Việt Linh

Chương 18: Đại Hội Bách Việt



Chương 18: Đại Hội Bách Việt

Những ngày tiếp theo, ngoài các hoạt động săn bắt thì mọi người bắt đầu đến vùng Hồng Hà tham gia xây cất. Giao các việc chế tác cho Mai An Long, hiện nay ông ta đang nghiên cứu chế tạo cung tên theo sự chỉ dẫn của hắn, Nguyễn Long cũng bắt đầu dọn đến Hồng Hà để chỉ đạo.

Hắn đã xem xét kỹ khu vực này trên Lạc Đồ, nơi đây cách Hồng Lĩnh gần nửa ngày đường với tốc độ hiện giờ đi không ngừng nghỉ của hắn. Toàn bộ đều nằm trên địa phận Thái Bình thời hiện đại. Dãy Hồng Lĩnh chắn ngang mặt Bắc. Sông Hồng Hà chắn mặt Đông, nó bắt nguồn từ tận vùng núi rừng Vân Nam Trung Quốc, phân chia nhiều nhánh chảy khắp vùng Bắc Bộ. Một nhánh trong đó đi qua Quảng Ninh, cắt ngang đầu kia của Hồng Lĩnh rồi chảy dọc theo chân núi. Đến gần khu vực của tộc Hồng Việt lại ngoặc sang hướng Đông Nam xuyên khu rừng rồi đổ thẳng ra biển. Phía Tây, cấm địa Màng Trắng lại bao trọn trung tâm khu vực Hà Nội, mở rộng ra bốn hướng, dãy Hồng Lĩnh giáp ranh với một góc phía Đông của nó. Nói tóm lại, vùng đất của tộc Hồng Việt được bao bọc bởi hai dãy núi phía Bắc và Tây, phía Đông là sông Hồng Hà, bên kia sông là vùng đồng bằng chạy dài ra biển, phía nam là rừng rậm cũng chạy dài ra biển.

Tuy nhiên nơi này cũng không phải của riêng Hồng Việt. Bên kia dãy Hồng Lĩnh có mười tộc người, phía bên này cũng có mười tộc. Tất cả đều là những tộc nhỏ có thực lực tương đương nhau sống rải rác. Chỉ khi có ngoại xâm thì họ mới liên kết với nhau cùng chống lại. Điều này Mai An Tiêm cũng không biết, bởi lẽ đã khá lâu rồi họ không có chiến tranh, liên hệ trở nên lỏng lẻo, gần như không có, mạnh ai nấy sống, trong tộc Hồng Việt chỉ có Mai An Long biết được đôi chút.

Gọi là Bách Việt nhưng thực tế hiện tại chỉ còn ba mươi tộc. Trong đó hết hai mươi tộc sống chung quanh Hồng Lĩnh, còn lại bao gồm Câu Ngô, Ư Việt, Điền Việt, Dương Việt, Cán Việt, Sơn Việt, Dạ Lang, Mân Việt, Lạc Việt và Âu Việt, các tộc nhỏ yếu khác đã bị bọn họ thôn tính. Địa bàn họ rất rộng lớn, quay chung quanh cấm địa Màng Trắng. Nhiều lần họ cũng xâm lấn vùng Hồng Lĩnh nhưng các tộc nơi đây lại liên kết chặt chẽ thành một khối nên bọn họ cũng chẳng làm được gì. Dần dần hình thành một thế cân bằng vi diệu mười hai khu vực.

Khi Nguyễn Long đến nơi, xung quanh đã được dọn dẹp sạch sẽ. Khu đất bọn họ định dựng nhà nằm trên một gò đất khá cao, rộng hơn khoảng hai ngàn công (mỗi công bằng 1000 mét vuông), cách bờ sông chừng năm trăm thước, nơi đó Nguyễn Long dự định sẽ cho đắp đê đề phòng nước lũ dâng lên. Xung quanh gò được trồng nhiều cụm tre, vừa cung cấp măng vừa là một bức tường lũy tự nhiên. Những người tham gia việc kiến thiết nơi ở mới đã dọn đến làm lều ở tạm từ trước, hằng ngày họ vừa giăng lưới bắt cá vừa vào rừng chặt cây, cứ cách vài hôm sẽ có người đến trồng thêm giống cây mới và bổ sung lương thực cho họ.

Nguyễn Long đặt toàn bộ khu nhà ở trung tâm gò đất, mỗi gia đình sẽ được một căn nhà với một khoảng đất trống để trồng trọt chăn nuôi. Có tất cả bốn mươi hai căn nhà làm thành hình vòng cung. Chính giữa là một sân rộng để sinh hoạt chung toàn tộc. Nhà ở Nguyễn Long cũng làm nhà sàn như trước, vừa có thể tận dụng khoảng không bên dưới vừa có thể ngủ mà không cần giường. Sàn nhà được hắn lót toàn bộ bằng tre chẻ nửa. Tuy không bằng phẳng nhưng hiện tại việc xẻ ván là điều bất khả thi. Dụng cụ sử dụng chủ yếu của họ vẫn là đá được mài bén, chỉ mỗi mình Mai An Tiêm có được một cây gậy đồng tượng trưng cho tộc trưởng. Khắp vùng núi Hồng Lĩnh không có một quặng sắt nào. Đây là một vấn đề khá quan trọng nhưng Nguyễn Long cũng không có cách nào bởi trên Lạc Đồ không có thông tin về nó.

Sau khi tận mắt quan sát địa thế, Nguyễn Long bèn thiết kế hệ thống phòng thủ cho thôn làng (từ sau này nơi ở của họ sẽ gọi là thôn làng). Số tre Nguyễn Long cho trồng tốc độ phát triển khá chậm, ít nhất từ năm năm trở lên mới có thể trở thành lũy. Hắn cũng không thể khấn vái tứ phương cầu cho đừng ai xâm lấn vào thời gian này. Sau hàng tre trước gò đất hắn sẽ cho đào hào rộng đến mười thước bên dưới cắm đầy chông nhọn, hết cách, ai bảo những người nơi đây đều là dân tu luyện, nhảy năm sáu thước là chuyện bình thường. Có bốn cửa ra vào thôn làng thông qua bốn cây cầu có thể đi được bốn người, hắn cũng muốn làm cầu thả như các thành trì nhưng tình hình kinh tế không cho phép.

Phía trong xung quanh hào chất đầy đá cuội loại nhỏ, có bao nhiêu chất bấy nhiêu. Thứ này dùng để làm đạn bắn, đừng quên hắn có cây nạn thun. Hắn đã cho người vào cấm địa lấy dây và giống của cây thun đem về và chế tác thành hàng trăm cây nạn thun để dùng trong khi chờ đợi cung tên của Mai An Long. Dù sức sát thương của loại vũ khí này chẳng đáng là bao nhưng với số lượng nhiều cũng khá khó chịu, hơn nữa trẻ con người lớn gì cũng đều dùng được.

Sau nạn thun chính là "tầm vông vạt nhọn". Nạn thun chỉ là mồi nhữ làm kẻ địch tức tối lao lên, còn tre vạt nhọn mới là vũ khí chính. Trong thời đại chưa có giáp thế này thì nó thật sự vô đối, thứ gì chịu nổi hàng trăm cây tre lao vun vút trước mặt. Tre thì Nguyễn Long không thiếu nhưng có điều hiện tại chưa có thời gian để làm, hắn phải đối phó với thứ khác.

...

Bên dưới chân núi Hồng Lĩnh, có hai người đang phóng như bay lên vách núi như đi trên đất bằng hướng về phía hang động của tộc Hồng Việt.

Một người thân hình lực lưỡng khoác áo da thú, khuôn mặt khá góc cạnh, trên tay là một cây truỳ trông có vẻ nặng nề nhưng được hắn cầm như một món đồ chơi. Người còn lại là một thư sinh mặc một bộ giao lĩnh, áo hai vạt chéo của người Việt xưa, màu xám, trên đầu đội mũ lông chim, hai tay chắp sau lưng, dáng dấp nho nhã, phong lưu.

Lúc này trên núi chỉ có Mai An Long và nhóm người chế tác. Ông đang cắm cúi ngắm nghía một mũi tên phía trên có gắn một cục đá mài nhọn, chợt ngẩn đầu, nhanh tay cất mũi tên và trầm giọng:

"Khách quý từ phương xa đến, không kịp đón tiếp, thất lễ".

"Haha, không ngờ trên Hồng Lĩnh cũng có cao thủ, quả nhiên ngoạ hổ tàng long".

Một giống nói cất lên, đồng thời hai người đã xuất hiện trước mặt Mai An Long. Mai An Long quan sát hai người, tròng mắt co rụt, là cao thủ Thiên Cảnh, khí tức còn cao hơn ông một bậc. Ông cất tiếng, không kêu ngạo không xiểm nịnh:

"Chư vị là ai? Đến đây có việc gì? Tộc Hồng Việt chúng ta từ xưa đến nay ít giao thiệp với bên ngoài, xin thứ lỗi không nhận ra thân phận".

"Chúng ta đến từ Dương Việt, muốn gặp tộc trưởng các ngươi có việc", người đàn ông mặc áo giao lĩnh đáp, giọng điệu có vẻ bề trên.

"Tộc trưởng hiện tại không có ỏ đây, có gì cứ truyền lời lại cho ta là được". Nhận ra giọng điệu của người kia, Mai An Long lạnh nhạt đáp.

"Khi nào tộc trưởng các ngươi trở về?".

"Ta không biết". Mai An Long đáp cục ngủn.

Ánh mắt người áo xám loé lên vẻ tức giận nhưng thoáng chốc tan đi.

"Nói cho ngươi cũng được, truyền lời lại cho tộc trưởng ngươi, ngày mười lăm tháng giêng có mặt tại Tây Sơn Yên Bái, tham dự đại hội Bách Việt ra mắt thủ lĩnh bách tộc, nếu không đến ... ", hắn vung tay một cành cây gần đó gãy lìa.

Nói xong không đợi Mai An Long kịp phản ứng liền phóng xuống chân núi biến mất.