Nguyện Làm Nữ Nhân Như Ngọc

Chương 2: Mệnh không thể cãi



Những năm đầu thế kỷ XIX, Cảnh Thịnh (耿盛) đế sau khi đánh bại nhà Giang Đông (江 東) đã thống nhất đất nước, đổi lại tên nước là Đại Việt, và đặt kinh đô ở Phú Xuân. Tuy nhiên, Cảnh Thịnh đế lên ngôi là nhờ vào cuộc nội chiến với nhà Giang Đông chứ không phải chiến thắng chống giặc ngoại xâm lẫy lừng như các triều đại thời kỳ trước. Sự lên ngôi không đủ chính danh này khiến cho lòng dân không yên. Cho nên dù đã ở ngôi được tám năm, đế vị dần ổn định nhưng các cuộc binh biến vẫn nổ ra trên khắp đất nước.

Đầu năm ngoái, vụ án Hứa Văn Thắng đã gây lên trận sóng gió lớn trong triều đình. Bề ngoài Thánh Thượng đã tha tội chết cho Thắng nhưng không ai đoán được hành động tiếp theo của ngài. Đơn giản vì tất cả hoàng đế đều nhiễm chung một chứng bệnh, đó là bệnh đa nghi.

Người ngoài đều nghĩ mối hôn sự này là Trần gia trèo cao, từ chim sẻ có thể bay lên cành cao làm phượng hoàng. Bởi một lẽ, Trung Đức Quận công là một trong những người có công lớn trong việc phò tá Thánh Thượng lên ngôi. Ông đã theo Thánh Thượng kể từ khi ngài mới mười mấy tuổi, từng nhiều lần cứu mạng ngài khỏi cửa tử. Sau này, khi đã ngồi lên đế vị, Thánh Thượng không do dự ban cho tước vị Quận công, tước vị danh dự cao nhất mà một công thần có thể có được và cho phép ông đổi sang họ của vua. Dẫu cho Quận công có là người hết mực trung thành với Thánh Thượng thì sau vụ án của Thắng, danh xưng "khai quốc công thần" đã trở thành con dao hai lưỡi có thể lấy mạng người bất cứ khi nào.

Hai nhân vật chính trong chuyện ban hôn này là con thứ ba của Trần gia, tên là Như Ngọc (似玉), năm nay vừa tròn mười sáu tuổi. Như Ngọc không phải giai nhân nức tiếng trong kinh thành, càng không phải tài nữ nổi danh. Có chăng nàng chỉ được cái danh người con gái cao lêu nghêu mà thôi. Nàng như biết bao thiếu nữ khác, hàng ngày sống quy củ trong sân viện, mưa không đến mặt nắng không đến đầu. Và rồi, nàng sẽ được mai mối cho một môn đệ của cha, người có gia cảnh tương tự nhà mình. Sau đó trở thành người vợ hiền dâu thảo, sống an ổn đến cuối đời.

Đàng trai là cháu trai thứ của Quận công, họ Phạm, tên gọi là Vĩ Văn (暐文), tự Thiên Chương (天章). Tuy ông nội và cha đều theo nghiệp võ tướng nhưng đến lượt Vĩ Văn lại rẽ sang con đường quan văn. Tuổi còn trẻ đã văn võ song toàn, hiện đang giữ chức Hàn Lâm viện trực học sĩ. Nên nhớ cha Hưng, cha của Như Ngọc mới chỉ là quan văn tòng tứ phẩm, vẫn kém con rể tương lai của mình những mấy bậc. [*] Các lão thần thường nói, chỉ cần Vĩ Văn không làm ra điều gì tất trắc hẳn chàng sẽ đi rất xa trong quan trường.

[*] Những mấy bậc ở đây là ba bậc. Hàn Lâm viện trực học sĩ là quan văn chính tam phẩm, cha Hưng là quan văn tòng tứ phẩm. Theo thứ tự ta có: Chính tam phẩm -> tòng tam phẩm -> chính tứ phẩm -> tòng tứ phẩm.

Dùng mắt thường có thể thấy, Trần gia thua kém nhà thông gia rất nhiều. Một nhà là Khổng tước quý giá, một nhà chỉ như chim sẻ đầu ngõ. Cho dù vác mười cái thang, Trần gia chưa chắc đã với tới cổng nhà Quận công. Nếu kết thông gia thì lợi ích mà con gái họ Trần hay đúng hơn là mối hôn sự này đem đến cho nhà Quận công là gì. Họa may là nhà bên đấy sẽ có thêm một người con dâu cháu dâu hiếu thuận, biết trước biết sau?

Trước thực tế như vậy, Thánh Thượng lại hạ một ý chỉ ban hôn, thử hỏi ai mà không ngỡ ngàng cho được. Ngay cả chính chủ là cha Hưng khi đứng trước đại điện nhận thánh chỉ cũng bàng hoàng không thôi.

Nhưng người ta vốn chẳng để tâm tới hai đương sự trong thánh chỉ này mà chỉ để ý một chuyện, lần ban hôn đến quá bất ngờ, không một ai biết. Từ trước đến nay, bất kể sự việc lớn lao nào như ban hôn ai với ai, cách chức người nào, bổ nhiệm những ai, hay trong hậu cung có chuyện nhỏ to gì thì giới quý tộc lẫn quan lại trong kinh đều nghe thấy tiếng gió từ trước. Bởi vì ai cũng hiểu, nắm được thánh tâm chính là cách thức tốt nhất để sinh tồn trong quan trường khắc nghiệt này. Thiên hạ không sợ một đạo thánh chỉ này gây lên chuyện lớn gì, người ta chỉ sợ vì không thể đoán được thánh ý của vị cửu ngũ chí tôn kia. Thế mới nói lần ban hôn này như sét đánh giữa trời quang, dấy lên một trận nghị luận lớn trong kinh thành. Rất nhiều năm về sau, thiên hạ vẫn không thôi cảm thán về đạo thánh chỉ tứ hôn năm ấy.

Cha Hưng không chỉ lo sợ điều đó mà còn vì một nguyên nhân khác. Về tính nghiêm trọng của nguyên nhân này, nói lớn không lớn nói nhỏ không nhỏ. Chỉ là nếu có người quyết tâm vạch trần sự thật là thì chẳng khác nào đâm thẳng vào Trần gia một nhát dao chí mạng. Nhưng đấy là chuyện của nhiều năm về sau, đến lúc đó nó có còn là điểm yếu của Trần gia hay không thì không ai biết được.

Từ phòng chính trở về, Như Ngọc đã ngồi bên bàn cờ tới tận bây giờ, cơm tối nàng chỉ ăn qua loa mấy miếng. Ngày rằm đã qua từ lâu, đêm nay trên trời không có trăng, độc một màu đen tối.



Đây là lần thứ ba chị Lan bước vào khuyên nhủ nàng: "Đã qua giờ Hợi rồi, em uống bát canh gừng cho ấm người rồi đi nghỉ nhé?"

Như Ngọc không ngẩng đầu, ánh mắt chỉ chăm chăm vào bàn cờ trước mặt: "Giờ Hợi rồi à? Chị để canh trên bàn rồi về phòng ngủ đi. Cứ mặc em."

Chị Lan đau lòng, muốn khuyên nhủ thêm vài lời nhưng chưa nói dứt câu đã bị nàng cắt ngang: "Đi đi, chị bảo cái Hân ở lại trông cửa là được."

Chị Lan buồn bã nhìn nàng lần nữa rồi lui ra. Chị đã biết chuyện Thánh Thượng ban hôn nhưng bản thân chỉ là một dân thường thấp cổ bé họng, chị còn có thể làm được gì?

Đợi sau khi chị Lan ra ngoài, Như Ngọc trầm tư giây lát, một lần nữa sắp xếp lại bàn cờ, thoáng suy tư, và nhấc tay hạ quân cờ đầu tiên.

Anh cả không hiểu lấy ở đâu ra một thế cờ khó như vậy để thách đố nàng. Anh nói chỉ cần Như Ngọc có thể giải được thế cờ trong năm nước đi, anh sẽ đáp ứng một nguyện vọng của nàng. Vốn dĩ Như Ngọc đã giải được ván này trong sáu lần hạ cờ nhưng yêu cầu của anh lại là năm nên buộc nàng phải suy nghĩ lại từ đầu. Chỉ là một khi con người đã tìm được hướng giải thì sẽ bị lệ thuộc vào tư duy ấy, rất khó dứt ra, càng khó mở rộng tầm nhìn để tìm được con đường khác tốt hơn.

Bản thân cờ vây vốn rất đơn giản nhưng phàm là cái gì càng đơn giản thì càng uyên thâm. Cổ nhân từng nói, "cờ vây so với hà đồ [*] cũng chẳng khác gì nhau". [**] Tức là ám chỉ sự nguy hiểm và bất ngờ của cờ vây và hà đồ là như nhau, vừa phức tạp lại vừa khó đoán. Cái uyên thâm, huyền diệu của cờ vây nằm ở chỗ nếu chỉ dùng trí tuệ con người thì không thể thấu đáo hết được.

[*] Theo truyền thuyết xưa của Trung Quốc, trên sông Hoàng Hà đã từng xuất hiện con long mã trên mình có đồ (Đường vẽ ngoằn ngoèo) gọi là Hà đồ và trên sông Lạc Thủy xuất hiện con thần quy, trên lưng có thư gọi là Lạc thư. Do đó mà người ta đặt ra bát quái và cửu chương

[**] Câu nói của Lục Cửu Uyên, một lý học gia người Trung Hoa, treo bàn cờ trên tường và trầm tư suy nghĩ, sau hai ngày đã thốt ra một câu: "Cờ vây so với hà đồ cũng chẳng có khác gì nhau."

Ngồi một mạch cho đến bình minh, thử biết bao nhiêu cách vẫn không được, Như Ngọc nản lòng buông quân cờ trên tay. Bỗng một cơn gió lớn thổi qua, tiếng lá cây xào xạc vang lên giữa những tia nắng mai. Các cánh hoa mỏng manh bay phấp phơ trong gió, đậu lại trên tường nhà, mặt đường và len cả vào khoảng sân nhỏ của nàng. Có vài cánh hoa nhỏ nương theo gió, bay qua khung cửa sổ, rơi xuống bàn cờ đang dở dang. Các vị trí của cánh hoa chính xác đến mức ngay lập tức bàn cờ đã được giải.

Như Ngọc sững người nhìn cảnh tượng trước mắt, cảm thấy cực kỳ khó tin.

Trước đó sách Kinh Thi trong Ngũ Kinh đã ghi, Thượng Đế rất lớn, soi xuống dưới rất rõ ràng, xem xét bốn phương, tìm sự khốn khó của dân mà cứu giúp (Hoàng Hỹ Thượng Đế, lâm hạ hữu hách, giám quan tứ phương, cầu dân chi mạc). Ai nấy đều không hiểu tại sao Thánh Thượng làm như thế, nhưng nay ngồi ngẫm nghĩ kỹ lại, Thánh Thượng là Thiên tử, nắm giữ vận mệnh của mọi con dân. Những chuyện mà Như Ngọc đang không thấy và không hiểu, không có nghĩa là những chuyện vô lý. Thiên tử làm như vậy ắt có ý do của mình, dân thường như nàng cũng không được gặp mặt trực tiếp để chất vấn một hai.



Giống như bàn cờ ở trước mắt, Như Ngọc không thể tìm ra lời giải, nhưng chỉ một cơn gió nhẹ là làm được. Lại nói, thuận Thiên giả tồn, nghịch Thiên giả vong (thuận Trời thì sống, chống Trời thì chết). Từ đầu chí cuối, mọi người trên thế gian đều đã được định đoạt sẵn. Sống theo mệnh Trời là sống có trung, hiếu, tiết, nghĩa nhằm hướng đến cái chí thiện ở đời. Nay Thánh chỉ đã ban xuống, Như Ngọc không thể từ chối, càng không thể vì tư lợi của bản thân mà liên luỵ đến người nhà. Nếu ông trời đã đặt nàng vào bước đường như vậy, chỉ cần nàng một lòng hướng thiện và hướng thượng thì chắc chắc sẽ giống với bàn cờ này, luôn luôn có cách giải vẹn toàn nhất.

Rất nhiều năm sau, mỗi khi Như Ngọc nhớ lại ngày hôm nay, nàng đều cảm thán rằng duyên phận là ý trời, lựa chọn thiện hay ác là ở chúng ta. Tuy ẩn sâu trong từng bước nàng đi là những tính toán của người khác, nhưng Như Ngọc tuyệt nhiên không hối hận. Bởi vì nàng đã được sống một cuộc đời như hoa như ngọc. Tiền kiếp được người thương bảo vệ, nguyện kiếp sau tương phùng trong vườn hoa, làm một đóa hoa mãi không úa tàn.

Sau một hồi suy nghĩ trước sau, Như Ngọc đã hoàn toàn đả thông tư tưởng của chính mình. Nàng hít vào một hơi sâu, cảm nhận luồng không khí tươi mát chạy dọc cơ thể. Trên khuôn mặt nàng hiện lên nụ cười an nhiên, nàng đứng dậy, đẩy cửa đi ra ngoài.

Đúng lúc này, một trận gió khác lại nổi lên, thổi bay hết những cánh hoa đang đậu trên bàn cờ.

Đứng ở cửa đã nghe thấy tiếng tranh cãi của cha mẹ, nàng nhìn trời rồi thở ra một hơi và bước vào trong.

Ánh mắt nàng loé lên một tia kiên định, nàng không ngần ngại nói lớn: "Cha, mẹ, con sẽ gả!"

Cha mẹ Trần đang lời qua tiếng lại thì đột nhiên im ắng. Khuôn mặt mẹ Dung thoáng thẫn thờ, bà suy sụp ngồi trên ghế hết nhìn chồng rồi lại nhìn đứa con bé bỏng của mình. Suốt một đêm qua, cha Hưng đã phân tích cặn kẽ cho bà hay. Bà biết rằng có thể gặp nguy hiểm nhưng nếu con gái không đồng ý, họ vẫn có thể từ chối lời cầu hôn này.

Cha Hưng thở ra một hơi dài, ông nhìn khuôn mặt có ba phần giống mình rồi chầm chậm hỏi: "Con.. suy nghĩ kỹ chưa? Cũng không phải là không có cách."

Như Ngọc khẽ lắc đầu, nàng nắm lấy tay của cha mỉm cười đáp lại: "Con nghĩ kỹ rồi ạ. Cha từng dạy con là phúc thì không phải họa, là họa thì khó tránh khỏi, lại càng không thể để cả nhà gặp nguy hiểm vì con được. Không phải con vẫn còn cha mẹ và các anh hậu thuẫn phía sau hay sao?"

Nhìn đôi mắt đen láy của con gái, tâm tình của cha Hưng dần bình tĩnh lại. Đúng vậy, lời của Thiên tử đâu phải nhà ông muốn chối là chối được, dù tính toán cỡ nào cũng không thể tránh khỏi cảnh đầu rơi máu chảy. Cho nên, tốt nhất vẫn là thuận theo ý trời, vui vẻ chấp nhận số mệnh này.

Như Ngọc đã vui vẻ đón nhận hôn sự này nên Trần gia dần buông bỏ nỗi lo trong lòng, tập trung hết sức vào việc chuẩn bị hôn lễ. Chỉ là thời gian có chút gấp gáp vậy nên mọi người đều bận bở hơi tai, chạy ngược chạy xuôi lo đủ chuyện.