Đức Phật Và Nàng: Hoa Sen Xanh

Quyển 3 - Chương 10: Cố hương



“Người đức độ, nhân ái sống chan hòa với mọi người;

Động vật cùng loài, sống gắn kết thành bầy trên đồng cỏ.”

(Cách ngôn Sakya)

Khi chúng tôi rời khỏi trang viên Shalu, Kangtsoban gào khóc dữ dội, kiên quyết không cho Kháp Na lên xe ngựa. Chủ nhà phải nhờ đến mấy tỳ nữ lực lưỡng mới có thể khống chế được cô nàng. Jichoi sa sầm mặt mày, từ biệt qua quýt với hai anh em Bát Tư Ba. Xem ra, với huyết thống cao quý, gia đình giàu có, sung túc, Vạn hộ hầu Shalu đã rất tự tin về cuộc hôn nhân này. Nếu tin tức truyền ra ngoài, chắc chắn bàn dân thiên hạ sẽ không khỏi kinh ngạc khi Bát Tư Ba khước từ thẳng thừng cuộc hôn nhân có lợi nhường ấy.

Chúng tôi lên đường, Bát Tư Ba, Kháp Na và tôi bắt đầu rơi vào trạng thái khó xử chưa từng thấy. Bấy lâu nay, khi phép thuật ngày một cao, tôi rất thích hóa thành người, kể cả phải cải trang thành người hầu cũng không sao. Nhưng hôm nay, tôi chẳng buồn hóa phép nữa, lẳng lặng làm một tiểu hồ ly kiệm lời. Kháp Na và Bát Tư Ba cũng không ai bảo ai, đều lặng lẽ, ít nói.

Tháng 5 năm 1265, sau hành trình một năm tròn gian khổ, cuối cùng, hai anh em Bát Tư Ba cũng trở về quê hương Sakya mà họ đã cách biệt hai mươi mốt năm. Tên gọi Sakya hàm chứa rất nhiều ý nghĩa: là địa danh, tên ngôi đền, thậm chí là tên gọi của cả một gia tộc. Cái tên Sakya đã đè nặng trên đôi vai gầy guộc của cả hai anh em nhiều năm qua, vậy mà họ lại chẳng có chút ấn tượng nào về hình thù của cố hương.

Sau một năm ròng vượt đèo vượt núi, rốt cuộc tôi đã hiểu vì sao Bát Tư Ba muốn di dời thành trì của giáo phái. Ngôi đền Sakya tọa lạc trên khu đồi phía nam của dãy núi Benbo, nằm bên bờ Bắc sông Trum-chu, xung quanh chỉ toàn núi cao, đồi trọc, đá sỏi cằn cỗi. Xây đền trên núi vốn là kiến trúc truyền thống của Tây Tạng, đảm bảo độ an toàn, đề phòng bị tấn công. Ngôi đền nằm trên độ cao bốn nghìn ba trăm mét so với mực nước biển, khí hậu giá buốt, cây cỏ thưa thớt. Thảng hoặc trên các lũng sông, người dân nơi đây có thể trồng lúa mì thanh khoa và rau cải, điều kiện địa lý của vùng đất này có thể nói là kém nhất ở đất Tạng. Nếu trong gia tộc Sakya không xuất hiện đại sư Ban Trí Đạt và Bát Tư Ba thì thật khó có thể thoát khỏi nghèo nàn để sánh ngang với các giáo phái lớn khác, càng không thể trở thành giáo phái thủ lĩnh của cả đất Tạng.

Ngôi đền là toàn bộ thành trì của giáo phái Sakya, quanh ngôi đền chỉ có vài hộ dân thưa thớt. Sự kết hợp của ba màu: đỏ, trắng và xanh vốn là nét đặc trưng của phái Sakya xuất hiện và nổi bật ở mọi nơi. Thứ màu sắc rực rỡ, bắt mắt ấy từ xa có thể quan sát rất dễ dàng. Những năm qua, Bát Tư Ba không ngừng chuyển toàn bộ số bổng lộc có được do triều đình và quý tộc Mông Cổ ban thưởng về Sakya và lệnh cho bản khâm Shakya Zangpo tu sửa ngôi đền sao cho thật khang trang. Thế nên, ngôi đền nhỏ bé trước kia, sau khi nhận được nguồn tải trợ dồi dào từ Bát Tư Ba, đã ngày một mở rộng, trở thành một quần thể kiến trúc tráng lệ trải dài khắp một vạt núi.

Người của giáo phái tề tựu đông đúc về đây, đứng chen chân trên khắp con đường dẫn từ núi Benbo về ngôi đền. Mười mấy chiếc kèn dài Dungchen và kèn ốc loa rền vang, chấn động cả vùng núi. Xe ngựa của Bát Tư Ba và Kháp Na được trang trí những dòng cờ phướng và hoa cánh bướm sặc sỡ. Hàng ngũ nghênh đón đứng chờ từ rất sớm. Xe ngựa chầm chậm tiến sát chân núi, đám đông dân chúng hai bên đường hò reo phấn khích khi Bát Tư Ba và Kháp Na vẫy tay chào họ.

Xe ngựa không thể đi tiếp vì núi cao dốc đứng, Bát Tư Ba và Kháp Na bèn xuống ngựa. Hôm nay, họ ân vận rất mực sang trọng. Hai anh em ngước nhìn những bức tường kiên cố và những dãy nhà khang trang của ngôi đền bằng ánh mắt đầy háo hức. Quê hương đang ở ngay trước mắt họ. Hai người ngước nhìn đền đài, lầu các trên cao, không khỏi xúc động.

Bản khâm Shakya Zangpo bước đến, dâng khăn lụa Ha đa cho Bát Tư Ba. Một phụ nữ chừng ba mươi tuổi, môi thắm má hồng bước tới dâng khăn lụa cho Kháp Na. Khi cậu ấy còn đang băn khoăn, nhìn người phụ nữ chăm chú thì cô ấy chừng như không kìm nổi, nắm chặt tay Kháp Na:

- Kháp Na, em trai út của ta, ta là chị cả Zhuoma của đệ.

Thì ra đó là cô em gái chỉ kém Bát Tư Ba vài tháng tuổi, là con gái của dì ba. Bát Tư Ba và Kháp Na vội vàng đáp lễ, Zhuoma tươi cười đưa hai người đi giới thiệu với họ hàng, bè bạn. Ba trong số năm người vợ của cha họ đã qua đời, chỉ còn lại dì ba và dì năm. Dì ba là mẹ đẻ của Zhuoma, còn dì năm thì sinh ra Yeshe. Còn có cả vợ chồng chị hai, vợ chồng chị ba, vợ chồng chị tư và hàng đàn các cháu trai, cháu gái. Chỉ riêng việc nhớ tên từng người thôi cũng đủ hoa mắt chóng mặt.

Kháp Na đưa mắt nhìn hết một lượt đám động họ hàng thân thích, hỏi Zhouma:

- Anh rể đâu rồi chị?

Nào ngờ Zhouma nước mắt ngắn dài, buồn bã cúi đầu:

- Chàng mắc bệnh và qua đời mấy năm trước rồi.

Biết mình lỡ lời, Kháp Na vội xin lỗi.

- Không sao! Hai người trở về từ đất Hán, còn đem theo bao nhiêu tráng sĩ thế này, chọn cho Zhouma một người để nó đầu gối tay ấp nửa đời còn lại là được mà!

Giọng nói khàn khàn của một phụ nữ cất lên. Thì ra đó là dì năm. Bà ta chưa đến năm mươi tuổi, ngọc ngà, châu báu ngồn ngộn khắp người, chạc “ba châu” trên đỉnh đầu trĩu nặng, chỉ chực rơi xuống đất. Bà ta gầy gò, nhỏ thó, làn da nhăn nheo nhưng gương mặt trang điểm kĩ càng vẫn giữ được nét xinh đẹp khi xưa.

Kháp Na chẳng buồn để ý đến bà ta. Cậu quay đầu, theo Bát Tư Ba lên núi. Hai anh em họ không bao giờ tha thứ cho bà ta. Dì năm tuy xấu hổ nhưng không dám bỏ đi trước mặt mọi người. Tiếng cười rúc rích lan trong đám động, bà ta uất hận, vần vò chiếc khăn tay, như thể muốn vắt nó ra nước.

Núi cao, bậc dựng đứng, Kháp Na thở phì phò, trống ngực đập thình thịch. Bước vào gian chính điện, tôi thấy ở giữa đặt một bức tượng Bồ Tát Văn Thù mạ vàng rất lớn, một bên đặt tượng thờ vị pháp vương đời thứ nhất Kunga Nyingpo và đời tứ hai Sonam Tsemo, một bên đặt tượng thờ pháp vương đời thứ ba Dragpa Gyaltsen và đời thứ tư Ban Trí Đạt. Bốn vị pháp vương đầu đội mũ đỏ, thân khoác lễ phục, tay kết hình pháp ấn. Hai anh em Bát Tư Ba vái lạy thành khẩn, dâng lên bảy bát nước thánh mang về từ hồ thiêng Yamdrok-tso và tự tay thay đèn dầu cho ban thờ Phật.

Nghỉ ngơi được một lát, Bát Tư Ba liền thúc giục Shakya Zangpo đưa chúng tôi đi tham quan ngôi đền. Dù sắc mặt còn hơi nhợt nhạt vì mất sức, Kháp Na vẫn kiên trì đi cùng, chúng tôi đến từng Labrang [1] vái láy Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và Bồ Tát Kim Cương Thủ. Sau đó, Shakya Zangpo đưa hai anh em họ đến một khu nhà vắng vẻ. Thiết kế phòng ốc hoàn toàn không giống các Phật điện, vẻ xinh xắn, trang nhã khiến cho khu nhà khác biệt hoàn toàn khi đứng cạnh các gian thờ Phật.

Tiếng cửa gỗ bật mở ken két, bụi bay mù mịt. Giữa phòng đặt một bức tượng Bồ Tát nho nhỏ, hai bên là những hố tròn, bên trên xếp những tấm đệm trải cũ mèm, nhàu nát. Trên tường vốn có những bức bích họa được điêu khắc tinh xảo nhưng vì bụi phủ đã lên nên sắc màu phai nhạt, thậm chí đôi chỗ còn bị tróc lở. Chậu than lớn nguội ngắt trên nền đất, xỉ than và khói bụi trộn lẫn, như một minh chứng của tháng năm dằng dặc.

Bát Tư Ba đưa mắt nhìn quanh rồi bất chợt run rẩy:

- Đây là...

Giọng nói già nua của Shakya Zangpo cất lên:

- Pháp vương có thể vẫn nhớ, Bạch Lan Vương có lẽ là không. Đây chính là nơi ở của mẫu thân hai vị. Hai anh em ngài đều ra đời ở đây.

Kháp Na giật mình nhìn anh trai. Bát Tư Ba, mắt ngấn nước, gật đầu với em trai. Kháp Na bồi hồi bước về phía buồng ngủ, đẩy cánh cửa, đồ vật đầu tiên xuất hiện trước mắt cậu là những đồ chơi của trẻ nhỏ: chiếc nôi dành cho trẻ sơ sinh, thùng gỗ tập đứng, ngựa gỗ, ghế xích đu, xe đồ chơi... Shakya Zangpo mở rộng cửa sổ để ánh trăng rực rỡ ùa vào căn phòng, chùm sáng nhảy múa trên những đồ dùng dành cho con nít đã phủ bụi thời gian, khiến cho chúng càng trở nên hư ảo.

=== ====== ====== ====== ====== ====== ===

[1] Labrang trong tiếng Tạng có nghĩa là Phật điện.