Duy Nhất Là Em

Chương 375: Ngoại Truyện Vũ Văn Xung Phong (2)



Ngày thứ tư khi Vũ Văn Xung Phong đến Yosevine, cũng đúng là đêm trăng tròn. Con gái của chủ khách sạn đưa anh đến sông Ánh Trăng. Một vầng trăng tròn chiếu thẳng xuống mặt sông, đẹp như một bức họa thần tiên.

Hai bên bờ sông, có thanh niên đang gẩy ghi ta, các cô gái trẻ sẽ tặng đóa hoa trong tay mình cho người mình yêu, cũng có những nghệ sĩ đường phố đang tự đàn tự hát, ngữ điệu rất nhẹ nhàng giống dân ca.

Anh bước tới hỏi: "Có thể đàn một bản soft rock không?"

Đối phương tầm hơn 30 tuổi, để tóc dài: "Tôi đàn không hay lắm."

"Không sao cả."

Người nghệ sĩ đường phố đó bèn đàn một bài soft rock. Đại khái là vì bài hát quá sôi động khiến các nam nữ thanh niên bắt đầu nhảy nhót.

Anh rút một xấp tiền mặt từ trong ví ra, đặt vào trong hộp đàn, nói: "Cảm ơn."

Đối phương dùng tiếng Anh nói nhiều quá.

Anh mỉm cười, đút hai tay vào túi quần, bước đi.

Cô gái đi cùng anh đuổi theo hỏi: "Anh thích soft rock à?"

Cô gái tên là Suni, còn rất trẻ, chưa tới 20 tuổi, là con gái nhỏ của chủ khách sạn. Cô ấy nghỉ học từ rất sớm, làm hướng dẫn viên ở khách sạn.

Vũ Văn Xung Phong là vị khách đẹp trai nhất mà cô ấy từng gặp.

Anh nói: "Không phải."

Anh đi phía trước, đôi chân thon dài lười biếng bước từng bước chậm rãi. Giọng nói của anh cũng giống như con người anh vậy, lúc nào cũng bất cần đời. Các nữ du khách trong khách sạn luôn nói, anh giống như một con ma du đãng vậy, chẳng có linh hồn, nhưng lại có một lớp vỏ đẹp đến tột cùng.

Suni cũng cảm thấy thế.

"Có một người bạn của tôi thích."

Anh cười, quay đầu lại nhìn sông Ánh Trăng: "Người ấy vốn theo học Violoncelle, sau đó lại thành ca sĩ nhạc rock."

Ồ, anh ấy cũng biết cười à.

Đột nhiên Suni cảm thấy rằng, anh ấy có linh hồn đấy chứ, chỉ là khá cô độc, nên giấu đi mà thôi.

Cô không nhịn được, hỏi: "Người đó là con gái sao?"

Anh không đáp, đi càng lúc càng nhanh.

Suni cũng tăng nhanh bước chân đuổi theo anh: "Yosevine còn có rất nhiều thắng cảnh, ngày mai tôi lại đưa anh đi nhé."

"Không cần đâu."

Cô hỏi anh vì sao.

Giọng anh rất trầm thấp, nói tiếng Anh nghe rất hay: "Tôi tới đây, cũng chỉ vì muốn nghe tiếng đàn ghi ta trên bờ sông Ánh Trăng mà thôi, nghe xong là phải đi rồi."

Bước chân Suni dừng lại một chút.

Hình như cô đã biết rồi, biết vì sao vị khách tuấn tú này lại muốn đến sông Ánh Trăng.

Ngày hôm sau, anh bay từ Yosevine sang Potiami, một nơi chỉ có duy nhất mùa thu. Ở đó, một năm bốn mùa đều se sắt hiu hiu. Potiami mưa rất nhiều, đến đó một tuần rồi mà không có lấy một ngày nào trời quang đãng.

Ở nơi ấy, anh gặp một người phụ nữ, một người phụ nữ phương Đông rất xinh đẹp. Cô ấy cũng giống anh, bị nước mưa giữ chân lại trong nhà trọ. Người phụ nữ ấy họ Thu. Cô không nói tên mình, chỉ nói, mình là luật sư, chuyên xử lý các vụ ly hôn.

Sau bữa tối, mưa ngớt một chút. Phía sau nhà trọ có trồng một vườn hoa, những cánh hoa được nước mưa gột rửa sạch sẽ, cảm giác như bùn đất trong cả khu

vườn đều thơm mùi hương hoa cỏ.

"Tôi hút thuốc được không?"

Vũ Văn Xung Phong ngắt một đóa hoa: "Cô cứ tự nhiên."

Cô ấy cũng không ngại nước mưa vương trên ghế mây, đặt người ngồi lên, vạt váy dài đến mắt cá chân chấm đất. Cô lấy một điếu thuốc ra, châm rồi hít khói phun mây, từng vòng khói bay ra vô cùng điêu luyện.

"Anh muốn hút một điếu không?"

Cô rút thêm một điếu nữa từ trong bao thuốc ra, đưa cho anh.

Vũ Văn Xung Phong đón lấy, cắn vào trong miệng, tay vẫn mân mê đóa hoa màu đỏ kia, không mấy hứng chí.

Người phụ nữ bước qua, quẹt một que diêm châm thuốc cho anh. Thuốc lá của phụ nữ vừa nhỏ vừa dài. Anh dùng ngón giữa và ngón trỏ kẹp lấy, rít một hơi.

"Thế nào?"

Vũ Văn Xung Phong ngậm đầy khói trong miệng, giọng nói rất khàn: "Nhạt quá."

Cô mỉm cười, ném que diêm xuống đất, dập tắt: "Tiếp theo thì sao? Anh định đi đâu?"

"Không biết nữa."

Cô bước đến bên cạnh anh. Bên trên chiếc váy dài, cô mặc một chiếc áo hai dây thấp cổ, để lộ ra làn da trắng ngần, bên ngực trái có một nốt ruồi.

Cô dựa lại gần anh, gần đến mức như sắp dính cả vào vậy: "Có muốn đồng hành cùng tôi không?"

Anh quay sang nhìn cô, cười vừa nhã nhặn lại vừa lưu manh: "Cô muốn cua tôi à?"

Cô bật cười, đôi mắt vô cùng quyến rũ: "Ừ đấy."

Vũ Văn Xung Phong lùi ra sau một bước, lôi chiếc nhẫn đeo trên cổ ra, tay móc nó lên rồi lắc lư trước mặt cô ấy, nụ cười có phần nhạt nhẽo lại phóng đãng: "Cô Thu à, tôi đã kết hôn rồi."

Đúng là một người đàn ông không biết điều.

Người phụ nữ lại cười, rút một tấm danh thiếp trong bao thuốc ra: "Nếu cần luật sư xử lý ly hôn thì cứ tìm tôi nhé."

Cô đặt tấm danh thiếp xuống ghế mây, phải nước mưa dính trên vạt váy rồi đi vào phòng.

Anh đứng dưới lán trú mưa trong vườn hoa, hút hết điếu thuốc rồi ngắt một bông hoa mà anh biết, ngậm vào miệng, nhai nát. Vị hoa hơi chan chát, còn lẫn cả vị chát của thuốc lá, làm tê dại cả vị giác của anh.

Mưa lại bắt đầu rơi xuống, tấm danh thiếp trên chiếc ghế mây chẳng biết đã bị gió thổi bay đi nơi nào rồi.

Anh ở lại Potiami nửa tháng rồi rời đi. Anh không đặt vé máy bay trước, ra đến sân bay, có vé bay đi đâu thì anh sẽ đi đó.

Tháng Chín, anh không đi tới đại nhạc hội của Tạ Đãng, khiến cho cậu ta gọi điện thoại nổi bệnh công chúa cáu lanh tanh bành một lúc lâu.

Không biết anh đã đi qua bao nhiêu nơi, cứ đi lại ngừng, ngừng chán lại đi. Đến mỗi nơi, anh đều gửi một tấm bưu thiếp cho Khương Cửu Sênh. Anh ngắm nhìn rất nhiều phong cảnh, cũng gặp rất nhiều kiểu người khác nhau, có người chỉ vừa quay đi là quên, nhưng cũng có những ký ức rất sâu đậm.

Đó là ở dưới núi tuyết Alfus, anh quen một người thợ đánh giày. Suốt ba ngày liên tục, anh ta đều ở cùng một nơi đánh giày cho người ta, mặc chiếc áo khoác bông vừa cũ vừa rách. Anh ta đeo một chiếc ống trúc trên người, cứ gặp ai là sẽ mỉm cười.

"Anh ơi, hôm nay anh có đánh giày không?"

Anh ngồi xuống.

Người đàn ông giống y như hai lần trước, nói rất nhiều, cúi đầu chăm chú đánh giày da, miệng thì làu bàu không ngừng nghỉ: "Đây là ngày cuối cùng tôi đánh giày ở đây đấy, ngày mai tôi phải về quê rồi."

Anh chỉ nghe, không tiếp lời.

Tiếng Anh của người đàn ông đó rất bập bẹ. Anh ta nói mình mới 35 tuổi thôi, có điều, mặt anh ta già như 55 rồi vậy.

Dường như tâm trạng của anh ta rất tốt, cứ tự kể chuyện của mình mãi: "Quê tôi ở cách đây nửa vòng trái đất. Tôi đến đây để ngắm núi tuyết, là nguyện vọng của vợ tôi lúc còn sống đấy."

Anh ta cười, ánh mắt có phần tang thương: "Tôi đánh giày ở đây 6 tháng rồi mới gom đủ tiền vé quay về."

Lần này, đánh giày xong, Vũ Văn Xung Phong cho anh ta gấp mười lần tiền công. Có điều, người đàn ông đó không nhận, chỉ nhận đúng một phần mà anh ta đáng được hưởng. Từ dãy núi Alfus xuống cũng đã là chuyện của bốn tiếng sau rồi, khi ấy, trời đã tối hẳn.

Người đàn ông vẫn chưa thu dọn về, dường như đang cố tình đợi anh.

"Anh ơi, anh có nhìn thấy cái ống trúc mà tôi treo trên người đâu không?"

Vũ Văn lắc đầu.

Mắt người đàn ông đỏ hồng lên: "Ngày mai tôi không về quê được rồi."

Anh ngồi thụp xuống thu dọn rương đồ của mình: "Tôi phải đi tìm tro cốt của vợ tôi đã."

Thì ra, anh ta luôn đeo ống trúc có đựng tro cốt của vợ trên người.

Thật không may, người thợ đánh giày đó mãi vẫn không tìm được tro cốt của vợ mình. Lúc Vũ Văn Xung Phong rời khỏi thành phố ấy, anh ta vẫn đang đánh giày cho khách ở dưới núi Alfus, chỉ có điều anh ta không còn cười nữa, cũng chẳng còn kể câu chuyện của mình nữa.

Năm kế tiếp, cũng vào tháng Bảy, Vũ Văn Xung Phong về nước một chuyến. Anh không nói với bất kỳ ai, anh chỉ về để đi nghe thiền thôi. Có một vị cao tăng đắc đạo khai đàn giảng kinh Phật, anh nghe bà Đường nói vậy. Bà ấy bảo anh nếu có thời gian rảnh thì đi nghe thử xem.

Đại khái là bà Đường cũng biết anh không nhìn thấu được hồng trần.

Sau khi kết thúc, vị cao tăng đắc đạo kia gọi anh lại, nói: "Thí chủ có duyên với Phật."

Vũ Văn Xung Phong không nhịn được, hỏi: "Đại sư muốn khuyên con xuất gia sao?"

"Hiểu được duyên trần, ngộ được ra đạo. Phật, không độ người!"

Phật độ thế nhân, nhưng lại chẳng độ được anh.

Anh trả lại kinh thư cho đại sư, nói: "Tục niệm của con còn chưa dứt, sợ làm bẩn Thánh địa Phật môn."

Độ hay không độ được cũng không sao cả, chẳng qua vì anh không muốn độ mà thôi.

Nếu thực sự là một kiếp nạn, thì thôi cứ để cho anh vạn kiếp chẳng thể quay đầu cũng được.

"Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng. Nhược kiến chư tướng phi tướng, tức kiến Như Lai. Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh, như lộ diệc như điện, ứng tác như thị quan..." (1)

Phàm cái gì có tướng đều là hư vọng. Nếu thấy các tướng chẳng phải là tướng thì thấy Như Lai. Tất cả các pháp hữu vi, như bóng, bọt nước có gì khác đâu. Như sương, như điện lóe mau, hãy xem như giấc chiêm bao mơ màng (Nguồn st). Phía sau lưng đã không còn nghe được tiếng tụng kinh của Liễu Duyên đại sư nữa.

Ra khỏi Phật đường, một người phụ nữ cản anh lại, nói: "Cậu ơi, mua bùa bình an đi."

Anh đáp: "Không cần đâu."

Vũ Văn Xung Phong quay người định đi, người phụ nữ lại kéo anh, khuyên nhủ: "Mua một cái đi, có thể bảo vệ cho người nhà, người yêu của cậu khỏe mạnh vui vẻ đấy."

Anh liếc mắt nhìn những lá bùa màu vàng bà ta để trong làn, nói: "Tôi không tin mấy cái này."

Người phụ nữ bèn buông tay ra, đi hỏi các hương khách khác có muốn mua bùa bình an hay không. Hôm nay, người đến đây đều là những người tin Phật, không ít người mua bùa.

Có rất nhiều tín đồ, nhưng anh thì không phải.

Có điều, anh vẫn quay lại nói: "Tôi muốn mua 5 cái."

Người phụ nữ mỉm cười đưa cho anh 5 lá bùa: "50 tệ. Gửi cậu nhé."

Vũ Văn Xung Phong rút hết tiền mặt trong ví ra đặt vào làn của bà ta.

Thôi bỏ đi, đến cũng đã đến rồi, mê tín một lần có sao. Nếu có Phật thật, thì đừng tới độ anh, hãy để cho 5 lá bùa bình an này hiển linh là đủ rồi.

Ngày hôm sau, anh lại đi Bắc Cực. Anh ở đó nửa tháng, xem được một lần Cực Quang. Mọi người đi cùng đều kinh ngạc hô lên, nhưng chẳng biết vì sao, anh lại cảm thấy nó chỉ vậy vậy thôi.

Thời gian thấm thoắt trôi, chớp mắt một cái đã ba năm. Tóc anh để dài tới chấm vai. Anh tìm một người thợ già ở thảo nguyên rộng lớn Cổ Nhĩ Tân, cắt lại thành đầu đinh.

Trong lều của anh còn có một người da đen ở, tên là A Nhĩ Kiệt. Anh ta là một anh Tây ba lô, đi cùng đường với anh mấy tháng nay rồi.

A Nhĩ Kiệt từ bên ngoài về, nói: "Sao anh lại viết thư nữa thế."

Mỗi tháng anh lại viết một lá.

Vũ Văn Xung Phong không giải thích gì. Anh dùng bút than củi của dân bản địa không quen tay lắm nên viết rất xấu.

"Trạm tiếp theo tôi sẽ đi Brook"

A Nhĩ Kiệt hỏi: "Có đi cùng nữa không?"

"Không được rồi."

Thôi bỏ đi, chữ xấu quá thể.

Vũ Văn Xung Phong đặt bút than củi xuống, vo giấy viết thư lại, ném vào thùng rác: "Ngày mai tôi về nước."

A Nhĩ Kiệt rất tiếc nuối: "Còn có rất nhiều nơi chưa đi mà."

Cắt tóc xong, tóc của Vũ Văn Xung Phong cứng cứng như gai vậy. Anh cởi giày, nằm lên trên đệm chống thấm, chiếc nhẫn đeo trên cổ lộ ra ngoài áo.

Anh nói: "Tôi mệt rồi."

Ngày anh về nước, Giang Bắc có tuyết rơi rất lớn, tích thành một lớp rất dầy, ở phía nam anh rất ít nhìn thấy cảnh này.

Khương Cửu Sênh sợ lạnh, cô mặc áo cũng rất dầy, đội mũ quàng khăn che kín mít.

Bàn tay cầm điện thoại của cô đã đông cứng đến đỏ ửng lên: "Anh xuống máy bay chưa?"

"Rồi, đã ra đến cửa rồi."

Giọng điệu của anh nghe còn biếng nhác hơn cả lúc trước.

Tạ Đãng đi phía trước Khương Cửu Sênh, nhìn thấy người trước: "Vũ Văn!"

Vũ Văn Xung Phong ngẩng đầu lên, mỉm cười rồi kéo va ly bước tới. Anh mặc một chiếc áo bông dáng dài, mũ áo khoác đôi lên đầu, khóa kéo mở ra, để lộ lớp áo phong phanh bên trong. Anh gầy hơn ba năm trước một chút, cũng đen hơn một chút, ánh mắt dường như lại càng lạnh nhạt hơn.

Anh liếc nhìn Tạ Đãng một cái: "Sao tóc của cậu thẳng ra rồi?"

Tạ Đãng vẫn kiêu ngạo và bảnh chọe như xưa: "Với giá trị nhan sắc của tôi, thì tóc thẳng hay tóc quăn cũng đều siêu đẹp cả thôi."

Vũ Văn Xung Phong ném va ly cho cậu: "Lời của Đàm Mặc Bảo nói cũng đừng nên tin quá."

Tạ Đãng á khẩu.

Ba năm trôi qua, miệng lưỡi càng độc địa hơn!

"Sênh Sênh" Vũ Văn Xung Phong đi tới trước mặt cô: "Tôi về rồi."

Mắt cô đỏ ửng, nói, cô đã pha xong rượu cho anh từ lâu rồi.

Anh nói, không say không về.

Đi biết bao nhiêu quãng đường, cứ cho rằng những vết lồi lõm của năm tháng đã được san phẳng hết, nhưng vừa nhìn thấy cô, nó lại cuộn đất lao lên...

Có điều, vậy thì đã sao nhỉ.

Họ vẫn như thuở ban đầu, có thể thoải mái uống say một trận không cần kiêng dè điều gì, có thể chuyện trời chuyện đất chuyện thiên hạ bao la...