Tiểu Thư Hầu Phủ

Chương 123: Kết thúc kỳ thi đình



Vương Tự Bảo ngẫm nghĩ rồi cầm bút và viết lên giấy:

Lấy tiền của dân cũng phải có mức độ, vậy thì tại sao không thu tiền thuế của những nơi chưa từng phải đóng thuế?

Đầu tiên phải kể đến các cửa hàng của những gia đình quý tộc như thế gia và các công thần quyền quý.

Triều đình đã quy định rõ ràng, cấm không cho người làm quan kinh doanh.

Nhưng trong cả cái thiên hạ này, người làm quan mà không buôn bán có được mấy người?

Bọn họ vốn không tự mình kinh doanh, nhưng người nhà lấy danh nghĩa của họ để buôn bán đâu có ít?

Ngay như Hòa Thuận Hầu phủ đây cũng đâu có thiếu cửa hàng? Nhưng trong số những cửa hàng đó có chỗ nào phải đóng thuế không?

Nghĩ thử mà xem, đây chẳng phải là cách mới mẻ mà lại rất hữu hiệu để thu thêm thuế sao?

Vì triều đình đã quy định rõ là người làm quan không được, vậy thì những cửa hàng đó cũng không thể được nhận ưu ái từ việc quan chức không cần đóng thuế được.
Cho nên theo luật thì chỉ cần là cửa hàng đều sẽ phải nộp thuế.

Vậy nơi thứ hai để thu thuế là đâu?

Đương nhiên vẫn là từ quý tộc rồi.

Triều đình có luật, chỉ cần là người có công danh thì sẽ được nhận những đãi ngộ khá hậu hĩnh. Đây cũng chính là lý do mà con nhà nghèo cố sống cố chết để học hành.

Như một câu thơ cổ: "Thư trung tự hữu nhan như ngọc, thư trung tự hữu hoàng kim ốc"*. Câu thơ này đã bày ra trước mắt những người dùi mài kinh sử một bức tranh tuyệt đẹp, giúp họ có thêm động lực để học hành.

(*) Muốn giàu sang, muốn vợ đẹp thì phải dùi mài kinh sử. Câu thơ từ bài "Lệ học thiên" của Tống Chân Tông.

Nhưng câu thơ này cũng không phải lời bông đùa.

Sự thật thì khi những người đọc sách có được công danh, họ sẽ có luôn phúc lợi là được miễn tất cả các loại thuế.
Điều này dẫn đến việc có rất nhiều người cùng quê họ đã gán ruộng đất của mình cho những người có công danh này, mục đích là để đỡ phải nộp thuế. Vậy là chỗ thuế vốn phải thuộc về quan phủ thì lại về tay của đám người này hết. Những người này cũng dần dần tích lũy được tiền bạc của cải cho mình.

Các quý tộc còn chiếm hơn nửa số ruộng đất trong thiên hạ. Hơn nữa những người này hầu như đều có công danh, cho nên chỗ ruộng đất kia chưa bao giờ phải nộp thuế.

Vậy nên, muốn thu được thêm thuế thì chẳng phải nên thu từ những kẻ chưa từng phải nộp thuế, như vậy thuế thu được sẽ tăng càng nhanh sao?

Đáp án chắc chắn là có.

Nhưng hầu hết những người này đều là những quan chức nắm quyền trong tay. Nếu họ không muốn nộp rồi còn bắt tay nhau để cùng phản kháng, thì đất nước sẽ khó tránh khỏi việc bị tê liệt, đình trệ.
Cho nên phải từ từ bắt họ nộp thuế đất mới là kế hay.

Vương Tự Bảo viết ra vài ví dụ:

Trước tiên cứ thu trước tiền thuế của một mẫu trên mười mẫu, hoặc thậm chí là hai mươi đến ba mươi mẫu ruộng của họ để làm hệ số cơ bản. Có thể họ sẽ không cam lòng nhưng khi thấy số tiền cũng không quá lớn, hẳn họ cũng không phản ứng quá quyết liệt.

Nếu trong số đó thật sự có người phản đối dữ dội thì sẽ gϊếŧ luôn để răn đe. Cứ xét xử theo tội mưu nghịch, để xem đến cuối còn mấy người còn dám phản kháng.

Chỉ cần là người biết suy nghĩ thì sẽ không vì một món tiền nhỏ này mà đấu lại với triều đình, cuối cùng có khi còn làm liên lụy đến cửu tộc.

Đến khi những người này quen nộp thuế rồi, lúc đó có thể lấy hai mẫu trong mười mẫu, hai mươi mẫu, ba mươi mẫu để làm cơ số. Như vậy bọn họ sẽ không phản ứng dữ dội như hồi trước nữa.
Tất nhiên, việc cải cách này phải thí điểm trước đã. Tốt nhất là bắt đầu từ những nơi không có quá nhiều quý tộc tập trung ở đó, sau đấy dần dần mở rộng rồi tiến hành trên cả nước.

Làm vậy sẽ tạo ra lộ trình để mọi người dần tiếp nhận, như thế sau này sẽ tiến hành thuận lợi hơn.

Lâm Khê viết lên giấy: Ta hiểu rồi. Phải chăng việc cải cách quan lại đầu tiên cũng phải thí điểm ở một số nơi trước, sau đó mới dần dần mở rộng? Nhưng vấn đề giám sát thì phải giải quyết thế nào?

Trong thời gian ngắn, Lâm Khê vẫn chưa tìm ra lời giải thích hợp cho câu hỏi này.

Vương Tự Bảo thấy cậu đang đau đầu vì chuyện này, bèn viết ra giấy: Phân chia quyền lực.

Phải tách biệt hoàn toàn giữa quyền quản lý, quyền tư pháp, quyền quân sự vân vân, để họ giám sát lẫn nhau.
Chỉ cần quyền lực không tập trung vào tay một người thì bọn họ sẽ không dám trắng trợn làm chuyện xấu nữa.

Tất nhiên trong chuyện này còn rất nhiều tiểu tiết khác cần giải quyết và hoàn thiện từ từ.

Ngoài ra còn phải tích cực tiến hành kiểm tra thành tích của họ để tìm ra người tài.

Thêm nữa cũng phải thường xuyên luân chuyển vị trí cầm quyền của bọn họ, không được để họ ở lâu một chỗ, nếu không khi họ quen rồi thì thế lực sẽ ngày càng lớn mạnh, từ đó làm nảy sinh những thứ xấu.

Cuối cùng là phải trừng trị nghiêm khắc những kẻ vi phạm kỷ cương, lấy đó để răn đe những người khác.

Hơn nữa còn phải chọn thời điểm thích hợp để mở rộng việc cải cách quan lại.

Thời gian tốt nhất chính là khi cục diện ổn định, hoặc là khi thay đổi triều đại.
Lâm Khê viết lên giấy: Lúc cục diện ổn định thì cũng dễ hiểu thôi, nhưng còn khi thay đổi triều đại là sao?

Vương Tự Bảo mỉm cười rồi viết:

Chính là vì lẽ thiên tử đời nào sẽ có quần thần thời đó. Đế vương khi đăng cơ đều sẽ trọng dụng người của mình, đây là thông lệ rồi. Vậy trong khoảng thời gian đó xảy ra việc điều động nhân sự chẳng phải chuyện quá bình thường sao?

Khoảng thời gian đó chính là thời cơ tốt nhất để tinh giản bộ máy quá cồng kềnh.

Hơn nữa trên cơ sở này, bất kể có phải là người thuộc phe của Tân đế hay không, họ sẽ đều chọn cách ủng hộ Hoàng đế mới để giữ cái chức quan của mình, hoặc là vì muốn trở thành cận thần của Hoàng đế.

Đương nhiên cũng còn một điều phải chú ý, đó là khi chưa ngồi vững trên cái ghế quan, bản thân không có tài cán gì, mới bắt đầu đã hăng hái làm việc một cách mù quáng thì cũng sẽ có chút nguy hiểm. Cho nên việc nắm chắc thời cơ cũng như năng lực của Tân đế là cực kỳ quan trọng.
Có lẽ là do đáp án cho câu thứ hai của Vương Tự Bảo quá xuất sắc, nên lần này Vĩnh Thịnh đế không bắt cô trả lời lại khi đáp án cho câu thứ ba giống đáp án ban đầu của câu thứ nhất.

Vương Tử Nghĩa khá hài lòng với việc né tránh vấn đề này của con gái mình.

Vốn dĩ một cô bé như Vương Tự Bảo không nên dính vào chuyện lớn thế này.

Còn về câu trả lời cho câu hỏi thứ nhất của Vương Tự Bảo, cô đưa ra đáp án như vậy cũng khá ổn.

Nhất là việc lấy sử làm gương đã làm mọi người tỉnh ngộ.

Đúng vậy, lật lại lịch sử đều sẽ thấy có thể tham khảo kinh nghiệm từ những lần cải cách quan lại.

Cứ từ từ triển khai lại là một biện pháp rất ổn thỏa. Trong lịch sử chưa từng có một lần cải cách bộ máy nào chỉ làm một cái là xong cả.

Những câu còn lại đều là về việc ổn định cho dân gặp nạn, về vấn đề thủy lợi nông nghiệp, ngoài ra còn giữ lại một số câu hỏi trong "Tứ thư ngũ kinh" nữa.
Cái đáng nhắc đến ở đây là câu hỏi cuối cùng.

Câu hỏi này liên quan đến việc ở biên cương liên tục có man tộc quấy nhiễu dân địa phương, vậy Đại Ung phải giải quyết chuyện man tộc này thế nào.

Câu trả lời của Vương Tự Bảo và của Lâm Khê không hẹn mà cùng giống nhau.

Vĩnh Thịnh đế đọc được đáp án của cô mà vui mừng không thôi.

Vương Tử Nghĩa đọc đáp án xong thì hơi thắc mắc, sao con gái mình trông thì hiền lành mà sao càng ngày lại bị dạy dỗ thành đứa có xu hướng bạo lực vậy.

Đáp án của Vương Tự Bảo là:

Để đối phó với loại người kiểu này thì phải đánh, đánh cho đến khi nào chúng sợ và không dám đến biên cương để làm bậy thì thôi.

Hơn nữa, ai nói là phải đợi chúng đến nhà thì mới đánh? Chẳng lẽ không thể đến nhà chúng mà đánh trả?

Điểm lợi của cách làm này là khiến chúng không còn thời gian và sức lực để đến nhà mình phá phách nữa.
Đánh một lần, nếu không biết nghe lời thì đánh thêm lần nữa.

Nếu vẫn chưa ngoan ngoãn thì lại đánh tiếp.

Cứ đánh vài lần như thế, khi thấy ta thì chúng chỉ còn nước chạy, làm sao còn dám đến quấy rầy nữa?

Đến chiều tối, kì thi Đình cuối cùng cũng kết thúc.

Vương Dụ Tuần về nhà rồi đánh một giấc ngon lành, Vương Tử Nghĩa ở lại trong cung để giám sát việc chấm thi, Vương Tự Bảo bị yêu cầu ở lại cung để Vĩnh Thịnh đế có thể truyền gọi mọi lúc, Lâm Khê hiển nhiên cũng ở lại đó cùng Vương Tự Bảo.

Câu hỏi của lần thi này quá nhiều nên số người chấm bài chuẩn bị từ đầu không đủ, cuối cùng đến Thượng thư lục bộ cũng phải ở lại để chấm thi.

Để việc chấm thi được công bằng, sau khi thí sinh đã làm bài xong, tất cả bài thi đều được niêm phong bằng giấy trắng và đóng dấu.
Để tránh trường hợp người chấm thi đoán được ai đã làm bài nhờ nét chữ, triều đình còn phái riêng một số người chép lại câu trả lời của thí sinh.

Sau khi đối chiếu và không có sai sót gì thì mới giao những bài thi đã chép lại này cho quan viên chấm thi.

Bận rộn suốt mười ngày, đến cuối có mười bài thi được dâng lên Vĩnh Thịnh đế để ngài đưa ra quyết định cuối cùng.

Trong đó có một bài thi chẳng cần nhìn cũng biết là của Vương Dụ Tuần.

Đáp án mà hắn đưa ra cho câu hỏi thứ hai và câu cuối cùng đều cực kỳ giống với của Vương Tự Bảo, nhìn là biết đều cùng một thầy mà ra.

Nhất là câu cuối cùng hắn đã viết rằng: Phải đánh cho đến khi chúng gào khóc thảm thiết mới thôi, đến lúc đó xem chúng còn dám phách lối không? Hơn nữa người của chúng ta cũng nhàn rỗi, rảnh như vậy thì có thể đến nhà chúng dạo chơi, tiện tay mang ít đặc sản về luôn. Sau vài lần như thế, chúng nhìn thấy ta thì chỉ dám trốn, làm sao còn dám đến chỗ ta để làm càn.
Ngữ khí như vậy chẳng phải giống y như đúc với Vương Tự Bảo sao.

Hơn nữa hắn còn chẳng cần Vương Tử Nghĩa nhắc nhở, câu nào hắn cũng trả lời. Chỉ là hắn cũng giống muội muội của mình, câu nào nên trả lời thì trả lời, câu nào không nên thì viết bừa mấy câu bình thường và an toàn nhất vào cho xong.

Nhưng với câu hỏi về việc an ổn dân gặp nạn, Vương Dụ Tuần trả lời rất kỹ càng.

Vương Tự Bảo và Lâm Khê đọc kỹ câu trả lời của hắn thì phát hiện có rất nhiều điểm tương đồng với Vương Tự Bảo trong việc giải quyết nạn dân của sơn trang.

Đó chính là tuyệt đối không nuôi kẻ nhàn rỗi, phải tìm việc cho họ làm.

Vĩnh Thịnh đế chọn ra bài của Vương Dụ Tuần, sau đó lại chọn thêm bốn bài nữa từ số còn lại.

Cuối cùng trong tay Vương Tự Bảo có năm bài thi đã được sao chép lại. Truy cập fanpage https://facebook.com/TruyenDKM để tham gia các event hấp dẫn.
Cô chỉ cần liếc qua bài của Vương Dụ Tuần rồi cho điểm tuyệt đối.

Câu văn diễn đạt ngắn gọn súc tích, hơn nữa nắm rất vững kiến thức.

Vương Tự Bảo lại đọc kĩ bốn bài còn lại, có thể nói là mỗi người một vẻ.

Trong đó có một thí sinh đã đưa ra rất nhiều kiến nghị với việc cải cách quan lại.

Nhất là người đó còn đề xuất việc hủy bỏ chuyện con em thế gia được hưởng ân từ đời ông phụ thân, phải để bọn họ cũng phải thi khoa cử để có công danh như con em nhà nghèo.

Hắn còn đề nghị chỉ cho tước vị phụ thân truyền con nối đến ba đời là dừng. Ngoài ra còn đề nghị phải nghiêm trị quan lại tham ô, tinh giản bộ máy, vân vân.