Thợ Sửa Giày

Chương 102: Gặp mẹ vợ



Tất cả đồ đạc liên quan đến Lâm Tri ở nhà họ Lâm về cơ bản đều được Nhiếp Chấn Hoành đóng gói mang đi hết.

Thật ra cũng không nhiều lắm, chỉ có cái bọc trong phòng kho, với mấy túi quần áo đơn giản rẻ tiền nhưng rất phù hợp với khí chất của bé con thôi.

Nhiếp Chấn Hoành biết, thật ra vai diễn chủ nợ đến nhà gây chuyện mà anh đang sắm cũng không hợp với hành vi phá vỡ hình tượng thế này, nhưng anh vẫn làm. Bởi vì ở trong lòng anh, chẳng có gì quan trọng bằng bé con của anh.

Còn cặp vợ chồng hiếp yếu sợ mạnh kia, thì thậm chí còn chẳng chất vấn nổi lấy một câu.

Trên đường về, Văn Nguyệt cũng kể cho hai người nghe chuyện trùng hợp mà chị gặp phải.

Hóa ra bé trai nghịch cát trong sân chơi lúc họ tới dưới tòa nhà chính là Lâm Diệu Tổ, đứa con trong cuộc hôn nhân thứ hai của Lâm Kiến. Trước kia chắc hẳn thằng bé cũng được nuông chiều, nên nói năng rõ là bảnh chọe. Nhưng rõ ràng nó rất nhát gan, cũng có thói quen nhìn mặt đoán ý khi nói chuyện với người lớn.

Không biết có phải vì mới chuyển trường qua đây không, mà Lâm Diệu Tổ không có bạn bè cùng tuổi, chỉ nhàm chán chơi một mình ở dưới lầu. Hôm nay là cuối tuần, hồi trước nó toàn phải đi học thêm, giờ không phải học nên nó sướng lắm. Nhưng mới sáng sớm tinh mơ mẹ nó đã xùy nó ra ngoài chơi một mình, Lâm Diệu Tổ cũng rầu ghê.

Văn Nguyệt kín đáo hỏi thăm tình hình gia đình bé trai. Thấy đã gần đến lúc về mà hai người đàn ông trên lầu còn chưa đi xuống, chị mới dắt thằng bé lên, bởi vậy mới đụng phải Nhiếp Chấn Hoành và Cao Hải ở ngoài cửa nhà.

“Sống trong hoàn cảnh gia đình thế này, không vặn vẹo tâm lý, thì cũng bị bắt phải trưởng thành sớm thôi!” Cao Hải nghe hết những gì vợ kể thì không khỏi cảm thán, nhưng lại bị Văn Nguyệt túm gáy, quở trách anh chàng không biết nói điều hay, chỉ biết bàn cái dở.

“Ấy, ý anh không phải thế. Ừm còn, Tiểu… chị dâu thì đã thôi sống với ông bố khốn nạn này lâu lắm rồi còn gì, không ảnh hưởng, không ảnh hưởng.”

Nhiếp Chấn Hoành ngồi ở ghế phụ lại lắc đầu, “Vẫn bị ảnh hưởng đấy.”

“Ấy thế thì có vấn đề gì đâu, chẳng phải giờ đã có anh Hai rồi đó sao!” Cao Hải khoát tay, “Sau này sẽ có gia đình hạnh phúc thôi mà!”

Nhiếp Chấn Hoành bật cười trước câu nói của anh chàng, “Chú khéo miệng nhỉ.”

Nhưng Cao Hải thì khác, chẳng rõ anh ta suy chuyện này đến chuyện gì, mà nụ cười chợt vụt tắt. Anh chàng lặng mất một lúc lâu, rồi mới lên tiếng, “Mọi người nói xem… hồi đó, có phải cũng vì nhà nghèo quá, nên chú Tư mới… chỉ hám tiền, chẳng màng tình nghĩa không ạ?”

Bầu không khí trong xe bỗng trở nên nặng nề, Văn Nguyệt cất lời trước, “Không, Đại Hải ạ. Mình không lựa chọn được nơi mình sinh ra, nhưng có thể lựa chọn con đường mình đi sau này.

“Cùng đường là một chuyện, nhưng có đường ngay không đi, lại muốn quành lối tắt, đấy lại là một chuyện khác.”

Sự việc năm xưa là một cái dằm cắm trong tim những người ngồi trên xe, đâm rất sâu và vô cùng đau đớn. Hồi Nhiếp Chấn Hoành và chú Ba còn đang xử lý những công việc tiếp theo của nhà xưởng, chính Văn Nguyệt đã một mình lần theo dấu vết, đuổi từ Dung Thành đến vùng duyên hải, cuối cùng bắt được chú Tư, đưa hắn vào tù.

Đến lúc đó, miếng dằm trong tim họ mới được rút ra, chẳng qua thi thoảng nhắc lại, chỗ ấy vẫn mưng mủ chảy máu. May thay, thời gian là liều thuốc hữu hiệu nhất. Chí ít bây giờ nhắc lại, họ cũng không còn lặng im mãi nữa.

“Hôm nay trời đẹp nhỉ.”

Nhiếp Chấn Hoành ấn cửa sổ lồi xuống, khuỷu tay chìa ra ngoài. Anh cài chiếc kính râm ban nãy mình đeo để hóa trang lên đỉnh đầu, ngước lên nhìn trời xanh mây trắng đẹp tươi rạng rỡ.

“Đi thôi, được hôm cả nhà cùng ở đây, mình đi thăm anh Cả đi.”

*

Tại công viên nghĩa trang Nam Sơn, ba người cùng đứng bên cạnh một tấm bia, trò chuyện thật lâu với chàng trai đang cười tươi rạng rỡ trong bức ảnh đen trắng.



Kể về cuộc sống của nhau, nhắc lại những điều thú vị ngày xưa, nói đến “chàng vợ” mà Nhiếp Chấn Hoành mới hốt được, hứa hẹn xưởng giày của Cao Hải rồi sẽ phát tiển thế nào… Hình như cứ gặp bạn cũ là câu chuyện luôn tuôn ra bất tận, mặc dù, người ấy đã không thể đáp lại họ nữa.

Đến cuối cùng, họ đều không khỏi cảm thán, thế mà họ cũng đã đến cái tuổi hoài niệm quá khứ rồi đấy.

“Nếu có thể sống lại lần nữa, thì em nhất định sẽ chí thú học hành, hướng về tương lai!”

Cao Hải vuốt bụng, thở dài. Mấy năm nay đi làm ăn buôn bán nhiều, anh chàng cũng tuyển rất nhiều nhân viên có bằng cấp cao. Mãi về sau anh ta mới nhận ra rằng, người càng có học vấn cao, thì lại càng được quý mến. Chưa cần nói đến chuyện khác, riêng đầu óc họ đã linh hoạt hơn anh chàng biết bao nhiêu lần rồi.

“Nếu được sống lại lần nữa, em phải kéo tiền của cha em về từ sớm, chẳng để thằng con rơi con rớt kia được hời.” Văn Nguyệt nghĩ rất đơn giản.

“Anh, anh thì sao ạ?”

Nhiếp Chấn Hoành sửng sốt, “Anh ấy à.”

“Nếu thực sự được sống lại lần nữa…” Anh cụp mắt nhìn xuống chân trái của mình, thầm thì, “Nếu thực sự được sống lại lần nữa, có lẽ anh sẽ đưa bé nhà anh về, nuôi em ấy lớn.”

Để thời niên thiếu của ve con nhà anh không còn vô vị khổ sở và phải chịu nhiều tổn thương như thế nữa, để cậu được anh chở che, được sống hạnh phúc, được nhìn thấy những điểm tốt đẹp của thế giới này sớm hơn.

Giờ cũng muộn rồi, ba người để bó hoa lại, rồi quay trở về.

Ngọn núi Nam Sơn này bảo lớn không lớn nói nhỏ không nhỏ. Chạy xe từ chân núi lên đỉnh núi chỉ mất hơn mười phút, nhưng nó lại là nơi mai táng của mấy vạn kiếp người. Giờ người ta cũng không hay đào sâu chôn chặt nữa, mà chỉ để một hũ tro vào khoảng mộ chưa đến một mét vuông, lập tấm bia phía trên, ghi lại vắn tắt cuộc đời của người đã khuất.

Ba người đi xuống theo con đường nhỏ và bậc thang lúc mình tới. Cứ qua một tầng, là lại lướt qua được hơn chục tấm bia. Trước kia đến đây viếng anh Cả, Nhiếp Chấn Hoành chẳng bao giờ để tâm đến những người xa lạ đã từ trần ấy, nhưng hôm nay không biết tại sao, ánh mắt anh luôn lướt qua những tấm bia này.

Bỗng dưng, anh thoáng dừng lại trước một cái tên quen thuộc.

“Sao thế?”

Cao Hải và Văn Nguyệt đi đằng trước phát hiện người phía sau không nhấc gót, thì ngoái lại hỏi.

“Hai người lên xe trước, chờ em một lát nhé.” Nhiếp Chấn Hoành không giải thích quá nhiều, chỉ rảo bước về phía cửa hàng bán hoa trong nghĩa trang.

Còn Văn Nguyệt tinh mắt thì đã nhìn thấy cái tên ở góc dưới bên trái ngôi mộ khiến Nhiếp Chấn Hoành dừng bước. Chị thức thời kéo Cao Hải còn định hỏi thêm mấy câu đi luôn.

“Sao đấy? Anh Hai thấy người quen à?” Cao Hải vẫn lơ mơ ngoài cuộc.

Đôi lúc Văn Nguyệt cũng phải bội phục cái sự khờ khạo của chồng mình, chị phát chồng một cái, rồi mới thì thầm, “Đấy là ngôi mộ mà Lâm Tri lập cho mẹ thằng bé đấy!”

“Hả? À à, vậy thì anh không quấy rầy anh Hai đoàn tụ với mẹ vợ nữa.”

“Anh im đi được không! Đoàn tụ là từ sử dụng được ở chỗ thế này hả?!” Văn Nguyệt quả thực sắp tức chết đến nơi.

“Úi chết, vạ miệng!” Cao Hải vội vàng đập vào mồm mình mấy cái, rồi lại chắp tay trước ngực vái vái, “Thưa dì, mong dì thứ lỗi cho cháu. Anh cháu còn khỏe mạnh trai tráng, còn ở bên đứa con trai quý báu của dì được thêm mấy chục năm nữa, xin dì chiếu cố cho anh cháu.”

Nếu Hứa Như trên trời có linh, e là cũng phải bật cười vì sự khờ khạo của Cao Hải.



Đến khi Nhiếp Chấn Hoành ôm một bó cúc trắng đứng trước mộ bà, người phụ nữ trong bức ảnh trên tấm bia vẫn cười dịu dàng. Nhiếp Chấn Hoành khom lưng, tôn kính đặt bó hoa lên mộ.

“… Mẹ.” Anh ngồi xổm xuống, móc khăn giấy ra, vừa lau bụi bặm trên mặt đá, vừa nói, “Con xin mặt dày gọi người là mẹ ạ.

“Giờ Lâm Tri đang ở bên con, sau này, con cũng mong mình có thể chăm sóc em ấy mãi mãi. Nên sớm muộn gì con cũng phải gọi người là “mẹ” thôi. Hôm nay con xin giấu Tri Tri làm quen với mẹ trước.

“Bản thân con cũng chẳng giỏi giang gì, chỉ mở một tiệm sửa giày nhỏ sống tạm qua ngày. Không kiếm được nhiều tiền lắm, chân còn què.

“Nhưng may thay con xin tự nhận tình yêu mình dành cho Lâm Tri vẫn rất chân thành.

“Em ấy… ngoan lắm, cảm ơn mẹ, đã dạy dỗ em ấy nên người.

“Sau khi xa mẹ, em ấy từng phải trải qua một khoảng thời gian khổ sở. May mà tất cả đã qua rồi. Giờ tụi con sống ổn lắm, hàng xóm láng giềng xung quanh đều rất tốt tính, em nhà mình cũng cười nhiều hơn rồi.

“À, con quên mất, ngày xưa mẹ cũng thường tới khu tập thể cũ. Mẹ còn từng mua đồ ở tiệm con đúng không ạ? Đáng ra lúc đó con phải làm quen với mẹ.

“Nhưng thôi không sao. Đôi lúc duyên phận diệu kỳ vậy đấy. Mẹ con mình gặp nhau, con gặp được Tri Tri, tất cả đều là duyên phận, phải không mẹ nhỉ?

“Tuy giờ con chưa thể đảm bảo mình là người hiểu nhất thương em ấy nhất cõi đời này, nhưng con mong rằng mình sẽ trở thành người ấy. Mẹ, có lẽ mẹ không hài lòng với giới tính của con lắm, nhưng con cũng đành vin vào cớ mẹ không mắng được con nữa, mà coi như mẹ đã đồng ý tác thành cho chúng con.

“Thật ra lúc nào Tri Tri cũng nhớ mẹ đó ạ. Nhưng em ấy lớn rồi, ít khóc nhè lắm. Con cũng như em nhà mình, đều cảm thấy mẹ vẫn còn đây, chỉ là mẹ đang ở bên em ấy bằng một cách khác mà thôi.

“Mẹ yên tâm, cũng xin mẹ luôn dõi theo chúng con nhé. Sau này con sẽ luôn che chở cho em ấy, sẽ cố gắng để em ấy được vui vẻ mỗi ngày.

“Lần tới, con lại đưa em nhà tới đây thăm mẹ. Mong rằng… mẹ có thể thích sự thay đổi của em ấy.”



Nha Đậu:

Lão Nhiếp sống lại vào năm mình 18 tuổi.

Mở mắt ra, điều đầu tiên anh làm là chạy đến khu dân cư mình vừa tới gây sự trong ký ức để tìm Chít Chít.

Lúc chờ đèn đỏ, anh chợt thấy một toán trẻ con được giáo viên cầm cờ dẫn về sau giờ tan học. Các bé đeo cặp đỏ, đội mũ vàng, xếp hàng qua đường.

Trẻ nhỏ thích chơi đùa, tuy đã có giáo viên hô hào, nhưng mấy bé trai ở cuối hàng vẫn chơi chạy đuổi trốn tìm.

Có một cậu bé trắng trẻo đang trong phiên bị đuổi, bé cười khanh khách, bất cẩn suýt chạy qua vạch sang đường. Nhiếp Chấn Hoành thấy thế thì vội duỗi tay túm cái tai nhỏ trên chiếc mũ vàng của bé kéo bé lại.

“Leng keng ——”

Đèn chuyển xanh.

Chỉ vì gặp được một đôi má lúm đồng tiền quen thuộc, mà Nhiếp Chấn Hoành bỗng dưng cun cút đi theo đám con nít.