Vương Triều Thịnh Thế

Chương 7: Trạng nguyên lang, Quỳnh Lâm yến



Ghi chú:

Bố tử: Là tấm vải hình vuông đính ở ngực và lưng áo trên phẩm phục của các quan lại trong triều đình phong kiến.

Ngự thư phòng hoàng cung Đại Việt.

Lê Hạo đang phê tấu chương thì Lê Nhất bước vào, vừa phê vào một quyển tấu chương vừa phất tay vẫy lui cung nhân hầu hạ. Cùng lúc xung quanh ngự thư phòng xuất hiện càng nhiều ám vệ tuần tra vòng trong vòng ngoài, lúc này đừng nói người ngay cả con ruồi cũng bay không lọt. Thấy người đã đi hết Lê Nhất mới tâu:

“Bệ hạ Bí doanh có tin truyền đến…” Nói đến đây Lê Nhất ngập ngừng, Lê Hạo ngẩng đầu lên:

“Sao không nói tiếp?”

“Dạ mười lăm ngày trước người của chúng ta bắt gặp Trần công tử ra khỏi thành hướng đến Thiên Sơn tự. Theo như điều tra thám tử gửi về thì Trần công tử đến đó để gặp Mặc Hiên thần y, người đã tuyệt tích hơn hai mươi năm nay. Còn một điều nữa là bên cạnh Trần công tử xuất hiện hai ám vệ võ công không tầm thường đi theo bảo vệ. Người của chúng ta không dám đến gần chỉ có thể theo dõi từ xa. Cho nên chưa phát hiện ra là người của thế lực nào.”

Cách đây mười lăm ngày chính là trước điện thí mười ngày sao? Thời gian cấp bách như vậy tam đệ đến Thiên Sơn tự để gặp Mặc Hiên thần y… Mà thêm nữa, Mặc thần y tuyệt tích lâu nay, hành tung lại kỳ bí, không phải ai cũng có thể tìm được… Xem ra, sau lưng tam đệ có một thế lực không nhỏ đang hoạt động.

Lê Hạo trầm ngâm.

Rốt cuộc là đây thế lực nào tại sao trước giờ Bí doanh không điều tra được hay có thông tin gì về nó? Thế lực này có hay không ác ý với triều đình? Lát sau, hắn mới ngẩng đầu lên chất vấn:

“Tin quan trọng như vậy sao hôm nay ngươi mới đưa đến?”

“Dạ là do người sắp xếp tin tức đã đưa vào phân loại tin tức không quan trọng.”

Mà đối với những tin tức này thì mười ngày mới tổng hợp một lần, nữa tháng báo cáo một lần.

Lê Hạo vừa gõ nhịp ngón tay đều lên bàn vừa ngẫm nghĩ. Lý do hoang đường như vậy… Là tin tưởng trẫm sẽ tin chúng hay là khinh thường trẫm đến không muốn tạo ra một lý do đáng tin hơn… Có lẽ điều không phải…

Xem ra trẫm quá nhân từ, khiến cho một số người lại chạy ra nhảy nhót sao, trẫm không động, các ngươi ngược lại luôn tìm đường chết, nếu vậy thì cũng đừng trách trẫm bất cận nhân tình! Lê Hạo nghĩ ngợi xong liền trầm giọng hạ lệnh:

“Lê Nhất, truyền lệnh Lê Nhị bảo hắn cho người tin cậy theo dõi nhất cử nhất động một số người là lực lượng nồng cốt được tuyển vào Bí doanh trong thời gian hai năm trở lại đây. Những thám tử phụ trách truyền tin tháng này kẻ nào có hành động khả nghi lập tức cho người theo dõi nhưng không được đả thảo kinh xà. Chuyện này ngoại trừ trẫm, ngươi và Lê Nhị ra không được để kẻ thứ tư biết đến. Nghe rõ không?”

“Tuân lệnh! Vậy chủ tử chuyện của Trần công tử…”

“Chuyện này… Đúng rồi thám tử có điều tra được Trần Phong tìm Mặc thần y để làm gì không?” Sao chủ tử lại hỏi câu ngớ ngẩn này? Tìm Mặc thần y đương nhiên là để chữa bệnh rồi! Không bệnh tìm ông ấy làm chi. Rãnh rỗi quá sao?

“Lê Nhất mắt ngươi như vậy là có ý gì? Có tin trẫm trị tội ngươi không?”

Nghe Lê Hạo hỏi Lê Nhất giật mình lập tức chỉnh đốn lại ánh mắt muốn bao nhiêu thành thực có bấy nhiêu thành thực:

“Tâu bệ hạ, theo tin tức mà thám tử ở Thiên Sơn tự truyền về, thì Trần công tử tìm Mặc thần y để chữa bệnh cho một người. Còn chữa cho ai thì người của ta chưa điều tra được. Đúng rồi, bệ hạ Trần công tử vừa vào thành thì chúng ta để mất dấu ngài ấy. Nhưng người của ta thấy hai ám vệ của Trần công tử đưa Mặc thần y đi vào một quán trọ tên Khách Đếm được mở cách đây năm năm. Còn có…”

“Còn có chuyện gì?”

“Dạ theo kết quả điều tra mới nhất của chúng ta thì Khách Đếm chính là cứ điểm của Ẩn Môn.”

Lê Hạo hai mắt sâu xa:

“Ẩn Môn? Tin tức chính xác chứ?”

Sao lại liên quan đến Ẩn Môn rồi? Lê Hạo xoa xoa trán mà ngán ngẫm.

“Thuộc hạ nghĩ không sai đâu. Nhưng có một điều… thuộc hạ rất thắc mắc… Ẩn Môn này chúng ta điều tra lâu như vậy mà vẫn không có tin tức gì nay bỗng dưng lại có được một cách dễ dàng như vậy. Không biết có trá gì hay không…”

“Ngươi thắc mắc? Hay Lê Nhị hắn thắc mắc hả?”

“Thuộc hạ chỉ thắc mắc giùm nhị đệ thôi mà.”

Ám vệ… Ẩn Môn… Mặc thần y… Trần Phong… Tất cả những cái này có mối liên hệ với nhau như thế nào đây?

Xem ra vị tam đệ này của mình đúng là một mớ phiền toái không nhỏ. Mà mình, lại còn không thể quan minh chính đại điều tra. Không những không thể điều tra, mà còn phải ngưng ngay mới ghê chứ!

Nghĩ đến chuyện này, Lê Hạo lại cảm thấy đau đầu. Tính tình Trần Phong bình thường nhìn như cái gì cũng chẳng để ý, nhưng nếu để đệ ấy biết được mình cho người điều tra hành tung của hắn…

Càng nghĩ Lê Hạo càng cảm thấy lạnh lạnh sống lưng…

Không được… chuyện này phải bàn lại… Nếu không nữa đời sau của trẫm… ha ha trẫm cũng không cần nghĩ vì tuyệt đối sẽ không có đời sau để mà nghĩ.

“Lê Nhất… ngươi có cho người theo dõi Trần Phong và khách đếm đó chưa? Nếu có thì… lập tức rút người của chúng ta về hết đi. Còn lực lượng bí ẩn bên cạnh đệ ấy… Cũng thôi đi không cần điều tra nữa. Ta không tin đệ ấy rãnh rỗi tới mức tụ chúng tạo phản đâu.”

Quan trọng là… ta tin nhân cách làm người của đệ ấy. Giao tình sinh tử đâu phải chỉ nói mà ra đâu…

Trần Phong… đệ… đừng để đại ca thất vọng.

Lê Nhất thấy chủ tử nói như vậy cũng không nói gì thêm nữa. Hắn là thuộc hạ nhiệm vụ của hắn chỉ là nghe lệnh hành sự không được can thiệp vào quyết định của chủ tử.

Hắn chỉ cần lúc chủ tử gặp nguy hiểm liều thân cũng phải bảo vệ người không để người bị thương là được. Còn về Trần Phong… nếu sau này hắn làm chuyện bất lợi đối với chủ tử lúc đó hắn tuyệt đối sẽ không tha cho hắn.

“Được rồi số tin còn lại không quan trọng thì để đó đi trẫm phê tấu chương xong sẽ xem. Ngươi lui ra truyền lệnh đi.”

“Dạ. Thuộc hạ cáo lui.”

Lê Nhất vừa đi khỏi thì nội thị vào tâu:

“Tâu bệ hạ có Lại bộ thượng thư Nguyễn Như Đổ, Hàn lâm viện học sĩ Nguyễn Vĩnh Tích, Quốc tử giám tế tửu Nguyễn Bá Ký cầu kiến.”

“Truyền.”

“Truyền Nguyễn Như Đổ, Nguyễn Vĩnh Tích, Nguyễn Bá Ký tấn kiến.”

Lát sau, ba người vào ngự thư phòng tuổi khoảng tầm trung niên. Người đi đầu là Nguyễn Như Đổ mặc phẩm phục màu đỏ trên áo bố tử thêu hình tiên hạc hai người đi sau theo thứ tự là Nguyễn Vĩnh Tích và Nguyễn Bá Ký đều mặc phẩm phục màu xanh trên áo bố tử thêu hình khổng tước. Cả ba tiến vào đi đến trước ngự án đồng loạt quỳ xuống:

“Thần Nguyễn Như Đỗ.”

“Thần Nguyễn Vĩnh Tích.”

“Thần Nguyễn Bá Ký.”

“Tham kiến thánh thượng. Thánh thượng vạn phúc kim an!”

“Các ái khanh bình thân. Tiểu Phúc Tử ban tọa cho các vị khanh gia.”

“Tạ bệ hạ.”

“Nguyễn Như Đổ các ái khanh phụ trách chấm thi thế nào rồi.”

“Tâu bệ hạ chúng thần đã chọn ra được những bài thi ưu tú nhất nhưng… có hai bài thi cao điểm nhất lại ngang điểm nhau chúng thần không biết chọn bài nào làm trạng nguyên nên…”

“Nếu vậy thì… ai nộp bài trước thì người đó là trạng nguyên năm nay.”

Lê Hạo không chút để ý nói. Nghe bệ hạ nói, cả ba bất đắc dĩ liếc nhau:

“Tâu bệ hạ cả hai điều nộp bài cùng thời gian.”

“Không phải chứ? Các khanh không tìm ra điểm hơn thua của hai bài này sao?”

“Dạ… không. Cách lập luận tuy có khác nhau nhưng đại ý thì như nhau, đúng là kẻ tám lạng người nửa cân. Không hơn không kém!”

Cả ba người càng bất đắc dĩ. Chưa có kỳ thi nào mà gặp chuyện lạ lùng như năm nay cả. Lê Hạo trầm ngâm trong chốc lát:

“Vậy… kỳ thi này lấy hai vị trạng nguyên đi. Còn các thứ hạng còn lại cứ theo điểm số mà xếp.”

Cả ba người nghe bệ hạ cho đồng thời cả hai đỗ trạng đều thở phào nhẹ nhỏm, bởi cả ba người đều đồng loạt yêu thích hai bài thi sắc xảo không kém nhau này. Lấy hay bỏ đều cảm thấy tiếc, nên ba người mới vào cung tấu trình cho hoàng thượng giải quyết. Ai ngờ hoàng thượng lại đưa ra cách này. Đúng là đỡ đau đầu, cũng đỡ phải đau lòng.

“Vậy bệ hạ chúng ta ráp phách tên các bài thi lại thôi. Chúng thần nôn nóng muốn biết chủ nhân của hai bài thi này lắm rồi.”

Nguyễn Bá Ký vừa suýt xoa vừa nói.

“Chuẩn tấu. Người đâu! Đi đến phòng giám thí lấy phách danh các thí sinh đến đây.”

Lát sau nội thị mang theo sấp giấy trở về. Nguyễn Vĩnh Tích và Nguyễn Bá Ký đã gấp không chờ nổi chạy ra cửa đón nội thị rồi tự mình mang vào.

“Bệ hạ! Ra rồi! Là Trần Phong và Lương Thế Vinh.”

Mặc dù trong thâm tâm đã sớm đoán được nhưng Lê Hạo vẫn cảm thấy vui vẻ. Vui vì đệ đệ mình đỗ cao làm ca ca như hắn cảm thấy rất có chung vinh dự. Thứ hai là từ đây về sau, hắn có thêm người để mà bốc lột.

“Được! Truyền chỉ của trẫm khâm điểm trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa khoa này. Cho Lễ Bộ chuẩn bị lễ phục, xướng danh ở cửa Đông Hoa. Chuẩn bị Quỳnh Lâm yến.”

“Tuân chỉ.”



Quỳnh Lâm yến.

Trần Phong đến trước cửa cung vừa xuống xe ngựa thì một nội thị chạy bước đến thi lễ:

“Nô tài Tiểu Phúc Tử tham kiến trạng nguyên lang. Bệ hạ cho nô tài đến đón ngài tiến cung dự yến. Mời!”

Tiểu Phúc Tử vừa mời vừa lén lút lao mồ hôi trên trán. Giờ hắn mới hiểu tại sao hoàng thượng kêu hắn đi dẫn đường nhưng bảo hắn không cần tới sớm.

Vị Trần công tử này đúng như bệ hạ nói thật là bóp chuẩn thời gian dự yến mà tới. Tuyệt không tới sớm.

Ít nhất, sớm hơn so với vị trạng nguyên họ Lương kia.

Mặc dù, đúng là không sớm hơn bao nhiêu. Nhưng cũng là sớm hơn, không phải sao?

“Đa tạ công công. Mời.”

Dưới sự chỉ dẫn của Tiểu Phúc Tử Trần Phong đến Tả Uyển Các nơi tổ chức yến hội.

Hắn thấy tất cả mọi người đã đến khá đông đủ đồng trạng nguyên Lương Thế Vinh, bảng nhãn Nguyễn Đức Chinh, thám hoa Quách Đình Bảo, các tiến sĩ đệ nhị giáp và đệ tam giáp cũng đã có mặt.

Chỉ vắng bóng vị đồng trạng nguyên là hắn.

Xem ra lần này thật sự là nhất minh kinh nhân rồi. Mặc dù không phải tất cả mọi người đợi hắn nhưng đến áp chót thế này… Không biết sau hôm nay, bị bày bố thế nào đâu!

Nghĩ thì nghĩ vậy, dù sao cũng đã đến trễ với lại thật ra hắn cũng chả muốn tới sớm cho nên nói nhất minh kinh nhân thì nhất minh kinh nhân đi, kêu ngạo cho kêu ngạo đi, hắn cũng không thiếu khối thịt nào.

Vừa bước vào điện thì tất cả mọi ánh mắt đều đổ dồn về phía Trần Phong.

Xuất hiện trước mặt họ là một thanh niên dáng người phong lưu tuấn tú, mắt sáng, mày kiếm, đường nét gương mặt vừa kiên nghị vừa nhu hòa. Thiếu nét kiên nghị, sẽ làm cho người ta cảm giác yếu đuối, thiếu chút nhu hòa sẽ làm người khác cảm thấy khắc nghiệt thiếu cảm tình. Trần Phong lại vừa vặn hội tụ cả nhu lẫn cương làm người lần đầu tiếp xúc với hắn đều có cảm giác thân thiện nhưng không dám ngang tàng thất lễ.

Theo chỉ dẫn của Tiểu Phúc Tử, hắn đi đến bàn mình khi đi ngang qua bàn của một số người hắn quen biết và từng trò chuyện thì chấp tay gật nhẹ đầu mỉm cười. Họ cũng chấp tay chào lại.

Lúc Trần Phong đi ngang qua bàn của một vị quan tam phẩm thì chợt nghe “Hừ đúng là cái giá cao quá.”

Hắn làm bộ như không nghe gì hết, mặt mỉm cười đi thẳng. Nhưng trong bụng thì bắt đầu bất động thanh sắc nhớ mặt người lúc nãy.

Hắn chả phải hẹp hòi gì. Chỉ nhớ mặt vậy thôi. Đảm bảo không chỉnh chết tên đó đâu. Không cần lo!

Bàn của Trần Phong gần bàn của Lương Thế Vinh, lúc hắn ngồi xuống thì Lương Thế Vinh quay đầu hỏi nhỏ:

“Sao ngươi đến trễ quá vậy?”

Hắn cũng quay đầu qua, nhỏ giọng:

“Ta gặp chút sự cố. Không sao đâu, đã giải quyết. Mà nếu không có sự cố thì cũng chẳng đến sớm hơn được bao nhiêu đâu. Cảnh Nghị không cần lo lắng.”

Nghe Trần Phong nói Lương Thế Vinh nói không nên lời. Đây là người mà hắn lúc đầu kết giao sao? Cái người quân tử, giữ lễ nói năng ôn nhu nho nhã biến đâu mất rồi? Không phải bị đánh tráo rồi chứ.

Vừa nghĩ hắn vừa đưa tay nhéo thử gương mặt Trần Phong. Bị nhéo đau Trần Phong đưa tay phất tay đang nhéo mặt mình ra, nhìn xung quanh thấy không ai chú ý mới quay mặt lại hung tợn:

“Ngươi làm gì? Đây là cung yến đó. Muốn bay đầu sao?”

Lương Thế Vinh cười:

“Ta tưởng ngươi bị người đánh tráo chứ.”

“Tráo cái đầu của ngươi. Trước đó không phải ta đã nói sao, mắt thấy chưa chắc đã là sự thật mà. Giờ hối hận hả?”

Trần Phong mỉm cười:

“Mà có hối hận thì cũng chẳng được gì đâu. Ráng chịu đi.”

Lương Thế Vinh vừa xòe quạt ra vừa than thở:

“Đúng là giao hữu vô ý, giao hữu vô ý.”

Trần Phong nghe hắn nói vậy liền liếc xéo. Không biết ai mới là giao hữu vô ý đâu. Hừ…

Bằng hữu, đôi khi không cần phải quen biết lâu ngày, dài tháng. Đôi lúc, chỉ cần hợp mắt duyên mà thôi. Có những người chơi cùng nhau rất lâu, cũng không thể chân chính trở thành bằng hữu.

Có những người, lại chỉ gặp mặt nhau một lần đã trở thành tri kỉ của nhau.

Trần Phong và Lương Thế Vinh chính là loại bằng hữu như vậy.

Mặc dù, gặp mặt có thể sẽ không nói lời hay. Nhưng nếu một trong hai, có người gặp nạn người còn lại nhất định sẽ không tiếc hết thảy mà ra tay tương trợ. Dù thịt nát xương tan hay vạn kiếp bất phục cũng không màn.

Tình bằng hữu thật tốt đẹp biết bao!!!

Trở lại với tình hữu nghị có một không hai này…

Như chúng ta đã thấy… lúc này, trong mắt người ngoài. Cả hai vị trạng nguyên đang trò chuyện với nhau thật vui vẻ. Chỉ có bản thân họ mới biết được chiến tranh đang diễn ra gây gắt như thế nào.

Không bao lâu sau thì có tiếng nội thị thông báo hoàng thượng, hoàng thái hậu và các vị nương nương đến. Tất cả đều quỳ xuống hành lễ nghênh tiếp.

Bàn của Trần Phong khá gần ngự giá, lúc ngẩng đầu lên nhìn hoàng đế.

Hắn thầm than… Quả nhiên…

Mặc dù đã đoán được, nhưng đoán được là một chuyện, tận mắt chứng kiến lại là chuyện khác…

Có lẽ trong thâm tâm Trần Phong vẫn mang chút hy vọng mong manh là mình đã đoán sai. Sau khi hoàng đế miễn lễ tất cả đều tự ngồi xuống bàn, nghe hoàng đế dạo đầu xong thì tất cả bắt đầu ăn. Vừa ăn vừa xem ca múa cung đình.

Trần Phong lẳng lặng ăn, rồi uống rượu. Hễ ai đến mời rượu đều hào sảng cạn ly không chối từ. Hắn uống như muốn nuốt tất cả phiền não vào lòng.

Bộ dáng của hắn cũng đập vào mắt ai đó…

Lương Thế Vinh thấy vậy, lập tức đưa tay nắm lấy chung rượu Trần Phong đang định uống và cản lại. Trong mắt ngập tràn lo lắng. Thấy sự lo âu trong mắt bạn Trần Phong mỉm cười trấn an.

Phải rồi! Ta cần gì sầu lo những chuyện với vẩn không đâu. Đại ca dù có là hoàng đế thì vẫn là đại ca, điều này không thay đổi được trừ khi huynh ấy không muốn nhận. Còn chuyện năm xưa, hừ đừng nói lúc đó đại ca còn nhỏ mà chuyện này vốn dĩ cũng không liên quan gì đến huynh ấy. Oan có đầu nợ có chủ Trần Phong ta ân oán phân mình cần gì phải giận cá chém thớt mà làm tổn thương thân nhân mình. Nghĩ thông suốt Trần Phong không rầu rĩ uống rượu nữa. Mà bắt đầu xem xét, quan sát người tham dự yến hội.

Lúc này, ngồi ở trên Lê Hạo càng có cảm giác không an như đứng đống lửa như ngồi đống than. Hắn sợ mình vất vả lắm mới có huynh đệ nay vì thân phận mà cách ngăn. Ngẫm nghĩ lo sợ viễn vong một lát, hắn bỗng dưng bật cười thầm mắng chính mình thật đúng là ngớ ngẩn lo chuyện bò trắng răng. Với tính cách của tam đệ, đệ ấy tuyệt đối sẽ không vì thân phận mà trở mặt không nhận người.

Mọi người đang vui vẻ thì một viên quan đứng lên:

“Thần xin phép hoàng thượng, cho phép thần kính rượu với vị trạng nguyên họ Trần tài cao bắc đẩu!”

Mặc dù, giọng điệu rất bình thường, nhưng Trần Phong có thể cảm nhận được ác ý sâu sắc sau câu nói này. Hắn ngước mặt lên nhìn viên quan nọ, thì ra là người vừa nói xéo mình lúc nãy đây mà.

Bổn công tử chưa tìm ngươi tính sổ ngươi đã tìm ta phiền toái.

Trần Phong cúi đầu, che dấu nụ cười nhạt nhẽo trên môi. Khi bưng rượu đứng dậy đã là một nụ cười ấm áp nho nhã lễ độ:

“Đại nhân đã khen quá lời. Học sinh tài hèn học mọn, nào dám sánh cùng với đại nhân dòng dõi tôn quý, nhất biểu nhân tài, xa gần đều biết. Phong cảm thấy thẹn không bằng, lòng tự nhủ nhất định sẽ noi gương đại nhân học hỏi những điều hay.”

Trần Phong vừa nói xong một số quan lại đã cười khẽ ra tiếng, đám võ tướng thì chẳng kiên nể gì mà cười lớn, quan văn thì nhã nhặn hơn lấy tay che miệng ho nhẹ đè nén ý cười lại.

Trong triều ai chẳng biết tên Nguyễn Sư Hồi này nào giờ nhờ phúc ấm của cha ông mà leo đến tam phẩm. Tuy chỉ là chức suông không có thực quyền, thuộc dạng ăn không ngồi rồi, không cần làm vẫn có bổng lộc ăn. Nhưng ai bảo người ta có cha là quan nhất phẩm đầu triều.

Đây chẳng phải là dòng dõi cao quý là gì?

Nhất biểu nhân tài? Tài ăn chơi trát táng sao?

Trần Phong không biết câu “nhất biểu nhân tài” của mình hôm nay sẽ trở thành danh ngôn châm biếm đám người chỉ biết ăn chơi hưởng phúc cha ông để lại.

Mặc dù lời nói tràn đầy ẩn ý, châm biếm cười chê nhưng mọi người thấy Trần Phong lời lẽ hết sức chân thành. Kết hợp với bộ mã vô cùng chính trực của hắn cho nên ngoại trừ hoàng đế và Lương Thế Vinh ra, thì không một ai nghi ngờ Trần Phong chính là cố ý nói như vậy.

Ai mà ngờ được một sĩ tử vừa đến kinh thành không lâu như Trần Phong lại biết rõ như lòng bàn tay phẩm hạnh cũng như hành vi của quan lại trong triều đâu chứ.

Tam phẩm mặc dù nghe qua thì rất lớn nhưng thật ra tại trong kinh thành, quơ tay một cái là có thể nắm luôn một bó quan nhất phẩm, thì quan tam phẩm ở đây cũng chả là cái gì cả.

Bị cười chê. Nguyễn Sư Hồi sẫm cả mặt. Hắn vô cùng tức giận cũng không thèm quan tâm xem nơi đây là đâu, cũng chẳng quan tâm lão cha mình đang cật lực ra dấu đã mở miệng chất vấn:

“Hừ ngươi chỉ là một trạng nguyên nho nhỏ mà dám trễ nải như vậy. Ngươi có biết tội không?”

Trần Phong nghe chất vấn, thì ngây người trố mắt nhìn. Không phải vì sợ mà là vì kinh ngạc đến thốt không nên lời.

Rốt cuộc tên không não này làm sao có thể tồn tại trên triều đình đến bây giờ. Với loại đầu óc này dù có mười ấm phong tổ tiên cũng không đủ để bù cái mạng của hắn.

Lương Thế Vinh hơi lo lắng nhìn Trần Phong, thấy hắn vẫn ung dung nên an tâm ngồi uống rượu xem diễn. Trần Phong nhìn người nọ mắt tràn đầy ngạc nhiên phản bác:

“Học sinh đến trễ sao? Không thể nào!”

“Ngươi đến giờ đó mọi người đã đến còn không trễ nữa sao?”

Trần Phong làm như ngập ngừng rồi hạ quyết tâm:

“Xin hỏi đại nhân học sinh đến trễ thì thế nào ạ.”

Nguyễn Sư Hồi nghe hỏi vậy thì đắc ý lắm trả lời luôn mà không thèm nhìn vẻ mặt hoàng đế càng ngày càng đẹp ra và vẻ mặt kỳ lạ của triều thần:

“Hừ cung yến mà ngươi còn dám đến trễ chính là không để hoàng thượng vào mắt. Tội khi quân đáng lý ngươi phải bị tước công danh nhưng nể tình ngươi vi phạm lần đầu nên ta chỉ phạt ngươi hình trượng 60 để cảnh cáo. Ngươi có phục không?”

Giữa việc ta đến trễ và việc ngươi trước mặt hoàng đế huênh hoàng khoác lác không xem ai ra gì, hạch sách đòi phạt trượng trạng nguyên do hoàng thượng khâm điểm thì rốt cuộc ai mới là người không để hoàng thượng vào mắt?

Đừng nói với chức quan tam phẩm quèn đó. Dù cho ngay cả nhất phẩm đương triều tướng quốc cũng không dám nghênh ngang như vậy.

Đòi trượng hình tân khoa trạng nguyên? Là ngại mạng mình sống quá lâu sao?

Che dấu hàn quang trong đáy mắt, Trần Phong thản nhiên hỏi:

“Vậy trước khi nhận phạt, học sinh xin hỏi đại nhân, cung yến bắt đầu giờ nào vậy?”

“Đương nhiên theo quy định thì giờ thìn thì bắt đầu yến hội rồi!” Hắn trả lời với giọng điệu khinh miệt.

Nghe hắn nói vậy Trần Phong cười ung dung:

“Cung yến là giờ thìn mới bắt đầu. Học sinh thì trước giờ thìn một khắc đã đến đây. Xin hỏi đại nhân học sinh đi trễ chỗ nào? Hơn nữa đại nhân nói quy định cung yến là giờ thìn và không ai được phép đến trễ nhưng…”

Trần Phong vừa nói, vừa liếc hoàng đế.

Lê Hạo thấy Trần Phong nói rồi ngập ngừng liếc bản thân. Đã cảm thấy không xong. Hắn có cảm giác lửa sắp cháy lan đến.

Trần Phong cười như không cười tiếp tục:

“Bệ hạ lúc nãy đến cung yến… Nếu như thần nhớ không lầm chính là giờ thìn một khắc. Xin hỏi đại nhân, vậy có xem như là đến trễ không? Học sinh chưa phải là đi trễ đã phải chịu đình trượng 60, vậy xin hỏi hoàng thượng đi trễ một khắc thì phải xử sao đây?”

“Cái này… cái này…”

Lúc này viên quan đầu đã đổ mồ hôi không ngừng. Giờ khắc này dù đầu óc không tốt sử dụng, nhưng hắn cũng nhận ra mình sai chỗ nào rồi.

Hắn ấp úng:

“Ta… ta… Bổn quan…”

Trần Phong thấy vậy liền nhướng mày:

“Sao? Đại nhân?” Sau đó cười như không cười:

“Chẳng lẽ hoàng thượng đến trễ là lẽ đương nhiên, không cần phải phạt sao?”

Mọi người: “…” Hoàng thượng đến trễ một khắc không phải là chuyện đương nhiên sao?

Trần Phong ngừng một lúc rồi nói tiếp:

“Hay là… không phải hoàng thượng đến trễ mà do cung yến giờ thìn một khắc mới bắt đầu sao?”

Nghe vậy mắt viên quan sáng lên:

“Đúng vậy… đúng vậy… là bổn quan nhớ lầm… trách lầm trạng nguyên lang rồi.”

Trần Phong thật lâu vô ngữ. Vậy mà cũng đồng ý. Ngươi rốt cuộc là có nghe ta nói gì không?

Đáng lý ra. Lúc này hai người đều có bậc thang để lui xuống. Mỗi người nhường một chút mọi việc sẽ im xuôi, hoàng đế cũng sẽ không rãnh rỗi đến mức chen vô cho mất mặt.

Nhưng Trần Phong lần này quyết tâm nhóm lửa đốt cho sạch sẽ bớt đám người vừa không tài không đức lại còn ỷ quyền, ỷ thế hà hiếp kẻ dưới, bệ đỡ kẻ trên chỉ được mỗi việc a dua nịnh hót.

Cho nên kết cục, tất nhiên là ai cũng không thể xuống đài. Mà dù sao thì hôm nay hắn chính là cố ý không cho ai xuống đài…

“Vậy sao? Vậy mà học sinh cứ nghĩ, vì người đi trễ là một tên trạng nguyên không quyền không thế, nên đại nhân mới dám đứng ra chỉ trích. Còn giả như người đến trễ là người địa vị cao cả lắm quyền nhiều thế, thì chắc đại nhân ngài không dám có điều chi bất mãn? Học sinh.. Hôm nay… Thật đúng là mở rộng tầm mắt rồi…”

Nói xong Trần Phong bước ra giữa sân quỳ xuống tâu:

“Bệ hạ! Tiền nhân xưa có câu “Thượng bất chính, hạ tắc loạn” người trên thì phải làm gương cho kẻ dưới vì vậy lời nói và việc làm phải cho gương mẫu. Bệ hạ là bậc quân chủ đứng đầu một quốc gia, thì lời nói và việc làm phải càng mẫu mực cho văn võ bá quan noi theo. Nếu ngay cả bệ hạ cũng không giữ theo khuôn phép thì làm sao phục chúng. Không phục được chúng thì làm sao trị nước chăn dân? Bệ hạ là người bề trên mà giữ chữ tín, khuôn phép với bề tôi thì làm sao bề tôi dám không giữ khuôn, giữ phép với cấp dưới của mình! Kẻ dưới lại càng không dám làm điều nghịch loạn gây hại cho xã tắc. Có như vậy giang sơn mới vững bền, trăm họ mới lạc nghiệp âu ca, thái bình thịnh trị.”

Lê Hạo giờ khắc này bị Trần Phong vòng một vòng khiến cho đầu óc không khỏi có chút ong ong, thấy ngừng nói liền lập tức phán:

“Ái khanh nói rất đúng… Đứng lên đi. Trẫm đã biết. Trẫm đảm bảo sau này sẽ không bao giờ đến trễ nữa. Còn các ái khanh sau này trẫm có điều gì sai quấy các khanh cứ việc thẳng thắng can gián trình bày cùng trẫm.”

“Người đâu! Truyền trẫm ý chỉ, ban thưởng Trần trạng nguyên 10 quan và 20 sấp lụa. Còn Nguyễn Sư Hồi… khanh về nhà đóng cửa ăn năn nửa năm đi. Không có thánh dụ không được ra khỏi phủ nữa bước.”

Nghe hoàng thượng phán tất cả mọi người đồng loạt quỳ xuống:

“Bệ hạ thánh minh.”

Còn người được gọi là Nguyễn Sư Hồi thì mặt mày xanh mét, quỳ tạ ơn.

Trần Phong thản nhiên nhận ban thưởng của hoàng đế rồi mỉm cười lui về chỗ. Thấy đám tân khoa tiến sĩ mắt rực lửa, ý chí sục sôi. Hận không thể lập tức máu chảy đầu rơi đem hết tài cán ra mà giúp vua trị nước.

Thử hỏi sao mà không nhiệt huyết dâng trào cho được cơ chứ. Hoàng đế ngay cả một vị trạng nguyên chưa ban phẩm hàm can gián, làm mất hết mặt mũi giữa quần thần, mà vẫn có thể thản nhiên tiếp nhận còn ban thưởng hậu hĩnh.

Bọn họ làm quan không phải chỉ mong muốn điều này thôi sao? Nay gặp vị minh quân anh chủ như vậy thì cớ sao không vui mừng khấp khởi?

Ngay cả, người bình thường lý trí như Lương Thế Vinh, mà hai mắt cũng sáng rực lên.

Trần Phong lướt một vòng đem phản ứng của mọi người thu vào đáy mắt, sau đó cười cười, rót rượu uống cạn.

Ngẫm nghĩ…

Đại ca… Đệ đã thay huynh nhóm lửa.

Nhưng có thể giữ nó cháy mãi hay không thì phải dựa vào huynh rồi.

Còn chuyện cần tính sổ… đệ sẽ tính tỉ mỉ với huynh sau…

Hết chương 7.

Mời các bạn đón xem tiếp chương 8.

Thủy Ngọc Linh.