Đại Ca

Chương 45



Ba giờ rưỡi sáng Ngụy Khiêm về đến nhà.

Gã đứng ở cửa bóp bóp mũi, đối mặt với cửa chính hít sâu một hơi rồi lại từ từ thở ra. Dọc đường sự nóng ruột dần lắng lại, thay vào đó là từ đáy lòng cảm thấy không muốn mở cửa vào nhà.

Đương nhiên, đâu thể nào không vào.

Đẩy nhẹ cửa ra, đèn đọc sách sáng dịu trong phòng khách đang bật, Ngụy Khiêm sửng sốt thò đầu vào xem thử, thấy Ngụy Chi Viễn ngồi trên sofa xem một quyển sách to như từ điển tiếng Hán hiện đại, quầng mắt đen sì nổi bật trên mặt, ngẩng đầu nở nụ cười với gã.

Ngụy Khiêm hạ giọng hỏi: “Sao còn chưa ngủ?”

“Em chờ anh,” Ngụy Chi Viễn nói xong đứng dậy, “Anh ăn cơm chưa? Nhà không còn gì khác, để em nấu cho anh một bát sủi cảo đông lạnh nhé?”

Ngụy Khiêm: “Chờ tao làm gì, tao không biết tự nấu à?”

Ngụy Chi Viễn vẫn không hề quay đầu, đi đun nước: “Em sợ anh sốt ruột.”

Ngụy Khiêm ngồi máy bay hơn bốn tiếng, sau đó từ sân bay chạy về nhà mất thêm gần một tiếng nữa, mỗi một bắp thịt đều đau nhức, theo lý thuyết phải mệt mỏi tột cùng, nhưng gã đã quen với tình hình này, hầu như không nghĩ đến việc “mệt hay không”.

Nhưng sự thật là nửa đêm tĩnh mịch có người ở nhà chờ gã, dường như thoáng chốc quất lên sống lưng.

Ngụy Khiêm ngồi trên chiếc ghế con trong phòng ăn, dán lưng lên bức tường lạnh ngắt, sơ mi nhăn nhúm, cổ áo mở rộng để lộ xương quai xanh và gân cổ rõ nét.

Ngụy Chi Viễn bỏ sủi cảo vào nước sôi, quay người bưng đến một ly nước, nhón ít tim sen bỏ vào ngâm, rồi đưa cho Ngụy Khiêm: “Hạ hỏa.”

Ngụy Khiêm dựa lên góc giữa tủ và tường như không xương, nét mặt hơi đờ đẫn, hỏi: “Sao rồi?”

“Vào ICU (phòng săn sóc đặc biệt) rồi, hôm nay mới mổ xong, tạm thời chưa được thăm,” Ngụy Chi Viễn kéo ghế ngồi bên cạnh, “Hôm nay em có nói chuyện với bác sĩ, bác sĩ bảo qua vài hôm tình hình hơi ổn định thì mỗi ngày có thể thu xếp cho người nhà vào thăm nửa tiếng, anh đừng sốt ruột, sốt ruột cũng vô dụng thôi.”

Ngụy Khiêm liền hiểu ý cậu – đúng vậy, sống chết có số, sốt ruột cũng vô dụng.

Gã không lên tiếng, uống nước ngâm tim sen, đắng muốn tê rần đầu lưỡi.

Gã luôn cảm thấy bà Tống là một bao thuốc nổ chuẩn bị nổ lô cốt bất cứ lúc nào, lại quên rằng cái bao này đã ngoài bảy mươi rồi.

Vài năm trước bà từng bất cẩn trượt ngã một lần, nhưng ngoại trừ làm người qua đường giật mình thì chẳng có chuyện gì cả, bà lão lại tự mình đứng dậy được ngay. Sau sự việc lần đó, bà còn đắc ý khoe khoang ngã một phát cũng chả sao, lúc trẻ mình bà có thể ném cả bao tải hơn trăm kí lên xe cơ, chẳng biết là thật hay là bốc phét đây.

Để tiết kiệm vài đồng, mỗi tuần bà đều cuốc bộ mười dặm đến chợ sớm vác về thức ăn cho cả tuần, hơn năm kí thậm chí mười kí là chuyện thường, trai trẻ xách lên cũng cảm thấy nặng mà bà vác một mạch về nhà tuyệt nhiên không đi xe buýt.

Châm ngôn của bà là: Một xu cũng đừng hòng moi khỏi túi bà già này.

… Dù họ không còn thiếu thốn nữa.

Hành vi cử chỉ của bà suốt mấy chục năm đều thô lỗ như thế, dọn đến khu xa hoa hơn cũng chẳng mảy may chịu thay đổi, ở đây không có một bà già hung dữ cả ngày chửi qua chửi lại, nhưng bà nhanh chóng tìm được cách mới để khiến ba anh em mất mặt – vượt đèn đỏ, khạc nhổ bừa bãi, đứng ven đường xì mũi, xì xong là lau tay lên đèn đường hoặc cột điện bên cạnh.

Có một đợt ủy ban nhân dân phát động cộng đồng văn minh, đả kích hành vi khạc nhổ lung tung, bắt được một lần phạt năm đồng, bà Tống liền cậy già làm đủ mọi trò, từ gào khóc cho đến chơi xấu, khiến đội giữ gìn văn minh đeo băng đỏ sau đó thấy bà là trốn luôn.

Tuy Ngụy Khiêm không nỡ mua mấy thứ đắt đỏ cho mình, nhưng không hề tiếc rẻ tiêu tiền cho bà, sữa ong chúa, sâm Mỹ, đông trùng hạ thảo đều từng mua đủ, tiếc rằng bà già đó không biết cảm ơn, chẳng những mắng gã ăn no rửng mỡ ngay trước mặt, còn lén đem bán lại – từ đầu đến cuối, từ trong ra ngoài đều không thèm cảm kích.

Bà cho rằng mấy thứ đó chỉ dành cho bà quan với bà địa chủ thôi, không nên để mình dùng kẻo tổn thọ.

Ngụy Khiêm dần dư dả, mỗi tháng đưa bà năm ngàn tiền tiêu vặt, bà cười tít cả mắt, nhưng chỉ ôm tiền đếm mười mấy lần rồi cất luôn.

Bà ngày ngày ưỡn ngực ngẩng đầu cho rằng mình giờ là bà già nhà giàu rồi, nhưng “bà già nhà giàu” này mỗi sáng vẫn dậy sớm bán ngô và trứng ven đường.

Một bà già khốn nạn không tiến bộ, vô văn hóa lại thiếu tư cách tới mức nào.

Bà suốt ngày gây chuyện cho gã khó chịu, làm như không cãi vài câu là ăn không ngon vậy. Nhưng họ đã cùng nhau đi qua ngần ấy năm, Ngụy Khiêm hầu như không tưởng tượng được, về sau không còn bà nữa thì phải sống thế nào.

“Anh, ăn luôn đi cho nóng.” Câu nói của Ngụy Chi Viễn gọi hồn vía Ngụy Khiêm quay về.

Ngụy Khiêm nhìn bát sủi cảo nóng hôi hổi kia, không muốn ăn lắm, tim sen đắng ngắt khiến gã chẳng còn thèm ăn, nhưng gã vẫn miễn cưỡng nhận lấy, máy móc ép mình ăn.

“Tiểu Bảo đâu?” Ngụy Khiêm hỏi.

Ngụy Chi Viễn nói nhỏ: “Khóc mệt nên ngủ rồi ạ.”

Ngụy Khiêm không tự chủ được ăn chậm lại, càng khó lòng nuốt nổi.

Ngụy Chi Viễn ở bên cạnh tiếp tục nói: “Khả năng xấu nhất đương nhiên là… thôi để em nói tình huống tốt nhất đi. Nếu cứu được bà nội, lý tưởng nhất là bà có thể tự đi lại, miễn cưỡng tự lo được cho mình – phục hồi như trước kia là không thể, dù vậy thì tế bào não của bà cũng sẽ nhanh chóng già yếu và khô héo, có thể dùng thuốc kéo dài nhưng cũng chỉ giữ nguyên được như thế hoặc là ngày càng tệ hơn chứ không thể chữa khỏi.”

Ngụy Khiêm không phải học sinh khoa y chính quy, nhưng gã xuất thân khoa sinh, chuyên ngành ít nhiều có chỗ trùng nhau, nghe thế lập tức hiểu ngay.

Tiếp tục như vậy thì kết quả cuối cùng không ngoài là ngớ ngẩn.

Gã hoàn toàn không muốn ăn nữa, liền bỏ bát đũa sang bên.

Ngụy Chi Viễn phân tích: “Nếu vậy thì có khả năng bà sẽ cần một người chăm sóc, những việc khác em có thể làm được, nhưng việc theo sát quá thì dù sao cũng hơi bất tiện, không thể trông cậy vào Tiểu Bảo, đến lúc đó chắc sẽ cần thuê một người giúp việc. Anh, anh thấy làm vậy được không?”

Ngụy Khiêm im lặng rất lâu mới gật đầu: “Những chuyện này đừng nói với Tiểu Bảo.”

Ngụy Chi Viễn: “Em biết, con bé đã sợ lắm rồi.”

Cứ thế, từng chút một, Ngụy Chi Viễn cho gã biết tình hình hiện tại, phân tích và thảo luận cách ứng đối các tình huống bất đồng, về sau nên làm sao, giọng điệu vững vàng và thái độ của cậu khiến sự hoang mang trong lòng Ngụy Khiêm cũng dần lắng xuống theo.

Ngụy Khiêm rốt cuộc từ “khó mà tưởng tượng” chuyển sang tiếp nhận hiện thực này, vả lại có một ý nghĩ rõ ràng – bà ấy không chết được, bất kể mai sau ra sao, gã phải phụng dưỡng bà lão; nếu bà may mắn chết mà không phải chịu giày vò thì gã sẽ lo một đám tang thật nở mày nở mặt.

Ngụy Khiêm đột nhiên ngẩng đầu nhìn Ngụy Chi Viễn, hỏi: “Mày nói Tiểu Bảo sợ hãi, vậy mày không sợ bà nội có việc bất trắc à?”

Ngụy Chi Viễn nâng một tay gã lên nắm nhẹ, lại nhanh chóng buông ra trước khi Ngụy Khiêm cảm thấy khác thường, đứng dậy nói: “Nếu em cũng sợ thì anh phải làm sao?”

Ngụy Khiêm thoáng sửng sốt, cái bóng khi Ngụy Chi Viễn đứng dậy bị đèn chiếu càng cao lớn, như muốn che phủ cả người gã. Gã nghĩ, sao thằng nhóc này nói chuyện càng ngày càng chạm vào lòng người vậy?

Ban đầu Ngụy Khiêm cả ngày chạy vào bệnh viện xem tình hình của bà Tống, lần này Lão Hùng khảo sát đặc biệt lâu, khiến Ngụy Khiêm còn phải chú ý cả việc của công ty nữa.

May mà Ngụy Chi Viễn dọn hẳn từ trường về nhà, Ngụy Khiêm mới cảm thấy sự việc không gay go như mình tưởng.

Ngụy Chi Viễn như một bộ não khác của gã, mỗi ngày giúp gã nghĩ và làm quá nửa.

Cậu như một cây non dần cao lớn, giúp gã chống đỡ một nửa nóc nhà sắp đổ.

May mắn là bà Tống rốt cuộc vẫn chưa chết. Bà đã được cứu, hơn nữa mười ngày sau đã rời khỏi phòng chăm sóc đặc biệt.

Bà nói chuyện không được rõ lắm, nhưng còn chưa lú lẫn.

Ở phòng bệnh bình thường, người nhà liền bắt đầu bận rộn, Tiểu Bảo còn học cấp ba, mỗi ngày có thể bớt thời gian đưa cơm đến bệnh viện là đã cần phải chạy như điên rồi… Mà hoạt động nhiều như vậy dường như kích thích cô bé lớn lên, sau hai tháng, một cô gái mười bảy mười tám mà quần cộc hẳn, tuổi dậy thì dài thách thức cực hạn của loài người.

Việc học của Ngụy Chi Viễn rất nặng nề – không riêng gì trong trường, có thể cậu còn đang học cái khác nữa, mỗi lần Ngụy Khiêm nhìn thấy, bên cạnh cậu chí ít đều có từ một đến hai quyển sách dày như cục gạch vậy.

Ngụy Chi Viễn phải chạy qua chạy lại nên thời gian bị rút ngắn, nhiều lần Ngụy Khiêm thấy hai ba giờ đêm cậu còn ngồi trước máy tính vừa ngáp vừa làm bù bài tập, đôi khi đang làm còn ngủ gật nữa.

Ngụy Khiêm không để cậu đến trực đêm nữa, gã đặt một cái giường xếp trong phòng bệnh, bên công ty thì đành phải xin nghỉ dài hạn, sau hai tháng ròng rã, bà Tống rốt cuộc được xuất viện.

Từ khi phục hồi thần trí, bà Tống liền kiên quyết từ chối hộ lý, thật hết cách.

Mà khi Ngụy Khiêm muốn trao đổi vấn đề “tìm một cô giúp việc chăm sóc bà”, bà Tống càng kiên quyết gạt phăng đi, bà dùng giọng nói nghe như ngậm một miếng đậu hũ vừa ra dấu vừa ồn ào để Ngụy Khiêm hiểu được ý kiến của mình, bà bảo: “Tao là một bà già nông dân, không phải loại người biết sai bảo người khác.”

Ngụy Khiêm nói: “Ôi tổ tiên ơi, bà còn sống ở xã hội phong kiến hả?”

Bà Tống trừng mắt, lại gào khóc tu tu.

Bà không nghĩ nếu làm mất thời gian của các cháu, để lỡ công việc học tập của họ, tiền tài tổn thất có khi còn nhiều hơn, bà tuy chưa ngớ ngẩn nhưng đầu óc cũng chẳng suy nghĩ được nhiều như vậy, còn cố chấp hơn cả khi chưa bệnh.

Ngụy Khiêm cười khổ: “Bà thấy tôi không tiện mắng bà nên bắt đầu lên mặt với tôi luôn chứ gì?”

Bà Tống hiếm khi chiếm thượng phong một lần, đắc ý muốn chết.

Ngụy Chi Viễn cẩn thận giúp bà cắt những móng tay biến dạng nặng, ôn tồn hỏi: “Không thuê người giúp việc, thế mai mốt để Tiểu Bảo hầu bà xoa bóp tắm rửa đi vệ sinh luôn ạ?”

Câu này trúng ngay hồng tâm, bà Tống không nói gì nữa.

Tiểu Bảo vừa vặn từ bên ngoài bước vào, thở hồng hộc xách hai bình giữ nhiệt đựng cơm, chỉ nghe loáng thoáng chưa rõ đầu đuôi đã lỗ mãng nói luôn: “Con làm được, con biết làm! Bà nội, không sao, con chăm bà.”

Bà Tống không trả lời, nhưng cũng không nhượng bộ việc “thuê người giúp việc”.

Cơ thể yếu đi khiến bà có phần luống cuống, đành phải bảo thủ hơn, với bà thì đây là vấn đề nguyên tắc.

Nhưng bà làm sao nỡ để Tiểu Bảo chăm sóc mình?

Tiểu Bảo quen được chiều chuộng, với cô bé thì lao động nặng nề nhất chẳng qua là rửa bát lau nhà mà thôi.

Chăm sóc người bệnh là một trong những việc khó nhất trên thế giới, bà Tống từng chăm nom và lo tang ma cho ông cụ với cha mẹ ông nên hiểu rõ hơn ai khác.

Cuối cùng, bà dựa vào nghị lực “ném bao tải hơn trăm kí lên xe”, mỗi ngày chỉ cần có thời gian là rèn luyện, rốt cuộc có thể chống gậy vịn tường chậm rãi hoạt động như phép lạ.

Nếu nói đến nội tâm mạnh mẽ thì thật sự chẳng ai lợi hại bằng bà già đã sống ba phần tư thế kỷ này.

Ngày bà Tống xuất viện, Ngụy Khiêm vốn muốn đi đón, nhưng tối đó đột ngột nhận được điện thoại từ văn phòng hành chính của công ty, nói có một hạng mục quan trọng phải thúc đẩy, cần “ba hội một tầng”(1) gấp, mời gã nhất thiết phải tham dự.

Quy định quyết sách lớn phải qua “ba hội một tầng” là nội dung điều lệ gần đây mới sửa lại của công ty, thi hành chưa đầy nửa năm, do một người quản lý chuyên nghiệp lúc ấy Lão Hùng cướp của cha mình đề xuất. Công ty có chút khởi sắc và quy mô, theo đó thì rốt cuộc đã đến giai đoạn quy phạm hóa và phát triển tốc độ cao.

Ngụy Khiêm ra khỏi phòng bệnh, đứng trong hành lang, nhíu mày hỏi: “Thúc đẩy hạng mục quan trọng nào?”

Đầu bên kia cho hay: “Chính là hạng mục làng du lịch nghỉ dưỡng ven biển của thành phố C ạ.”

Ngụy Khiêm không hề khách sáo hỏi: “Ai thúc đẩy, nhũn não hả?”

Nghe thấy giọng điệu không tốt, đối phương hơi chần chừ rồi dè dặt đáp: “Là chủ tịch Hùng ạ.”

Ngụy Khiêm: “Vậy nối máy với ông ấy cho tôi.”

Hành chính: “Sếp đã về nhà rồi…”

Ngụy Khiêm: “Thế Đàm Ngư đâu?”

Hành chính: “Chắc vẫn còn trên máy bay, sếp nói sẽ về trước cuộc họp ngày mai.”

Ngụy Khiêm chửi nhỏ một câu, bình thường Tam Béo phân công quản lý hành chính, Ngụy Khiêm không hay tiếp xúc với họ, gã luôn bận rộn mà cũng ít nói nữa, thành thử nhân viên mới vào cơ bản đều hơi sợ gã.

Cô nàng bộ phận hành chính càng lo lắng hơn, dè dặt hỏi: “Thế… xin hỏi, ngày mai sếp xác định là đến được chứ?”

Ngụy Khiêm thở dài: “Nhà tôi có chút việc, điều này…”

“Anh, anh có việc thì cứ đi đi.” Ngụy Chi Viễn không biết xuất hiện sau lưng gã từ khi nào, cậu chống tay lên cửa phòng bệnh, thoạt nhìn như ôm hờ gã vậy, “Có em đây, anh cứ yên tâm.”

Ngụy Khiêm nhìn cậu, im lặng hai giây rồi cuối cùng nói với đầu bên kia: “Được rồi, ngày mai tôi đến.”

Gã không giả vờ, gã thật sự rất yên tâm về Ngụy Chi Viễn.

Sáng hôm sau Ngụy Chi Viễn vừa vặn không phải đi học, liền ở lại bệnh viện canh đêm, Ngụy Khiêm gọi điện thoại cho Lão Hùng hai lần mà đối phương đều không trả lời, gã đành phải dặn dò Ngụy Chi Viễn một tiếng rồi tự mình đi tìm lão để hỏi tội.

Lão Hùng thật ra đang ở nhà nhưng rụt cổ không chịu nghe máy.

Cửa cũng chỉ khép hờ chứ không khóa, vừa đẩy là mở, Ngụy Khiêm bước vào, suýt nữa ngã nhào vì sặc – trong nhà Lão Hùng đốt mấy cây nhang cao, mây khói lởn vởn tiên khí mờ ảo muốn đuổi kịp Dao Trì luôn rồi.

Cha cá mè hoa kia chẳng biết bị bệnh gì mà đặt đệm sofa xuống đất làm bồ đoàn, ngồi xếp bằng trên đó, tay cầm một chuỗi tràng hạt bằng gỗ, quay mặt vào tường. Một bộ “Bàn Nhược Ba La Mật Tâm Kinh” đầy đủ chép bằng chữ Khải treo trên tường, chữ thì to mà hàng thì thưa, rất chiếm chỗ.

Ngụy Khiêm không hiểu lão muốn làm trò gì, nhưng nhìn lướt qua là biết chị Hùng vắng nhà.

Trên nền phòng khách không phải tàn nhang thì là đệm sofa rách bươm, chẳng biết phải đứng đâu, Ngụy Khiêm bước vào như gặp mìn, da đầu ngứa ngáy, hỏi: “Anh có ý gì đây? Anh tính quy y cửa Phật hả? Chị tôi đâu?”

Lão Hùng hình như đoán được là gã sẽ đến, nghe tiếng chẳng thèm quay đầu: “Đi du lịch rồi – bả mà ở nhà anh nào dám thế này, chú ngồi đi.”

Thấy lão chỉ một tấm đệm khác dưới đất, Ngụy Khiêm quyết đoán coi nhẹ lão, ngồi xuống sofa – gã vốn tưởng Lão Hùng điên rồi, nghe thấy sự sợ hãi mười năm như một ngày đối với chị Hùng, mới miễn cưỡng thừa nhận là lão đại khái còn chưa điên hẳn.

“Anh rốt cuộc muốn…”

Lão Hùng đưa tay ngắt lời: “Đợi chút, cửu cửu quy nhất, anh còn lần cuối cùng chưa niệm xong, chú chờ anh hai phút.”

Rồi lão thật sự cúi đầu niệm kinh văn viết bằng tiếng Phạn, nghe như tiếng loài chim kỳ lạ nào đó kêu vậy.

Ngụy Khiêm chờ lão niệm xong, mới dựa theo nguyên tắc tôn trọng tín ngưỡng tôn giáo của người khác, kiên nhẫn hỏi: “Anh bắt đầu tin Phật rồi à?”

Lão Hùng: “Không tin.”

Ngụy Khiêm rút khăn giấy bịt mũi: “Không tin? Không tin mà anh còn biến nhà mình thành quán thuốc phiện? Anh khùng hả? Ngộp muốn chết!”

Lão Hùng thong thả nói với giọng điệu như lên đồng: “Anh đang tìm một sự gửi gắm.”

Ngụy Khiêm khoát tay: “Anh thích gửi gắm thế nào thì mặc xác, tôi không thèm nói nhảm với anh, hồi nãy có người gọi điện thoại nói về hạng mục ở thành phố C, rốt cuộc là sao đây?”

Lão Hùng hơi vụng về bò dậy: “A, cái đó, chú chờ chút, để anh đi lấy văn kiện đề nghị hạng mục cho chú – khu biệt thự nghỉ dưỡng sinh thái hàng đầu Trung Quốc, có sức hút lắm đó.”

“Anh đừng bê trò của họ Trương kia ra lừa tôi, đâu phải là muốn bán cho tôi,” Ngụy Khiêm dựa phịch lên sofa “Anh uống lộn thuốc hả đồng chí Hùng Anh Tuấn? Anh nói xem, giá trị chủ yếu của biệt thự nghỉ dưỡng gì đó, trung tâm phát hiện và khống chế ung thư gì đó nằm ở đâu?”

“Anh từng nói với chú rồi, cùng với việc người giàu bắt đầu theo đuổi chất lượng cuộc sống, sự khỏe mạnh là…”

“Xuống địa ngục mà khỏe mạnh, anh biết khỏe mạnh là gì chứ?” Ngụy Khiêm cắt ngang, “Sự khỏe mạnh họ theo đuổi là vận động có mặt mũi, thực phẩm hữu cơ như thuốc xoa dịu tâm lý, niềm vui nhà nông có thể gợi lại ký ức hồi nhỏ, để họ có ảo giác rằng mình còn trẻ trung – người mê tín bảo vệ sức khỏe mấy ai không sợ bệnh sợ thầy? Họ thà luyện khí công còn hơn phải nghe bác sĩ nói ông bị ung thư cần hóa trị! Anh định biến hạng mục này thành câu lạc bộ chăm sóc lúc lâm chung hả?”

Lão Hùng á khẩu một lát, nhưng lão lại nhanh chóng bình tĩnh: “Non xanh nước biếc không có ô nhiễm, ở nơi như vậy, đề tài chỉ là một mánh khóe, cảm giác ở ẩn trên núi mới là điều mọi người thật sự cần, không phải lo việc bán biệt thự.”

Ngụy Khiêm nói: “Anh chỉ giỏi chém, hạng mục biệt thự vốn đã nguy hiểm hơn các hạng mục khác, dù thật lòng muốn làm, anh không thể cất ở ngoại thành à? Khăng khăng chạy đến hang cùng ngõ hẻm, nơi mà ngay cả nông dân địa phương cũng hiếm thấy, anh tính bán cho ai đây?”

Lão Hùng nói: “Bán cho những người hi vọng thoát khỏi thành phố, thoát khỏi tất cả áp lực và nghĩ suy, muốn lánh đời một thời gian ở nơi non xanh nước biếc.”

Ngụy Khiêm châm chọc: “Bệnh nhân nan y hi vọng lánh đời chờ chết?”

Lão Hùng không cười, cũng chẳng phản bác, lão chỉ lẳng lặng nhìn Ngụy Khiêm rồi trả lời: “Người nhà của bệnh nhân nan y.”

Thoạt đầu Ngụy Khiêm cảm thấy hôm nay quả tình không cách nào nói chuyện được với Lão Hùng, tính nổi xung lên nạt ông anh quanh năm bao dung hòa hoãn này, nhưng gã ngay lập tức nhận thấy một chút khác thường.

“Chờ đã, anh Hùng, anh có ý gì?”

“Cô ấy ngậm đắng nuốt cay đi theo chú, chờ khi chú rốt cuộc muốn đối tốt hơn, thì cô ấy lại không còn thời gian,” Lão Hùng bỗng đỏ hoe vành mắt, đôi mắt nhìn sang bức tường đầy kinh Phật, nét mặt dần bình tĩnh lại, khôi phục sự hờ hững như chết lặng, lão nhìn chằm chằm những kinh văn và bàn thờ Phật đó, hời hợt nói với Ngụy Khiêm, “Chú nói người nhà sẽ bù đắp thế nào đây? Làm kiểu nào cũng không bù đắp được. Chú nói lúc này, bảo anh ta dốc hết tiền của, tạo ra một chốn đào nguyên cho người nhà, đồng thời có thể cung cấp sự phục vụ chữa bệnh lẫn các loại phục vụ thương mại cần thiết, vừa có thể thoát khỏi hiện thực vừa có thể thoải mái hưởng thụ cuộc sống, anh ta có làm không?”

Ngụy Khiêm nhìn lão gần như kinh hoàng.

Lão Hùng nói: “Nếu là anh, anh sẽ làm.”



1. Ba hội một tầng gồm hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị, hội giám sự và tầng quản lý cấp cao