Thâm Cung

Chương 64: Phượng Thư, Quyển Thứ Năm, Trích Đoạn 1



Tống Hiến Tông

Niên hiệu: Quang Nhật

Tống Hiến Tông tên húy là Chiêu Huy, là con trai thứ bảy của Anh Tông Hoàng Đế. Thân mẫu là Tiệp dư Vũ thị mất sớm, Hoàng Hậu Phùng thị nhận ngài làm con thừa tự. Sau khi Phùng Hoàng Hậu hoăng, ngài được Quý phi Hà thị nuôi dưỡng [...]

Tống Hiến Tông được sắc phong Đông Cung năm sáu tuổi, đăng cơ năm mười một tuổi, là vị quân vương trẻ tuổi nhất của Bách Phượng từ khi khai quốc đến nay. Ngài bẩm sinh thiên tư lỗi lạc, long nhan rạng ngời, khí chất trang nghiêm, từ thuở thiếu niên đã có tài dẹp yên nội loạn, bình định ngoại xâm, là bậc đại trí, đại dũng xứng đáng làm chủ thiên hạ[...]

Năm Quang Nhật thứ bảy, Tống Hiến Tông xuất cung vi hành, bị phản tặc phục kích tại hành cung Thanh An, tình thế vô cùng hung hiểm. Nhờ có Cẩm y vệ một lòng trung thành, lại có Hòa phi Chu thị liều mình cứu giá mới an toàn hồi cung. Cảm động trước tấm lòng son sắt của bầy tôi, Tống Hiến Tông ra chiếu chỉ trọng thưởng tất thảy những Cẩm y vệ từng hộ giá, kẻ nào thương vong thì toàn gia được hậu đãi đến ba đời, kẻ nào vô sự thưởng ngàn lượng vàng, thăng quan ba bậc, lương bổng tăng gấp đôi. Chu thị từ phi tần tòng nhất phẩm thăng làm chính nhất phẩm Hiền phi, ban thưởng đồ ngọc trăm món, tơ lụa trăm khúc, ân sủng vô hạn.

_________________________________________________________________________________

Chú thích: Phượng Thư là bộ sử ký ghi chép lại lịch sử Bách Phượng từ khi khai quốc, bao gồm mười hai quyển ứng với mười hai đời vua.Vì Thâm Cung được viết theo góc nhìn của nữ chính, có một số tình tiết không thể đưa trực tiếp vào truyện, nên mình tạo ra thêm Phượng Thư với mục đích như phụ lục bổ trợ cho nội dung truyện.