Ngộ Phật

Chương 112: Hoà Thượng Nơi Đâu



CHUYỆN VỀ CHA CỦA HẠCH ĐÀO NHỎ.

Miễn lại gặp cảnh cấm trẻ em lần thứ ba, Giang Trừng dắt hai đứa nhóc về nhà, đi ngang giếng hoa hoè, cô đắn đo một chốc rồi ngồi phịch xuống, đặt Hạch Đào Nhỏ lên gối, chọi mắt với bé.

Cô quyết định dạy Hạch Đào Nhỏ sơ sơ vài chuyện để bé không nhỡ miệng lung tung, việc riêng của sư phụ và Trình Dao sư tỷ mà lộ ra thì ai biết gã đại sư huynh đáng sợ ấy sẽ làm gì.

Còn con rồng trắng vắt quanh cổ tay vờ làm trang sức kia thì dư kiến thức rồi, chẳng cần cô phải nhọc lòng.

“Hạch Đào Nhỏ, con có biết thái sư phụ và sư bá nãy đang làm gì không?”

Hạch Đào Nhỏ từ bấy cứ mãi im lìm, giờ nghe mẹ hỏi mới đáp: “Làm chuyện cha mẹ phải làm, để sinh Hạch Đào Nhỏ.”

Giang Trừng: “!!!” Cô không rõ mình nên ngạc nhiên vì Hạch Đào Nhỏ thấu đáo chuyện này, hay nên bất ngờ vì bé hiểu “cha” và “mẹ” không phải danh xưng dành riêng mỗi cô. Song ngẫm lại thì từ năm ngoái đến nay, Hạch Đào Nhỏ chỉ gọi cô là “mẹ” chứ chẳng còn gọi “cha” nữa.

“Hạch Đào Nhỏ, có ai dạy con mấy chuyện này à?” Giang Trừng hỏi.

Hạch Đào Nhỏ bán đứng bạn và sư huynh của mình mà chẳng hề do dự, bé giòn tan đáp lời: “Rồng trắng với Phong sư huynh bảo con ạ.”

Giang Trừng: “Ồ? Thế ư?” Con gái cô mới tý tuổi đầu, hai tên này lại dám buông tuồng trước mặt nó như vậy, giỏi lắm. Cô cười, gỡ con rồng đang làm tổ trên tay mình ra quấn hai vòng quanh cành cây, thắt nơ bướm. Rồng ta chẳng dám hó hé tiếng nào, vờ làm sợi thừng vô tri. Giang Trừng thường yêu chìu quá lắm, nhưng một khi cô nổi cơn tam bành thì cực kỳ đáng sợ.

Tên đầu sỏ còn lại vắng mặt, song Giang Trừng đã có cách trị hắn ta, tự mình đào lỗ, dẫu có quỳ cũng phải khôn hồn mà lết xuống. Cô nghĩ mình nên dạy đại đồ đệ điều này.

Hiện thời chẳng màng chuyện Hạch Đào Nhỏ đã thấy cảnh nóng nữa, cô đang dồn hết mọi sự chú ý cho cái từ “cha” kia. Giang Trừng chưa từng bàn chuyện này với nó, cô vẫn luôn thấp thỏm chờ ngày con lớn hỏi mình loạt vấn đề kinh điển kiểu “Sao con không có cha?”, cũng đã chuẩn bị sẵn rất nhiều câu trả lời thoả đáng rồi.

Ví như “Bữa nọ mẹ ăn hạch đào trong vườn Linh, tự dưng đau bụng dữ dội rồi sinh con ra, nên con chỉ có mẹ, cũng từ đó mới được đặt tên là Hạch Đào Nhỏ.” hoặc “Cha của Hạch Đào Nhỏ là tiên trên trời, ngày kia mẹ mơ thấy Người, hôm sau hoài thai luôn.”

Hạch Đào Nhỏ thông minh lắm, Giang Trừng cho rằng bé sẽ hỏi mình ngay thôi nhưng mãi mà không thấy, thành thử cô rất lấy làm lạ. Giờ mới rõ đâu phải bé không thắc mắc, ngặt nỗi có người dạy cho rồi.

“Hạch Đào Nhỏ, Phong sư huynh kể chuyện cha cho con nghe hả? Kể như nào?”

Hạch Đào Nhỏ móc hạt hạch đào đeo từ thuở mới chào đời ra khỏi áo, lắc lắc rồi bảo: “Phong sư huynh kể cha là yêu quái của thế giới hạch đào, thích ăn hạch đào lắm, nhìn cũng giống hạch đào nữa, do mẹ không cho cha ăn hạch đào nên cha chạy vào một ngôi chùa rất xa để ăn hạch đào.”

Giang Trừng: “Khà khà.” Quả nhiên trò cả chẳng đáng tin gì hết, hắn giải thích đâu vẹn toàn được bằng cô!

Hạch Đào Nhỏ: “Cơ mà con biết Phong sư huynh chỉ nói xạo thôi.”

Giang Trừng: “?!!”

Hạch Đào Nhỏ: “Tại Nguyệt Nguyệt sư tỷ bảo cha đã dắt một con khỉ, một con lợn, một con rùa đen và một con rồng tới Tây Thiên thỉnh kinh rồi, chưa về đâu ạ.”

Giang Trừng: “À… há.” Giang Nguyệt Nguyệt! Sư phụ không nên kể chuyện Tây Du Ký cho trò nghe mà!

Hạch Đào Nhỏ chưa dừng, bé tò mò hỏi Giang Trừng: “Cha có rồng thật ạ? To hơn rồng trắng không?”

Giang Trừng: “… Thực ra cha con không có rồng.”

Hạch Đào Nhỏ chớp mắt, vẫn rất điềm nhiên, chỉ hơi không vui thôi: “Cha không có rồng, vậy Nguyệt Nguyệt sư tỷ cũng sai luôn, hay chỉ có thái sư bá là đúng thôi?”

Người mà Hạch Đào Nhỏ gọi là thái sư bá chính thị bác hai Tạ rồi, bởi bác cả thường ra ngoài tìm hoa bói cỏ, hiếm khi nán lại tông môn, bé được Tạ nhị sư bá chăm cho là nhiều. Tạ nhị sư bá đáng tin thế mà, chắc không hại cô đâu nhờ? Giang Trừng ôm lòng cầu may, hỏi con xem bác hai bảo gì.

Hạch Đào Nhỏ: “Thái sư bá kể, cha con bị người ta nhốt lại, trấn dưới tháp Lôi Phong ở chùa Thượng Vân, sau này con lớn, tìm được rìu Khai Sơn rồi mới bổ tháp cứu cha ra được.”

Giang Trừng: …Tạ nhị sư bá, trò không nên tin người, với cả trò hối hận vì đã kể sư bá nghe “Tân Bạch nương tử truyền kỳ” với cả “Trầm Hương bổ núi cứu mẹ” lắm luôn.

Cô tưởng mình giấu kín lắm, ngờ đâu giờ mới vỡ lẽ, đồng môn thế mà luyên thuyên lắm điều với Hạch Đào Nhỏ như vậy.

Thấy Giang Trừng rối rắm không nên lời, Hạch Đào Nhỏ cho là mẹ đau lòng, chợt nhích đến gần, dùng hai tay ôm đầu mẹ, ngập ngừng an ủi, “Mẹ đừng buồn, chờ con thành tài rồi sẽ đi cứu cha mà.”

Giang Trừng vừa đau lòng vừa âm thầm mát dạ. Hạch Đào Nhỏ mới ba tuổi thôi đã thông minh nhường này, khôn khéo khác hẳn trẻ con bình thường, còn nhỏ mà lo xa và kín miệng như vậy, chả rõ tên khốn nào rót vào đầu bé con bao nhiêu là điều, dẫu thế con vẫn không mách cô hay, Giang Trừng thật rất tự hào, cũng rất đau lòng. Giang Trừng đại khái cũng đoán được tại sao, Hạch Đào Nhỏ sợ cô buồn đấy thôi.

Được gái cưng bé bỏng nhẹ giọng dỗ dành, Giang Trừng cảm động suýt rơi nước mắt, lòng cũng ngập tràn nỗi thẹn. Có lẽ cô nên nói thật với Hạch Đào Nhỏ từ sớm chứ chẳng phải vì đinh ninh con còn quá bé mà qua quýt cho xong, vô trách nhiệm quá.

“Hạch Đào Nhỏ, con có muốn gặp cha không?” Giang Trừng nghiêm túc hỏi.

Hạch Đào Nhỏ cau mày, thắc mắc câu Giang Trừng không ngờ đến: “Mẹ ơi, cha trông giống hạt hạch đào không ạ?”

Giang Trừng: “Hả? Hạch đào à… không đâu.” Hạt hạch đào lồi lõm gồ ghề, Thanh Đăng đại sư dẫu sao vẫn đẹp hơn nhiều lắm, cơ mà nếu xét mái đầu trơn bóng thì cũng có thể bảo là giống. Giang Trừng rơi vào bể ngờ vực lạ lùng.

Hạch Đào Nhỏ nghe Giang Trừng đáp thì vỗ ngực, thôi không nhăn nhó nữa. Trong tưởng tượng của bé thì cha mình trông hệt hạt hạch đào, hơi đáng sợ, giờ nghe mẹ nói không, bé yên tâm rồi.

Hạch Đào Nhỏ: “Mình có phải đi tìm rìu Khai Sơn không mẹ?”

Giang Trừng: “Đừng nghe thái sư bá, sư huynh hay sư tỷ của con nói bừa, cha con không có bị nhốt đâu, cha con hẳn đang tu hành lịch luyện khắp nơi. Mấy tháng trước chắc nán lại mạn tây nam, giờ thì mẹ không rõ, cơ mà mình đi tìm thì sẽ gặp thôi.” Cô vừa nói vừa xoa lưng dỗ Hạch Đào Nhỏ.

Hạch Đào Nhỏ bỗng hừ mạnh một tiếng.

Giang Trừng kéo bím tóc bé: “Ha ha ha Hạch Đào Nhỏ đừng giận mà, sư huynh sợ con buồn mới đùa thôi ~”

Hạch Đào Nhỏ: “Hừ!”

Giang Trừng: “Đừng dỗi, cho con ăn nè.”

Hạch Đào Nhỏ: Nhóp nhép nhóp nhép.

Giang Trừng nói là làm, thu xếp đâu vào đấy rồi nhanh chóng báo tin cho đám đồng môn đang bận diễn sến kia, sau đó dắt Hạch Đào Nhỏ và con rồng quấn rịt lấy cô kia rời nhà, đặt bước lên hành trình tìm cha Hạch Đào Lớn (?) của Hạch Đào Nhỏ.

Mẹ đơn thân xinh xắn yêu kiều dắt díu đứa con ba tuổi xuống núi để tìm người tình là hoà thượng già đã mất tích nhiều năm chỉ vì muốn thoả ước nguyện gặp cha của con gái, ca từ đẫm nước mắt, cảm động đất trời. Nguyên một hàng chữ tự dưng nảy ra trong đầu, Giang Trừng thấy mình dư xăng viết bài cho mấy tờ lá cải rồi.

Rốt đã căng tràn lồng ngực bầu không khí bên ngoài, Giang Trừng tu dưỡng những ba năm trong phái Dung Trần sơn như sống dậy cả người, cô thấy mình có thể xách kiếm diệt rối ma ngay bây giờ.

Sau ba năm, tu sĩ phong lưu tuấn tú từng chu du khắp chốn, cứu vô số người, say đắm tan vỡ biết bao nhiêu trái tim thiếu nữ đẹp tươi đã lại lên sàn. Thay bộ đồ nam màu trắng khẳng khái phỉnh phờ quen thuộc, chải chuốt từ đầu đến chân một lượt, hoàn hảo! Điều đáng tiếc duy nhất chính là mặt cô nay không còn giống đàn ông tý nào nữa hết.

Từ sau khi sinh Hạch Đào Nhỏ, gương mặt này dần dà nữ tính hoá, cứ thế phăm phăm trên con đường ngày càng tuyệt trần yếu ớt, từ soái ca hoá thành gái xinh chỉ cau mày một cái đã khiến nam nữ tu tiếc nuối luyến thương.

Trước kia Giang Trừng khoác áo trắng thì phong lưu tuấn tú, giờ mặc đồ nam càng mỹ mạo động lòng, mỗi lúc một thần thái riêng. Giang Trừng chỉnh chu soi mình trong gương, hơi lo không biết Thanh Đăng đại sư có nhận ra cô không, dù gì chàng cũng không giỏi nhớ mặt người.

Hạch Đào Nhỏ cũng được Giang Trừng chăm chút một phen, tuy thường mặc váy nhưng chuyến này đi xa, Giang Trừng bèn mặc đồ nam cho bé, kiểu dáng giống cô. Một lớn một nhỏ ton sur ton, đi cùng nhau cực kỳ thu hút, ai nấy đều khen đáng yêu.

Rồng trắng không có đồ mặc phải vờ hoá vòng cuộn lấy tay Hạch Đào Nhỏ rất không vui, song dưới ách hà hiếp của chủ nhân, rồng ta đành ngoan ngoãn, không dám quậy phá làm trò. Ngoài này đâu an toàn được như Dung Trần, chẳng biết khi nào nguy hiểm sẽ ập tới, không thể mặc sức làm càn.

Rồng trắng và Hạch Đào Nhỏ rời tông môn đã nghe lời hơn nhiều, không đánh nhau nữa, Giang Trừng yên lòng lắm, con mình đúng là biết cân nhắc mọi điều ha ha ha ~

Rời phái Dung Trần sơn, Giang Trừng dắt Hạch Đào Nhỏ thăm thú phố ăn nổi tiếng trước nhất, mua cả đống món. Hạch Đào Nhỏ thấy vẻ tươi vui của mẹ, lần đầu tiên chiêm nghiệm được rằng cái điệu vung linh thạch ấy đẹp cực.

Sau đó họ dạo quanh thành trấn, Hạch Đào Nhỏ ngó nghiêng không cả chớp mắt y hệt hồi Giang Trừng vừa rời tông môn thuở ấy, có điều bé vẫn nề nếp phong phạm chứ chả như ai kia, dẫu thích thứ gì quá lắm cũng chỉ ngắm nghía nhiều hơn đôi lượt, cái đầu ngẩng cao đáng yêu hết biết.

Giang Trừng mua thêm một đống đồ ăn đồ chơi cho con, đương nhiên rồng trắng cũng có phần. Cứ thế vui vẻ cả ngày, tới khi Hạch Đào Nhỏ ngáp dài vì đã đến giờ ngủ, Giang Trừng mới nhớ chuyến này mình ra ngoài là để tìm đại sư cơ.

Thôi vậy, mai lên đường hẵng vẫn còn kịp ~ Nghĩ thế, Giang Trừng dắt Hạch Đào Nhỏ và rồng trắng vào trú tại khách điếm Tiên Nhân mà hai đứa tò mò muốn đến.

Lầu gác như mọc giữa mây còn xung quanh là bầu trời xanh thắm, khách điếm Tiên Nhân rất được lòng Hạch Đào Nhỏ và rồng trắng, sau khi vào phòng, hai đứa thích thú lăn tròn giữa đụn mây mềm xốp, vui vẻ lắm thay.

Bởi con rất thích khách điếm này và vẫn còn nhiều khu chưa thăm quan hết, cả bọn bèn ở lại đây ba ngày. Sau đấy, Giang Trừng nhớ lại mục đích ban đầu của mình, dắt Hạch Đào Nhỏ và rồng trắng lưu luyến mãi thôi rời trạm dừng chân đầu tiên.

Tìm Thanh Đăng đại sư bằng cách nào đây? Theo các tu sĩ cõi tu chân, Phật Tử Thượng Vân tu hành khắp chốn song hiếm ai rõ tung tích, vì chưa từng chạm mặt, hoặc do Thanh Đăng khiến người ta lờ đi sự tồn tại của chàng, dẫu có gặp thì phần lớn đều không biết hoà thượng chất phác vừa lướt qua mình chính là vị đại sư tiếng tăm lẫy lừng kia.

Tóm lại, nếu chàng không muốn họ nhận ra mình, thì họ chả tài nào hay biết nổi.

Cõi tu chân chả thiếu kẻ nhàn, Giang Trừng từng đọc bài lá cải kỳ mấy mươi năm trước, rằng có đệ tử thế gia nọ muốn xin Thanh Đăng đại sư ban cho lá bùa hộ thân về biếu người mẹ một lòng theo Phật của mình, tìm mãi không thấy chàng bèn đăng bảng săn rằng ai cung cấp được tung tích của đại sư sẽ được tặng linh dược linh khí linh đan linh thạch thoả thích. Gia tộc của tu sĩ nọ vào hàng bậc nhất cõi này, vốn hắn cũng là anh tài lợi hại, tao ngộ biết bao duyên lành.

Hắn treo giải to đến thế chỉ để đổi lấy tin về đại sư, tức thời giới tu chân dậy nên phong trào tìm kiếm Thanh Đăng.

Đương nhiên hồi lâu lăn lộn cực cùng, sau rốt vẫn chẳng ai tìm được.

Rồi thì một hôm nào đấy, bà cụ nghe đâu chỉ là người phàm không thể tu luyện – mẹ của cậu tu sĩ ấy ra ngoài tình cờ lại gặp một hoà thượng trẻ đang đụp mưa chốn miếu hoang rừng thẳm, chợt hứng chí kể chuyện thằng con khờ lắm điều nhà mình cho chàng nghe, lúc tạm biệt nhau lại được chàng tặng tấm thẻ gỗ tiện tay khắc chơi.

Bà cụ khiêm tốn hiền lành nhận tấm thẻ giản đơn ấy, tận khi đi rồi vẫn không hay tên tuổi của tăng nhân trẻ nọ, về đến nhà cũng do con trai phát hiện hơi lành Kim Phật cuồn cuộn quẩn quanh mới bừng tỉnh, hoá ra người bà vừa gặp chính là Thanh Đăng đại sư mà con trai tìm mãi chẳng thấy bao giờ.

Dông dài như thế là để khẳng định rằng rất khó tìm được Thanh Đăng, nếu tìm không đúng cách thì dẫu có lật tung cả cõi tu chân vẫn chẳng thấy nổi người.

Nhưng Giang Trừng là ai, cô là kẻ có thể thoả thích tới lui Thượng Vân tự cơ mà, bởi thế cô mới biết một bí mật chỉ lưu truyền nội bộ trong ngôi chùa này.