Chờ Đào Nở Đỏ, Liễu Rủ Xanh

Chương 1



1

Mười bốn xuân xanh, ta được nhận vào phủ tướng quân chỉ vì chủ mẫu trong phủ yếu ớt lắm bệnh khó có thể mang thai.

Trước khi vào phủ, ta và mười hai cô nương khác phải trải qua những bài sàng lọc khắt khe. Chúng ta phải đứng thành một hàng để ma ma giáo dưỡng lần lượt kiểm tra gót sen ba tấc nhỏ nhắn có thể đứng vững trong bát không, eo có đủ nhỏ và lả lướt như liễu rủ trong gió, hay dáng mông có mẩy và tròn trịa như trăng rằm không.

Cuối cùng chỉ có mình ta trụ lại, sau đó ta được một chiếc kiệu nhỏ đưa vào một viện đơn sơ ngay buổi chiều hôm ấy.

Đêm tân hôn, lúc tướng quân Lý Quảng Phú vén khăn voan lên, mọi lo lắng bất an trong lòng ta lập tức bốc hơi. Lúc này, ta chỉ ước mình bé nhỏ như hạt bụi. Tướng quân cao quý như ánh trăng trên trời, hắn không nói nửa lời mà chỉ lạnh lùng liếc một cái đã khiến ta cảm thấy mình như bùn đất dưới chân hắn vậy.

Sớm hôm sau ta đi dập đầu, kính chủ mẫu Diêu Thái Lam chén trà ra mắt. Nàng không hề làm khó ta, còn ban cho ta một cặp vòng phỉ thúy. Tướng quân và chủ mẫu sánh vai ngồi cạnh nhau, qua khoé mắt ta nhìn thấy được sự áy náy và tiếc thương của hắn dành cho chủ mẫu.

Ta, một cô nương non nớt phiêu bạt lang thang không nơi nương tựa, cứ thế chưa kịp mơ mộng về một mối lương duyên mỹ mãn đã vĩnh viễn mất đi cái quyền ấy.

Ta biết cả đời này mình mãi mãi cũng không đuổi kịp được hạnh phúc nữa. Từ giờ ta chẳng khác gì cái bàn cái ghế trong phủ chờ đợi chủ nhân dùng tới. Đến khi sinh được đủ nếp đủ tẻ thì kết cục chờ ta chính là bị vứt bỏ không thương tiếc như một món đồ cũ.

Suốt một tháng sau đó, tướng quân nghe theo lời dặn của ma ma, chăm chăm canh thời gian dễ thụ thai để viên phòng. Nhưng hắn chưa từng qua đêm trên cùng một chiếc giường với ta. Lúc làm chuyện chăn gối hắn cũng chẳng hề kiên nhẫn, sự trúc trắc và đau đớn của ta trong mắt tướng quân chỉ toàn là phiền phức.

Bụng của ta không phụ kỳ vọng, ta vào phủ được hai tháng thì trễ kinh nguyệt. Nha hoàn thân cận lập tức bẩm báo cho lão thái quân*. Chỉ trong vòng một nén nhang ma ma đã mời thầy lang tới phủ bắt mạch. Ta có tin vui rồi.

(*Lão thái quân: mẹ của tướng quân)

2

Sau khi mang thai, cảm giác tồn tại của ta trong phủ còn thấp hơn nữa. Ta bị chôn chân trong khoảng sân này. Chủ mẫu miễn cho ta việc thỉnh an hàng ngày, lão thái quân phái nha hoàn thân cận tên Đào Hồng tới chăm sóc ta, cũng ban cho ta rất nhiều phần thưởng, còn tướng quân thì hoàn toàn biến mất khỏi cuộc sống của ta.

Ta mang thai vất vả vô cùng, ba tháng đầu ta cứ ăn vào là nôn, Đào Hồng thấy ta khó chịu quá thì bẩm lão thái quân xin mở bếp riêng tại cái viện nhỏ này. Ta cứ thấp thỏm mãi, con bé khẽ khàng an ủi ta: "Chủ nhân đừng lo, vốn việc này đã là quy định trong phủ từ thời lão thái tổ rồi. Bất kỳ ai có thai thì đều có thể mở bếp riêng tại viện của mình cho đến khi đứa nhỏ đầy năm."

Qua ba tháng đầu, cuối cùng cơn nôn nghén khó chịu của ta cũng đã kết thúc. Một buổi hoàng hôn nọ, tướng quân bước vào viện giữa ráng chiều. Hắn đi lướt qua ta, đàng hoàng ngồi xuống vị trí cao nhất trong sảnh. Ta quỳ xuống nghênh đón, tướng quân nhìn ta không nói một lời. Ta lại bắt đầu thấp thỏm.

Đào Hồng thấy vậy thì lập tức tiến lên pha trà: "Gia, tối nay ngài có muốn ở lại dùng bữa không ạ?"

Tướng quân phẩy tay rồi mới kêu ta đứng dậy. Lòng ta càng thêm lo sợ.

Ta khúm núm đứng nép sang một bên. Tướng quân tiện tay cầm cuốn sách trên bàn trà lật linh tinh vài trang. Hai canh giờ sau, tướng quân lại không nói gì đi mất.

Qua ngày hôm sau ma ma tới viện dặn dò Đào Hồng đóng bếp riêng lại. Cửa viện cũng đóng kín từ đó. Ngoại trừ đưa đồ ăn mỗi bữa thì không được cho bất kỳ kẻ nào tự tiện ra vào.

Trong trạng thái thấp thỏm, sợ hãi và hoảng loạn, cuối cùng ta đã đổ bệnh.

3

Ta sốt cao đến mơ mơ màng màng, chỉ loáng thoáng thấy trước giường có bóng người.

Hình như là lão thái quân tới, Đào Hồng đang quay ra nhỏ giọng nói gì đó. Còn có cả thầy lang đến, dặn dò liên miên không ngớt.

Ba ngày sau ta tỉnh táo lại, lão thái quân cố ý sai ma ma đưa các loại thuốc bổ và đồ trang sức sang. Dù ta xuất thân đầu đường xó chợ nhưng cũng biết chúng rất quý giá nên vội vàng quỳ xuống tạ ơn.

Đào Hồng thì thầm trấn an ta: "Bếp riêng của viện chúng ta được mở lại rồi, lão thái quân nói khi nào chủ nhân khoẻ lại thì nô tỳ phải chăm chỉ cùng ngài đi dạo hoa viên hơn. Nếu ngài muốn ra ngoài phủ giải sầu thì cứ việc đánh tiếng với ma ma, sẽ có hộ vệ và cỗ kiệu chuẩn bị sẵn để chủ nhân thả lỏng tâm tình."

Vì cảm kích lão thái quân, ta dành ra một tháng trời chép hai bản kinh phật tặng bà ấy.

Lão thái quân nhận được thì khen ngợi hết lời: "Chữ rất đẹp. Loại chữ trâm hoa tiểu khải* này của ngươi ra dáng khuê nữ nhà gia giáo lắm."

(*loại kiểu chữ viết nhỏ do Vệ Phu Nhân, một nhà thư pháp thời Tấn sáng tạo ra)

"Phụ thân của con là tú tài về quê mở lớp tư thục để tiếp nối sự nghiệp trồng người. Con là con một trong nhà nên phụ thân cũng có dạy bảo đôi chút."

4

Sau khi trở về từ viện của lão thái quân, ta đóng cửa không ra ngoài nữa, thêm vào đó sai Đào Hồng tìm mấy bảng chữ mẫu rồi ngày ngày phơi nắng luyện viết chữ. Có lẽ ma ma được lão thái quân dặn dò nên thỉnh thoảng có đến viện thăm hỏi đôi chút.

Đào Hồng và hai nha hoàn còn lại- Bình Nhi và Tiểu Mãn, lại đang tuổi ham chơi, ta không muốn vì ta mà mấy đứa phải trải qua những hoạt động già trước tuổi nên lén xin ma ma mua vài cái diều, quả cầu, mặt nạ, và đồ thêu thùa may vá. Như thế thì dù ta mang thai, cơ thể nặng nề không tiện ra ngoài vẫn có thể ngồi một chỗ nhìn đám nha hoàn chơi đùa, cũng sẽ bớt quạnh quẽ.

Hiệu suất công việc của ma ma rất cao, ngay hôm sau những thứ ta yêu cầu đều được chuyển vào viện. Đến cả Đào Hồng, đứa lớn tuổi nhất, cũng không tránh khỏi tinh nghịch hơn. Cứ thế cả đám xúm lại đá cầu, chơi diều cả ngày trong viện. Ánh nắng buông xuống mái hiên, bầu không khí vui vẻ đúng như ta mong đợi.

Thấm thoắt đã đến cuối năm, bụng của ta đã to lắm rồi. Thầy lang dặn dò đi dặn dò lại rằng khoảng ba đến năm ngày tới ta sẽ lâm bồn. Bà đỡ nổi danh trong thành được mời vào phủ chực sẵn từ lâu nhưng lão thái quân vẫn chưa thấy yên tâm, bà ấy ngày nào cũng ghé thăm ta, mang theo cả nhân sâm từ phòng kho chung của phủ.

Thế nhưng đứa bé mãi vẫn chưa có dấu hiệu sắp sửa chào đời nên người trong phủ dần dần bắt đầu chuẩn bị đón năm mới. Vốn dĩ cuối năm là thời điểm bận rộn nhất của các chủ nhân chân chính: nào là quà cáp giao thiệp giữa các gia tộc, nào là kiểm kê sổ sách trong phủ, toàn những chuyện khẩn cấp quan trọng. Ai rảnh hơi quan tâm một đứa thiếp thất không xứng với hai tiếng ‘chủ nhân’ như ta đâu, chỉ riêng Đào Hồng sẽ vì mỗi cái nhíu mày của ta mà bận lòng.

Giữa tối ba mươi, bụng ta đau quặn lên từng cơn. Cảm nhận rõ ràng có gì đó đang chảy ra dưới háng, ta hốt hoảng gọi Đào Hồng.

Bởi vì hôm nay là giao thừa nên đa số người hầu trong phủ đều đã bị điều đến tiền sảnh và gian nhà chính để đỡ đần một chân một tay. Ta khẽ khàng căn dặn Đào Hồng chớ có làm ầm lên, chỉ lẹ chân sang mời bà đỡ đến phòng. Chẳng qua là một thiếp thất sinh con thôi mà, tuyệt đối không thể quấy rầy khách khứa ngoài tiền sảnh. Nhất thời cả viện im ắng nhưng đám nha hoàn vẫn nấu nước, trải giường chiếu đâu vào đấy.

Bà đỡ liên tục hô ta dùng sức rặn, nhưng mà thật sự đau quá! Đào Hồng chạy lại nắm chặt tay ta: "Chủ nhân đau thì kêu lên đi, đừng nhịn nữa. Ngài như vậy nô tỳ sợ lắm. Thực sự không chịu được hay là ngài cắn tay nô tỳ này, nô tỳ da dày thịt béo không sợ đau đâu."

"Đào Hồng, ta hãi lắm, ta không dám."

"Chủ nhân, không sao, không sao."

"Tướng quân sẽ trách tội ta."

Chuyện tiếp theo ta hoàn toàn không nhớ được nữa, sau này nghe Đào Hồng kể lại từng chậu máu loãng liên tục bị bưng ra ngoài phòng, cuối cùng kinh động đến lão thái quân. Tướng quân và chủ mẫu cũng theo tới, tất cả mọi người đều ngóng trông ta có thể thuận lợi sinh đứa bé này.

Nhưng tình huống không khả quan cho lắm, ta khó sinh. Bà đỡ run rẩy dò hỏi: "Giữ lớn hay giữ nhỏ đây?"

Tất cả mọi người nhìn tướng quân, hắn trầm tư trong chốc lát rồi há miệng định nói tuy nhiên lại bị lão thái quân ngăn cản.

"Để ta đi xem con bé một chút đã, trông nó không giống người bạc phúc."

Đào Hồng kể rằng ma ma đi theo lão thái quân vào phòng sinh, lão thái quân ngồi bên giường ta. Thấy mặt ta tái nhợt, máu tươi giàn giụa đầy nệm, tay lão thái quân run run sờ má ta: "Con đừng sợ, ngự y tới ngay bây giờ thôi, con sẽ không sao đâu."

Ta đột nhiên mở bừng mắt, tinh thần trở nên tỉnh táo như sự minh mẫn trước phút lâm chung*, nắm chặt tay lão thái quân, liên tục nỉ non:

(*nguyên gốc: hồi quang phản chiếu)

"Nương."

"Mẫu thân, mẫu thân, con sợ quá. Con rất sợ, sợ lắm rồi."

5

Thật may, cuối cùng đứa nhỏ cũng chào đời, là một bé trai.

Ta còn chưa kịp nhìn xem mặt mũi nó thế nào thì đứa bé đã bị bế sang viện của chủ mẫu.

Chỉ có bộ ngực thỉnh thoảng căng tức trướng sữa nhắc nhở ta, à, hoá ra ta từng đưa một sinh linh nhỏ bé đến thế gian này.

Lão thái quân càng thương ta hơn xưa, ma ma đêm nào cũng sẽ đến viện dặn dò tỉ mỉ, Đào Hồng cũng hết lòng chăm sóc ta cẩn thận hơn trước.

Ta len lén làm quần áo cho trẻ sơ sinh, bị Đào Hồng phát hiện. Con bé đỏ mắt nhìn ta bật khóc, ta xoa đầu nó: "Dù gì đó cũng là đứa con đầu lòng nên ta khó tránh khỏi không nỡ chia xa, sau này sẽ tốt hơn thôi."

Từ đó ta cứ thế khâu từng đường kim mũi chỉ bất kể ngày đêm, chậm rãi làm quần áo từ mùa đông sang mùa hạ.

Màu tuyết trắng mênh mang ngoài cửa sổ đã đổi thành màu sắc rực rỡ muôn hồng nghìn tía nhưng ta chưa từng đi ra khỏi viện này, cũng chưa từng thấy mặt con trai.

Đào Hồng xót thương ta nên hay đi dò la tin tức rồi về kể lại:

Công tử có tận năm bà vú nuôi, ngày nào cũng có bảy, tám nha hoàn thay phiên chăm sóc.

Công tử hôm nay biết cười rồi.

Công tử bắt được một cây kiếm trong tiệc đầy tháng*, tướng quân liên tục khen này là con nhà nòi.

Công tử biết lẫy rồi, vừa sáng dạ vừa khoẻ khoắn.

(*Tục lệ trảo cưu: bày đồ quanh đứa trẻ xem nó chọn gì để dự đoán nghề nghiệp tương lai)

Ta khắc ghi những lời này vào lòng, từ từ nhấm nháp. Từng câu từng chữ theo đường kim mũi chỉ biến thành tưởng niệm thầm kín nhất trong tim ta.