Cửu Trọng Tử

Chương 390: Chuyện Xưa



- Xin phu nhân cho chúng tôi một con đường thoát!

Tống Thế Trạch dập đầu ba lần với Đậu Chiêu, không hề giấu giếm:

- Tưởng phu nhân quản gia chỉ thích dùng người Tưởng gia; đến Quốc Công gia quản gia, thì coi chúng tôi như cái đinh trong mắt, cái gai trong thịt; còn Thế tử gia bây giờ lại giống Tưởng phu nhân năm xưa. Thật uổng phí tấm lòng trung thành của chúng tôi, muốn báo ân nhưng không có cửa! Xin phu nhân hãy hiểu cho chúng tôi, cho phép con cháu chúng tôi được trở về dốc sức hầu hạ.

Đậu Chiêu đã dự liệu trước phản ứng này của ông ta.

Nếu như không có tính toán, họ cần gì phải để lại manh mối khi nghe tin nàng muốn trọng dụng người Tống gia, từ đó giúp Trần Khúc Thủy lần ra dấu vết.

Nhưng mà có mấy câu phải nói rõ ràng.

Nàng cười hỏi:

- Tống chưởng quầy là người hiểu chuyện, chắc cũng biết vì sao Thế tử gia giống Tưởng phu nhân năm xưa?

Tống Thế Trạch do dự một lát, rồi nhỏ giọng đáp:

- Thế tử gia bất hòa với Quốc Công gia, lão nhân trong phủ như chúng tôi lại khoanh tay đứng nhìn khiến Thế tử gia gặp nạn. Thế tử gia tức giận, không muốn dùng chúng tôi nữa......

Rồi ông ta đột nhiên ngẩng đầu, lớn tiếng thanh minh:

- Phu nhân, nhưng Thế tử gia chưa từng chú ý đến một chuyện, ngay trước tang lễ của Tưởng phu nhân, những người như Hồ hộ vệ chỗ thị vệ, Lý quản sự phòng hồi sự, Vương quản sự, Lý quản sự phòng thu chi đều lần lượt biến mất.

Đậu Chiêu giật mình. Nàng cũng chưa từng chú ý đến chuyện này.

Lúc ấy, nàng chỉ lo tìm cách cứu Tống Mặc khỏi tay Tống Nghi Xuân, giúp hắn quang minh chính đại về phủ Anh Quốc Công, nào còn rảnh rỗi chú ý đến thay đổi trong phủ Anh Quốc Công. Mà cho dù lúc ấy nàng có chú ý đến thì cũng không còn tay để giúp.

Nàng suy nghĩ một lát rồi hỏi:

- Lão Quốc Công giữ mấy người đó lại cho Tưởng phu nhân hay cho Thế tử gia?

Lập tức Tống Thế Trạch đề phòng nhìn Đậu Chiêu.

Tuy nàng xuất thân nhà quan nhưng hiểu rất rõ phép tắc nhà trâm anh thế tộc, hơn nữa hôn sự của nàng và Thế tử gia vội vàng quyết định, nàng vào phủ Anh Quốc Công chưa lâu, tận tết năm nay mới bắt đầu chủ trì nội trợ nhưng đã nhanh chóng nắm được điểm mấu chốt. Có thể nhận ra, đây chắc chắn không phải là một nữ nhân tầm thường.

Ánh mắt ông nhìn Đậu Chiêu đầy nghiêm túc:

- Lão Quốc Công giữ mấy người đó lại cho Thế tử gia.

Đáp án này khiến Đậu Chiêu chấn động.

Lão Quốc Công đã qua đời nhiều năm, khi ấy Tống Mặc mới chỉ đang học chữ, việc trong phủ đều giao cho Tưởng phu nhân nhưng Lão Quốc Công vẫn để lại mấy người cho Tống Mặc. Tức là Lão Quốc Công có phần kiêng dè Tưởng phu nhân.

Một tia lửa đột nhiên sáng trong đầu nàng.

Đậu Chiêu thất thanh hỏi:

- Có phải Tưởng phu nhân không biết những người đó? Lúc Lão Quốc Công sắp lâm chung mới giao phó bọn họ vào tay Quốc Công gia.

Tống Thế Trạch không thể che giấu nỗi khiếp sợ nhìn Đậu Chiêu. Ông từ từ gật đầu.

Đậu Chiêu như hít phải ngụm khí lạnh.

Cho nên khi Tống Mặc gặp nạn, không ai trong phủ đứng ra giúp hắn.

Bồi dưỡng được người trung thành tận tâm là một việc vô cùng khó khăn, vậy mà Tống Nghi Xuân có thể thẳng tay xử lý nhóm người Hồ hộ vệ, Lý quản sự như nhổ củ cải.



Nàng nghĩ lại càng thấy đau lòng.

Chính vì vậy nên ở kiếp trước Tống Mặc mới phải đơn độc rời khỏi kinh thành!

Tống Nghi Xuân hận Tống Mặc bao nhiêu mà dám làm ra những việc như thế!

Đậu Chiêu dần bình tĩnh, hỏi tiếp:

- Năm ấy đã xảy ra chuyện gì khiến Lão Quốc Công không thể không giao phủ Anh Quốc Công cho Tưởng phu nhân?

Tống Thế Trạch bối rối liếc Trần Khúc Thủy, ý bảo sự tình trọng đại, muốn Đậu Chiêu để Trần Khúc Thủy tránh qua chỗ khác.

- Trần tiên sinh là người giúp ta xử lý mọi công việc.

Đậu Chiêu thản nhiên đáp:

- Ông ấy hoàn toàn có thể ở lại, ngươi cứ nói tiếp đi.

Trần Khúc Thủy nghe vậy thì khẽ cúi người, bày tỏ cảm kích với Đậu Chiêu.

Tống Thế Trạch kinh ngạc.

Ông nhớ đến năng lực của Trần Khúc Thủy trên đường tới đây, cứ tưởng Trần Khúc Thủy là người của Thế tử gia, chỉ tạm thời giao cho Đậu Chiêu sử dụng mà thôi, thật không ngờ.....

Có được một người như vậy dưới trướng, rốt cuộc Đậu phu nhân là nữ nhân thế nào?

Sắc mặt ông càng thêm cung kính, thành thật kể lại chuyện xưa:

- Sau lần sẩy thai đầu tiên, mãi đến khi Lục phu nhân gần bốn mươi mới mang thai bảy tháng, khó khăn sinh hạ Quốc Công gia. Lão Quốc Công và Lục phu nhân rất vui mừng, coi như báu vật, nhưng đến tuổi học vỡ lòng lại biết mình đã sinh ra mầm mống đọc sách. Lão Quốc Công vô cùng bất an, một thời gian dài đờ đẫn không quan tâm việc gì.

- Năm ấy, Thế tử Quảng Ân bá hiện tại là Quảng Ân bá, chơi với Quốc Công gia từ nhỏ, hai người vô cùng thân thiết.

- Nhưng địa vị phủ Quảng Ân bá không thể với tới phủ Anh Quốc Công. Sau khi phò mã của Hoài Thục công chúa - Đổng Lân bị biếm thành thứ dân, người trong phủ Quảng Ân bá bắt đầu đấu đá tránh giành vị trí Thế tử, dần dần phủ Quảng Ân bá cũng sa cơ thất thế.

- Định Quốc Công được điều đến Phúc Kiến làm Tổng binh. Quảng Ân bá nối lòng tham muốn bắt tay làm ăn trên biển với mấy phú gia ở Phúc Kiến. Từ trước đến nay Quốc Công gia không bao giờ có hứng với những chuyện như vậy, lúc Quảng Ân bá tìm đến, Quốc Công gia lập tức viết phong thư nhờ Định Quốc Công giúp đỡ.

- Vốn dĩ mấy phú gia đó đều quen biết nhau, trong lòng hiểu rõ nhưng không nói ra, thêm một Quảng Ân bá cũng không nhiều lắm, bớt một Quảng Ân bá cũng không ít đi. Định Quốc Công nhận thư, chỉ nhắc Quảng Ân bá phải cẩn thận, đừng gây nên sóng gió khiến ông phải khó xử.

- Sau đó, Quảng Ân bá cũng viết thư cảm tạ Quốc Công gia.

- Nhưng con người đúng là có lòng tham không đáy.

- Được hai ba năm, có người tố cáo một đại phú Phúc Kiến buôn bán với giặc Oa, hơn nữa còn che giấu cho giặc Oa lên bờ.

- Bấy giờ, Định Quốc Công đã thăng lên chức tuần phủ Phúc Kiến, đang chỉnh đốn lại Phúc Kiến thì làm sao có thể bỏ qua? Đương nhiên chuyện này trở thành trọng án điều tra.

- Ai ngờ lại tra ra Quảng Ân bá.

- Định Quốc Công nghĩ tới quan hệ giữa Quảng Ân bá và Quốc Công gia nên rất đắn đo, quyết định phái tâm phúc đi suốt ngày đêm tìm gặp Lão Quốc Công, nhắn cho Lão Quốc Công biết, ông ấy chỉ có thể kéo dài thời gian thêm một tháng, sau một tháng, cho dù xảy ra chuyện gì thì cũng phải báo lên triều đình để xin ý chỉ của Hoàng Thượng.

- Lão Quốc Công vô cùng tức giận, đích thân dẫn người lục soát thư phòng Quốc Công gia, không những phát hiện thư Quảng Ân bá gửi cho Quốc Công gia, mà còn tìm được một đống ngân phiếu kẹp trong đó.

- Lão Quốc Công gia tức giận tát Quốc Công gia một cái bạt tai ngay tại chỗ.

- Quốc Công gia quỳ gối thề độc, nói mình không nhận lợi từ chuyện làm ăn trên biển, hoàn toàn không biết Quảng Ân bá gửi kèm ngân phiếu.



- Tưởng phu nhân cũng xin tha cho Quốc Công gia, nói Quốc Công gia không phải loại người đó, còn nói, nếu nhận được nhiều ngân phiếu như vậy, người bình thường chắc chắn sẽ giấu kín đi, sao có thể ngang nhiên kẹp trong thư, khẳng định đây là âm mưu của Quảng Ân bá.

- Lão Quốc Công không ngớt lời mắng Quốc Công gia là nghiệp chướng, rồi đi gặp phụ tá và đại tổng quản giúp quốc công gia giải quyết hậu quả.

- Tưởng phu nhân đỡ Quốc Công gia về nhà.

- Ai ngờ mới được nửa đường, đột nhiên Quốc Công gia gạt tay Tưởng phu nhân, chạy ra ngoại viện. Quốc Công gia dẫn theo vài hộ vệ đi tìm Quảng Ân bá đối chất.

- Đương nhiên Quảng Ân bá không thừa nhận.

- Hơn nữa, chẳng khác nào báo tin cho Quảng Ân bá, để Quảng Ân bá thu dọn dấu vết, phủi sạch tất cả. Đợi đến khi Định Quốc Công báo cáo với triều đình, chuyện này đã đổ hoàn toàn lên đầu mấy phú gia Phúc Kiến, còn người ở kinh thành thì không chút liên quan gì.

- Từ đó về sau, Quảng Ân bá và Quốc Công gia không qua lại nữa.

- Lão Quốc Công bắt đầu dạy Quốc Công gia quản lý công việc trong phủ.

- Nhưng lúc ấy, Quốc Công gia một lòng đọc sách thánh hiền, không hứng thú với việc trong phủ, tiến triển chậm chạp. Còn Tưởng phu nhân ở bên cạnh giúp đỡ Quốc Công gia lại bộc lộ tài năng, khiến Lão Quốc Công không thể không thở dài.

- Vốn dĩ mấy chuyện như này cũng là bình thường, lúc còn trẻ có ai không ham chơi, đợi trưởng thành sẽ ổn hơn. Nhưng Lão Quốc Công đã cao tuổi, sức khỏe không còn, sau một lần cảm lạnh thì không dậy nổi.

- Lão Quốc Công biết mình không còn nhiều thời gian nhưng Quốc Công gia vẫn suốt ngày lông bông. Không còn cách nào, Lão Quốc Công phải gửi gắm gia nghiệp cho Tưởng phu nhân.

Nói đến đây, giọng Tống Thế Trạch dần dần nhỏ xuống:

- Lão Quốc Công thấy Định Quốc Công như mặt trời ban trưa, sợ Tưởng phu nhân sẽ nghiêm về nhà mẹ đẻ, mà Quốc Công gia lại là người không có chính kiến, sợ lúc nào đó phủ Anh Quốc Công sẽ bị phủ Định Quốc Công lợi dụng. Vì vậy, ngài ấy mới để lại một vài người tin cậy cho Thế tử gia, sau này Thế tử gia trưởng thành có thể gây dựng gia nghiệp, đứng ngang địa vị với phủ Định Quốc Công.

Tống Thế Trạch bắt đầu nghẹn ngào:

- Mấy người đó đều được Lão Quốc Công đích thân lựa chọn, là người nổi trội nhất trong phủ khi ấy, vậy mà bây giờ không còn ai......

Có nghĩa là Lão Quốc Công chưa bao giờ xem trọng Tống Nghi Xuân, sớm đã bỏ qua Tống Nghi Xuân để nhảy thẳng tới Tống Mặc?

Đậu Chiêu hỏi:

- Quốc Công gia chỉ gây ra mỗi chuyện đó thôi sao?

Nói cho cùng vẫn là con mình, Lão Quốc Công không thể dễ dàng buông bỏ như vậy.

Tống Thế Trạch vẫn đang nghẹn ngào không nói ra lời.

Đậu Chiêu yên lặng uống trà, kiên nhẫn chờ ông ta mở miệng.

Tống Thế Trạch thở dài bất lực, khẽ đáp:

- Quốc Công gia bị chiều hư, Tưởng phu nhân lại là người có thủ đoạn, Quốc Công gia tuyệt nhiên không phải là đối thủ của Tưởng phu nhân. Lão Quốc Công cũng không có biện pháp gì......

Gián tiếp khẳng định suy đoán của Đậu Chiêu.

Nàng không thể không ngạc nhiên hỏi:

- Chẳng lẽ Lão Quốc Công không nghĩ đến trường hợp Thế tử gia bị Tưởng phu nhân ảnh hưởng, sẽ gần gũi với người Tưởng gia sao?

- Sao lại không nghĩ đến.

Tống Thế Trạch cười khổ:

- Nhưng Quốc Công gia không thể vực dậy phủ Anh Quốc Công và cũng không thể để Quốc Công gia dạy dỗ Thế tử gia. Chỉ cần Thế tử gia có năng lực chèo chống gia nghiệp thì phủ Anh Quốc Công sẽ không dựa dẫm hoàn toàn vào phủ Định Quốc Công. Thay vì dè chừng Định Quốc Công, chi bằng giao Thế tử gia cho Định Quốc Công dạy dỗ. Hơn nữa, Thế tử gia cũng là giọt máu Tưởng phu nhân mang nặng chín tháng mười ngày, vất vả sinh ra. Nữ nhân sẽ nghiêng về nhà mẹ đẻ vì nam nhân, nhưng sẽ trở mặt với nhà mẹ đẻ vì con cái, từ xưa đến nay, đạo lý này chưa bao giờ thay đổi!