Xuyên Thành Chị Dâu Của Nữ Chính Trong Truyện Ngược

Chương 91



Editor: Gà

“Người đi đi, người đi đi, đừng bao giờ tới đây nữa!” Đứa nhỏ quay phắt lưng lại, mập mạp như một củ cà rốt nhỏ.

Từ Yến Chu không hề có ý định này, đây vốn dĩ chỉ là giấc mộng, làm sao có thể bắt nó đọc sách, cho dù sau này cũng phải chờ đủ ba tuổi mới cho học vỡ lòng.

Chàng mềm giọng giải thích: “Nguyên Nguyên, không ép con đọc sách mà muốn con chọn một cái tên.”

Vành tai Nguyên Nguyên nhúc nhích, sau đó quay đầu lại hỏi: “Tên con là Viên Viên?*”

(*) Nguyên Nguyên 元元 (mở đầu, đứng đầu), Viên Viên 圆圆 (Tròn), cả hai chữ đều được phát âm là [yuán] nên bé Nguyên mới hiểu lầm.

Từ Yến Chu gật đầu: “Đây là nhũ danh của con, còn đại danh thì chờ đến lúc cập quan sẽ được đặt sau.”

Nguyên Nguyên: “Quá tròn, người ta nghe xong sẽ cảm thấy con rất béo, nhưng rõ ràng con rất gầy.”

Từ Yến Chu: “…”

Có lẽ từ trong bụng mẹ đứa nhỏ đã được ăn ngon nên không gầy một chút nào, trông như một gốc cây nhỏ nhưng rất đáng yêu.

Từ Yến Chu lại tiếp tục giải thích: “Không phải chữ tròn đó, mà là Nguyên Nguyên trong thủy chung đích nguyên.”

“Nguyên Nguyên trong thủy chung đích nguyên là chữ Nguyên nào?”

Đứa nhỏ chưa từng đọc sách nên không biết mặt chữ, cũng không biết thơ ca.

Từ Yến Chu nhặt một nhánh cây, viết câu thơ xuống mặt đất: “Chính là chữ Nguyên này.”

Nguyên Nguyên lại hỏi: “Rốt cuộc chữ nào?”

Từ Yến Chu: “…”



Từ Yến Chu trộm nghĩ, bản thân chàng đọc sách không tốt, không thể yêu cầu đứa nhỏ đọc sách giỏi, bèn dịu dàng nhỏ nhẹ nói: “Hai chữ đầu là Nguyên.”

“Đây là tên mà ta và nương của con đã đặt cho con…”

Lúc này trên mặt Nguyên Nguyên mới lộ ra ý cười, khuôn mặt nhỏ nhắn đỏ bừng: “Nương đặt ư, sao người không nói sớm, tên Nguyên Nguyên thật dễ nghe, tên con Nguyên Nguyên.”

“…”

Nguyên Nguyên tỉnh táo lại hỏi: “Con đã có tên, người còn mang sách đến đây làm gì?”

Từ Yến Chu hít sâu một hơi: “Nguyên Nguyên chỉ là nhũ danh, chưa có đại danh.”

“Con muốn nương đặt tên cơ!”

“Con ăn nhiều quá, nương mang thai con rất vất vả, tự đặt tên sẽ không làm phiền đến nàng, con xem đi, thích tên gì?” Từ Yến Chu mở sách ra.

“Con thích tên nào cũng được ư?” Nguyên Nguyên hỏi: “Vậy con sẽ chọn.”

Từ Yến Chu đồng ý: “Chọn đi.”

Sách chàng mang đến là Kinh Thi và Sở Từ, vừa hay vừa sâu sắc, dù đặt tên thế nào nghe cũng tốt.

Nhắm mắt chọn bừa một cái tên thôi cũng dễ nghe.

Toàn bộ đều đen như mực, Nguyên Nguyên một chữ cũng không biết, vươn tay chỉ vào hàng chữ lớn nói: “Phụ thân, đây là tên con.”

Từ Yến Chu cúi đầu nhìn, Nguyên Nguyên chỉ vào câu – bỉ truất giả bồng, nhất phát ngũ trư, vu ta hồ sô ngu!*

(*) Một bài thơ trong Kinh Thi

Từ Yến Chu ngây người: “Con muốn chọn chữ nào?”

Nguyên Nguyên chìa tay ra bắt đầu đếm, nhưng vẫn không đếm được có bao nhiêu chữ bèn nói: “Chọn hết!”

Từ Yến Chu nhức đầu: “Không thể chọn hết, chỉ được chọn một chữ.”

Nguyên Nguyên ngẩng đầu nhỏ thắc mắc: “Vì sao?”

Từ Yến Chu: “…Không vì sao hết, mỗi người chỉ được chọn một tên.”

“Vậy con chọn cái này.” Nguyên Nguyên chỉ vào chữ “豵” rồi nói.

(豵: trư – lợn, heo)

Từ Yến Chu cũng không nhớ rõ chữ này, tương lai phải gọi nhi tử thế nào? Lại nói, nhiều nét như vậy về sau đi thi người khác đã viết xong đáp án, hắn đến cái tên còn chưa viết xong.

“Không được, chữ này quá nhiều nét.”

“Người như vậy là sao, rốt cuộc là con hay người đặt tên, nếu nghĩ ra được thì người tự đặt đi.” Nguyên Nguyên hé ra khuôn mặt nhỏ nhắn nghiêm nghị.

Từ Yến Chu bó tay hoàn toàn, dẫu Nguyên Nguyên tự mình chọn cũng không thể mù quáng chọn bừa.

Chàng lại gọi: “Nguyên Nguyên.”

“Bằng không gọi con là phụ thân cho xong, không lấy được hai chữ thì lấy một chữ, gọi con là cha*.” Nguyên Nguyên xua tay quyết định, tên bé sẽ là ‘cha’.

(*) Chữ phụ thân 爹爹 [diē·die] cha; ba; bố; phụ thân; tía

Còn nói: “Người thân gọi nhũ danh còn những người khác sẽ gọi đại danh, tất cả đều gọi con là ‘cha’.”

Từ Yến Chu tét mông thằng nhỏ một cái, xong xuôi vẫn cảm thấy mình xuống tay quá nhẹ.

Choàng tỉnh khỏi giấc mộng, đại não Từ Yến Chu ong ong đau nhức, vẫn nhớ như in nội dung giấc mơ, chàng vội đi đến giá sách mở cuốn Kinh Thi tra nghĩa của chữ “豵” xem là gì.

Từ Yến Chu: “…”

Nghĩa là con lợn.

Suy sụp ngồi trên ghế thở dài, may mà chàng không đồng ý.



Ban ngày, xử lý xong chính sự Từ Yến Chu quay về Vị Ương Cung trò chuyện cùng Cố Diệu.

Thái y vừa chẩn mạch xong, Tử Yến Chu cẩn thận hỏi han. Hết thảy đều tốt, chỉ có điều mấy ngày gần đây Cố Diệu ăn hơi nhiều, cần phải giảm bớt lượng thức ăn một chút để tránh đứa nhỏ quá lớn, không dễ sinh.

Vậy là các món điểm tâm ngọt và nước mật ong đều không còn.

Nàng thích ăn ngọt, thời điểm còn trên Ngọc Khê Sơn nàng thích ăn táo và uống nước mật ong, ngoài ra còn thích ăn dưa và nho, vì rất nhanh đói nên nàng đã ăn nhiều hơn mà không hề hay biết.

Cố Diệu chống cằm ngồi bên song cửa sổ, Từ Yến Chu vươn tay xoa đầu nàng: “Nếu không phải mang thai nàng sẽ không cần lo lắng ăn nhiều hay ít, là ta không tốt.”

Cố Diệu: “Không trách chàng, bình thường chàng ở đây còn quản lý được, chàng vừa lên triều hay đến Ngự thư phòng sẽ không ai dám quản.”

Nàng là Hoàng hậu lại đang mang thai, không ai dám nói cũng không ai dám khuyên. Chính nàng cũng không muốn tăng cân quá nhiều, nếu béo lên sẽ xấu đi, sau này nên ăn ít một chút.

Từ Yến Chu ngồi xuống bên cạnh ôm nàng vào lòng “A Diệu…Ta luôn mơ thấy đứa bé đó.”

Đã rất nhiều lần, lần đầu tiên chàng còn cố gắng nhớ rõ gương mặt đứa nhỏ, về sau số lần mơ thấy càng nhiều hơn.

Từ Yến Chu nói: “Ta mơ thấy nó tự đặt tên, cầm hai quyển sách cho nó chọn, sau đó nó tự đặt tên mình là heo.”

Cố Diệu: “…”

Từ Yến Chu còn nói: “Ta nói cái này không được, nó lại đòi gọi nó là ‘cha’, sau này ai gọi nó liền gọi nó là ‘cha’.”

“…”

Ngày nghĩ nhiều đêm sẽ nằm mơ, tối qua vừa mới nói chuyện đặt tên, Từ Yến Chu mơ thấy đứa nhỏ là chuyện bình thường.

Có điều giấc mơ này cũng quá buồn cười rồi.

Cố Diệu hồ nghi: “Sao còn nhỏ mà lắm ý đồ xấu đến thế, chẳng biết giống ai nữa.”

Từ Yến Chu ngay thẳng, Từ Ấu Vi chân thành, Từ Yến Nam thông minh đáng yêu, có lẽ chỉ trong giấc mơ của Từ Yến Chu mới dám lém lỉnh như vậy, ngày thường rất ngoan.

Từ Yến Chu: “Dù sao cũng không giống ta, ta tét mông nó, xem sau này còn dám nghĩ đến mấy chuyện xấu xa nữa không.”

Cố Diệu chưa từng mơ thấy đứa nhỏ này, bé con rất ngoan, không bao giờ náo loạn, Từ Yến Chu thường xuyên mơ thấy phải chăng vì nó thích phụ thân của mình ?

Nàng nói: “Đại danh có thể nhờ mẫu thân đặt, Ấu Vi là cô cô cũng có thể đặt một cái tên, sao lại để một đứa bé tự chọn tên chứ.”

Từ Yến Chu trầm mặc: “Ta là phụ thân, nàng là nương, chúng ta đặt là được, ta xem thêm vài cuốn sách nhất định sẽ cho con một cái tên thật hay.”

Chàng còn đảm bảo: “Yên tâm đi.”

Cố Diệu không giữ chuyện này ở trong lòng quá lâu, có câu ngày nghĩ đêm mơ, nhiều lần mơ thấy cùng một người có lẽ vì Từ Yến Chu lo lắng cho đứa nhỏ, suy nghĩ quá nhiều.

Thế nhưng đêm hôm đó, Từ Yến Chu một đêm không mộng mị, ngược lại Cố Diệu đã mơ thấy đứa nhỏ.

Đứa bé này rất giống nàng và Từ Yến Chu, nho nhỏ, chỉ cao được một khúc, đôi mắt đỏ hoe vì khóc.

Ôm đùi nàng tủi thân cáo trạng: “Mẫu thân, phụ thân đánh con đau lắm, người ôm con đi.”

Khóc đến nỗi nước mắt nước mũi tèm lem.

Cố Diệu lần đầu làm mẹ, không biết phải làm thế nào mới thành một mẫu thân tốt, nàng bế đứa nhỏ lên dỗ: “Mẫu thân xoa cho con nhé.”

Bé con chợt nhảy xuống: “Không đau nữa, con là nam tử hán, không cần mẫu thân xoa mông.”

Cố Diệu lại nói: “Nam tử hán thì không thể khóc nhè.”

“Không phải lỗi của Nguyên Nguyên, là phụ thân…Rõ ràng nói sẽ cho con tự đặt tên, nhưng đến lúc chọn được lại không cho, con nói cái gì cũng không đồng ý…” Nguyên Nguyên nhăn nhăn hai má bánh bao, trên mặt không vương một giọt lệ, tiếng sấm to mà hạt mưa thì nhỏ.

Cố Diệu an ủi nó: “Bởi vì phụ thân muốn cho con một cái tên mang ngụ ý thật hay, đọc thật dễ nghe, người làm phụ mẫu đều hy vọng con của mình sẽ ngoan ngoãn hiểu chuyện, làm phụ mẫu vốn đã rất khó, nên chàng không thể làm cha một cách tùy tiện được.”

Nguyên Nguyên chớp mắt, cái hiểu cái không.

Cố Diệu nói tiếp: “Con là một tiểu bảo bối cần phải có người thương yêu và chăm sóc.”

Nguyên Nguyên ngọt ngào nói: “Con là tâm can bảo bối của cha nương.”

Cố Diệu gật đầu.

Có điều, Từ Yến Chu cũng có điểm sai, nên giảng đạo lý cho đứa nhỏ nghe thay vì xuống tay đánh đòn.

“Con không giận đâu, phụ thân cũng vậy!” Nguyên Nguyên nhào vào ngực Cố Diệu “Con là bảo bối, người là nương của bảo bối.”

Cố Diệu tỉnh mộng, nàng nói với Từ Yến Chu: “Sinh con ra chàng không được chưa phân rõ trắng đen đã đánh nó, dù là nam hay nữ đều phải đối xử bình đẳng.”

Từ Yến Chu nói: “Đó là đương nhiên, sao nàng lại nói vậy?”

Cố Diệu đáp: “Ta mơ thấy con, còn mơ thấy gì sẽ không nói cho chàng biết.”

Từ Yến Chu muốn biết, muốn nghe: “A Diệu…”

Có phải vào trong mơ cáo trạng không? Đứa nhỏ này sao tính khí lại lớn như vậy chứ!

Cố Diệu: “Chàng thượng triều đi, đừng để chậm trễ.”

Cố Diệu trở mình đưa lưng về phía Từ Yến chu, triều chính bận rộn, thời gian trôi qua rất nhanh, khi tiết trời ấm áp hơn sẽ gieo trồng vụ xuân.

Lúa mì và đậu phộng trồng trong tướng quân phủ đã đến lúc phải thu hoạch, Cố Diệu muốn đến Yến Vương phủ một chuyến.

Quản gia vương phủ vui mừng báo cáo, hoa màu phát triển rất tốt, tuy rằng không đúng mùa nhưng tai lúa mì và hạt đậu phộng vẫn rất đầy đặn, có thể giữ lại làm giống.

Có hạt giống tốt đồng nghĩa mùa thu hoạch rất bội thu, mẫu sản ba trăm cân, sau này sẽ biến thành bốn trăm, năm trăm cân. Khi đó dân chúng không còn lo ăn lo mặc, cuộc sống trở nên thịnh vượng.

Thái y nói thai vị rất ổn định, Cố Diệu thu xếp ổn thỏa rồi ngồi xe ngựa đến Yến Vương phủ.

Từ Ấu Vi đang ở lại Vương phủ chuẩn bị xuất giá, thỉnh thoảng sẽ đến thăm hoa màu, “Tẩu tử, tẩu…Để muội đi là được rồi, thân mình tẩu không tiện.”

Cố Diệu nói: “Có gì mà không tiện, bụng vẫn chưa lớn nên ta muốn đi xem một chút, lại nói ta đâu có làm việc nặng.”

Hoa màu đang được thu hoạch, tổng cộng bốn mẫu đất, thu hoạch rất nhanh.

Cố Diệu đứng xem một lúc rồi đi vào nhà nói chuyện với Từ Ấu Vi.

Phủ công chúa sắp hoàn tất, Từ Ấu Vi luôn theo dõi sát sao, đôi khi Sở Hoài cũng đến xem, hôn kỳ đang đến gần nên hai người rất năng gặp nhau, chẳng còn ai mắt mù đến quấy rầy bọn họ, mỗi ngày trôi qua như vùi trong mật ngọt.

Từ Ấu Vi ở trong nhà tự mình thêu giá y, tiện tay may rất nhiều quần áo và giày nhí cho cháu nhỏ, cháu của nàng sinh vào thời điểm hơi nóng, vốn dĩ thời gian chẳng đợi chờ ai bao giờ nên nàng chuẩn bị luôn cả quần áo mùa hè, mùa thu và mùa đông.

Nàng lấy bộ quần áo nhỏ mà nàng đã may cho Cố Diệu xem, chiếc áo choàng màu lam thêu hình một chú hổ con, dáng điệu ngây thơ khả ái.

Còn cả gối đầu hổ và giày đầu hổ.

Cố Diệu rất yêu thích: “Thật là đẹp.”



Từ Ấu Vi: “Không cần sai tú nương làm để muội làm là được, mặc vào cũng yên tâm, nương ở trong cung và cả dì Lý nữa, không lo thiếu quần áo.”

Một mình Từ Ấu Vi đã làm rất nhiều, Cố Diệu nói: “Không cần làm nhiều như thế, một đứa trẻ sao mặc cho hết, đừng lãng phí.”

Từ Ấu Vi gật đầu, kiếm tiền không dễ, dẫu rằng bây giờ đã có tiền nhưng không nên tùy tiện hoang phí: “Tẩu tử, cho muội sờ một cái.”

Ngồi cũng không nhìn thấy, càng không sờ được gì, nhưng Từ Ấu Vi vẫn cảm nhận được trong bụng Cố Diệu đang có một đứa nhỏ.

“Muội…tẩu tử, muội muốn sinh cho Nguyên Nguyên một tiểu muội muội.” Từ Ấu Vi đỏ mặt, lớn mật nói.

Nàng sắp xuất giá, con của nàng sẽ nhỏ hơn Nguyên Nguyên, thật tuyệt nếu đó là một tiểu muội muội.

Cố Diệu gật đầu: “Vậy Nguyên Nguyên phải lớn thật nhanh mới được, che chở cho muội muội.”

Từ Ấu Vi vỗ vỗ hai má: “Tẩu tử, tẩu có cười muội chưa thành thân đã nghĩ đến chuyện này không? Vừa chẳng ra thể thống gì lại không biết xấu hổ.

Cố Diệu: “Chuyện này có là gì, vẫn chưa biết nam hay nữ, ta cũng muốn sinh một cô nương, ngoan ngoãn bám người, như vậy tốt biết bao.”

Từ Ấu Vi nhẹ nhàng thở ra, sau đó nói: “Huynh trưởng nghe xong nhất định rất vui.”

Chỉ là không biết Sở Hoài nghe thấy sẽ nghĩ gì, đêm tân hôn nàng có nên nói cho Sở Hoài biết, nàng muốn sinh một cô nương…

Từ Ấu Vi vuốt ngực, hoa màu bên ngoài đã thu hoạch xong, nhưng phải đợi nhổ đậu phộng đập lúa xong mới biết sản lượng bao nhiêu.

Cố Diệu phải về cung, Từ Yến Chu hạ triều đã tới đón.

Trên xe ngựa, Từ Yến Chu một mực truy hỏi: “Nàng đã mơ thấy gì vậy, nói cho ta biết đi.”

Cố Diệu không chịu: “Một giấc mà thôi, đâu phải là thật, nếu chàng muốn biết thì tự mình đi hỏi đi.”

“A Diệu tốt, A Diệu tốt của ta nàng nói cho ta biết đi.”

*

Tác giả có lời muốn nói. Không phải linh dị, mộng chính là nằm mơ thấy.

Đơn giản chỉ là nghĩ gì viết đó, bởi vì không biết viết một phiên ngoại đơn độc, nếu không thích đoạn này bạn có thể bỏ qua.