nổi mấy năm nay trên chuyên mục dành cho đàn ông, rồi nhận lại chuyển cho người đọc morát làm thêm giờ đối chiếu ba lần trong ba tiếng đồng hồ, trước lúc hết giờ yêu cầu biên tập mỹ thuật cũng phải ở lại làm thêm giờ bình bản xong, chuẩn bị để Chủ nhật đưa sang công ty chế bản ra film rồi cho đi in. Toàn bộ đã có vẻ là “nhiệm vụ bất khả thi”, lại càng “chó cắn áo rách” hơn nữa là đến tận giờ này tôi vẫn chưa cầm được bản thảo trong tay. Tấm áo cuối cùng đè chết con lừa do chính tay tôi nhẹ nhàng quăng lên.

Sáng thứ Bảy, tôi trong tâm trạng như Kinh Kha đi hành thích Tần vương bước vào phòng làm việc của Cung Minh, đại khái mất bảy phút ấp úng trình bày xong một câu chuyện rất đơn giản: “Tôi chưa lấy được bản thảo.” Cung Minh cúi xuống, lấy bút gạch nhanh một gạch lên bản kế hoạch công việc, rồi ngẩng lên, khuôn mặt như một trang giấy, nói với tôi sáng Chủ nhật là hạn cuối.

Tôi cảm giác như tù nhân được đại xá.

Cả ngày thứ Bảy, cách một tiếng tôi alô cho Sùng Quang một lần, cuối cùng quyết định được 7 giờ tối giao bản thảo. Sùng Quang giọng uể oải hờ hững, nhưng vẫn trấn an tôi: “Yên tâm đi, không vấn đề gì, chỉ là một chuyên mục nhỏ thôi mà.”

12 giờ đêm thứ Bảy, tôi kiểm tra e-mail, vẫn tuyệt nhiên không thấy thư Sùng Quang. Một cảm giác lạnh lẽo từ tim sốc thẳng lên đỉnh đầu. Tôi cuống lên xem đi xem lại MSN, QQ và tin nhắn điện thoại, xác định chính xác Sùng Quang không gửi cho tôi lời nhắn hay tin tức nào - gọi vào di động cho Sùng Quang thì nghe thấy câu: “Thuê bao quý khách vừa gọi tạm thời không liên lạc được.” Đó chưa phải điều tồi tệ nhất, điều tồi tệ nhất xảy ra ba phút sau đó: Khi tôi tìm được số điện thoại bàn nhà Sùng Quang từ chỗ Kitty, bấm số gọi, trong điện thoại cũng vang lên câu: “Thuê bao quý khách vừa gọi tạm thời không liên lạc được.”

Tôi nhìn cuốn sổ tay để mở trên bàn, băn khoăn không biết có nên viết sẵn di chúc không?

Tôi ôm điện thoại nằm sóng sượt trên giường, nghĩ bụng hay điện thoại cầu cứu Kitty, nhưng cuối cùng lòng tự tôn không cho tôi cúi mặt cầu xin người khác hoàn thành công việc của mình. Tôi nắm chặt điện thoại, chốc chốc lại gọi một lần, vẫn chỉ nghe “Thuê bao quý khách vừa gọi tạm thời không liên lạc được.” Tôi lơ mơ thiếp đi, không ngủ sâu nổi, chốc chốc lại quẫy lung tung trong cơn mộng mị chập chờn, như nằm trong bao tải bị người ta lấy gậy nện cho một trận vậy.

Cứ trằn trọc mãi như vậy cho tới sáng. Hơn 6 giờ gần 7 giờ, ánh sáng đã tràn ngập bầu trời Thượng Hải.

Tôi mở to đôi mắt đỏ lựng tia máu, điện thoại lần nữa trong tâm trạng cầu may - “Thuê bao quý khách vừa gọi tạm thời không liên lạc được.”

Tôi nhìn khuôn mặt tái xanh và hai quầng mắt sưng mọng của mình trong gương, không biết phải làm thế nào.

Tôi cầm điện thoại, run rẩy nhắn tin cho Cung Minh. Sớm thế này không biết anh ta đã dậy chưa.

Mấy giây sau, di động của tôi đổ chuông, tên Cung Minh nhấp nháy trên màn hình. Nước mắt tôi lăn xuống không biết nên làm thế nào.

Khi Đường Uyển Như nghe chuông báo thức của điện thoại tỉnh giấc thì đã 8 giờ. Nó mắt nhắm mắt mở ngồi dậy, xỏ dép lê, ra khỏi phòng rẽ vào toilet như cái máy, cả quá trình rất nhịp nhàng, thành thạo, như người mù không thấy ánh sáng đã nhiều năm. Dựa vào trí nhớ nó giơ tay bấm đèn, giơ tay mò bàn chải và kem đánh răng trên bồn rửa mặt. Nhưng ở vị trí vốn là của lọ kem đánh răng, nó lại sờ thấy một vật trơn bóng cưng cứng. Đường Uyển Như miễn cưỡng mở mắt ra, thấy một con gián nâu sì to tướng không biết đang ngủ, đang nghỉ hay đã chết, nằm gọn trong tay nó, phơi cái bụng nhiều nếp gợn bóng nhầy nhẫy.

Nó nhìn sững chốc lát rồi khe khẽ giơ tay, thả con gián vào thùng rác. (...)

Đường Uyển Như lại nhắm mắt, cầm cốc, hứng đầy nước, bắt đầu đánh răng. Trong tiếng bàn chải điện o o, nó vẫn nhắm mắt. Sở dĩ nó dùng bàn chải điện, hoàn toàn không phải vì cái gọi là “chất lượng cuộc sống” (mặc dù khi biết hai đứa cùng dùng bàn chải điện, Cố Ly hết sức kinh ngạc và tức tối), mà là để giảm thiểu triệt để việc sử dụng cánh tay - bất kỳ hành vi nào gây gia tăng cơ bắp, nó đều cực lực phản đối, nó thậm chí còn không nhai để cơ mặt không to ra.

Đánh răng rửa mặt xong, nó vẫn nhắm mắt đi về giường, đợi lần chuông báo thức thứ hai lôi dậy, mới nhắm mắt xuống tầng đi bắt tàu điện ngầm, ngủ tiếp tới tận trường. Trong kế hoạch của tất cả các Chủ nhật, giấc ngủ của nó phải được liên tục và hoàn chỉnh cho tới khi đến gần trường. Nhưng mười phút sau, tiếng nhạc chuông điện thoại lanh lảnh phá hỏng kế hoạch của nó.

Nó xem màn hình, kinh ngạc tỉnh hẳn. Dụi đi dụi lại mắt, nó nhận ra tên người xuất hiện trên màn hình chính xác là “Vệ Hải”.

Nó run rẩy, cơ hồ sắp khóc. Không biết nên làm thế nào.

Chuyện tương tự cũng xảy ra với Nam Tương.

Tối thứ Bảy nó thức cả đêm vẽ tranh, đến hơn 4 giờ sáng mới đi ngủ. Bộ quần áo trên người vẫn còn dính bột màu, nó buồn ngủ đến mức không buồn đi tắm thay quần áo, cứ vậy ngã ra sofa ngủ luôn. Lúc điện thoại di động kêu, nó còn hơi mơ màng. Nhưng chỉ trong mấy giây, nó đã tỉnh hẳn.

Nó nhìn cái điện thoại đang ngoan cố rung trên sàn nhà. Không cần nghe máy cũng biết người gọi đến là ai.

Trong điện thoại của Nam Tương, chỉ khi nào Tịch Thành gọi tới, kiểu nhạc chuông này mới vang lên.

Nó nằm sấp trên sofa, cuộn mình trong chăn, không động đậy.

Điện thoại rung mãi trên sàn nhà, xoay đi xoay lại, màn hình sáng nhấp nháy mãi, như con mắt chớp chớp.