Tiểu Thư Hầu Phủ

Chương 177: Tam hoàng tử



Về phần là việc lớn gì, thì phỏng chừng người viết mật hàm cũng chưa điều tra rõ. Vậy nên Vĩnh Thịnh đế mới phái huynh muội Vương Dụ Tuần và Vương Tự Bảo tới nơi này, để bọn họ cẩn thận điều tra.

Trên đường tới quận Phụng Bắc, hai người bọn họ đã phát hiện vấn đề dân số ở quận Phụng Bắc bị giảm, nhất là nhóm người không khiến người ta chú ý như nạn dân, dân lưu lạc.

Về sau lại Vương Dụ Trạch viết thư về, họ biết được mấy năm nay càng ngày càng có ít tù nhân đi đày bị sung quân. Nghe đâu đám tù nhân trẻ tuổi khỏe mạnh kia đều chết trên đường đi đày.

Kỳ lạ nhất chính là những người thân thể suy yếu lâu năm lại có thể an toàn đến đây, vì sao những người trẻ tuổi khỏe mạnh lại chết? Điểm này khiến Vương Dụ Trạch nghi ngờ. Vì vậy hắn bèn viết thư cho bọn họ, bảo bọn họ sau khi tới đây thì để ý tới vấn đề này nhiều hơn.
Hiện tại sau khi từ từ phân tích, hai người bọn họ đã hình dung ra đại khái sự việc.

Vương Dụ Tuần suy nghĩ một chút, sau đó hỏi Vương Tự Bảo liên tục mấy vấn đề: "Bảo Muội, muội nói xem, vì sao nhiều năm qua những người mất tích đều là nam tử trẻ trung khoẻ mạnh? Những người mất tích này rốt cuộc được dùng để làm gì? Còn nữa, trong tay đối phương có bao nhiêu người dùng để theo dõi đám người kia, đề phòng bọn họ bỏ chạy?"

Vương Tự Bảo há to miệng, giật mình nói: "Chẳng lẽ thật sự bởi đã phát hiện ra núi vàng, núi bạc gì đó, nên dùng những người này để đào mỏ ư?"

Vương Tự Bảo đột nhiên cảm thấy vấn đề Vương Dụ Tuần hỏi tương đối có điểm đột phá.

Vương Dụ Tuần tỉnh táo bảo: "Có phải núi vàng, núi bạc hay không thì chưa biết được, nhưng nếu là mỏ than đá, mỏ sắt gì đó thì cũng khó nói."
Vương Tự Bảo nghĩ đến ở hiện đại, vùng Đông Bắc cũng có nhiều núi, cực kỳ giống nơi này. Hình như nơi đó có mỏ than đá, mỏ sắt, mỏ đồng gì đó, vì vậy suy đoán của Vương Dụ Tuần cũng khá đáng tin.

Bởi đã tìm ra điểm đột phá nên suy nghĩ của bọn họ cũng rõ ràng hơn. Chuyện còn lại chính là phái người đi theo dõi sát sao Huyện lệnh Lâm Dương Từ Bá Dương. Ngoài ra, bọn họ còn phái người đi nghe ngóng xem mấy năm gần đây huyện Lâm Dương đã xảy ra chuyện gì lớn?

Vương Dụ Tuần đặc biệt nhắc nhở: "Ngoài ra còn có một người có điểm đáng ngờ, không biết muội có chú ý đến hay không?"

"Người nào?" Vương Tự Bảo ngẩng đầu lên, chăm chú nhìn Vương Dụ Tuần, nghi ngờ hỏi.

"Hách Văn Quang."

"Tại sao lại là Hách Văn Quang?"

"Muội không cảm thấy nhiều năm qua số người mất tích ở huyện bọn họ cũng quá nhiều sao?" Vương Dụ Tuần nhắc nhở.
Vương Tự Bảo bỗng nhiên tỉnh ngộ nói: "Ồ! Vậy nên hắn ta mới báo lên trên rằng huyện bọn hắn gặp thảm họa. Như vậy đây sẽ là lời giải thích hợp lý cho số người mất tích ở huyện bọn hắn rồi."

Vương Dụ Tuần gật gật đầu bảo: "Nếu như chúng ta không đoán sai thì tri phủ tiền nhiệm Trương Tiến Khôn mới là kẻ thông minh. Nhất định là ông ta đã phát hiện ra gì đó, cho nên mới tìm cơ hội rời đi."

Hơn nữa người nọ cũng thuộc loại tàn nhẫn, thế mà lại áp cho mình cái tội danh tham ô nhận hối lộ.

"Vậy trước hết chúng ta ra tay từ trên người Từ Bá Dương và Hách Văn Quang." Vương Tự Bảo đề nghị.

"Chỉ sợ bọn họ sẽ phát giác ra, rồi trong thời gian ngắn sẽ không hành động nữa." Đây là chuyện Vương Dụ Tuần lo lắng nhất. Dù sao trước đó vài ngày danh tiếng của tiểu muội nhà mình cũng quá lớn.
Vương Tự Bảo gật đầu, "Vậy chúng ta cứ từ từ đợi."

Vương Dụ Tuần đồng ý nói: "Ừm. Trước hết chỉ có thể như vậy."

Vốn hai người tưởng rằng tạm thời đối phương sẽ không ra tay, nhưng không lâu sau, thôn Lâm Giang đã có người tới báo, nói thôn bọn họ có mấy chàng trai trẻ tuổi khỏe mạnh mất tích.

Sau khi biết được tin tức, Vương Dụ Tuần híp mắt lạnh lùng bảo: "Lá gan lớn thật."

Nhưng đối phương vẫn tương đối xảo quyệt, chỉ duỗi tay một lần này rồi lại thu về.

Vương Dụ Tuần cũng chỉ có thể phái người tiếp tục theo dõi Từ Bá Dương và Hách Văn Quang. Ngoài ra cũng không loại trừ trong các huyện lệnh khác có kẻ giúp đỡ hai tên này, vì vậy hắn cũng tăng thêm người theo dõi bọn họ chặt chẽ.

Sau khi biết số bạc trong kho và số lương thực cất trữ của các huyện đều không khớp với sổ sách, ngoài ra còn biết người phía dưới làm thế nào để lừa trên gạt dưới, Vĩnh Thịnh đế vô cùng tức giận.
Phải biết rằng, dù ông là hoàng đế nhưng muốn xây cho Trang phi một cái hành cung nghỉ hè, người phía dưới cũng phản đối kịch liệt. Nói là tài chính trong quốc khố thiếu hụt nghiêm trọng, mấy năm nay Định Quốc nhìn chằm chằm như hổ đói, ngân lượng bọn họ dùng để tăng cường quân bị cũng không đủ.

Dù sao ông cũng là một nam nhân sĩ diện. Chuyện đã đồng ý với ái phi của mình, sao có thể đổi ý giữa đường được. Vả lại lời của vua không thể rút lại.

Cuối cùng Vĩnh Thịnh đế keo kiệt chỉ có thể bất chấp, quyết định móc tiền từ kho bạc nhỏ của mình ra xây dựng hành cung.

Nhưng nếu xây dựng hành cung nghỉ hè lớn thì bạc trong kho bạc nhỏ của ông chỉ có thể như muối bỏ biển thôi.

Lần này có cơ hội làm đầy quốc khố, ông há có thể bỏ qua?

Vì vậy Vĩnh Thịnh đế phái Tam hoàng tử Hạ Lập Vũ và Tứ hoàng tử Hạ Lập Nghiêu chỉ huy một đám đại thần bắt đầu kiểm tra kho bạc và kho cất trữ lương thực các nơi.
Phải nói thế nào về Tam hoàng tử Hạ Lập Vũ này nhỉ?

Thực ra hắn mang đến cảm giác giống Vĩnh Thịnh đế khi Vương Tự Bảo gặp ông lần đầu tiên, chính là kiểu thuộc hàng ngũ người qua đường.

Hắn là đứa con Vĩnh Thịnh đế có lúc vẫn còn là Lục hoàng tử. Nghe đâu mẹ đẻ là một nha hoàn bình thường. Bởi Vĩnh Thịnh đế uống nhiều hơn hai chén mà lên giường với bà, về sau bà được nâng lên làm thông phòng. Sau đó lại may mắn được sủng ái vài lần, bèn sinh ra Tam hoàng tử này.

Về sau không biết vì nguyên nhân gì, người mẹ đẻ xuất thân từ nha hoàn này của Hạ Lập Vũ lại bị bí mật xử tử. Nghe đâu có lẽ là bởi bà cấu kết với thị vệ. 

Vĩnh Thịnh đế cũng hoài nghi không biết có phải năm đó mình bị tính kế nên mới lên giường cùng nha hoàn kia hay không. Mà đứa bé này đến cùng có đúng là con của mình hay không còn chưa chắc chắn.
Vì vậy sau đó ông vẫn luôn ở trong trạng thái không quản không hỏi tới Hạ Lập Vũ, coi như trong phủ nuôi thêm một kẻ nhàn rỗi mà thôi.

Đợi Vĩnh Thịnh đế lên làm vua, ông lại không thể công khai không nhận đứa con trai này. Vậy chẳng phải là thừa nhận lịch sử đen tối đã từng bị đội nón xanh của mình với người đời hay sao? Vì vậy mặc kệ đứa bé này rốt cuộc có phải là con ruột của ông hay không, hắn cũng được phong làm Tam hoàng tử.

Lần này Vĩnh Thịnh đế lại phái hắn và Tứ hoàng tử cùng đi điều tra kho bạc và kho cất trữ lương thực các nơi, nghe nói là vì Hạ Lập Vũ đã thiết kế một hành cung nghỉ hè cỡ nhỏ cho Vĩnh Thịnh đế.

Phí tổn nằm trong phạm vi Vĩnh Thịnh đế có thể chấp nhận được, hơn nữa Trang phi còn khá hài lòng.

Trang phi chính là Trang tần mấy năm nay được Vĩnh Thịnh đế sủng ái nhất. Cho dù nàng chưa sinh hạ cho Vĩnh Thịnh đế người con nào, nhưng Vĩnh Thịnh đế vẫn mượn đại thọ năm mươi tuổi của mình để thăng chức mang tính chất tượng trưng cho tất cả mọi người trong hậu cung.
Nếu thật sự không thể thăng chức thì cũng cho phong thưởng nhất định.

Phải nói, nam nhân một khi đã thích một nữ nhân nào đó, thì sẽ không tự chủ mà nghiêng về phía người đó. Ngay cả đế vương có vô số nữ nhân cũng giống vậy.

Lần này Vĩnh Thịnh đế vui mừng, vì vậy còn cố ý khen thưởng cho Tam hoàng tử.

Lúc khen thưởng cho Tam hoàng tử Hạ Lập Vũ, nghe đâu còn xảy ra một việc.

Về sau Vương Tự Bảo nghe nói, là Trang phi trong lúc vô ý nói một câu, làm Vĩnh Thịnh đế thay đổi cái nhìn với Tam hoàng tử.

Vương Tự Bảo nghe xong thì cười nhạt, chẳng qua chỉ là ít trò mèo mà thôi.

Hình như lúc đó Trang phi ở trước mặt Vĩnh Thịnh đế nũng nịu nói một câu: Lần đầu tiên phát hiện Tam hoàng tử này nhìn thế nào cũng thấy giống Hoàng thượng.

Truy cập fanpage https://facebook.com/TruyenDKM để tham gia các event hấp dẫn.
Về sau có tiết mục lấy máu nhận thân hay không thì Vương Tự Bảo không biết, thế nhưng việc Tam hoàng tử là con ruột của Vĩnh Thịnh đế đã được Vĩnh Thịnh đế tự mình xác định.

Về phần người khác nghĩ Tam hoàng tử như thế nào là một chuyện, chỉ cần cha ruột của người ta thừa nhận là được rồi. Huống chi cha ruột người ta còn là Hoàng thượng. Người khác ai lại có lá gan lớn dám tùy tiện phê bình thế chứ?

Kết quả tuần tra ban đầu của Tam hoàng tử và Tứ hoàng tử không tốt lắm. Lần này, khiến Vĩnh Thịnh đế càng thêm tức giận.

Trong cơn tức giận, ông bèn đoạt đi mũ ô sa của rất nhiều người ngay tại chỗ, cũng hạ lệnh xét nhà những người đó, thậm chí kẻ tham ô nghiêm trọng còn bị chém đầu.

Ấn tượng Vĩnh Thịnh đế cho Vương Tự Bảo vẫn luôn gắn liền với keo kiệt.
Người ta chỉ muốn xây một hành cung nghỉ hè tốt cho ái phi của mình thôi mà người của Hộ bộ trái ngăn phải ngăn, Ngự sử cũng không ngừng lên tiếng khuyên nhủ. Cuối cùng còn làm cho một Hoàng đế như người ta phải tự móc tiền túi ra xây hành cung cho ái phi. Mặc dù nghe rất lãng mạn, nhưng một Hoàng đế phải làm đến nước này chắc chắn trong lòng sẽ cảm thấy vô cùng uất nghẹn.

Bây giờ Vĩnh Thịnh đế sai người xét nhà của những người này, chặt đầu của những kẻ nọ, không thể không nói nhất định là ông đang khiến một nhóm người nản lòng.

Nhưng không thể không nói, cách làm này của Vĩnh Thịnh đế tương đối hiệu quả.

Trong quá trình tuần tra của Tam hoàng tử và Tứ hoàng tử sau này, những người muốn giữ được mũ ô sa của bản thân đều nghĩ hết biện pháp lấp đầy khoản thâm hụt trong nha môn mình.
Khi Tam hoàng tử và Tứ hoàng tử trở lại Ung Đô, Vĩnh Thịnh đế rất hài lòng, vô cùng hào phóng trọng thưởng cho Tam hoàng tử và Tứ hoàng tử.

Sở dĩ thời điểm ban thưởng cho người khác Vĩnh Thịnh đế hết sức rộng rãi là bởi trong cung có rất nhiều thứ không đổi được thành tiền, những thứ đó có giữ lại cũng chỉ chiếm diện tích.

Lần này Vĩnh Thịnh đế xây hành cung lại rất dư dả.

Không phải nói không có tiền sao? Lão tử kêu con trai mình đi kiếm về. Hộ bộ và Ngự sử các ngươi còn dám nói gì nữa?

Lần này đúng là chẳng có ai còn dám cản trở..

Huống hồ tiền Vĩnh Thịnh đế dùng để xây dựng hành cung nghỉ hè quả thật không được tính là nhiều.

Trong lòng mọi người đều âm thầm khen ngợi thiết kế này của Tam hoàng tử Hạ Lập Vũ.

Sau đó Ung Đô lại truyền tới tin tức khiến cả Vương Tự Bảo và Vương Dụ Tuần đều bận tâm.
Nghe đâu Khâu Trường Tín, quan trạng nguyên cùng khoa với Vương Dụ Tuần, được trọng dụng, hơn nữa còn được phong làm Hộ bộ Thị lang chính tứ phẩm.

Năm đó vì cảm thấy mắc nợ Vương Dụ Tuần và Vương Tự Bảo, nên Vĩnh Thịnh đế chỉ cho Khâu Trường Tín chức Thị độc* ngũ phẩm trong Hàn Lâm Viện, cũng coi như gạt quan trạng nguyên sang một bên.

(*) Thị độc: Chức quan trong việc Hàn lâm, làm nhiệm vụ đọc sách cho vua.

Lần này vì Hộ bộ thiếu bạc, Tam hoàng tử Hạ Lập Vũ liền đề cử Khâu Trường Tín trước mặt Vĩnh Thịnh đế, nói đây là một người đại tài.

Vĩnh Thịnh đế nghĩ tới lần đầu tiên cải cách thi đình, trên bài thi, Khâu Trường Tín đề xuất vấn đề xoá bỏ đãi ngộ đặc biệt của nhóm người thế gia, huân quý và có công danh một cách sắc bén.

Mặc dù trong này có điểm bất công, nhưng vẫn có thể xem là một kế hay tuyệt hảo giúp nhanh chóng gia tăng thuế thu.
Vì vậy Vĩnh Thịnh đế bèn truyền chỉ triệu kiến Khâu Trường Tín.

Trải qua vài năm mài giũa, Khâu Trường Tín đã không còn là quan trạng nguyên ăn nói kiêu ngạo năm đó nữa. Mấy năm nay hắn một mực chờ đợi cơ hội để Vĩnh Thịnh đế nhớ tới bản thân, để biến những ý tưởng của mình trở thành sự thật.

Hắn muốn trở thành năng thần*, hiền thần lưu danh muôn đời.

(*) Năng thần: Quan lại có tài cán, năng lực.

Vừa khéo hắn lại quen biết Tam hoàng tử khi hoàng tử giấu giếm thân phận, hai người trò chuyện với nhau rất vui vẻ, rất nhanh đã xưng hô huynh đệ với nhau. Cũng bởi lần tiến cử này, Khâu Trường Tín mới biết người vẫn xưng huynh gọi đệ với mình lại là một hoàng tử thân phận cao quý.