Tình Yêu Của Kẻ Thực Dụng

Chương 132



Cù Hoa nhận ra cậu em rể của mình ở trên xe lửa trước, nhưng cậu ấy lại không nhận ra anh.

Anh vừa chuyển từ một chuyến xe lửa khác lên chuyến xe lửa này, ga xuất phát của anh và Phương Mục Dương khác nhau, nhưng lại cùng một đích đến.

Lúc anh lên xe có một người đàn ông thô kệch vì vội đi lên phía trước nên giẫm phải chân một cô gái, song chẳng những không hề có ý định xin lỗi mà còn cho rằng đối phương lề mà lề mề, chắn mất đường của anh ta. Anh ta vừa chửi nhặng xị vừa chen người lên phía trước, lại còn dùng khuỷu tay giữ khoảng cách với những người xung quanh, đề phòng người ta đến gần mình. Cô gái kia có lẽ là bị giẫm đau nên chùn chân, không tiếp tục di chuyển nữa mà chỉ ấm ức đứng nguyên tại chỗ.

Người chửi mắng hung tợn đến mức cả cánh đàn ông cũng sợ bẩn tai mà nhường cô một lối đi, cũng chỉ có Phương Mục Tĩnh.

Đúng lúc gã đàn ông nọ sắp sửa chen lấn thành công thì lại bị người đằng sau móc lấy chân, suýt chút nữa đã úp cả người lẫn mặt xuống đất. Sau khi anh ta bổ nhào, Cù Hoa lên xe lửa theo đúng thứ tự với khuôn mặt không biểu cảm.

Tay đàn ông vẫn kịp bò lên xe lửa vào phút cuối. Anh ta biết kẻ địch của mình là ai, nhưng vì thể lực có hạn nên không thể tự mình giải quyết vấn đề, chỉ có thể nghiến răng chấp nhận, đồng thời trút bỏ mọi nỗi oán hận của mình lên cô gái bị giẫm chân ban nãy. Song không hiểu sao lúc đang chửi rủa hăng say, anh ta lại vô tình quỳ xuống trước mặt cô ấy.

Sau đó có một giọng nói vang lên: “Cho dù anh có nhận sai thì cũng không cần hành lễ kiểu xã hội cũ thế chứ, chúng ta người mới làm việc mới, anh chỉ cần khom lưng xin lỗi người ta là được.” Phương Mục Dương thu lại chân mình, lưu lại đường nét của người đang quỳ trên giấy.

Ở trạm dừng trước đó, Phương Mục Dương trông thấy một người phụ nữ khá trẻ đang dắt tay một cô bé chừng ba bốn tuổi đứng nép ở góc toa xe với đôi mắt lờ đờ, dáng vẻ như muốn ngủ nhưng lại không dám nên đã nhường chỗ ngồi lại cho bọn họ, còn bản thân anh thì chiếm lấy góc họ vừa đứng.

Cô gái kia cứ tưởng cú vồ ếch của tên đàn ông ban nãy đơn thuần là do xui xẻo nên chỉ cảm ơn Phương Mục Dương đã ra mặt bảo vệ lẽ phải thay cô ấy.

Phương Mục Dương nhớ đến Phí Nghê, thầm nghĩ vẫn nên dạy cô vài chiêu phòng thân thì hơn, khi nào ra ngoài đỡ bị người ta bắt nạt.

Cù Hoa ngồi ở hàng ghế cuối toa xe lửa, Phương Mục Dương thì thu mình trong một góc để vẽ tranh.

Hai năm trước Cù Hoa đã trông thấy khuôn mặt của Phương Mục Dương trên báo. Tờ báo ấy là Mục Tĩnh đưa anh xem, giờ nhớ lại mới thấy, chỉ có những khi nhắc đến em trai thì trên gương mặt Mục Tĩnh mới để lộ chút kiêu ngạo. Có lẽ cái người đang vẽ tranh kia cũng không biết, anh có thể kết hôn với Mục Tĩnh, một nửa cũng là nhờ có cậu ấy thúc đẩy.

Phương Mục Dương hiện tại đang vẽ ông cụ đối diện. Cù Hoa nhìn Phương Mục Dương vẽ tranh, nghĩ bụng Mục Tĩnh khen cậu đúng là không phải chỉ bởi lý do huyết thống. Cù Hoa nhìn tranh vẽ người thì chú trọng nhất chính là tỉ lệ cơ thể có hợp lý hay không, mà tranh của Phương Mục Dương lại khiến anh bỏ qua cả vấn đề này. Tuy nhiên nhận xét của anh thì vẫn không thể rời bỏ tỉ lệ cơ thể.

Phương Mục Dương nghe Cù Hoa nhận xét xong, cười nói: “Anh là bác sĩ đúng không?” Hiểu biết rất sâu sắc về xương sọ.

Cù Hoa không phủ nhận.

Phương Mục Dương nhìn nét mặt của Cù Hoa, cảm thấy người này rất giống với những gì Phí Nghê miêu tả.

“Anh đi đâu thế?”

Lại còn trùng hợp xuống chung một ga với mình.

Ông Phương từ phía toa nằm đã trông thấy một khuôn mặt rất chi là quen thuộc, không phải ai khác mà chính là con rể ông. Cậu con rể này rất có tác phong của người nhà họ Phương, ở trên xe lửa mà cũng không quên làm việc. So với lần trước gặp mặt thì lần này con rể gầy hơn không ít, hơn nữa còn có phần hơi thô ráp.

Thấy con rể không để ý tới mình, ông Phương bèn ho khan một tiếng, đợi con rể qua chào hỏi. Nhưng một tiếng không ăn thua, ông lại phải ho thêm mấy tiếng nữa, cuối cùng cũng khiến cho con rể chú ý. 

Đến lúc gặp con rể ông Phương mới biết cả năm nay anh vẫn luôn tham gia chi viện thành phố lân cận, phải qua tuần này thì nhiệm vụ hỗ trợ xây dựng mới kết thúc. Con gái ông chưa từng đề cập đến chuyện ấy trong thư, vậy nên ông cứ ngỡ rằng con rể và con gái mình làm việc ở cùng thành phố. Lần trước con rể đến thăm ông, ông cũng tưởng rằng anh đi từ phía Nam lên. Nếu sớm biết con gái không ở gần con rể mà lại ở cùng cặp cha mẹ chồng không hiểu chuyện kia thì ông đã gọi con gái về quê nhà từ lâu rồi. Khi ngồi cùng con rể, ông Phương trực tiếp nhắc tới chuyện thuyên chuyển công tác. Ông đoán con rể chắc chắn sẽ đồng ý.

Con gái ông ông biết, nó chỉ thích những người đàn ông nghe lời mình. Nếu như không nghe lời thì nó nhất định không thích.

Cù Hoa không nói mình có muốn chuyển việc hay không, anh chỉ hỏi Mục Tĩnh có dự định gì.

Ông Phương bảo rằng Mục Tĩnh gần gũi với cha mẹ thế này thế kia, tất nhiên là sẽ muốn được ở cùng hai người họ. Sau đó ông lại nhắc tới căn nhà của mình, nói hai vợ chồng già ở căn nhà lớn như thế cũng rất hổ thẹn, nếu như con rể và con gái đến sống cùng bọn họ thì căn nhà đó mới coi như phát huy tác dụng. Thế rồi ông lại kể tới chuyện em trai và em dâu của Mục Tĩnh mong chị dâu và anh rể về nhà đến cỡ nào. Trong miệng của ông Phương, trên đời này không có cô con gái nào tốt hơn Mục Tĩnh, cũng không có người chị gái nào tốt hơn Mục Tĩnh, họ đều rất yêu thương cô.

“Em trai của Mục Tĩnh cũng ở trên xe lửa đấy. Cái máy ảnh năm ngoái con tặng nó thích lắm, vẫn cầm đi chụp ảnh suốt.”

Cù Hoa không nhớ mình đã tặng em vợ máy ảnh khi nào, nhưng quả thật anh từng nhận được một cây bút máy từ cậu ấy, năm ngoái Mục Tĩnh đã mang nó theo lúc đi thăm anh.

Từ năm ngoái đến bây giờ Cù Hoa chưa về nhà được lần nào, cả năm nay anh luôn phải hỗ trợ chữa bệnh tại một bệnh viện địa phương cách nhà anh hơn hai mươi tiếng ngồi xe lửa.

Nhiệm vụ hỗ trợ xây dựng này ập đến rất bất ngờ. Bà nội bình phục rất nhanh, cũng đã có người chăm sóc, anh lại là người không có gánh nặng gia đình, vừa vặn đủ lý do để ghi danh.

Ngày khởi hành đi chi viện, anh vừa hoàn thành ca mổ là đã trực tiếp xuất phát từ bệnh viện tới nhà ga, bắt chuyến xe lửa sớm nhất khi trời còn chưa sáng hẳn. Anh đã nói lời tạm biệt với mọi người trong gia đình từ hôm trước, ngoại trừ Mục Tĩnh, cô vẫn đang phải tăng ca ở trường học. Thời gian về nhà của bọn họ luôn trật nhịp, nếu không phải anh tăng ca ở bệnh viện thì cũng là cô làm việc xuyên đêm trong phòng thực nghiệm của trường. Là vợ chồng với nhau, nhưng dù có không ở xa thì vẫn chẳng gặp được mặt nhau mấy bận.

Không có ai trong hai người đề nghị ly hôn, bởi vì nộp báo cáo xin ly hôn cũng cần thời gian. Họ đều không có thời gian.

Tới bệnh viện mới rồi, anh gửi một bức thư cho Mục Tĩnh, nhắn cô nghiêm túc suy nghĩ về mối quan hệ giữa bọn họ. Quyền lựa chọn là ở cô, cho dù cô có lựa chọn thế nào thì anh cũng sẽ tôn trọng.

Nếu cô đề nghị ly hôn vào lúc còn đang khó khăn thì bất kể thế nào anh cũng sẽ không đồng ý, nhưng hiện tại đã khác xưa, Mục Tĩnh không cần sự giúp đỡ của anh, mà nguyên nhân khiến bọn họ bắt đầu thật sự không dám nghĩ lại. Lần này anh đi chi viện, cô có định ly hôn với anh thì cũng sẽ gian nan hơn, dù gì hai người cũng ở xa nhau đến vậy, cho dù anh không hề có ý định đó. Nhưng nếu như cô không muốn đi một chuyến tới tìm anh vì chuyện ly hôn, thì chứng tỏ cô căn bản là không đủ quyết tâm ly hôn với anh.

Lần này Mục Tĩnh không hồi âm lại.

Cù Hoa gặp lại Mục Tĩnh là vào sau Tết Trung thu năm ngoái, Mục Tĩnh đi thăm cha mẹ, thuận tiện ngồi xe lửa tới thăm anh. Khi Mục Tĩnh đến thì anh vừa vào phòng mổ, phải hơn năm tiếng sau ca phẫu thuật mới kết thúc. Anh vừa ra khỏi phòng mổ đã nghe người ta báo lại rằng vợ anh tới tìm anh, hiện tại đang ở trong ký túc xá của anh. Có lẽ là do đứng mổ liên tục năm giờ đồng hồ quá mệt mỏi nên bước chân về ký túc xá của anh chậm rì rì, anh cho rằng cô đến là để đề cập tới chuyện ly hôn.

Đến trước cổng ký túc xá, bước chân Cù Hoa bỗng nhiên trở nên nhanh hơn.

Anh đẩy cửa ra, trông thấy Mục Tĩnh đang ngồi trước bàn, cầm bút tính toán gì đó.

Lúc này cô vẫn làm việc.

Nghe thấy tiếng cửa phòng mở, Mục Tĩnh đứng dậy quay đầu. Ánh mắt hai người chạm nhau, không ai có ý định nhìn đi chỗ khác. Mục Tĩnh nói với Cù Hoa, Tết Trung thu cô đã đi thăm cha mẹ, cha mẹ muốn cô chuyển về.

Cù Hoa vừa mới rửa tay sau khi hoàn thành ca mổ cho nên trên tay vẫn còn có mùi xà phòng. Anh cầm phích nước nóng rót cho Mục Tĩnh một cốc nước, khi đưa nước tay hai người chạm vào nhau. Mục Tĩnh nhận lấy cốc nước, hỏi Cù Hoa nghĩ thế nào.

“Em vẫn chưa ăn cơm phải không?” Cù Hoa không nói mình nghĩ thế nào, anh bảo với Mục Tĩnh gần đây có một nhà hàng mới xây, hương vị cũng khá được. Nói rồi anh cầm lấy chiếc áo khoác Mục Tĩnh vắt trên lưng ghế, khoác lên người cho cô.

Còn về suy nghĩ của anh, anh đã sớm nói từ lâu, anh tôn trọng ý kiến của cô. Lời nói như bát nước đã đổ đi, không thể đổi ý được nữa. Lá thư ấy chỉ là bản cuối, trước đó anh từng viết một bức thư dài hơn nhiều, nhưng rồi cuối cùng đều bị bật lửa đốt rụi, chỉ còn một lớp tro bụi lắng xuống. Xong rồi tro bụi cũng không còn nữa.

“Ăn ở đây luôn đi, em có mang bánh Trung thu theo.” Mục Tĩnh lấy một gói bánh Trung thu từ túi hành lý ra, trước khi lên đường cô đã mua nó ở tiệm, là một món bánh trung thu mang đậm phong vị quê nhà. Mục Tĩnh mở dây thừng gói bánh, lấy con dao nhỏ của mình ra cắt chiếc bánh thành hai nửa, một nửa chia cho Cù Hoa.

Hai người ngồi đối diện nhau, từ từ ăn bánh Trung thu. Thấy Cù Hoa đã ăn hết phần mình, Mục Tĩnh lại đưa anh nửa chiếc bánh của cô.

Lời nói của ông Phương cắt ngang dòng hồi ức của Cù Hoa. Đầu tiên ông kể rằng con trai mình đã giành được giải thưởng trong một cuộc triển lãm nghệ thuật, sau đó lại nói con trai ông chẳng hề để tâm đ ến chuyện có giải hay không. Ngay cả thời xưa khi ông Phương đuổi đánh con trai, ông cũng chưa từng bêu xấu nó với người ngoài. Nói xong về chuyên môn của con trai mình, ông Phương lại nói đến chuyện nó săn sóc con đâu thế nào. Con dâu đi máy bay, con trai chẳng những đi xe lửa mà còn ngồi ghế cứng. Bà xã của ông ngồi máy bay, ông cũng ngồi xe lửa, nhà họ Phương bọn họ có truyền thống tôn trọng phái nữ, đó cũng chính là điều ông muốn nói cho con rể nghe. Ông vốn có thể nhắc đến cả lòng hiếu thuận của con trai mình, con trai đi mua vé nằm cho ông, còn bản thân thì vẫn ngồi ghế cứng, song ông lại không muốn con rể quá nghe lời cha ruột của nó, thế nên đã trực tiếp lược bớt đi.

Từ những lời cha vợ nói, Cù Hoa nghe ra được một tin tức: cả cha mẹ lẫn em trai của Mục Tĩnh đều đến đây.

Người nhà bệnh nhân ban nãy được Cù Hoa giúp trên xe lửa đến đó để cảm ơn anh. Cù Hoa gật đầu với họ, dặn dò một câu rồi cúi xuống nhìn đồng hồ, nói mình nên trở về toa xe cũ rồi. Ông Phương hỏi anh ở toa xe nào, Cù Hoa nghe rồi trả lời, ông Phương liền nói trùng hợp quá, em trai con cũng ở toa xe đó đấy. Ông Phương đi cùng con rể tìm gặp con trai của mình, tới toa xe kia, ông lại chẳng thấy con trai đâu nữa. Có một cô bé nhìn thấy ông Phương, phát hiện ông giống như đúc với những gì Phương Mục Dương miêu tả nên đã đưa ông một tờ giấy, nói là của người ông muốn tìm gửi ông. Ông Phương mở giấy ra đọc, mới biết thằng nghịch tử không an phận này đã xuống từ trạm trước đó để leo lên nóc xe lửa, trong giấy nó nói sẽ tụ hợp với ông ở trạm cuối cùng sau. Lúc bấy giờ Phương Mục Dương đang ngồi trên nóc toa xe, ngẩng đầu nhìn ngắm mây bay trên trời, thầm nghĩ giờ này có lẽ Phí Nghê đã đến nơi rồi.

Phương Mục Dương không có ở đó, ông Phương đành phải kể về con gái với người nghe duy nhất của ông hiện tại – đó chính là con rể. Lúc Mục Tĩnh chào đời ông vui sướng chẳng khác nào lần đầu tiên được làm cha, cả bác sĩ lẫn y tá đều nhận được quà biếu ông chuẩn bị sẵn. Ngày con gái đầy tháng, ông còn cố ý viết một bài báo bày tỏ tâm trạng của mình khi trở thành môt người cha. Trí nnhớ ông Phương rất tốt, đến giờ vẫn còn nhớ như in bài viết đó, đọc lại cho con rể nghe một lượt từ đầu đến đuôi…

Phí Nghê và giáo sư Mục tới nơi trước, Mục Tĩnh đi đón bọn họ, xe là ông Cù điều đi. Cô vốn định trực tiếp đưa họ về nhà họ Cù ăn cơm tối, nhưng giáo sư Mục đã uyển chuyển từ chối. Bà kiên quyết tới nhà khách trước, nói hôm khác sẽ đi chào hỏi thông gia sau.

Giáo sư Mục nhắc tới chuyện ông Phương tìm công việc mới cho cô. Mục Tĩnh biết nếu như mẹ không đồng ý thì cha cô nhất định sẽ không làm được, mặc dù cha luôn cho rằng mọi chuyện ông làm đều xuất phát từ ý muốn của bản thân, nhưng những ý muốn của ông trên thực tế đều qua mẹ cô sàng lọc hết. Rõ ràng là mẹ muốn cô chuyển về.

Phí Nghê biết mẹ chồng và chị hai có chuyện muốn nói nên khi vừa đến nhà khách, cô đã bảo mình cần vào phòng dịch nốt một bản thảo chưa hoàn thiện, để cho hai người bọn họ ở một phòng khác nói chuyện riêng. Khi nào dịch xong quyển sách này, cô sẽ có thể dùng tiền nhuận bút để cho Phương Mục Dương đi máy bay, xa xỉ một lần ngắn ngủi.   

“Trước mắt con không có ý định chuyển đi ạ.”

“Vì Cù Hoa à? Cha con cũng tìm được đơn vị tiếp nhận nó rồi.”