Tiểu Thư Hầu Phủ

Chương 200: Tiết mục



Vương Tự Bảo quay lại nhìn Chu Lâm Khê rồi nhẹ nhàng đáp: "Ta muốn để lại món quà cho cô ngoại tổ mẫu."

Nếu không làm thì e rằng mãi mãi không còn cơ hội nữa.

Tưởng Thái hậu là một trong những người gần gũi và tốt với nàng nhất. Có thể nói, nếu không có Tưởng Thái hậu thì Vương Tự Bảo chẳng thể hiên ngang khắp nơi như hôm nay. Không có Tưởng Thái hậu cũng sẽ không thể có Hòa Thuận Hầu phủ của ngày hôm nay.

Chu Lâm Khê cũng hiểu tình huống của Tưởng Thái hậu.

Hắn biết Vương Tự Bảo trọng tình nghĩa, nên bằng lòng đáp ứng tâm nguyện này của nàng. Không, nói đúng hơn là, chỉ cần là điều Vương Tự Bảo muốn thì hắn đều nguyện ý giúp nàng thỏa mãn.

Mặc dù hắn không hề muốn để nam nhân khác thấy được sở trường của Vương Tự Bảo, nhưng vẫn cố gắng kìm chế lại cơn ghen mà hỏi: "Muội muốn biểu diễn tiết mục gì? Cần ta giúp muội không?"
Vương Tự Bảo vui vẻ đáp: "Được, ta rất cần huynh giúp đấy."

Vương Tự Bảo nghĩ rồi, nàng biết đàn nhưng không thể nào bằng được với những người ngồi ở đây.

Đánh cờ thường không dùng để biểu diễn, huống hồ đây còn là điểm yếu của nàng.

Ca hát là một trong những tiết mục mà nữ chính xuyên không thích biểu diễn nhất.

Vương Tự Bảo chẳng muốn nghĩ đến việc hát hò ở đây. Chưa nói đến khuê nữ danh môn, đến những danh kỹ ở lầu xanh cũng rất ít người ca hát.

Người ở đây thích nhảy múa, nhưng đó đều là những vũ đạo khá khó, không phải cứ xoay vài vòng, tạo dáng vài lượt là xong việc.

Muốn nhảy hiphop hay múa bụng cũng được, nhưng sẽ bị người ta coi là người điên.

Có lẽ người khác không biết, nhưng người ở Hòa Thuận Hầu phủ đều biết Vương Tự Bảo rất giỏi nhảy múa. Từ nhỏ nàng đã được danh sư hết lòng dạy dỗ, lại thêm nhiều năm luyện võ, nên những điệu nhảy được cho là khó nhất đều rất dễ dàng với nàng.
Nhưng trong tình huống này, Vương Tự Bảo lại không muốn nhảy múa để mua vui cho người khác.

Muốn ngâm thơ để được nổi tiếng ngay cũng được, nhưng phải có căn cơ mới làm được. Biểu diễn tiết mục này tối kỵ việc rập khuôn máy móc. Hồi đọc tiểu thuyết ở thời hiện đại, đôi lúc Vương Tự Bảo còn thấy lo cho trí thông minh của tác giả.

Đã viết tiểu thuyết hư cấu rồi thì tại sao lúc nữ chính sao chép y nguyên thơ ca thời cổ đại, tác giả lại không biết đường thay đổi tên địa danh và các dòng sông mà chỉ Trung Quốc mới có như Trường Giang, Hoàng Hà, Hán Giang… Thậm chí tên của một vài danh nhân thời cổ đại của Trung Quốc cũng chẳng thèm đổi luôn?

Còn nữa, phong cách thơ ca của mỗi triều đại cũng không giống nhau, không phải muốn viết thế nào thì viết. Rõ ràng đề mục bắt viết thơ, vậy mà sao nữ chính lại đi chép nguyên văn bài từ của thời Tống? Thế này thì giải thích làm sao?
Người không biết phân biệt thơ và từ thì người khác làm sao theo đuổi được?

Ngoài ra Vương Tự Bảo còn thấy trí nhớ của mình đã tốt đến mức chỉ cần nhìn là nhớ, nhưng cũng chưa đến mức nghe người ta đọc một bài thơ, thậm chí là một bài từ dài dằng dặc là có thể nhớ đúng hết toàn bộ cả bài, ngâm không sai một câu nào.

Làm sao có thể nắm rõ được ý nghĩa của những chữ trong thơ từ chỉ nhờ việc nghe người khác ngâm chứ? Phải biết là khi cổ nhân viết thơ từ, họ đều phải cân nhắc từng chữ một.

Điều quan trọng hơn là, nếu chỉ có một hai người nhớ được chính xác và nắm được ý tứ của bài thơ thì còn ổn. Chứ tất cả mọi người có mặt ở đó đều nhớ được hết, lại còn hiểu rất thấu đáo và cảm nhận được tinh túy của bài thơ thì sao có thể được?
Điều này thật khiến người ta khó hiểu.

Vương Tự Bảo chỉ muốn hỏi một câu, nữ chính à, cô tẩy não mọi người bằng cách nào vậy?

Vương Tự Bảo rất muốn nhắn gửi với các tác giả: Mấy người muốn sao chép thì cứ sao chép, nhưng ít ra hãy làm một cách có tâm.

Hơn nữa ở những yến tiệc trong cung thế này, bình thường không thể đột nhiên bắt người ta viết thơ hay ngâm thơ được. Cho nên những hành động giúp nữ chính nức tiếng khắp nơi, thậm chí là cả vũ trụ đều không thể thực hiện được ở nơi của Vương Tự Bảo.

Cho nên phải kết hợp hoàn hảo những kiến thức của kiếp trước và kiếp này mới được.

Dù nàng không phải người biết nhiều chữ nhất và vẽ tranh đẹp nhất nơi này, nhưng nhất định là người có khả năng đặc biệt nhất.

Nhất là vẽ người.

Suốt bao triều đại, các danh gia đều thích vẽ sông vẽ núi. Các họa sĩ vẽ người và phải vẽ đẹp thì không có nhiều lắm.
Thứ nhất là vì khi ra khỏi nhà, các khuê tú danh môn đều đội mũ có màn che, không thể nào để cho người khác, nhất là đàn ông lạ mặt vẽ chân dung của mình. Cho dù có vẽ thì cũng sẽ cất giữ kín trong khuê phòng của mình. Cho nên những bức chân dung truyền đời không có nhiều.

Thứ hai là vì kỹ năng vẽ người của người ở đây không được tốt, chỉ phác họa lại được chứ không hề có hồn.

Bởi vậy, cho dù có bức vẽ truyền lại đời sau thì mọi người cũng không thể có được cảm giác chân thực khi ngắm tranh được.

Không biết có ai giống Vương Tự Bảo sau khi xem tranh vẽ Khang Hi, Ung Chính thì đều có cảm giác vỡ mộng hay không.

Ngắm mãi cũng không nhìn ra được hình ảnh trong tiểu thuyết của Khang Hi và Ung Chính.

Nếu đúng là họ trông như vậy thật thì Vương Tự Bảo cũng chẳng tin lại có nhiều nữ chính cầu xin được bao nuôi đến vậy.
Còn về vẽ chân dung, sau khi kỹ thuật vẽ của phương Tây bắt đầu du nhập, mảng nghệ thuật này của Trung Quốc mới bắt đầu dần hoàn thiện và được phổ biến rộng rãi.

Ở thời hiện đại, Vương Tự Bảo đã từng học vài kỹ năng vẽ người, kết hợp thêm những kỹ năng được học từ Vương Tử Nghĩa và Lữ Duyên, nàng tin rằng mình hoàn toàn có thể vẽ được một bức chân dung đẹp.

Đây cũng là quyết định được Vương Tự Bảo thầm đưa ra khi nhìn thấy Tần Hoàng hậu, Lưu Hiền phi hôm nay và khi nhớ tới Tưởng Thái hậu đang dần gầy đi.

Quyết định đó chính là vẽ tặng Tưởng Thái hậu một bức chân dung khi bà còn trẻ trung.

Khi Vương Tự Bảo chủ động chấp nhận yêu cầu biểu diễn, những người có mặt ở đó đều nhìn nàng với ánh mắt chờ mong.

Chu Lâm Khê đành phải đứng lên chắn hết người của Vương Tự Bảo. Những ánh mắt nhìn chằm chằm đó khiến hắn thấy rất khó chịu.
"Ồ, Bảo Muội, không biết con định biểu diễn tiết mục gì cho mọi người đây?" Thấy Chu Lâm Khê hết mực bảo vệ Vương Tự Bảo, không muốn để nàng biểu diễn, Vĩnh Thịnh đế lại nảy ý muốn để Vương Tự Bảo biểu diễn thật.

Thấy Chu Lâm Khê không làm được gì là niềm vui của Vĩnh Thịnh đế.

"Bẩm Hoàng biểu cữu, thần nữ định sẽ vẽ tranh ạ." Vương Tự Bảo kính cẩn đáp.

Vĩnh Thịnh đế nhướng mày hỏi: "Vẽ tranh?" Nguồn : truyendkm.com

Chuyện Vương Tự Bảo biết vẽ tranh phong cách đơn giản thì bọn họ đã biết từ khi nàng còn bé. Hồi ấy Vương Tự Bảo còn nhỏ, vẽ kiểu đấy khiến người ta thấy rất dễ thương, nhưng bây giờ đã lớn rồi thì không hợp để vẽ như thế nữa.

"Vâng, con muốn vẽ tranh." Vương Tự Bảo gật đầu đáp.

Vĩnh Thịnh đế hời hợt hỏi: "Vậy con định vẽ gì?"
"Thần nữ muốn xin Hoàng biểu cữu hứa với thần nữ một điều, có được không ạ?" Vương Tự Bảo chỉ sợ tranh mình vẽ ra sẽ mang đến những phiền phức không đáng có.

"Hứa cái gì? Hoàng biểu cữu đồng ý với con hết." Vĩnh Thịnh đế thoải mái chấp nhận.

"Sau khi thần nữ vẽ xong, sau này bất luận là ai, thậm chí ngay cả Hoàng biểu cữu cũng không được bắt thần nữ vẽ tiếp bất cứ bức họa nào khác." Vương Tự Bảo mau chóng đưa ra yêu cầu của mình.

Vĩnh Thịnh đế còn tưởng là yêu cầu khó khăn thế nào, hóa ra chỉ đơn giản như vậy. Ông là Hoàng thượng, muốn tranh kiểu gì chẳng được. Họa sư trong cung rất nhiều, cho dù không có bản gốc thì nhóm họa sư đó cũng có thể mô phỏng lại khá giống. Huống hồ tranh của Vương Tự Bảo rất đơn giản, chính ông cũng có thể tự vẽ được gần giống vậy.
Cho nên Vĩnh Thịnh đế lại càng thoải mái chấp nhận.

"Trẫm đồng ý với con là được chứ gì. Còn có yêu cầu gì nữa thì cứ nói ra luôn đi, để trẫm xem có đáp ứng được không."

"Xin Hoàng biểu cữu sai người chuẩn bị cho thần nữ một cái bàn thật to đặt ở bên cạnh, thêm những dụng cụ cần thiết khi vẽ nữa. Ngoài ra thần nữ còn cần một vài cành cây có độ dài không bằng nhau, nhưng vẫn phải dài một chút. Đúng rồi, còn cần cả một con dao nhỏ để thần nữ vót cành nữa." Vương Tự Bảo ngẫm nghĩ rồi bổ sung thêm: "Tiết mục nào cần tiếp tục thì cứ tiếp tục, thần nữ vẽ ở một bên nên không ảnh hưởng gì. Và thần nữ cũng không muốn để mọi người ngồi đó chờ một mình thần nữ."

Dù không biết Vương Tự Bảo định dùng cành cây để làm gì, nhưng Vĩnh Thịnh đế vẫn mau chóng sai người chuẩn bị.
Vương Tự Bảo ung dung cắm những cành cây đó vào chậu than. Chu Lâm Khê sợ Vương Tự Bảo bị bỏng nên vội cầm lấy mấy cành trong tay nàng và làm theo chỉ dẫn của nàng.

Sau khi cành cây bị cháy đen, Chu Lâm Khê cẩn thận dùng dao vót nhọn từng cành một theo yêu cầu của Vương Tự Bảo. Vương Tự Bảo lại nhờ Vĩnh Thịnh đế sai người tìm vài miếng vải trắng để bọc mấy cành cây này lại.

Sau đó nàng chọn một tờ giấy khá dày để bắt đầu vẽ.

Nàng dùng những cành cây đã được vót và bọc trong vải, dựa theo trí nhớ để vẽ lại dung mạo Tưởng Thái hậu khi bà mới sáu mươi tuổi. Từng nét vẽ được vạch ra trên giấy.

Chu Lâm Khê đứng bên cạnh chăm chú dõi theo từng động tác của nàng.

Khi gương mặt của Tưởng Thái hậu dần được hình thành sống động trên giấy, con ngươi của Chu Lâm Khê cũng bất giác giãn ra.
Trông giống người thật quá!

Chẳng trách Bảo Muội vừa rồi nhất quyết đòi Vĩnh Thịnh đế phải hứa. Nếu lát nữa mọi người nhìn thấy bức tranh này, không biết họ sẽ xôn xao đến mức nào nữa?

Lúc này Chu Lâm Khê chỉ muốn cất giấu cả Vương Tự Bảo lẫn bức họa này thôi.

Vương Tử Nghĩa cũng thấy tò mò, con gái nhỏ của ông tại sao lại dùng đến mấy cành cây này, sau đó còn bảo Khê ca nhi giúp mình thui chúng nữa? Vậy là ông cũng không để ý đến tiết mục của người ở bên dưới mà đứng dậy, bước đến bên bàn vẽ của Vương Tự Bảo.

Là một thanh niên đã từng yêu thích nghệ thuật, giờ là một tinh anh trong thương giới, Vương Dụ Phổ cũng không ngồi yên được nữa. Hắn cùng Vương Dụ Tuần đi đến bên bàn vẽ.

Khi nhìn thấy bức chân dung mà Vương Tự Bảo đang vẽ, ba cha con họ đều sửng sốt nhìn nhau.
Thần kỳ quá, giống y như người thật.

Tất nhiên điều thần kỳ còn ở phía sau.

Vương Tự Bảo dùng cách vẽ công bút để dần hoàn thiện và lên màu cho bức tranh xong, người trong tranh trông có hồn y như người sống, cực kỳ sinh động.

Vấn đề là, sau khi Vương Tự Bảo đã hoàn thành cả phần vẽ lẫn lên màu, ở phía dưới mới diễn ra chưa đến năm tiết mục.