Chuẩn Điểm Thư Kích

Chương 71: Chó đầu đàn



Thế giới cũ tháng 12 năm 2160, ngày tuyết đổ.

Tạ Chẩm Thư đã kết thúc huấn luyện sau một năm, đến ga Cá Thanh Hoa, chuẩn bị lên tàu đi vào nội thành.

Nhân viên soát vé kiểm tra giấy tờ, hỏi: “Anh thuộc đơn vị tác chiến ga à?”

Tạ Chẩm Thư nói: “Ừ.”

“Cảm ơn anh đã phục vụ liên minh,” nhân viên soát vé ăn mặc nhếch nhác, giơ tay làm động tác cảm ơn lấy lệ, “qua đi. Người tiếp theo!”

Tạ Chẩm Thư cất giấy tờ vào, nói: “Cảm ơn.”

Anh qua cửa soát vé, vén bức rèm vải bông dày nặng đi về cuối trạm chờ. Hiện đang là 7 giờ sáng, bầu trời bên ngoài ga Cá Thanh Hoa hãy còn tờ mờ, cuối trạm bật mấy ánh đèn leo lét. Mái lợp thô sơ bị trũng một nửa, tuyết dày tựa lông ngỗng tản mác trên trần, rải thành một thảm trắng muốt cạnh trạm chờ.

Tạ Chẩm Thư khoác áo choàng dài, tay xách một chiếc túi du lịch đơn giản, mặt mày khôi ngô, chiều cao nổi bật khiến không ít người liếc nhìn anh. Song gương mặt bàng quan, ánh mắt lạnh lùng sau khi anh đứng lại lại khiến chẳng ai dám tới bắt chuyện.

Mười mấy phút sau tàu vẫn chưa tới, các hành khách cóng tới độ phải lồ ng tay áo vào nhau, giậm chân lạch bạch, túm tụm vào nhau càu nhàu.

“Chiến tranh đánh đấm tới nỗi cắt cả điện cả nước…”

“Biết làm sao được, ai bảo liên minh phía Bắc khiêu khích trước, giết ‘Mắt Cáo’ trong rừng cạnh biên giới chứ.”

“Tôi thấy tin tức bảo ‘Mắt Cáo’ là tay bắn tỉa số một của phe mình cơ mà, sao lại chết là thế nào?”

“Tại vì Báo Đen cử 7-001 đi đấy.”

“Lại Báo Đen!”

“Độ này chiến sự căng thẳng, đâu đâu cũng đồn là điệp viên của Báo Đen đã lẻn vào trong nội bộ phe mình rồi. Chậc, giờ đi đâu cũng bắt kiểm tra giấy tờ nghiêm ngặt.”

“Tôi thấy gay go quá…”

Mấy tháng trước, tay bắn tỉa số một của liên minh phía Nam “Mắt Cáo” đã bị bắn chết, tin ấy làm truyền thông dư luận liên minh phía Nam dậy sóng, quân đội thức thâu mấy đêm để thành lập tổ tác chiến chuẩn bị cho chiến tranh, tổ chức họp khẩn cấp. Bọn họ cho rằng trong nội thành có kẻ đã tiết lộ hành tung của “Mắt Cáo”, khả năng cao kẻ này là điệp viên do Báo Đen cử tới. Bởi vậy, bọn họ điều Tạ Chẩm Thư từ khu huấn luyện lính đặc vụ phía Nam về nội thành, lệnh cho anh lấy danh nghĩa “thương binh giải ngũ của đơn vị tác chiến cảng” để bí mật điều tra gián điệp của Báo Đen.

“Xin hãy quản lý hành lý, kiểm tra đồ đạc cá nhân.” Nhân viên soát vé giơ biển bằng một tay, chen chúc trong đám đông, “Xin nhắc lại, xin hãy quản lý hành lý… Thưa anh, anh đánh rơi đồ kìa.”

Tạ Chẩm Thư nghiêng mặt lại thì thấy nhân viên soát vé đưa cho mình một tờ báo. Anh nhận lấy, cụp mắt đáp: “Cảm ơn.”

Nhân viên soát vé dường như chẳng nghe thấy mà đi thẳng tiếp vào trong, tiếp tục hô quấy quá: “Xin hãy quản lý hành lý, xếp hàng chỉnh tề, đừng chen chúc…”

Tạ Chẩm Thư mở báo ra, đây là số hôm nay nhưng nội dung đã bị thay đổi, thông tin chắt lọc ra là—

【 Mục tiêu nhiệm vụ: Chó đầu đàn của Báo Đen. 】

【 Số thứ tự 7-006, cao 179cm, nặng 63kg, vượt qua bài kiểm tra của Báo Đen gia nhập đội đặc vụ vào năm 2160. 】

【 Mục tiêu giỏi ngụy trang, từng lừa quân đội biên giới năm triệu đồng kinh phí tác chiến, sau đó một mình lẻn vào nội thành của liên minh, lừa hội chi viện nội thành 2 triệu đồng tiền phụ trợ. Trước khi “Mắt Cáo” chết, hắn lại xuất hiện trong quân đội biên giới, thành công vượt qua bài kiểm tra nói dối, đầu cơ trục lợi 579 hòm vũ khí của lính biên giới, chuyển hành tung của “Mắt Cáo” cho Báo Đen, gây tổn thất nghiêm trọng đến liên minh. 】

【 Nhưng không biết danh tính, không rõ đánh giá kiểm tra đặc vụ. 】

Bên dưới đính kèm một bức ảnh 7-006 trong phòng giám sát đang thử máy phát hiện nói dối, chắc là hình cắt ra vì màu trắng đen, độ phân giải thấp, thậm chí còn không nhìn rõ đường nét của 7-006, chỉ nhìn ra được là nam.

Tạ Chẩm Thư thở ra hơi nóng, mí mắt khuất trong sương trắng. Mấy phút sau anh gập tờ báo lại bỏ vào trong túi áo choàng.

Đúng lúc này, tiếng chuông cuối trạm chờ reo lên. Nhân viên soát vé bước lên cầu thang giơ biển, hô: “Lùi về đằng sau vạch vàng, xếp hàng lên tàu, đừng chen lấn!”

Đoàn tàu rú còi từ đằng xa, băng qua buổi sớm mù tuyết, chậm rãi tấp vào. Đầu mọi người run bần bật, ai nấy đã lạnh tê cóng tay chân, nào còn ai thèm nghe lời nhân viên soát vé nữa, họ lao nhao ùa về phía trước, mấy người đang tám chuyện hãy còn mải bô bô.



“Càng ngày càng ít chuyến, chả biết mai có hay không nữa.”

“Chiến sự cam go mà…”

“Cái gì cũng phải ưu tiên cho binh lính trước, đi thôi đi thôi.”

Đoàn tàu vào ga, dừng lại ở trạm chờ, tiếng khói “xì—” vang lên, cửa tàu mở ra.

Tạ Chẩm Thư theo đoàn người lên tàu, vé của anh là do tổ tình báo của liên minh cung cấp, vì là “thương binh” nên được bố trí ngồi ở toa đầu tiên. Toa đầu được trang bị khá đầy đủ, buồng dành cho hai người, ngoài hệ thống sưởi ra thì còn cung cấp cả ăn uống. Tạ Chẩm Thư vào buồng, phát hiện hành khách ở chung buồng đã tới nơi.

Anh dừng lại, buông một câu hững hờ: “Xin chào.”

Người nọ không kịp chuẩn bị nên hình như bị tiếng “Xin chào” làm giật mình, hoảng hốt đứng dậy đáp: “Chào, chào anh.”

Đang nói, cuốn sách kẹp ở cùi chỏ trượt xuống.

Người nọ vội vàng cúi xuống nhặt, luống cuống nói: “Xin lỗi, xin lỗi.”

Tạ Chẩm Thư cụp mắt thì thấy bên trong bay ra mấy tờ tranh vẽ nghuệch ngoạc. Người nọ lần mò một thôi một hồi mà không nhặt lên nổi. Tạ Chẩm Thư bèn cúi xuống nhặt mấy tờ giấy lên đưa.

Nhưng hình như người nọ không nhìn thấy, vẫn sờ mó mặt đất.

Tạ Chẩm Thư nói: “Tranh của cậu.”

Người nọ “A” một tiếng, đầu ngón tay chạm vào mép giấy, cảm kích bảo: “Cảm ơn anh.”

Tạ Chẩm Thư chưa buông tay ra ngay.

“Ừm…” Người này đeo một cặp kính gọng vàng, chẳng biết vì sao mà màu sắc con ngươi lại mờ đục, nom vừa mù mịt vừa lù đù, “Ừm… Xin lỗi, làm phiền anh rồi, một tuần trước tôi vừa mới…” biểu cảm người nọ xem chừng nặng nề, khóe miệng gượng gạo nhếch lên như thể đang cười để trấn an Tạ Chẩm Thư thôi, “vừa mới không nhìn thấy nữa.”

Tạ Chẩm Thư nói: “Ồ.”

Anh buông tay ra đứng dậy, nhìn người nọ kẹp tập tranh vào trong sách, mép giấy bị gập mà cũng không biết.

Đối phương ngượng ngùng: “Anh cứ tự nhiên ngồi đi.”

Tạ Chẩm Thư đặt chiếc túi du lịch đơn giản xuống bên cạnh chân, cởi áo choàng ra để lộ áo sơ mi cùng vest bên trong. Thương binh giải ngũ của đơn vị tác chiến vào nội thành gặp chỉ huy thì không thể ăn mặc xuềnh xoàng, song cũng không thể ăn diện thái quá, Âu phục ba mảnh kiểu bình thường đơn giản là tốt nhất. Anh vừa mới rời khu tập huấn, việc gì cũng phải tuân thủ theo sắp xếp của tổ tình báo.

Người nọ cũng ngồi xuống, hỏi: “Anh uống nước không? Tôi rót cho.”

Tạ Chẩm Thư đáp: “Không.”

Đối phương khẽ gật đầu cười rồi cầm cây bút trên bàn lên, vẽ vời lên đống giấy lộn xộn.

Tạ Chẩm Thư nhìn ra ngoài cửa sổ, tuyết tựa bông phất phơ chôn vùi cả thành phố nằm đó không mấy xa, chẳng nhìn ra chút sắc màu.

Cả hai bố mẹ anh đều là ủy viên của liên minh, họ qua đời sớm nên ở nhà chẳng ai chăm nom, anh mới được cho đến căn cứ bồi dưỡng nhân tài của liên minh. Sau mấy năm sống trong căn cứ, anh thi đỗ vào trường quân đội của liên minh, sau khi tốt nghiệp thì được cử vào đơn vị tác chiến ga, sau khi sống ở khu vực ga Cá Thanh Hoa một thời gian thì cuối cùng được điều vào đội đặc vụ liên minh phía Nam, khu tập huấn ở nơi ấy đổ tuyết quanh năm suốt tháng.

Người kia đang hí hoáy vẽ vời bỗng lên tiếng: “Anh cũng vào nội thành à?”

Tạ Chẩm Thư nói: “Ừ.”

Đối phương nói: “Tôi cũng vậy này, định vào nội thành tìm bác sĩ.”

Tạ Chẩm Thư nói: “Ừ.”



Đối phương nói: “Nghe giọng thì anh là người miền Bắc hả?”

Tạ Chẩm Thư không đáp.

Đối phương cầm bút, lại rối rít xin lỗi: “Xin, xin lỗi…”

“Không sao,” Tạ Chẩm Thư ngoảnh lại, ánh mắt vượt qua đường ranh nhìn bức tranh của đối phương, “cậu là họa sĩ à?”

“Vẽ bừa thôi…” giọng người nọ nghe chừng tiếc nuối, “Trước đây muốn làm họa sĩ, giờ thì chịu rồi.”

Tạ Chẩm Thư rất hiếm khi tiếp xúc với người bên ngoài, anh im lặng một lát rồi hỏi: “Vẽ gì vậy?”

Đối phương đẩy bức tranh tới: “Động vật đó.”

Tạ Chẩm Thư tiện thể xem, trên tờ giấy toàn những đường cong ngoằn ngoèo.

Đối phương rất xấu hổ, hỏi: “Trông được không?”

Tạ Chẩm Thư: “…”

Anh nói dối kém nên chỉ còn nước im lặng.

Nhưng đối phương thì lại coi im lặng là khen, bèn đặt bút xuống tự vỗ tay cho mình, vẻ mặt hân hoan ngời ngời: “Bình thường anh có hay xem tranh không? Thầy tôi… Thầy tôi bảo tôi vẽ khá, bao giờ chiến tranh chấm dứt thì có thể cân nhắc mở triển lãm.”

Giữa hùa theo và trả lời, Tạ Chẩm Thư chọn trả lời: “Không xem.”

Người nọ bảo: “Không xem cũng không sao, nếu anh có hứng thì tôi có thể nói chuyện với anh. Từ đây đến nội thành cũng phải hơn ba mươi tiếng cơ, mỗi một mình thì buồn lắm. Bình thường anh thích con gì? Tôi vẽ cho anh.”

Tạ Chẩm Thư: “…”

Anh có thể bật dao giết người trong vòng hai giây, nhưng lại không trả lời được câu hỏi này.

Mãi lâu sau anh mới nói dối câu đầu tiên: “Tôi thích mèo.”

“Ồ, mèo hả,” người nọ khẽ chau mày, cúi mặt vòng mấy vòng trên giấy, “tôi cũng thích mèo. Anh thích mèo trắng hay mèo đen?”

Tạ Chẩm Thư nhìn màu trắng nhiều quá rồi, bèn đáp: “Mèo đen.”

Người nọ “Ồ” tiếng, ngón út chạm vào màu rồi tô mấy vòng trên giấy. Cậu ta hùng hồn gật đầu, nói: “Mèo đen xinh, mèo đen dễ thương, mèo đen vô địch!”

Dứt lời bèn loằng ngoằng một phen trên giấy, ngòi bút vẽ điên cuồng, buông thả một cách lạ thường.

Cuối cùng, cậu ta thổi nhẹ vào tranh rồi đưa cho Tạ Chẩm Thư: “Cho anh đấy.”

Tạ Chẩm Thư nhận lấy bức tranh.

Đối phương khẽ mỉm cười, cặp mắt đằng sau mắt kính hiền lành, mù mờ nhìn Tạ Chẩm Thư.

Tạ Chẩm Thư lịch sự đáp: “Cảm ơn.”

Người nọ bảo: “Đừng khách sáo, tranh này của tôi cũng không phải tự nghĩ ra đâu, bắt chước tranh cổ của thầy tôi đấy. Anh biết trước đây có một họa sĩ tên là ‘Hạ Giang’ không? Ông này thảm lắm, tay nghề thì xuất chúng nhưng lại nghèo khổ, cuối cùng chết đói ở nhà. Thầy tôi rất quý tranh của ông ấy, bình thường không cho ai xem đâu, để bắt chước được tôi phải dốc hết tất cả tiền tiết kiệm của mình ra đó. Trước đây thì không sao, tiêu hết tiền thì tôi bán tranh sống cũng được, nhưng giờ mắt tôi không nhìn được nữa rồi, người thuê trước đây không tìm đến tôi nữa, tôi chỉ còn cách đi rửa bát thuê kiếm miếng ăn. Ai dè mắt mù rửa bát cũng khó, mấy hôm trước mới bị đuổi đi lang thang đầu đường xong, bắt buộc phải nghĩ cách đi chữa mắt thôi…”

Tạ Chẩm Thư thấy người ta như sắp bật khóc tới nơi thì không khỏi hốt hoảng, bảo: “Tôi cho cậu tiền.”

“Thật không? Anh tốt quá, trời…” người nọ mở bàn tay bẩn ra, vẻ mặt vừa chân thành vừa ngập tràn hy vọng, “cho tôi hai mươi đồng là được rồi!”

“Hạ Giang” cái gì cơ chứ, cả chuyến đi tên này toàn xạo bừa thôi.