Dục Tiên Đồ

Chương 116: Đàm đạo



Sở Nhược Đình rời gò Côn Luân rồi thẳng tiến Thấp Hải.

Lúc sắp đến làng chài, tự dưng nàng thấy choáng váng và ngã từ pháp bảo bay xuống đất.

Trực giác mách bảo nàng có chuyện bất thường, chẳng lẽ nàng đâm trúng pháp khí?

Xung quanh Thấp Hải lẫn Vô Niệm Cung chôn giấu pháp khí của ma quân, nàng luôn cẩn thận tránh chúng mấy năm nay. Cô gái sử dụng thần thức dò tìm để phát hiện một ông cụ nằm trong bụi cỏ gần đấy.

Hình như ông bị thương nên ôm chân mà kêu rên thảm thiết liên hồi.

Sở Nhược Đình lại gần rồi dừng ở nơi cách ông mười bước.

Ông cụ là tu sĩ Trúc Cơ và cả người đeo vàng bạc đá quý, còn nuôi râu dài lòng thòng. Ông thấy Sở Nhược Đình liền hỏi, “Đạo hữu rớt từ pháp bảo bay xuống hả?”

Sở Nhược Đình cảnh giác nhìn ông, “Cụ cũng vậy sao?”

Ông cụ đáp, “Lão hủ đang đi thì bỗng nhiên pháp bảo hết nhạy, nó bay lên không nổi nữa. Đạo hữu xem, chân lão hủ gãy rồi nè.”

Sở Nhược Đình liếc một cái, nàng dửng dưng ném cho ông đan dược, “Uống cái này sẽ khỏi ngay.”

Dứt lời, nàng xoay người bỏ đi.

Ông cụ là Du Thừa Nghiệp cải trang. Ban đầu ông định ra tay giết Sở Nhược Đình ngay, song ông hơi do dự khi thấy nàng chưa nhiễm ma khí.

Du Thừa Nghiệp nhìn viên thuốc Sở Nhược Đình cho, mắt ông thoáng láo liên trước lúc gọi nàng, “Đạo hữu hãy dừng bước.”

“Cụ còn cần gì à?” Sở Nhược Đình phải về trả đèn gấp.

Du Thừa Nghiệp giả bộ như òa khóc tới nơi, ông đấm ngực giậm chân, “Lão hủ sắp hai trăm tuổi nhưng mãi chẳng thể kết đan. Nghe nói chọn con đường ma tu sẽ giúp tu vi nhanh chóng thăng cấp, vì vậy lão hủ mới quyết chí cậy nhờ Vô Niệm Cung.”

Sở Nhược Đình thấy ông cụ này thật thiếu ý chí, “Đã sống trong cõi trần và bước lên con đường tu chân thì cần lấy giác ngộ làm ưu tiên hàng đầu, đừng nếm thử bàng môn tà đạo.”

Du Thừa Ngiệp quá đỗi kinh ngạc.

Ông nhân tiện chất vấn, “Giác ngộ đâu dễ kiếm, khó lắm á!”

Sở Nhược Đình đã đi được một đoạn đường ngắn nhưng nghe ông nói vậy bèn dừng bước, nàng quay đầu đáp, “Cốt lõi là ở đạo chứ không phải giác ngộ.”

Du Thừa Nghiệp vuốt chòm râu hoa râm dài thòng, “Câu này có ý gì?”

“Muốn ngộ đạo tối cao thì cần sự lĩnh hội tối cao, một trái tim rộng mở và giác ngộ sẽ hiểu rõ con đường tu hành. Sao cụ có thể tìm thấy đạo của mình khi cụ còn chẳng muốn giác ngộ?”

Du Thừa Nghiệp ngồi thẳng lưng, ông vừa vuốt râu vừa cố tình hỏi khó, “Nếu ta bảo đạo của mình là trung thành, bao dung, cùng ôn hòa thì ngươi biết cách lý giải chứ?”

Trùng hợp là Nhạn Thiên Sơn đã dạy Sở Nhược Đình, nàng trả lời trôi chảy, “Đạo của lòng trung thành, bao dung, và ôn hòa mang tính chất dựa theo vạn vật. Nó sẽ hành động tùy tình huống cũng như tuân thủ quy luật tuần hoàn của sự vật.”

“Trung thành và bao dung là gì?”

“Bên trên làm ác thì không thể sai khiến bên dưới, bên dưới làm ác thì không thể chỉ trích bên trên. Sống trong sạch và đối đãi mọi người theo cách mình muốn được đối đãi.”

“Còn ôn hòa thì sao?”

“Luôn khiêm tốn và không so sánh với đời…”

Giới tu chân coi trọng “cơ duyên”.

Sở Nhược Đình tình cờ gặp một tu sĩ già ở đây và ông đặt câu hỏi cho nàng; chưa biết chừng cuộc gặp gỡ giữa hai người chính là “cơ duyên”. Thế nên nàng mới dành cả một khắc để kiên nhẫn đàm đạo cùng ông.

Du Thừa Nghiệp đâu ngờ thảo luận với nàng lại giúp ông giác ngộ trong nháy mắt.



Khúc mắc chắn trước Độ Kiếp kỳ nay đã sáng tỏ.

Du Thừa Nghiệp quan sát Sở Nhược Đình, ông càng nhìn càng ưng bụng. Thiếu nữ sở hữu dung mạo xinh đẹp, tài năng xuất chúng, tâm hướng chính đạo. Nàng còn trẻ mà đã thành cao thủ Phân Thần kỳ, quả thật hậu sinh khả úy!

Nhân vật tài ba vậy sao lại hồ đồ chọn Nguyệt Minh nhà ông chứ! 

Du Thừa Nghiệp luôn thích bày trò điên khùng.

Ông thấy mình với Sở Nhược Đình nói chuyện ăn ý liền hào hứng vỗ vai nàng, “Một lời của quân lại khiến ta giác ngộ chân lý! Thầy là người truyền đạo cũng như giảng giải thắc mắc! Từ nay về sau, ngươi là thầy của Du mỗ ta!”

Tu vi Sở Nhược Đình thấp hơn ông, nhưng cổ nhân đã dạy người hiếu học sẽ chẳng ngại học hỏi từ kẻ kém hơn mình.

Khuôn mặt Du Thừa Nghiệp hồng hào khi hớn hở kéo tay áo Sở Nhược Đình, “Nào nào nào, sư phụ, chúng ta hãy thảo luận tiếp về đạo.”

Sở Nhược Đình chả hiểu gì hết.

Nàng né tay Du Thừa Nghiệp, “Cụ à, ta không định thu nhận đồ đệ.”

Du Thừa Nghiệp tự tin ngẩng đầu, “Giờ ngươi thu rồi đấy thôi!”

Ông túm lấy Sở Nhược Đình mà thao thao bất tuyệt: nào là mỗi tháng sẽ biếu nàng linh thạch, nào là rửa sạch thằng cháu rồi đưa nó lên giường nàng để mọi người đắp chăn đàm đạo, vân vân.

Lời ông nói mỗi lúc một kỳ cục, làm Sở Nhược Đình chạy trối chết bằng pháp bảo bay. Nội tâm nàng thầm nhủ: Ông già điên này chui từ đâu ra?

“Sư phụ đừng đi mà!” Du Thừa Nghiệp nhìn hướng nàng đi rồi thở dài tiếc nuối.

Đúng lúc ấy, bùa truyền âm từ Du Hạc Niên sáng lên và ông cất giọng yếu ớt, “Cha đã giết nữ ma tu kia chưa? Con nghĩ hay là tha mạng cho con bé đi.”

Hồi nãy Du Hạc Niên bàn bạc với Hà Oánh; họ không quản nổi đứa con đã lớn, nữ ma tu mà chết thật thì khéo Nguyệt Minh thắt cổ chết theo.

Lông mày Du Thừa Nghiệp dựng đứng trước mấy lời đó, ông nghiêm khắc răn, “Ma tu cái gì! Phải tôn trọng sư tổ của ngươi!”

Du Hạc Niên: “Hả?”

Ông biết Du Thừa Nghiệp lại lên cơn nên hấp tấp khuyên can, “Cha, dù con bé không phải ma tu thì cũng là cháu dâu của cha! Ai đời lại tôn cháu dâu làm sư phụ? Tào lao hết sức!”

“Tào lao điểm nào!” Du Thừa Nghiệp tức giận ném bùa truyền âm. “Ta gọi nó là sư phụ, nó gọi ta là tổ phụ, có gì to tát đâu!”

Oo———oOo———oΟ

Sở Nhược Đình không biết vai vế giữa mình với Du Nguyệt Minh đã lộn tùng phèo.

Nàng đi một mạch và thấy vô số tu sĩ quẩn quanh Thấp Hải. Vô Niệm Cung canh phòng nghiêm ngặt: cứ năm bước sẽ có một linh gác, mười bước một tiền đồn, ngay cả hai con Minh Lang ở cổng cũng mặc áo giáp da.

Sở Nhược Đình cầu kiến Hách Liên U Ngân nhưng con rối quản sự đứng canh cửa bảo rằng, “Độc Mỗ đang thương nghị với ma quân, xin ngài hãy quay lại sau.”

Độc Mỗ bàn gì với ma quân? Đại hội phạt ma?

Sở Nhược Đình cố nén nỗi ngờ vực rồi tận dụng thời cơ hoàn trả đèn Uẩn Hồn.

Bên trong chính điện, sắc mặt Hách Liên U Ngân khó coi cùng cực.

Hắn lười nhác tựa lưng vô ngai vàng lót da thú, đôi mắt hẹp dài nheo lại trong lúc Độc Mỗ vừa quỳ vừa lải nhải liên tục.

“…Hiện nay Lâm Thành Tử lăm le thảo phạt Vô Niệm Cung, sao ma quân chẳng quan tâm gì hết?”

Hách Liên U Ngân bực bội phất tay, “Bản tọa sắp đặt chín ngàn pháp khí ngoài Vô Niệm Cung, Lâm lão tặc dám tới thì bản tọa sẽ cho hắn biết có đi mà không có về là thế nào.”

Độc Mỗ hỏi tiếp, “Kiêu ngạo chắc chắn dẫn đến thất bại. Ngộ nhỡ Lâm Thành Tử liên kết với Côn Luân lão tổ thì ma quân tính sao?”

Cứ nhớ tới cái mặt Nhạn Thiên Sơn là Hách Liên U Ngân nổi giận.



Sự tàn khốc lóe lên trong mắt nam tử, hắn hờ hững đáp, “Toàn bộ tu sĩ Phù Quang Giới có xông đến thì bản tọa cũng chả sợ.”

Độc Mỗ nhìn hắn, bà ta gấp gáp can gián, “Lão nô không định chỉ trích ma quân, nhưng dù ma quân ghét nghe thì lão nô vẫn phải nói một câu. Từ ngày thánh nữ gia nhập Vô Niệm Cung, ma quân thay đổi rất nhiều. Ma quân từng quyết đoán chém giết, hành sự ngông cuồng, và hoành hành thiên hạ. Song hiện tại ma hoặc bế quan luyện khí ở Vô Niệm Cung, hoặc chìm đắm trong nữ sắc! Ma quân mặc kệ mọi vấn đề quan trọng của ma cung, điều này thật sự khiến lão nô lo lắng!”

Độc Mỗ là thuộc hạ đầu tiên dưới trướng ma quân. Những năm gần đây, bà ta dõi theo quá trình Hách Liên U Ngân say mê Sở Nhược Đình tới mụ mị đầu óc và vô thức bị nàng thuần phục. Độc Mỗ chất chứa lửa giận lâu ngày nên giờ không phun ra thì chẳng chịu nổi.

Hách Liên U Ngân liếc xéo bà ta, giọng hắn nghe dữ dằn, “Ngươi đang trách bản tọa mê muội lẫn vô năng?”

“Lão nô không dám!” Độc Mỗ chống cây gậy đầu rắn, gương mặt khô quắt queo trông rất kiên định. “Sự thật luôn khó nghe. Lão nô chỉ muốn hỏi ma quân một câu, mấy năm nay ngài nuông chiều thánh nữ mọi bề, song rốt cuộc ngài nuông chiều ả hay chính bản thân mình?”

“Câm miệng!”

Hách Liên U Ngân bật dậy rồi hung hăng ném lư hương.

Lư hương xẹt ngang vai Độc Mỗ, sau đó bay qua cánh cửa và đánh đổ một phần bức tường cung điện.

Độc Mỗ đã thành Phân Thần kỳ, song vẫn sợ hãi run rẩy trước cơn thịnh nộ của tu sĩ Độ Kiếp kỳ.

Bà ta cấp tốc nhận lỗi, “Ma quân bớt giận, lão nô đi quá giới hạn rồi.”

Hách Liên U Ngân mệt mỏi ngồi xuống ngai vàng, xích Phụ Hồn quấn quanh nguyên thần gây đau đớn cho hắn mọi lúc mọi nơi.

Hắn chống trán với nhắm mắt giây lát, cuối cùng lạnh lùng rít, “Cút.”

Độc Mỗ cáo lui rồi run run chống gậy ra ngoài.

Cung điện rộng rãi nhưng chả trang hoàng gì mấy nên trông hiu quạnh bội phần.

Sau khi Độc Mỗ rời đi, Hách Liên U Ngân bình tĩnh lại và thừa nhận mình quả thật đã thay đổi. Dưới tác động từ sự nịnh nọt vô tâm của Sở Nhược Đình, hắn ngày càng mất nguyên tắc cũng như quên ước nguyện ban đầu.

Bao đời ma quân đều theo đuổi cùng một mục tiêu.

Không phải phi thăng như các tu sĩ khác, mà là thống nhất Phù Quang Giới. Họ muốn nước biển lạnh băng lại mặn chát ở Thấp Hải bao phủ bốn khu vực trên đất liền.

Tuy nhiên Phù Quang Giới còn hai chướng ngại vật khổng lồ là Lâm Thành Tử cùng Côn Luân, thành thử mục tiêu ấy dễ gì đạt được?

Ba trăm năm trước, Hách Liên U Ngân chủ động khiêu chiến Lâm Thành Tử lẫn Côn Luân.

Ma quân đánh ngang cơ Lâm Thành Tử, nhưng Côn Luân thành công giam hắn trong một trận pháp ma quái và còn dán bùa chú đầy đầu đối thủ.

Hắn vẫn nhớ rõ cái bộ dạng gợi đòn của Côn Luân.

Tay trái Côn Luân cầm quyển sách rách nát, tay phải cầm cây bút cũ xì, gương mặt như quan tài lộ vẻ khó tin, “Ngươi tốt xấu gì cũng là cao thủ Độ Kiếp, tại sao lại không biết chữ?”

“…Bản tọa mù chữ thì liên quan mẹ gì lão tặc nhà ngươi!”

“Thô bỉ!”

Hách Liên U Ngân thẹn quá thành giận, hắn gắng gượng đập nát trận pháp do Côn Luân dựng nên bằng đống ma khí không đếm xuể. Hai bên đánh nhau ba ngày ba đêm, sau cùng hắn cạn kiệt linh khí và phải về Vô Niệm Cung nghỉ ngơi suốt nhiều năm.

Lần bại trận ấy là nỗi nhục đậm sâu trong cuộc đời ma quân.

Bởi vậy dù trải qua bao năm tháng dài đằng đẵng, hắn vẫn hận đến nghiến răng nghiến lợi mỗi lần nhớ lại vụ đó.

Hách Liên U Ngân đang hờn dỗi lúc Sở Nhược Đình cầu kiến ngoài cửa. Hắn cố gắng trấn định nhằm lấy lại vẻ lạnh lùng bấy lâu, “Vào đi.”Lời tác giả

Cuộc đàm đạo giữa Du lão tổ và Sở Nhược Đình được trích từ Đạo Đức Kinh, Trang Tử, cùng Đại Học.[1]Chú thích

[1]Đạo Đức Kinh là quyển sách do triết gia Lão Tử viết ra vào khoảng năm 600 TCN. Trang Tử, hay còn được biết đến với tên gọi Nam Hoa Kinh trong tiếng Việt, là tác phẩm triết học lẫn văn học do Trang Chu viết cuối thời Chiến Quốc. Đại Học là một trong những quyển sách quan trọng của Nho giáo, và có mười một chương tất cả.