Cuộc Sống Hạnh Phúc Ở Nông Trường

Chương 61: Cả Một Nông Trường Toàn Là Bắp



Mùng một ở nông trường cũng chẳng có gì vui, mấy đứa nhỏ rủ nhau đi chúc tết còn người lớn thì ngồi buôn chuyện ở trong nhà.

Năm nay chắc là cảm nhận tình thế không ổn lắm nên mọi người không dám ăn xài phung phí mà phát tiền lì xì, đổi thành một viên kẹo ngọt. Dù mấy năm trước một bao lì xì cũng chỉ có một hai phần tiền mà thôi.

Mùng hai mùng ba, vì chỉ có gia đình Mạc Lệ Hồng là người thân nên cả nhà Mạc Lệ Quyên không cần đi thăm họ hàng. Vậy là cả đám vòng vèo qua nhà Vệ Gia Vệ Quốc rồi vòng về.

Vậy là hết tết rồi.

Tới mùng bốn, khi cả nhà chuẩn bị bắt đầu làm việc thì nông trường trưởng đến thăm. Ông vào nhà kêu Lý Cường ra đường, hai người rủ rỉ rù rì hồi lâu.

Trần Thái Học kết thúc cuộc nói chuyện bằng vài cái vỗ nhẹ vào vai Lý Cường, sau đó rung đùi đắc ý mà đi mất.

"Có chuyện gì vậy anh?" Mạc Lệ Quyên hỏi.

Lý Cường trả lời: "Bác ấy bảo đội chúng ta đang thiếu một vị đội trưởng, hỏi anh có làm không."

Lúc trước, người nắm giữ vị trí này là cha của Hứa Lâm, nhưng ông đã mất rồi.

Ngừng một chút, anh nói tiếp: "Từ bây giờ trở đi, mỗi một đội trưởng sẽ được trả mười đồng một tháng, bù lại, lượng công việc trong đội cũng tăng lên, không thể để mặc như lúc trước nữa."

"Ý anh thế nào?"

Lý Cường nhỏ giọng: "Anh nghĩ nên làm, bác nông trường trưởng nói làm đội trưởng sẽ có thực quyền, nếu nhà ta không cầm giữ mà vào tay người khác, anh không yên tâm lắm."

Khi xưa, tuy nông trường chia làm năm đội nhưng những vị đội trưởng chỉ có chức danh mà không có bất kì quyền lực nào. Nhưng bây giờ, người chuyển đến đây càng nhiều, một mình Trần Thái Học quản lí không hết nên phải chia bớt quyền quản lí cho người khác.

Để các đội trưởng quản lí đội viên, rồi ông ấy quản lí đội trưởng, đẹp cả đôi đàng.

Sau khi có thực quyền, các đội trưởng sẽ giống như đội trưởng đội sản xuất hoặc thôn trưởng của nơi khác, ai cần giấy giới thiệu cũng cần phải có chữ ký của họ. Quyền lực khá lớn.

Lý Cường không ham quyền, nhưng anh lo lắng người khác cầm quyền sẽ ức hiếp gia đình anh.

Đáng lí ra sau khi quá tết, tranh thủ lúc tuyết chưa tan thì Lý Cường, Mạc Lệ Quyên và bọn nhỏ sẽ xử lý đám thóc đang được phơi trong không gian. Hai vợ chồng không về kịp nên mấy đứa nhỏ đã đứng ra gặt hết rồi. Bây giờ chỉ cần giã gạo là được. Nhưng Lý Cường lại bắt đầu bận.

Công việc của một đội trưởng có thực quyền cũng không dễ dàng. Anh bắt đầu đi sớm về trễ.

Mạc Lệ Quyên đành phải cố gắng lôi kéo bọn nhỏ giã gạo, nếu không đợi chút ít thời gian nữa là đến ngày tựu trường rồi, bọn nhỏ đi học lại thì sẽ không còn ai giúp được cô.

Bận rộn cho đến giữa tháng giêng, tuyết mới tan và đất cũng mềm trở lại.

Trường học mở cửa. Bọn nhỏ đều cắp sách đến trường. Mạc Lệ San lên lớp năm, Mạc Lệ Vân lên lớp bảy, Mạc Đình Sơn lên lớp mười.

Ở khu trung tâm có trường cấp một và cấp hai nên Lệ Vân và Lệ San như cũ không cần đi xa. Chỉ là Mạc Đình Sơn phải đi vào thành phố để học cấp ba.

Từ đây đến thành phố, lượt đi lượt về đã mất hết một ngày nên Mạc Lệ Quyên đăng kí cho em trai ở kí túc xá. Mỗi tuần chỉ cần về một lần. Bên trong đã có sẵn các bữa ăn nên Mạc Lệ Quyên cho em trai một đồng một tuần để tiêu vặt.

Ngày nhập học, Lý Cường xin nghỉ một ngày để chở Mạc Đình Sơn đi, sẵn tiện quan sát hoàn cảnh học tập ở đó. May mắn là mọi thứ không tệ lắm.

Tiếp đến là những ngày bận rộn làm cỏ và cày bừa cho ruộng. Nhà nào nhà nấy cũng bận tối tăm mặt mày.

Qua tháng hai, ruộng đất đều được xới tung, lục tục chuẩn bị cho việc gieo trồng.

Từ mùng một cho đến bây giờ, bầu trời chẳng chịu cho xuống một cơn mưa. Mọi người đã thấy ngán ngẩm ở trong lòng. Ai cũng có cảm giác là năm nay sẽ không tốt lắm.

Bởi vậy, khi nhà Lý Cường muốn đổi từ trồng khoai lang sang trồng bắp, cả đội đều học theo. Nông trường trưởng thấy vậy cũng nghĩ là có lý, nên cả nông trường đều chuyển sang trồng bắp.

Áp lực trên vai Trần Thái Học rất lớn. Phía trên đã nhiều lần thắc mắc tại sao không trồng thứ khác, họ đã biểu thị không hài lòng. Nhưng nông trường trưởng kiên quyết chọn bắp.

Ông ấy cũng sợ nha.

Đầu năm đến giờ chẳng có cơn mưa xuân nào, lỡ mà năm nay xui rủi, trời lại hạn thì sao?

Ít nhất loại lương thực này chống hạn tốt, hơn nữa sản lượng cũng nhiều, chỉ có điều hương vị không được tốt như gạo trắng và khoai lang mà thôi.

Lỡ một mai nạn đói chưa qua đi, thứ quý giá nhất chính là lương thực để lấp đầy bụng!

Những người khác nghe vậy đều cảm thấy có lí, chuyện này mới thôi.

Không nói đến Trần Thái Học đấu trí đấu dũng với cấp trên như thế nào, chỉ nói đến khi mà Mạc Lệ Quyên và Lý Cường gieo giống được hai mẫu đất thì chỗ của họ lại có người mới đến.