Mộng Về Tiền Kiếp

Chương 39: Theo dấu Đức Thánh Trần 8



Đi thêm 1 quãng, Trần Thần lại chỉ: “chỗ kia chính là Viện Quốc Học thành lập 4 năm về trước. Trước đây vốn là Quốc Tử Giám chỉ dành cho con em hoàng thất quan lại quý tộc, hiện đã thay đổi trở thành trường học cho tất cả nho sĩ trên cả nước. Học trò đến đây để nghe giảng Tứ thư (Luận ngữ, Đại học, Trung dung, Mạnh tử), Ngũ kinh (Thi – thư – lễ - dịch – xuân thu). Trong viện có cả Giảng Võ đường để giúp học trò nâng cao sức khỏe, cũng hướng huấn luyện chuyên nghiệp, đào tạo võ quan, thậm chí là văn võ song toàn.”

“Ồ, ra đây là nguyên do có tên phố Giảng Võ...” ta lại ồ lên lần nữa khi đi ngang cổng học viện, thiết kế ấn tượng, không có cánh cổng, chỉ có 4 trụ, 2 trụ chính giữa khá lớn, 2 trụ 2 bên nhỏ hơn, 4 trụ tạo thành 3 cổng, 1 cổng lớn ở giữa, 2 cổng phụ ở 2 bên. Họa tiết trên 2 trụ lớn rất cầu kì, phía dưới chân trụ chạm khắc hình nổi hoa sen, trên thân trụ khắc 2 con rồng nổi hơi hướng 3D màu xanh biển chân thực, đầu rồng đặt trên đầu trụ, mặt hướng thẳng lên trời, thân rồng quấn quanh cột trụ, từ mắt, râu, vảy, chân đến đuôi đều hiện lên sống động như thật. 2 cột trụ nhỏ 2 bên phía ngoài được nối với tường bao, bước tường chạy dài về 2 phía chừng 5m lại được xây 2 cột trụ y chang 2 cột cổng phụ, lúc này ta mới nhận ra thiết kế này tựa như 2 cuốn trục thư mở ra ở 2 bên.

Trên 2 trục thư ấy có viết chữ Hán, chữ viết rất đẹp nhưng ta chẳng nhận ra chữ nào bèn hỏi Trần Thần: "trên đó viết gì vậy”.

Trần Thần nhìn qua rồi nói: “bên phải là 7 điều “vô ích” Khổng Tử dạy gồm:

Tâm còn chưa thiện, phong thủy vô ích.

Bất hiếu cha mẹ, thờ cúng vô ích.

Anh em không hòa, bạn bè vô ích.

Làm việc bất chính, đọc sách vô ích.

Làm trái lòng người, thông minh vô ích.

Không giữ nguyên khí, thuốc bổ vô ích.



Thời vận không thông, mưu cầu vô ích.

Bên trái đề tôn chỉ học võ: Tập võ chi đạo có thể được cường thân, mẫn trí. Một người tập võ thì được cường thân, một nhà tập võ thì được cường tộc. Đường lối của võ thuật trước tiên là phải trọng võ đức, muốn có võ đức phải hiểu rõ công lý, muốn hiểu rõ công lý thì phải có học vấn.”

“Xuất sắc, từ kiến trúc lẫn đề từ đều ở cái tầm chất!” ta gật gù khen ngợi.

"Ngươi nói gì ta không hiểu”, Trần Thần ngơ ngác hỏi.

Ta liền giải thích: “ý ta là Viện Quốc học này chỉ riêng cổng vào đã có thiết kế mang tính biểu tượng, hàm ý sâu xa, lời răn dạy trước cổng lại súc tích, đầy đủ ý nghĩa. Kiến trúc sư đúng là 1 thiên tài”.

Trần Thần gật gù đồng ý, chẳng mấy chốc chúng ta đã đến cổng vào Hoàng thành, đến đây thì không được phép cưỡi ngựa nữa, 2 người xuống ngựa, giao lại cho lính gác rồi bắt đầu đi bộ vào. Tới đây Trần Thần lại tiếp tục giới thiệu: “ Thành nội có cung điện, lầu gác làm nơi thiết triều phía Đông, phía Tây làm hành lang giải vũ. Bên trái là cung Thánh Từ, nơi Thượng hoàng ở, bên phải là cung Quan Triều, nơi vua ở. Ngoài ra còn có Điện Diên Hồng, nơi diễn ra hội nghị. Điện Diên Hiền, điện Bát Giác nơi vua thiết yến các quan. Vọng Lâu, nơi vua ngự xem lính đấu nhau với voi, hổ, chuồng hổ đặt ngay dưới lầu...”.

Ta cẩn thận lắng nghe hắn giới thiệu, cũng tranh thủ nhìn ngắm kiến trúc trong cung, cảm giác không khác trong phim ảnh là bao. Có chăng Hoàng thành phía trong trồng rất nhiều cây lấy bóng mát chứ không trơ trọi như Cố cung bên Tàu. Đường vào được lát gạch vuông đỏ thành lối đi rộng chừng 1m, chạy dài rồi rẽ nhánh sang các hướng, thi thoảng lại có 1 đình viện bát giác nhỏ để nghỉ chân, đi sâu vào trong là các hành lang đường đi về các viện, các hành lang này đều được xây lan can, cột trụ dựng lên chống đỡ mái, mái lợp ngói đỏ để che mưa che nắng. Đường đi mát rượi bởi bóng râm che phủ và những cơn gió nhẹ mang theo hơi nước từ hồ trong cung thổi đến.

1 lát sau chúng ta đã vào đến điện thiết triều. Bên trong tụ tập rất nhiều quan chức thống lĩnh cấp cao. Vì Trần Thần vừa là thư đồng thân cận Vương gia Trần Quốc Tuấn, được ngài giao cho trọng trách trông coi sổ sách trong quá trình thu gom tích trữ lương thực tại A Sào nên hắn mới được theo vào lần này.

Các quan lại chia 5 tụm 3 xầm xì bàn tán, nội dung chủ yếu vẫn là về mối lo quân Mông Nguyên đánh Đại Việt. Vó ngựa quân Mông cổ sớm đã dày xéo khắp tứ phương, từ tộc người da vàng đến tộc người da trắng đều chịu thất bại nặng nề, lần lượt các quốc gia ngay cả nước lớn như Liêu, Kim, Tây Hạ, Đại Lí cũng đã rơi vào tay người Mông Cổ, nên chiến sự lần này đặc biệt khẩn trương.

Sau 1 hồi chờ đợi, 1 thái giám đi ra cất tiếng thông báo: “hoàng thượng giá đáo”. Các quan lại ngưng nói chuyện, lần lượt theo phẩm hàm mà về vị trí đứng, 1 bên quan văn, 1 bên quan võ chia ra đứng 2 bên phải trái. Vua Trần Thái Tông đi vào trong điện, theo sau là Thái Sư Trần Thủ Độ.