Hội Tiến Bộ

Chương 3: Một Vụ Làm Ăn Không Suôn Sẽ



“Chậc chậc.”

“Hon.”

“Chậc chậc.”

“Hon! Chúng ta đang bàn việc nghiêm túc đấy!” Đức gắt lên.

“Sorry sếp.” Hon lí nhí, “Tại tôi thấy… hơi tiếc thôi.”

“Hồ sơ của tôi có vấn đề à?” Hoàng hỏi.

“Vâng, đúng là vậy đấy.”

Vào lúc mười giờ sáng ngày thứ Ba, có một người đàn ông trong bộ vest đen bước vào ngân hàng Wilshire và nói rằng ông ta muốn vay một khoảng tiền để đầu tư. Ban đầu Kiệt nói với ông ta là “Ở đây chúng tôi không làm thế.” Nhưng rồi ngài Kim xuất hiện và nói rằng ông cho phép làm vậy, vì dẫu sao ngân hàng cả tháng qua cũng không có nhiều khách tới vay tiền mua nhà hay mua xe gì cả.

Ngài Kim sau đó đã gọi Đức, Hon, và Hạnh tới để cùng giúp đỡ người đàn ông – có tên là Nhậm Thanh Hoàng. Bỏ ra những lời giới thiệu dài dòng, hoa mỹ thì ông Hoàng đây là giám đốc của công ty nội thất Hoàng Gia, trụ sở tại số 144 đường Ngô Thời Nhiệm, quận 3. Công ty Hoàng Gia đã thành lập gần hai năm và công việc làm ăn cũng khá tốt nên ông Hoàng muốn vay tiền để mở thêm chi nhánh.

Nói về Hoàng thì đó là một người đàn ông trung niên, dáng người tầm thước. Ông ta có làn da sẫm, khuôn mặt chữ điền, mắt nhỏ, mày rậm, môi dày, đeo một cặp kiếng gọng đen lớn. Mái tóc ngắn, chải rẽ ngôi và có đã có vài sợi ngã màu, đuôi mắt có vài vết chân chim và trán cũng có vài nếp nhăn.

“Chúng ta hãy lên tầng bốn cho rộng rãi nào.” Đức đề nghị, “Hạnh, pha trà cho chúng tôi nhé. Nhớ lấy thêm chút bánh trái nữa.”

Tòa nhà ngân hàng Wilshire nằm tại ngã tư Ba Tháng Hai – Ngô Quyền, quận 10 và có bốn tầng tất cả. Tầng một là quầy giao dịch và phòng chăm sóc, tư vấn khách hàng. Tầng hai là dành cho nhân viên tài chính là Hon và Khang. Tầng ba là phòng giám đốc và phòng kế toán kiêm lưu trữ hồ sơ. Tầng bốn là phòng họp chung, với một cái bàn bầu dục và tám, chín cái ghế. Xung quanh phòng có lắp kính chịu lực và từ đây nhìn xuống có thể thấy được đường phố nhộn nhịp bên dưới.

“Chúng tôi sẽ cần rất nhiều hồ sơ từ phía anh đấy anh Hoàng à.” Ngài Kim nói.

“Tôi đã chuẩn bị sẵn rồi đây.” Hoàng nói và vỗ vỗ vào cái cặp da lớn mà anh ta mang theo.

Trong khi chờ trà và bánh thì Ngài Kim giải thích sơ lược với mọi người về quy trình xem xét cho vay. Ông nói rằng ông có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này nên mọi người hãy cứ yên tâm mà làm việc, có gì thắc mắc thì ông sẽ chỉ dẫn thêm. Vì quy trình làm việc khá dài dòng và tẻ nhạt nên có thể tạm cho qua.

Ba mươi phút sau đó.

“Sao hả anh… Hon. Phải không? Hồ sơ của tôi có vấn đề gì?” Hoàng hỏi.

Hon vừa chặc lưỡi thì thấy cái lườm của Đức và ngài Kim nên bèn giả vờ hắng giọng rồi nói: “Tôi chỉ chiếu theo điều lệ của công ty để nói thôi. Anh Hoàng, công ty của anh được thành lập vào cuối năm 2014, tới hiện tại chỉ mới có hai mươi tháng, chưa đủ khoảng thời gian tối thiểu mà chúng tôi yêu cầu cho doanh nghiệp là hai năm. Bên cạnh đó…” Hon bấm máy tính toán vài cái, “Thu thập của công ty anh cũng… hơi thấp so với con số mà chúng tôi yêu cầu.”

“Vậy là sao? Tôi không thể vay tiền được à?” Hoàng hỏi lại.

“Để chúng tôi bàn bạc thêm đã!” Đức đáp, “Do con số mà anh yêu cầu khá cao nên chúng tôi phải kiểm tra và xem xét thật kĩ lưỡng trước khi đưa ra quyết định.”

“Được thôi, tôi sẽ chờ.” Hoàng nhún vai.

“Được rồi.” Đức mỉm cười, “Nếu anh thật sự muốn vay số tiền đó, chúng tôi có thể cho anh vay. Tuy nhiên, do anh không đáp ứng được một số điều kiện từ phía chúng tôi, anh có thể phải… “nhận” một lãi suất khá cao đấy!”

“Cao là khoảng bao nhiêu?”

Đức nhìn qua Hon và Hon bấm máy, tính toán một chút rồi nói: “Chín chấm sáu mươi lăm phần trăm một năm.”

“Chín chấm?” Hoàng nhổm dậy.

“Sáu mươi lăm.” Hon nói tiếp.

Lần này tới lượt Hoàng chắc lưỡi: “Quá cao! Các anh không có chương trình ưu đãi, hỗ trợ cho doanh nghiệp giống mấy ngân hàng khác sao?”

“Chúng tôi trước giờ đâu có mục vay vốn kinh doanh, chỉ toàn cho vay mua nhà hoặc mua xe thôi. Anh là người đầu tiên đấy! Mà lúc nãy chúng tôi cũng nói với anh rồi còn gì?” Đức nói.

“Tôi cứ nghĩ vì tôi là người đầu tiên nên sẽ được ưu đãi chứ? Nhưng khoan đã, nếu đây là lần đầu tiên thì các anh lấy đâu ra tiêu chí cho vay vậy?”

“Chúng tôi dùng thông số từ bên Mỹ.” Hon đáp.

“Mỹ khác, Việt Nam khác. Các anh coi thử có thể bớt chút đỉnh cho tôi được không? Chứ từ tuần trước tới giờ tôi đã đi hỏi thăm khá nhiều ngân hàng rồi. Chỗ thì từ chối, chỗ thì cho con số trên trời: Mười một, mười hai chấm thì sao tôi chịu nổi?”

“Anh cần tiền gấp lắm sao?” Hon hỏi.

“Tôi đã lỡ đặt cọc thuê văn phòng mới rồi, nhưng sau đó mới nhận ra mình không đủ tiền để sửa sang lại, và ngày khai trương cũng sắp tới gần rồi.”

“Khi nào chi nhánh mới khai trương?”

“Tính là giữa tháng Chín, nhưng chắc giờ phải dời qua đầu tháng Mười.”

“Vậy là anh có gần một tháng rưỡi mà, lo gì?”

“Tôi là người rất khó tính, thành ra tôi muốn chi nhánh được tân trang càng sớm càng tốt, để có gì không hài lòng thì còn sửa chữa lại. Chứ nếu để tới sát tới ngày khai trương mới làm thì rắc rối lắm.”

“Thì dời ngày khai trương lại.”

“Không được!” Hoàng đập bàn, “Tôi đã… phát thiệp mời rồi, có cả mấy vị lãnh đạo phường, quận xuống tham dự nữa.”

Hon vừa nói “Ồ” thì Đức đã đưa tay chặn lại: “Khoan đã, anh có quen biết với chính quyền sao?”

“Cũng có thể nói thế. Họ hàng xa thôi.”

“Thế có ai trong số đó có thể làm bảo trợ tài chính cho anh được không? Có người hỗ trợ tài chính có thể giúp hạ lãi suất của anh xuống kha khá đấy.”

“Tôi không biết họ có chịu không. Hơn nữa, chuyện tiền bạc vốn không nên dính dáng tới người nhà, lỡ có gì không hay xảy ra thì sau này khó nhìn mặt nhau lắm.”

“Cũng phải.” Đức gật gù, “Nếu thế thì chúng tôi không giúp gì được anh rồi. Với quyền hạn của tôi, tôi chỉ có thể giảm cho anh được không chấm năm phần trăm thôi.”

Hoàng im lặng, khuôn mặt lộ rõ vẻ thất vọng: “Thế ngài Kim đây nói sao?”

“Ổng chỉ là người hướng dẫn thôi. Lúc nãy ổng cũng nói là mọi việc cứ tùy tôi quyết định mà?” Đức nói.

“Thế ổng không phải giám đốc sao?”

“Là tổng giám đốc, nhưng mà là chi nhánh bên Mỹ. Còn chi nhánh này thì tôi là giám đốc.”

Hoàng nhíu mày, đứng dậy: “Thôi vậy, tôi… cần thời gian suy nghĩ thêm.”

“Vâng, không sao.” Đức mỉm cười đứng dậy tới bắt tay Hoàng, “Tôi đề nghị anh hãy tham khảo thêm giá cả ở vài ngân hàng nữa rồi hãy đưa ra quyết định sau. Còn cái này là giữa anh và tôi biết thôi nhé: Nếu tìm được một ngân hàng phù hợp thì cứ vay tiền, rồi trả tiền đúng hẹn. Sau sáu tháng tới một năm, anh có thể xin tái cấp tài chính ở một ngân hàng khác với lãi suất thấp hơn nhưng thời gian trả sẽ dài hơn. Anh có thể tìm hiểu thêm trên mạng. “Cái gì không biết thì hỏi Google” mà.”

Hoàng bật cười: “Cám ơn anh! Mà biết đâu lúc đó ngân hàng của anh có thể giúp tôi thì sao?”

Đức nhún vai: “Tôi không chắc. Mới làm cho vay lần đầu mà đã thất bại rồi thì không biết có lần sau không? Nhưng thôi, chắc anh còn bận nhiều việc lắm phải không?”

“Được rồi! Cám ơn nhiều!” Hoàng nói và quay sang bắt tay ngài Kim, Hon và Hạnh. Xong thì anh ta theo lối cầu thang xuống tầng dưới.

“Hạnh à, có ghi chép lại mọi thứ chưa?” Đức hỏi, và Hạnh đáp “Rồi ạ!”

“Tiếc nhỉ! Mối làm ăn lớn thế mà lại bỏ.” Ngài Kim chép miệng, “Thôi thì lần đầu không được còn lần sau mà.” Rồi ông nhìn đồng hồ và kêu lên: “Chà! Đã gần mười hai giờ rồi sao? Có ai muốn đi ăn cơm với tôi không?”

“Tôi đi với ngài.” Hon nói.

“Tôi có cơm hộp mang theo rồi.” Đức nói, “Mà Hon này, nhớ gọi cho Khang nhé. Ổng làm gì mà sáng giờ không thấy mặt, điện thoại cũng không gọi được…”

“Được rồi sếp. Tôi sẽ gọi.” Hon đáp và khoác vai ngài Kim đi xuống lầu, “Ngài có ăn cơm bình dân bao giờ chưa? Tôi biết có một quán ngon và hợp vệ sinh lắm. Để tôi chở ngài đi. Chúng ta sẽ mượn nón bảo hiểm của sếp nhé.”