Thứ Tử Quy Lai

Chương 69: Thuyền rồng tết Đoan Ngọ.



Đêm.

Ninh Tương mặc một bộ quần áo cực kỳ tầm thường, ngồi uống rượu trong góc một quán ăn đêm nhỏ trên đường.

Đã khuya lắm rồi, cả quầy ăn đêm này cũng chỉ có một người khách là hắn. Hắn đã uống cạn một bầu rượu, chủ sạp đang gà gật bên bếp lò, không hề có ý qua thêm rượu cho hắn. Hắn cũng không vội, hết rượu thì ngồi không, mắt nhìn xa xăm về cuối phố, trông như đang đợi người nào.

Một lát sau, quả thực có một người mặc áo đen đi tới từ cuối phố. Người nọ cúi thấp đầu, nom rất hèn mọn, vừa đi vừa nhìn xung quanh, trông như phường trộm cắp. Thấy Ninh Tương rồi, gã vội vàng chạy đến trước mặt hắn, nịnh nọt khom lưng: "Chào thiếu gia ạ!"

"Chuyện đó... ngươi có chắc chắn không?" Ninh Tương thấp thỏm hỏi.

"Thiếu gia yên tâm, mấy chuyện như thế này giao cho ta là chắc ăn nhất, tuyệt đối chưa từng có sai lầm!" Gã cười khùng khục: "Nếu thiếu gia đã tìm đến ta thì hẳn là đã biết thanh danh của ta rồi. Chỉ cần có đủ bạc, ta đảm bảo sẽ làm thiếu gia thỏa mãn!"

"Tốt lắm." Ninh Tương gật đầu, lấy một tấm ngân phiếu trong áo ra đặt lên bàn: "Đây là năm mươi lượng bạc, xem như là tiền đặt cọc. Nếu ngươi làm tốt thì sau khi xong việc, ta còn thưởng thêm năm mươi lượng bạc nữa."

"Dạ! Dạ được!" Hiếm khi đối phương thấy nhiều bạc như vậy, mắt lập tức sáng lên, vội vàng chộp lấy ngân phiếu nhét vào áo rồi cúi đầu khom lưng với Ninh Tương: "Xin thiếu gia tin tưởng ta! Giờ ta đi làm ngay đây!"

Ninh Tương gật đầu. Nhìn bóng lưng lủi đi như chớp của đối phương, nét lạnh lẽo chợt lướt qua trong mắt hắn, lẩm bẩm: "Ninh Uyên... Nghe nói hai ngày trước ngươi đã đặc biệt đên doanh trại ngoài thành để tìm người chèo thuyền, hẳn là coi trọng vụ thuyền rồng này lắm ha! Tên Vương Hổ ngu xuẩn kia thế mà không ngăn ngươi lại! Không sao không sao, dù thế nào thì phen này ta nhất định phải làm ngươi mất hết thể diện! Để xem sau này ngươi còn lên mặt với ta kiểu gì được nữa!"

Người vừa giao dịch với Ninh Tương là một kẻ cắp chuyên nghiệp trong Giang Châu. Vì biết chút khinh công mèo quào, nên gã khá là nổi tiếng trong "giới". Sau khi tách ra với Ninh Tương, gã đi vòng qua vài hẻm nhỏ, đến chỗ xưởng tàu gần bến tàu. Giờ này công nhân ở xưởng đã về hết, gã linh hoạt nhảy qua tường vây, nhún chân vài cái đã biến mất vào xưởng.

Vì vội vàng hành sự nên gã không để ý tới --- cách đó không xa, ẩn trong màn đêm là một chiếc xe ngựa. Mành cửa sổ trên xe khẽ rung, Ninh Uyên buông mành xuống, liếc sang Chu Thạch bên cạnh. Chu Thạch hiểu ý, lập tức rời khỏi xe, cũng nhảy qua tường vây để vào xưởng tàu.

Ninh Uyên ung dung ngồi trong xe nhắm mắt nghỉ ngơi. Khoảng nửa canh giờ sau, bên ngoài vang tới vài tiếng động - Chu Thạch đã về.

"Sao rồi?" Y mở mắt, hỏi.

Chu Thạch đáp: "Người nọ vừa vào xưởng đã lao thẳng đến khu để thuyền sắp hoàn thành, hệt như những gì thiếu gia đã nói."

"Ha... Với bản lĩnh của Ninh Tương thì còn lén lút làm gì được nữa chứ. Từ khi biết hắn "tốt bụng" đưa bản vẽ cấu tạo thuyền đến đây, thì ta đã biết là hắn sẽ động tay động chân vào thuyền, và cũng chỉ đến thế mà thôi." Y cười lạnh một tiếng: "Ngươi không đánh rắn động cỏ đấy chứ?"

"Không ạ. Nghe lời thiếu gia dặn dò, ta vẫn rất cẩn thận."

"Thế thì được rồi. Nếu Ninh Tương đã tự tin đến thế thì chúng ta cứ giả như không biết gì cả, sau này Tào đô đốc có điều tra thì cũng chẳng liên quan gì đến chúng ta hết. Về thôi." Y chỉnh lại vạt áo, tiếp tục nhắm mắt nghỉ ngơi.

"Dạ. Còn một chuyện nữa..." Nghĩ một lúc, Chu Thạch hỏi: "Phó tướng Vương Hổ ấy... Thiếu gia thực sự định để ông ta làm tay trống ư?"

"Là chính ông ta đòi làm, ta không yêu cầu gì cả." Ninh Uyên nhắm mắt đáp. Nhớ đến Vương Hổ, y lại thấy buồn cười. Hôm họ đến doanh trại tìm người đó, Vương Hổ hứng thú với bản lĩnh võ thuật của Hô Diên Nguyên Thần, quấn lấy hắn đòi đấu một trận so tài. Thua một lần chưa đủ, gã còn muốn đấu lần hai. Sợ Hô Diên Nguyên Thần không đồng ý, gã còn đưa ra một mức thưởng ---- ai thua thì phải đồng ý với một điều kiện bất kỳ của người thắng.

Nhưng ở trận đấu thứ hai này,Vương Hổ không chỉ vùng dậy mà còn thua thảm hơn trước --- là do Hô Diên Nguyên Thần đã thấy hết mọi chiêu thức của hắn, nên còn thắng nhanh hơn. Cuối cùng Vương Hổ hết cách, đành phải nghe theo điều kiện của Hô Diên Nguyên Thần. Hắn lại nói - hắn muốn gã làm tay trống cho thuyền rồng của Ninh phủ trong đợt thi đấu này.

Lý do của hắn rất đơn giản - nếu tay chèo là binh lính thì thống lĩnh làm tay trống là thích hợp nhất. Có "sếp lớn" đứng đầu thuyền đốc thúc, tất nhiên là các tay chèo sẽ phải dốc hết sức lực, có lợi cho cả Ninh Uyên lẫn Ninh phủ.

Điều kiện này của Hô Diên Nguyên Thần làm Ninh Uyên phát hoảng - y không hề có ý định dùng tới tay Phó tướng phiền phức này. Ít nhiều gì y cũng đoán được - gã có qua lại với Ninh Tương, giờ bảo gã làm tay trống thì không biết gã còn làm ra trò gì nữa.

Thế mà Vương Hổ lại hào sảng nhận lời "Nam nhân nói là làm!" rồi quay sang xin y cho phép gã gia nhập đội ngũ thuyền rồng. Hô Diên Nguyên Thần cũng nói giúp vào, mà y không muốn hắn phải mất mặt, lại không thể nói thẳng ra suy nghĩ của mình trước mặt bao người, nên cuối cùng đành phải cười lớn chấp nhận.

Vốn y chỉ định đồng ý xã giao vậy thôi, còn có thực sự cho gã tham gia không thì tính sau. Ai dè trong mấy hôm tập luyện sau đó, Vương Hổ không những đến đúng giờ mà còn luyện tập cực kỳ chăm chỉ. Thậm chí, khi nhận ra có tay chèo thuyền nào tỏ ra lười biếng, gã còn phản ứng rất mạnh: chửi ầm lên còn là nhẹ, xông thẳng tới đấm cho vài đấm mới là chuyện thường! Làm cho tay chèo nào cũng dốc hết sức mà tập, làm Ninh Uyên vừa bất ngờ vừa vui vẻ.

Tiếp xúc dần dần, Ninh Uyên cũng nhìn ra --- đúng là Vương Hổ này có quan hệ tốt với Ninh Tương thật, nhưng cũng chỉ đến thế mà thôi. Gã không phải kiểu người sẽ dùng âm mưu quỷ kế, mà ngược lại lại rất hào sảng nghĩa khí. Nói trắng ra là.... đầu óc ngu si tứ chi phát triển.

Vì nơi họ luyện tập nằm cạnh bến tàu, cách xưởng tàu không xa, nên Hô Diên Nguyên Thần có đến chơi vài lần. Hắn và Vương Hổ vốn không ưa nhau lắm, thế mà qua lại thường xuyên rồi lại thành bạn rượu kiêm bạn vong niên.

Có khi đang lúc tập luyện, Vương Hổ lại lôi Hô Diên Nguyên Thần ra đấu một trận, làm cho Hô Diên hoàng tử "võ nghệ cao cường" khổ không nói nổi. Đúng là võ công của hắn không tệ thật, nhưng nếu chỉ xét về sức mạnh cơ bắp đơn thuần thì hai Hô Diên cũng không đấu lại được một Vương Hổ lưng hùm vai gấu kia.

Có mấy lần, chính Ninh Uyên cũng to mắt kinh ngạc nhìn Hô Diên Nguyên Thần bị đánh đến mặt mũi sưng vù. Thậm chí có lần Vương Hổ chơi ác quá, hắn còn bất chấp tất cả mà chạy đến núp sau lưng y ---- rõ ràng là đang cầu cứu một thư sinh gầy teo yếu ớt là y.

Mấu chốt là - chiêu này rất có hiệu quả với Vương Hổ. Gã có thể vờn qua vờn lại "Nguyên hộ vệ" đã từng thắng mình hai lần kia, nhưng mỗi khi đứng trước thiếu niên còn chưa trưởng thành là Ninh Uyên thì lại luôn lúng túng. Mỗi lần Hô Diên Nguyên Thần trốn ra sau lưng Ninh Uyên, gã lại cười ha ha với y, rồi quay sang "dày vò" mấy binh sĩ dưới trướng gã.

"Cũng phải. Hô Diên hoàng tử cũng nói là muốn làm tay chèo cho chúng ta, giờ Ngài ấy với Vương thống lĩnh đã thân thiết hơn rồi, âu cũng là chuyện tốt." Chu Thạch sờ mũi: "Chỉ là... vốn dĩ ta còn muốn xin thiếu gia một chân chèo thuyền đấy."

"Chừng nào ngươi giỏi võ bằng hai người họ đi, nhất định ta sẽ đồng ý." Ninh Uyên phất tay một cái, ý bảo Chu Thạch đánh xe nhanh lên. Đối phương hiểu ý, không nói gì nữa, giương roi lên, con ngựa lập tức phi thẳng.

---

Thời gian trôi qua, gió êm sóng lặng, không khí vui mừng dần dần lan tỏa khắp nơi. Càng gần tết Đoan Ngọ, càng nhiều nhà dân ở Giang Châu chủ động treo chong chóng và cờ bay nhiều màu lên nóng nhà mình. Tiếng rao bán bánh Đoan Ngọ - một loại bánh vàng óng thơm nức, đặc trưng cho ngày lễ này - cũng bắt đầu vang lên khắp phố lớn ngõ nhỏ.

Ngoài kênh Kinh Hoa đã xuất hiện nhiều đội ngũ thuyền rồng của người dân - dù sao thì thi đấu thuyền rồng tết Đoan Ngọ cũng là hoạt động chung của toàn nước. Trừ nhà quan ra, có rất nhiều người dân bình thường cũng tham gia. Chỉ là họ không có nguồn vốn nhiều như quan lại, nên từ thiết kế thuyền đến lao động trên thuyền đều kém hơn thuyền của nhà quan nhiều. Trước giờ, chưa có thuyền của thường dân nào vào được những vị trí dẫn đầu, chứ đừng nói gì là vị trí về nhất.

Nhưng dân chúng ai cũng vui mừng, tham gia vì vui là chính thôi, có lẽ vì biết chắc là không thể thắng được nên cũng không đặt nặng chuyện này. Nhưng với các quan lại thì khác --- đây là một cơ hội tiềm năng để họ có thể thăng chức và vào Hoa Kinh, nên các quan ai ai cũng nóng lòng chuẩn bị.

Sáng hôm tết Đoan Ngọ, vì trường học cho nghỉ nên Ninh Uyên đến tiền viện ở sau đại sảnh Ninh phủ từ sớm. Theo truyền thống, vào ngày lễ này, người nhà phải đến đó ăn sáng cùng nhau, cùng ăn bánh Đoan Ngọ rồi cùng đến bờ sông Kinh Hoa xem thi đấu thuyền rồng.

Nhưng Ninh Uyên không phải là người đến sớm nhất. Khi y bước vào đại sảnh, Ninh Tương và Liễu thị đã ngồi ở đó.

Từ vụ "Bình Nhi nhập thể" ngày ấy, đến giờ Ninh Uyên mới thấy lại Liễu thị. Hẳn là vì có dịp lễ, nên Ninh Như Hải mới cho phép ả ra khỏi Từ đường đến ăn cơm với mọi người. Rõ ràng là trong thời gian ở Từ đường vừa qua, ả sống không suиɠ sướиɠ chút nào. Trông ả rất tiều tụy, ăn mặc cũng đơn giản; đâu còn dáng vẻ vàng bạc đầy người, chói lóa hiên ngang như trước nữa.

Vừa thấy Ninh Uyên, Liễu thị lập tức nghĩ đến cảnh mình bị dội máu gà đầy người. Máu gà vừa tanh vừa hôi, hôm ấy ả về nôn đến nửa đêm mà vẫn không nôn hết được, nôn đến mức đau dạ dày. Liên tiếp sáu bảy ngày sau đó, ả ăn gì nôn đó - đây là lần đầu tiên ả sống khổ như vậy từ khi được gả vào Ninh phủ.

"Cuối cùng Liễu di nương cũng ra khỏi Từ đường rồi." Ninh Uyên mỉm cười, chắp tay thi lễ với ả: "Lâu lắm không gặp Liễu di nương, Người vẫn khỏe chứ ạ?"

Thế mà Ninh Uyên còn mặt dày đến độ coi như chưa có gì mà hành lễ với ả! Liễu thị tức đến suýt ngất, cổ họng lại vọng lên mùi máu gà ngày đó, làm ả lợm giọng buồn nôn. Ả vừa che miệng vừa đáp: "Thằng nhãi chết tiệt! Chính ngươi đã đẩy ta vào cảnh này, thế mà còn dám nói như thế à!"

Ninh Uyên chớp chớp mắt: "Liễu di nương đang nói gì thế, sao ta chẳng hiểu gì cả nhỉ? Người bị như bây giờ là do chính Người gieo gió gặt bão, sao lại trách Uyên Nhi được? Uyên Nhi còn nhỏ, không chịu được chỉ trích như vậy của Người đâu."

"Hừ! Ngươi còn dám giả vờ giả vịt như thế, ngươi, ngươi...." Liễu thị tức đến không thở được, nghẹn đến ho sù sụ. Ninh Tương ở bên vội vàng xoa lưng cho ả, nói: "Nương, chúng ta đừng lý luận với thằng nhãi này nữa! Nhân quả báo ứng, nó gieo giống ác thì sớm muộn gì cũng gặp quả đắng!" Nói rồi, hắn còn ngẩng lên, oán độc liếc nhìn y.

Y không thèm đáp lời hắn, đến ngồi đối diện với họ. Đằng nào thì y với đám Liễu thị cũng đã lật mặt với nhau rồi, không cần phải giả vờ xã giao nữa.

Một lúc sau, Thẩm thị, Triệu thị, Ninh Mạt và mấy di nương khác lần lượt đến. Ninh Như Hải và Nghiêm thị đến sau cùng - hai người cùng nhau bước tới, Nghiêm thị còn dìu tay Ninh Như Hải, nét mặt sáng ngời lạ thường, làm khuôn mặt đã có tuổi đó hồng hào hơn nhiều.

Ninh Uyên nghe thấy mấy di nương ngồi cách y không xa - là Trương thị và Trang thị - nói nhỏ với nhau: "Đêm qua lão gia lại ngủ ở chỗ Đại phu nhân đấy. Muội thấy Đại phu nhân mặt mũi hồng hào thế kia, rõ là do được lão gia ban mưa móc mà thành. Còn hiệu quả hơn cả mỹ phẩm dưỡng da Ngọc nữ Trân châu đó!"

Giọng Trang thị tràn ngập ghen tuông. Nàng là di nương trẻ trung xinh đẹp nhất trong phủ, trước giờ vẫn chia đều mưa móc với Liễu thị. Gần đây Liễu thị bị trách phạt, hẳn là không được sủng ái nữa; nàng vừa hả hê vừa vui mừng vì nghĩ là cơ hội của mình đã đến rồi. Với sắc đẹp của nàng, trừ Liễu thị đã bị gạt bỏ ra thì khắp Ninh phủ chẳng còn ai đẹp bằng nàng nữa, nắm trọn trái tim của Ninh Như Hải chỉ là chuyện dễ như trở bàn tay! Đến lúc đó rồi, chỉ cần dỗ gã vui vẻ thì nàng muốn gì chẳng được? Có khi đòi làm Tứ phu nhân cũng được ấy chứ!

Tiếc là, chuyện mà nàng cho là dễ dàng đó lại không thành sự thật. Bất ngờ hơn là --- người luôn lặng lẽ như Đại phu nhân lại nhân lúc này để nhảy vào! Nghĩ tới việc mình lại bị một bà già hơn bốn mươi tuổi, hoa tàn ít bướm phá hỏng kế hoạch, Trang thị lại thấy khó mà tin nổi.

Trương thị cũng thấy việc Ninh Như Hải sủng ái Nghiêm thị lần này quá kỳ lạ, nhưng dù gì nàng cũng không đẹp bằng Trang thị, dẫn đến lá gan cũng nhỏ hơn, không dám bàn luận về chính thất ở chốn công khai thế này. Nàng chỉ ho nhẹ một tiếng, không đáp gì cả.

Thấy Trương thị không để ý đến mình, Trang thị cũng mất hứng, không nói nữa.

Thẩm thị liếc nhìn Trang thị đầy thâm ý - bà cũng loáng thoáng nghe được lời nàng vừa nói. Thực ra, chính bà cũng ngạc nhiên với hành động này của Ninh Như Hải. Đương nhiên, nếu nhìn sự việc dưới góc độ người ngoài cuộc thì cưng chiều vợ cả là chuyện hoàn toàn dễ hiểu. Nhưng mà theo Thẩm thị thấy --- thay vì lãng phí sức lực lên một người gần như đã không còn khả năng sinh đẻ như Nghiêm thị, thì thà Ninh Như Hải đi sủng ái những di nương trẻ tuổi mạnh khỏe khác còn hơn, để còn cho bà bế thêm vài cháu trai nữa chứ... Trong lớp thế hệ sau của Ninh phủ bây giờ, nam nhân đứa thì bệnh đứa thì ngu xuẩn, người có thể làm nên chuyện chỉ còn mình Ninh Uyên. Thực sự là... quá ít ỏi rồi.

Thế nhưng Thẩm thị chỉ nghĩ trong lòng vậy thôi, chứ không thể ngăn cản con trai được ---- dù sao thì thích ngủ với ai cũng là tự do của Ninh Như Hải.

Sau khi cùng ngồi xuống, Ninh Như Hải còn xoa nắn tay Nghiêm thị một lúc, hành động như thằng nhóc mới yêu vậy. Nghiêm thị hơi đỏ mặt, nhớ đến trận điên loan đảo phượng tối qua, toàn thân bà lại tê dại.

Sau khi mọi người đến đông đủ, nhóm tì nữ mới ùa ra, mau chóng bưng bánh Đoan Ngọ nóng hổi mới hấp xong lên bàn, kèm theo rượu gạo ngọt làm bữa sáng cho mọi người. Bánh vừa thơm vừa mềm, rượu ngọt ngào trong veo. Ninh Uyên cắn một miếng bánh rồi nhớ ra --- bánh Đoan Ngọ là một trong những món mà Hinh Nhi thích nhất. Nhưng vì thân phận của Đường thị và sự nghi ngờ của Ninh Như Hải về thân thế của Hinh Nhi, nên gã không bao giờ cho hai người họ tham gia mấy bữa tiệc gia đình như thế này.

Ninh Uyên hơi nghiêng đầu. Bạch Đàn đứng sau y lập tức hiểu ý, bước lên: "Thiếu gia gọi em ạ?"

Y hỏi nhỏ: "Sáng nay nương và Hinh Nhi ăn gì rồi?"

"Dạ?" Bạch Đàn nghi ngờ nhìn y: "Thiếu gia chưa biết ạ? Sáng sớm nay, di nương và tiểu thư đã ra khỏi phủ rồi."

Y sửng sốt: "Ra phủ? Vì sao?"

"Em còn tưởng đó là ý của thiếu gia chứ." Bạch Đàn đáp: "Mấy hôm trước, Hinh tiểu thư nói là muốn đi xem thi đấu thuyền rồng đấy thôi. Sáng nay Chu Thạch đã đưa di nương và tiểu thư ra khỏi phủ, nói là bạn hắn - Diêm Phi - đã sắp xếp vị trí tốt nhất, dễ xem thuyền nhất ở bờ sông cho họ. Chẳng lẽ... thiếu gia không biết gì ạ?"

"Diêm Phi?" Ninh Uyên nghiến răng ken két, đã đoán được tình hình đại khái rồi. Đúng là Hinh Nhi có quấn lấy y, nũng nịu đòi đi xem thuyền rồng. Nhưng cũng như ở những bữa tiệc gia đình này --- nơi xem thuyền mà Ninh phủ lập ở bờ sông cũng không có chỗ cho hai mẹ con họ.

Dù bây giờ Ninh Uyên đang được Thẩm thị yêu mến, nhưng y cũng không nhúng tay vào chuyện đó được, lại càng không thể để Đường thị và Hinh Nhi đứng lẫn trong đám thường dân mà xem thuyền --- việc đó quá nguy hiểm. Vì thế, y thẳng thừng từ chối yêu cầu đó của Hinh Nhi.

Khi đứng xem đám binh lính luyện tập cho lần thi đấu này, y vô tình nhắc đến chuyện đó với Hô Diên Nguyên Thần. Giờ nghĩ lại... chẳng lẽ là hắn ta nhiều chuyện, thông đồng với Chu Thạch để lừa gạt y?

Y lắc đầu - Thôi thôi, đã có Chu Thạch ở đó rồi, y cũng yên tâm. Chút nữa y mắng Hô Diên Nguyên Thần một chút là được.

Ăn sáng xong, mọi người đến đại sảnh uống trà rửa miệng. Khi quản gia chuẩn bị xong xe ngựa để đến bờ sông, Thẩm thị đã uống hơn nửa chén trà, vẫn chưa yên tâm lắm, quay sang hỏi Ninh Uyên: "Uyên Nhi à, việc thuyền rồng cháu lo liệu xong rồi chứ? Sẽ không xảy ra bất trắc gì đúng không?"

"Tổ mẫu yên tâm đi ạ." Y đặt chén xuống, đứng lên: "Tất cả đã được sắp xếp đâu vào đấy hết rồi. Uyên Nhi rất tin tưởng vào thuyền rồng năm nay của Ninh phủ, có khi còn đạt được vị trí dẫn đầu đấy ạ."

"Hừ!" Y vừa dứt lời, đằng kia đã vang tới một tiếng hừ lạnh cực kỳ lạc quẻ. Ninh Tương quái gở nói: "Lúc này ta khuyên tam đệ nên nói ít thôi, kẻo bây giờ mạnh miệng bao nhiêu thì lúc có kết quả lại mất mặt bấy nhiêu đấy!"

"Nhị ca nói vậy nghĩa là... Nhị ca nghĩ thuyền của phủ ta không thể về nhất đúng không?" Ninh Uyên quay lại, cười cười như không đáp.

"Ta.... Ý ta không phải vậy..." Vừa nãy Ninh Tương chỉ tập trung mỉa mai Ninh Uyên nên không nghĩ nhiều, giờ mới nhận ra mình nói sai ở đâu. Nhất thời, nhận ra cả Thẩm thị và Ninh Như Hải đều đang lạnh mặt nhìn mình, hắn đờ ra, tức giận cúi gằm mặt.

"Ngươi vô dụng rồi thì cũng đừng cho là tam đệ ngươi cũng vô dụng như ngươi." Thẩm thị lạnh nhạt nói: "Nếu còn để ta nghe thấy những lời xui xẻo đó phát ra từ miệng ngươi lần nữa, thì ta sẽ để ma ma giáo dẫn dạy ngươi cách giữ miệng đấy, hiểu chưa!"

"Dạ, thưa tổ mẫu." Ninh Tương cúi đầu lí nhí đáp, vừa sợ tổ mẫu vừa thêm hận Ninh Uyên.

Lúc này, quản gia bước vào nói đã chuẩn bị xe ngựa xong, có thể đi được rồi. Ninh Như Hải gật đầu, cùng Nghiêm thị đỡ Thẩm thị ra ngoài, người trong phòng đi theo sau bọn họ. Ninh Tương đi cùng Liễu thị, cố ý đi sau đoàn người. Hắn oán độc nhìn chằm chằm bóng lưng của Ninh Uyên, lòng thầm cười lạnh không ngớt.

Hừ, dẫn đầu hả? Ngươi cứ đắc ý trước đi! Ta chống mắt chờ xem, đợi khi biết thuyền rồng mà ngươi tạo ra về hạng bét, ngươi còn đắc ý thế nào được nữa!

---

Lúc này, hai bờ kênh Kinh Hoa đã chật kín chỗ.

Dù gì đây cũng là dịp cả năm mới có một lần. Trên đường, người người nhốn nháo, hầu như tất cả bách tính Giang Châu đều đổ xô ra đường, có người còn đến từ đêm hôm trước để tìm chỗ tốt. Người lớn thì mặc quần áo là lượt đẹp đẽ, trẻ con thì cầm chong chóng trên tay, tổng thể còn náo nhiệt hơn hội chùa ngày Tết một chút.

Nhưng mà, dù dân chúng có chen chúc thế nào thì cũng không tranh được chỗ cao nhất, đẹp nhất để nhìn ra bờ sông. Toàn bộ nơi đấy đã bị ngăn cách ra, một loạt ghế gỗ tử đàn đã được bày ra --- đó là nơi dành cho các quan lớn và người giàu có. Không chỉ có không gian rộng rãi, mà ở đó còn bày sẵn hoa quả tươi và rượu ngon.

Ở phía trước dàn ghế ấy còn xây một đài cao, trên đó chỉ bày vài cái ghế, hẳn là dành cho những người có thân phận cao quý nhất.

Khi đoàn người Ninh phủ đến, thấy rõ hai người đang ngồi trên đài cao, tất cả đều kinh ngạc đến há hốc miệng --- kể cả Thẩm thị, Ninh Như Hải, Nghiêm thị, hay thậm chí là Ninh Uyên.

Đường thị vẫn mặc chiếc váy dài xanh nhạt tao nhã như thường ngày, tóc chỉ cài một cây trâm bạc, hơi lúng túng ngồi đó, ở bên còn có một nha hoàn quạt mát cho nàng. So với Đường thị, Hinh Nhi ngồi bên trông có vẻ tự nhiên hoạt bát hơn nhiều, hẳn là vì còn trẻ con. Bé không chỉ cực kỳ hưng phấn, mà còn sờ mó khắp nơi, tay còn cầm một quả táo. Thấy đám Ninh Uyên đến, bé úp sấp lên lan can của đài, vẫy tay gọi y:

"Ca ca ơi!"