Đức Phật Và Nàng: Hoa Sen Xanh

Quyển 3 - Chương 27



Dì ba không biết phải nói sao, chỉ cúi đầu xấu hổ. Người Tạng tuy rất phóng khoáng trong chuyện nam nữ nhưng tầng lớp quý tộc lại hết sức coi trọng môn đăng hộ đối. Thường dân người Tạng chỉ có tên mà không có họ, chỉ giai cấp quý tộc mới được mang họ. Ví như dòng họ cai quản phái Sakya là dòng họ Khon. Họ đặt trước tên chính là tiêu chí để nhận biết tầng lớp quý tộc ở đất Tạng. Gia đình vương giả nào không có con trai, có thể tìm người ở rể, người đó sẽ mang họ của nhà vợ, một bước lên mây, từ đây thoát khỏi tầng lớp thấp hèn. Nhưng cũng chính vì vậy, các gia đình quý tộc tuyệt đối không muốn gả con gái mình cho những người ở tầng lớp thấp hơn, chưa nói đó lại còn là một Dugong phải bán thân bởi đó sẽ là sự sỉ nhục vô cùng lớn.

Kunga Zangpo muốn đẩy Zhouma ra, cúi đầu khóc than:

- Không phải lỗi của tiểu thư Zhouma đâu, tất cả là tại tôi, tôi xin nhận mọi hình phạt.

- Đừng nói nữa! – Kháp Na nghiêm nét mặt, quay lại hỏi Zhouma. – Chị Zhouma, ta hỏi chị, chị có thật lòng với cậu ấy không? Chị có sẵn sàng từ bỏ địa vị tiểu thư phái Sakya để đi theo cậu ấy, suốt đời chịu khổ không?

Zhouma nhác thấy một con dao bổ củi dựng ở góc tường, liền lao đến, cầm con dao lên, chặt đứt ngón tay mình không hề do dự. Sự việc diễn ra quá nhanh khiến tất cả chúng tôi trở tay không kịp. Một nửa ngón út của cô ấy rơi xuống đất, nhưng cô ấy bất chấp máu tươi phun trào, vẫn ngẩng cao đầu, khóe môi nở một nụ cười thê lương:

- Tôi sẵn sàng! Tôi yêu con người của anh ấy, không màng đến thân phận, địa vị của anh ấy. Dù giáo phái có từ chối, xua đuổi, dồn tôi đến nơi cùng cực, chỉ cần được ở bên cạnh anh ấy, có chết tôi cũng cam lòng!

Hành động của Zhouma khiến ai nấy đều bất ngờ và hoảng sợ. Kunga Zangpo khóc nấc lên:

- Zhouma, đừng làm vậy...

Bát Tư Ba vội lệnh cho người hầu đi mời thầy thuốc. Dì ba đau xót lắc đầu:

- Hắn có gì tốt đẹp mà khiến con mê muội như vậy?

Zhouma gạt tất cả các hầu gái muốn lại gần chăm sóc vết thương cho cô sang một bên, đặt con dao bổ củi lên cổ, gào lên thảm thiết:

- Mẹ ơi, con đã mang trong mình dòng máu của anh ấy. Nếu mẹ không chịu tác thành cho chúng con, con sẽ chết cùng đứa con này. Con nói là sẽ làm!

Dì ba sợ tái mặt, vội xua tay, gật đầu:

- Mẹ đồng ý. Nhưng con phải nghĩ cho kĩ, nếu con không còn là đại tiểu thư phái Sakya nữa thì con cái của con cũng sẽ là Dugong, chúng sẽ phải làm thân trâu ngựa suốt đời ở giáo phái này!

Kháp Na quay sang dì ba, cất giọng điềm tĩnh:

- Dì ba, nếu Kunga Zangpo không còn là Dugong nữa, liệu dì có chấp nhận cậu ta làm con rể của dì không?

Tất cả chúng tôi đều ngỡ ngàng. Kháp Na nhanh chóng rời khỏi phòng chứa củi, trước khi đi chỉ để lại một câu:

- Mọi người chờ tôi ở đây!

Chàng quay lại sau khoảng một tuần hương. Chàng mang theo giấy bán thân của Kunga Zangpo, đốt bỏ trước mặt mọi người rồi vỗ vai Kunga Zangpo:

- Kunga Zangpo, từ nay cậu là người tự do. Chỉ cần cậu đối xử tốt với chị gái của ta, ta đảm bảo, không ai ở Sakya dám coi thường hai người.

Kunga Zangpo, mắt đỏ hoe, xúc động: 

- Cậu chủ...

Kháp Na mỉm cười:

- Kìa anh rể, đừng gọi ta là cậu chủ nữa!

Kunga Zangpo lập tức quỳ xuống, dập đầu trước Kháp Na:

- Cậu mãi mãi là cậu chủ của tôi, cho dù giấy bán thân đã được đốt bỏ nhưng Kunga Zangpo này xin thề với Phật Tổ, tính mạng của tôi mãi mãi thuộc về cậu!

Bát Tư Ba nghiêm giọng:

- Được rồi, chuyện này kết thúc ở đây. Trước Tết chúng ta sẽ tổ chức hôn lễ cho Kunga Zangpo và Zhouma. Kể từ bây giờ, Kunga Zangpo không còn là Dugong nữa mà đã trở thành thành viên của dòng họ Khon.

Kunga Zangpo và Zhouma vui mừng khôn xiết, Kháp Na cũng mừng thay cho họ. Cậu ta không còn mang thân phận nô lệ nữa, dì ba miễn cưỡng chấp nhận. Chỉ có dì năm không nguôi tức tối, cay cú. Bà ta vốn định mượn cớ này dằn mặt Kháp Na, nào ngờ sự thể lại thay đổi chóng mặt không theo ý bà ta. Kunga Zangpo nhờ thế mà một bước lên mây.

Kunga Zangpo hơn Bát Tư Ba hai tuổi, cha mẹ mất sớm, năm lên mười bị người cậu bán cho phái Sakya. Ngài Ban Trí Đạt nhận thấy cậu bé tuổi nhỏ mà chín chắn, chững chạc, bèn sắp xếp để Kunga Zangpo theo hầu Kháp Na. Lúc đến Lương Châu, cậu ta mới mười hai tuổi nhưng đã chăm sóc Kháp Na rất mực chu đáo. Kunga Zangpo rất thông minh, trong những năm tháng đi theo Kháp Na, cậu ta đã tự mày mò học chữ, đọc sách. Cậu ta cũng rất tháo vát, năng nổ, phàm việc gì không cần chỉ dẫn tận tình vẫn có thể hoàn thành đâu ra đấy. Hơn hai mươi năm qua, dù đi đến đâu, Kháp Na cũng đưa cậu ta đi cùng. Đối với chàng, cậu ta là người đáng tin cậy nhất, chỉ sau Bát Tư Ba.

Hồi còn ở Lương Châu, Kháp Na đã không ít lần mai mối cho Kunga Zangpo. Tuy là Dugong, nhưng với thân phận người hầu của con rể Khoát Đoan, Kunga Zangpo hoàn toàn có thể tìm cho mình một thiếu nữ con nhà tử tế làm vợ. Ban đầu, Kháp Na định mai mối cho cậu ấy con gái của một hộ dân trong nội thành Lương Châu, nhưng đúng lúc ấy, Kháp Na lại phải về Yên Kinh, vì không muốn lỡ dở chuyện trăm năm của cô gái, Kunga Zangpo đã khéo léo khước từ. Sau khi về Yên Kinh, Kháp Na được phong làm Bạch Lan Vương, ngày càng nhiều người muốn nhận Kunga Zangpo làm con rể. Thời gian ấy, Kunga Zangpo cũng từng có tình cảm với con gái một ông chủ tiệm gạo, nhưng đúng lúc hai bên đang bàn chuyện cưới hỏi thì Mukaton qua đời. Kunga Zangpo từ biệt cô gái và lên đường theo Kháp Na trở về Lương Châu.

Kunga Zangpo tuổi tác đã lớn, vậy mà chuyện hôn nhân năm lần bảy lượt đều không thành, điều này khiến Kháp Na không khỏi áy náy. Nhưng Kunga Zangpo chưa bao giờ than phiền, cậu ta biết sớm muộn Kháp Na cũng quay về Sakya nên quyết tâm không thành thân nữa. Năm nay cậu ta đã ba mươi tư tuổi, bằng tuổi Zhouma. Thấy hai người yêu thương nhau sâu sắc như vậy, Kháp Na lấy làm mừng và quyết tâm tác thành cho họ, đồng thời cũng nhân cơ hội này, giúp Kunga Zangpo giải thoát khỏi thân phận nô lệ.

Không có Kháp Na, sẽ không có vị bản khâm đời thứ hai của giáo phái Sakya – Kunga Zangpo.

~.~.~.~.~.~

Tôi đặt chén trà giữa lòng bàn tay để lấy hơi ấm, thư thả nói:

- Hơn hai trăm năm qua, đền Sakya luôn là một công trình kiến trúc được xây dựng trên lưng chừng núi, đó cũng là phong cách xây dựng đền đài của hầu hết các giáo phái ở Tây Tạng. Nhưng trung tâm hành chính tương lai của đất Tạng mà Bát Tư Ba muốn xây dựng không thể phỏng theo kiến trúc ấy.

Chàng trai trẻ ngẫm ngợi:

- Ngài ấy muốn xây dựng cả một thành trì giống vương triều Tufan xây dựng thành trì ở La-ta, chứ không phải chỉ là một ngôi đền, đúng không?

- Chính xác!

Tôi gật đầu, nhấp một ngụm trà, nói tiếp:

- Sau khi vương triều Tufan sụp đổ, các giáo phái đua nhau mọc lên như nấm, thời đó xuất hiện một quan niệm phổ biến rằng, cần thiết phải xây dựng đền đài để thu hút và hiệu triệu tín đồ, dân chúng. Nhưng sau nhiều năm sinh sống trên đất Hán, Bát Tư Ba nhận thấy phương cách xây dựng thành trì, tập trung dân cư và thiết lập hệ thống quan lại là phương thức cai trị rất hiệu quả. Bởi vậy, chàng đã quyết định sẽ kiến tạo thành trì tương lai của phái Sakya theo mô hình kiến trúc thành phố.

Chàng trai trẻ nhìn tôi băn khoăn:

- Nhưng theo tôi được biết, về sau Bát Tư Ba đã không xây dựng thành trì ở Shigatse, có chuyện gì xảy ra vậy?

Câu hỏi ấy tựa muôn nghìn cây kim nhọn cắm sâu vào lục phủ ngũ tạng của tôi, bất giác tôi phải cúi gập người để chống chọi với cơn đau dồn dập ấy. Lúc lâu sau tôi mới đáp lời:

- Bởi vì sau đó đã xảy ra rất nhiều chuyện.