Quởn Qua Quởn Lại Giữa Vô Vàn Thế Giới

Chương 169: Lễ giáo



**1**.

Ta tên là Lam Thủy.

Là thầy dạy học trong ngôi làng này.

Mỗi sáng, đám trẻ con sẽ đến đây nghe ta dạy học.

Học chữ, học đạo, học cách tuân thủ lễ giáo.

Mặc dù ta có tiếng là người khó tính.

Nhưng nghiêm sư xuất cao đồ.

Người dân trong làng vì thế mà vô cùng tôn trọng ta.

**2**.

Trong làng, có một vị đại phu.

Tên hắn là Chu Thổ.

Mỗi khi có ai trong làng không khỏe, đều tìm hắn bốc thuốc.

Mặc dù đại phu là người học y, so với nông phu bình thường thì địa vị cao hơn.

Nhưng tính tình Chu Thổ chân chất, mộc mạc, giản dị.

Nên tính ra cũng không khác mấy so với người làm nông.

**3**.

Thật ra, ta không phải người trong làng này.

Cũng không phải thầy dạy chữ thông thường.

Ta là thần.

Cách đây không lâu, thần giới và ma giới đánh nhau dữ dội.

Dẫn đến rất nhiều vị thần thân vong.

Cũng dẫn đến rất nhiều vị trí không ai chưởng quản.

Bởi vậy nên, ta vừa phi thăng liền được giao cho vị trí quan trọng.

Thế nhưng, ta làm thần được vài năm thì lại phải xuống trần.

Trong thần giới có một quy định dành cho những vị thần mới phi thăng, trong vòng mười năm kể từ khi nhậm chức, phải lịch kiếp một lần.

Đây là truyền thống của thần giới, trọng tâm là để nhắc nhở chư thần về nổi khổ ở nhân gian.

Thế là ta đi lịch kiếp.

Vốn dĩ theo quy định về việc lịch kiếp, chỉ cần chết là có thể trở về thần giới.

Có người vừa sinh ra thì được chết non, nên lập tức trở về.

Có người xui xẻo lúc ở trần thế tu nhầm đạo pháp nào đó, khiến cả trăm, thậm chí là cả ngàn năm sau cũng chưa về được.

So với số đông, ta cũng tính là khá may mắn, làm người được hai mươi ba năm thì bị truy sát.

Ta được truy binh bắn trọng thương bên sườn núi, máu chảy rất nhiều, cận kề cái chết

Đáng lý ra ta đã trở lại thần giới từ lâu rồi.

Đó là nếu tên đại phu nào đó không đi ngang qua vác ta về nhà, cứu ta trở lại từ cõi chết.

**4**.

Trường hợp của ta khá đặc biệt, rất hiếm khi xảy ra.

Vì vậy mà cũng xảy ra nhiều chuyện khó xử.

Một mặt, ta lúc đó bị thương rất rất nặng, dường như đã đặt một chân xuống mồ. Nhờ vậy, kí ức và một chút pháp lực khi làm thần của ta may mắn trở về.

Mặt khác, ta vẫn sống, còn sống rất khỏe. Bởi vậy nên ta vẫn phải tiếp tục việc lịch kiếp của mình.

**5**.

Ta được tên đại phu Chu Thổ kia cứu một mạng, mắc kẹt ở nhân gian.

Tạm thời đành nán lại ngôi làng này, làm thầy dạy học, kiếm kế sinh nhai.

Mới đó mà nhiều năm đã trôi qua.

**6**.

Thật ra...

Ta hoàn toàn có thể tự sát để trở về thần giới.

Thế nhưng ta vẫn lựa chọn ở lại đây.

Nguyên do là...

...**7**....

Tan học, đám học trò đều về nhà.

Ta sống một mình, lũ trẻ vừa rời đi, khung cảnh xung quanh liền trở nên thinh lặng.

Ta quay lưng đi nấu cơm.

Nấu cơm xong, ta dọn cơm lên bàn.

Dọn cơm xong, ta ngồi xuống.

Chuẩn bị ăn cơm.

Bất thình lình, có một người ngang nhiên mở cửa, xông thẳng vào nhà ta.

Hắn ngồi xuống bàn của ta, thản nhiên gắp thức ăn của ta.

Thấy ta nhìn hắn, hắn cũng ngang nhiên nhìn ngược lại ta.

"A Thủy, ngươi dạy học từ sáng đến chiều rồi, không cảm thấy đói sao? Mau mau gắp cơm đi."

Mặc dù trong lòng không vui, ta vẫn phải kiềm chế bản thân, nhã nhặn nói với hắn:

"Chu đại phu, vào nhà người khác không gõ cửa là thiếu lễ giáo."

Hắn vừa ngốn cơm vào miệng, vừa giương mắt nhìn ta.

"Không được mời mà tự ý ngồi, tự ý ăn cơm cũng là thiếu lễ giáo."

Hắn vẫn trơ mắt ra nhìn.

Nhắc nhẹ không xong, ta liền thuyết giáo cho hắn một bài về đạo làm khách.

Sau một hồi nói đến khàn cổ, cơm canh cũng nguội lạnh, Chu Thổ đột ngột đứng dậy.

Đi ra ngoài.

**8**.

Nhìn hắn rời đi, trong lòng ta có hơi hụt hẫng.

Ta hụt hẫng là vì e ngại bản thân mình ban nãy có hơi mất khống chế, không làm trọn đạo đãi khách. Chứ ta không tiếc nuối gì cái tên đại phu thô lỗ đó đâu.

Ta ngồi trong nhà, im lặng một hồi lâu.

Thì bất chợt ở bên ngoài có tiếng gõ cửa.

Ta mở cửa ra, cái khuôn mặt thô thiển kia liền lập tức đanh lại, làm vẻ nghiêm trang, trịnh trọng.

"Buổi chiều trời mát, ta qua đây muốn xin tách trà, không biết gia chủ có thể tiếp đón?"

**9**.

Ta mời Chu Thổ vào dùng cơm chiều.

Ta mời hắn vào là để trọn đạo đãi khách thôi.

Nếu không phải vì lễ giáo, ta cũng chẳng muốn tốn cơm tốn nước vì cái thứ thổ thiển này.

**10**.

Ăn uống xong xuôi thì trời cũng tối. Chu Thổ phụ ta mang chén bát ra sau nhà.

Trong lúc rửa chén, hắn bất cẩn quẹt tay vào đâu đó, bị thương.

Vết thương nhỏ như đầu kim thêu, nặn nửa ngày trời mới ra một giọt máu.

Vậy mà cái tên thô thiển đó lại kêu khóc ầm lên, bắt ta xem cho hắn.

Ta chau mày nhắc nhở hắn, hắn là đại phu trong làng.

Cả làng này ai đau ai ốm đều trông cậy vào hắn. Tại sao có vết thương bé tí này hắn lại phải nhờ ta?

Chu Thổ nói, hắn chữa cho người khác thì được, tự chữa cho mình thì hơi khó khăn, cần có người phụ giúp.

Ta hỏi phụ giúp thế nào.

Hắn nói: "Ngươi phải hôn lên vết thương, nó mới khép miệng."

Ta ngồi xuống ghế, bắt chéo chân khoanh tay liếc hắn.

"Vô vị." Ta nói.

Loại chuyện nhảm nhí này, ta sẽ không làm.

Tên thô thiển đó nghe vậy, vừa chùi vết thương vào quần, vừa cười nói:

"Nếu ngươi không muốn hôn cũng không sao, để ta hôn ngươi là được, công dụng trị thương đều như nhau."

Ta quay mặt đi, mắng hắn lỗ mãng.

Còn nói, hắn vừa ăn cơm xong, miệng toàn rau với cá, đừng hòng ta để hắn hôn ta với cái miệng như vậy.

Bị ta mắng, hắn liền nhìn ta, hai mắt lưng tròng.

Hắn nói vết thương của hắn nghiêm trọng lắm. Nếu không được chữa trị sẽ mất máu mà chết.

"A Thủy, cầu xin ngươi hãy cứu cái mạng chó này của ta đi."

**11**.

Trong sách có nói.

Cứu một mạng người hơn xây bảy tháp phù đồ.

Tất cả những việc ta làm với hắn.

Và để hắn làm với ta.

Tất cả đều là vì đạo nghĩa, lễ giáo.

**12**.

Ta vốn là thần.

Bởi vì lịch kiếp mà xuống phàm.

Ở trần thế, ta gặp đại nạn trọng thương. Tuy rằng không chết, nhưng lấy lại được ký ức và pháp lực lúc làm thần.

Vốn dĩ ta có thể tự sát, hoàn thành việc lịch kiếp, trở lại làm thần.

Tuy nhiên ta quyết định sẽ không làm vậy.

Nguyên nhân là do trong sách có nói, cơ thể con người là do cha mẹ ban cho.

Tự ý hủy hoại là đại nghịch bất đạo

Không hợp lễ giáo.

Ta không tự sát, tự nguyện sống tiếp ở trần gian, hoàn toàn là vì lễ giáo.

Hoàn toàn...

Là vì lễ giáo.