Tiểu Thời Đại

Chương 3-1



Bí mật bẩn thỉu làm nên những người bạn

Đường Uyển Như đọc xong Tiếng gọi tình yêu giữa lòng thế giới, khóc đến chết đi sống lại, khiến tôi bắt đầu ngẫm nghĩ những chuyện liên quan đến “trung tâm”.

Trong mắt đám dân chơi thời thượng và những kẻ ưa tiệc tùng quần là áo lượt, Plaza 66 chắc chắn là trung tâm của Thượng Hải. Chân mang giày gót cao mười phân bước lanh canh trên sàn đá Đại Lý sạch bong như mới của Plaza 66, bọn họ nhất định phải cảm thấy như đang giẫm trên cả Thượng Hải, dù tấm áo khoác bằng da sơn dương vừa quẹt thẻ mua xong đi đứt gần tháng lương. Buổi tối, họ sẽ diện bộ cánh vừa tậu ban ngày, lên bar MUSE2 nằm trên tầng cao nhất, mở cửa thông đêm tới tận tinh mơ ngày hôm sau.

Còn trong con mắt của đám phú ông hay các tay tư sản bậc trung rủng rỉnh tiền, trung tâm Thượng Hải chắc chắn nằm ở phố Bund và Lục Gia Chủy phía đối diện. Trong vô số những tòa nhà ven sông giá cao tận trên trời đứng tắm dưới mưa và ánh hoàng hôn Thượng Hải, có những quý phú nhân cô quạnh đã gọi di động cho chồng tới lần thứ mười hai vẫn gặp tín hiệu chuyển vào hộp thư thoại, đành hoang mang ôm gối lụa tơ, tựa vào thành giường nhìn xuống mặt sông ngoài cửa sổ. Những bọt sóng vàng vọt sủi lên không dứt như vòng xoáy vô cùng tận của dục vọng.

Trung tâm Thượng Hải trong mắt khách nước ngoài có lẽ là Tân Thiên Địa. Bọn họ nói tiếng Anh đủ loại giọng, uống cà phê như uống trà, hết ly này đến ly khác cứ thế trút vào bụng.

Trong mắt vô số khách vãng lai đến Thượng Hải du lịch, trung tâm Thượng Hải chắc chắn là đường Nam Kinh ồn ã náo nhiệt, hình ảnh đã lên tivi không biết bao lần. Cửa hàng Giordano và Baleno biển hiệu điện tử khổng lồ sáng nhấp nháy. Các hiệu kim hoàn trên phố, dây chuyền vàng sợi nào sợi nấy to như dây xích. Người đi đường liên tiếp giơ máy ảnh lên, đèn flash lóe sáng.

Còn vô số người Thượng Hải, khi được hỏi về chủ đề này, đáp án đưa ra sẽ là những điểm tập trung hoạt động văn hóa văn nghệ như Sa Tôn Plaza hoặc đường Hà Phi.

Chỉ có tấm biển đồng do chính quyền thành phố đặt đánh dấu điểm mốc trung tâm thành phố Thượng Hải đậy trên đại lộ Nhân Dân như cái nắp thoát nước kích cỡ bằng lòng bàn tay đã sớm mất tích khỏi tầm mắt và ký ức của mọi người.

Con người là loài động vật luôn tự coi mình là trung tâm.

Tôi hỏi Uyển Như đang nước mắt đầm đìa: “Cậu nói xem, trung tâm của Thượng Hải ở đâu?”

Đường Uyển Như lẹ làng rút tờ khăn giấy, nghẹn ngào đáp: “Người yêu của mình ở đâu, trung tâm ở đó.”

Sau ba phút cố kìm nén tình cảm, tôi xô cửa đi tìm Nam Tương.

Đã cuối tháng Mười hai. Thượng Hải mưa lạnh rơi triền miên. Ông trời trên cao gói thành phố trong mây mù xám xịt, rồi bắt đầu rả rích tưới hoa. Ánh sáng có màu ảm đạm khiến tâm trạng trĩu xuống, dù bật hết các bóng đèn neon trên đầu, cũng chỉ có thể tạo nên một khoảng không trắng nhợt hiu quạnh hơn.

Nam Tương nhận được tin nhắn của Cố Ly lúc đang giặt giũ trong phòng giặt tối mò của trường. Nó để quần áo vào giỏ, nhờ cô bạn phòng bên mang về hộ, rồi choàng kín áo khoác, đến nhà ăn.

Phòng giặt của trường cách nhà ăn chỉ một quãng, thiếu ô che cũng không bị ướt lắm. Gần tới cửa nhà ăn, điện thoại của nó rung, có tin nhắn. Nó mò điện thoại trong túi rút ra nhìn, chợt dừng bước. Nó đứng ngây trước cửa nhà ăn, không nhúc nhích, như tượng gỗ. Mưa bụi rơi đọng trắng tóc nó. Đám sinh viên đang vội rảo bước xung quanh chốc chốc lại ngoảnh đầu nhìn đứa con gái đứng ngây như phỗng trong mưa. Nam Tương bấm máy viết một dòng chữ, chuấn bị nhấn phím trả lời, nhưng lại chần chừ mãi không gửi, dòng chữ đó là: “Sao anh không chết đi.”

Rất lâu sau, nó nhấn phím xóa, đẩy con trỏ lùi lại, từng chữ từng chữ biến mất, rồi nó viết lại: “Vậy cuối tuần anh đến gặp em đi,” và gửi. Tín hiệu tin nhắn nhấp nháy vài lần rồi biến mất. Nam Tương lại đứng rất lâu dưới mưa, nhưng điện thoại không rung lên nữa. Nó lau nước mưa trên mặt, khom lưng chạy vào nhà ăn.

Thấy Nam Tương vén tấm rèm nhựa trước cửa nhà ăn đi vào, tôi khẽ gọi, rồi vẫy vẫy tay, nó nhìn thấy tôi, bèn chen qua đám người đang bưng khay thức ăn đi tới chỗ tôi và Cố Ly. Tôi đang định lên tiếng về bộ dạng ướt như chuột lột của nó thì Cố Ly đang húp món canh thịt băm viên yêu thích đã tranh nói trước: “Cậu mặc cả bộ này đi tắm đấy à?” Nam Tương lườm Cố Ly, đáp: “Tớ vừa giặt xong quần áo.”

Cố Ly húp tiếp thìa canh: “Thế rồi cậu liền mặc luôn đi ra ngoài?”

Nam Tương cúi xuống, không đáp.

Tôi cảm thấy không khí có phần căng thẳng, đánh mắt ra hiệu cho Cố Ly, không nói thêm nữa. Chúng tôi đều biết, mỗi lần Nam Tương cúi đầu lặng thinh, chắc chắn đã có chuyện khiến tâm trạng nó bất ổn. Mỗi lúc như thế, tôi và Cố Ly đều sẽ thông minh chọn cách ngậm miệng, chỉ có cái đứa thần kinh như lan can sắt cầu Dương Phố là Uyển Như tiếp tục chọc vào sự im lặng của nó, kết cục lần nào cũng bị Nam Tương rủa cho một trận thê thảm.

Nam Tương thường xả ra một tràng những lời lẽ kiểu “đàn bà cơ bắp”, “không có óc”, “baby Kim Cương”, “trăm phần trăm cậu là đực rựa”... Từ khi lịch sử được ghi lại đến nay, câu in sâu nhất vào trí nhớ của tôi là: “Cái cơ lưỡi phát triển của cậu còn đáng ghét hơn bắp thịt gồ lên ở cánh tay cậu nữa ấy.”

Buổi chiều mưa bụi triền miên.

Kỳ thực, lòng tôi cũng như Lý Thanh Chiếu hay Nam Đường hậu chủ vậy, rất thích những buổi chiều mưa không dứt này, nếu cho tôi giấy bút nghiên mực, biết đâu có thể ngâm thơ làm phú cũng nên.

Tôi và Nam Tương rúc trong phòng ngủ đọc sách. Nam Tương không có tiết học buổi chiều, còn tôi, sau mười phút ngắm mưa buồn bay ngoài cửa sổ, đã quyết bỏ tiết Văn học đương đại. Cái cảnh thầy giáo phun nước bọt tứ tung đến giờ vẫn còn là dấu ấn khó nhạt đi trong tim tôi, nói trắng ra, nghe thầy ấy giảng bài so với đứng dầm mưa trên sân tập chẳng có gì khác nhau cả.

Vả lại, đã là sinh viên, không trốn học, nhất định có khiếm khuyết.

Tuy nhiên, tâm tư của tôi cũng không đặt được vào sách. Nam Tương nằm trên giường đối diện đã ngốn gần xong một cuốn của Banana, mà cuốn Paris trong tay tôi vẫn dừng ở trang đầu tiên.

Họng của tôi ngứa ngáy như có kiến bò bên trong, cuối cùng, thực sự hết chịu nổi, tôi quẳng sách, chui sang giường Nam Tương, ôm chặt nó, hai đứa dựa vào nhau. Sợ những lời tiếp theo sẽ làm nó nổi cơn, tôi cố ghì thật sát, dù muốn đánh tôi, nó cũng không thể dễ dàng vận sức được. Mớ lý luận này do Đường Uyển Như dạy tôi trên sân tập cầu lông, về sau tôi đem áp dụng mở rộng với Cố Ly, hiệu quả rất rõ rệt.

Tôi hỏi khe khẽ: “Nam Tương, có phải Tịch Thành lại tìm cậu đúng không?”

Nam Tương lật một trang sách, trả lời qua quýt: “Ừ, tớ bảo hắn cuối tuần đến.” Giọng nó bình thản cứ như đang nói: “Đợi lát nữa đi siêu thị đi.”

Tôi thấy nó không giận, liền ngồi thẳng lên, xoay vai nó lại, nhìn riết vào mắt nó, nghiêm túc hỏi: “Cậu bị Uyển Như đánh trúng đầu à?!”

Tôi bị cái kiểu bình thản như không có chuyện gì của nó làm cho tức điên lên, quay người xuống giường, khoác áo chuẩn bị ra cửa. Nam Tương nhảy khỏi giường, tóm cánh tay tôi, cảnh giác hỏi: “Cậu định làm gì?”

“Ra ngoài đi loanh quanh.” Tôi hơi hoảng.

“Đi cái mông đít ấy. Cậu dám kể với Cố Ly, tớ đốt hết thư tình Giản Khê viết cho cậu luôn đấy!” Nam Tương nhìn tôi với ánh mắt coi thường, giọng điệu hết sức tự tin. Trong số bạn bè, người nhìn rõ nhất điểm yếu của tôi chính là nó.

Tôi chỉ còn biết vò đầu bứt tai chịu thua, chấp nhận đứng cùng một chiến tuyến với nó che giấu Cố Ly vụ này.

Trong bốn đứa tụi tôi, Nam Tương chỉ hơi sợ mỗi Cố Ly. Con bé tập trung tất cả lý trí, sự lạnh lùng, tàn bạo của đàn bà khắp trong thiên hạ ấy luôn khiến Nam Tương phải sởn da gà. Nam Tương từng đánh giá Cố Ly: “Cậu là con rắn.” Cố Ly không ngờ lại đồng ý, sau đó một tuần còn dương dương tự đắc đổi tên trên MSN của mình thành “Bạch Tố Trinh”, bắt tôi đổi thành “Hứa Tiên” (Đường Uyển Như lập tức hành động ngay, đổi tên thành “Pháp Hải”)[3].

Những chuyện liên quan tới Tịch Thành, Cố Ly vốn luôn lạnh lùng bình tĩnh lại tỏ ra nóng nảy hơn cả Nam Tương, y hệt con rắn uống phải rượu Hùng Hoàng, bị ném ra phơi giữa nắng trưa.

Sáu bảy năm trời Tịch Thành và Nam Tương dính nhau, tôi chưa từng muốn hỏi han về bất cứ chuyện gì giữa bọn họ, vì chỉ làm một người thờ ơ bên ngoài cũng đã đủ khiến tôi kiệt sức. Tôi thực không hình dung nổi, hai nhân vật chính đó sao có thể có nhiều sức lực và tuổi xuân để lãng phí vào thứ tình cảm như trong tiểu thuyết lãng mạn rẻ tiền mạt hạng ấy đến thế.

Càng khó hiểu hơn là, mỗi lần đối mặt với vấn đề Tịch Thành, Cố Ly lại tỏ ra kịch liệt hơn cả Nam Tương. Làm như đứa bị bỏ rơi ba lần, bị phản bội sáu lần, bị tát bốn lần, bị đạp vào bụng một lần, cuối cùng còn có thai ngoài ý muốn một lần, phá thai một lần, bị gia đình đuổi khỏi nhà một lần, không phải Nam Tương, mà là Cố Ly vậy.

Tôi chỉ có thể nói, bất luận là vai chính Nam Tương hay người xem Cố Ly thì trong vấn đề liên quan tới Tịch Thành, cả hai đều điên cuồng quá mức, chỉ số thông minh đầy đầu đều đã đem vãi cho gà ăn hết cả rồi.

Từ rất lâu, về con người Tịch Thành, và tất cả mọi thứ liên quan tới anh ta, tôi đã tuyệt nhiên không còn muốn nói.

Điều duy nhất tôi có thể làm chỉ là, rất nhiều lần trước khi thổi nến sinh nhật, rất nhiều lần bị Uyển Như lôi kéo đến các loại chùa chiền vái lạy, một vài lần nhìn thấy sao băng (có khả năng là máy bay bay vụt qua), mỗi lần nhặt được sợi lông mi rụng dính trên mặt, tôi đều ước: hãy để cái kẻ tên là Tịch Thành ấy mau rời khỏi cuộc đời chúng tôi.

Nhưng, điều ước ấy không dễ thành hiện thực chút nào.

Nếu phải hồi tưởng chuyện tình cảm giữa Nam Tương và Tịch Thành mấy năm nay...

Đó là những tháng ngày không dùng kiểu chuyện tình định mệnh của Anni Bảo Bối hay kiểu chuyện bi thảm của Quách Kính Minh để khái quát được.

Hồi cấp Hai, khi hai người đó mới quen nhau, Tịch Thành cũng ít khuyết điểm, có thể coi là một anh chàng cục tính, mặt mũi sáng sủa, điều kiện gia đình tốt, tiêu tiền như nước, được lũ con gái rất hâm mộ, nên tất nhiên cũng đa tình, cho đến khi gặp Nam Tương.

Sau khi gặp Nam Tương, Tịch Thành khá hơn rất nhiều. Không còn tùy tiện trêu gái, bắt đầu bớt giao du với đám lông bông, hơi sức dành đi đong gái trước đây giờ chuyển sang nhạc rock, trò chơi điện tử hoặc trượt patanh. Tịch Thành dần dần trở nên từ tốn và trầm lặng, hình tượng trong lòng bọn con gái cũng lung linh hơn nhiều. Khi một kẻ lãng tử tuấn tú phiêu bồng ong bướm lả lơi đột nhiên trở thành người đàn ông cô độc, trầm lặng, dịu dàng, hormone của hết thảy đàn bà con gái trong chớp mắt đã dâng cao tận đỉnh đầu, như một đàn ong mật bất chợt thấy một cánh đồng hoa bao la chưa ai ghé, tức khắc đập cánh lao tới.

Có điều lũ ong hay bướm, kể cả những con bướm ma (...) muốn hút mật hoa kia chỉ có thể đập cánh xa xa quanh Tịch Thành, tình cảm sâu nặng của Tịch Thành đối với Nam Tương đủ cho chương trình “Chân tình” của đài Hồ Nam phát sóng ba mươi kỳ. Dạo đó, mẫu tình yêu mà chúng tôi âm thầm sùng bái, một là Giản Khê, hai không phải Cố Nguyên, mà là Tịch Thành. (Vì thế mới có ba ngày liền Cố Nguyên phớt lờ Cố Ly và tôi, sau đó Cố Ly chiến tranh lạnh, Cố Nguyên mới ngoan ngoãn đầu hàng. Như thế gọi là trên người có yêu, trên yêu có quái, trên quái còn có tinh).

Nhưng tình yêu êm đềm ấy đã kết thúc sau khi mẹ Tịch Thành tự đâm thẳng dao vào cổ họng. Đây không phải một đoạn văn miêu tả tinh tế đến mức hơi gợi cảm giác phi thực trong tiểu thuyết của Anni Bảo Bối: nhân vật nữ chính nhẹ nhàng cứa đứt cổ tay trong bồn nước ấm đầy ắp phủ kín hoa hồng, phút cuối cùng được nhân vật nam chính kịp thời chạy đến đưa vào viện cấp cứu, khi dần hồi tỉnh, sẽ thấy nhân vật nam chính nước mắt ròng ròng ngồi trước giường bệnh, một bó hoa bách hợp tươi tắn tinh khôi đặt bên cạnh.

Hiện thực là mẹ Tịch Thành tự sát vì trầm cảm, lưỡi dao kẹt vào đoạn xương mềm trong họng, bác sĩ rút mãi mới ra. Tịch Thành chỉ mở hé được cửa, thấy bị kẹt, bèn dùng sức đẩy mạnh, mới phát hiện ra cái xác đã cứng đờ từ lâu của mẹ làm kẹt cửa.

Từ thời khắc đó, mọi tình tiết bất thình lình chuyển hướng, gấp gáp gay cấn hệt như trong phim Hollywood, đầu tiên là trốn tiết, rồi đánh nhau và gia nhập hội lưu manh, trộm CD trong tiệm, nhăng nhít, lên giường với bất kỳ đứa con gái nào không ra gì - bọn gái hơn tuổi anh ta ngoài xã hội, thấy cậu trai trẻ cao lớn khôi ngô đều chẳng khác nào mèo cái động đực, lăn lộn trên đất gào tình.

Tiếp đó, bố anh ta tìm được vợ mới, mẹ kế rất ác cảm với anh ta. Tịch Thành bắt đầu thường xuyên không về nhà, không có tiền thì cùng đám côn đồ đường phố cướp tiền của những đứa non gan trong trường. Lần cuối, khi cùng đồng bọn cướp tiền của một sạp hàng trước cổng trường, Tịch Thành bị bắt đưa vào trại cải tạo.

Sáu tháng sau anh ta ra trại, Nam Tương đã tốt nghiệp rồi.

Hơn một năm sau, Nam Tương có thai với anh ta.

Ba tháng sau đó, cái thai bị phá. Khi Nam Tương suy nhược đến mức không thể bò dậy khỏi giường, trong cơn tức giận, bố nó đã vác ghế nhựa đánh nó thừa sống thiếu chết.

Sau này, còn rất nhiều chuyện xảy ra với Nam Tương, có lần bị đuổi khỏi nhà, bị ghi tên vào sổ đen của trường một lần, còn suýt nữa bị một tên trong nhóm côn đồ giao du với Tịch Thành cưỡng hiếp.

Những chuyện đó đều liên quan đến Tịch Thành.

Tôi và Cố Ly tận mắt chứng kiến bao tổn thương Tịch Thành gây ra cho Nam Tương suốt mấy năm liền, cảm giác cứ như nhìn một gã bẩn thỉu cầm roi quất liên tiếp lên thân thể Nam Tương, bất kể ngày đêm. Tôi và Cố Ly, trong lòng đều chỉ hận sao tên Tịch Thành đó ra cửa không bị xe đâm chết quách đi.

Nam Tương và Tịch Thành cãi nhau thường hét lên: Sao không đi chết đi.

Nhưng khi Tịch Thành tỏ ra dịu dàng, nó sẽ trở nên hoàn toàn bất chấp.

Nam Tương nói, mẹ Tịch Thành chết khiến anh ta thay đổi nhiều. Giống như nhìn thấy người thương của mình mỗi ngày bị một nhát dao rạch lên mặt, cuối cùng mặt mũi biến dạng hẳn, không còn là khuôn mặt ban đầu nữa, nhưng mình vẫn biết, anh ta vẫn là anh ta, “tớ vẫn yêu anh ta.”

Nam Tương hỏi chúng tôi, nếu có một ngày, chàng trai chúng tôi yêu nhất đột nhiên béo phì, vẻ đẹp bị hủy hoại cả, hoàn toàn không nhìn ra là con người ấy, chúng tôi có còn yêu anh ta nữa không?

Tôi nghe câu hỏi, tâm tình thiếu nữ bỗng dâng trào, liền đáp: “Tất nhiên có.”

Còn câu trả lời của Cố Ly là: “Tất nhiên không.”

Lúc đó chúng tôi vừa vào cấp Ba, Tịch Thành mới ra khỏi trại giáo dưỡng thanh thiếu niên. Nam Tương nhìn tôi, rồi quay sang nhìn Cố Ly, nói: “Đó là sự khác biệt giữa tớ và cậu.”

Theo nhân sinh quan của Cố Ly, trong mấy chục năm ngắn ngủi của cuộc đời, nên tuân thủ nguyên tắc tìm lợi tránh hại của sinh vật, tránh xa người và việc gây hại cho mình, nhanh chóng chớp lấy mọi thứ có lợi cho mình. Cuộc đời người là một phương trình toán học nghiêm ngặt định lý, từ khởi đầu đi đến kết thúc luôn phải có đáp số cho ẩn số X.

Nam Tương quan niệm, mỗi người chỉ có một cuộc đời thôi, nhất định phải sống theo tình cảm, yêu hay hận đều phải một lòng, sống chết đều phải oanh liệt, trong cuộc đời nhất định phải có các loại đổ vỡ và thịt nát xương tan. Còn về tiền bạc, vật chất, nó cảm thấy đời này vốn dĩ chẳng có hy vọng gì, vả lại nó cũng thực sự không để tâm đến.

Tôi thì chấp chới ở giữa hai đứa nó, giống một mụ đàn bà tham lam vừa mong chờ cuộc sống giàu sang xe thơm ngựa ngọc, lại vừa muốn có cuộc sống tinh thần phong phú, yêu hận đều quyết liệt.

Còn nhân sinh quan của Đường Uyển Như - nó chẳng bao giờ có nhân sinh quan. Nếu không tra từ điển, nó thậm chí còn không biết ba chữ này nghĩa là gì.

Phút chốc nhớ lại quá nhiều chuyện, đầu óc tôi như vừa bị lốp xe nghiến qua, đã thế tài xế còn cài số lùi chèn thêm phát nữa, đau muốn vỡ toang.

Tôi nhìn Nam Tương trong ánh sáng lờ mờ, mớ tóc mai của nó mềm mại lòa xòa trước trán, cuốn sách của Banana Yoshimoto trên tay có nhan đề Dự cảm đau thương.

Tôi bất chợt nghẹn ngào.

Mấy hôm liền sau đó, Nam Tương tuyệt nhiên không nhắc đến Tịch Thành. Tôi cũng hoàn thành vai diễn của mình, Cố Ly không phát giác được chút nào. Cuộc sống cứ thế vững chắc ổn định tiến tới năm 2008.

Trong trường số người chuẩn bị tổ chức đêm hội đón năm mới rất đông, nhưng số người chuẩn bị mở party đêm Giáng sinh còn đông hơn. Hai bên cạnh tranh nhau rất quyết liệt. Tuy số người ủng hộ party đêm Giáng sinh chiếm đa số, nhưng nhóm tổ chức đêm hội đón năm mới lại được lãnh đạo nhà trường ủng hộ mạnh mẽ, đó gọi là có chỗ dựa vững chắc thì cái gì cũng chắc.

Theo truyền thống riêng, bốn đứa chúng tôi bao giờ cũng đón lễ Giáng sinh với bạn trai. Lúc ban đầu chưa có bạn trai, chúng tôi tự tặng quà cho nhau, nhưng tình cảm và tranh chấp cũng tăng theo số quà. Quà của ai thật quan tâm, quà của ai sơ sài, quà của ai “a, đúng là thứ tớ muốn đã lâu”, quà của ai lại là “cái của khỉ này là cái gì”, tình cảm giữa chúng tôi cứ thế lắc lư tiến lên trong cuộc chiến quà tặng Giáng sinh. Về sau tất cả đều hiểu ra, những việc nhọc sức vô ích kiểu đó nên vĩnh viễn tránh xa. Phương án cuối cùng là mỗi đứa để số tiền mua quà tặng nhau ấy lại, tự mua một món quà, tự tặng cho chính mình. Còn khoản niềm vui bất ngờ thì chuyển giao cho mấy anh bạn trai của chúng tôi.

Cũng kể từ đó, Đường Uyển Như đã mất đi niềm vui bất ngờ...

Giáng sinh năm nay sắp tới.

Tôi chọn cho mình một cuốn sổ ghi nhớ điện tử, công năng vượt xa một cuốn sổ ghi nhớ thông thường. Nó còn là đồng hồ báo thức, một cái máy ảnh chụp không được đẹp cho lắm, một máy ghi âm, một cuốn lịch làm việc, một cái radio đơn giản, một cái máy MP3... Tóm lại, đó là trợ thủ đắc lực cho công việc của tôi. Hơn nữa, mỗi buổi sáng nó còn có thể hẹn giờ bật máy, gọi tôi dậy như đồng hồ báo thức, tiên tiến hơn nhiều so với cái đồng hồ chỉ biết kêu những tiếng “reng reng” khô khốc. Nó sẽ tự động dò kênh, sau đó phát chương trình phát thanh hôm đó...

Chỉ có điều đến ngày thứ tư, Nam Tương thực không sao chịu nổi cái mồm ầm ĩ của cái gọi là sổ ghi chép điện tử ấy nữa. Nó ngồi bật dậy, ném chăn sang phủ kín cái máy, rồi lại nằm vật xuống ngủ tiếp.

Cố Ly nhắm vào loạt phụ kiện trang trí hình gấu Giáng sinh của hãng Prada mới ra năm nay, nhưng nó đã đỏ mặt mười lăm phút trong cửa hàng Prada, mà cô bán hàng vẫn nhìn nó bằng một phần hai con mắt khe khẽ lắc đầu, “điệu bộ như một con điếm cao cấp, bảo với tớ rằng nó không bán!” Cuối cùng, nhờ quan hệ của bố nó, Cố Ly mới tìm được một nghệ sĩ ở Thượng Hải, dùng tên cô ta để đặt mua của Prada một chú gấu Giáng sinh phiên bản giới hạn, treo vào cái túi LV của mình, thái độ dương dương tự đắc lắm.

Nam Tương mua một bộ màu vẽ đầy đủ. Kỳ thực cái đó chẳng đáng coi là quà tặng, chuyên ngành của nó cần dùng. Chỉ là Nam Tương vốn dĩ không giàu có gì, hơn nữa nó cũng không coi trọng những ngày lễ lạt như Giáng sinh cho lắm. Còn Đường Uyển Như...

Đường Uyển Như ở trong đại sảnh của siêu thị IKEA, phớt lờ ánh mắt của người qua kẻ lại, nằm kềnh ra theo tư thế thứ hai mươi bảy lên chiếc giường đệm bày mẫu, Cố Ly không nhịn được nữa, đứng phắt dậy nói: “Cậu còn nằm thêm lần nữa, tớ báo cảnh sát đấy!”

Nhưng cơn thịnh nộ của Cố Ly không làm Uyển Như nao núng, nó tiếp tục nằm sang tư thế thứ hai mươi tám trên đệm. Cố Ly tức tối quay đầu bảo tôi: “Lâm Tiêu, cậu đi kiếm một khẩu súng lại đây, tớ phải bắn chết nó tại chỗ.”

Trong thế giới của Đường Uyển Như, ngủ là thứ vĩnh viễn được đặt trên chuyện ăn uống, yêu đương, và mua sắm quần áo mới. Trải qua mấy ngày mấy đêm lao tâm khổ tứ, cuối cùng nó quyết định vứt bỏ tấm đệm cũ, mua một tấm đệm mới, hòng an ủi cơ thể mệt mỏi quá độ do luyện tập hàng ngày cùng đội cầu lông.

Tôi và Nam Tương ngồi trên một tấm đệm khác bày cạnh tấm đệm lọt vào mắt xanh của Đường Uyển Như, tôi đang giúp Nam Tương chỉnh dây áo ngực. Móc áo không hiểu sao vừa bị tuột. Chúng tôi không giữ ý lắm, mấy anh chàng có vẻ như sinh viên đại học ở xung quanh đều không khỏi liếc hai giai nhân yêu kiều ngồi trên giường, người này thò tay vào sau lưng người kia sờ sờ mó mó, người kia yên lặng cúi đầu, thỉnh thoảng mới quay lại thầm thì...

Mấy tên nhãi ấy lặng lẽ đỏ rần mặt lên, đầu óc bấy giờ nhất định đầy ắp những hình ảnh xấu xa không sai.

Tôi bỗng nổi hứng, ý muốn trình diễn bị kích động, bèn thổi khẽ một cái vào tai Nam Tương, rồi lại cắn khẽ một cái. Quả nhiên, lồng ngực mấy tên kia căng phồng hẳn lên, hơi thở gấp gáp cơ hồ sắp hút sạch dưỡng khí xung quanh. Ở một góc khuất trong tầm nhìn của tôi, Đường Uyển Như vẫn như thiếu ô xy nằm ngất trên giường.

Nam Tương đứng bật dậy như con mèo bị lửa liếm đuôi, nhao sang cái giường Cố Ly đang ngồi, thì thầm gì đó vào tai nó, ánh mắt Cố Ly lập tức đầy miệt thị như đang nhìn một con ruồi chĩa sang phía tôi dò xét.

Nhưng tôi cũng chỉ gần mực thì đen đó mà thôi. Giản Khê và Cố Nguyên vốn vẫn thường xuyên diễn kịch kiểu đó để chọc tức tôi và Cố Ly. Suốt từ thời phổ thông cho đến đại học bây giờ, bọn họ cứ liên tục khiêu khích giới hạn chịu đựng của hai đứa tôi. Màn diễn bọn họ ưa lặp lại nhất là Cố Nguyên ở sau lưng vòng tay ôm eo Giản Khê, tựa cằm vai anh, trầm giọng thốt lên: “Mệt quá à,” Giản Khê liền phối hợp ăn ý ngay, quay đầu lại, kề sát má Cố Nguyên đáp: “Có muốn ngủ không?”

Rồi cả hai sẽ nhìn tôi và Cố Ly đang cùng đỏ mặt tía tai, dựng cả chân tóc, nhoẻn nụ cười chiến thắng vô cùng khả ố.

Mỗi lần bị khiêu khích như vậy, mấy đứa con gái trung học bọn tôi đều rơi vào tình trạng tinh thần bất bình thường, có đứa chân bủn rủn, có đứa thở gấp, có đứa thậm chí ngất xỉu.

Đầu óc bọn chúng khi đó chắc chắn cũng đầy ắp những cảnh tượng vô cùng đen tối.

Tôi mặt dày sấn lại chỗ Cố Ly, Nam Tương, ôm chặt cánh tay Nam Tương, khiến hai đứa cùng ra sức đẩy tôi y như đang đẩy một gã đàn ông (là đàn ông thật, có lẽ bọn chúng lại không đẩy nữa cũng nên...) Đúng lúc vở kịch của chúng tôi chuyển từ cảnh hai giai nhân kiều diễm sờ mó nhau sang cảnh một cô điên cuồng tấn công hai cô, Đường Uyển Như lặng lẽ hồi tỉnh, dáng vẻ vừa được mát xa mụ mị cả người, thốt lên: “Tớ quyết định rồi, chính là cái giường này, dễ chịu quá, tớ chưa từng...”