Thiên Kiều

Chương 98: Tam thăm (trung)



“Bạch bạch bạch ——”

Trước cửa dịch quán có pháo hoa bắn đùng đoàng.

Pháo cao cao treo trên mái nhà, ngọn lửa vừa bén thì cả quả pháo đã bay vút lên, bao giấy màu đỏ tía lập tức nổ tung rắc giấy vụn khắp nơi. Trên tường cao và mái ngói, dưới chân váy của tiểu cô nương đều có.

“A! Giày mới của ta!”

Tiểu Trường Ninh vùi đầu hừ hừ, sau đó vội vàng xoay người làm điệu hoa lan chỉ nhấc tà váy trốn đến phía sau chị gái. Tà váy theo bước chân của tiểu cô nương mà cốn lên để lộ một đôi giày thêu nhỏ bằng lụa màu chàm. Trong lúc có tang thì không thể ăn mặc lòe loẹt thế nên Trường Đình đành phải vẽ cho tiểu nha đầu đôi mắt mèo, lại thêm hai cái râu. Vài nét bút không coi là vượt quy củ nhưng vẫn để lộ vẻ non nớt đáng yêu.

Trường Đình cười vui, mu bàn tay vừa lật đã ôm lấy em gái ở phía sau, “Vui không? Mau ra đây nhìn pháo! Một năm chỉ có lúc này có thể nhìn thôi!”

Trường Ninh nắm góc áo, kiên quyết lắc đầu.

Pháo bốc cháy lên sẽ tỏa khói, Hồ Ngọc Nương đang dán lên tường gạch xanh nhìn ra ngoài cứ vậy bị khói hun đến ho khan. Người này ho khan còn không thành thật, trong tay còn túm một con pháo chưa đốt chạy đuổi theo Nhạc Phiên, vừa chạy vừa gào, “Ngươi có còn là nam nhân hay không! Bảo ngươi đốt quả pháo ngươi cũng không dám! Ngày mai ta sẽ vào trong thành đặt mua hương cao và dầu thơm cho ngươi thôi, Nhạc tiểu nương tử!”

Hồ Ngọc Nương chạy đuổi phía sau, Nhạc Phiên thì vừa ngậm một cái lá khô vừa chạy vòng quanh. Hắn đẩy đẩy cái lá trong miệng, chân vừa chạy đầu vừa quay lại nhìn Hồ Ngọc Nương cợt nhả, “Thế thì không được! Người ta muốn dầu hoa quế cơ, mùi khác người ta không ngửi quen ——” lời còn chưa nói xong cả người hắn đã liều mạng nhảy lên. Tay hắn luống cuống túm túm phía sau, “Ai da! A Ngọc! Ngươi ném cái gì lên áo ta thế, pháo hả?! Lão tử sợ nhất là pháo đó!”

Hồ Ngọc Nương ghét nhất cái bộ dạng giả bộ yếu đuối này của Nhạc Phiên thế là nàng ấy vung tay chống nạnh đứng cạnh tường cười ha hả.

Trường Đình ôm em gái đứng tránh xa, miệng cũng nhếch lên cười rộ.

Hai kẻ dở hơi này!

Lúc này còn chưa tới năm mới, nhưng tập tục ở bắc địa là vào ngày 30 tháng chạp sẽ phóng pháo hoa, dán song cửa sổ. Bọn họ cũng coi như nhập gia tùy tục. Ngày mùa đông lạnh chết người nhưng Hồ Ngọc Nương lại chạy đến thở hồng hộc, trên trán toàn là mồ hôi. Nàng ấy vừa cười vừa chạy chậm tới chỗ này, hai mắt là hai mảnh trăng non, “Ngươi nói xem sao lại giữ tiểu A Ninh của chúng ta ở đây?! Đi đi đi, chạy hai vòng trên tuyết coi như đón năm mới vui vẻ!”

Có phải chó đâu…

Còn vui vẻ nữa…

Tiểu Trường Ninh méo miệng, xách váy nhếch mũi chân khoe khoang đôi giày thêu, “Đây là giày mới a tỷ làm cho muội, sợ bẩn mất!”

Hồ Ngọc Nương ngẩn ra, sau đó phá ra cười, một tay khoác vai Trường Đình, một tay cũng xách váy lên để lộ một chiếc giày màu vàng cam đường thêu xiêu vẹo, đuôi chỉ còn lộ ra cả đống. Nàng ấy hếch cằm, vênh váo mà nhìn tiểu Trường Ninh nói, “Ai hiếm lạ! Giày của ta cũng là A Kiều làm cho đấy!”

Trường Ninh càng méo miệng.

Một kẻ bên trái, một kẻ bên phải dán lên người Trường Đình, nàng không nhịn được cười ha hả: “Bỏ váy xuống ngay!”

Nói thật thì việc thêu thùa của nàng không được tốt lắm, nàng phải đốt đèn năm sáu ngày làm gấp gáp mới xong mấy đôi giày này. Vết kim trên tay còn nhiều hơn mười năm trước đó cộng lại. Nhưng năm cũ qua đi, năm mới tới, đây là việc lớn. Tuy chỉ tạm ở lại nơi này nhưng nàng vẫn không muốn A Ninh và Ngọc Nương phải thiệt thòi. Ngọc Nương trời sinh tính tình rộng rãi, lúc nào cũng sống được vui vẻ cực kỳ. Nhưng tiểu Trường Ninh mềm mại thận trọng, mà người như thế luôn do dự không quyết đoán đồng thời nhiều tâm tư lại mẫn cảm.

Lúc trước có vị tỷ tỷ họ Vương cha mẹ đều qua đời, được tổ mẫu nuôi nên cũng học được một bộ nghiêm trang, quy củ, đa nghi. Nàng không hy vọng A Ninh giẫm lên vết xe đổ đó.

Người khác có tiền mừng tuổi, có quần áo và giày mới lại được trưởng bối yêu quý. Những thứ người khác có tiểu A Ninh đều nhất định phải có, nếu không chính là người làm chị như nàng phải xin lỗi Phù thị.

Pháo đã phóng gần hết, chỉ còn thừa một hai bánh pháo treo bên cửa. Trên mặt đất của dịch quán đều là mảnh giấy vụn, giống như một tầng tuyết đỏ.

Đám trẻ con trong con hẻm nhỏ lúc này đều lấp ló thò đầu qua tường vây mà nhìn vào trong. Chưởng quầy của trạm dịch và đám tiểu quan tiểu lại theo quan hệ thân quen mới vớt được công việc béo bở này. Nghe đám tiểu nhị lắm mồm nói thì Khương chưởng quầy chính là cậu họ xa ơi là xa của Khương thị, vợ Chu Thông Lệnh. Cũng coi như ông ta có chút quan hệ, nhưng Trường Đình nhìn kỹ khuôn mặt Khương chưởng quầy lại không thấy biểu tình xa cách, kiêu căng như Khương thị.

Khương chưởng quầy là người rất hòa ái. Ông ta có một bộ râu hình chữ bát, lúc cười râu vểnh lên. Lúc này ông ta cầm một thanh củi đốt dây pháo dài, lát sau pháo nổ bùm bùm. Ông ta để tiểu nhị giữ cửa mở, đám trẻ con xung quanh xôn xao ùa vào trong viện, sau đó quy củ đứng dưới chân tường. Điếm tiểu nhị vui tươi hớn hở lần lượt phát tiền mừng tuổi cho từng đứa một, mỗi đứa được ba đồng tiền Ngũ Thù. Đám nhỏ được tiền mừng tuổi thì hò hét mà cúi người cảm ơn Khương chưởng quầy.

Đây là cảnh ấm áp đã lâu Trường Đình chưa thấy. Hồ Ngọc Nương dựa vào Trường Đình nhẹ giọng nói, “Vị Khương chưởng quầy kia là người tốt!”

Trường Đình cười gật đầu. Ông ta là người có gương mặt hiền từ, hiện tại trong thế đạo này mà còn có người như thế, quả là hiếm thấy.

Đợi đốt xong bánh pháo cuối cùng, Khương chưởng quầy mới cười tủm tỉm đi tới trước mặt tiểu Trường Ninh đưa ba đồng tiền Ngũ Thù cho con bé và nói, “Tiểu cô nương! Năm mới vui vẻ!”. Sau đó ông ta đưa cho Hồ Ngọc Nương ba đồng, lại nói lời vui vẻ khiến Ngọc Nương vui cực kỳ.

Sau đó ông ta lại móc từ trong ngực ra ba đồng tiền đưa cho Trường Đình và nói, “Bỏ cũ đón mới, bọn nhỏ đều có, chúc cô nương năm nào cũng bình an!”

Những lời chúc vui vẻ khiến người ta cuối cùng cũng cảm nhận được năm mới thực sự tới rồi!

Trường Đình vội vàng hé miệng cười, duỗi tay đón lấy sau đó cảm tạ ông ấy, “Chúc chưởng quầy năm mới vui vẻ, làm ăn phát tài!”

Khương chưởng quầy cười tủm tỉm mà liên tục gật đầu nói, “Nhờ phúc của cô nương! Nhờ phúc của cô nương!”

Song cửa lầu ba của dịch quán mở rộng, Chân Định đại trưởng công chúa đứng bên cửa sổ, biểu tình hòa nhã. Bà ta lẳng lặng nhìn không khí vui mừng trong sân, hai tiểu cô nương đều đã trưởng thành. Một đứa trong một đêm đã trưởng thành, thề sống chết bảo vệ em gái, một đứa lúc này toàn tâm toàn ý ỷ lại vào chị mình. A di đà phật, còn may hai người đều không biết gì cả.

Có đôi khi vô lo vô nghĩ mà sống trong sự lừa gạt dối trá cũng là phúc. Nhưng bộ dạng cười lộ lúm đồng tiền vui vẻ của hai đứa nhỏ lại càng khiến người ta đau lòng.

“… Cô nương và thứ dân trà trộn một chỗ đúng là không hợp quy củ. Nếu không để nô tỳ đi xuống dẫn hai vị cô nương đi nhé?”

Nga Mi thử thăm dò hỏi.

Chân Định đại trưởng công chúa lại như không nghe thấy.

Nga Mi cắn cắn môi, nhón chân nhìn hành lang dưới lầu, lại gọi một tiếng, “Đại trưởng công chúa…”

Cuối cùng Chân Định đại trưởng công chúa mới hoàn hồn nhìn qua “A” một tiếng. Nga Mi đành phải lặp lại lời vừa rồi. Bà ta không có biểu tình gì mà chỉ xua tay nói, “Không cần, khó có lúc A Kiều và A Ninh đều vui vẻ, quy củ không phải để giữ chặt lấy mà để quản lý.”

Nga Mi vội rũ mắt, nhẹ “vâng” một tiếng.

Từ 10 tuổi nàng ta đã hầu hạ Chân Định đại trưởng công chúa, cứ vậy đã bảy tám năm. Nhưng tới giờ nàng ta vẫn không đoán được trong lòng chủ tử nghĩ cái gì. Nói nhiều sai nhiều, vậy không bằng đừng nói, Nga Mi nghĩ thế nên im lặng luôn.

Mãi một lúc sau Chân Định đại trưởng công chúa mới ôn nhu dặn dò, “Mang cái ghế tới đây.”

Chân Định đại trưởng công chúa còn chuẩn bị an nhàn ngồi chỗ này nhìn ư!? Để gió lạnh thổi vào người ấy hả?!

Hứa bà tử không ở đây nên không ai khuyên được bà ấy. Trong lòng Nga Mi chỉ thấy hoảng hốt, đợi gió lạnh thổi tới nàng ta mới nhớ ra bản thân cần phải làm gì vì thế vội vàng cúi đầu dùng sức dọn một cái ghế có lưng dựa tới cho chủ tử ngồi.

Hôm nay là đêm trừ tịch, toàn thành vui mừng.

Chân Định đại trưởng công chúa lại chỉ thấy lòng tràn đầy bi thương. Sống đến tuổi này của bà ta lưng cũng đã cong, mặt cũng nhăn, tóc cũng bạc nhưng bà ta mới lần đầu tiên cảm nhận được bi thương. Thời trẻ mất cha, đến trung niên mất chồng, nhưng điều ấy cũng chưa khiến bà ta suy sụp. Lúc Lục lão đầu nhi lôi kéo tay bà ấy mà tắt thở bà ta cho rằng chuyện khổ nhất trên đời không có gì khác ngoài việc ông ấy đi trước bà. Đến giờ bà còn tưởng mình đã trải qua mọi đau xót khó nhịn nhất trên đời này rồi. Nhưng nào biết bà đã quá ngây thơ, khi bà từ từ già đi thì lại bị con trai mình đâm cho một nhát chí mạng.

“Mẫu thân, ngài đau lòng sao? Hẳn là đau lòng đúng không? Vị ca ca thân ái kia của ta chết thảm nơi tha hương, thậm chí không thấy xác đâu…”