Xuyên Qua Làm Nhân Vật Quần Chúng, Vô Tình Dạy Một Đám Đồ Đệ Thành Thánh Nhân

Chương 166: Thái Tử Và Thái Giám



Hồ Ma Huyền Nguyệt và Lý Huyền Cơ nghĩ nửa ngày cũng không tài nào lý giải được hành động quái gở của Bích Mặc tiên sinh, chỉ đành lắc đầu nghĩ bụng “lấy bất biến ứng vạn biến”. Hiện tại hai người bọn họ tự mình mở miệng mời chào, đâm lao thì phải theo lao, cho dù có là lấy đá tự đập vào chân mình thì cũng chỉ có cách cười gượng nén đau, ngậm bồ hòn làm ngọt mà thôi.

Hồ Ma Huyền Nguyệt hắng giọng:

“Chuyện ấy tạm gác qua một bên. Hiện tại chúng ta đã lỡ làm thì phải làm cho chót. Nói thực với trưởng lão là tiểu nữ vẫn chưa nghĩ ra nên giao chức trách gì cho Bích Mặc tiên sinh thì phù hợp, không biết ngài có cao kiến gì chăng?”

Lý Huyền Cơ vuốt chòm râu, lim dim mắt, thỉnh thoảng mày lại nhăn một cái.

Hồ Ma Huyền Nguyệt cũng chống cằm, vẻ mặt đăm chiêm.

Đúng lúc này, bên ngoài chợt có tiếng người nói vọng vào:

“Thành chủ đại nhân!”

“Có chuyện gì?”

Hồ Ma Huyền Nguyệt đã căn dặn lính lác dưới quyền không được vào soái trướng cho dễ bề che giấu hành tung của Lý Huyền Cơ, thành thử cũng không trách hắn tội vô lễ. Y thị đứng thẳng dậy, vén tấm liếp che cửa ra ngoài, thì phát hiện quả có một binh sĩ đang quỳ trước cửa.

“Bẩm báo thành chủ, Vũ Tùng Lâm nói có một thái giám ở kinh thành đến Quan Lâm, hình như là hồng nhân bên cạnh Dực hoàng đế Phạm công công. Y nói muốn gặp thành chủ, có chuyện cần tuyên.”

Hồ Ma Huyền Nguyệt đảo mắt một cái.

Thân là thành chủ nhiều lần chiến thắng hội Mỹ Thực Tiến Vua, y thị đương nhiên là đã từng diện kiến lão thái giám họ Phạm này. Chẳng nói đâu xa, vừa mới hôm trước chính lão là người chạy đến thành Bạch Đế, truyền thánh chỉ của Lê Dực, đồng thời mang theo một cái túi chứa đồ đựng tất cả những gì Bích Mặc tiên sinh được ban thưởng.

Hồ Ma Huyền Nguyệt còn tưởng lão không đi chơi du ngoạn ở thành Bạch Đế một thời gian thì cũng sẽ nhanh chóng quay lại thành Cổ Long, nên cũng không chú ý đến vị Phạm công công này.

Chẳng ngờ lão ta khi không lại chạy đến ải Quan Lâm.

Hồ Ma Huyền Nguyệt đảo mắt, cười:

“Được. Vậy thì truyền lệnh của bản châu chủ tướng sĩ từ bách hộ trở lên vào thành nghênh đón công công đại giá quang lâm. Ngươi mang theo võng, tuyển một số binh sĩ khỏe mạnh đến Lão Thụ cổ viện rước Bích Mặc tiên sinh vào thành, Nhớ phải đúng quy chế phẩm hàm, không được long trọng hơn, cũng không được qua loa hơn, hiểu không?”

“Thành chủ yên tâm, thuộc hạ lĩnh mệnh.”

Người nọ chắp tay một cái, đoạn đứng phắt dậy, nhanh chóng xử lý mệnh lệnh được giao.

Chẳng mất bao lâu...

Hồ Ma Huyền Nguyệt, Vũ Tùng Lâm, Nguyễn Đông Thanh đã cùng ngồi trong tướng quân phủ, uống trà nói chuyện, chỉ chờ vị Phạm công công xuất hiện mà thôi.

“Tiên sinh lần này quang tông diệu tổ, thăng quan tiến tước, thật là chuyện đáng mừng. Lão phu xin lấy trà thay rượu chung vui với tiên sinh. Mong tiên sinh bỏ quá cho gần đây quân tình lu bu, không thể đến tận nơi chúc mừng.”

Vũ Tùng Lâm vừa nói, vừa nâng chung trà lên bằng hai tay, cười.

Nguyễn Đông Thanh nâng chén, đáp:



“Dù có thăng quan thì luận phẩm hàm tại hạ cũng vẫn là cấp dưới của tổng binh, há lại có chuyện để Vũ tướng quân đến chúc mừng được? Tấm thịnh tình của ngài Đông Thanh xin nhận.”

Gã nói xong thì cũng uống một chén.

Trà của phủ tướng quân chắc chắn là quý hơn thứ hắn vẫn dùng tiếp khách ở cổ viện, song Bích Mặc tiên sinh của chúng ta lại dốc một hơi cạn sạch như đang uống bia, xong thì chép miệng một cái.

Hồ Ma Huyền Nguyệt trợn mắt, không thể tin nổi vị tiên sinh thần bí mà cả thiên hạ đều đang dè chừng thăm dò ngồi ngay cạnh kia lại có lối uống trà quê mùa kệch cỡm như thế. Bao nhiêu bước ngắm trà, ngửi trà, phẩm trà, thưởng trà cơ hồ y đều quăng đi sạch.

Trà này cũng không phải của Vũ Tùng Lâm, mà là của Hồ Ma Huyền Nguyệt cất công mua từ tận Trà Dư Tửu Hậu của Mỹ Vị sơn trang, tên là Yên Tỏa Bích La Thanh. Tên trà này nghĩa là bao giờ trên núi sương mù chưa tan, trên cây trà cổ thụ ngàn năm tuổi mọc lên thứ tơ hồng màu xanh thì mới ngắt những búp trà xuống được.

Yên Tỏa Bích La Thanh là thứ trà thượng hạng ở Huyền Hoàng giới, giá trị cao dọa người, nổi tiếng với năm vị. Trà vào miệng là một vị, hương lan lên mũi là một vị, đầu lưỡi chạm vào là một vị, xuống cuống họng là một vị, cuối cùng hương lưu lại trong khoang miệng là một vị, tùy theo cách uống mà biến hóa. Thứ trà này giá cao dọa người, bình thường y thị cũng không dám uống nhiều, thường là lúc tiếp đón khách quý mới mang ra.

Lần này lúc đến phủ tướng quân, Hồ Ma Huyền Nguyệt cố tình mang theo một bao bảo Vũ Tùng Lâm pha một ấm, trước mời Nguyễn Đông Thanh, sau là tiếp đón Phạm công công cho chu toàn.

Giờ thì tốt.

Cách mà vị Bích Mặc tiên sinh kia uống khiến Hồ Ma Huyền Nguyệt cảm thấy chẳng khác gì lấy Đại Hồng Bào ra đãi thằng liệt lưỡi.

Đông Thanh không phải người hiểu trà, có nói hắn là cái loại mõm nhôm uống như trâu uống nước cũng chẳng quá. Bình thường hồi còn ở Địa Cầu, tuy cũng biết uống trà, pha trà, trà đạo là một loại nghệ thuật, nhưng cũng là biết để đấy thôi. Uống trà đối với hắn mà nói cũng chỉ là thứ nước giải khát thường ngày, đẩy đưa câu chuyện năm châu bốn bể với đồng nghiệp mà thôi. Thành thử, hàng ngày gã mới uống cái loại trà rẻ tiền nhất ở Quan Lâm, vì có mua trà đắt tiền, ngon hơn, quý hơn nữa hắn cũng chẳng hiểu ngon ở đâu dở chỗ nào.

Vũ Tùng Lâm cũng giật môi một cái.

Đại Việt đến tời “Nhân Tông bình thiên hạ” trọng Nho giáo, quân tử lục nghệ phổ biến rộng khắp, bát nhã cơ hồ là thú vui phổ biến của giới thanh tao, là nấc thang đánh giá văn hóa kẻ sĩ.

Ngay đến như Vũ Tùng Lâm thân là võ tướng cũng biết thổi vài bài tiêu, phá dăm thế cờ, tửu đạo trà đạo cũng bõm bẽm một hai.

Ông Bích Mặc tiên sinh kia thì tốt.

Cầm kỳ thư họa đều hỏng be bét, giờ đến trà đạo cũng nhất khiếu bất thông. Nếu không phải y liên tục thở ra danh thi tuyệt cú, khéo đến cả Vũ Tùng Lâm cũng cho rằng không phải Nguyễn Đông Thanh đang diễn trò, mà hắn vô văn hóa thật.

Nào có biết...

Bích Mặc tiên sinh xưa giờ có diễn gì đâu?

Hồ Ma Huyền Nguyệt cảm thấy cứ ngồi yên nhìn Nguyễn Đông Thanh “ngưu ẩm” hết ấm Yên Tỏa Bích La Thanh của mình thì nổi điên mất, bèn hắng giọng, nói lảng sang chuyện khác:

“Tiên sinh sao lại nói vậy? Chỉ cần tiên sinh có thể giúp bản châu chủ cáng đáng một phương thì còn lo gì không dương danh lập vạn, thăng quan tiến tước?”

Vũ Tùng Lâm mới nói:

“Vậy thì phải chúc mừng tiên sinh rồi.”

“Tiếc thật. Tiếc thật. Hồ Ma thành chủ quả thực là phúc phần tu nhiều kiếp mới đón được Bích Mặc tiên sinh rời núi, bản thái tử tự thẹn không bằng.”



Ba người ngẩng đầu, phát hiện ở cửa đã có một thanh niên tay cầm quạt xếp đang đứng, miệng nhoẻn nụ cười như gió xuân nhìn vào phòng.

Kẻ này không phải ai xa lạ - chính là đương triều thái tử Lê Tam Thành.

Nguyễn Đông Thanh trước đó từng được vị thiếu niên mời vào triều làm thầy dạy cho hoàng tử, công chúa thì gã cũng đã nghi ngờ thân phận của y không thấp.

Thế nhưng, nay được biết Lê Tam Thành là đương triều thái tử thì Bích Mặc tiên sinh của chúng ta không khỏi ngẩn người.

Hoàng đế trông thế nào cũng giống thằng nhóc mười một mười hai.

Thái tử Lê Tam Thành chạc tuổi đám đồ đệ nhà gã, chắc hẳn cũng là thanh thiếu niên mười bảy hai mươi tuổi.

Con trai già hơn cả cha?

Trong lòng thì nghĩ lung tung, nhưng chuyện lễ số ở thời phong kiến không thể thiếu được. Nguyễn Đông Thanh thấy hai vị cấp trên quỳ xuống hành lễ với Lê Tam Thành thì cũng chắp tay, nói:

“Bái kiến thái tử. Thứ cho Đông Thanh bị thương ở chân, đi lại không tiện, không thể hành đủ lễ số.”

“Lễ nghi là vật chết, sao có thể so với người sống được? Chuyện này cô không trách tiên sinh.”

Lê Tam Thành vừa cười, vừa ngồi xuống ghế chủ vị. Hồ Ma Huyền Nguyệt không chờ ra hiệu, lập tức rót trà cho y. Trà trong ấm đã bị ba người Nguyễn Đông Thanh uống được vài tuần, cũng đã nguội bớt, thế nhưng bàn tay y thị vừa chạm vào chén của Lê Tam Thành thì nước trà đã từ từ tỏa hơi nóng, hương thơm nao lòng tỏa khắp cả phòng.

Đương triều thái tử đón chung, vuốt nắp vào miệng chén mấy cái, đưa chung lên mũi ngửi một hơi, rồi mới khẽ nhấp một ngụm. Y đặt lại chén lên bàn, cười:

“Không hổ là Yên Tỏa Bích La Thanh. Trà ngon.”

Lê Tam Thành vừa nói dứt lời thì bên ngoài cửa đã truyền đến tiếng bước chân loạt xoạt. Một lão thái giám gầy gò, mặt dài như cái lưỡi cày mẻ từ bên ngoài bước vào. Được vài bước thì lão bỗng nhiên khom người, toàn thân trượt dài trên hai đầu gối, chuyên nghiệp chẳng khác nào dân tập hip hop lâu năm.

Lúc lão thái giám còn cách thái tử độ nửa trượng thì bỗng nhiên uốn lưng, trán và hai khuỷu tay chạm đất, cả người phanh đánh khựng lại một cái. Nói đoạn, cái giọng eo éo chói tai cất lên:

“Nô tài khấu kiến thái tử điện hạ. Cung chúc điện hạ thiên tuế.”

Nguyễn Đông Thanh gãi gãi cằm, cố nhớ xem cái lão thái giám này có phải là cái người đứng ngay cạnh Trư Đế Lê Dực hồi hội Mỹ Thực Tiến Vua hay không, song không tài nào nhớ ra nổi. Một phần do khi ấy tình hình phức tạp, gã còn phải lo bảo toàn tính mạng. Phần khác là bởi trong triều bá quan văn võ còn bao nhiêu người tai to mặt lớn, Nguyễn Đông Thanh đâu thể nhớ hết diện mạo của từng người được?

Lê Tam Thành cười:

“Không dám. Phạm công công mau mau đứng lên. Hai ta cùng là quan trong triều, ngài lại là bậc tiền bối, đâu còn phải hành đại lễ như thế? Cô còn trông mong ở ngài nói tốt vài câu về cô trước mặt phụ hoàng đây.”

“Đương nhiên. Đương nhiên. Chỉ cần điện hạ nói, dù xuống núi đao lên vạc dầu nô tài cũng quyết chẳng từ nan.”

Phạm công công nói bằng cái giọng chém đinh chặt sắt, chân thành tha thiết, cơ hồ chết chẳng từ nan.

Dường như không nhận ra câu thành ngữ y dùng bị ngược.

Số chương còn lại hôm nay: 4 chương chính truyện.