Giấc Mộng Thanh Xuân

Chương 29: Thầy bỗng nhiên biến mất



Buổi tối, sau khi đã làm xong bài tập về nhà thì tôi nằm trên giường của mình và chờ đợi tin nhắn đến từ thầy. Cả ngày hôm nay tôi không gặp thầy, nhà của thầy ấy khóa kín cổng từ rất sớm. Cho đến lúc trưa tôi về vẫn không thấy cánh cổng đó được mở ra. Thầy ấy là giáo viên đi sớm về muộn cũng không có gì lạ, cái lạ là tôi đã nhắn tin cho thầy từ lâu nhưng đợi mãi tôi vẫn không nhận được câu trả lời.

Thầy ấy luôn trả lời tin nhắn của tôi dù thầy có đang bận, còn bây giờ ngay cả xem thầy ấy cũng không xem. Không nhắn tin với thầy, tôi chơi điện thoại cũng chẳng thấy có gì đặc biệt. Thế nên tôi bỏ điện thoại sang một bên và nằm xuống ngủ. Nhưng rất khó để vào giấc, tôi có cảm giác như mình đã quên uống một liều thuốc an thần. Cứ trằn trọc không yên, quay sang bên này rồi lại quay sang bên kia. Mất một khoảng thời gian, tôi khó chịu ngồi dậy cầm điện thoại lướt qua lướt lại trên facebook.

Tôi cứ lướt như vậy cho đến khi điện thoại "ting" có thông báo tin nhắn, tôi vừa giật mình vừa thấy mừng vì nghĩ thầy đã trả lời nhưng khi tôi kiểm tra thì mới biết người vừa nhắn tin là liên đội trưởng.

[Em vẫn chưa ngủ à?]

Sau lần đầu anh ấy nhắn tin xin lỗi tôi thì tôi và anh bắt đầu thường xuyên nhắn tin cho nhau. Chúng tôi sẽ nhắn tin khi mà anh ấy không bận học bài, nhiều khi tôi còn phải trả lời cả tin nhắn của anh ấy và thầy cùng một lúc. Mỗi lần như tôi đều nằm trong giường tủm tỉm cười một mình và nghĩ rằng bản thân như đang bắt cá hai tay vậy.

Tôi ngồi thẳng dậy để trả lời tin nhắn của anh [Chưa, em chưa buồn ngủ.]

[Vừa hay anh đang muốn hỏi em chuyện này.]

[Anh muốn hỏi chuyện gì?]

[Sáng nay em có đi đâu qua làng của anh không? Lúc anh đang đá bóng có nhìn thấy một người đạp xe qua trông rất giống em.] Anh nhìn thấy tôi rồi, sao lúc đó tôi không phát hiện ra nhỉ? Tôi nhớ là mình đã đi qua và không bắt gặp ánh mắt của anh, không lẽ là sau khi tôi đi thì anh mới nhận ra qua bóng lưng của tôi.

[Hôm nay em đến nhà lớp trưởng lớp em để viết báo tường, em có nhìn thấy anh nhưng lúc đó em có việc nên không dừng lại xem.]

[Anh còn tưởng mình nhìn nhầm.]

[Mà đội của anh thắng hay thua thế?]

[Anh thua.]

[Em chỉ nhìn qua nhưng em thấy anh bắt bóng giỏi lắm mà. Sao lại thua được?]

Nhắn tin xong, tôi ngồi đợi anh trả lời. Dòng tin nhắn của anh cứ ẩn rồi lại hiện, có vẻ như anh ấy đang viết gì đó khá là dài. Tôi kiên nhẫn đợi tin của anh, khoảng mấy phút sau thì dòng tin nhắn của anh cũng hiện ra.

[Anh không giỏi như vậy đâu, đối với anh thắng thua là do cả đội đoàn kết hỗ trợ nhau. Không có ai đặc biệt giỏi, mỗi một người đều sẽ có điểm mạnh riêng. Chẳng qua là anh phù hợp với vị trí thủ môn nên em mới cảm thấy như vậy thôi.]

[Nói chung với em anh làm gì cũng giỏi.] Lời này nói ra thực sự không phải là nịnh anh ấy, liên đội trưởng rất giỏi. Anh từng đạt giải nhất ở nhiều cuộc thi như điền kinh, cờ vây và ở các cuộc thi học sinh giỏi khác mà tôi không nhớ tên. Năm nào anh cũng được tuyên dương trước trường, là tấm gương sáng chói nhất của trường chúng tôi.

[Cảm ơn em.] Anh ấy nhắn xong thì lại nhắn thêm một câu nữa [Chủ nhật tuần sau em có bận gì không?]

[Em không biết nữa, anh hỏi có gì không?]

[Anh muốn rủ em đi chơi. Anh thi sắp xong rồi cho nên chủ nhật anh khá rảnh.]

[Em không chắc lắm, em sợ hôm đó phải đi học thêm.] Mà cho dù tôi không học thêm thì có khi lúc đó còn phải đi viết báo tường nữa.

[Em bận lắm sao? Anh chưa từng đi chơi cùng em nên bây giờ muốn rủ em đi, xem ra phải đợi dịp khác rồi.] Dường như tôi đang cảm nhận được sự thất vọng trong dòng tin nhắn của anh. Tôi không muốn từ chối bất kỳ ai nhưng tôi lo lắng đến hôm đó mà thất hứa thì lại càng thấy có lỗi nhiều hơn.

[Em không có nói là không đi được, hay là đến hôm đó nếu không có việc gì thì em nhắn tin báo với anh có được không?]

[Ừ, như vậy cũng được.]

Thật may khi anh ấy chấp nhận, tôi chỉ lo làm anh thấy không thoải mái. Bây giờ phải chờ đến cuối tuần mới biết được, tất nhiên vào tối hôm thứ bảy tôi sẽ nhắn tin hỏi thầy trước rồi mới thông báo cho anh ấy biết.

Nhưng mà, sau khi tôi dừng nhắn tin với liên đội trưởng thì vẫn không nhận được tin nhắn của thầy. Không biết thầy bận việc gì mà từ sáng đến giờ tôi không thể gặp cũng không thể nhắn tin với thầy. Tôi có chút thất vọng. Tuy nhiên nhiều hơn là sự lo lắng, lo lắng thầy gặp chuyện gì đó. Vì từ trước đến giờ tôi muốn gặp muốn nhắn tin cho thầy đều rất đơn giản. Thầy sẽ trả lời tin nhắn dù đã nửa đêm. Chỉ có hôm nay tôi sang nhà thầy năm lần bảy lượt mà cánh cổng vẫn luôn đóng kín, nhắn tin thầy cũng không trả lời.

Tôi ráng đợi đến sáng hôm sau với suy nghĩ có thể thầy đi đâu về mệt nên không muốn trả lời.

Nhưng buổi sáng hôm sau khi thức dậy, tôi kiểm tra điện thoại lại không thấy có thông báo gì. Cho đến lúc đi học, tôi vẫn nhìn thấy cánh cổng nhà thầy được khóa kín. Mà điều làm tôi cảm thấy lạ hơn nữa, đó là hôm nay có tiết của thầy nhưng thầy không dạy mà do giáo viên khác dạy thay.

Trước khi dạy, giáo viên đó nói rằng thầy có việc bận nghỉ vài hôm nên cô ấy dạy thay.

Nghe xong tôi càng thấy bất an, biết rằng thầy không có nghĩa vụ gì phải thông báo cho tôi hay cho bất kỳ ai về việc thầy đi đâu và làm gì. Nhưng thầy ấy đột nhiên biến mất không nói lý do không để lại chút thông tin nào, cũng chẳng có ai từng nhìn thấy thầy rời đi. Dường như thầy đã đi từ rất sớm nên mới không gặp ai, không biết là thầy gặp chuyện gì hay người thân của thầy có chuyện nên mới khiến thầy đi gấp gáp như vậy.

Sau mấy hôm, thầy ấy vẫn chưa quay lại. Hàng xóm được đà đứng bàn tán với nhau, ai cũng nghĩ thầy bỏ đi rồi. Tôi còn nghe được vài thông tin mà không biết là nó có chính xác hay không. Một bác hàng xóm đã nói rằng căn nhà mà thầy đang ở là của ông nội của thầy. Ông nội thầy trước khi mất đã sang tên căn nhà sang cho thầy ấy còn bà nội được gia đình thầy đưa lên thành phố để tiện chăm sóc. Từ đó căn nhà bị bỏ không nên mới cho người ta thuê.

Về sau thầy vì có hiềm khích gì đó rất lớn với gia đình nên mới về đây sinh sống và làm việc. Bác ấy còn nói quá đáng hơn là thầy bị đuổi ra khỏi nhà, nói cái gì mà thầy ăn chơi trác táng không lo thi đại học. Tôi càng nghe càng thấy vô lý, đến cả mẹ của tôi cũng phải lên tiếng bênh vực thầy. Mẹ tôi trước giờ không tin vào lời đồn, vì những lời đồn ở làng tôi nhiều vô số kể mà chưa lần nào nói đúng sự thật. Cho nên bây giờ mẹ tôi cũng không tin, vả lại nhiều lần mời thầy ăn cơm và được thầy giúp đỡ cũng đủ để hiểu thầy ấy không phải là con người như bác hàng xóm nói.

Tôi không tin một người với tính tình trầm tĩnh và tốt bụng như thầy sẽ bỏ nhà ra đi rồi lại ăn chơi đàn đúm. Chắc chắn phải có lý do gì đó nên thầy mới chọn về quê mà không phải là ở lại trên thành phố. Những lời bác hàng xóm nói vừa vô căn cứ lại rất quá đáng, tôi đã vào nhà và không đứng nghe thêm nữa. Dù bác ấy có nói thêm câu gì thì chắc chắn cũng là điều không tốt, tôi thà không biết còn hơn phải nghe những lời chối tai.

Lời bàn tán đó càng ngày càng đi xa. Không ai biết thông tin gì liên quan đến thầy nên mọi người dần cho nó là sự thật.
Cho đến buổi sáng hôm thứ năm thầy ấy đã quay lại. Lúc này mọi người mới thôi dị nghị bàn tán. Khi mà thầy về thì lúc đó tôi vẫn đang học ở trên trường. Đi học về nghe bố mẹ kể lại mới biết bà nội của thầy đã qua đời, thầy về để dự đám tang. Khi đó người nhà gọi cho thầy vào lúc nửa đêm nên thầy ấy mới đi gấp gáp như vậy. Có lẽ thầy ấy đã vô cùng đau buồn và bận rộn trong đám tang của bà nên mới không có thời gian để thông báo với ai hay trả lời tin nhắn của tôi.

Thay quần áo xong thì tôi sang nhà gặp thầy, thầy ấy đang sắp xếp lại hành lý của mình. Tôi vào nhà với ánh mắt thăm dò mà nhìn chằm chằm thầy.

"Em nhìn đủ chưa?" Thầy đang bận rộn với mớ hành lý cũng phải dừng lại nhắc nhở tôi.

Tôi cứ tưởng thầy sẽ tỏ vẻ chán nản hay đau buồn nhưng nhìn vào biểu cảm của thầy không giống như vừa đi đám tang người thân, vô cùng bình tĩnh. Giống như thầy ấy chỉ mới đi công tác ở đâu đó mới về.

Hoặc có lẽ thầy cũng giống như người nhà tôi. Lúc mà ông bà nội tôi mất, mọi người chỉ khóc lóc đau buồn vào hai ngày diễn ra tang lễ. Đến ngày thứ ba thì cả bố mẹ và cô, chú, bác của tôi lại trở về trạng thái như thường ngày, tuy không cười đùa nhưng không còn những giọt nước mắt hay gương mặt phờ phạc hốc hác như lúc tổ chức tang lễ. Tôi từng hỏi mẹ lý do, mẹ tôi chỉ nói mọi người vẫn phải tiếp tục sống cuộc sống của mình còn sự đau buồn thì luôn in dấu trong lòng chưa từng nhạt phai.

Đến giờ tôi mới nhớ ra mình còn chưa chào thầy "Dạ, em chào thầy."

Thầy gật đầu một cái xem như đáp lời tôi, sang nhà thầy tôi chỉ đơn giản là muốn gặp thầy. Tôi không giỏi an ủi người khác nên sẽ không hỏi lý do. Có lẽ thầy cũng không thích ai đó hỏi quá nhiều về mình.

"Em có muốn ăn kẹo không?" Thầy lấy trong túi một chiếc hộp hình tròn, bên trong có đựng kẹo cư đơ. Và thầy vừa đưa cho tôi vừa nói "Họ hàng quê ngoại tôi ở Hà Tĩnh, lúc đi viếng bà của tôi đã mang lên rất nhiều kẹo này. Nhưng trong nhà tôi không có ai thích ăn ngọt nên tôi mang về đây cho hàng xóm và cả lớp."

Tôi cười vui vẻ nhận lấy từ tay thầy "Kẹo này hồi bé em từng ăn rồi nhưng không nhớ là ai cho nữa."

Cái tên kẹo cư đơ nghe có vẻ buồn cười nhưng tôi từng nghe ai đó kể rằng từ thời kẹo cư đơ mới ra đời, vì người bán kẹo khi đó chỉ bán có hai đồng nên mọi người gọi người bán kẹo là Hai cho dễ nhớ. Mỗi lần mua kẹo sẽ gọi là kẹo ông Hai, kẹo này được ông làm ra vô cùng nổi tiếng hấp dẫn rất nhiều người đến mua. Vào thời đó, có đồn đóng quân của người Pháp. Binh lính người Pháp thi thoảng đến quán của ông Hai ăn kẹo và uống nước chè. Nghe xung quanh ai cũng gọi kẹo ông Hai nên đã dịch chữ Hai nghĩa là số 2 trong tiếng Pháp là 'deux' phát âm gần giống chữ đơ. Dần dà mọi người đổi sang từ kẹo ông Hai thành kẹo cư đơ.

"Tôi có mang cho nhà em hai hộp, em chưa ăn à?" Thầy nhắc thì tôi mới nhớ trước khi sang nhà thầy mẹ từng hỏi tôi có ăn kẹo không nhưng khi đó tôi đang vội vàng muốn đi gặp thầy nên thuận miệng nói khi nào về sẽ ăn sau.

"Em chưa."

"Ừm, em ngồi ăn đi. Tôi bận dọn dẹp lại một chút."

"Dạ."

Tôi cầm ra bàn uống nước và ngồi trên ghế dài bóc hộp kẹo ra. Hộp là hộp nhựa mỏng tròn và cao, bên trong chỉ có 5 cái. Nhưng kích thước của kẹo khá lớn, nó to cỡ hai lòng bàn tay của tôi cộng lại. Mỗi chiếc có hai miếng bánh tráng nướng vừng đen được dính lại với nhau bởi nhân bên trong, nhân lạc được nấu chung với mạch nha và mật mía. Khi mà tôi cắn thử một miếng, trong miệng của tôi xộc lên vị cay nồng của gừng. Sau đó mới đến vị ngọt của đường, mạch nha và mật mía. Bên ngoài giòn tan, bên trong thì vừa dẻo vừa dính. Nhân kẹo ăn vào bị dính răng nên tôi thích ăn vỏ kẹo hơn. Với tôi nhân kẹo hơi bị ngọt quá, mà tôi lại không thích cái gì quá ngọt nên chỉ ăn được một cái là ngán không ăn tiếp được nữa.

Thầy dọn dẹp xong nhìn thấy tôi chỉ ăn một cái nên hỏi "Em không thích sao?"

"Dạ có nhưng em không ăn được nhiều."

Thầy ngồi xuống ngay bên cạnh tôi và tự rót cho mình một chén trà, thấy ấy có vẻ mệt mỏi. Nếu là bình thường thầy sẽ không ngồi bên cạnh tôi như vậy, sofa nhà thầy là ghế dài dạng chữ L nằm sát vào trong vách tường nhà và đặt thêm hai ghế tròn nhỏ ở bên kia của bàn uống nước. Mọi khi thầy sẽ ngồi đối diện với tôi hoặc là ngồi ngay dưới đuôi ghế. Chỉ có hôm nay thầy không làm như vậy, thầy ấy ngồi cạnh tôi. Chắc là tiện rót trà nên tôi né sang một bên nhường chỗ cho thầy.

Thầy uống khá nhiều, uống liên tục mấy chén, trong lúc uống cũng không quên hỏi tôi "Em sao thế?"

"Sao là sao ạ?" Tôi khó hiểu hỏi lại thầy, thấy ấy tự nhiên hỏi một câu không đầu không đuôi làm cho tôi không biết nên trả lời thế nào.

"Sao em ngồi im không nói tiếng nào? Tôi tưởng em sang hỏi lý do tôi đi mấy hôm không thông báo hay trả lời tin nhắn của em."

"Lý do thì em có nghe bố mẹ em nói qua rồi. Em không hỏi nữa vì sợ thầy mệt không muốn trả lời. Vả lại thầy là thầy mà, thầy đi đâu không nhất thiết phải thông báo cho em biết." Trả lời xong tôi còn thầm tự khen mình, lâu lâu mới trả lời một cách rõ ràng mạch lạc như vậy.

Nhưng tôi không biết vì sao thầy lại nói "Em đang giận tôi sao?"

"Không, sao em lại giận thầy chứ?" Thầy là thầy của tôi, là người dạy học cho tôi. Dù có mười lá gan thì tôi cũng không dám tức giận với thầy.

"Tôi có cảm giác em đang giận tôi."

"Không có, em giận thầy làm gì chứ." Oan quá mà, tôi đã nói gì sai mà thầy ấy lại có suy nghĩ như vậy.

Nhưng thầy chỉ nói có hai câu, sau đó cũng không hỏi thêm gì.

Uhm... thầy ấy vậy mà lại ngả ra sau ghế ngủ lúc nào không hay. Thầy khoanh tay trước ngực, vẫn cầm chén trà trên tay. Khi thầy ấy ngả ra rồi nhắm mắt lại tôi còn tưởng thầy muốn yên tĩnh nghỉ ngơi một lúc cho nên tôi im lặng ngồi đợi, thế mà chỉ vài phút sau thầy đã ngủ luôn rồi.

Chưa gặp trường hợp này bao giờ, tôi bối rối đứng lên rồi lại ngồi xuống. Muốn kêu thầy vào trong phòng ngủ mà không dám đánh thức thầy ấy. Nên tôi đã ngồi quan sát thầy đang ngủ, nhận thấy dù đã ngủ sâu nhưng thầy vẫn nhíu chặt mày lại. Tôi khẽ đưa ngón tay đến gần, tuy nhiên tôi không chạm vào chân mày của thầy mà hạ ngón tay xuống ngay lúc đó. Và rồi lấy chén trà trên tay thầy ra, trong lúc tôi vừa gỡ chiếc chén ra khỏi tay thầy thì bỗng nhiên thầy nắm chặt lấy tay của tôi. Tôi giật mình nhìn tay mình rồi lại nhìn thầy, cứ ngỡ đã đánh thức thầy. Quan sát một lúc biết thầy vẫn còn ngủ, tôi thả lỏng tinh thần và gỡ tay của thầy ra khỏi tay mình.

Tôi không đi luôn mà ở lại chờ thầy tỉnh giấc, vì tôi lo mình về không nói tiếng nào với thầy thì có chút bất kính. Cũng may là tôi có mang theo điện thoại nên cứ ngồi bên cạnh vừa chơi vừa đợi thầy tỉnh dậy.

Giấc ngủ của thầy không quá dài chỉ khoảng một tiếng là tỉnh giấc. Khi thức dậy thầy có hỏi tôi sao không gọi thầy nhưng nhìn thầy ấy mệt mỏi như vậy thì sao tôi dám gọi chứ. Chào thầy xong thì tôi đi về luôn, có lẽ thầy vẫn sẽ ngủ thêm một giấc nữa. Nên tôi không muốn ở lại làm phiền thầy.