Phúc Nữ Nhà Nông

Chương 249: Sổ con



Một câu nói Mãn Bảo, người chạy gãy chân tất nhiên là mấy anh trai chị dâu của bé, chẳng qua việc này không gấp, còn chưa bắt đầu vụ hè, việc cấp bách là phải sửa xong mái nhà.

Ngày hôm sau đám Chu nhị lang lập tức đến nhà trưởng thôn mượn xe ba gác.

Người trong thôn biết bọn họ muốn vào thành mua mái ngói về sửa nhà, có mấy nhà lúc trước cầm tiền và gạo của nhà họ liền đi theo.

Không có xe ba gác, thì vác sọt tre to, đến lúc đó bọn họ có thể trực tiếp khiêng về, đỡ phải đi đi lại lại nhiều lần.

Chu lão đầu thì nói chuyện trồng lúa mạch vụ đông với trưởng thôn và mấy người già trong thôn.

Tuy rằng giờ vẫn còn cách lúc đấy khá xa, nhưng chuyện kiểu như này vẫn phải chuẩn bị từ sớm, ví dụ như phân bón, bây giờ đã bắt đầu phải nghĩ cách chuẩn bị rồi.

Loại việc như trồng trọt này không giống mấy việc khác, việc này càng nhiều người trồng càng tốt, càng nhiều thành quả càng tốt.

Thật ra đúng là có không ít người đã nghĩ đến việc này, chỉ là chưa dám hạ quyết tâm mà thôi, cho nên trong thôn tạm thời không có ai nhắc đến.

Lần này nhà họ Chu nói ra trước, có không ít người dao động, nhưng cũng có người nghi ngờ, "Bây giờ trồng lúa mạch vụ đông, sang năm độ phì của đất còn đủ cho lúa nước mọc ư?"

Sản lượng lúa nước vẫn luôn cao hơn lúa mạch, cho nên nếu nói chỉ có thể chọn một trong hai loại trồng trong một vụ, đương nhiên mọi người sẽ chọn trồng lúa nước.

"Cùng lắm thì mọi người bỏ thêm chút công sức, kiếm nhiều chút phân." Chu lão đầu nói: "Nếu không thì nên làm gì đây? Năm nay tuy vẫn chưa gặt lúa nước và lúa mạch, nhưng thu hoạch thế nào mọi người đều có thể thấy được rồi. Chỉ sợ nộp thuế xong là chẳng còn thừa bao nhiêu đâu, đến lúc đó chúng ta cứ phải ăn cây đậu, ăn đến tận vụ hè năm sau ư?"

Trưởng thôn nói: "Mà còn chưa biết tình hình năm sau thế nào nữa, nếu mà giống như năm nay, chúng ta còn có thể sống nổi không?"

Mọi người châu đầu ghé tai, cuối cùng đưa ra quyết định, "Được rồi, vậy trồng một vụ lúa mạch mùa đông đi."

Chuyện đã quyết rồi, mọi người sẽ không xoắn xuýt về nó nữa, nói sang chuyện khác, "Vết thương của Đại Trụ sao rồi?"

"Ngày hôm qua lại đi lấy hai thang thuốc, đại phu nói uống xong chỗ đó thì chắc là ổn rồi." Sau đó quay sang nhìn về phía Chu lão đầu, "Đại lang thì sao?"

"Cũng hòm hòm rồi, chỉ là còn chưa thể làm việc nặng."

"Chảy máu trong bụng thế này chúng ta cũng không nhìn thấy được, đúng là nên cẩn thận một chút, theo ta thấy thì nên để hắn nghỉ ngơi ở nhà nửa năm, chờ đầu xuân sang năm hẵng xuống ruộng."

Chu lão đầu cũng định như vậy, ông không hiểu gì về y thuật, chỉ nghĩ, bị chảy máu bên trong như này, thì chắc chắn phải có thứ gì ở trong bị vỡ, chẳng may mệt nhọc quá, căng ra, miệng vết thương lại bị nứt, chúng nó ở trong bụng, có chảy máu bọn họ cũng không nhìn thấy.

Người nông thôn dưỡng bệnh hầu như toàn dựa vào nghỉ ngơi, uống thuốc.



Chu đại lang mới hơn hai mươi, Chu lão đầu vẫn rất sợ hắn lưu lại mầm bệnh, mà nhà ông cái gì cũng thiếu, chỉ không thiếu người, cho nên cũng định để hắn ở nhà nghỉ ngơi, chờ bao giờ tốt hơn một chút thì làm mấy việc nhẹ trong nhà.

Mấy việc như gặt lúa mạch, cây đậu, tuốt thóc còn có thể làm một hai lần, nhưng mấy việc nặng như khiêng lúa mạch, xới đất, ủ phân thì tuyệt đối không thể làm.

Chu lão đầu hỏi thương thế của mấy người khác, cũng may ngoài Chu đại lang, những người đều bị thương ở ngoài, có thể nhìn thấy được, chỉ cần vết thương liền lại là xem như khỏi.

Thật ra đại phu rất muốn nói cho bọn họ, vết thương bên trong của Chu đại lang cũng lành rồi, không có việc gì.

Nhưng con người đều hay bị sức tưởng tượng của chính mình dọa sợ, đa số mọi người càng tin tưởng phán đoán của bản thân mình hơn.

Người có thể dễ dàng tiếp nhận ý kiến của người khác rồi tự suy ngẫm, nếu không phải là một người nhẹ dạ, thì chính là một người rất lợi hại.

Ví dụ như đương kim Thánh Thượng.

Ngụy Tri còn chưa trở về, tấu chương đã tới trước.

Đây là một bản tấu chương rất dài, dài đến nỗi hoàng đế mất tới một canh giờ để đọc.

Bên trong không chỉ viết về việc cứu tế, còn có số liệu thương vong của khu vực thiên tai, số tiền và lương thực cứu tế, cùng với tình hình các nơi gặp thiên tai, phần lớn đều có số liệu kèm theo.

Có thể thấy Ngụy Tri rất dụng tâm với chuyến đi cứu tế này.

Đương nhiên, mục đích ông ấy dâng sổ không chỉ vì thế, ông ấy viết nhiều như vậy, còn vì để thay khu vực thiên tai xin giảm miễn thuế má.

Vốn dĩ triều đình đã có kế hoạch là chỉ miễn giảm thuế cho các huyện dưới Ích Châu mà thôi, thời gian miễn cũng rất dư dả, hai năm.

Nhưng lần này Ngụy Tri đề nghị miễn thuế cho các huyện dưới Ích Châu ba năm, để thu hút các lưu dân bên ngoài về lại quê, còn có thể thu hút lưu dân ngoại lai vào Ích Châu.

Bởi vì lần này Ích Châu lũ lụt, thương vong thật sự quá mức thảm trọng, dân cư tổn thất nghiêm trọng, nếu không thể thu hút dân cư về đây, vậy chỉ có thể cưỡng chế di dời dân cư từ địa phương khác qua, nếu không vạn khoảnh ruộng tốt dưới Kiền Vĩ Yển sẽ có khả năng hoang phế.

Mà ở ngoài Ích Châu, tất cả các nơi thuộc vùng Kiếm Nam Đạo đều miễn thuế một năm.

Nhưng phạm vi Kiếm Nam Đạo quá rộng, điều này có nghĩa là triều đình không chỉ sẽ mất đi phần thu nhập từ thuế, còn phải phát trợ cấp xuống dưới.

Dù sao, thuế địa phương thu ngoài một phần nộp lên triều đình, bọn họ còn phải giữ lại một phần cho mình để làm tài chính địa phương.

Nếu không có thu nhập từ thuế, vậy chỉ có thể lấy từ ngân sách triều đình phát xuống dưới.

Nhưng không miễn thuế..



Nhìn số liệu Ngụy Tri nộp lên, cùng với tình hình các nơi chịu thiên tai, hoàng đế không kìm được thở dài một hơi.

Nếu không miễn thuế, thì qua mùa đông này, e rằng Kiếm Nam Đạo lại có thêm một số người phải chết, một số người phải lưu vong.

Thu thuế thì thoải mái nhất thời, nhưng việc sắp xếp cho lưu dân ngày sau phải tốn công gấp mười thậm chí gấp trăm lần.

Mà một khi có lưu dân vào rừng làm cướp, thì thiệt hại sẽ chỉ càng lớn hơn.

Hoàng đế đặt sổ con xuống, nói: "Người đâu, mời sáu bộ thượng thư đến đây."

Ông trầm ngâm hỏi, "Ngụy Tri đi đến đâu rồi?"

Người truyền tin nói: "Lúc ti chức về kinh thì Ngụy đại nhân đang tuần tra ở huyện La Giang, lúc này hẳn là đã lên đường, chắc ít ngày nữa sẽ vào kinh."

Hoàng đế khẽ gật đầu, phất tay để đối phương lui ra.

Mà lúc này, Ngụy Tri sắp về đến kinh thành chẳng có dấu hiệu gì là sẽ về kinh, ông đang cầm kéo đứng trong sân giúp nhà họ Bạch cắt tỉa hoa cỏ, cắt một lúc thì cảm thấy không đúng, ông tò mò nhìn một hàng thực vật trong bồn hoa, hỏi: "Đây không phải là gừng sao?"

Đại Cát đứng bên cạnh hầu cười nói: "Bẩm đại nhân, đúng là gừng."

Ngụy Tri cười nói: "Trồng tốt đấy, người làm vườn nhà ngươi chăm bón kiểu gì?"

Trong nhà Ngụy Tri cũng trồng rau, là nhu yếu phẩm trong sinh hoạt, đương nhiên cũng từng trồng gừng rồi, chẳng qua không được tốt như ở đây, hơn nữa ông nhìn ra được, nhánh gừng vùi dưới đất có vẻ còn to hơn gừng ông ăn ngày thường.

Đại Cát cười nói: "Đây không phải do người làm vườn trồng, là tiểu thiếu gia nhà tôi trồng, bình thường bón phân hay làm cỏ đều do tiểu thiếu gia tự mình làm."

"Hửm?" Nhớ đến đứa trẻ ngày hôm qua ông nhìn thấy trong tiệc rượu, Ngụy Tri khẽ mỉm cười, "Thiếu gia nhà ngươi còn có hứng thú với cái này hả?"

"Vâng," nghĩ đến sở thích của thiếu gia nhà bọn họ, Đại Cát dừng lại một chút mới cười nói: "Thiếu gia nhà tôi rất thích trồng trọt."

Đặc biệt là thích trồng mấy thứ có thể kiếm được tiền.

"Vậy xem ra ta phải giao lưu nghiêm túc với anh chàng rồi," Ngụy Tri cười nói: "Ta cũng thích trồng trọt."

Sau một năm phát triển, năm ngoái Bạch Thiện đã dành ra được rất nhiều củ gừng làm hạt giống, năm nay cậu không chỉ lấy hết bồn hoa trong sân của mình để trồng gừng, mà còn trưng dụng luôn cả mảnh đất đằng trước thư phòng, sau đó còn phát triển đến mức chiếm dụng cả bồn hoa trong vườn hoa.

Ở phương diện này Lưu thị luôn rất nuông chiều cậu, cậu muốn trồng thì cho cậu trồng, cho dù vì thế mà trong nhà có chút mùi cũng mặc kệ.