Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

Chương 115: Bí Mật Trên Tấm Họa Đồ



Buổi sáng Chủ Nhật yên bình không có tiếng chim hót líu lo, ngày thường cũng chả có tiếng chim nào vì nếu trên lũy tre có tiếng chim chích chòe, chào mào... thì sớm muộn sẽ bị thằng L. bắn hạ. Tôi chắp tay sau lưng đi lại trong nhà rồi đi ra vườn, sau đó lại vào nhà, đứng ngồi không yên, cứ nhấp nha nhấp nhổm. Hôm nay là ngày tôi tròn 14 tuổi và chỉ vài tiếng nữa sẽ bước sang tuổi thứ 15, tuy vẫn còi còi chưa cao lớn nhưng tôi nhớ lúc bố tôi 15 tuổi là đã làm được nhiều thứ lắm rồi, thậm chí đã bắt đầu rời làng thoát ly tìm kế sinh nhai còn tôi thì vẫn đang loay hoay với mấy việc cỏn con.

Buổi chiều mát tôi đạp xe lên nhà bà ngoại một lúc, thấy bà đã thuê người đang dựng một cái chuồng trâu ngay sau bếp, nhà vệ sinh cũng lại làm ngay bên cạnh. Tôi tủm tỉm cười một mình vì nhớ lại chuyện hơn một tháng trước mẹ tôi và bà ngoại đã đi xem bói, hẳn là ông thầy đã phán ra điều gì đó rồi. Chiều nay tôi lên nhà bà ngoại mục đích chính không phải là xem dựng chuồng trâu mà là tranh thủ cắm một bông hoa trong cái bình nhỏ màu trắng có hoa văn xanh để trên bệ thờ của ngôi miếu và thắp mấy nén hương cho chị Đẹp họ Lý, tôi nghĩ mình cũng phải công bằng một chút.

Khi lớn lên thì tôi phát hiện ra một điều khá kỳ lạ, có thể xem là điểm chung giữa nhà bà nội và nhà bà ngoại ấy chính là cái lạch nước, cả hai nhà đều có một lạch nước nằm ở góc Tây Bắc, như lời mẹ tôi hay cậu ruột tôi kể thì hai cái lạch nước này có rất nhiều cá và quanh năm suốt tháng nước không bao giờ cạn. Mỗi khi nghe chuyện ấy tôi chỉ biết cười và đáp “Thế ạ!” xem như đồng tình bởi vì cả hai nhà đều là đất có miếu, đều nằm ở rìa làng ngay cạnh cánh đồng, hai lạch nước không bao giờ cạn và có nhiều cá ấy tôi xem như đó là một thú vui của hai chị gái xinh đẹp.

Tôi không biết gì nhiều về phong thủy, ngay cả những chuyện bí ẩn, tôi chỉ có tính tò mò tìm hiểu những thứ xung quanh liên quan đến cuộc sống của chính mình hoặc gia đình mình mà thôi. Tôi cũng nghe người ta hay nói về tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ, tiền Chu Tước và hậu Huyền Vũ, tôi có đọc lướt qua trong nhiều năm nhưng chẳng mấy khi nhớ được nhưng nếu áp dụng vào thế đất nhà tôi thì tôi lại thấy vài điều trùng hợp.

Thứ nhất, ở mặt tiền của ngôi nhà thì có một khoảng sân rộng rồi tới một khoảng đất chừng 100m2, mà bây giờ bà Già đang trồng chuối, sau đó mới đến một cái ao rộng. Khoảng đất này thấp hơn gần một mét so với nền đất là sân, lằn ranh chia cắt chính là cây ổi được trồng vào tầm năm 1959.

Trong phong thủy như tôi có biết thì đất ở phía trước nhà (ứng với Chu Tước) nên thấp hơn sẽ tốt cho gia chủ, tôi không bất ngờ gì lắm khi việc này có sự tham gia của bà H. Lớn từ rất lâu về trước, thời còn căn nhà tranh vách đất. Bên trái của căn nhà chính là lũy tre và rặng mây gai ôm trọn thửa đất với thế đất cao giống như Thanh Long còn đầu hồi phải của ngôi nhà hiện nay thế đất thấp hơn gọi là Bạch Hổ còn Huyền Vũ là hướng Bắc của nhà thì rất tiếc không thấy có gò đất nào hoặc nó đã bị sạt lở xuống ao. Cuối năm trước, bà già đã thuê người về đóng cọc kè bờ phía sau nhà để đất không bị xói mòn. Mặc dù chẳng có ai nói nhưng tôi tin rằng không có gì là “tự nhiên” ở đây cả, hoặc là ông nội tôi hoặc là bà H. Lớn đã tính toán việc này... Tuy đã mấy năm trôi qua kể từ lần đầu gặp bà H. Lớn, tôi vẫn nhớ lời bà dặn bố tôi về việc xây miếu, về lạch nước đầu hồi phía Tây của căn nhà.

Bà H. Lớn không thích ông ngoại tôi, tôi có thể cảm nhận được việc ấy qua vài lần nghe lỏm các bà nói chuyện, bà H. Lớn lúc này khoảng 76 tuổi và mắt đã mờ đục đi nhiều, lưng đã còng nhưng thi thoảng vẫn chống gậy một mình lên nhà tôi ngó nghiêng rồi lại về, lúc bà về thì tôi dắt tay đến tận nhà bà ở Ngõ Thiện. Tôi từ một đứa sợ và muốn tránh mặt bà thì nay lại không thấy sợ nữa mà hay nghe bà kể chuyện, chịu khó đi chậm để trả lời cho bà biết những điều bà hỏi. Vào những năm cuối đời của bà, mỗi lần nhà có cỗ giỗ thì tôi hay nhận nhiệm vụ đón bà lên bằng xe đạp, bà hay có câu cửa miệng “Cha bố mày!” rồi cười trước khi tôi đạp chở bà đi. Tôi thấy mình cũng là một người khó hiểu, bố tôi nói thì tôi có thể cãi hoặc tranh luận nhưng hai cô ruột của tôi nói thì tôi lại hứa sẽ suy nghĩ và thường thì tôi luôn làm các cô hài lòng nên lâu dần có chuyện gì quan trọng hay cần góp ý với bố tôi các cô đều gọi nhắc tôi, dường như số phận của tôi là vậy, không tránh được, tôi luôn ưu tiên phụ nữ.

Sinh nhật lần thứ 14 của tôi không bánh, không hoa, không bạn bè và lặng lẽ trôi qua, tôi cũng không lấy gì làm buồn phiền vì đã bắt đầu thích cô đơn tận hưởng cuộc sống và biến những buổi chiều buồn tẻ thành những buổi chiều vui hơn, tìm vui trong nỗi buồn. Tôi vẫn viết nhật ký đều đặn nhưng ở thị trấn Hồ không có những cuốn sổ giống như tôi mua ở Hà Nội nên tôi đành phải mua một cuốn có bìa giả da màu đen, giấy thì cũng trơn láng viết rất thích nhưng nó lại không có ổ khóa hay cái gì đó cài. Nói gì thì nói, nhật ký vốn là thứ riêng tư, tuy tôi có thể để cho người khác đọc nhưng tôi lại thích bản thân cuốn nhật ký đó có một cái khóa, kiểu như... nhìn cho nó bí ẩn.

Tôi hy vọng chị Ma tối nay sẽ gặp tôi như lời hẹn, tôi muốn nhờ chị ấy gửi tiền cho Ông Mãnh nhà tôi, gửi theo đường ấy chắc nhanh hơn và đỡ phải qua tay nhiều người, chứ qua mỗi tay có khi số vàng bạc lại mỏng đi một ít. R9 hay bảo “Không tin bố con thằng nào!” nên tôi cũng hay quen mồm nói với đám bạn mình như thế. Sau giấc mơ dài nhìn thấy cảnh quan trường nơi âm ty huyện nhà thì tôi thấy đến quan cũng chả đáng tin nên mới tính chuyện mình sẽ đi “đường tắt”.

Đầu giờ chiều ngày sinh nhật lần thứ 14 của mình, tôi mua tiền vàng là len lén đốt và khấn gửi cho chị Ngọc Hoa. Chị Ngọc Hoa có nói với tôi rằng không phải đốt tiền vàng cho chị ấy nhiều làm gì vì chị ấy không hứng thú, tiền đó đi mua kẹo mà ăn hoặc mua kẹo gôm gửi cho chị ấy thì tốt nên tôi cũng ít đốt tiền vàng, nhưng chị không nhận thì đưa ...giúp cho Ông Mãnh nhà tôi là được thôi.

Lại nói về Ông Mãnh, tôi từng nghe vài lần các bà kể với nhau chuyện Ông Mãnh hay về nghịch ngợm, trêu chọc mọi người nhưng lại chưa hề nghe tới việc Ông Mãnh nhà mình ham vui đến thế. Hội làng hôm vừa rồi chỉ có tổ chức tế lễ chứ có linh đình gì đâu mà lại cháy túi đến nỗi áo chẳng có mà mặc. Tôi đã bắt đầu cân nhắc đến việc mình có nên ngủ tiếp trên tấm phản truyền thừa hàng trăm năm không có giá trị về kinh tế nhưng lại ẩn chứa rất nhiều giá trị tinh thần này hay không, hết bà cô Tổ giờ đến Ông Mãnh, tôi không hiểu sẽ còn ai nữa?!.. Mà phải công nhận rằng Ông Mãnh nhà mình hơi trẻ trâu, không biết tài phép phù hộ độ trì cho con cháu như nào nhưng hơi gầy.

"Gầy thế thì có võ không nhỉ? Chứ bé bé còi còi như thế thì sao đỡ được cho con cháu?"

Tôi nằm trên võng đung đưa, miên man suy nghĩ và phân tích các kiểu, sau cùng tôi vẫn quyết định ngủ tiếp ở cái phản, ai thích gặp thì gặp chả sao, miễn không rủ mình xuống dưới đấy ở cùng là được. Tôi bổ sung thêm một nhận định nữa rằng bà cô Tổ nhìn có vẻ đáng tin hơn vì bà ghê gớm, có sức mạnh và ... trông người lớn hơn, đáng tin hơn. Dĩ nhiên những suy nghĩ này tôi không bao giờ nói ra vì sợ rằng sau đó mình phải cầm đèn pin để tìm răng hoặc là bị trách phạt gì đấy, ai mà biết được, vừa hôm qua mới vạ miệng xong.

---

Bắt đầu giờ Hợi đúng là chị Ma lại ra ám hiệu để gọi tôi ra gặp, lúc tôi bước xuống bậc thềm gần đầu hồi nhà đã nhìn thấy chị ấy đứng chắp hai tay sau lưng, ngẩng đầu lên nhìn trăng.

- Trăng bao nhiêu năm qua vẫn thế, chị nhìn không thấy chán ư?

- Đôi lúc rảnh rỗi thì nhìn trăng ngắm sao cũng tốt chứ, sắp trung tuần (gần giữa tháng) nên trăng tỏ, vạn vật nhìn cũng có màu sắc khác.

- Chị ạ... – tôi nói nhỏ - Ban chiều em có gửi chị ít bạc, tuy chị có dặn là không cần nhưng đêm vừa rồi Ông Mãnh nhà em muốn em gửi một ít để làm lộ phí đi du Xuân.

- Đi chơi Xuân?! – chị Ma bật cười – Lận lưng đánh bạc thì có! Cái xứ này cứ phải hết tháng 3, đầu tháng 4 thì mới hết hội hè. Xã Thần dịp này kiếm cũng được một khoản ton lót (đút lót, hối lộ) để ký tá giấy cho mấy đứa ham vui đi trẩy hội. Đêm hôm mà đường cái quan đi lại đông nghịt mãi đến gà gáy mới vãn.

- Vậy ...vậy em nhờ chị!

- Được rồi, việc này dễ mà! Chị sẽ cho Ông Mãnh của em thêm để mà chơi cho đã, có tí tiền cứ tho lo tho lỏm, chơi cò con thì bao giờ mới thắng được, hôm vừa rồi Ông Mãnh nhà em thua đến cả cái áo chẳng còn! Nói thật là hôm hội làng mình được thả cho chơi nên chị cũng tiện tay...

- Ch... chị cũng chơi? – Tôi tròn mắt ngạc nhiên.

- Ừ, nhưng chơi có một lúc thì bị đuổi, bọn nó không cho chơi cùng nên mới phải đi chơi ở nơi khác đấy chứ!

- Sao thế ạ? Chị tính ra cũng người làng này, sao họ lại không cho chơi?

- Em biết ai cầm cái không? -

Tôi lắc đầu, làm sao mà tôi biết cho được.

- Lão Xã Thần làm cái vì lão ấy nhiều tiền nhất làng này, chỉ thua Thành Hoàng, chị thì không được xếp hạng. Lão Xã Thần tổ chức xóc đĩa bằng đồng xu, tay lão rất ư là điệu nghệ. Chị chỉ chơi một mặt và thua thì cứ ván sau đặt gấp 3 lần ván trước, đến khi thắng một ván thôi mà lão Xã Thần đã gần cháy túi nên lão tức.

- Em tưởng chị chẳng bao giờ chơi mấy cái đấy.



- Vui thôi mà... Hôm qua về đã cho lão ấy một mớ, sắc mặt thay đổi ngay được, nhìn cái dáng hèn hèn khi nhận quà là vàng bạc của lão ấy may mà chị không cười.

Tôi ngồi bó gối trên bậc thềm, dựa lưng vào cái bồn hoa còn chị Ma đã nhảy tót lên ụ rơm, gió thổi làm mái tóc dài đen nhánh bay phất phơ trong gió.

- Hôm nay em tròn 14 tuổi hả?

- Dạ!

- Sao không có bạn bè như năm trước? Không chơi với chúng nó nữa hay sao?

- Dạ không, thi thoảng làm sẽ vui chứ chả lẽ năm nào cũng làm, với lại em thích sinh nhật theo kiểu ấm cúng có đủ mặt người thân vừa ngồi ăn vừa nói chuyện phiếm thì vui hơn ạ.

- Mong ước đấy của em chả bao giờ thành hiện thực được đâu cho nên đừng cố chấp, vui với bạn bè cũng là vui.

- Sao thế chị?

- Cuộc đời của mỗi người chỉ là cõi tạm, làm người được trăm năm giống như một phần thưởng nên phải tận hưởng đi, muốn trở lại làm người ở kiếp sau thì phải trải qua nhiều khổ ải lắm đấy!

- Thì em vẫn sống, vẫn vui mà, đôi khi cũng có chút buồn nhưng nhìn tổng thể thì vẫn là vui ạ...

- Chị biết, chị nhắc thế! À này, đám ma quỷ lang thang đầu đường xó chợ nói cho chị biết là trong vùng này mới xuất hiện một tay người Vân Nam bên Tàu, em có biết Vân Nam là ở đâu không?

- Em không ạ.

- Gã này đang đi thám thính các nơi chôn giấu của cải, đồ cổ quý hiếm, kiểu gì cũng sẽ đến làng này, nó đi cùng một nhóm người khác nữa.

- Chả lẽ họ định đến tìm kho của chị với chị Khuê?

- Làng này đất dữ, phát về âm phần nên không chỉ có vậy, còn vài nơi nữa nhưng còn ẩn giấu kỹ.

- Có khi nào... – tôi ngập ngừng – Có khi nào lại là cái ông đóng vai thầy địa lý đi xem đất trước đây không chị?

- Phải nhìn mặt mới biết được, chị chưa gặp nhưng nó không tìm được đâu, kể cả có phát hiện ra vị trí của kho trên họa đồ da dê thì cũng chẳng lấy được, thậm chí có đào bung hết cả chỗ này ra! – chị Ma cười đắc ý – Nếu đào mà chạy không kịp thì bỏ mạng như chơi. Nếu em muốn kiếm nhiều tiền thì gá tạm mảnh đất này cho bọn nó, đến khi bọn nó đào dở dang thì chị và âm binh bảo vệ kho sẽ giết chết hết, thế là em có tiền mà đám ấy mất cả chì lẫn chài, thậm chí cả mạng sống.

Tôi nghe nói như vậy liền rùng mình lắc đầu, xua tay.

- Thôi, thôi chị ạ! Nếu có nhiều người chết ở đây thì sẽ mang tiếng lắm, rồi công an người ta đến điều tra đấy!

- Công an là ai?

- À, giống như quan binh ấy chị, kiểu vậy... Mà như thế sẽ không tốt cho cả nhà em.

- Vậy thì chị sẽ giết họ ngoài đường.

- Cần gì phải thế ạ, họ không tìm thấy thì kệ họ đi chị!

- Đời nào chúng nó tìm được, đám độn tri ấy so với cha ông chúng nó xem ra chẳng thông minh bằng.

- Sao thế hả chị?

- Phần quan trọng nhất của tấm họa đồ thì chỉ có một người biết, chính là thằng chồng chết đâm chết chém đã vờ cưới chị, khi chết nó đã mang theo phần quan trọng nhất không được ghi trong tấm bản đồ, hậu nhân của nó chỉ lưu lại họa đồ và các dấu mốc, nhưng 600 năm qua đã vật hoán tinh di (vật đổi sao dời) khó mà nhận ra.

Tôi vừa nghe vừa gật gù xem chừng đã hiểu, chị Ma nhẹ nhàng nhảy xuống đất, dựa lưng vào ụ rơm, hai tay khoanh trước ngực, chân có vẻ như bắt chéo sau đó hỏi tôi.



- Tại sao em không hỏi phần quan trọng nhất của họa đồ là gì?

Tôi đưa tay lên mũi quẹt qua quẹt lại một hồi.

- Thật ra em cũng là đứa tò mò nhưng em biết có những cái không nên hỏi. Nếu họ lấy được kho báu thì chị sẽ không còn phải làm Thần giữ của nữa, chị có thể tự do làm việc gì đó hoặc đi đầu thai làm người giống như bà em hay kể... - giọng tôi hơi chùng xuống - Tuy em sẽ không có cơ hội gặp chị nữa... Mà tốt nhất em không nên hỏi, nhỡ đâu em lại lỡ miệng nói với ai đó thì phiền lắm!

- Em lạ thật... Chị thấy ai cũng thích vàng bạc, thời hiện nay của em thì tính ra còn giá trị lớn lắm, em mở kho thì em sẽ trở nên giàu có nhất làng, à không, nhất vùng!

- Giàu có thì cũng tốt nhưng em thích tự mình kiếm ra hơn là lấy trong kho của chị! – Tôi quả quyết.

- Đấy chính là lý do chị đã không rủ em ra con mương vào lần đầu tiên gặp, nếu không thì bây giờ em cũng là một con ma như chị rồi!

Chị Ma vừa nói vừa nhìn tôi cười khúc khích, tôi nghe như vậy mà không biết mình nên khóc hay nên cười, sau một hồi tôi nói với giọng méo xệch.

- Chị nói vậy làm em sợ...

- Phần quan trọng nhất của tấm bản đồ chính là...

- Em... em không muốn nghe!!! – Tôi cắt ngang lời chị Ma.

- Hôm nay sinh nhật em, xem như một món quà, chị sẽ nói cho em biết bí mật quan trọng đấy để nếu như sau này em có đổi ý muốn mở kho thì cực kỳ dễ dàng hoặc là khi nào em gần chết đi em trăng trối cho con cháu để chúng nó lấy cũng được, miễn là con cháu ruột của em thì chị sẽ không đụng đến.

- Không mà!!! – Tôi lắc đầu nguầy nguậy – Dù chết đi rồi nhìn cháu chắt của mình phải chết mà do lỗi của em, sao mà em vui được?! Chị nghĩ có đúng không?

- Em đúng là đứa cứng đầu cứng cổ!

- Gặp nói chuyện với chị như thế này là vui rồi, chị thấy em có thiếu gì nữa đâu, em chỉ thiếu một người chị hoặc một người bạn.

- Lại bắt đầu lẻo mép, chị không là chị thì là ai?

- Là bạn nữa, cả hai luôn! – Tôi cười.

- Hay cho câu nói này, chị sẽ cho Ông Mãnh của em cả bị, sẽ chỉ cho Ông Mãnh nhà em cách chơi theo kiểu bố đời mẹ thiên hạ, chấp hết cả làng! – Chị Ma vừa nói vừa khua tay rất hùng hồn.

Đúng là người giàu có suy nghĩ của họ thật khác thường, hứng lên là cho cả một bị vàng bạc, nói chẳng ai tin được. Hai chị em nói chuyện thêm một lúc nữa thì chị Ma bảo đã gần đến giờ linh nên sẽ đi chơi một chút nên gọi con chiến mã xuất hiện và cả hai cùng biến mất khi ra gần đến cổng nhà.

Buổi tối sinh nhật lần thứ 14 của tôi là một đêm may mắn bởi vì tôi đã nhất quyết không nghe chị Ma nói ra bí mật của tấm họa đồ. Thật ra tấm họa đồ đó đã có tương đối đầy đủ thông tin về nơi bố trí kho tàng, số lượng vật phẩm, cách bài binh bố trận, các cửa âm binh mai phục... Nhưng thông tin quan trọng nhất thì lại chỉ người chủ kho báu mới biết và truyền trực tiếp cho con cháu mình. Sở dĩ người chồng giả của chị Ngọc Hoa làm vậy là để tránh việc rủi ro khi tấm họa đồ da dê rơi vào tay người khác, nếu chỉ có tấm họa đồ nhưng không có “chìa khóa” mở cửa mà dùng biện pháp phá cửa thì việc bỏ mạng tại chỗ là điều khó tránh khỏi. Chị Ma cũng cho tôi biết rằng đã không dưới ba lần con cháu đời sau của chủ nhân kho báu từng tìm đến khu vực xung quanh và có một người đã tìm được đến gần nhưng vẫn chưa khoanh vùng được vị trí cửa mở đầu tiên.

Tại sao tôi lại nói đêm đó là đêm may mắn? Chính là do tôi đã không chịu nghe bí mật ấy nên không biết “chìa khóa” mở kho. Về sau, khi chứng kiến nhiều cái chết thảm thương, khó hiểu thì tôi nhận ra rằng mọi thứ không hề đơn giản... Mãi sau này, khi bản thân trải qua nhiều sóng gió của cuộc đời thì tôi đã tự khám phá ra được phần bí mật còn thiếu trên tấm họa đồ da dê một cách bất ngờ, cũng trong một đêm trăng, và rồi tôi nhận ra chẳng có cái gọi là "tình cờ". Tất cả mọi thứ diễn ra dường như đã có sự sắp đặt của tạo hóa và chị Ngọc Hoa đã được biết trước hết thảy. Khi ấy, tôi ngồi trên nóc mái nhà mình ngắm trăng và lườm lườm nhìn Ngọc Hoa Công chúa đang lơ lửng ở gần đầu hồi, chị ấy tỉnh bơ nói với tôi:

- Những người thông minh thì chỉ cần nhìn ám hiệu, không cần phải nói, đúng không em trai?

- Thôi! Chị làm ơn đừng dụ khị em nói ra em đang nghĩ gì... Chả nhẽ chị lại muốn thấy cảnh máu chảy đầu rơi như những năm trước hay sao?

- Dạo này chẳng có việc gì để làm, buồn lắm! Hay em tìm cách dụ mấy thằng phù thủy đến tìm kiếm để chị bận rộn một chút?

- Chị ơi, hòa bình là phúc của muôn dân đấy ạ!

- Hòa bình của em thì gươm này vô dụng rồi...– chị Ma thở dài rồi chợt cười tinh quái – Thôi được... rảnh thì chị lại đi trêu vài đứa, nhìn bọn nó sợ xanh mặt vui lắm!

Lúc tôi 36 tuổi thì chị ấy vẫn tuổi 17 đến hơn 620 lần và chị ấy vẫn nghịch như quỷ sứ.