Phế Đô

Chương 72



Đường Uyển Nhi hỏi:

- Có phải cô ta ra sớm, không thấy mình đã ra về rồi?

Trang Chi Điệp bảo:

- Chờ thêm chút nữa.

Chờ đợi một tiếng đồng hồ nữa, vẫn không thấy Liễu Nguyệt đâu, hai người đứng mỏi chân, ra ngồi ở hè trước cổng một cửa hàng đối diện trên đường cái, chăm chú nhìn sang cổng trụ sở Uỷ ban Nhân dân thành phố. Khoảng ba mươi phút sau, Liễu Nguyệt xuất hiện ở chỗ đèn sáng cổng lớn. Trang Chi Điệp định gọi, thì Đường Uyển Nhi ngăn lại, bảo:

- Đừng gọi, để em nhìn dáng nó đi, em sẽ nhìn ra thành công hay thất bại.

Liễu Nguyệt ra tới cổng thì đứng lại, bởi vì đàng sau có một chiếc xe con đi ra, cũng đứng ở cổng. Lái xe ra khỏi xe, vòng sang bên kia mở cửa xe, Liễu Nguyệt liền chui vào, chiếc xe bấm còi tu tu rồi phóng ra đại lộ đi xa dần. Đường Uyển Nhi buột mồm chửi to.

- Vừa mới tỏ tình một cái, con bé dã ra bộ là con dâu của chủ tịch uỷ ban nhân dân thành phố. Đã hẹn đâu vào đấy, anh sẽ chờ ở đây, thế mà nó chẳng thèm nhìn gì cả, ngồi lên xe vù luôn!

Trang Chi Điệp không nói gì. Hai người đứng một lát, Trang Chi Điệp nói:

- Anh đưa em về.

Đưa Đường Uyển Nhi về đến cổng, Trang Chi Điệp lại lủi thủi một mình đi về hướng khu nhà tập thể văn học nghệ thuật. Trang Chi Điệp kể cho vợ nghe chuyện Liễu Nguyệt ngồi xe ra về, Ngưu Nguyệt Thanh hậm hực lắm, nhưng cũng không tiện nói quở trách Liễu Nguyệt. Ba hôm sau cỗ đính hôn được tổ chức ở khách sạn Cung A Phòng. Theo tục lệ cũ, bà vợ ông chủ tịch thành phố đã sắm cho Liễu Nguyệt một lô một lốc quà tặng, một dây chuyền vàng, một hộp đồ mỹ phẩm nhập khẩu, một bộ quần áo ngủ, một đôi giày da đỏ cao gót, một đôi giày du lịch đế mềm, một máy sấy tóc nho nhỏ, một cái áo choàng da, một cái váy mặc mùa hè, ba cái áo sơ mi, một bộ com lê. Liễu Nguyệt chưa bao giờ có nhiều thứ như thế này, đã tặng lại Ngưu Nguyệt Thanh đôi giày da đỏ cao gót, Ngưu Nguyệt Thanh không lấy, liền mua một đôi tất ni lông óng a óng ánh bảo chị cả nhận cho. Ngày nào Liễu Nguyệt cũng ăn diện và son phấn rực rỡ, đổi mới hoàn toàn. Hơi một tí là chui vào buồng riêng soi gương, thể hiện các nụ cười trong gương. Khi con người thay đổi nghề nghiệp, địa vị, thì suy nghĩ cảm giác cũng đổi thay, ra chợ mua thức ăn thì cứ mua ào ào, mua về ăn không hết, bị thiu héo, liền đổ đi. Khách khứa đến nhà, cũng chẳng đếm xỉa đến người ta vai vế địa vị ra sao, rót xong trà là cứ để nguyên chiếc áo dài ngủ thêu hoa màu đen ngồi trong phòng khách, thỉnh thoảng còn nói xen vào vừa phê phán nhận xét, vừa ăn táo, cái mồm cứ vểnh lên, lấy dao cắt từng miếng bỏ sâu vào trong miệng. Ngưu Nguyệt Thanh có phần khó chịu, hỏi:

- Em đau miệng hả Liễu Nguyệt?

Liễu Nguyệt đáp:

- Em sợ nuốt trôi mất son.

Ngưu Nguyệt Thanh thở dài, sai cô ta vào bếp đun nước. Cô ta vừa đi vào, Ngưu Nguyệt Thanh liền đóng cửa buồng bếp. Liễu Nguyệt biết bà chủ không để cô nói chuyện với khách, từ bếp đi ra, cô ta ì mặt ra, cố ý lủng bà lủng bủng cau có trước mặt khách, đi vào buồng ngủ. Ngưu Nguyệt Thanh cố gắng nín nhịn, cho đến lúc trong nhà không còn ai, liền hỏi:

- Liễu Nguyệt này, buổi tối hôm ấy em ngồi xe ra về một mình để thầy Điệp của em ngồi trơ ở đường cái chờ đợi phải không?

Liễu Nguyệt vừa cầm máy sấy tóc vừa đáp:

- Chủ tịch thành phố có xe riêng, Đại Chính bảo lái xe đưa về thế là em lên xe. Nếu em không ngồi, người ta sẽ cười em, cũng làm mất thể diện của anh chị.

Ngưu Nguyệt Thanh bảo:

- Vậy em ra khỏi cổng cũng phải chào hỏi thầy em một tiếng chứ? Anh ấy vất vả đưa em đi, em ở bên trong uống nước, ăn hoa quả, thưởng thức cà phê, thầy em cứ ngồi đợi ở đường cái, ăn gì, uống gì? Chờ đến nửa đêm, em ngồi xe phụt khói đàng sau phóng đi luôn chứ gì?

Liễu Nguyệt cãi lại:

- Thầy Điệp tố khổ em với chị thế phải không? Em định ra, đâu có thấy anh ấy mà anh ấy còn vẽ chuyện với chị! Thời gian dài như thế, liệu anh ấy có chờ em ở đường cái hay không? Có ma mới biết họ làm gì!

Ngưu Nguyệt Thanh hỏi:

- Bọn họ ư? Anh ấy chẳng thể gọi thầy Phòng em ra đường cái uống rượu tán hươu tán vượn phải không nào?

Liễu Nguyệt thấy chị chủ không tin, thì càng bực. Cô ta bảo:

- Còn ai vào đây nữa, Đường Uyển Nhi ra khỏi cổng lớn, chị ta đâu có về nhà, cứ bám đi theo. Em vào cổng trụ sở uỷ ban Nhân dân thành phố, thì họ ở đường cái, còn cần ăn uống cái gì nữa?

Ngưu Nguyệt Thanh nói:

- Em nói như vậy mà nghe được à Liễu Nguyệt? Thầy Điệp em nhiều bạn bè, có cả trai cả gái, bây giờ tuy em đã bí thế, em nói như vậy, thầy Điệp em nghe thấy sẽ đau lòng. Hơn nữa Uyển Nhi đối xử với em cũng tử tế, chẳng phải đêm hôm ấy đã cầm đến nhiều quần áo để cho em mặc…

Liễu Nguyệt cười đáp lại:

- Chị cả là Phật Di Lặc, bụng to chứa được những chuyện khó chứa. Nếu chị không tin, thì coi như em chẳng nói gì cả. Cho dù chị cả có ý kiến đối với em, thì em nghĩ, em cũng chẳng ở đây bao lâu nữa.

Ngưu Nguyệt Thanh nghe vậy, liền ngẫm nghĩ kỹ những lời Liễu Nguyệt nói. Nhớ lại trước đây tuy vợ chồng hai ba hôm lại cãi nhau một lần, cãi xong cũng chẳng có chuyện gì, ban ngày vẫn ăn cùng nồi, ban đêm vẫn chung một gối, chuyện kia cũng dăm sáu hôm một lần. Từ ngày quen biết Đường Uyển Nhi, tình hình quả thật cũng dần dần thay đổi, dường như ít cãi cọ hơn trước, gần đây dường như cũng không cãi cọ nữa, một tháng thì hai mươi ngày vợ chồng không chung đụng. Ngưu Nguyệt Thanh đã suy nghĩ như vậy song lại đắn đo hay là Liễu Nguyệt đã đơm đặt nói năng vớ vẩn. Ở nhà Trang Chi Điệp không hay nói chuyện, thích đi đây đi đó, có lẽ cũng bởi nhiều tai hoạ xẩy ra liên tục, đã làm cho anh ấy không có những đòi hỏi tình cảm kia chăng? Chị nói:

- Liễu Nguyệt này, chị không phải là người lắm điều hay sinh chuyện. Em được đến giúp việc trong nhà chị, âu cũng là duyên phận ở kiếp trước. Có chỗ nào chị không đối xử với em như chị em ruột thịt. Chị đâu có ruồng bỏ em, chị mong em cứ ở đây mãi mãi. Nhưng chuyện ấy đâu có được, tới đây em sẽ là người trong gia đình chủ tịch thành phố, đây cũng là việc chị và thầy Điệp em đã tìm cách xây dựng cho em. Anh chị không trông mong em trả ơn đâu, nhưng em chưa đi khỏi nhà này, em cũng phải ráng chịu đựng, nếu không người ta sẽ nhìn vào, anh chị không nói, nhưng người ngoài lại bàn tán.

Liễu Nguyệt đáp:

- Chị cả đã nói vậy thì em cũng xin thưa. Em đâu có không ráng chịu đựng? Nếu em không là người hầu, là con gái trong gia đình thông thường ở thành phố, thì liệu chị có nói như thế không? Hiện nay em chỉ mặc đẹp hơn một chút, son phấn hơn một chút, điều này có gì khác với bất cứ cô gái nào trong thành phố. Trong mắt chị lúc nào cũng cảm thấy em là gái nhà quê, là một con hầu, chị không chấp nhận em bình đẳng như các cô gái thành phố thông thường. Đương nhiên em cám ơn anh chị, vui lòng ở suốt đời trong gia đình anh chị. Em đi sống với con người tàn tật kia, ngồi xuống ăn như Tôn hầu con khỉ họ Tôn gặm quả lê, nằm xuống thì chân không bằng nhau, đứng dậy thì như con gà vàng đứng một mình trơ trọi, đi đường thì như con bò già vướng móng, em đã leo cành cao như thế ư? Em chỉ muốn sống một cuộc sống của một người giúp việc để người ta không coi em là dân quê ra tỉnh.

Liễu Nguyệt nói xong tỏ vẻ tủi hổ, đi về buồng riêng của mình lau nước mắt.

Vốn dĩ Ngưu Nguyệt Thanh định dậy bảo Liễu Nguyệt, song Liễu Nguyệt đã nêu ra hàng đống những sai trái của Ngưu Nguyệt Thanh. Nét mặt chị lúc đỏ dừ, lúc trắng dã, còn định biện bạch, nhưng bối rối trong lòng không nói nữa.

Hôm sau ăn cơm, Trang Chi Điệp chỉ và mấy miếng qua quít ăn hết hai lưng chén rồi lại định vào phòng sách. Ngưu Nguyệt Thanh nhớ lại chuyện Liễu Nguyệt nói anh và Đường Uyển Nhi ở trên đường cái, lập tức không muốn nuốt nữa. Đôi đũa cứ trộn đi trộn lại trong bát, chỉ có điều chẳng thiết và vào miệng. Chị bảo:

- Ăn cơm xong, anh cũng không ngồi lại nói chuyện được sao?

Trang Chi Điệp nói:

- Trước và sau bữa ăn là anh nóng nảy nhất, tốt nhất là các người đừng quấy rầy tôi.

Ngưu Nguyệt Thanh bảo:

- Trong nhà mình cũng chỉ trước và sau bữa cơm mới có lúc rảnh rỗi để nói chuyện. Nếu anh không là chồng thì em đương nhiên không đòi hỏi anh nói một chữ!

Trang Chi Điệp nghe giọng vợ có ý bực tức, thì ngồi lại, rồi bảo:

- Nói thế là đúng, vợ tôi cứ quấn núi người qua đường đứng lại nói chuyện, tôi còn chửi hắn ta là đồ lưu manh hôi thối! Vậy thì nói nhé, hôm nay khí trời trong sáng, gió hướng tây, nhiệt độ cao nhất có ba mươi độ, nhiệt độ thấp nhất…

Đang nói liền phẩy tay một cái, vẫn đi vào phòng sách.

Ngưu Nguyệt Thanh mím chặt môi, thở một hơi bằng mũi rõ dài, bỏ bát đũa xuống, bước theo chồng, rồi ngồi xuống trước mặt anh, hỏi đột ngột:

- Anh nói thật xem nào, anh và Đường Uyển Nhi yêu nhau phải không?

Trang Chi Điệp bất thình lình thấy vợ nói như vậy, liền ngồi đực ra, sau đó thở ra một hơi thuốc, nhìn chòng chọc vào vợ, đáp:

- Phải.

Ngưu Nguyệt Thanh vốn chỉ nghi nghi hoặc hoặc trong lòng Trang Chi Điệp có chuyện lòng thòng với Đường Uyển Nhi, song lại nghĩ theo hướng tốt đẹp, hy vọng chỉ hỏi anh, anh sẽ phủ nhận ngay, thậm chí còn thề còn rủa, nổi giận đùng đùng, thì chị hoàn toàn xua tan mối nghi ngờ. Nhưng Trang Chi Điệp vẫn bình lặng như mặt nước, nói một chữ "phải" một cách rất nghiêm chỉnh. Ngưu Nguyệt Thanh liền không chịu nổi nữa, sắc mặt bỗng chốc đanh lại, chị hỏi tiếp:

- Coi như anh thật thà. Anh nói xem các người đã tốt với nhau tới mức nào? Hôm đưa Liễu Nguyệt đi gặp Đại Chính, liệu anh có thể cứ ngồi một mình ở cạnh đường cái không? Nửa đêm tối như mực mới về nhà, còn bảo Liễu Nguyệt ngồi xe không gọi anh! Rút cuộc anh và Đường Uyển Nhi đi đâu? Làm gì hả?

Trang Chi Điệp thấy vợ nói như vậy, biết ngay cuối cùng sự việc đã xảy ra. Vừa rồi anh bình tĩnh đáp một tiếng "phải", là có ý thử xem thái độ của vợ, nhưng bây giờ thì đã hối hận. Anh cất tiếng gọi:

- Liễu Nguyệt, Liễu Nguyệt! Tại sao em lại nói với chị cả? Em để chị ấy tra hỏi chuyện của anh phải không?

Ngưu Nguyệt Thanh gạt phắt đi:

- Anh khỏi phải gọi Liễu Nguyệt, chuyện gì em cũng biết, em chỉ cần anh nói ra.

Trang Chi Điệp nói:

- Làm gì ư? Đường Uyển Nhi và anh đưa Liễu Nguyệt đến cổng trụ sở uỷ ban nhân dân thành phố, rồi cô ấy ra về. Em bảo bọn anh còn làm gì nữa xem nào?

Ngưu Nguyệt Thanh bỗng chốc im lặng.

Trang Chi Điệp nói:

- Nếu em không biết, anh sẽ nói cho mà nghe. Bọn anh đã ngủ với nhau trước mặt những người đi đi lại lại trên đường cái. Rồi lại cùng với cô ấy đi về nhà cô ấy, ngủ với nhau trước mặt Chu Mẫn đấy!

Ngưu Nguyệt Thanh bảo:

- Anh nói tướng lên thế để cãi nhau có phải không?

Trang Chi Điệp càng làm già:

- Thì cãi nhau đấy, em cứ bảo Liễu Nguyệt sang đây!

Ngưu Nguyệt Thanh nói:

- Anh được đấy, vậy thì em tin lời anh. Nhưng em bảo cho mà biết, vì đời sống sức khoẻ, sự nghiệp tiền đồ của anh, dù có khổ sở có mệt đến đâu, em cũng chịu đựng được. Nhưng em không chấp nhận anh ra ngoài làm bừa bãi. Anh và Cảnh Tuyết Ấm ngày nào tình cảm hữu hảo với nhau như thế, có bây giờ em nói gì đâu, không thể lần này chị ta quay quắt không nhận anh, định bôi nhọ anh, em cũng mặc kệ. Bởi vì Cảnh Tuyết Ấm ngày ấy xét cho cùng vẫn là người đứng đắn, anh đi lại với chị ta cũng có ích cho sự nghiệp của anh, em không phải là người ăn dấm phải không nào? Nhưng bây giờ lề thói xã hội đã hư đốn, đâu đâu cũng tham lam chạy theo tiền của, địa vị, quyền thế, và có loại đàn bà chỉ biết hưởng lạc cho mình, nên em không cho phép nó rủ rê quyến rũ anh.

Nói xong mở cửa đi ra, lại ngồi ăn cơm ở phòng khách. Sự việc tưởng thế là xong, nào ngờ khi đi làm việc ngồi lặng lẽ trong văn phòng, Ngưu Nguyệt Thanh vẫn không sao xua đuổi khỏi trong đầu câu nói của Liễu Nguyệt "Chị là Phật Di Lặc, bụng to chứa được những chuyện khó chứa". Cứ ngẫm nghĩ mãi trong câu nói này, xét đến cùng có chuyện đây. Chị liên tưởng ngày thường Đường Uyển Nhi đến nhà, không lần nào là không chưng diện, cặp mắt đào hoa lúng liếng đa tình gợi cảm, dễ dàng quyến rũ tâm hồn đàn ông vào bậc nhất.

Trang Chi Điệp tuy thật thà nhút nhát, nhưng những người sáng tác tính tình nhậy cảm, nội tâm tinh tế phong phú, liệu anh ấy có nhiều suy nghĩ? Nếu Đường Uyển Nhi không chủ động tấn công, thì anh ấy chỉ có lòng ăn cắp, chứ không có gan ăn cắp. Nhưng Đường Uyển Nhi đâu phải thứ giống cái an phận, đã từ Đồng Quan vốn chạy theo Chu Mẫn, thì sao dám bảo đảm không lả lơi ngứa nghề với Trang Chi Điệp? Nếu cô ta có một chút gợi ý, thì cái tâm kẻ ăn cắp của đàn ông sẽ sinh ra gan kẻ cắp, sẽ làm những chuyện mờ ám. Thế là Ngưu Nguyệt Thanh tìm lại những ký ức đã qua, nghĩ đến hôm cô ta gài mép chăn cho Trang Chi Điệp trước mặt chị, một người khách thông thường đâu có làm được việc ấy, không có quan hệ gần gũi, thì động tác ấy cho dù có làm đi chăng nữa, cũng không thể tự nhiên như vậy. Lại còn một hôm không hiểu tại sao hai người đang đi với nhau ở ngôi nhà bên cạnh am ni cô, bị mình bắt gặp, Đường Uyển Nhi sắc mặt nhợt nhạt như thế, bảo là tìm người vào làm hợp đồng. Tại sao chưa bao giờ nghe nói cô ta định tìm việc làm, sau đó lại lắng đi, không nhắc gì đến nữa? Đã hồ nghi trong lòng, chị liền gọi điện thoại đến toà soạn tạp chí tìm Chu Mẫn.

Chu Mẫn đã nhận điện thoại. Ngưu Nguyệt Thanh hỏi đêm hôm Liễu Nguyệt đi gặp Đại Chính, Đường Uyển Nhi về nhà có chuyện gì không? Chu Mẫn đáp, đêm ấy Đường Uyển Nhi về nhà đã sắp mười hai giờ khuya.

Ngưu Nguyệt Thanh hỏi:

- Mười hai giờ kia à?

Chu Mẫn đáp:

- Vâng, mười hai giờ. Cô hỏi việc này, có chuyện gì vậy?

Ngưu Nguyệt Thanh vội nói:

- Không sao, tôi lo trời tối không có ai đưa cô ấy về. Lâu nay không gặp, cứ tưởng là đã xảy ra chuyện gì.

Chu Mẫn bỏ điện thoại xuống, cũng cảm thấy lạ lùng. Ngưu Nguyệt Thanh gọi điện thoại hỏi mình chuyện này ư? Chị ấy nhấn mạnh thời gian Đường Uyển Nhi về nhà đêm đó như thế, là Đường Uyển Nhi không đưa Liễu Nguyệt đi phải không? Nhưng đêm đó Đường Uyển Nhi về bảo, cô ấy và thầy Điệp cùng đưa Liễu Nguyệt đi cơ mà? Vậy thì cô Thanh hỏi như thế có ý gì?

Về tới nhà trong tâm trạng lo ngay ngáy, Chu Mẫn thấy Đường Uyển Nhi đang nằm sấp trên giường đếm cái gì trên tờ lịch. Anh rướn người nhìn vào ngày tháng dưới mấy tờ lịch đó, chỗ thì dùng bút chì đỏ khoanh vòng tròn, chỗ thì vẽ hình tam giác, chỗ thì một loạt dấu chấm than bên cạnh. Anh hỏi:

- Em đánh dấu cái gì vậy?

Thì ra mỗi lần gặp Trang Chi Điệp, Đường Uyển Nhi về nhà đều đánh dấu vào lịch ngay, khi không có việc gì đem ra đếm, vừa tính tóan số lần, vừa nhớ lại từng chi tiết. Bị Chu Mẫn hỏi một cách bất thình lình, Đường Uyển Nhi sợ run lên bần bật, trên cánh tay bất chợt cũng nổi da gà, treo tờ lịch lên tường, chị ta đáp:

- Đánh dấu cái gì ư? Em tính toán xem nhà mình ăn mấy ngày hết một cân dầu cải, hôm nào mua thịt, một tháng mua mấy lần, anh lẳng lặng đi vào im thin thít như vậy, em cứ tưởng kẻ xấu cơ đấy!

Chu Mẫn thấy Đường Uyển Nhi trả lời có đầu có cuối như vậy, cũng bỏ qua, liền hỏi:

- Nếu có kẻ xấu vào đột ngột như vậy, em sẽ làm thế nào?

Đường Uyển Nhi đáp:

- Anh bảo sẽ thế nào, em sẽ ngủ luôn với hắn ta! Hôm nay anh làm sao vậy, úp úp mở mở lạ thế, cứ làm như em ở nhà nuôi đàn ông, thì thụp với đàn ông không bằng!

Chị ta cứ xồn xồn, dồn Chu Mẫn vào chỗ đuối lý, anh vội tươi cười cho qua.