Xuyên Thành Thái Tử Phi Bị Mất Nước

Chương 288



Tin Vũ Đế báo mộng, thái tử mang kích ra khỏi lăng được truyền đi, những tin đồn khí số Đại Sở đã hết cũng lập tức biến mất.

Vũ Gia Đế chính là vị thần mà bách tính và triều đình cùng tô tạo nên trong mấy trăm năm, ảnh hưởng của ngài đối với dân chúng chắc chắn không dễ dàng bị xóa bỏ trước những lời đồn đại nhảm nhí được.

Bách tính vừa nghe thái tử cầm cây kích của Vũ Gia Đế lên chiến trường giết giặc thì lập tức đồn thổi, biến cây kích trở thành vật thần kỳ.

Cái gì mà những vong hồn chết dưới cây kích đều bám trên đó, nếu bị cây kích đâm trúng thì hồn phách sẽ bị chúng xé nát, không có cơ hội được sống.

Thậm chí có người còn đồn quá hơn, nói thái tử vào hoàng lăng không phải chỉ để lấy cây kích mà còn dâng hương cầu tổ tiên, thỉnh âm binh trong hoàng lăng, muốn mượn âm binh phục quốc.

Trí tưởng tượng của bách tính quá phong phú là vì người xưa vốn kính sợ quỷ thần, lúc Sở Dương Đế tại vị còn gióng trống khua chiêng cầu phép trường sinh, có một dạo hoàng cung đầy ắp các đạo sĩ, Trương thiên sư của đạo Thái Bình còn được phong làm quốc sư, vô cùng vinh hãnh.

Địa vị của những đạo sĩ trong dân gian cũng theo đó được nâng cao, không ít bách tính khi con nít trong nhà bị bệnh cũng không chịu dẫn đến đại phu khám bệnh mà lại đi tìm những thiên sư, đạo trưởng để xin chén nước bùa cho con uống.

Sau này chiến tranh loạn lạc, bách tính phát hiện cầu thần bái phật đều vô ích nên mới dần nhận ra khi đói cần lương thực, khi bệnh cần uống thuốc, đó mới là thực tế. Tuy nhiên việc kính sợ quỷ thần đã ăn sâu vào cốt tủy, khó mà xóa bỏ được.

Trong trận chiến dư luận này, Đại Sở coi như thắng một ván rất đẹp.

Nhưng rồi không biết từ đâu lại xuất hiện tin đồn rằng cây kích mà thái tử lấy từ trong lăng Vũ Gia Đế ra là giả, vì cây kích thật bằng sắt đen nặng hơn một trăm tám mươi cân, thái tử không cách nào nhấc nổi.

Lúc ấy có hơn một vạn tướng sĩ chứng kiến, trong đó không ít người còn đích thân lên thử kích, đương nhiên biết nó nặng cỡ nào, làm sao họ có thể chịu được việc nghe người ta bôi bẩn thái tử vậy được.

Trong quán trà quán rượu, hễ có ai nói cây kích của Sở Thừa Tắc là giả thì lập tức có binh lính vỗ bàn đứng lên quát: “Câm mẹ mày đi! Hôm điện hạ lấy kích, ông đây đứng ngay dưới đài, có mấy vị tướng quân lên thử kích, ai nấy đều chật vật, suýt nữa không nhấc nổi.”

Nhất thời, cảnh tượng bên này nói bậy, bên kia đính chính thay cho Sở Thừa Tắc tràn ngập phố, thậm chí có nhiều lúc hai bên còn choảng nhau.

Tin tức truyền đến tai Tống Hạc Khanh, ông rầu đến nỗi cả đêm mất ngủ.

Biết Sở Thừa Tắc đã cầm cây kích thật, sợ cây kích giả bị người ta nhìn thấy sinh chuyện không hay nên vừa ra khỏi Long cốt Sơn, ông bèn sai người tìm một cửa hàng rèn của quan phủ, nung chảy cây kích giả đi.

Các tướng sĩ đi theo là người của mình, sắt do quan phủ lũng đoạn, cửa hàng rèn đúc và nung chảy cây kích đều là của quan phủ, không thể lọt ra ngoài mới đúng.

Ông ngẫm nghĩ cả đêm, muốn biết rốt cuộc tin lọt ra từ đâu.

Cuối cùng mọi nghi ngờ đều dồn vào Đổng Thành.

Trước đó ông cứ tưởng Sở Thừa Tắc tìm mấy người Đổng Thành đóng kịch, sau đó biết không phải thì hành vi hùng hổ lấn tới của Đổng Thành trở nên rất đáng ngờ.

Hôm sau, trước khi đến nha môn, Tống Hạc Khanh vội truy hỏi những binh sĩ hộ tống cây kích, được biết trên đường đi có lúc Đổng Thành điều họ đi nơi khác thì lòng thấy nặng trĩu.

Lúc đó Đổng Thành đòi lên đài thử kích, rõ ràng là vì cho rằng cây kích Sở Thừa Tắc cầm là giả, lẽ nào thật sự là do hắn truyền đi?

Nhưng sau đó chính hắn cũng đã thử qua mà?