Dệt Kén

Chương 27: Em còn muốn anh thắng không



Tưởng Lâu ngồi vào chỗ kịp lúc sân khấu vén màn, tiết mục tiếp theo là bài múa "The Song of the Lark" do Tô Thấm Hàm lớp 11A2 biểu diễn, Lê Đường lớp 11A1 đệm đàn.

Màn sân khấu mở ra, theo cùng là ánh đèn chói mắt rọi xuống, hắn nhìn thấy Lê Đường mặc lễ phục ngồi trước cây đàn piano bên hông sân khấu. Sống lưng cậu thẳng tắp, ngón tay thon dài trắng trẻo đặt trên phím đàn đen trắng ấn nhè nhẹ, tức thì tiếng nhạc dễ nghe vang vọng khắp nhà thi đấu, bay vào tai mỗi một khán giả.

Trong lúc ngẩn ngơ, ký ức của hắn trôi dạt về mùa đông chín năm trước.

Ba năm sau ngày bố mất, Tưởng Lâu mười tuổi một mình đi tàu hỏa đến thủ đô.

Hắn không mua vé mà trốn lên tàu. Khi ấy ga Tự Thành chưa tu sửa, quản lý không nghiêm, hắn tới cửa sổ bán vé mua vé thì nhận được câu trả lời "bảo người lớn nhà cháu mua", thế là bèn để ý cửa soát vé chuyến tàu đi thủ đô rồi lẻn vào sau một chú xách túi du lịch to đùng.

Tự Thành cách thủ đô khoảng hai nghìn kilomet, không có nhiều chuyến tàu tới đó, Tưởng Lâu lên tàu mã K, phải đi qua hai mươi tám nhà ga mới đến thủ đô, tổng hành trình ba mươi lăm tiếng. [1]

[1] Tàu mã K là loại tàu nhanh.

Đoàn tàu ngồi kín chỗ, lối đi cũng có rất đông người đứng. Tưởng Lâu đứng ở chỗ cất hành lý giữa hai toa, nhác thấy nhân viên tàu kiểm tra vé đi qua là lại trốn vào buồng vệ sinh. Nếu buồng vệ sinh có người thì hắn giả vờ đi lại trong lối đi, bị hỏi "người nhà cháu đâu" thì chỉ về đằng sau: "Ở kia ạ, cháu đi mua mì tôm cho mọi người."

Nhân viên tàu không nghi ngờ hắn, chỉ cảm khái thằng bé này hiểu chuyện quá, biết chăm sóc người nhà cơ đấy.

Nhân viên tàu đi xa, Tưởng Lâu lại về chỗ cũ ngồi bệt xuống, một chú cũng ngồi ở buồng vệ sinh gần đấy bắt chuyện với hắn: "Nhóc con bỏ nhà đi à?"

Mặc dù tuổi nhỏ nhưng Tưởng Lâu cực kỳ nhanh trí, luôn ghi nhớ lời bố dạy từ bé là đi đâu cũng phải cẩn thận người lạ, đừng cho người ta biết mình chỉ có một mình.

Hắn mím môi, cất giọng nghiêm túc: "Không phải bỏ nhà đi, cháu đi tìm mẹ. Mẹ sẽ đợi cháu ở cửa ga, cháu và mẹ hẹn nhau rồi."

Cuối năm giao thông tấp nập, mấy lần tàu hỏa phải dừng để nhường đường cho tàu điện, may sao đến thủ đô chỉ trễ một tiếng.

Lúc xuống tàu hai chân Tưởng Lâu mỏi nhừ, người ngợm cũng ám đầy mùi khó chịu từ toa tàu kín mít.

Hắn gội đầu và rửa mặt bằng nước lạnh trong nhà vệ sinh công cộng của ga tàu, sau đó đi theo biển chỉ dẫn ra ngoài, bị cơn gió phả vào mặt làm rùng mình.

Cơn gió ấy lạnh thấu xương, nháy mắt bóng băng mái tóc ướt của Tưởng Lâu.

Đây cũng là tính toán sai lầm duy nhất của Tưởng Lâu. Trước khi đi hắn đã chuẩn bị chu đáo, đập ống heo nuôi mấy năm trời để lấy tiền xu đi đổi tiền giấy ở tiệm tạp hóa, sau đó nhét tiền dưới đáy cặp; mang theo mấy gói mì tôm và một chai nước làm lương thực cho hai ngày một đêm trên tàu; hắn còn cầm theo thẻ học sinh để nhỡ đâu đến thủ đô bị lạc đường, hắn có thể nói với cảnh sát mình là học sinh trường Tiểu học Số 3 Tự Thành, không phải kẻ thang thang không có nhà.

Tuy nhiên Tưởng Lâu chưa được học địa lý, không biết nhiệt độ ở thủ độ thấp hơn Tự Thành nhiều đến thế.

Thế nhưng lại mong đợi một cách khó hiểu, hắn khép vạt áo bông đã xẹp lép vì giặt nhiều, thầm nghĩ không biết thủ đô có tuyết to như lông ngỗng giống trong tivi không nhỉ.

Hắn tìm thấy điện thoại công cộng ở một cửa hàng gần ga tàu, ba tệ có thể gọi năm phút.

Lúc gọi cho số điện thoại đã thuộc nằm lòng, Tưởng Lâu nuốt nước bọt.

Hắn căng thẳng, dù là gọi cho mẹ ruột của mình đi nữa.

Sau bốn tiếng "tút" dài đằng đẵng, điện thoại nối máy. Đầu bên kia vang lên giọng phụ nữ dịu dàng êm tai: "Alo, tìm ai nhỉ?"

Tưởng Lâu khựng lại giây lát mới nói: "Con là Tưởng Lâu."

Hắn đã định gọi "mẹ" nhưng mà không quen, không sao thốt thành lời, đành tự giới thiệu rồi bảo mẹ: "Con đến thủ đô rồi, đang ở ga tàu hỏa."

Tầm nửa tiếng sau Trương Chiêu Nguyệt đến. Cô xuống từ ghế sau một chiếc xe hơi màu đen, mặc áo dạ lông cừu dáng dài có vẻ rất ấm, đi đôi giày da được lau chùi sáng bóng. Trông cô vẫn như ba năm trước, có lẽ do cuộc sống sung sướng nên thời gian không để lại quá nhiều dấu vết trên gương mặt cô.

Có điều ánh mắt cô chẳng hề vui vẻ, khiến Tưởng Lâu dễ dàng nhận ra mình không được chào đón.

Rõ ràng năm đó gặp mặt lần đầu ở nhà tại Tự Thành, Trương Chiêu Nguyệt còn ôm hắn nói rất nhớ hắn.

Trương Chiêu Nguyệt đi đến trước mặt Tưởng Lâu, đưa tay lên nhưng lại dừng giữa chừng, nhanh chóng rụt tay về.

Cô đánh mắt đi và hỏi: "Sao con lại có số điện thoại nhà?"

Tưởng Lâu nhạy bén chộp được chữ "nhà". Hắn lấy làm lạ, ngôi nhà dưới chân núi phía Tây Tự Thành mới là nhà của họ, sao số điện thoại ở thủ đô lại là điện thoại nhà mẹ được?

Hắn vẫn trả lời câu hỏi của mẹ trước: "Đứa bé ấy nói cho con."

Ba năm trước Tưởng Lâu bảy tuổi, có một đứa bé năm tuổi khóc lóc chạy đến nhà hắn đòi tìm mẹ. Đứa bé cho hắn biết tên và còn để lại số máy bàn nhà mình.

Về sau Trương Chiêu Nguyệt ôm đứa bé ấy đi, Tưởng Lâu nghe thấy nó cũng gọi cô là "mẹ".

Hình như Trương Chiêu Nguyệt thở dài: "Xảy ra chuyện gì sao?"

Tưởng Lâu lắc đầu.

"Vậy con tới đây làm gì?"

Tưởng Lâu vốn định cho cô xem giấy khen học sinh ba tốt, ngẫm nghĩ lại cảm thấy cái này không đủ sức lay chuyển, bèn lôi trong cặp ra một bọc đồ: "Con tìm thấy ở nhà."

Đấy là một túi zip dày cộp, vết mài mòn trên bề mặt chứng tỏ thứ đồ bên trong có niên đại rất lâu. Khi lấy mấy lá thư đóng dấu bưu điện và hai quyển chứng nhận ly hôn bìa xanh, vành mắt Trương Chiêu Nguyệt lập tức đỏ hoe.

Sau cùng có một vòng tròn kim loại rơi ra từ trong túi, Trương Chiêu Nguyệt ngồi xuống nhặt, đó là một chiếc nhẫn bạc - nhẫn cưới của họ. Chiếc nhẫn này là của cô, chiếc còn lại luôn đeo trên tay bố Tưởng Lâu, đến khi chết cũng không tháo xuống.

Chiều muộn một ngày đông lạnh giá ở thủ đô, bên ngoài cửa hàng nhỏ gần ga tàu hỏa, Trương Chiêu Nguyệt ba mươi ba tuổi vùi mặt trong khuỷu tay, vai run run nức nở thành tiếng.

Còn Tưởng Lâu mười tuổi bối rối đứng trước mặt cô, muốn an ủi nhưng không biết bắt đầu từ đâu, giơ tay lên mà chẳng dám chạm vào.

Cộng cả lần này thì hắn và mẹ mình mới chỉ có duyên gặp mặt hai lần, thật sự không thân thuộc gì cho cam.

Vậy nên hắn cũng không nói ra lời trong lòng, ví dụ như đưa đồ là viện cớ, hắn chỉ muốn thăm mẹ mà thôi.

Ví dụ như hắn luôn muốn hỏi, đứa bé tên Lê Đường ấy là em trai con sao?

Tưởng Lâu cứ đứng đực ra đấy, lẳng lặng ở cùng mẹ.

Sau khi bố mất hắn đã khóc rất nhiều, thường xuyên khóc mãi rồi thiếp đi, hôm sau không mở nổi mắt.

Hắn từng sống ở nhà cô ruột một thời gian. Mới đầu cô còn tội nghiệp hắn, phần cho hắn một bát cháo làm bữa sáng, nhưng dần dà trông thấy hắn thì mặt cô chỉ toàn bực mình: "Đã nói bao nhiêu lần người chết là hết, khóc cũng vô dụng. Chẳng thà thương người còn sống, ăn ít cơm đi, lớn nhanh nhanh mà báo đáp ân tình cô nuôi mày."



Về sau Tưởng Lâu chuyển từ nhà cô đến trung tâm phúc lợi, bởi vì có một hôm hắn đứng ngoài cửa nghe thấy cô đang nói chuyện với ai: "Bao giờ thằng oắt con học hết cấp hai thì cho đi Thẩm Quyến làm công, nghe nói ở đấy đầy nhà máy tuyển công nhân sản xuất dây chuyền, bao ăn bao ở, một tháng có thể gửi về nhà hai nghìn tệ."

Từ nhỏ bố đã không ngừng căn dặn hắn nhất định phải học hành chăm chỉ, thi đỗ trường cấp ba tốt như mẹ rồi học lên đại học, rời khỏi Tự Thành đến thành phố lớn hơn, đi ngắm nhìn thế giới rộng lớn bên ngoài.

Hắn không thể phụ lòng mong đợi của bố, cho nên bất kể ra sao cũng không muốn học hết cấp hai đi làm công, hắn phải đi học.

Mà trung tâm phúc lợi hầu hết đều là những đứa trẻ khiếm khuyết bẩm sinh, nơi đó không bao giờ vắng tiếng khóc.

Thế là Tưởng Lâu nén nước mắt, thôi khóc lóc ỉ ôi. Nguồn lực của trung tâm phúc lợi có hạn, hắn sợ bị đuổi, hằng ngày đều ăn rất ít và ra sức học hành.

Hắn tưởng chỉ cần mình đủ cố gắng, thắng tất cả mọi người thì mẹ sẽ về Tự Thành sống với mình.

Dù sao bố mẹ cũng có "ước hẹn mười năm" mà.

Nhưng thứ Tưởng Lâu chờ được không phải cái nắm tay của Trương Chiêu Nguyệt.

Tài xế mặc com lê xuống xe nói với Trương Chiêu Nguyệt: "Lớp học đàn của cậu chủ kết thúc rồi, còn không đi là không kịp đâu ạ."

Tưởng Lâu đoán được "cậu chủ" trong lời chú ta là ai nên cảnh giác nhìn Trương Chiêu Nguyệt, chỉ lo cô cứ thế đi mất.

Đồng thời khi Trương Chiêu Nguyệt lau nước mắt đứng dậy, hắn túm lấy vạt áo cô.

Trương Chiêu Nguyệt cúi đầu, trông thấy Tưởng Lâu đang ngửa mặt nhìn mình thì lộ ra nét mặt đau thương chẳng biết làm sao.

"Về đi." Cô nói: "Sau này đừng tới đây nữa, cũng đừng gọi điện cho mẹ nữa."

Nhưng Tưởng Lâu không hiểu vì sao cô lại đau thương, hắn chỉ muốn mẹ, kéo áo mẹ không chịu buông: "Bố nói mẹ sẽ không bỏ bố con con, bố nói mẹ sẽ về khi con mười tuổi."

Tưởng Lâu nhìn thấy sự giằng xé thoáng qua trên gương mặt Trương Chiêu Nguyệt, nhưng vẫn bị gỡ ngón tay ra khỏi vạt áo mềm mại.

Trương Chiêu Nguyệt xoay người, chỉ chừa lại cho hắn một bóng lưng đầy kiên quyết: "Mẹ chưa từng hẹn với bố như thế."

"Quay về đi, cứ coi như không có người mẹ là mẹ."

Đường về vẫn dài dằng dặc.

Dài đến mức đủ để Tưởng Lâu mười tuổi hiểu ra mình bị bỏ rơi.

Bởi vì mẹ đã có em bé khác, cho nên không cần hắn nữa.

Hắn không quan trọng bằng đứa bé đó. Hắn không thắng được đứa bé đó.

Sau khi từ thủ đô về Tự Thành không bao lâu, Tưởng Lâu đánh nhau với mấy đứa cấp hai và bị chậu hoa đập vào đầu, tai trái bị thương mất thính giác. Khi ấy đúng vào giai đoạn bắt đầu học tiếng Anh, hai cuộc phẫu thuật thất bại khiến hắn suy sụp hoàn toàn, bất đắc dĩ phải tiến hành bảo lưu.

Lần thứ hai đến thủ đô là một năm sau.

Trung tâm phúc lợi quyên góp làm một chiếc máy trợ thính cho hắn, hắn quyết định đi học lại, tất thảy dường như đều đang tốt đẹp hơn.

Hắn đi thủ đô không phải vì hy vọng hão huyền muốn tìm mẹ về, mà là muốn biết khi hắn bị đánh máu me đầy mặt, gần như bất tỉnh nhân sự thì mẹ hắn - người phụ nữ sinh ra hắn - đang làm gì.

Tưởng Lâu nhớ, đứa bé từng đến nhà hắn đã nói mình đang học đàn cùng giáo viên ở cung thiếu nhi.

Sau khi tới thủ đô, Tưởng Lâu đến thẳng cung thiếu nhi.

Hắn hỏi đường dân địa phương, xuống xe buýt còn phải đi bộ một đoạn. Đến cổng cung thiếu nhi là ba giờ chiều chủ nhật, cổng giăng đèn kết hoa chúc mừng năm mới, bảng thông báo dán danh sách tiết mục trong buổi biểu diễn văn nghệ hôm nay.

Lúc đi vào trong, ông bảo vệ hỏi hắn có phải cũng đến tham gia biểu diễn văn nghệ không, Tưởng Lâu nói mình là khán giả, ông bèn chỉ đường cho hắn: "Đi thẳng theo mọi người là thấy một tòa nhà mái vòm, đấy là hội trường."

Lần này Tưởng Lâu không lạc đường, hắn đi đến hội trường một cách suôn sẻ và ngồi xuống bậc thềm bên hông. Thời gian vừa vặn, sau tiết mục trước là đến tiết mục độc tấu piano của bạn nhỏ Lê Đường chín tuổi.

Tưởng Lâu nhìn chằm chằm người trên sân khấu, nhận ra đứa bé ấy đã cao hơn hồi năm tuổi rất nhiều, mặc bộ lễ phục vừa người đẹp đẽ ngồi trước đàn piano, da trắng ngần hệt như hoàng tử bé biết phát sáng.

Tưởng Lâu ngồi trong một góc dưới sân khấu, máy trợ thính phóng đại tất cả âm thanh làm hắn không thể nghe rõ tiếng đàn, trái lại còn đau đầu như búa bổ vì tiếng ồn ã xung quanh.

Đứa bé trên sân khấu xinh đẹp và tự tin, như thể sinh ra để tỏa sáng, Tưởng Lâu dưới sân khấu u ám đầy oán hận, như con chuột chui rúc trong cống ngầm.

Họ đến từ hai thế giới khác nhau.

Tưởng Lâu không cố gắng tìm kiếm bóng dáng Trương Chiêu Nguyệt dưới hàng ghế khán giả.

Không cần tìm, chắc chắn cô có mặt trong đó.

Từ năm bảy tuổi Tưởng Lâu đã biết, mỗi cuối tuần Lê Đường đều phải học đàn cùng giáo viên ở cung thiếu nhi.

Mà khi Tưởng Lâu mười tuổi bị đánh vỡ đầu chảy máu được đưa vào bệnh viện, bác sĩ hỏi hắn người giám hộ đâu, trong lúc tinh thần không tỉnh táo hắn đã báo số điện thoại mà Trương Chiêu Nguyệt không cho phép hắn tiếp tục gọi, nhưng số ấy gọi mãi không được, đúng vào chiều chủ nhật Trương Chiêu Nguyệt đến lớp học đàn với Lê Đường.

Rời khỏi hội trường, trong không trung có bông tuyết xoay tròn bay lả tả.

Tưởng Lâu ngẩng mặt nhìn trời, phát hiện niềm mong đợi trong lần đầu đến thủ đô đã thành hiện thực, đồng thời cuối cùng cũng ý thức được mình nực cười làm sao.

Lúc tụi cấp hai cười hắn là trẻ mồ côi hắn còn không chịu thừa nhận.

Hắn đã thua từ lâu rồi. Hắn đã là trẻ mồ côi từ lâu rồi.

Thời gian dần trôi, bây giờ Tưởng Lâu mười chín tuổi đang ngồi dưới sân khấu nhìn lên hoàng tử bé đã trưởng thành trên sân khấu, bên tai không còn tiếng ồn ào, chỉ có sự thờ ơ trống rỗng.

Tiết mục kết thúc, tiếng đàn ngưng bặt, người biểu diễn trên sân khấu cúi chào khán giả, màn sân khấu từ từ khép lại, lấy đi ánh sáng cuối cùng trong đáy mắt Tưởng Lâu.

Từ nơi sâu thẳm vắng lặng vẳng ra tiếng nói, ấy là đống đổ nát trong lòng đang vẫy gọi hắn, kêu hắn rời khỏi ánh sáng ngắn ngủi trở về bóng tối vĩnh hằng.

Biểu diễn xong quay lại cánh gà, Lê Đường thay sang quần áo của mình, vội vàng tạm biệt Tô Thấm Hàm rồi chạy ra khán đài.

Nhưng lúc cậu ra thì Tưởng Lâu đã đi rồi.



Điện thoại có một tin nhắn của Tưởng Lâu: Đi trước đây, còn một trận phải đánh.

Lê Đường muốn đi cùng Tưởng Lâu, song Lý Tử Sơ kéo tay cậu ngồi xuống: "Chờ một lúc rồi đến Thê Thụ đón năm mới, mọi người đều đi, không cho vắng mặt."

Nghĩ bụng dạo này chỉ lo yêu đương không đi với các bạn, Lê Đường áy náy ngồi im.

Cậu nhắn lại cho Tưởng Lâu: Thế anh xong thì tới Thê Thụ nhé, bọn mình cùng đón năm mới.

Tin nhắn này không được trả lời.

Quán cà phê Thê Thụ nằm giữa khu phố cổ, xem như là một trong những khu vực náo nhiệt nhất Tự Thành. Nhưng sở dĩ hôm nay tụ tập tại đây là vì quảng trường thành phố gần đó bắn báo hoa đón giao thừa, Thê Thụ ở ngay đối diện quảng trường và chỉ cách hai con phố, là địa điểm quan sát vô cùng thuận lợi.

Khi còn mười lăm phút là đến không giờ, cả lũ đã kéo nhau lên sân thượng tầng trên quán cà phê. Lê Đường không vội, nghe thấy tiếng reo rồi mới lên, may có Chu Đông Trạch chiếm chỗ trước cho cậu nên cậu mới không tới nỗi ở phía sau nhìn đầu người.

Chu Đông Trạch còn mang nước cho cậu, lúc nhận cốc bàn tay tiếp xúc bị tĩnh điện phát ra tiếng "tạch".

Lê Đường thuần thục lấy kem dưỡng da tay trong túi áo, Chu Đông Trạch cười bảo: "Thế này cũng phiền nhỉ, không có cách giải quyết nào khác sao?"

Tất nhiên là có, giải mẫn cảm.

Tối nay chẳng biết đã nhớ Tưởng Lâu mấy lần, Lê Đường bôi kem tay xong thì lần điện thoại, màn hình vẫn không hiện tin nhắn chưa đọc.

Chu Đông Trạch thấy cậu lơ đễnh bèn đi tìm bạn khác, trước khi đi còn chỉ tay lên trời bảo Lê Đường đừng phụ lòng cảnh đẹp.

Vì thế Lê Đường ngẩng đầu lên, đôi mắt đen láy phản chiếu đủ loại màu sắc, khoảnh khắc pháo hoa nổ to nhất in sâu nơi đáy mắt cậu.

Có câu "đời người được tạo thành từ vô số khoảnh khắc".

Những khoảnh khắc hiện tại là một phần quan trọng của ký ức.

Và thứ quá đẹp đẽ luôn là phù du, dễ khiến Lê Đường cảm thấy hoảng hốt, sợ Tưởng Lâu chỉ là một thoáng ngắn ngủi mà tuyệt vời trong cuộc đời mình.

Trong tiếng đếm ngược đồng đều của mọi người xung quanh, Lê Đường gọi điện cho Tưởng Lâu.

Thật ra cậu không ôm hy vọng gì, nhưng khi đếm đến "7", cuộc gọi kết nối.

Lê Đường thở hắt ra: "... Đánh xong rồi hả?"

"Ừ, vừa xong."

Đằng kia vẫn đang hò hét: "4... 3... 2... 1..."

Lê Đường hét to ngay số đếm cuối cùng: "Chúc mừng năm mới!"

Trong phút chốc tiếng reo hò vang trời, tiếng người huyên náo.

Ồn ào đến cả đầu dây bên kia, mãi lâu sau Tưởng Lâu mới đáp lại: "Chúc mừng năm mới."

Lê Đường quay lưng về phía đám đông, bịt tai còn lại: "Thế anh thắng không?"

"Em có mong anh thắng không?"

"Có chứ."

"Vậy thì thắng rồi."

Lê Đường cười rộ lên: "Em quyết định rồi, sau này đều phải xem anh thắng."

Cậu đang đáp lại câu "em quyết định" Tưởng Lâu nói vào đêm Giáng sinh, cũng là tuyên bố sự nghiêm túc và kiên định của mình.

Nhưng câu từ thẳng thắn quyết đoán ấy không phù hợp với cá tính của Lê Đường, cho nên Tưởng Lâu khựng lại giây lát: "Vậy sao."

"Vâng." Lê Đường cao giọng: "Chẳng lẽ anh không dám cam đoan trận nào cũng thắng?"

Tưởng Lâu nghe mà phì cười: "Ngốc."

Lại bị "mắng" là ngốc, Lê Đường khó hiểu: "... Em ngốc chỗ nào?"

"Ừ, em không ngốc."

"Anh trả lời đi chứ, đừng cứ lấy lệ với em."

Ở đầu bên kia Tưởng Lâu tháo găng tay đấm bốc, khoé môi từ từ hạ xuống.

Hắn không cười nổi vì phản ứng vô thức của bản thân... Không ngờ hắn lại thoáng do dự khi đối diện với sự tin tưởng đơn thuần quá mức ấy.

Hình như hắn không thể tiếp tục nói dối lừa gạt cho qua.

Nhưng thi thoảng nói thật một lần cũng không sao.

Biết đâu sẽ trở nên thú vị hơn.

Thế là tiếng cười lại bật ra khỏi cổ họng, Tưởng Lâu nói vào mic điện thoại: "Nếu anh thắng, tức là em đã thua."

"Như thế em còn muốn anh thắng không?"

***

Tác giả có lời muốn nói:

Chương này sửa nhiều (vì thế tuyến thời gian ở các chương trước có một chút thay đổi, viết thêm nguồn gốc của "ước hẹn mười năm", nếu hứng thú có thể đọc lại chương "Nhưng tôi chưa từng đón sinh nhật).

Nói chút chuyện lạc đề. Bộ truyện này không chỉ có tình tiết cũ rích, máu chó mà còn nặng nề và rối rắm, là kết quả của tâm trạng tôi trong thời gian này, tôi biết nó không hợp gu truyện của phần lớn độc giả cho nên từ khi bắt đầu đăng tải đã không ôm bất cứ mong đợi nào với phản hồi về truyện. Vì vậy tôi vô cùng cảm ơn các bạn theo dõi truyện, chính các bạn đã khiến chặng đường vắng vẻ không còn cô đơn, cảm ơn sự bao dung thấu hiểu và ủng hộ của các bạn, thật sự vô cùng cảm ơn. Tôi sẽ cố hết sức viết bộ truyện này thật tốt để không phụ lòng ngóng trông của mọi người.

* Liang: Đã sửa lại theo thay đổi của tác giả ở chương 17, bên cạnh đó cũng có vài chỗ thay đổi được tác giả sửa ở những chương trước là về quan hệ của Lê Đường với bố mẹ (bố mắng Lê Đường, nhốt Lê Đường vào phòng tối... Không đọc lại cũng được). Vì dịch song song với chương tác giả đăng nên sẽ thường có tình trạng này, mọi người chờ truyện hoàn rồi đọc cũng được.