Xuyên Qua Làm Nhân Vật Quần Chúng, Vô Tình Dạy Một Đám Đồ Đệ Thành Thánh Nhân

Chương 133: Giả Cát Tường: Cái Tên Nguyễn Đông Thanh Này Hẳn Phải Có Hệ Thống Xịn Hơn!



Giả Cát Tường đang dùng một diện mạo khác, ngồi tại một góc kín trong quán ăn, chờ đồng bọn đến.

Đã hai ngày trôi qua kể từ khi hắn xem bói thất bại cho Nguyễn Đông Thanh trên phố. Trong hai ngày này, nhờ có thuật dịch dung, hắn không lo bị phát hiện, điệu lên quan. Thế nhưng, nhiệm vụ thì thất bại ê chề, hệ thống thì vẫn chưa hoạt động hoàn toàn bình thường, mà cục tức này hắn cũng không nuốt nổi.

Đồng bọn của Giả Cát Tường tên Bùi Xuân Luận, cũng là người Việt Nam xuyên không và có hệ thống giống họ Giả.

Giả công tử vốn cũng không biết có những kẻ khác cũng xuyên không từ địa cầu tới đây giống hắn cho tới khi hệ thống giao cho “nhiệm vụ bang hội”. Những kẻ này, có Trung, có Hàn, có Nhật, cũng có cả Việt Nam. Ai cũng có hệ thống giống nhau, và cùng được dạy hai kỹ năng nhập môn là thuật dịch dung và công pháp đặc thù có thể phóng thích uy áp hơn xa chiến lực thật. Mà thế lực mà những kẻ này thành lập sau khi hoàn thành “nhiệm vụ bang hội” được người của Huyền Hoàng giới biết tới với cái tên “Trang Bức Thần Giáo”.

Trang Bức Thần Giáo tại Huyền Hoàng giới mang danh xấu như vậy nhưng lại sống dai như đỉa, phần nào cũng nhờ chúng đều là người xuyên không có hệ thống giúp sức. Hành động của bọn chúng sở dĩ khó hiểu, khó nắm bắt, người của Huyền Hoàng giới không suy đoán được cũng do đám ô hợp này không hề có chính kiến mà chỉ hoàn toàn làm theo chỉ dẫn và nhiệm vụ mà hệ thống giao phó. Lại thêm, đám người Trang Bức Thần Giáo này tuy cả nhân cách và chiến lực đều chẳng ra đâu vào đâu, nhưng lại rất biết sợ chết, chuẩn bị rất kỹ các thủ đoạn giữ mạng và trốn chạy mỗi khi có thể gặp nguy hiểm. Tất nhiên, ấy là còn chưa kể đến việc thi thoảng lại có người mới xuyên không tới, được hệ thống chỉ dẫn đến đầu quân thêm cho bọn chúng.

Thế nhưng, cũng do Trang Bức thần giáo ngoại trừ mù quáng làm theo các nhiệm vụ mà hệ thống phân cho thì cũng không bao giờ động não suy nghĩ, thắc mắc, hay tính toàn gì khác, nên trên dưới cả giáo không một ai mảy may nghi ngờ tại sao “hệ thống” của bọn chúng lại chỉ có mỗi hai bộ kỹ năng và một đống nhiệm vụ lừa đảo. Giáo chúng của thần giáo vẫn luôn tin tưởng – hay nói đúng hơn là luôn tự an ủi lẫn nhau – rằng chỉ cần chúng làm tốt các nhiệm vụ được hệ thống giao, thì chuyện đổi đời, đứng trên đỉnh của Huyền Hoàng giới nhìn xuống chỉ là chuyện sớm muộn.

Giả Cát Tường uống gần no một bụng nước trà, Bùi Xuân Luận mới tới. Hắn ghé qua, dặn dò tiểu nhị vài câu rồi mới tiến đến, kéo ghế ngồi xuống dối diện họ Giả. Cùng có hệ thống giống nhau, nên người của Trang Bức Thần Giáo luôn có thể nhận ra nhau dù có dịch dung như thế nào.

Bùi Xuân Luận nhìn xung quanh một lượt, chắc chắn không ai chú ý rồi mới nhỏ giọng:

“Cái tên Nguyễn Đông Thanh mà đạo hữu nhằm vào, có thể là người xuyên không giống ta và ngươi!”

“Cái gì? Có chắc không?”

Giả Cát Tường ngạc nhiên thốt lên.

“Tai vách mạch rừng, đạo hữu! Muốn cả thiên hạ nghe à? Đạo hữu chắc chưa tìm hiểu kỹ về thằng cha ấy đã tiếp cận đúng không?”

Bùi Xuân Luận hỏi, rồi không chờ họ Giả đáp, đã nói tiếp:

“Biết ngay mà! Bần đạo tìm hiểu qua qua rồi, tên này chính là tác giả của không biết bao nhiêu là phát minh vượt thời đại ở cái thành này đấy!”

Nói đến đây thì hắn ngừng lại, chờ phục vụ quán mang một đĩa thức ăn lên, lại đợi người ta rời đi, mới chỉ vào đó rồi nói tiếp:

“Chính cái món dân dã này cũng là hắn ta bày cho dân ở đây cách làm. Đạo hữu là dân chơi Sài thành, không lui tới mấy quán vỉa hè, nên chắc cũng chưa nếm thử món này đâu nhỉ? Cơ mà bần đạo ăn quán bình dân nhiều, còn lạ gì cái món nem chua này?”



Vừa nói, hắn vừa nhón một miếng, nhóp nhép ăn đầy vẻ hoài niệm. Giả Cát Tường thấy vậy cũng nhón ăn thử, nhưng không biểu hiện gì đặc biệt. Hai người yên lặng một lúc, Giả công tử mới hỏi:

“Vậy thằng cha Đông Thanh đó liệu có phải có hệ thống xịn hơn chúng ta không?”

“Sao đạo hữu nghĩ vậy?”

“Lúc tui định dùng hệ thống để xem số mệnh của hắn, thì hệ thống báo lỗi, xong shutdown để sửa bug. Đến bây giờ bật lại lên rồi mà vẫn cứ nhiễu sóng kiểu gì í!”

Hắn nhóp nhép thêm một miếng nem, rồi mới nói tiếp:

“Bro cũng biết rồi, số mạng của người ở Huyền Hoàng giới này chỉ cần chưa vào Vụ Hải là anh em vẫn còn xem được. Vào rồi, không xem được nữa nhưng hệ thống cũng chỉ hiện một cái thông báo ‘tu vi mục tiêu quá cao’ thôi. Đến số mạng của người xuyên không chúng mình thì vẫn xem được chút chút. Tuy không dự đoán chuẩn xác được tương lai, nhưng lại xem được một vài chuyện trong quá khứ của nhau. Nhưng thằng cha này hệ thống quét một cái là báo lỗi, tắt ngóm luôn...

“Tui mấy ngày nay còn đang lo thằng cha í là cường giả mạnh đến không tưởng. Nhưng nghe bro nói hắn có thể là người xuyên không như chúng ta thì tui lại nghi hệ thống của hắn xịn hơn, đã hack vào hệ thống của tui, nên mới thành ra như vậy!”

Bùi Xuân Luận nghe vậy thì thấy cũng có lý. Ngẫm nghĩ một chút, hắn vỗ đùi đánh bép một cái, nói:

“Đạo hữu nói vậy cũng rất có lý! Bần đạo nghe nói tên Nguyễn Đông Thanh này còn nổi danh khắp nơi về tài văn thơ. Nói không chừng cũng do hắn có hệ thống xịn hơn chúng ta, có thể truy cập vào nguồn văn thơ nào đó! Chứ bố ai mà nhớ hết cả đống thơ ca của mấy lão cổ nhân được?”

“Nói cũng phải! Tiếc thật, nếu mà giáo chúng ta có cái hệ thống của hắn thì hẳn là giờ này đã đứng trên đỉnh, thống trị Huyền Hoàng giới này rồi!”

Hai tên này chém gió về cái viễn cảnh tươi đẹp nếu Trang Bức Thần Giáo của chúng sở hữu “hệ thống xịn hơn” của Nguyễn Đông Thanh được một hồi thì nhận được tín hiệu báo có nhiệm vụ mới từ hệ thống. Giả Cát Tường cùng Bùi Xuân Luận mở ra xem thì thấy chúng có chung một nhiệm vụ. Đó là:

“Hỏi nho sinh nơi khác mộ danh Bích Mặc tiên sinh đến Quan Lâm xin học để biết thêm thông tin về y (0/10).”

Trên góc bản đồ cũng có đánh dấu mười mấy cái chấm xanh.

Hai tên Trang Bức Thần Giáo nhận được nhiệm vụ, liền lập tức dời quán ăn, dịch dung lại sang diện mạo khác rồi tách ra đi hai hướng khác nhau.

oOo

Chừng một canh giờ sau, bọn chúng một lần nữa tựu họp tại quán ăn, trao đổi thông tin vừa thu thập được.



Họ Giả nói:

“Mẹ nó! Cái thằng cha Nguyễn Đông Thanh này đúng là mất gốc! Người Việt mà toàn đọc thơ chữ Hán, chả thuần Việt gì cả!”

Giả Cát Tường tuy gốc Hoa nhưng gia đình hắn đã ở Việt Nam nhiều thế hệ. Đến đời mẹ hắn đã không nói sõi tiếng Trung, đời hắn thì một chữ Hán bẻ đôi cũng không biết, hoàn toàn đã tính là người Việt được rồi. Mỉa mai hơn, Giả công tử còn có tư tưởng bài Tàu cực đoan và quan niệm “sử dụng từ Hán – Việt là không thuần Việt, là mất gốc”.

Quan niệm này đương nhiên sai, trong quá trình giao thoa văn hóa, việc học vốn từ của nhau là điều không thể tránh. Từ Hán – Việt nào là Việt Nam học Trung Quốc, từ nào là Trung Quốc học Việt Nam đến giờ các chuyên gia ngôn ngữ học còn đang cãi nhau sứt đầu mẻ trán. Lại nói, rất nhiều bài thơ của Bác Hồ và ông cha ta là thơ chữ Hán. Ngay cả bài thơ “Nam Quốc Sơn Hà” được cho là của Lý Thường Kiệt – hay bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước ta – cũng là thơ chữ Hán. Nếu nói toàn bộ thơ Hán, toàn bộ từ Hán – Việt là của Trung Hoa, thì chả phải chính là vứt đi cả kho tàng thơ ca cùng vĩ nhân lịch sử của dân tộc hay sao?

“Đạo hữu nói vậy sai rồi! Dân Việt mình sau ngàn năm Bắc thuộc còn mấy ai mà không có dòng máu Hán? Lại nói người Việt cổ ngày xưa còn dùng tiếng Hán nói chuyện cơ mà!”

Ngược lại với Giả Cát Tường, Bùi Xuân Luận lại vô cùng lậm tàu. Hắn chỉ thích đọc truyện của Trung Quốc, hoặc các truyện Việt của tác giả trẻ cũng lậm giống hắn: viết truyện Việt mà dùng ngữ pháp đảo loạn rồi gọi ấy là “văn phong” convert. Kỳ thực, đấy nào có phải văn phong? Đó chỉ đơn giản là Google cùng các hệ thống dịch tự động khác vẫn chưa dịch tốt tiếng Việt nên mới để sót nhiều đoạn ngữ pháp lộn xộn. Nhưng đáng trách nhất có lẽ là việc tên này lầm tưởng văn hóa và ngôn ngữ của người Việt không có gì đặc sắc, chỉ là một dạng biến thể văn hóa và ngôn ngữ của Trung Hoa.

Mà quan niệm của tên Bùi Xuân Luận về việc “các cụ dùng tiếng Hán để giao tiếp với nhau” này đương nhiên cũng sai bét. Người Việt từ thuở các Vua Hùng tới nay vẫn luôn nói tiếng Việt. Tuy tiếng Việt cổ cũng có những điểm khác biệt so với tiếng Việt hiện đại, nhưng điều này đúng với tất cả các ngôn ngữ sống. Tiếng Anh cổ và tiếng Anh hiện đại cũng nào có giống nhau y đúc? Nhưng nếu thật sự có ai xuyên không về thời xưa, dùng tiếng Việt hiện đại, khả năng cao sẽ vẫn giao tiếp được đại khái với người Việt cổ. Chả qua, sẽ bị cho là dân từ xứ khác đến, còn đang học tiếng chưa sõi, nên ngọng líu ngọng lo hoặc còn sử dụng nhiều phương ngữ khó hiểu mà thôi.

Nhưng cũng phải nói, thời xưa dân Việt mình không có hệ thống chữ viết riêng, nên phải dùng chữ Hán để ký âm tiếng Việt. Mà ký âm ra sao thì người Việt cổ lại vô cùng sáng tạo. Thế nên mới có chuyện nhiều từ Hán – Việt ở Việt Nam khá thông dụng, nhưng nếu nói ra, thì dân Trung Quốc không thể hiểu đúng nổi nghĩa. Ví như từ “chung cư”, Việt Nam hiểu là “nhà tập thể” vì “chung” là trong “chung chạ”; thế nhưng, trong tiếng Trung thì “chung” chỉ có nghĩa “cuối cùng” như trong “chung kết”, nên “chung cư” có mỗi nghĩa là “nơi an nghỉ cuối cùng” thôi.

Tất nhiên, Giả công tử cũng nào có biết những điều này để mà phản biện, chỉ thấy hắn nói:

“Được rồi, đây chỉ là ý kiến cá nhân, không cãi với bro nữa. Bàn về tên Nguyễn Đông Thanh kia đi!”

Bùi Xuân Luận nghe vậy thì cũng không tiếp tục việc kia nữa, mà nói:

“Tên Nguyễn Đông Thanh này chắc có hệ thống thật thì mới tra ra được mấy bài thơ ấy. Đạo hữu xem, thơ của hắn quá mức dị thường, bần đạo chả nhận ra bài nào cả!”

Trong hai giờ đồng hồ vừa qua, Giả Cát Tường và Bùi Xuân Luận đã gặp, hỏi toàn bộ nho sinh trong thành từ vùng khác tới, được người ta đọc lại cho nghe kha khá thơ được cho là sở tác của Bích Mặc tiên sinh: Từ những bài hắn đọc hôm ăn cưới nhà họ Trương, trong thiên lao, hai bài thơ và phú hắn đọc hôm đấu với sáu thư viện. Thậm chí cả bài thơ chữ Hán của Hồ Xuân Hương hắn đọc ở gần Mỹ Vị sơn trang không hiểu bằng cách nào cũng đã có người chép lại.

Thế nhưng, hai tên Giả, Bùi này thì một tên bài tàu không bao giờ đọc thơ chữ Hán, một tên lậm tàu nên chả đọc nổi bài thơ nào của danh nhân Việt Nam, chỉ thuộc mấy bài trong *Đường Thi Tam Bách Thủ* hay được dùng để “trang bức”. Lại thêm, đa số các bài Nguyễn Đông Thanh đọc cũng không quá nổi tiếng, chẳng được đưa vào chương trình phổ thông. Bích Mặc tiên sinh của chúng ta cũng vì có sở thích đặc biệt với văn thơ cổ phong, hồi còn làm nghiên cứu sinh lại có quen biết với vài người trong viện Hán – Nôm, nên mới có cơ hội tiếp xúc với chúng. Thành thử, hai tên Trang Bức Thần Giáo không nhận ra nổi mấy bài thơ Nguyễn Đông Thanh đọc âu cũng là chuyện bình thường.

Hai tên này đọc đi đọc lại mấy bài thơ. Sau một lúc rất lâu Giả Cát Tường mới ngờ ngợ nhận ra bài thơ “Thân thể tại ngục trung/Tinh thần tại ngục ngoại” của Bác Hồ dường như quen quen, hắn từng đọc ở đâu đó. Rồi Bùi Xuân Luận vận dụng hết vốn liếng tiếng Trung nửa mùa của bản thân ra để giải cắt nghĩa. Cuối cùng, hai tên này cũng nhận ra thơ của Bác.

Lúc này, chúng mới hoàn toàn khẳng định Nguyễn Đông Thanh là người xuyên không, khả năng cao lại còn có hệ thống xịn hơn hẳn Trang Bức Thần Giáo.