Xuyên Qua Làm Nhân Vật Quần Chúng, Vô Tình Dạy Một Đám Đồ Đệ Thành Thánh Nhân

Chương 33: Trư Đế - Dực



Nguyễn Đông Thanh hít sâu một hơi, nhặt đôi đũa lên, cười:

“Thứ lỗi. Ban nãy nghe tướng quân nói về đương triều thánh thượng, bỗng nhiên nhớ đến một người quen thôi.”

Vừa nói, gã vừa chửi bậy.

Đã tên Húy là Dực, lại còn bị người trong thiên hạ gọi là vua lợn, chẳng có nhẽ một trong hai vị hôn quân nổi tiếng Hậu Lê – vua lợn Lê Tương Dực Lê Oanh xuyên không đến đây, hồn nhập vào vị thánh thượng bây giờ?

“Không sao. Không sao. Tiên sinh nếu như có chuyện cần đến xin cứ đến phủ thành chủ báo một tiếng. Bản tướng tuy cũng chỉ là một tổng binh giữ ải, song vẫn có một chút quan hệ, của cải nhân mã trong tay cũng đủ dùng.”

Vũ Tùng Lâm xoa tay vào nhau, nói.

Nguyễn Đông Thanh đưa đũa gắp một ít đồ ăn, lại hỏi:

“Đúng rồi, còn chưa hỏi tướng quân, chẳng nhẽ không tham gia không được hay sao? Hoặc giả, cứ như bình thường, chọn một món ngon tiến cống là được?”

Gã hơi có điều không hiểu.

Hơn một năm qua sống ở núi vô danh, lại thêm bây giờ có công ăn việc làm phải thường xuyên vào ải, gã cũng đại khái biết Vũ Tùng Lâm là người thế nào. Công chính, vô tư, tuy hơi cứng nhắc, nhưng quả thực yêu dân như con, cho dù là ở địa cầu cũng là bậc quan phụ mẫu gương mẫu hiếm có, càng huống chi ở thế giới tu hành tàn khốc như Huyền Hoàng giới.

Người như Vũ Tùng Lâm, ắt hẳn sẽ thấy chuyện này cực kỳ vô bổ, cho dù có loay hoay tìm sơn trân hải vị để tiến cống thì cũng làm một cách cực kỳ khiên cưỡng, gượng ép mới phải. Thế nhưng lão lại hồ hởi tham gia như thế, sự tình ắt hẳn còn phải có uẩn khúc gì đây.

Vũ Tùng Lâm cười khổ, nói:

“Không dám giấu tiên sinh. Đương triều thánh thượng sử dụng thọ thần của mình để ban phát vật tư, quân dụng. Nơi đâu được lòng thánh thượng thì được cho một khoản lớn, còn chốn nào làm không tốt, bị thánh thượng ghét bỏ, thì chỉ có thể vét máng ăn cặn. Ải Quan Lâm là nơi nghèo, mấy năm nay liên tục đứng hạng bét, quả thực là sơn cùng thủy tận, giật gấu vá vai.”

Nguyễn Đông Thanh trợn mắt, cũng không biết phải nói thế nào về cái vị Trư Đế tên Dực này nữa.

Cũng may tổng binh trấn thủ là Vũ Tùng Lâm, nếu như đổi lại một ai khác, chịu phải đãi ngộ thế này, e là đã soạn sẵn chiếu cáo quan về quê rồi.

Nguyễn Đông Thanh trao đổi với Vũ Tùng Lâm suốt một buổi chiều, cuối cùng gã quyết định học theo Lang Liêu, lấy cái “mới lạ” để thắng cái “quý giá”. Đầu tiên nghĩ ra một món ăn Huyền Hoàng giới chưa từng có, sau đó dựa vào kỹ thuật điêu luyện để bù đắp thiếu sót về nguyên vật liệu.

Có điều... chọn món gì để tham dự thì gã vẫn chưa nghĩ ra.

Vũ Tùng Lâm thấy trời đã chuyển muộn, cuối cùng không ở lại làm phiền Đông Thanh nữa, vội vàng đi về phủ thành chủ. Nguyễn Đông Thanh ra khỏi thành, đánh xe bò lọc cọc quay về Lão Thụ cổ viện.

Dọc đường, gã vẫn mải mê suy nghĩ xem làm món ăn gì thì phù hợp, chẳng chú ý gì đến xung quanh.

Bấy giờ, mặt trời đã sớm lặn hẳn xuống chân trời, đám tội dân sống ngoài thành cũng lục tục chui vào những hầm đất, lều đất tìm chỗ náu mình qua đêm, co cụm cùng nhau tránh khỏi đám yêu thú trong rừng trúc. Cả con đường độc đạo, duy chỉ có độc một cỗ xe bò kéo cứ thủng thẳng tiến lên trong ánh trăng bàng bạc và tiếng gió hiu hiu thổi ngày cuối thu.

Chợt, Nguyễn Đông Thanh giật mình tỉnh lại khỏi dòng suy nghĩ, ngờ vực nhìn về phía trước.

Trước mặt hắn, đã không còn thấy ngọn núi vô danh với rừng trúc xanh biếc đâu nữa. Vầng trăng giờ đây nhuộm đỏ như máu, treo lủng lẳng giữa biển mây trên trời. Chờ đợi Nguyễn Đông Thanh nơi cuối con đường là một dòng sông nhỏ, hai bên bờ cỏ lau mọc um tùm. Một cái cầu đá bắc ngang qua dòng nước chính đang bốc lên từng hơi khí lạnh, thỉnh thoảng trong tiếng gió lại xen lẫn vài âm thanh rên xiết não nề.

Đứng giữa cầu, trên tay cầm đèn lồng, quay lưng về phía Nguyễn Đông Thanh là một bóng áo đỏ thướt tha, mái tóc đen tuyền phủ xuống tận thắt lưng ong trông ma mị và bí hiểm.

Gặp ma!

Nguyễn Đông Thanh chỉ thấy sống lưng ớn lạnh.



Hơn một năm qua sống ở Huyền Hoàng giới, đây không phải lần đầu tiên gã bị ma trêu. Thế nhưng, những lần trước chủ yếu là dứt tóc bứt râu, hoặc lấy đồ vật của gã đưa lên đặt xuống mà thôi. Hầu hết là những trò đùa trêu vô hại, mỗi lần gã tỏ ra khó chịu, là những hồn ma này lại thôi.

Lần này xem chừng không giống.

Ma nữ này vừa hiện lên, đã có thể khiến sắc trời biến đổi, quang cảnh di dời, quả thực không phải những con tiểu yêu tiểu quái gã từng gặp có thể so sánh.

Ả ta đứng trên cầu, gió thổi phần phật, nước dưới chân cầu chồm lên sủi bọt đục ngầu như mùa lũ, thế nhưng y áo tóc tai ả vẫn im lìm bất động. Ánh sáng từ ngọn đèn lồng soi xuống mặt nước, làm lộ ra từng đoạn xương trắng hếu gai người nơi đáy sông.

Nguyễn Đông Thanh đánh bạo, ra roi giục bò tiến tới.

Lúc thấy con bò vàng già ì oạch cất bước, hắn mới yên tâm phần nào.

Con bò già này tuy chỉ kéo được xe, không đủ khỏe để kéo cày nữa, nhưng dường như có trực giác rất mạnh, có thể đánh hơi được trước nguy hiểm. Cứ mỗi lần sắp có chuyện, thì mặc cho Nguyễn Đông Thanh có đẩy có thúc thế nào nó cũng nhất quyết không di chuyển một bước. Lần nào cũng nhờ nó mà tránh được kiếp nạn, nên Đông Thanh rất tin tưởng nó. Đây cũng là nguyên do dù cho có tiền, hắn cũng không thèm mua ngựa cưỡi, nhất quyết cứ dùng xe bò túc tắc đi đi về về giữa Lão Thụ cổ viện và ải Quan Lâm.

Giờ đây, còn bò thế mà chịu đi về phía ma nữ, hắn mới yên tâm phần nào.

Ma nữ ngoái đầu, nhìn về phía Nguyễn Đông Thanh. Một nửa bên mặt dưới của cô ta hoàn toàn chỉ là xương xẩu trắng nhởn, nửa trên thì đỡ hơn, vẫn còn có thịt dính vào, nhưng chẳng khiến cô ta trông bớt đáng sợ đi tí nào.

Nguyễn Đông Thanh đến trước chân cầu, chắp tay:

“Dám hỏi vị nương tử phía trước vì sao còn chưa đi đầu thai, đêm hôm sao lại hiện lên? Tại hạ tự nhận mình và nương tử trước không có oán dương, sau không có thù âm, hà cớ gì phải dọa nhau như thế?”

Hắn chờ một lúc, ma nữ mới đáp bằng cái giọng đều đều:

“Tiểu nữ lỗ mãng, dọa đến tiên sinh, xin chớ trách tội. Tiểu nữ nằm dưới nấm mồ hoang ngót đã bảy mươi mùa hoa rụng, ngày trước nghe được có người ngâm thơ, rằng:

‘Vị đình cố hựu tảo lâm hành,

Thử xứ tiền niên lịch chiến tranh.

Bách tuế di hài tiềm thổ lý,

Thiên thu bích thảo chấn oan thanh.

Hữu linh cung vọng âm phù sự,

Dị kiến bình an dương báo thành.

Hải khẩu phi dao tu vật khứ,

Đồ vương ác thậm cổ nan canh.’

Không biết có phải ý ngọc lời vàng của tiên sinh hay chăng?”

Nguyễn Đông Thanh há hốc miệng, mặt đỏ tái, lắc đầu:

“Nương tử hiểu nhầm. Thơ này tuyệt nhiên không phải sở tác của tại hạ, chỉ là mượn của tiền nhân tặng cho mảnh chiến trường đây mà thôi.”

“Tiểu nữ phận bạc, không dám cầu gì xa xôi, chỉ xin tiên sinh ban cho mấy lời thơ, những để quang vinh đi tiếp một bước, xuống cửu tuyền có mặt mũi gặp tổ tiên. Nếu có kiếp sau, nguyện xin kết cỏ ngậm vành, làm thân trâu ngựa báo đáp.”

Nguyễn Đông Thanh cười:



“Chuyện làm thân trâu ngựa xin miễn cho, vì nương tử thiếu nợ ông Ức Trai chứ chẳng phải tại hạ.”

Vừa nói, hắn vừa nghĩ bụng, chẳng có nhẽ mình xấu trai đến thế?

Khi trước ở địa cầu, người ta vẫn đùa nhau rằng trên phim khi anh hùng cứu mỹ nhân, nếu anh hùng điển trai thì mỹ nhân ắt nói “lấy thân báo đáp”, nhược bằng anh hùng trông như đấm vào mắt thiên hạ thì cô gái ắt sẽ uyển chuyển nói rằng: “làm thân trâu ngựa”.

Nói đoạn, Nguyễn Đông Thanh hít sâu một hơi, đọc:

“Mãn giang hà xứ hưởng đông đinh,

Dạ nguyệt thiên kinh cửu khách tình.

Nhất chủng Tiêu quan chinh phụ oán,

Tổng tương ly hận nhập thu thanh.”

(Nghĩa là:

Từ đâu vẳng đến khắp sông tiếng nện thình thình?

Trong đêm qua làm kinh động lòng khách trú lâu ngày ở đây

(Như) một nỗi ta thán của người chinh phụ có chồng đang ở chốn Tiêu quan (1)

Cả một niềm ly hận như thấm vào tiếng thu.

Tiêu quan:

Tên một cửa ải xa xôi hiểm trở tại Quan Trung phía bắc Trung Quốc. Các đời Đường, Tống xây đồn luỹ ở đây để chống người Thổ Phồn.)

Đọc xong, gã lại khịt mũi, thầm nghĩ:

“Lần này trước khi đọc thơ, mình có nói cả tên tác giả đầy đủ ra rồi, chắc người ta sẽ không nhầm lẫn nữa.”

Nguyễn Đông Thanh không hề để ý, rằng ngay lúc hắn đọc thơ, con bò đang kéo xe bỗng dưng ngoắt đuôi, hai tai vãy vãy theo một nhịp điệu quái lạ nào đó.

oOo

Bạch Vũ Ngưng ngây ngốc nhìn thân thể hư ảo của mình.

Thơ vừa đọc xong, hồn phách tưởng chừng sắp tan thành tro bụi của nàng thế mà nháy mắt đã hồi phục, thậm chí còn có dấu hiệu hồn phách lột xác, trở thành bất diệt.

Ma quỷ muốn vào Vụ Hải, ắt phải có linh hồn bất diệt mới được.

Lần trước, nàng ta bị phong dưới mộ, thần trí mơ hồ, chính bài thơ Linh Giang Tảo Độ Nguyễn Đông Thanh đọc trợ giúp nàng ta tỉnh lại, cuối cùng phá được phong ấn. Thế nhưng ba hồn bảy vía khi đó cực kỳ suy yếu, không dám vào luân hồi, nếu không chắc chắn hồn bay phách tán.

Lần này, vốn dĩ Bạch Vũ Ngưng chỉ hi vọng Nguyễn Đông Thanh ban cho một bài thơ, củng cố hồn phách, tiện vào luân hồi. Nào ngờ được một bài thơ, ban cho cơ duyên sâu dày, thậm chí có cơ hội đạp vào Vụ Hải, lấy lại tu vi lúc sinh tiền.

Nàng ta sở dĩ có thể tạo ra ảo cảnh, thuần túy là vì tu vi khi còn sống cao thâm. Có câu “lạc đà gầy còn hơn ngựa béo”, người như Bạch Vũ Ngưng, cho dù linh hồn trọng thương thì cũng không phải cô hồn dã quỷ bình thường có thể so sánh được.