Tiểu Thư Hầu Phủ

Chương 203: Như tằm ăn dâu



Vương Tự Bảo suy nghĩ, nàng cũng không định giấu tài, nghiêm túc trả lời: "Tạm thời cứ nghỉ ngơi để lấy lại sức, khiến dân giàu nước mạnh. Rồi sau đó lại nghĩ cách để tăng cường lực lượng quân sự."

Vương Tự Bảo lại giải thích thêm: "Lực lượng quân sự mà con nói không phải chỉ có nhân số binh tướng, mà còn có đồ trang bị của các binh tướng, còn là năng lực tác chiến với quân địch của họ,… rất nhiều phương diện. Con đã từng vô ý nhìn thấy một câu nói, đó là: "Nếu không muốn đổ máu trên chiến trường thì phải đổ mồ hôi trên thao trường. Cho nên, huấn luyện tướng sĩ trong thời bình cũng rất quan trọng." Vương Tự Bảo lại suy nghĩ một lúc rồi tiếp tục nói: "Bây giờ đất nước còn yếu cũng không cần phải vội, có thể từ từ lớn mạnh mà."

Quả thật là con trai ngốc nhà ông đã đào được bảo bối rồi. Một cô gái nhỏ mà lại có kiến thức như thế, quả thực rất hiếm có.
Chu Vĩnh Hồng nhìn Vương Tử Nghĩa, lại nghĩ tới một sư phụ khác của Vương Tự Bảo là Lữ Duyên, quả nhiên danh sư xuất cao đồ mà.

Chu Vĩnh Hồng vừa nghe thấy Vương Tự Bảo nói đất nước yếu có thể dần dần lớn mạnh một cách qua loa hời hợt, ông liền muốn biết nàng có cách gì, mà nhìn chuyện lớn này một cách đơn giản như vậy.

Vì thế ông vô cùng nghiêm túc, dáng vẻ rửa tai lắng nghe, nói: "Nói ra xem xem." Sau đó lại đột nhiên nghĩ tới việc bây giờ nói những chuyện này thì không đúng lắm, vì thế ông cười nói: "Xem trí nhớ của ta kìa. Chúng ta là tới ăn cơm. Chúng ta ăn cơm trước đã, rồi bàn chuyện này sau."

Dù sao thì đây cũng là địa bàn của Ung Quốc, cho dù các phủ có quản lý nghiêm ngặt thế nào thì cũng khó tránh có các thám tử hoàng cung. Cho nên, Chu Vĩnh Hồng không hy vọng những lời mà bọn họ nói sẽ truyền đến tai Vĩnh Thịnh đế. Nhất là đột nhiên ông ý thức tới những lời mà Vương Tự Bảo sắp nói ra đây rất có khả năng sẽ trở thành bước ngoặt cực kỳ trọng yếu liên quan tới sinh tử tồn vong sau này của Thiều Quốc.
Bởi vì trong lòng có suy nghĩ, cho nên bữa ăn này của mọi người nhìn thì có vẻ cả khách lẫn chủ đều rất vui vẻ, nhưng trên thực tế, tâm tư sớm đã không biết đi đâu mất rồi.

Sau khi dùng bữa qua loa, Vương lão Hầu gia dẫn ba huynh đệ Vương Tử Nghĩa và tiểu bối Vương Dụ Phổ, Vương Dụ Tuần, cộng thêm Chu Vĩnh Hồng và Chu Lâm Khê, còn có Vương Tự Bảo nữa cùng tới thư phòng ngoài của Vương lão Hầu gia để nghị sự.

Tới lúc mọi người đều ngồi xuống cả, Chu Vĩnh Hồng vội vàng hỏi: "Bảo Muội, con có thể nói tường tận cho chúng ta nghe những biện pháp mà lúc nãy con nói được không?"

Mọi người đều nhìn Vương Tự Bảo với dáng vẻ sốt ruột. Phải biết rằng điều này liên quan tới vận mệnh của Thiều Quốc, đồng thời cũng liên quan tới việc sau này Hòa Thuận Hầu phủ sẽ phải đối mặt với rất nhiều lựa chọn.
Vương Tự Bảo cười nói: "Nói ra thì rất đơn giản, chính là như tằm ăn dâu và nước ấm nấu ếch là được."

Đây, đây là ý gì chứ? Nghe có vẻ giống như trò đùa của trẻ con vậy.

Thấy mọi người hoặc nghi ngờ khó hiểu hoặc cảm thấy nàng đang đùa, Vương Tự Bảo vội vã thu lại ý cười, nghiêm túc nói: "Điều con nói là thật, không phải đùa đâu."

Từ "tằm ăn dâu" vẫn luôn được Thiên triều Sử gia sử dụng, hầu như trở thành từ chuyên dùng để chỉ việc nhà Tần tiêu diệt sáu nước. Chủ yếu là bởi vì nó khái quát vừa sinh động vừa chuẩn xác cảnh tượng lịch sử nước Tần mạnh mẽ từng bước tiêu diệt sáu nước. Ví như con tằm ăn hết lá dâu từng chút từng chút một.

Ở thời hiện đại Vương Tự Bảo đã từng được học bài văn "Tương tương hòa", nàng còn đặc biệt tìm đoạn lịch sử liên quan tới việc nhà Tần tiêu diệt sáu nước để xem. Cho nên ấn tượng với từ như tằm ăn dâu này vô cùng sâu sắc.
Thấy mọi người đều chỉnh lại tâm trạng để nghiêm túc nghe nàng nói chuyện, Vương Tự Bảo cố gắng giải thích cho mọi người.

"Đại Ung bây giờ, mọi người gọi là Ung Quốc, là quốc gia lớn nhất đại lục Hồng Vũ hiện nay, Định Quốc đứng thứ hai. Xét về dân số và diện tích, Thiều Quốc chỉ đứng thứ ba. Ngoài ra còn có Mẫn Quốc đều tiếp giáp với Đại Ung và Thiều Quốc. Còn có các ngoại tộc phân tán ở khắp nơi, người Trung Nguyên chúng ta gọi là vùng Man Tộc, Man Cương.

Vương Tự Bảo vừa nói vừa dùng tay chấm nước trong ly trà rồi vẽ đại khái bản đồ Hồng Vũ lên trên thư án của Vương lão Hầu gia. Như thế lúc nàng giải thích sẽ càng trực quan hơn.

Vương Tự Bảo chỉ vào Định Quốc, nói tình thế hiện tại của Định Quốc: "Hiện tại Định Quốc một mực dùng sức mạnh, trực tiếp chiếm lĩnh không ít khu vực xung quanh, đất đai và dân số của họ đều đang tăng lên chóng mặt. Theo lý mà nói, nếu bọn họ trực tiếp nắm lấy Mẫn Quốc thì tình thế của họ càng thêm lạc quan. Nhưng bọn họ lại không dám tùy tiện công đánh Mẫn Quốc. Chủ yếu là sợ gây ra sự phản kích mãnh liệt của Đại Ung."
Vương Tự Bảo lại chỉ vào Mẫn Quốc: "Bởi vì một khi Mẫn Quốc bị Định quốc tiêu diệt thì Đại Ung sẽ bị lộ ra thế bị bao vây tứ phía, tình trạng đánh gọng kìm hai phía với Định Quốc. Như thế thì sẽ khiến Đại Ung khá là bị động. Cho nên một khi Định Quốc xuất binh tới Mẫn Quốc, chắc chắn Đại Ung sẽ không ngồi chờ chết, tất phải ra tay viện trợ Mẫn Quốc. Thật sự không được thì Đại Ung cũng có thể mượn cơ hội này để cùng Định Quốc phân chia Mẫn Quốc."

Nói tới đây, Vương Tự Bảo lại chỉ vào Thiều Quốc, nói: "Tại sao Định Quốc có lòng tin nếu như họ công đánh Thiều Quốc thì Đại Ung sẽ không nhúng tay vào?" Đây là lời giải thích cho lời Chu Lâm Khê nói lúc Nam Phong Dực tới cầu thân.

"Đó là bởi vì cho dù Định Quốc đánh bại Thiều Quốc thì cũng sẽ không khiến Đại Ung rơi vào tình trạng bị bao vây tứ phía, bị đánh gọng kìm hai phía. Bởi vì Định quốc và Thiều Quốc đều ở phía Bắc của Đại Ung, chứ không giống như Định Quốc và Mẫn Quốc, một nước ở phía Bắc, một nước ở phía Nam.
Ngoài ra, nếu như Định quốc công đánh Thiều Quốc thì Đại Ung cũng có thể mượn cơ hội này để xuất binh tới Thiều Quốc trước để phân chia đất đai và dân cư của Thiều Quốc."

Những điều mà Vương Tự Bảo nói, trong lòng Chu Vĩnh Hồng và Chu Lâm Khê, Vương lão Hầu gia, Vương Tử Nghĩa, Vương Dụ Phổ và Vương Dụ Tuần đều rất rõ. Cho nên Vương Tự Bảo vừa nói bọn họ đều đã có thể hiểu ngay được. Tiếp theo đây, Vương Tự Bảo phải nói về chuyện tằm ăn dâu.

"Tằm ăn dâu à, chính là để ví von ý nuốt từng chút từng chút một. Có những lúc, không cần làm quá vội, có thể làm từng chút từng chút một. Cứ như thế sẽ không gây nên quá nhiều sự chú ý và phản kích của người khác." Vương Tự Bảo nói xong câu này, thấy mọi người đều đã hiểu được ý trong lời nói của nàng rồi. Vì thế không nói gì thêm nữa.
Ý của nàng rất rõ ràng, chính là để Thiều Quốc âm thầm, từng chút từng chút một chiếm đoạt đất đai xung quanh trong tình hình không lộ điều gì ra ngoài. Chỉ cần không có động tĩnh lớn thì tuyệt đối sẽ không dẫn tới sự chú ý của các nước khác.

Tới lúc bọn họ từng bước xâm chiếm được diện tích lớn dẫn tới sự chú ý của các quốc gia khác, e là đã tới bước ván đã đóng thuyền, việc đã quá muộn rồi.

"Vậy nước ấm nấu ếch là ý gì?" Chu Vĩnh Hồng càng ngày càng phải nhìn Vương Tự Bảo bằng cặp mắt khác.

"Ý cũng tương tự với tằm ăn dâu. Ví von việc ếch bơi qua bơi lại trong nước ấm sẽ cảm thấy khá là thoải mái, đợi tới lúc nhiệt độ cao hơn một chút, chúng sẽ không hề để ý, còn tiếp tục bơi lội trong nước nữa. Sau đó chúng lại dần dần thích nghi với nhiệt độ mới. Nếu như người ta tăng thêm nhiệt độ cao lên hơn nữa, chúng sẽ dần dần thích nghi với nhiệt độ mới này. Tới sau cùng, lúc nhiệt độ tăng lên đến mức chúng không thể nào thích ứng được nữa, thì chúng đã quên việc phải trốn chạy, quên đi sự phản kháng, cuối cùng chỉ còn lại một con đường chết. Đây là nguồn gốc của câu nói nước ấm nấu ếch.
Trên thực tế, đột nhiên xuất hiện kẻ địch mạnh sẽ khiến người ta phòng ngự mạnh mẽ. Nhưng mà đối mặt với hoàn cảnh an nhàn, thỏa mãn thì con người dễ bị hoàn cảnh xung quanh mê hoặc, cuối cùng sẽ dẫn tới tinh thần sa sút, buông lỏng và sa ngã.

Bởi vì quá trình này là sự biến hóa từng chút từng chút một, nên sẽ khiến người ta trong lúc lơ là mất cảnh giác mà hoàn thành sự suy biến toàn bộ, lúc có thể lĩnh ngộ được thì đã quá muộn rồi.

Cho nên, phương pháp này khá là hữu dụng để chi phối dân cư khu vực cần thực hiện cách tằm ăn dâu hoặc sau khi đã thực hiện được cách tằm ăn dâu này rồi. Là để bọn họ có thể từng bước thích ứng với Thiều Quốc, dần dần họ sẽ xem bản thân mình là một bộ phận của Thiều Quốc."

Từ trước đến nay Vương Tự Bảo cứ nói hết những điều mà mình biết, còn về việc có thể thực hiện được hay không thì phải dựa vào những nam nhân trước mặt. Cho nên, sau khi ném một quả bom nặng ra, nàng giống như người không có việc gì, ngồi một bên nghe mọi người thảo luận. Thỉnh thoảng trả lời một vài câu mà mọi người hỏi.
Sau khi mọi người tản đi hết, tiếp sau đây cần phải làm như thế nào thì nàng lại càng không quan tâm nữa. Bởi vì trước đại hôn, nàng phải chuẩn bị tương đối nhiều chuyện vặt vãnh.

Cho dù mấy người Chu Vĩnh Hồng âm thầm thao tác như thế nào thì Hòa Thuận Hầu phủ cũng dùng phần lớn thời gian của mình để lo chuyện lễ cập kê của Vương Tự Bảo, chuyện Chu Lâm Khê mang sính lễ tới và đại hôn của hai người.

Họ vốn định ngày mồng Sáu tháng Sáu sẽ làm lễ cập kê nhưng vì do Tưởng Thái hậu không được khỏe nên mới tổ chức sớm vào ngày mồng Sáu tháng Hai.

Thiều Quốc chính thức dạm ngõ Hòa Thuận Hầu phủ vào ngày Mười sáu tháng Hai.

Còn đại hôn của hai người ở Đại Ung sẽ tổ chức vào ngày mồng Sáu tháng Ba. Đại hôn ở Thiều Quốc sẽ tổ chức vào ngày mồng Sáu tháng Mười năm sau.
Lễ cập kê của con gái thường sẽ đều được các gia đình bình thường tổ chức. Tình hình của Vương Tự Bảo tương đối đặc biệt, lễ cập kê của nàng chủ yếu là để hoàn thành tâm nguyện của Tưởng Thái hậu. Bởi vậy, vốn là thiệp mời của Hòa Thuận Hậu phủ, cuối cùng lại đổi thành ý chỉ trong cung của Tần Hoàng hậu.

Trịnh Tương Quân và Thành Uyển vẫn luôn tâm niệm muốn được làm người xướng lễ cho Vương Tự Bảo nhưng đã bị người ta khéo léo từ chối rồi.

Nghe nói lễ cập kê lần này của Vương Tự Bảo không tổ chức hoàn toàn theo thời xưa, cho nên có một vài chỗ thay đổi cho thích hợp. Người xướng lễ vốn nên là bạn bè của người làm lễ cập kê là điểm bị thay đổi đầu tiên.

Về phần tiểu cô nương Thành Uyển, bây giờ đã là đại cô nương mười bảy tuổi rồi.
Từ lần tay của Vương Dụ Tuần bị tàn phế khiến nàng bỏ lỡ mất thời cơ tốt nhất để gả cho Vương Dụ Tuần, tinh thần nàng đã sa sút một thời gian, còn vì thế mà có ý định tự tử.

Sau đó Vương Tự Bảo được Thành Quốc Công phủ mời tới để trò chuyện với Thành Uyển, khuyên giải nàng duyên phận đã được trời cao chủ định, có lẽ bởi vì duyên phận của nàng và Vương Dụ Tuần còn chưa đến, cho nên mới khiến nàng nghĩ thoáng hơn một chút.

Dù sao thì cho dù nói thế nào, Thành Uyển cũng không tìm đến con đường muốn tự tử nữa. Nhưng nàng lại biến thành một người hoàn toàn khác, không còn thích nói thích cười, không còn muốn qua lại với người khác nữa.

Sau khi nàng cập kê, Thành Quốc Công phủ đã tìm cho nàng mấy người, trong đó có biểu ca kia của nàng nữa. Nhưng đều vì Thành Uyển lấy cái chết ra để ép nên cuối cùng không định hôn sự.
Với Thành Uyển, nếu như duyên của nàng với Vương Dụ Tuần đã tận, vậy thì đường tình duyên của nàng coi như đã hoàn toàn bị cắt đứt rồi.

Lần này Vương Tự Bảo quay về Ung Đô, Thành Quốc Công phủ lại mời nàng tới phủ để khuyên giải.

Vương Tự Bảo cảm thấy lần trước bởi vì liên quan tới sống chết của Thành Uyển nên nàng mới tới khuyên giải. Lần này nếu như không liên quan tới sống chết, quả thực nàng cũng không dám gật bừa với cách làm của Thành Quốc Công phủ, vì thế nên mới không tới để can thiệp vào.