Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

Chương 114: Lấy Tiền Đánh Bạc



Tôi vẫn còn kể thiếu một chi tiết nhỏ với các bạn về hoàn cảnh gia đình những thế hệ trước.

Bà Trẻ tôi ít hơn bà Già khoảng 6 tuổi, bản thân các bà cũng chẳng nhớ chính xác được tuổi tác của chính mình. Như đã kể, bà Trẻ là một người phụ nữ có năng khiếu buôn bán ngay từ khi còn bé.

Theo như tôi nhớ được qua những câu chuyện vụn vặt thì bà Trẻ bắt đầu việc buôn bán bằng cách thu gom bèo tấm, bèo tây, nuôi lợn... Sau đó mang đi bán tại các chợ xa làng từ lúc tầm, 13 tuổi, vì thấy việc đi bán như vậy có tiền, trong khi những thứ bà Trẻ tự làm ra lại không đủ nên bà đi mặc cả mua lại một số nông sản của những gia đình khác trong làng với giá tốt nhất, sau đó mang đi các chợ xa bán, lấy công làm lời. Bà Trẻ đã bán rất nhiều chuối, bưởi... trong nhiều năm.

Tôi không hỏi bà Trẻ tôi lấy chồng năm bao nhiêu tuổi nhưng bác gái cùng mẹ khác cha với bố tôi, tên là bác Hồng thì sinh vào năm 1954. Một thời gian sau, người chồng của bà Trẻ mất, bà nuôi bác Hồng đến tầm 5 tuổi thì lấy ông nội tôi là người chồng thứ hai. Do mẹ đi lấy chồng nên bác Hồng về ở với họ hàng bên nội, cũng ở cùng làng. Sau khi bà Trẻ lấy ông nội tôi thì bác Hồng vẫn đến nhà chơi thường xuyên và ở lại ăn cơm, ông nội tôi và bà Già rất quý mến, hay mua quà bánh cho bác Hồng vì thời điểm ấy gia đình tôi chưa có tiếng trẻ con, cho đến khi bố tôi được sinh ra thì bác Hồng cũng dành nhiều thời gian để chơi cùng.

Bác Hồng tôi sau này lớn lên lấy chồng, chồng của bác Hồng lại là họ nội tộc với bố tôi nhưng là vai dưới nên phải gọi bố tôi là anh, làng quê mà, chuyện này không có gì lạ lẫm. Hiện các anh chị họ của tôi đang sống và làm việc ở Thái Nguyên đều gọi bố tôi là cậu, bên nào gần hơn thì dùng thôi mà, mối quan hệ bởi vì thế mà trở nên khăng khít vì có họ hai bên.

Bà Trẻ cách đây vài năm khi ở vào tuổi ngoài 86 vẫn hàng ngày đi chơi tam cúc cùng các bà khác trong xóm, thắng thua có ngày lên tới tận Hai mươi nghìn đồng, có vài lần tôi gửi tiền tài trợ về để bà chơi và xúi bà nên bảo các bà khác chơi lớn vào cho bõ công ngồi cả buổi. Thời còn con gái thì bà Trẻ cũng giống nhiều người khác trong làng là vào các dịp Tết hoặc hội làng đều có tham gia một môn thể thao, ấy là môn Thò lò.

Thò lò là một trò chơi dân gian, đến nay thì hầu như đã không còn, chỉ một số vùng còn giữ lại cái tên nhưng đã biến tấu đi nhiều, không như nguyên bản nữa.

Theo như tôi nghe kể, chơi thò lò là dùng con quay lục lăng có đánh ký hiệu từ 1 chấm đến 6 chấm giống như xúc xắc. Chiếu cói, hoặc đôi khi là mặt sân, được dùng vôi để vẽ các ô dạng hình chữ nhật từ 1 đến 6, đặt tiền vào ô nào mà trúng thì thắng, chẳng có double giống như Tôm cua cá bây giờ.

Bà Trẻ cũng mất rất nhiều tiền vào trò chơi ấy và mỗi lần kể thì bà đều cười, tôi thiết nghĩ trong máu của mình có chút ăn thua quả nhiên là di truyền rồi... Không thấy ai nói ông nội tôi có tham gia mấy trò đỏ đen, chắc là đại gia nên không quan tâm mấy trò cờ bạc cò con mà trẻ em và phụ nữ hay chơi, đàn ông là phải ngồi ở mâm chẵn lẻ và tự tin “mua hết mặt lẻ” khi “kết nổ đĩa”.

*** Câu chuyện dược kể bởi Fb Nam Ngủ Yên

Tầm một tuần sau khi tham gia vụ náo loạn nơi tra xét của quan huyện dưới âm ty thì tôi chưa gặp lại chị Ma, chắc chị ấy lại mải chơi hay đi ngao du sơn thủy đâu đó nên bận rộn. Đầu tháng 3 thì có một ngày rất quan trọng là Quốc tế Phụ nữ, trùng luôn với ngày sinh nhật của tôi tính theo âm lịch. Tôi nhớ là 8/3 năm đó trùng ngày Chủ Nhật nên phải tổ chức tặng hoa cho cô giáo sớm một ngày. Ở quê thì thời điểm này cũng chưa chú trọng và quan tâm đến Phụ nữ nhiều nhưng cô giáo thì dĩ nhiên đám học sinh chúng tôi sẽ quan tâm. Nói là tổ chức lễ 8/3 chứ cũng không có gì hoành tráng, bàn giáo viên vẫn phủ một cái khăn trải bàn có những bông hoa màu đỏ nhạt, mà tôi nhớ là làm bằng nilon, trên bàn thì bày một lẵng hoa. Lớp trưởng của tôi tên Xuân Én họ Phùng đại diện cho lớp gửi lời chúc đến các cô hôm đó có tiết dạy, tôi thì đại diện cho đám con trai hơn 10 đứa đứng lên đọc một bài thơ ca tụng phụ nữ mà tôi chả nhớ đã chép ở đâu... Nói chung không khí khá là vui. Tôi cũng cất công đạp xe lên thị trấn Hồ từ chiều hôm trước để mua mấy bông hồng về để dâng tặng một số người phụ nữ mà tôi quý mến như cô Loan dạy Sử, cô giáo dạy môn Địa lý, cô Hòa chủ nhiệm lớp dạy môn Văn và riêng cái chị thích màu đỏ thì tôi để dành lại 3 bông.

Tôi không biết ban cán sự lớp gồm toàn con gái đã xoay sở ra hoa ở đâu, nhưng những bông hoa để trên bàn giáo viên thì mới hơn 10g sáng đã héo, lúc cô chủ nhiệm vào nhìn thấy thì không có biểu hiện thái độ gì trên khuôn mặt nhưng tôi ngồi bàn đầu lại vô tình nói:

- Sao hoa lại héo hết thế này nhỉ?! Bọn con gái chắc lại mua hoa bán ở trong nghĩa trang liệt sĩ rồi! Con gái con đứa (hàm ý chê bai) chẳng khéo gì...

Tôi nói không to nhưng khoảng cách với cô chỉ khoảng 2m nên cô Hòa nghe rõ, nét mặt cô sa sầm lại khiến tôi chột dạ, cả tiết học 45 phút tôi thấp thỏm không yên, tiết cuối cùng là sinh hoạt thì được nghỉ vì nhà trường cũng tổ chức 8/3 cho các cô, cả lớp đứng dậy chuẩn bị ra về thì cô Hòa bảo:

- Các em về trước, riêng N. ở lại cô cần gặp riêng!

Nghe cô giáo nói thế là tôi biết có chuyện không hay do mình vạ miệng rồi, mình đã nói điều gì đó không nên nói. Trong lớp chỉ còn cô chủ nhiệm và tôi, tôi đứng ở chỗ bàn học của mình, đầu hơi cúi xuống, một vài đứa con trai còn thập thò ngoài cửa sổ cho đến khi cô chủ nhiệm nhìn thì bọn nó mới vội bỏ chạy.

- Em có biết mình đã nói gì không? – Cô chủ nhiệm hỏi tôi.

- Dạ, thưa cô, em xin lỗi ạ! – Tôi cúi đầu lí nhí.

- Các bạn quan tâm đến các cô, điều quý giá là ở tình cảm chứ không phải hoa héo hay tươi hoặc mua ở đâu em có hiểu cô nói không?

- Dạ, em hiểu ạ...

- Cô biết em nói ra là không có ý gì nhưng em là con trai, nên đảm nhiệm thay vì nhận xét các bạn, nếu em làm tốt hơn các bạn tại sao em lại không nhận việc mà em có thể làm tốt hơn thay cho các bạn?

- Thưa cô... Em xin lỗi cô ạ!

- Em không phải xin lỗi cô, em không có lỗi gì cả! Cô chỉ buồn vì ngày 8/3 đúng ra nên là các bạn nam dành sự quan tâm đến các bạn nữ, các cô giáo, mẹ đẻ... Chứ không phải phụ nữ quan tâm đến nhau. Cô biết em là người nghe ít hiểu nhiều, cô mong rằng sau này lớn lên em không phải là người như vậy, hoặc em cố gắng làm hoặc nếu em không làm được thì tuyệt đối không nên buông lời nhận xét làm người khác buồn lòng.

- Dạ! – Tôi lí nhí đáp, mặt cúi gằm và nóng ran.

Cô chủ nhiệm nói đến đó thì cầm cặp bước xuống khỏi bục giảng, định đi ra khỏi lớp thì tôi ngẩng đầu lên nói với theo:

- Thưa cô... thưa cô...

- Còn chuyện gì? – Cô chủ nhiệm đứng lại nhìn tôi.

Tôi lấy ra từ trong hộc bàn một bông hoa hồng và đi lại gần cô.

- Thưa... thưa cô, cô tha lỗi cho em. Hoa này là em tặng cô, em chúc cô luôn khỏe mạnh ạ!

- Hoa này để xin lỗi hay như thế nào?

- Dạ không ạ! – tôi lắc đầu – Em tặng cả các cô dạy bộ môn, vì cô dạy tiết cuối nên... nên em để dành tặng sau cùng ạ, em... em...

Cô chủ nhiệm cầm lấy bông hoa trên tay của tôi, tay còn lại cô xoa đầu mấy cái.

- Quan tâm đến các cô là điều tốt, cô biết tính em... Nhưng cũng phải quan tâm đến các bạn nữ trong lớp nữa! Không cần phải tặng hoa cho các bạn ấy vì các em còn bé, chưa làm ra tiền nhưng tình cảm, sự quan tâm được thể hiện bằng nhiều cách. Đừng làm cô thất vọng ở em, còn bông hoa này cô rất vui, cô cảm ơn em!

- Thưa cô... em...

- Đừng suy nghĩ nhiều, nếu sau này em thay đổi và trở thành một người đàn ông tốt, biết quan tâm đến mọi người xung quanh bằng cả lời nói và hành động thì cô không chỉ vui một ngày mà còn tự hào nữa!

Cô chủ nhiệm nhìn tôi cười, cô vỗ vai tôi mấy cái rồi xoay lưng bước đi, tôi đứng ngây ra giữa lớp nhìn theo bóng cô khuất dần sau những ô cửa sổ ngoài hành lang...

---

Tôi đã học được một bài học quý giá về việc nói đúng nơi, đúng lúc và thay vì buông lời nhận xét khiến người khác phiền lòng thì tôi, nếu có thể, sẽ phải giúp họ để mọi việc tốt hơn. Từ đó về sau khi đi học, trong mỗi dịp lễ, Tết hay các sự kiện của tập thể thì tôi hay nhận phần mua hoa hoặc có khi tôi tặng hoa cho các bạn nữ chẳng có ai tặng thay vì những người được tặng nhiều. Một số công ty tôi đã từng đi làm khi mới ra trường, tôi hay mua hoa tặng cho các đồng nghiệp nữ khi đến ngày sinh nhật của họ mặc dù trước đó chẳng quen biết hay từng nói chuyện... Và nếu như ai đó là nữ mà tôi quen có làm việc gì đó chưa chu toàn thì tôi hay giúp hoặc đỡ lời trong khả năng của mình bởi vì tôi nhớ lời chỉ dạy của cô giáo chủ nhiệm của tôi lúc tôi học lớp 8. Tôi hiểu rằng thể hiện tình cảm, sự quan tâm với phụ nữ không nhất thiết chỉ là tặng hoa và phải duy trì sự quan tâm ấy trong một quãng thời gian dài, từ chính tấm lòng của mình chứ không vì một mục đích nào đó mới làm.

---

Trên đường đi học về tôi đạp xe mà suy nghĩ nhiều về lời cô giáo, tôi thở dài mấy lần, quả nhiên cô giáo tôi nói đúng, nếu như tôi có trách nhiệm hơn thì đã liên hệ với ban cán sự để mua giúp các bạn ấy, để hoa trên bàn giáo viên tươi hơn, đẹp hơn thì có thể mọi thứ đã trọn vẹn, tôi đã áy náy việc này trong nhiều năm...

Buổi chiều tôi cắm ba bông hoa hồng màu đỏ vào một bình hoa thủy tinh màu trắng mà tôi tự mua. Năm nay tôi tiến bộ hơn vì những năm trước tôi chẳng nghĩ ra việc tặng hoa cho chị váy đỏ này vào ngày 8/3. Ngoài bình hoa nhỏ, mấy nén hương nghi ngút khói thì có thêm một gói kẹo nhỏ để trên đĩa, thắp hương xong thì tôi ngồi một mình bên bờ ao cạnh cây vối nhìn ra cánh đồng phía bên tay phải mình, gió thổi vào mát rượi, ánh mắt tôi nhìn xa xăm chẳng hiểu mình đang nghĩ gì, thoảng một chút tôi lại nhớ về lời cô giáo nói lúc buổi sáng. Ngồi một hồi, tôi nhặt vài cục đất nhỏ ném xuống ao, thở dài não nề rồi đứng dậy đi vào nhà.

Tối thứ Bảy tôi hay thức khuya xem bóng đá mặc dù chẳng hứng thú nhiều, đội bóng duy nhất mà tôi thích xem và ủng hộ trong hơn 20 năm qua là Manchester United bởi vì họ... mặc áo đỏ và do tôi xem họ đá trước tiên trên Tivi, sau này tôi thấy đội Arsenal của R9 hay Liverpool cũng áo đỏ nhưng tôi luôn thích đội đầu tiên mình xem. Cầu thủ tôi từng yêu thích là Roy Keane – Đội trưởng MU trong một thời gian dài – vì anh ta là người lãnh đạo đội bóng trên sân. Anh ta chưa hẳn là người giỏi nhất nhưng khi có anh ta ở trên sân tôi cảm thấy tin tưởng hơn, người có tầm ảnh hưởng không nhất thiết phải là người nổi bật nhất. Cuộc sống hay có những điều khó giải thích, tôi kỵ màu đỏ nhưng nhiều thứ tôi yêu thích và sử dụng lại là màu ấy.



Nửa đêm, cửa sổ lại có mấy tiếng động do đất hoặc sỏi ném vào, tôi đang nằm sấp chống cằm đọc truyện tranh thì vội ngồi dậy xỏ xép đi ra ngoài, Tivi vẫn để mở và đèn điện thì đã tắt từ lúc 10g tối để bà Già ngủ.

- Chị mới đi chơi về hay sao thế ạ?

- Đi vài nơi mới về này, kỳ này cũng kiếm được kha khá!

- Cái gì ạ? – Tôi ngẩn người ra tưởng mình nghe nhầm.

- Kiếm được tiền và vàng, bạc chứ gì nữa!

- Chị có thiếu gì mấy thứ đó đâu mà cần?!

- Ừ thì không thiếu nhưng hôm trước cho cái đám ma quỷ lang thang đi xem hội cũng vơi đi, lão quan tri huyện vì thương chị nghèo khó không có tiền để chi dùng mà phải tiêu bằng vàng lá cho nên cứ nài nỉ cầm về... – chị Ma chỉ tay về phía con ngựa chiến đang quàng hai cái bị ở hai bên – Chị nể quá nên cũng nhận, chỗ kia mang về để dùng dần và bố thí cho đám ma đói phân nửa!

- Tr...trong cái bị kia là tiền hay sao ạ?

- Tiền và vàng, thêm một ít bạc nữa!

- Không... phải là chị ...chị dọa ông ấy đấy chứ?

- Cái gì?! – chị Ma hơi cúi đầu khom người xuống nhìn tôi – Em nghĩ chị là một tên trấn lột hay sao? Đây là ông ấy biểu hiện lòng thành, em hiểu chưa?

- E... em chỉ hỏi thế thôi mà... – Tôi hơi nghiêng người về sau cười gượng.

- Hôm nay là ngày gì mà lại mua hoa thế kia?! Lại còn mua cả hoa màu đỏ nữa, cái này là hoa hồng mà?! Sao không phải là hoa cúng như mọi lần?

- Cái này... – tôi đưa tay lên gãi đầu – Hoa này dùng để tặng cho phụ nữ vào ngày 8/3 ạ!

- 8/3 à? Nay mới đầu tháng 2 cơ mà?

- À, theo Dương lịch thì hôm nay 8/3, tất cả phụ nữ trên thế giới đều được nhận hoa từ đàn ông ạ!

Chị Ma xoay sang nhìn tôi từ đầu đến chân một lượt rồi hỏi.

- Đàn ông đâu???

- Em... thì em cũng là con trai! Rồi sẽ là đàn ông, bây giờ tập dần...

- Đàn ông không ai thấp như này đâu, trẻ con mà bày đặt làm người lớn!

- Em...em tặng cho nhiều người mà! Chỉ là muốn cảm ơn thôi, chị giúp em nhiều nên em tặng riêng chị hẳn 3 bông!

- Thế con bé lớp phó gì đấy được mấy bông?

- Em không dám tặng nó! Tặng thế bọn con trai và đám con gái sẽ trêu cả năm đấy! Em không dám!

- Ừ... cũng không nên tặng cho nó, dù sao duyên số cũng không thành vợ chồng được thì nên để dành tiền mà mua kẹo ăn... – trên tay chị Ma là mấy bông hồng tôi cúng lúc chiều - Chị được nhiều nhất hả?

Tôi gật đầu không nói.

- Đúng, chị phải được nhiều nhất vì chị đẹp, cái trò tặng hoa này có phải mới xuất hiện gần đây không? Trước đây chị không thấy có.

- Mấy năm gần đây ạ, em thấy bảo là có nguồn gốc từ Châu Âu.

- Ở đâu?

- Châu Âu ạ!

- Chị không biết chỗ đấy!

- Em cũng không biết, nghe nói phải đi máy bay mấy ngày mới tới nên cũng không gần.

- Máy bay? À, chim sắt, rồi, chị có nghe kể nhưng không đi nhanh bằng ngựa chiến được đâu!

- Dạ... – Tôi làm sao biết con ngựa của chị ấy chạy nhanh cỡ nào?! Máy bay dân dụng thì 1000km/h.

Chị Ma quay lại ra hiệu cho con ngựa, nó lập tức đi vài bước rồi biến mất, chắc là đi cất cái đống tiền vàng vừa được ông quan huyện tặng cho đây mà.

- Thằng tướng bại trận Triệu Đạt chả hiểu nó trốn đi đâu cùng đám thuộc hạ thân tín hơn chục đứa, thằng này mưu mô xảo quyệt! – chị Ma đổi chủ đề – Ai đó đã bày cho nó làm kết giới rồi bây giờ lại lặn một hơi không thấy bóng chim tăm cá.

- Chắc ông ấy sợ nên bỏ đi rồi...

- Bỏ đi thế nào được?! Chị đang tìm cách vào được nơi chôn xác của nó trước đây, phải tìm cách đào tung mả của nó lên thì nó mới hết chỗ ở, cho nó lang thang đầu đường xó chợ. Chị đây có thù với quân nhà Minh nên phải báo!

Tôi im lặng nghe bởi vì bản thân tôi không muốn tham gia vào mấy việc thù oán cá nhân, thêm nữa biết mình tài hèn sức mọn thì tốt nhất nên biết thân biết phận.

- Việc đốt phá miếu Xã Thần xem như là chìm, chẳng tìm được ai là thủ phạm. thằng Chuông kia thì bị đánh cho 100 trượng vì tội vu cáo láo chắc bây giờ vẫn phải nằm sấp chưa lết đi đâu được, đáng đời! - chị Ma kể cho tôi nghe – Mà em cũng thật biết lựa lúc đấy! Một tháng bổng lộc của tay Bách Hộ đã được gửi đến các cụ Tổ tiên nhà em rồi!

- Em... Chỉ là em tiện miệng thôi mà!

- Tiện miệng? – Chị Ma cười. – Một tháng bổng lộc của tay ấy cũng khá đấy nhưng mà rồi sẽ lại phiền phức cho em...

- Sa...sao thế ạ? – Tôi giật mình.

- Không nói trước được!



- Mà em thấy cái ông Bách Hộ đó nhìn mặt quen quen, không hiểu em đã gặp ở đâu hay là từng gặp con cháu ông ấy.

- Có thể là em từng gặp con cháu của ông ta. Mà em đi ngủ sớm đi! Mai là sinh thần nếu tiện thì chị gặp em, em lấy một ít vàng dùng tạm nhé?

- À thôi... Em cảm ơn chị, em còn tiền mà! – Tôi vội xua tay.

- Chị đi nhé! – chị Ma bước đi được vài bước thì quay lại nói thêm – Hoa này đẹp đấy, lại thơm nữa, thi thoảng mua làm hoa cúng cũng tốt!

Tôi trở vào nhà và tắt Tivi đi ngủ, trước khi chìm vào giấc ngủ sâu, tôi mở mắt ra như vừa nhớ được điều gì...

"Đúng rồi! Thằng ôn con bán pháo cho mình có nét rất giống ông Bách Hộ võ quan, chả lẽ nó là cháu chắt của ông ấy?"

Tôi lẩm bẩm một mình và vô thức cười rồi chìm vào giấc ngủ, loanh quanh toàn gặp người quen cả, có thể trái đất không tròn mà do huyện nhà quá chật.

- Dậy! Này, dậy!

Đang ngủ ngon lành thì tôi bị gọi dậy, cái cây quạt màu xanh vẫn thổi vù vù, tôi dụi mắt và nhăn mặt nhìn một người trạc tuổi tôi đang đứng ngay cạnh tấm phản gỗ lim, nhìn người này cũng thấp ngang ngang tôi nhưng đầu cắt tóc ngắn, cởi trần với nước da hơi ngăm đen cứng cỏi, tôi chút xíu thì nhầm với thằng L.

- Dậy chưa? – Người lạ hỏi tôi.

- Bạn... có việc gì thế bạn? – Tôi hỏi.

- Bạn?

Nghe người đó hỏi lại tôi với ánh mắt ngạc nhiên là tôi giật mình.

"Thôi bỏ mẹ rồi! Lại ai nữa đây?!"

Tôi nghĩ thầm trong đầu và nảy số rất nhanh, phải mau mồm mau miệng chứ không lại bị ăn tát, mà không, người này chắc không tát mình đâu, có vẻ sẽ đấm mình.

- Dạ thưa, không biết ngài đây là ai ạ?

- Ngài?! Tiên sư bố nhà mày! Gọi tao là ngài làm gì!?

- Dạ... – Tôi cười cầu tài trong khi vẫn ngồi trên phản. – Dạ thưa, không biết đây là cụ, kị, ông hay là... hay là ai ạ?

- Tao hả, tao là ông mãnh của nhà mày!

- Ông mãnh?! – tôi giật mình, hết bà cô giờ lại đến ông mãnh, tôi nuốt nước bọt đánh ực một cái. Tôi nghĩ lại cảnh mình nửa đêm đi nhổ cỏ mà hãi – À, à vâng ạ! Cháu thưa ông mãnh!

Tôi vội vàng nhảy xuống đất, hai tay xoa xoa vào nhau, dáng vẻ tôi nghĩ là rất hèn mọn, khúm núm.

- Thưa... thưa ông mãnh, là do cháu không biết ạ, cháu mong ông bỏ quá cho!

- Mày lắm chuyện thế! Lại tao hỏi!

Tôi đi lại gần, rõ ràng người này cũng chỉ cao bằng tôi mà thôi, cởi trần mặc một cái quần dải rút bằng vải màu tối, ống quần xắn một bên cao một bên thấp, bộ dạng thì cũng gầy gầy như tôi nhưng kiểu nói chuyện thì có vẻ bề trên thật sự.

- Tuần trước tao có nhận được một ít tiền, nghe các cụ nói là do công lao của mày và mày đã gửi cho mỗi người một ít có đúng không?

- Dạ vâng ạ, thưa ông mãnh, quả thật là cháu có làm như thế ạ!

- Tốt! Mày còn nhỏ lại là bậc con cháu nhiều đời mà còn nhớ đến ân đức của tổ tiên như thế là tốt đấy! Nhớ phát huy nhá!

- Vâng, vâng ạ... Cháu sẽ cố gắng hết sức!

- Thế mày còn tiền không?

- Dạ?! – tôi ngẩng đầu lên nhìn ông mãnh nhà mình, mắt tôi mở to chớp chớp, ồ, nhìn cũng cũng nét giống ảnh thờ của ông nội tôi đấy chứ – Ông mãnh bảo sao ạ?

- Tao hỏi mày còn tiền không?

- Dạ còn, dạ còn! – tôi liền gật đầu – Cháu còn tiền mặt cũng một ít chắc đủ để ông dùng ạ!

- Tao cần tiền để tiêu ở dưới chỗ tao cơ, tiền của mày tao không tiêu được. Hôm rồi hội làng tao nhỡ tay thua hết chỗ bạc mày gửi cho vào cái đám Thò lò, mày xem thế nào gửi thêm cho tao một tí, có gì tao phù hộ cho, được không?

- Cháu nào dám đòi hỏi gì ạ, ông mãnh cần là cháu gửi mà! Cháu xin hỏi tên ông để nhờ vả người ta ạ?

- Thật ngại quá... Tao là bậc cha ông mà chẳng cho mày lại đi xin mày tiền, nhưng thôi... Cơm đâu cũng gạo nhà này. Tao tên tự là Tr. T..

- Vâng, cháu... cháu đã nhớ, là cụ Tr. T ạ!

- Gửi sớm nhá! Đầu Xuân hội hè nhiều nên đi lại cũng tốn kém. Mày gửi cho tao mày không phải lo, chỉ một loáng là tao thắng, có tiền là tao ăn sạch cả làng luôn! Mày muốn tao phù hộ cho cái gì nào?

- Dạ, thưa ông... thưa cụ... Con cháu báo hiếu là lẽ thường ạ! Cháu không đòi hỏi gì!

- Tao biết ngay! Tao đã nói rồi! Mả nhà này nhất định là đã táng vào chỗ tốt nên có đứa chắt đích tôn có hiếu... – ông mãnh xoa tay điệu bộ hài lòng – Thế nhá!

Ông mãnh vừa biến mất thì tôi choàng tỉnh giấc, ngoài trời vẫn tối đen và chưa đến lúc gà gáy sáng.