Người Mẹ Trinh Trắng

Chương 37



Lúc tôi mở choàng mắt ra thì gương mặt sầu não của mẹ hiện ra trước mắt, tiếp theo là bố, rồi Tuyên và cả anh Trí. Tôi hoảng hốt ngồi dậy, dáo dác nhìn xung quanh, đây chính là bệnh viện mà tôi làm việc, tôi ở đây là gì cơ chứ? “Bo, Bo đâu rồi? Mọi người, con trai của con đâu?”

Mẹ sụt sùi đứng sang một bên. Bố nắm lấy tay tôi trấn an: “Con đừng lo. Đâu sẽ có đó. Bố đã đi báo công an, họ đã hứa là sẽ dốc sức truy tìm.”

Làm sao mà tôi có thể không lo cho được, làm gì có người mẹ nào ngồi yên nổi khi con trai mình mất tích? Tôi ôm lấy đầu: “Bo có thể ở đâu được chứ? Nó bị người ta bắt mất hay đã… đúng rồi, thằng bé rất ham chơi, biết đâu nó bị ngã xuống ao hay xuống hồ thì sao. Con phải đi tìm lại một lần nữa.”

Dứt lời, tôi nhào người ra khỏi giường nhưng bị mọi người cản lại. Thằng Tuyên quát lên: “Chị bị điên à? Chị đừng suy nghĩ lung tung nữa được không? Bây giờ là 2 giờ đêm, chị đi tìm cái gì? Công an người ta đang tìm rồi. Ai mà không lo lắng chứ! Chỉ sợ đến lúc Bo về chị chả còn hơi mà gặp nó đâu.”

Đây là lần đầu tiên tôi thấy em trai mình nổi giận, thường ngày tính tình nó điềm đạm vui vẻ nhưng hôm nay nó đã quát tôi. Cũng phải thôi, tôi sắp phát điên thật rồi.

Sợ ảnh hưởng đến những bệnh nhân khác nên anh Trí phải lôi Tuyên ra ngoài: “Tuyên, đừng như thế với chị em. Đi ra ngoài với anh.”

Chỉ còn bố mẹ ở lại với tôi. Chẳng ai lên tiếng nữa, mẹ tôi không dám khóc, bố thì chỉ biết thở dài. Còn tôi, tôi nằm như một xác chết, mắt nhìn đăm đăm lên trần nhà trắng toát. Khuôn mặt của Bo hiện lên trong đầu, khi nó cười, khi nó khóc, khi lại phụng phịu làm nũng với tôi. Rồi tôi lại nhớ đến từng khoảng thời gian đáng nhớ, những ngày Bo chập chững tập đi, thằng bé luôn cười khanh khách mỗi khi có thể bước đến nhào vào lòng tôi. Rồi khi dạy Bo tập nói từ “mẹ” cũng khó khăn biết mấy, dậy thế nào cũng không chịu nói. Mãi đến một buổi sáng, khi tôi thức dậy thì đã thấy Bo đang mở to mắt nhìn tôi cười toe toét, bất chợt nó gọi: “Mẹ mẹ!”. Khỏi phải nói là tôi vui sướng và tự hào đến cỡ nào, ôm chặt lấy đứa con nhỏ khóc trong niềm hạnh phúc vô bờ. Nghĩ đến tất cả những khoảnh khắc đó ruột gan tôi lại như bị ai cào xé rất khó chịu, nước mắt ứa ra. Tôi nhớ con trai tôi. Không biết bây giờ nó đang ở đâu, cùng với ai, nó còn chưa ăn tối, khi đói nó sẽ khóc rất dữ, ai sẽ dỗ dành Bo của tôi đây? Hình ảnh Trinh bị xe đâm bỗng xẹt qua đầu tôi, cả người tôi run lên, liệu con trai tôi có bị sao không?

Tôi ngồi bật dậy, nói với bố mẹ: “Con không thể nằm yên thế này được. Ruột gan con không yên, con phải đi tìm Bo thôi, biết đâu nó đang chờ con đến cứu, nhỡ con không đến kịp thì sao?”

Mẹ ôm lấy tôi nhằm giữ tôi lại. “Không, Bo không sao đâu. Công an người ta đi tìm rồi. Con cứ ở nguyên đây. Đang đêm hôm, con ra ngoài nhỡ xảy ra chuyện gì thì sao? Anh Trí với thằng Tuyên đi tìm rồi.”

“Bo sợ bóng tối lắm mẹ, Bo còn chưa ăn cơm. Không có con bên cạnh nó sẽ sợ lắm, nó khóc con sẽ rất đau lòng. Cho con đi tìm con trai con đi mẹ, con nghe tiếng thằng bé đang gọi con. Mẹ bỏ con ra đi mẹ. Cứ thế này con phát điên mất. Con không chịu được đâu!” Tôi vừa khóc vừa van xin, cố đẩy bố mẹ ra.

“Muốn gì thì cũng để đến sáng mai.” Bố giữ chặt lấy tôi. “Sáng mai bố đưa con đi tìm Bo, được không? Con đang bị ốm, bây giờ mà ra ngoài con sẽ kiệt sức mất.”

“Nhưng mà con không chịu được.” Tôi gào lên.

Cuối cùng, y tá tiêm cho tôi một liều thuốc an thần và tôi lịm đi trong dòng nước mắt nhạt nhòa.

Lần thứ hai tôi tỉnh dậy thì thấy trời đã sáng hẳn, đầu óc tôi hơi mụ mị nhưng khi nhận ra mình vẫn đang nằm trong bệnh viện thì lập tức ý thức đã trở về và điều tôi nghĩ đến đầu tiên là Bo. Tôi ngồi dậy, miệng kêu gọi tên Bo. Bố mẹ vẫn ở bên cạnh tôi suốt từ đêm qua đến giờ.

“Con dậy rồi sao?” Mẹ vuốt lại tóc cho tôi, quan tâm hỏi.

“Bo đâu mẹ?” Đó vẫn là điều tôi quan tâm nhất.

Bố mẹ không dám nhìn vào mắt tôi, càng không dám trả lời. Tôi hiểu là con trai tôi vẫn chưa được tìm thấy, vậy thì cả đêm qua nó ở đâu? Nó ngủ ở đâu chứ?

“Cho con đi tìm Bo đi, bố mẹ!”

Lần này, bố mẹ không từ chối, có lẽ là không cam lòng nhìn tôi sắp phát điên như vậy. Nhưng bố mẹ vẫn bắt tôi ăn cái gì đó rồi mới cho đi. Tôi giống như một đứa trẻ chờ được đi công viên, nhanh nhanh chóng chóng ăn hết bát cháo của mẹ mà đầu lưỡi không có chút vị giác, rồi gấp rút đi ngay.

Vấn đề là tôi không biết phải bắt đầu tìm Bo ở đâu, tôi đi quanh làng một lần nữa, tìm kiếm ở các ao, hồ, kênh, mương xem thằng bé có vô tình trượt chân ngã xuống hay không nhưng kết quả là chẳng có một dấu vết nào. Cuối cùng tôi và bố mẹ lại chạy đến đồn công an, họ cho biết là vẫn đang tìm kiếm suốt từ đêm qua và họ nghi ngờ rằng Bo đã bị bắt cóc. Hiện nay tình trạng bắt cóc trẻ em không phải là chuyện hiếm gặp, có thể là bắt cóc tống tiền, cũng có thể là bắt cóc để đem bán, nhưng với trường hợp như gia đình tôi thì phần nhiều là Bo đã bị bắt cóc để đem bán qua biên giới. Họ nói tôi hãy cứ về nhà chờ, nhất định họ sẽ làm hết sức để tìm được Bo. Tôi nghe xong mà chân tay như rụng rời, chút nữa thì ngã ra đất. Nếu bọn họ không kịp tìm thấy Bo thì có phải sẽ không bao giờ tôi được nhìn thấy con trai tôi nữa không? Tôi sẽ mất Bo mãi mãi, tôi biết làm thế nào bây giờ? Trinh ơi, tao phải làm gì bây giờ? Mày hãy giúp tao tìm đường cứu con trai chúng ta.

Tôi ngồi bần thần trong chính ngôi nhà mình giữa đống đồ chơi bừa bộn của Bo, trên tay ôm khư khư con gấu bông vẫn thường nằm cạnh Bo khi ngủ. Đâu đó trong ngôi nhà vẫn vang vọng tiếng cười đùa vui tai mà tôi không thể nào quên.

“Cô Vân có thư nhé!” Chú đưa thư mỗi ngày vẫn đi đưa thư cho các nhà trong làng hôm nay bỗng ghé nhà tôi. Không đợi bố mẹ đứng lên nhận thay, tôi chạy ra nhận thư ngay lập tức trong sự nôn nao và run rẩy. Nhưng khi mở ra, tôi lại trở về với trạng thái như kẻ trên mây, là thư triệu tập của tòa án. Là Hải, anh ta thực sự đã gửi đơn lên tòa. Tại sao lại là lúc này cơ chứ?

Tôi thả rơi lá thư xuống đất, quay trở về giường ngồi như một cô hồn, chẳng quan tâm đến cái tòa án kia. Bố mẹ nhặt thư lên đọc, tôi không quan tâm. Bố mẹ hỏi gì tôi cũng chỉ lắc đầu. Anh Trí và thằng Tuyên cũng chạy ra chạy vào, nói vài câu gì đó mà tôi cũng không buồn để ý. Đầu óc hoàn toàn trống rỗng, cũng không biết mình ngồi đó bao lâu, ngồi đến tê dại, cứ tưởng tượng Bo sẽ chạy ào từ ngoài cửa vào, miệng gọi “mẹ ơi”, sẽ lại sà vào lòng tôi với một đống câu hỏi ngây ngô.

Mãi đến xế chiều, bỗng có một người đến thăm nhà tôi, đôi giày da cao cấp bóng loáng làm tôi thức tỉnh hoàn toàn. Tôi đứng bật dậy nhưng đôi chân tê dại làm tôi suýt ngã. Đứng vịn một tay vào thành giường, tôi ngước lên nhìn người đàn ông có bộ mặt đẹp đẽ nhưng tâm địa khó lường trước mặt.

“Anh đến đây làm gì? Nơi này không hoan nghênh anh.”

Hải chỉ mỉm cười, anh ta tử tế chào bố mẹ tôi một tiếng rồi quay lại nói với tôi: “Tôi đến thăm con trai tôi. Không được à?”

“Bây giờ không phải lúc để thăm!” Tôi nói cứng.

Bố tôi cũng ôn tồn nói thêm để tránh bị anh ta phát hiện: “Thằng bé mới đi chơi rồi. Lúc khác anh quay lại.”

Đúng lúc đó thì Tuyên chạy vào, phấn khích nói: “Chị Vân, họ đã tìm được manh mối kẻ bắt cóc Bo rồi. Họ nói…” Nhìn thấy Hải trong nhà, Tuyên đứng khựng lại, không nói thêm nữa, cứ nhìn chằm chằm Hải vì Tuyên chưa gặp anh ta bao giờ. “Nhà ta có khách sao?”

Hải quay lại nhìn Tuyên rồi lại nhìn tôi, đôi mắt anh ta hơi khép lại một cách bí hiểm: “Có chuyện gì vậy? Con trai tôi bị bắt cóc sao? Cô đã làm cái quái gì vậy?” Anh ta gầm lên ở câu cuối.

“Thằng bé sẽ không sao. Công an đang truy tìm, anh đừng ở đây mà gào thét.” Tôi cố cứng giọng.

“Sẽ không sao? Vậy mà cô nói sẽ chăm lo tốt cho thằng bé à? Tốt nhất là con trai tôi không sao. Nó mà xảy ra chuyện gì thì tôi sẽ không để cho cả nhà cô được yên đâu.”

Bố tôi vốn là người điềm tĩnh nhưng khi nghe Hải nói cũng không nhịn được, kéo cánh tay anh ta mà nói: “Này, tôi không biết anh giàu sang thế nào nhưng đây là nhà chúng tôi. Anh không có quyền lớn tiếng.”

Hải gạt tay bố tôi ra, nói bằng giọng khinh thường: “Ông đừng nên tùy tiện chạm vào người khác bằng bàn tay bẩn thỉu ấy. Con trai tôi phải ở cái nơi quê mùa rách nát này đã là thiệt thòi cho nó lắm rồi, vậy mà nó còn bị bắt cóc. Tất cả các người chỉ là một đám nhà quê bần tiện mà thôi, lấy tư cách gì tranh giành con với tôi?”

Lần này tôi không để yên, bước đến muốn tát vào bản mặt nghênh ngang đó nhưng rồi lại thôi, chỉ cười nhạt: “Tôi muốn cho anh một cái tát nhưng nghĩ đến việc tát anh xong phải đi rửa tay là tôi đã thấy ghê tởm. Vâng, chúng tôi không có tiền, sang giàu như anh, chỉ là một lũ nhà quê nhưng có tình người. Còn loại người vô nhân tính như anh, nằm trên một đống tiền lạnh lẽo thì có gì hay? Nói cho anh biết, đến cuối cùng tiền cũng chỉ là một loại công cụ mà thôi. Nếu trên đời không có những người nông dân như bố mẹ tôi, thì anh có cả núi tiền cũng chẳng có cơm mà ăn đâu. Có chết tôi cũng không để con tôi rơi vào tay anh.”