Tình Si

Chương 69: Nhà họ Đường không ở rể





"Chú Trần! Con và Mặc Tâm yêu nhau sâu đậm. Con mong chú chấp thuận cho hai đứa con nên nghĩa phu thê!" Sau bữa cơm chiều khi vừa về đến nhà, Nguyên Phong quỳ trước mặt ông bố vợ ngỏ lời.

Ông Trần nghe xong chẳng nói năng gì. Ánh mắt đặt trên chiếc nhẫn kim cương con gái đang đeo rồi nhìn vào chàng trai đang quỳ trước mặt. Ông nén tiếng thở dài rồi thủng thẳng nói: "Nguyên Phong! Chú biết tình cảm của hai đứa nên chú cũng chẳng cấm cản làm gì. Nhưng có một việc chú muốn nói rõ: Con muốn cưới Mặc Tâm thì phải chấp nhận ở rể!"

"Là sao ạ?" Nguyên Phong chẳng hiểu ra làm sao.

Ông Trần uống thêm ngụm trà ra hiệu cho anh ngồi lên ghế rồi giải thích ý mình cho Nguyên Phong hiểu: "Nghĩa là sau đám cưới, Mặc Tâm vẫn ở đây! Chú không cho con đưa con bé về đô thành! Bởi, ở đó không hợp với con bé!"

Tuổi thơ con gái ông đã chịu quá nhiều đau khổ. Thậm chí còn sắp mất mạng ở đó nên ông kiên quyết cả phần đời còn lại sẽ không bao giờ cho con quay về đó thêm một lần nào.

"Nhưng con còn quản lí Đường Gia!" Công ty chỉ một hai ngày vắng chủ chứ không thể vắng suốt một thời gian dài. Để thuận tiện cho cả sự nghiệp và hạnh phúc gia đình, anh bắt buộc phải đưa Mặc Tâm theo.

"Đó là việc của con. Con cứ suy nghĩ thật kĩ rồi hãy quyết định. Chứ sau này mà làm ngược là liệu hồn!" Nói xong những lời cần nói, ông Trần phủi mông đứng dậy. Ông quay sang nói với Mặc Tâm: "Ba qua bên chú Dương rồi ghé nhà trưởng bản A Lử bàn việc xây lại điểm trường Mầm non ở bản! Hai đứa ở nhà trao đổi ý ba đưa ra, kết quả như thế nào thì nói ba biết!"

Ông nhìn Nguyên Phong rồi với lấy chiếc mũ làm bằng lá cọ đội lên đầu đi ra ngõ.

Điểm trường Mầm non ở bản đã xuống cấp. Ông muốn góp chút tiền xây lại cái mới cho lũ nhóc và Mặc Tâm có một nơi học khang trang, ấm áp.

Ông Trần đi rồi. Nguyên Phong kéo Mặc Tâm ngồi lên đùi mình, yêu thương vuốt nhẹ mái tóc cô dò hỏi: "Em thấy sao?" Giọng anh chùng xuống.

Mặc Tâm ôm lấy cổ anh, chẳng có gì để nghĩ ngợi, cô nhìn thẳng vào mắt anh nói luôn: "Em thấy ba nói đúng! Em không theo anh về đô thành đâu! Nếu thương em thì anh nghe lời ba ở rể!" Rồi cô cào cào lên ngực anh nói thêm: "Em quen khí hậu mát mẻ và con người hiền lành nơi đây! Hơn nữa, em còn sự nghiệp của riêng mình! Giáo viên ở đây thiếu rất nhiều nên em không thể bỏ lũ trẻ!"

Cô đã nói vậy thì anh đành bấm bụng chiều theo. Thật ra, đối với anh, chuyện ở rể gì đó không quan trọng. Ở đâu có Mặc Tâm thì nơi đó sẽ là nhà anh. Anh chỉ sợ rồi đây có những đêm dài hai vợ chồng phải ngủ hai nơi. Bởi khoảng cách bảy tiếng xa xôi anh không thể đi về trong ngày. Dẫu biết phải cố gắng vượt qua nhưng anh vẫn không thích cảm giác thiếu vắng đó.

"Thật muốn nhập luôn em vào thân thể anh! Để sau này anh đi đâu cũng có thể mang em theo." Anh siết chặt vòng tay như muốn thực hiện luôn ý định.

Mặc Tâm chống hai tay lên ngực anh, cố níu giữ chút khoảng cách. Cô lườm anh: "Sau này ban ngày anh đi làm, tối về bên em cũng được mà. Như thuở anh làm trên Nông trường chiều về ghé đón em tan trường ý!"

Nguyên Phong nghe cô nói vậy đưa tay véo mũi cô, anh giải thích cho cô hiểu: "Lúc đó, anh chưa quản lí Đường Gia. Từ Nông trường về nhà chú Dương có hai tiếng, sáng đi chiều về vẫn có thể thực hiện. Nhưng đô thành cách đây bảy giờ chạy xe, với khoảng cách này, anh không về bên em kịp!"

"Chẳng phải anh có máy tính, điện thoại có thể chỉ đạo từ xa sao?" Cần gì phải về.

"Anh là sếp! Cũng giống như cha mẹ vậy! Chỉ đi công tác vắng con, nhà cửa vài ngày!" Nguyên Phong buồn phiền mân mê đôi má Mặc Tâm.

"Vậy đành phải nén lòng chịu thôi chứ biết sao bây giờ?" Mặc Tâm cũng thấy buồn. Cô những tưởng anh chỉ công tác ở Nông trường chè. Cô nào biết anh bây giờ đã quản lí luôn công ty gia đình. Nhưng tin này làm cô nảy ý muốn đùa anh: "Vậy có phải sau cưới, em thành phu nhân tổng tài không?" Một chức danh quá lớn, liệu cô có thể đánh đổi vì anh?

"Đúng rồi! Em sẽ là bà chủ của Đường Gia! Vậy bà chủ có vui lòng theo ông chủ về đô thành phát triển sự nghiệp?" Nguyên Phong vuốt ve dụ dỗ ngược.

Mặc Tâm làm ra vẻ đắn đo suy nghĩ rồi trả lời anh: "Về đô thành làm bà chủ em cũng thích... nhưng em vẫn thích mình làm cô giáo Mặc Tâm hơn!"

"Vậy chốt lại?"

"Anh thương em thì ở lại đây!" Cô ngã đầu vào ngực anh.

"Thôi được! Anh đồng ý theo em! Ai bảo anh yêu em nhiều hơn em yêu anh chứ!" Anh vuốt ve tấm lưng gầy, hôn lên trán, lên đỉnh đầu cô.

Mặc Tâm hài lòng, cô ban cho anh chiếc bánh an ủi: "Thỉnh thoảng cuối tuần em sẽ theo anh về đó!"

"Một ý kiến hay!" Anh hôn ban thưởng vào môi cô một cái rồi lấy điện thoại gọi báo tin cho ba mẹ: "Mẹ! Chúng con quyết định cưới nhau!"

Mẹ anh sau khi nghe được tin vui, bà phấn khích đập tay luôn xuống bàn nước: "Có thế chứ con trai!" Rồi không quên đề cập đến một vấn đề: "Con hỏi Mặc Tâm giờ, ngày, tháng, năm sinh để mẹ xem bát tự hai đứa mà chọn ngày hoàng đạo!"

Nguyên Phong quay sang hỏi luôn người yêu: "Giờ, ngày, tháng, năm sinh của em?"

Mặc Tâm nêu ra một dãy số cho mẹ anh nhưng bà vẫn còn nghi ngờ: "Chính xác chứ?" Bà sợ một đứa vốn mồ côi, mất mẹ từ nhỏ như Mặc Tâm thì làm gì mà nhớ ngày mình sinh.

Và thực tế là vậy, Mặc Tâm chỉ biết cô bao nhiêu tuổi còn ngày tháng gì đó là chú Dương ghép vào để làm giấy khai sinh cho cô đi học.

Hôn nhân là việc đại sự nên không thể làm bừa. Bà Đường muốn biết kĩ chính xác thông tin bèn gọi hỏi Trần Duy: "Chú biết giờ, ngày, tháng, năm sinh con bé chứ?"

Một câu hỏi tưởng dễ cho bất kì một người làm cha làm mẹ nào. Nhưng đối với ông Trần là một câu hỏi khó. Muốn trả lời chính xác, ông phải gợi lại chút trí nhớ về quá khứ.

Cụ thể là như thế nào chỉ có Trần Hàn biết vì anh ta luôn túc trực bên cạnh Mặc Tú khi cô sinh con. Còn bản thân ông lúc đó chỉ là kẻ ngoài cuộc. Nhưng có một điều khiến ông nhớ mãi không quên: Ngày Mặc Tú sinh Mặc Tâm cũng là ngày ông đau khổ nhất trong cuộc đời nên ông nhớ rất rõ ngày tháng năm đó.

"Tôi chỉ biết con bé chính xác sinh ngày tháng năm đó. Còn giờ...!" Ông chịu.

Bà Đường nghe xong nén tiếng thở dài. Chuyện đã như thế này! Thôi có cái gì coi cái đó!

Bà Đường sau khi lấy lại thông tin bát tự của Mặc Tâm, bà còn chưa kịp lên chùa xin ngày đã nghe ông Trần Duy gọi điện đến nhắc nhở: "Anh chị nhớ là tôi bắt rể!"

Một tin chặn ngang niềm vui đang sinh sôi trong lòng bà là sắp có đứa cháu nội bụ bẫm để nâng niu. Bởi, bà nghe tiếng chồng quát lên phía sau: "Nhà họ Đường từ xưa đến giờ không ai ở rể cả!"

Sau đó, ông giằng lấy luôn chiếc điện thoại nói to vào tai nghe: "Xin lỗi chú! Nhà tôi không thiếu đất!" Rồi thẳng thừng ấn nút tắt, bấm số của Nguyên Phong, hét vào tai thằng con mê vợ bỏ qua thể diện tổ tiên: "Ba không đồng ý việc con theo phía vợ đâu nhé!"

Cuộc bàn định ngày hôn sự rơi vào ngõ cụt!