Thợ Sửa Giày

Chương 42: Cảm giác an toàn



Biết Lâm Tri nhạy cảm, nên Nhiếp Chấn Hoành không dám suy nghĩ miên man trước mặt cậu nhóc nữa.

Dù gì từ đầu chí cuối, tất cả chỉ là dao động cảm xúc của anh do tâm trạng đã đổi khác, em hàng xóm có biết gì đâu, không nên để người ta phải suy đoán trong vô vọng và lo lắng bất an.

Nói toẹt ra là, Nhiếp Chấn Hoành cảm thấy nếu Lâm Tri mà biết thật, thì anh bị vả một cái hẵng còn là nhẹ. Nhưng chừng nào còn chưa gỡ hết đống tơ lòng rối mù của mình, thì Nhiếp Chấn Hoành không muốn tạo ra bất kỳ hiểu lầm nào hết.

Anh vẫn thích thấy cậu nhóc sống vui vẻ, vô lo vô nghĩ hơn.

Vào thời khắc này, Nhiếp Chấn Hoành hiển nhiên đã quên mất một điều.

Với quá khứ và cái độ lơ ngơ của chú nhóc, thì dù cậu có thực sự phát hiện ra anh có gì không ổn, liệu cậu có đoán nổi không?

Chẳng qua, phiền não bấy giờ của anh còn chưa đi xa đến mức đấy.

“Ông chủ Nhiếp, họa sĩ Lâm!”

Mấy hôm sau, Hà Khiêm lại qua tiệm lần nữa.

Lần này anh ta đã đánh tiếng trước với Nhiếp Chấn Hoành, xác nhận là Lâm Tri đang phác thảo, hơn nữa còn sắp vẽ xong đến nơi, thì mới yên tâm qua bên này. Anh ta còn xách thêm một cái hộp, có vẻ là quà tặng.

“Tôi nghe mấy người rành hội họa trong bộ phận bảo họ đều thích dùng màu của hãng này, nên mua hai hộp.”

Anh ta vui tươi hớn hở đưa túi cho Nhiếp Chấn Hoành, không quấy rầy Lâm Tri còn đang ngồi trước bảng vẽ, “Chẳng rõ có mua đúng không, nếu Tiểu Lâm không thích, thì tôi đổi loại khác!”

Nhiếp Chấn Hoành nhận đồ xem thử. Anh chỉ cảm thấy màu vẽ nào mà chả giống nhau. Nhưng Lâm Tri đang ngồi trong phòng thì lại quay đầu sang vì câu nói của Hà Khiêm.

“A.”

Cậu thấy hộp màu mà Nhiếp Chấn Hoành móc ra từ trong túi, đôi mắt đen sáng bừng hẳn lên.

Hiếm khi Lâm Tri lại đứng dậy ngay, đi lên trước nhận màu vẽ, còn cảm ơn Hà Khiêm cực kỳ nghiêm túc, “Cảm ơn ạ.”

Cậu đang hết một màu đúng lúc này! Mới nãy cậu pha bằng mấy màu khác hoài, mà vẫn chưa đúng vị lắm.

Giờ thì tốt rồi!

Cảm ơn xong, Lâm Tri không đợi Hà Khiêm đáp lời mình, mà lập tức quay về chỗ ngồi. Cậu mở hộp màu ra, quen tay hay việc lấy một tuýp màu, chấm chấm lên bảng pha, rồi lại tiếp tục chuyên tâm với bức họa.

Hà Khiêm cũng chẳng thấy có vấn đề gì. Nhìn theo bóng Lâm Tri, anh ta phấn khởi bảo, “Thích là tốt rồi, thích là tốt rồi.”



Anh ta tiếp xúc nhiều với dân văn học nghệ thuật, biết hội ấy toàn mấy người có tính nết kỳ cục, cu cậu Lâm Tri còn dễ chịu rồi đấy. Chỉ cần có thể giải quyết khó khăn trước mắt giúp anh ta, thì có cho cậu họa sĩ này trét màu lên mặt mình anh ta cũng sẵn lòng!

Nhưng Nhiếp Chấn Hoành thì ngược lại, anh đứng một bên quan sát, lòng bỗng hơi hụt hẫng.

Anh chưa từng để ý… mấy tuýp màu của cậu nhóc đã bẹp dí rồi. Thậm chí nhiều tuýp còn bị biến dạng, như kiểu dùng hết kem đánh răng nhưng không nỡ vứt đi, nên người ta cuộn tròn nó lại, chỉ để chắt ra từng giọt cuối cùng.

Thế mà anh còn bảo là mình để tâm đến cậu nhóc lắm với chả vừa, hơn người khác nhiều cơ đấy.

Anh còn chẳng phát hiện ra khó khăn thiếu thốn trong việc vẽ vời của Lâm Tri.

Nhiếp Chấn Hoành nhìn người đang vùi đầu nghiêm túc vẽ tranh trong phòng, hoàn toàn không thấy thiếu thốn khó khăn gì kia, trái tim lại bắt đầu đau nhoi nhói như mấy hôm trước.

Cái đứa ngốc này.

Người đời bảo con có khóc thì mẹ mới biết mà cho bú, còn cu cậu thì sao, chẳng thèm kêu chít lấy một tiếng!

Hà Khiêm không biết dòng suy tưởng phức tạp phong phú trong nội tâm Nhiếp Chấn Hoành bấy giờ, lúc này anh ta chỉ một lòng hướng về sự nghiệp.

“Tiểu Lâm vẽ đến đâu rồi? Có tiện cho anh xem một tí được không?”

Sau phản ứng lần trước của Lâm Tri, Hà Khiêm không dám đến gần quá, chỉ nhẹ nhàng hỏi vậy từ đằng xa.

Có lẽ do của tặng là của lo, của cho là của nợ, nên người luôn không thích phản ứng với kẻ lạ như Lâm Tri lại gật đầu, dịch ghế của mình qua một bên.

Dù sao… cậu cũng sắp vẽ xong rồi. Lâm Tri nghĩ bụng, hình như người này, là người trả tiền đấy.

Cho anh ta xem cũng chẳng sao.

Hà Khiêm lại ngạc nhiên vì được đối xử tốt như thế, vội vàng bỏ Nhiếp Chấn Hoành lại đằng sau, sải bước đến cạnh Lâm Tri, xoay người ngắm bức tranh của cậu.

Dù gì lần trước chú bé họa sĩ này còn sợ anh ta đến mức trốn chui trốn nhủi, khiến anh ta về buồn bực rõ lâu, còn tưởng dạo này mình tăng ca thức đêm nhiều, đầu hói trắng thân tiều tụy nom đáng sợ quá, nên mới khiến cu cậu chết khiếp.

“Ui chao, bức tranh này…”

Ánh sáng trong nhà khá tốt, Nhiếp Chấn Hoành cố ý thay bóng đèn độ sáng cao tiết kiệm năng lượng vào, căn phòng vô cùng sáng sủa. Bức tranh được kẹp trên bảng vẽ lập tức hắt vào mắt Hà Khiêm.

Không nhiều màu sắc tươi sáng như trong tưởng tượng của anh ta, cũng chẳng có mấy món đồ chơi trẻ con sặc sỡ để thu hút bạn đọc vào nội dung báo.

Nhưng Hà Khiêm chỉ lướt sơ qua, là tâm trạng căng thẳng mấy bữa nay đã được thả lỏng.

Có điều bản thảo duyệt được hay không, chỉ liếc một cái hẵng còn chưa đủ.



Anh ta đẩy kính, rướn người lại gần quan sát chi tiết trên bức tranh thật cẩn thận.

Nhiếp Chấn Hoành vốn đang ngồi đóng đinh ngoài cửa, giờ cũng chẳng ngồi yên nổi. Anh quẳng giày, theo Hà Khiêm đến trước bảng vẽ, cùng ngắm tác phẩm của Lâm Tri.

Thật ra cảnh tượng mà Lâm Tri vẽ vô cùng mộc mạc, cũng rất đơn giản.

Gần như xuất hiện trên bàn cơm của mỗi gia đình.

Một đôi tay nhỏ như ngó sen đang ôm chiếc bát sứ, uống canh ừng ực.

Nước canh màu trắng sữa để lại hàng ria bạc cho cái miệng đang lộ ra trong tranh, hai bầu má tròn xoe như chú cá vàng. Dù Lâm Tri không vẽ hết khuôn mặt, nhưng hình ảnh một đứa trẻ đáng yêu vẫn hiện ra đầy sinh động trên mặt giấy.

Trên chiếc bàn cơm cũ kỹ màu gỗ, là mấy món ăn nhà làm.

Cải ngồng xanh lục, thịt xé phay màu nước tương. Bắt mắt nhất là một chiếc bát ô tô cũng đựng món canh màu trắng sữa, một bộ con cá khuyết phần bụng trôi nổi trên đó. Còn phần duy nhất chẳng có chút thịt nào là đầu cá thì đang nằm trong bát của một người khác.

Một bàn tay hơi khắc khổ đang cầm chiếc bát nọ.

Bàn tay ấy có vẻ là tay phụ nữ. Có điều trên mu bàn tay và các đốt ngón tay có những hoa văn sậm màu đan xen, đầu ngón trỏ còn dán một miếng băng cá nhân. Cả bàn tay đều có vẻ thô ráp và thâm sần, khác hẳn làn da trắng nõn của đứa trẻ.

Toàn bộ bức họa về cơ bản chỉ mô tả cảnh tượng này.

Một gia đình bình thường, một bữa cơm bình thường mà đơn sơ của hai mẹ con.

Không có quá nhiều thứ khơi gợi tình tiết câu chuyện, cũng chẳng có những đồ vật rực rỡ đẹp tươi cướp đi đất diễn. Tông màu nâu với độ bão hòa thấp khiến toàn bộ bức tranh có vẻ ngập tràn sự ấm áp, dịu dàng và tĩnh lặng.

Đồng thời cũng chứa chan cảm giác an toàn đặc trưng của “gia đình”.

Trong tranh còn có rất nhiều đồ vật nhỏ trong phông nền, thân thuộc với mọi nhà: tủ lạnh đắp vải ren, một chiếc TV cũ to cộ ở đằng sau, bình nước in hoa mẫu đơn đỏ thẫm ở trong góc… Chúng đều mang dấu ấn của cuộc sống.

Đến cả hai anh đàn ông già hơn Lâm Tri nhiều là Nhiếp Chấn Hoành và Hà Khiêm còn có thể tìm lại hồi ức ấu thơ từ bức tranh này.

“Vẽ… đẹp quá.”

Hà Khiêm ngắm nghía cẩn thận, rồi khen một câu chân tình.

“Chẳng qua… cảnh này là của lá thư nào ấy nhỉ?”

Anh ta tung ra nghi vấn cuối cùng, “Sao tôi chẳng có tí ấn tượng nào với hình ảnh này vậy?”