Mộng Chiếu

Chương 31: Khó Thích Nghi



Ở một tửu quán ngoại ô kinh thành, quang cảnh ở đây điêu tàn vô cùng, bàn ghế sập xệ, bình chén đổ vỡ, trên xà nhà và vách tường thậm chí còn dính vệt máu cũ mới đều có.

Nhìn là biết một nơi không tốt lành gì.

Ấy vậy mà chủ quán vẫn điềm nhiên lau chùi những bình rượu đã bám bụi, điệu bộ của lão rất bình thản ung dung, chẳng có chút gì là sợ hãi cả.

Ở một góc quán là hai nam nhân dáng dấp cao lớn ngồi đối diện nhau. Một người tóc tai xõa xượi hớt ra đằng sau, màu tóc bạc khói lạ mắt ngắn ngang vai mặc áo cổ đứng thêu hoa văn dị tộc, người này tướng mạo sắc sảo ngũ quan sinh động nhưng trên mặt lại chẳng có mấy phần nghiêm túc. Trên eo y là thắt lưng bằng da, trên đó giắt hai thanh chủy thủ có cán cầm không mấy đặc biệt nhưng lại trau chuốt tỉ mỉ.

Nam nhân ngồi đối diện y mặc giao lĩnh đỏ trầm đai lưng bằng vải vận quần ống rộng, hắn khoác ngoài một chiếc đối khâm màu đen. Tóc dài ngang hông tuỳ tiện búi một ít sau đầu. Tướng mạo hắn không phải khôi ngô tuấn tú nhưng lại tương đối ưa nhìn. Đặc biệt sống mũi cao thẳng cân đối là điểm nhấn trên gương mặt cùng đôi mắt thon dài, đồng tử đen sâu, ở hắn toán lên vẻ chững chạc mà cũng rất âm hiểm.

Một bên tay nam nhân này vịn vào thanh đao cong đặt bên ghế ngồi. Hắn rót rượu ra một chén lớn, mùi rượu thơm nồng toả ra ở một góc quán. Hắn đưa chén lên mà uống cạn sạch, lúc sau chậm rãi đưa cổ tay lên gạt đi rượu còn sót lại trên khóe miệng.

Nam nhân tóc xoã kia còn chẳng thèm đổ rượu ra chén, y đưa cả vò lên rót một ngụm nhỏ vào miệng, nhìn tấm bản đồ bằng da trên tay rồi nhìn nam nhân đối diện, miệng cười cợt:

"Này, lâu lắm mới có dịp đến kinh thành, ít nhất cũng phải vào một cái tửu lâu nào tử tế chút chứ".

Người kia rót rượu tiếp rồi cười khểnh: "Chuyến đi này không phải không phải để cậu thưởng lạc đâu, đợi xong chuyện muốn làm gì thì làm".

Y xua tay cười cười lên: "Không sao không sao, ta không có ý gì khác. Mà này, rượu ở Trung Nguyên tuy đắt nhưng được cái thua xa mạnh của người Hề".

Nam nhân mặc y phục đỏ trầm xoa xoa ấn đường, khoé môi kéo cao. Đoạn đưa tay nâng niu chén rượu đang sóng sánh lên mà rằng:

"Cũng đúng, nhưng cậu đừng quên đây là Trung Nguyên đấy".

Người kia cười xòa: "Biết rồi".

Y nói tiếp, tông giọng nghiêm trọng hơn: "Mà cậu cũng lạ, chẳng đã nói sẽ không liên quan đến triều đình, không qua lại với cửa quan rồi sao? Đúng ra cậu phải là người rõ quy tắc hơn ai hết chứ?".

Người kia cũng thay đổi sắc mặt, gió bên ngoài lùa vào thổi tung mấy sợi tóc mai trước mặt, giọng hắn trở nên âm trầm hơn hẳn: "Ta hiểu, nhưng cậu cũng biết đấy, chuyện này không đơn giản. Nếu không ra mặt sẽ chỉ liên lụy đến người không nên".

Hắn đứng dậy, lấy ra từng trong vạt áo ra mấy đồng xu rồi đặt lên bàn, tay còn lại cầm lấy đao mà xoay người rời đi, không liếc nhìn người đằng sau mà nói:

"Đi thôi".

"Được".

...

Trong cỗ xe ngựa xa hoa mà yên ắng Nhiếp Tư Mặc ho khan mấy tiếng, nàng ngồi trong này dường như mất hết khái niệm về thời gian. Trâm cài cùng y phục quá đỗi cồng kềnh khiến việc cử động khó khăn hơn rất nhiều.

Nàng vén rèm xe ra, mà gọi khẽ: "Cảnh Vũ, cho ta mượn áo choàng của ngươi".

Tên hộ vệ Cảnh Vũ cưỡi trên một con ngựa đi song song với xe nàng, gió bắc bên ngoài dữ dội đến mức thổi tung hết mái tóc mới lúc trước còn buộc gọn của của y, lần này y vận trang phục đen thắt đai lưng bằng da thông thường, chỉ có điều là khoác thêm một chiếc áo choàng trắng tinh khôi có phần rìa là lông ngỗng cũng trắng nốt.



Cảnh Vũ khó hiểu, nhíu mày nhìn nàng: "Có chuyện gì sao?".

Nàng ngượng ngùng đáp: "Không...chỉ là bộ y phục này cồng kềnh quá, ta thấy không thoải mái. Nên là...định thay ra...".

Y cười như không cười, nhanh chóng cởi ra rồi đưa cho nàng, còn không quên gấp gọn vào. Nhiếp Tư Mặc thấy vậy thì đón lấy rồi vội cảm tạ người ta. Bên trong xe ngựa rộng rãi cũng chỉ có mình nàng, chẳng nghĩ nhiều mà cởi bớt ba lớp y phục cùng trâm cài ra, khoác lên mình chiếc áo choàng lông ngỗng vừa mượn được.

Một lúc sau tiểu cô nương lại vén rèm lên lộ ra phân nửa gương mặt cùng đôi tày trắng gầy, đưa bằng hai tay một tấm áo dày tông đen hoa văn thêu chỉ kim tuyến.

"Mà Cảnh Vũ này...ngươi cầm lấy cái này mà khoác vào đi, ngươi đi ngoài đó lạnh lắm. Ta lại lấy mất áo của ngươi...".

Nàng còn chưa hết câu thì y đã cười nhẹ rồi đẩy lại áo về phía nàng.

"Không cần, y phục của ta đủ dày rồi. Người cứ giữ lại đi".

Nhiếp Tư Mặc cũng chẳng muốn đưa đẩy qua lại, nàng ậm ừ cho qua rồi trở về vị trí.

Áo của Cảnh Vũ có vẻ hơi quá khổ với nàng, nhìn không khác gì đang chùm cái chăn lên người.

Cuối cùng cũng lấy lại chút cảm giác dễ chịu.

Giờ mới để ý, không khí cũng đã lạnh hơn rất nhiều, nàng chỉ cần hé miệng ra một chút cũng đã phả ra đám khói dày đặc. Cũng dễ hiểu thôi, lần này đi về phương Bắc khí hậu sẽ càng thấp xuống, đến lúc đó hai chậu than chắc cũng không đủ sưởi.

Hỏi ra mới biết là đã hơn bốn ngày trôi qua kể từ khi rời khỏi Dương Minh quan, nếu thuận lợi thì một tháng là có thể rời khỏi Trung Nguyên, gần một tháng nữa là sẽ đến Đột Quyết.

Nhiếp Tư Mặc ngồi trong xe đặt hai lò sưởi mà chân tay lạnh ngắt, thi thoảng còn ho khan vài tiếng. Cách đây không lâu Tần đại phu có đế chẩn trị cho nàng một lần. Lão nói bệnh tình của nàng bây giờ khó mài chữa dứt điểm, chỉ đành thích nghi mà sống chung với bệnh.

Tất nhiên nàng không quan quan tâm chuyện ấy lắm. Chẳng hiểu sao giờ đây tâm nàng lại cảm thấy nhẹ nhõm hơn hẳn, bởi lẽ cái chết của nàng đã không còn vô nghĩa.

Nàng khẽ vén tấm màn lên, cảnh tượng trước mắt nằm ngoài dự đoán của nàng. Tuyết rơi dày đặc, mù mịt đến mức khó mà nhìn thấy phía trước là gì, tiếng gió gào rít trong không trung nghe thật rợn người. Mới chỉ ló mặt ra một lúc thôi mà cả người nàng như hoá thành tảng băng, lồng ngực cũng trở nên đau rát khó tả.

Lúc nhỏ từng nghe lão sư nói rằng, Đột Quyết trú ở biên cảnh phương Bắc, chọn nơi có đồng cỏ tươi tốt và nguồn nước sạch để cư trú, đến khi nơi ấy không còn đủ điều kiện để sinh sống nữa thì chúng sẽ lại di chuyển để tìm kiếm một nơi tốt hơn. Tới mùa khô hạn sẽ xuôi nam cướp bóc lương thực để sống qua mùa đông.

Khi ấy nàng còn nhỏ, suy nghĩ vẫn còn non nớt cho rằng sao những con người ấy phải sống nơi hoang dã hiểm trở như vậy. Rõ ràng khí hậu Trung Nguyên rất ôn hoà, điều kiện cũng tốt, sao chúng không di dời đến đây? Sau này mới hiểu, cái gọi là tranh chấp và tộc người đủ để dựng lên một rào chắn lớn rồi.

Giờ mới nhớ tới chiếc hộp mà mẫu thân đưa cho. Nàng ngập ngừng một lát rồi mở ra. Ngón tay khẽ miết lên những chiếc bánh trắng ngà đẹp đẽ, khí hậu lạnh giá khiến thực phẩm cứng lại không ít. Nhiếp Tư Mặc chậm rãi cắn một miếng nhỏ, vị ngọt dịu nhẹ thân thuộc lan toả trong khoang miệng.

Ở kinh thành thì đây chỉ là món điểm tâm bình dân mà ai cũng mua được, làm được nhưng ở phương Bắc lại không dễ gì được ăn món ngọt như này đâu. Người dân du mục sống ở phía Bắc nếu muốn tìm những món này thì chỉ có chờ tìm gặp được thương nhân từ Trung Nguyên để mua thôi.

Bên trong còn có ba gói thuốc lớn và một lọ mứt quả, nàng cười thầm. Từ lâu nàng đã có thể uống thuốc đắng mà không cần thêm vị ngọt rồi. Mứt quả này cũng đã quên mất vị.

Bảy ngày tiếp theo trôi qua, thời tiết mỗi lúc một khắc nghiệt. Nhiếp Tư Mặc từng nghĩ cái lạnh ở phương Nam đã đủ hại chết người rồi, bây giờ nàng mới thực sự được mở mang tầm mắt.

Cái lạnh ấy cũng khiến bụng của người ta tăng nhu cầu ăn uống hơn và Nhiếp Tư Mặc cũng không ngoại lệ. Nhưng mấy ngày nay nàng cũng chỉ ăn uống qua loa, không phải nàng không chịu ăn mà là không hợp khẩu vị.



Thịt dê và cừu chỉ được chế biến qua loa không nhiều gia vị rồi đem đi nướng khiến mùi hôi của thịt vẫn còn sót lại không ít. Nhiếp Tư Mặc chỉ ăn vài ba miếng thôi là đã phải buông đũa xuống

"Cạnh cạnh".

"Tiểu thư". Cảnh Vũ bên ngoài gọi vọng vào kèm theo tiếng gõ lên xe.

Nàng vội đáp: "Chuyện gì?".

"Đã đến Triều Thiên môn, mọi người dựng lều trướng ở đây để nghỉ chân, chỗ cho tiểu thư cũng đã sắp xếp xong rồi".

"Ta biết rồi".

Nói xong nàng cũng nhanh chóng thu xếp lại mọi thứ, đóng nắp chiếc hộp vào rồi bọc lại bằng một tấm vải sau đó ôm theo nó mà bước xuống.

Cảnh Vũ cũng kính đỡ nàng bước từng bước, Nhiếp Tư Mặc nhìn quang cảnh phía trước mà ngẩn người.

Phía trước đã dựng gần hai mươi cái lều trại lớn nhỏ có đủ, hoa văn thêu trên tấm vải dựng cũng rất quen mắt, nàng từng nhìn thấy ở một số sạp hàng của người Hồ.

Kiểu lều này đọc qua miêu tả trong sách nhưng đây là lần đầu tiên nàng tận mắt nhìn thấy. Tuy chỉ là dựng tạm để nghỉ ngơi mấy ngày nhưng Nhiếp Tư Mặc cũng mường tượng được quang cảnh cuộc sống ở bộ lạc của họ.

Bất chợt tầm mắt của nàng đổ đến sáu nữ nhân mặc đản y lộng lẫy xa hoa xinh đẹp đang đứng tụm lại trước một lều lớn. Họ nhìn trẻ trung và rất đẹp, dung mạo như hoa, chỉ tiếc hoa nở hoa cũng tàn. Ai cũng mang một vẻ u uất khó nói, Nhiếp Tư Mặc cũng chẳng lấy làm lạ, có ai phải rời xa quê nhà để đi đến một nơi hoang dã khắc nghiệt sống cả đời ở đó mà vui nổi chứ.

"Tiểu thư, đằng kia sẽ là chỗ cho người". Cảnh Vũ vừa nói vừa dìu nàng đi từng bước, mỗi quý nữ sẽ được sắp xếp một đại chướng cùng vài Hồ tỳ để chăm sóc. Có điều nàng không hiểu ngôn ngữ của họ nên khá bất tiện.

Vừa bước vào trong lều thì hơi ấm đã tràn đến, hoá ra bên trong đã được bố trí những bốn chậu than đỏ. Bên dưới chân nàng còn trải thảm lông cừu lớn trắng ngà.

Nhiếp Tư Mặc trợn tròn mắt, ở nơi nàng ở lông cừu là vật liệu không hề rẻ tiền dùng để may y phục, cùng lắm thì làm tấm thảm cỡ nhỏ mà thôi. Không ngờ những người này lại xa xỉ đến mức dùng lông cừu làm thành thảm lớn như vậy, còn trực tiếp mang giày bước vào nữa. Sao nàng nỡ dẫm chân lên đây!

Bên trong bày trí một chiếc ghế lớn kiêm luôn giường nằm, trên đó trải sẵn một tấm chăn bông dày từ trước, bên cạnh là bàn gỗ lớn đặt mấy vậy dụng thông thường như bát đĩa hay chén.

Nhưng sao...đến cái chén cũng làm bằng bạc rồi khảm ngọc quý như vậy, chỉ là một vật để uống nước thôi mà, có cần xa xỉ vậy không?

Trên bàn còn có một đĩa lớn thịt cừu thái lát nhìn khô khan khó nuốt vô cùng. Nhiếp Tư Mặc chỉ biết quay lưng chán ngán. Tuy biết không nên đòi hỏi nhưng chẳng lẽ lại không có đầu bếp nào biết nấu mấy món thông thường sao?

Thậm chí cả cơm cũng không có nữa, giờ nàng mới để ý bữa ăn của người Đột Quyết thường sẽ là thịt dê hoặc cừu cùng một vò rượu lớn. Đến đây thôi nàng đã chẳng dám nghĩ đến sau này sẽ sống ra sao, có lẽ không phải chết vì bệnh mà sẽ chết vì đói mất.

Đúng ra trước khi lên đường phải ăn một bữa thật no mới phải.

______________

*Góc có thể bạn đã biết ( đúng ra nên nói từ đầu truyện, cái này là lỗi của tác giả)

Người Hồ theo nghĩa hẹp dùng để chỉ các sắc dân ngoại lai tại Trung Á và Tây Á, được sử dụng phổ biến trong các sử tịch và văn hiến vào thời nhà Đường. "Hồ" là từ tiếng Hán chỉ các dân tộc khác với hàm ý khinh miệt…(Theo wikipedia)