Tiểu Thời Đại

Chương 2-2



Khi định thần được, thoát khỏi khuôn mặt nặng nề âm khí của anh ta, trong lòng tôi bùng lên một cơn phẫn nộ, cà phê chính xác của Starbucks không sai, đúng loại Cappuccino không sai, theo tiêu chuẩn “anh ấy không thích bất cứ cái gì có vị đắng, thích thật ngọt” ghi trong tài liệu, tôi đã bảo cô phục vụ quán Starbucks cho thêm sữa và đường không sai. Vì vậy, tôi khó lòng chấp nhận nổi sự thật “mình đã làm hỏng việc”.

Thấy nick của Kitty trên MSN sáng, tôi nói: “Tôi vừa mua một ly Cappuccino cho Cung Minh, đã bảo thêm đường lẫn sữa, và đã mang lên trong vòng năm phút, vừa đủ nóng! Sao anh ta lại bảo tôi đi mua lại ly khác! Tại sao?”

Kitty nhanh chóng trả lời: “Trong tài liệu ‘Những điều thích và ghét của sếp’ đưa cho cô ghi rất rõ ràng, anh ấy ghét mọi thứ đắng!”

“Cappuccino là loại ít đắng nhất rồi! Tôi cũng đã bảo cho thêm cả đường lẫn sữa vào!”

“Anh ấy yêu cầu phải thêm hai đến ba phần nước đường. Còn nữa, khi cô nói chuyện, chat hoặc gửi tin nhắn cho anh ấy, không được dùng dấu nào khác, ngoài chấm và dấu phẩy, đặc biệt là dấu chấm than (!). Thứ đó có thể tống thẳng cô lên chuyến tàu tốc hành đến ga ‘từ chức’, giữa đường thậm chí có thể còn dừng lại lôi tôi lên cùng đấy, tiểu thư ạ!”

“Thế nghĩa là sao?”

“Nghĩa là dấu chấm và dấu phẩy có khả năng thể hiện sự điềm tĩnh, mạch lạc của chúng ta, chúng ta luôn phải được cài đặt ở chế độ người máy vào bất cứ lúc nào! Cho nên, cô chỉ có thể nhã nhặn nói: ‘Cung tiên sinh, động đất rồi, xin mời rời phòng làm việc,’ chứ tuyệt đối không được nói: ‘A chạy mau! Động đất’!”

“…”

“Cô đã mua được cà phê mới chưa?”

“! Bây giờ tôi đi!”

“…”

“À, bây giờ tôi đi.”

Hai ngày sau, tôi đã hoàn thành đủ các thể loại nhiệm vụ thử thách cực hạn của loài người, với lòng nhiệt tình và tốc độ khó tưởng tượng nổi. Trong đó gồm cả chuyện đỏ mặt tía tai tranh luận tới lui với cô bán hàng trong hiệu thuốc: “Không lẽ các chị không có thứ thuốc ngọt lịm như đường?” Nói qua nói lại một hồi, cuối cùng tôi cũng mua được thuốc viên và xi rô chữa cảm sốt cực kỳ ngọt.

Tôi đã lùng được chiếc nồi màu trắng (anh ta thích đồ dùng trong nhà đều màu trắng).

Tôi cũng đã mua đúng bộ sạc điện trong tình trạng hoàn toàn không biết điện thoại di động của anh ta loại gì, và đã yêu cầu nhân viên phục vụ để sẵn trong phòng khách sạn trước khi anh ta xuống máy bay ở Bắc Kinh. (Anh ta có rất nhiều điện thoại di động, nhưng chỉ dặn tôi sơ sài thế này: “Tôi chuẩn bị bay, nhưng quên mang bộ sạc, điện thoại sắp hết pin, cô mua cho tôi một cái, tôi không dùng loại vạn năng, hy vọng đến khách sạn tôi có cái để sạc ngay.”)

Tôi cũng làm xong cho anh ta một thẻ tín dụng VIP mà không hề phải cung cấp bất cứ tài liệu nào chứng minh tài sản hay mức thu nhập. (“Lâm Tiêu, làm giúp tôi một thẻ tín dụng ở ngân hàng nào đó.” “Vâng, Cung tiên sinh, làm ơn đưa tôi giấy chứng minh tài sản hoặc thu nhập của công ty.” “Tôi không có.” “…”)

Cũng trong tình trạng hoàn toàn không biết địa chỉ và tên khu nhà, tôi đã giúp Cung Minh tìm được thông tin chi tiết về tòa chung cư mới xây ở Tĩnh An. (“Lâm Tiêu, trên đường đi làm tôi nhìn thấy một tòa chung cư cao cấp màu trắng, giúp tôi tìm hiểu thông tin về nó.”) Đương nhiên, cái giá của việc này là tôi phải bảo lái xe đi thật chậm hết cả đoạn đường từ nhà anh ta đến công ty, mất đứt một giờ đồng hồ, khi rốt cuộc nhìn thấy tòa cao ốc màu trắng đó, bộ dạng sung sướng suýt khóc của tôi lúc đó khiến anh lái xe phát hoảng.

Tôi còn kiếm được cho anh ta đĩa DVD ghi một chương trình truyền hình mới phát bên Anh, đương nhiên tôi đã phải nhờ đến đứa bạn đang du học bên đó ghi lại rồi gửi qua mạng, sau đó mới ghi vào đĩa. Tôi nhờ đứa bạn học khoa tiếng Anh làm phụ đề, sau đó lại bảo một đứa đang học điện ảnh lồng ghép.

Hai ngày trời, tôi như sống trong một trung tâm huấn luyện gián điệp quốc tế, cảm giác mình đã trở thành một nữ đặc vụ siêu cấp có thể chạy trên tường hay bay vượt mái nhà. Bây giờ dù Cung Minh bắt tôi đi lùng cho anh ta quả lựu đạn của Nga, tôi cũng có thể mặt không biến sắc xoay lưng rời văn phòng, chỉ ngay sáng hôm sau lựu đạn đã được chuyển phát nhanh đến công ty, đặt trên bàn anh ta rồi.

Tôi thực sự cảm thấy như vậy.

Vì tôi đã sắp tẩu hỏa nhập ma. Rất nhiều lần, tôi muốn túm tóc, nhấc mình bật khỏi mặt đất - bất chấp Newton phải đội nóc quan tài chui lên, giận dữ giở lại định luật vạn vật hấp dẫn trong sách giáo khoa mà hét lên: “Không thể nào!”

Rời văn phòng tòa soạn tạp chí M.E trắng thuần khiết quay về với nhà ăn quen thuộc sặc sụa mùi dầu mỡ và mùi mồ hôi bốc từ đám nam sinh mới đi tập bóng rổ về, tôi hoảng hốt không khác nào vừa trải qua giấc mộng kéo dài hai năm. Đờ đẫn như mất hồn, tôi bảo Nam Tương: “Cậu tát tớ một phát cho tỉnh lại được không?” Nhưng trước khi Nam Tương kịp phản ứng, câu “Để tớ” của Đường Uyển Như làm tôi tỉnh ngay.

Kể lể xong mấy chuyện ở M.E, cảnh tượng đám chị em tốt xúm lại rủa sả ông chủ mà tôi mong đợi đã không xảy ra. Mắt các cô nàng long lanh sáng rực, hàng mi dài chớp chớp, màn đối thoại cứ thế xoáy mãi quanh cái trọng tâm là dung mạo của Cung Minh và bộ cánh mới ra mắt năm nay của hãng Dior mà anh ta mặc đi làm cuối tuần. Nét mặt và cử chỉ của tôi lộ rõ sự khinh thường dành cho mấy ả đàn bà thiếu sĩ diện này.

Về đến trường, tôi lại bị mấy vấn đề thuộc phạm trù độ tuổi của mình bủa vây, hoặc có thể nói là quấy nhiễu cũng chẳng sai. Khó nghĩ nhất là tôi và Giản Khê đã hẹn cuối tuần trước anh sẽ đến trường thăm tôi, kết quả vì cuối tuần tôi phải làm thêm nên đành bỏ.

Nghĩ kỹ lại, đã gần hai tháng rồi tôi không gặp Giản Khê. Lần gặp trước, chúng tôi đến bảo tàng Đại Dương, ở đó vừa khai mạc triển lãm cá nhiệt đới. Từ nhỏ tôi đã mê cá. Từ những con cá màu sắc rực rỡ, hình dáng kỳ lạ đến nỗi không thể nhận ra là cá, hoặc trông dữ tợn như hung thần ác sát, hoặc trông hiền lành đáng yêu, thân thiện dễ gần... kiểu gì tôi cũng đều thích cả.

Hiện tại tôi vẫn đang bày món đồ lưu niệm mua lần đó ở đầu giường - mô hình một con cá nhỏ. Cổ nó thắt cà vạt vốn là khăn tay của Giản Khê. Đích thân Giản Khê buộc khăn vào cổ con cá, anh nói trông nó khá giống anh, một con mọt sách hiền lành. Tôi ngoảnh đầu lại, thấy con cá dịu dàng nhìn mình.

Tim tôi hơi ấm lên, như được luồng gió nóng từ máy sấy tóc thổi vào. Mỗi lần nghĩ đến Giản Khê, tôi đều có cảm giác ấy. Tôi bèn cầm điện thoại lên, gọi cho Giản Khê, chuông đổ mấy hồi mới thấy giọng anh, phía bên kia rất ồn ào, đủ tiếng hò hét cao thấp, còn có cả tiếng thở hổn hển của Giản Khê.

Tôi hỏi: “Anh đang làm gì thế?”

“Trong phòng thể dục, đánh bóng chuyền với bạn. Em ăn cơm chưa?” Giản Khê thở hổn hển, nhưng giọng vẫn thật dịu dàng. Tôi cầm điện thoại, cảm giác như hơi nóng của anh cũng truyền sang.

“Em ăn rồi. À, cuối… cuối tuần trước... xin lỗi anh.” Tôi thầm thì.

Anh cười to, nói: “Đừng ngốc thế. Anh cúp máy nhé, chúng nó đang đợi.”

Tôi gật đầu. Sau nhớ ra có gật đầu anh cũng không nhìn thấy, bèn vội nói thêm: “Vâng.”

Đang định tắt máy, đầu dây kia chợt vọng tới một câu: “Tối anh sang chỗ em nhé. Mai anh không có tiết học.”

Tôi đang định đáp lại, Giản Khê đã ngắt máy rồi.

Tôi cầm điện thoại, nhoẻn miệng cười sung sướng.

Tôi ngẩng đầu lên, Nam Tương ở giường đối diện nhìn tôi tủm tỉm cười đầy ẩn ý. Mặt tôi đỏ rần lên.

Tôi vội chui sang giường nó, lôi chăn rúc vào, ngủ giấc trưa. Đó là thói quen kỳ quặc của tôi: phải nằm sang giường người khác mới ngủ ngay được. Lúc nào tôi cũng cảm thấy giường người khác dễ chịu hơn giường mình, cho dù giường mình trải đệm Queen-size nhập khẩu, còn giường người ta chỉ có mảnh chăn đơn phủ trên ván gỗ vẫn không thể làm thay đổi cảm giác ấy.

Chỉ giây lát sau tôi đã ngủ thiếp đi, chuỗi âm thanh cuối cùng lọt vào tai là tiếng Nam Tương giở sách sột soạt. Giữa chừng nó khẽ đọc lên một câu, có lẽ là chỗ nó cảm thấy viết hay quá.

“Cứ đến cữ này hàng năm, quê tôi lại bắt đầu mưa. Chuyện này khiến người ta khá đau đầu. Kiệt Sâm đứng giữa thảm cỏ trong vườn hoa, để tuổi thơ của cậu nổ tung một tiếng, những mảnh vụn quét qua màn mưa hoàng hôn. Tôi nhìn Kiệt Sâm sau tiếng nổ, trong lòng dấy lên cảm giác ngưỡng vọng mơ hồ. Có trời mới biết đó là gì.”

Giản Khê hẹn tôi 6 rưỡi tối. Đúng lúc chúng tôi vừa xong bữa. Buổi tối cả bốn đứa đều không có tiết học, nên ăn cơm xong, chúng tôi thong thả đi dạo về phía cổng hướng Đông, chỗ gần nhà ăn số 1 nhất đợi Giản Khê.

Bóng Giản Khê hiện ra tít đằng xa, dần dần tụ lại thành một hình ảnh rõ nét, anh mặc áo len dày màu xám, áo phông trắng lộ một viền tròn nơi cổ, dáng dấp trễ nải, ấm áp như ánh nắng chiều.

Giản Khê thấy bốn đứa tôi giống bốn cái cây sắp hàng đứng chờ trước cổng trường trong ánh chiều chạng vạng, liền vẫy vẫy tay kêu lên: “Long trọng quá, cả một đội nghênh đón.”

Nói rồi khẽ vỗ vai Cố Ly và Nam Tương: “Hi.” Tiếp đến vung tay đập vào vai Uyển Như, “Hi, người anh em.”

Kết thúc màn chào hỏi, anh nhẹ nhàng dang tay, kéo tôi lại, áp má vào má tôi, dịu dàng cọ vài cái.

Màn âu yếm kéo dài phải cỡ hơn hai phút, trước ánh mắt chăm chú hết sức nghiêm trọng như đang xem phim của Nam Tương, Cố Ly, Uyển Như, anh mới hơi ngượng ngùng nhích xa tôi một chút.

Đường Uyển Như lập tức nắm lấy cơ hội trả thù: “Giản Khê, trông anh có vẻ đói khát quá rồi đấy.”

Giản Khê khẽ cười, để lộ hàm răng trắng đều tăm tắp: “Hì, người anh em, thế này ăn nhằm gì.” Nói rồi anh bỏ qua sắc mặt trắng nhợt của Đường Uyển Như, quay sang Cố Ly hỏi: “Cố Nguyên đâu?”

Mặt Cố Ly cũng tức khắc trắng nhợt. Nó nhanh chóng chuyển sang cùng trận tuyến với Uyển Như, nhận xét: “Giản Khê, anh khát tình quá, thực ra anh đến đây để tìm Cố Nguyên đấy à.”

Sau khi cả bọn rã đám ai làm việc nấy, tôi mới kể cho Giản Khê chuyện Cố Ly và Cố Nguyên đang chiến tranh lạnh. Vì Cố Nguyên tặng bốn nghìn tệ cho Cố Ly.

“Cố Nguyên đưa phong bì cho bạn gái?” Giản Khê rõ ràng không chấp nhận được.

“Có thể nói như vậy.” Tôi gật gật đầu.

Kỳ thực tôi không cảm thấy Cố Nguyên có gì quá đáng, nhưng tôi cũng hiểu tâm trạng của Cố Ly. Là một kiểm toán viên tương lai, dù nó có nghiêm khắc và lạnh lùng đến mức nào, trong lòng vẫn là một thiếu nữ lãng mạn... kiểu đàn bà. Chúng tôi ai chẳng mong bạn trai tặng hoa hồng tươi thắm, sôcôla ngọt ngào, cuốn sách tuyệt bản bọc trong giấy đẹp đẽ, vé xem phim Harry Potter suất mở màn, chứ không phải tiền mặt trần trụi lạnh tanh. Nhưng lúc Cố Nguyên bảo: “Nếu tôi cũng mua điện thoại, có phải thành ra lãng phí không? Cô ấy đã tự mua một cái mới rồi còn gì,” tôi lại thấy Cố Nguyên cũng có lý.

Nhưng, dù tôi đứng về phía nào, cục diện chiến tranh lạnh giữa hai người bọn họ cũng chẳng thay đổi.

Tách khỏi nhóm, một mình Cố Ly ra sân bóng gần cổng trường.

Sân bóng lúc chiều tối rất vắng. Vận động viên hay sinh viên học thể dục đều đã đi ăn cơm, tắm rửa. Chỉ lác đác vài cặp trai gái yêu đương trên khán đài rộng lớn.

Cố Ly ngồi trên một bậc cấp, ngẩng đầu nhìn những đám mây hồng thẫm trôi vùn vụt trên bầu trời lộng gió. Nó ngắm điện thoại mới, đã tròn một tuần Cố Nguyên không nhắn tin gọi điện. Trong khi cái điện thoại cũ đã hỏng thì đầy ứ tin nhắn của anh. Từ ngắn ngủn kiểu như “Ừ, được rồi,” đến dài lê thê: “Vừa đưa em về ký túc, trên đường quay về nhìn thấy những đôi khác quấn quýt với nhau. Tự nhiên vui. Được quen em rồi thành người yêu của em thật tuyệt vời. Hàng ngày em phải ăn đúng giờ, uống nhiều nước ấm một chút. Gần đây sắc mặt em xanh lắm (anh sẽ không nói em gầy rồi đâu, bởi vì như thế em sẽ sướng điên lên). Có thời gian thì đi nộp lệ phí báo danh kỳ thi cấp 6 tiếng Anh đi, anh nhìn thấy tên em trên bảng thông báo ở hành lang. Đừng quên đấy.”

Cố Ly dụi mắt, không có tí nước mắt nào, nhưng vành mắt đỏ khiếp, sưng mọng trong gió. Sau lưng vẳng đến tiếng cãi nhau của một đôi trai gái.

“Anh đúng là nghèo kiết xác, mời tôi đi xem phim một lần cũng tiếc, đi mua cái đĩa DVD phỉnh tôi.”

“Đàn bà các cô tầm thường quá! Chỉ coi trọng tiền!”

“Không có tiền thì yêu đương gì? Anh tưởng đang đóng phim Quỳnh Dao à? Đừng nghĩ mình là học sinh cấp Ba nữa, tưởng hái cọng cỏ tết thành nhẫn là đã khiến bạn gái khóc nước mắt nước mũi ròng ròng rồi chắc.”

“Cô đi tìm thằng nào nhiều tiền mà yêu, ngày nào nó cũng đưa tiền cho, như máy ATM ý, chỉ cần bấm mật khẩu là, mẹ nó, tiền ùn ùn nhả ra.”

“Anh tưởng tôi không muốn hả, có người như thế tôi đã đá bay anh đi rồi, còn phải đợi?”



Cố Ly không nghe tiếp nữa, nó đứng vụt dậy, rảo chân bước nhanh xuống bậc thang, nhằm hướng ký túc xá nam chạy miết.

Giọng nói chói tai lạnh lùng của cô gái bị bỏ lại xa tít sau lưng.

Cố Ly bưng hộp mì vằn thắn mua ở lề đường, đứng dưới khu nhà ký túc nam hét gọi tên Cố Nguyên. Gọi rất lâu. Cửa sổ phòng anh vẫn tối om, không thấy đèn bật sáng.

Nó gọi vào máy cầm tay của Cố Nguyên, cũng không có ai nghe. Cố Ly lần nữa định đi qua cửa lớn lên tầng tìm anh, nhưng bà quản lý đứng chặn bên ngoài.

“Cháu đến gặp bạn trai cháu.” Cố Ly nhìn khuôn mặt hằn rõ dấu tuổi tác của bà quản lý, nói thẳng.

“Ô... các cô bé bây giờ ghê thật. Bên trong toàn con trai mặc quần sịp chạy tới chạy lui, đều là bạn trai của cô à, cô nhìn hết được không?”

Cố Ly hừ một tiếng, thầm nghĩ: “Chẳng phải bà ngày nào cũng nhìn, nhìn đến nỗi lượng hoóc môn cũng tăng giảm thất thường sao?”, nhưng vẫn không tỏ thái độ gì, xoay người bước đi. Đi qua hết cửa lớn, vừa khuất tầm mắt bà quản lý nó lập tức trèo qua cửa sổ, chạy vụt lên cầu thang.

Trong phòng tối om, không có đèn. Nhưng cửa không khóa.

Cố Ly khẽ đẩy, cánh cửa mở ra ngay.

Nó bước vào, giơ tay gạt công tắc điện trên tường. Dưới ánh đèn sáng trắng, Cố Nguyên đang nằm trên giường, tai nghe bịt kín lỗ tai, iPod đặt bên cạnh.

Cố Nguyên cảm giác có người bật đèn, mở mắt, liền trông thấy Cố Ly đứng ở cửa.

Anh gỡ tai nghe, không nói gì, hai người im lặng nhìn nhau. Một lúc lâu sau, Cố Nguyên cười dịu dàng, giơ hai tay về phía Cố Ly, nói: “Là lỗi của anh.”

Lúc Cố Ly đi xuống, nó hiên ngang đi qua mặt bà quản lý, bà ta há to miệng như trông thấy ma, chưa kịp túm lấy, Cố Ly đã biến mất ngoài cửa.

Trên đường về, trong lòng Cố Ly ngập tràn cảm xúc ngọt ngào và ấm áp.

Cố Nguyên luôn thích bật điều hòa ấm sực cả phòng. Anh mặc áo lót màu trắng bó sát người khi ngủ, mùi thân thể tỏa ra khi ôm ấp chẳng khác nào mùi loại nước hoa dùng quen nhất.

Cố Ly cúi đầu thoáng suy nghĩ, rồi rút điện thoại nhắn tin cho Cố Nguyên.

“Dù không ngon, anh cũng phải ăn hết nhé. Thiếu gia khảnh ăn của em. Bởi vì đây là em mua đấy. Sau này em không giận anh nữa.”

Cố Nguyên cầm chiếc điện thoại đang rung lên, mở ra, nhìn thấy hình của Cố Ly. Trong điện thoại của anh, Cố Ly được đặt tên là “Bà xã”.

Cố Nguyên bấm phím, đọc tin nhắn, rồi trả lời ngay.

Sau đó anh cúi xuống, mở hộp mì vằn thắn Cố Ly mua mang đến.

Anh không hề tiết lộ với Cố Ly rằng, đây là bữa ăn đầu tiên của anh trong suốt hơn một ngày nay. Tất nhiên anh cũng không nói với Cố Ly, mấy hôm rồi thẻ tín dụng của anh không rút được đồng nào, ví cũng sạch nhẵn.

Anh tuyệt đối không đả động tới việc đã xảy đến với mình mấy ngày này trước mặt Cố Ly.

Anh gắp một miếng vằn thắn đưa vào miệng, nước mắt nóng bỏng giọt xuống chiếc hộp nhựa trắng.

Dưới ánh đèn đường chiều tối, Cố Ly nhận tin nhắn trả lời của Cố Nguyên.

“Anh yêu em.”

Đó là tin nhắn đầu tiên của Cố Nguyên gửi đến điện thoại mới của Cố Ly.