Tiểu Thư Hầu Phủ

Chương 115: Chọn đề thi đình



Vương Tự Bảo vô cùng vui mừng nói: "Vậy thì tốt rồi, con còn sợ chút tài năng này của mình không đủ dùng đấy chứ."

"Con cứ ba hoa với trẫm đi." Cũng chỉ có đứa cháu gái này mới dám tùy ý nói chuyện với ông như vậy.

Vương Tự Bảo vội vàng nghiêm nghị nói: "Con nào dám. Vậy lần này Hoàng biểu cữu gọi con tới rốt cuộc là vì chuyện gì?"

Vĩnh Thịnh đế dùng giọng điệu hời hợt trả lời: "Trẫm chỉ muốn nghe ý kiến của con về đề thi Đình mà thôi?" Vĩnh Thịnh đế đã từng lĩnh giáo ý tưởng phong phú của Vương Tự Bảo. Vì vậy, lần này đúng là ông muốn nghe được ý kiến khác biệt gì đó từ cô.

Ôi chao mẹ ơi! Một cuộc thi quan trọng như vậy, vua của một nước như người lại hỏi con thì có ổn không vậy? Ổn không? Ổn không?

Hàng lông mi thật dài của Vương Tự Bảo rung đến mấy lần.
Mà kể cả không ổn thì người ta cũng đã hỏi rồi, cô cứ thả lỏng, vui vẻ mà trả lời thôi.

"Thỉnh thoảng con cảm thấy…" Vương Tự Bảo lén liếc mắt nhìn Vĩnh Thịnh đế.

"Cứ nói tùy ý, nói sai thì trẫm cũng coi là đồng ngôn vô kỵ*."

(*) Đồng ngôn vô kỵ: Lời của trẻ nhỏ không có cố kị.

Không thể không nói mức độ quý mến và khoan dung của Vĩnh Thịnh đế dành cho Vương Tự Bảo còn vượt xa mức độ đối với con cái mình. Vốn phải là biểu ngoại sinh nữ*, nhưng từ trước tới nay ông lại dùng ngoại sinh nữ** để thay thế. Đây là bởi vì ông đã coi Vương Tự Bảo là một người thân cực kỳ gần gũi.

(*) Biểu ngoại sinh nữ: Cháu gái họ, con của anh chị em họ.

(**) Ngoại sinh nữ: Cháu gái bên đằng ngoại (ruột thịt).

"Vậy thì con đành nói liều vậy, nếu không đúng thì người cứ coi như nghe một truyện cười nhé." Vương Tự Bảo mào đầu cho câu nói tiếp theo của mình.
"Được rồi, đừng ra vẻ nữa, mau nói đi." Vĩnh Thịnh đế cố ý nghiêm mặt, thúc giục.

"Hì hì," Vương Tự Bảo cười khúc khích, nói: "Dựa vào kiến thức trong sách vở để quyết định thành tích và chức quan tương lai của những tú tài này hình như hơi không hợp lý cho lắm."

Thấy Vĩnh Thịnh đế nhướng mày ý bảo cô nói tiếp, Vương Tự Bảo bèn tiếp tục nói: "Mục đích của thi cử là gì? Còn không phải là để tuyển chọn quan lại sao. Vậy khi triều đình của chúng ta chọn quan, nếu chỉ xem ai thuộc đúng, nhớ kỹ kiến thức trong sách, vậy thì không chính xác, trong tốp tú tài này, người thật sự có thể so sánh được với con quả thật không được mấy người. Đương nhiên là ngoại trừ Tam ca thiên tư thông minh, thông tuệ hơn người của con ra."

Nhìn dáng vẻ ngạo mạn của Vương Tự Bảo, Vĩnh Thịnh đế không khỏi thấy buồn cười. Lúc khen bản thân, tiểu nha đầu này không hề cảm thấy da mặt của mình dày đến mức nào.
Vương Tự Bảo còn nghĩ lời mình nói đã đủ khiêm tốn rồi đó.

Vĩnh Thịnh đế học theo bộ dạng của Vương Tự Bảo, cong ngón tay gõ đầu của cô một cái: "Bớt khoe khoang đi."

Loại cảm giác này khá thú vị, vậy nên Vĩnh Thịnh đế lại muốn gõ đầu cô lần nữa.

Vương Tự Bảo thông minh, vội vàng tránh ra xa một chút.

Vĩnh Thịnh đế đảo mắt nhìn Vương Tự Bảo né tránh, vẫy tay nói: "Tới đây."

Vương Tự Bảo bĩu môi, không tình nguyện lết qua.

Lúc Vương Tự Bảo đến gần, Vĩnh Thịnh đế lại giơ ngón tay lên gõ đầu Vương Tự Bảo.

Vương Tự Bảo bị dọa sợ đến mức vội vàng nghiêng đầu, nhắm hai mắt lại.

Nhưng đợi mãi cũng không đợi được cảm giác đau đớn như dự đoán. Cô hé một mắt, liếc trộm Vĩnh Thịnh đế, phát hiện Vĩnh Thịnh đế đang tò mò nhìn mình chằm chằm.

Thấy Vương Tự Bảo mở mắt ra, Vĩnh Thịnh đế trêu ghẹo nói: "Thế nào, con còn biết sợ ư?"
"Đau lắm đó. Trước giờ lúc gõ đầu Vương Hử, con chưa từng sử dụng sức mạnh như vậy đâu." Vương Tự Bảo khoa trương nhăn mặt, tủi thân nói.

"Được rồi, trẫm không có kinh nghiệm, lần sau nhất định sẽ chú ý. Chúng ta tiếp tục."

Đây là ý còn có lần tiếp theo sao? Vương Tự Bảo đương nhiên không dám đưa ra bất kỳ ý kiến phản đối nào.

Cô chỉ có thể tiếp tục nói về đề tài trước đó: "Hoàng biểu cữu, chúng ta đều nói đọc sách cần phải dạy theo trình độ. Tuyển chọn quan lại thì sao? Có phải cũng nên tùy theo từng người hay không? Trên đời này có cái gọi là "Mỗi ngành mỗi nghề đều có lĩnh vực chuyên môn riêng". Có người có thể am hiểu xử án, có người lại có thành tích về mặt trị thuỷ, có người thì thành thạo thiên văn và toán học, còn có người tương đối thông thạo phương diện lễ nghi. Nếu như chỉ trích một vài câu từ 'Tứ thư ngũ kinh' để bọn họ điền nội dung thiếu, hoặc là để bọn họ ba hoa chích choè trích dẫn kinh điển, vậy thì căn bản là không khảo sát được năng lực thật sự của họ. Có người giống như con nói, có thể trí nhớ của bọn họ cực kỳ tốt, năng lực học thuộc lòng cũng vô cùng mạnh, thế nhưng tới lúc cần ứng dụng lại không biết phải ra tay như thế nào. Người như thế thường được xưng là mọt sách."
Vương Tự Bảo dừng lại một chút để Vĩnh Thịnh đế bắt kịp mạch suy nghĩ của mình: "Vậy cũng chẳng khác nào lý luận suông giống như chúng ta nói. Nếu quả thật phải thảo luận nghiên cứu một chiến dịch với một đám tướng quân giỏi đánh nhau, những tướng quân kia đúng là chưa chắc đã có thể nói thắng đám quan văn. Thế nhưng, người có thể nói năng lực đánh giặc của đám quan văn kia mạnh hơn võ tướng sao? Hoàng biểu cữu, người tính toán lại thử xem, những năm gần đây, trong những quan viên làm tốt trên triều đình có bao nhiêu người xếp thứ hạng cao trong các cuộc thi Hội và thi Đình? Nhất định là không nhiều lắm đâu."

Vĩnh Thịnh đế tính kỹ lại, quả đúng như Vương Tự Bảo nói. Hiện tại trong triều đình, những người thật sự có thể xưng là nhân tài trụ cột hình như đều không thuộc ba vị trí đầu trong kỳ thi Đình.
"Vậy nên, con cảm thấy, cuộc thi Đình này của Hoàng biểu cữu đừng chỉ ra một, hai đề. Chúng ta không ngại ra thêm một vài đề thi, để các tú tài căn cứ từ sở thích và năng lực của mình lựa chọn ra câu hỏi mình am hiểu để trả lời. Những đề thi này tốt nhất nên thiên về những vấn đề cần giải quyết khẩn cấp trong thực tế dân sinh và trên triều đình hiện tại, hoặc là chọn một vài đề tài có tính tranh luận vân vân. Đương nhiên, tiêu chuẩn phán xét cũng không phải là xem người nào viết nhiều, viết kỹ càng tỉ mỉ thì người đó là giỏi nhất. Chủ yếu nhất vẫn là nên xem tính khả thi của những thứ bọn họ viết ra. Nếu không thì cũng chỉ là một đám lý luận suông. Được rồi, đây chính là những lời con muốn nói với người."

Nghe xong lời này của Vương Tự Bảo, vẻ mặt của Vĩnh Thịnh đế trở nên nặng nề. Ông không nói tốt, mà cũng không nói không tốt, chỉ đứng lên, hướng về phía bên ngoài hô:
"Đức Thọ, tuyên Hoà Thuận Hầu Thế tử Vương Tử Nghĩa đến Ngự Thư Phòng nghị sự. Bảo Muội, hai ngày nay con đừng xuất cung nữa. Chờ sau khi thi Đình kết thúc rồi hãy đi." Dặn dò xong câu này, Vĩnh Thịnh đế bèn vội vội vàng vàng tới Ngự Thư Phòng, vừa đi vừa chỉ thị: "Gọi Hộ bộ, Lại bộ, Hình bộ, Công bộ, Lễ bộ tới Ngự Thư Phòng kiến giá*." Sau đó ông lại bổ sung: "Cũng không thể thiếu Binh bộ, gọi cả Binh bộ Thượng thư tới đi."

(*) Kiến giá: Bái yết Hoàng đế.

Thông thường ngoại trừ thi võ ra thì trong các cuộc thi văn trước giờ đều không có chuyện của Binh bộ.

"Vâng." Sau khi lĩnh mệnh, Đức Thọ vội vàng ra ngoài tìm người đi làm việc.

Lời của cháu gái bảo bối nhà mình nghe thì hơi trẻ con, nhưng cô lại nói ra được vấn đề thực tế là triều đình khó lựa chọn quan lại và cả cái gọi là khuyết thiếu bề tôi có năng lực.
Sau khi nhận được lệnh truyền gọi, Thượng thư sáu bộ cộng thêm Vương Tử Nghĩa vội vàng vào cung chạy tới Ngự Thư Phòng.

Trên đường đi mọi người đều nghi ngờ khó hiểu.

Ngày mai là thi Đình rồi, vào lúc này Hoàng đế lại đột nhiên truyền bọn họ tới, chẳng lẽ là đã xảy ra chuyện lớn gì?

Chờ sau khi mọi người lục tục đến, Vĩnh Thịnh đế cùng truyền mấy người họ vào Ngự Thư Phòng.

Sau khi đi vào bên trong, mọi người vội vàng hành đại lễ yết kiến: "Vi thần tham kiến bệ hạ, Ngô hoàng vạn tuế! Vạn tuế! Vạn vạn tuế!"

Vĩnh Thịnh đế khoát tay: "Chúng ái khanh bình thân, ban thưởng ngồi."

Thượng thư sáu bộ và Vương Tử Nghĩa đều là nhị phẩm, nhưng tước vị Thế tử của Vương Tử Nghĩa là cha truyền con nối, là một loại vinh hạnh đặc biệt. Khi tham gia cung yến, chỗ ngồi của ông ở phía trước Thượng thư sáu bộ.
Nhưng ở trong triều đình, tước vị Thế tử thuộc kiểu chức quan nhàn tản, không cần phải vào triều.

Hiện tại không phải ở triều đình nên Vương Tử Nghĩa ngồi ở vị trí trên cùng.

Thượng thư sáu bộ sắp xếp theo thứ tự Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công.

Mặc dù thoạt nhìn Lễ bộ không có thực quyền nhất, thế nhưng từ mức độ coi trọng dành cho lễ nghi ở cổ đại thì có thể nhận thấy chút ít.

Đợi sau khi mọi người đều đã ngồi xuống, Vĩnh Thịnh đế nói: "Các vị ái khanh, ngày mai là thi Đình. Trẫm tạm thời không biết nên ra dạng đề thi như thế nào thì tốt, cho nên triệu tập các vị ái khanh cùng đến, tiếp thu ý kiến hữu ích. Tiết ái khanh, bắt đầu từ ngươi trước."

Lại bộ Thượng thư Tiết Trung Nguyên bị điểm tên vội vàng đứng dậy trả lời: "Vi thần cho rằng, cần phải tuân theo quy chế của tổ tiên, trích dẫn kinh điển trong 'Tứ thư ngũ kinh' để các tú tài trả lời là tốt nhất." Đây là một đáp án bảo thủ, nói như thế nào cũng sẽ không xảy ra chuyện gì xấu.
Vĩnh Thịnh đế gật đầu, hỏi những người bên cạnh: "Những người khác thấy thế nào?"

"Chúng thần tán thành." Ngoại trừ Vương Tử Nghĩa và Binh bộ Thượng thư ra thì mấy người còn lại đều đứng dậy đáp. Truy๖enDKM.com

Vĩnh Thịnh đế nhìn Binh bộ Thượng thư rồi hỏi: "Trung Lương, ngươi thấy sao?"

Trương Trung Lương vừa nghe Vĩnh Thịnh đế gọi tới tên mình bèn vội vàng đứng dậy nói: "Vi thần là một người lỗ mãng, e rằng lúc tổ chức thi võ vi thần còn có thể nói vài câu. Nhưng lần thi văn này, vi thần thật sự không biết nên nói gì cho phải."

Vĩnh Thịnh đế gật đầu, ông vẫn luôn khá yêu thích kiểu người thẳng thắn này. Chuyện này chủ yếu liên quan tới việc bản thân ông cũng là người không quá am hiểu mưu kế giảo quyệt.

Thứ nhất là vì tính cách Vĩnh Thịnh đế quyết định, thứ hai là bởi năm đó ông căn bản cũng không được bồi dưỡng theo phương thức của Thái tử. Nhưng Vương Tự Bảo nhận thấy, điều này ngược lại lại trở thành một ưu điểm của Vĩnh Thịnh đế.
Vĩnh Thịnh đế lại nhìn Vương Tử Nghĩa, chỉ đích danh bảo: "Vương ái khanh có tán thành lời chúng khanh nói hay không?"

Vương Tử Nghĩa vẫn đang suy nghĩ mục đích Vĩnh Thịnh đế gọi bọn họ tới. Ông liên tưởng đến chuyện tiểu nữ nhi nhà mình được vời vào cung trong thời điểm nhạy cảm này, sau đó Hoàng thượng lại đột nhiên tập hợp một công chức nhàn tản như mình và những quan lớn đứng đầu sáu bộ này cùng với nhau, rốt cuộc là vì cái gì?

Chẳng lẽ tiểu nữ nhi nhà mình đã nói hoặc làm gì khiến Vĩnh Thịnh đế nghĩ tới điều gì đó ư?

Vậy tiểu nữ nhi nhà mình đã nói gì hoặc làm gì, mới có thể làm cho Vĩnh Thịnh đế coi trọng đến vậy?

"Theo con thấy, thi cử kiểm tra 'Tứ thư ngũ kinh' gì đó thực ra không có chút đáng tin nào cả. Không phải chỉ là xem trí nhớ của ai tốt thôi sao? Phụ thân, nếu như vậy, có phải con cũng có thể lấy một danh hiệu trạng nguyên về cho người không? Đến lúc đó, người chính là phụ thân của nữ trạng nguyên rồi. Người nói xem, con gái có lợi hại hay không?"
"Thần cho rằng nên kiểm tra câu hỏi thực tế. Hoàng thượng nghĩ xem, triều đình tổ chức khoa cử là vì cái gì? Còn không phải là để lựa chọn quan lại sao. Lựa chọn quan lại đương nhiên phải chọn người thật sự có năng lực làm việc vì bách tính chứ. Thế nhưng không phải ai đọc nhiều sách hơn, thuộc lòng tốt hơn thì có thể đảm nhiệm được bất kỳ chức vị nào. Có người chính là mọt sách, căn bản chỉ biết thuộc lòng chứ không biết dùng. Cũng giống như nấu ăn, ngươi cho các nam nhân mỗi người một quyển sách dạy nấu ăn, bọn họ có thể đọc thuộc làu, nhưng nếu thật sự để bọn họ nấu thì bọn họ lại không làm được. Còn nữa, có một câu chúng ta thường nói nhất gọi là 'lý luận suông', đây có lẽ cũng cùng một đạo lý. Cái gọi là mỗi ngành mỗi nghề đều có lĩnh vực chuyên môn riêng, thứ mỗi người am hiểu đều khác nhau. Lúc ở trường đều nói nên dạy theo trình độ, như vậy vì sao lúc lựa chọn quan lại lại không thể dựa vào những khả năng khác nhau của từng cá nhân mà giao cho chức quan khác nhau chứ?"