Thoát Khỏi Thư Viện

Chương 277: + 278: Mê cung thi từ 01 + 02



~ KHOA NHÂN VĂN CHÀO ĐÓN BẠN ~ 

Sau bữa sáng, các thành viên nhóm nghiên cứu 183 chia thành hai lượt vào thang máy, quả nhiên tầng học mới đã xuất hiện trên hàng nút bấm. Họ đã vượt qua những khoa từ tầng 1 đến tầng 11, đằng sau tầng 12 vừa mở khóa vẫn là dòng chữ "Unknown", đồng nghĩa với việc tầng 12 vẫn là hình thức chọn khoa,

Việt Tinh Văn và Giang Bình Sách nhìn nhau, nói: "Trong các khoa xã hội, hiện giờ khoa Nhân văn với số sinh viên đông đảo nhất vẫn chưa xuất hiện, có khi nào là tầng 12 luôn không?"

Giang Bình Sách gật đầu, nói: "Lời cậu nói thường đều rất linh."

Việt Tinh Văn bật cười, quay lại nhìn các đồng đội, "Nói sao thì hình thức tự chọn vẫn tốt hơn cưỡng chế nhiều, chúng ta có thể tự chọn khoa mình giỏi nhất."

Dứt lời, tiếng "ting" vang lên trong thang máy, họ dừng lại tại tầng 12. Mọi người ra khỏi thang máy, một màn hình lớn ngang bức tường xuất hiện trước mặt, trên đó viết vài dòng thông báo...





[Chào mừng các bạn đến tầng 12 thư viện]

[Tầng 12 bao gồm ba khoa: Khoa Nhân văn, khoa Thể dục, khoa Điện ảnh]

[Trong đó, khoa Nhân văn tập trung vào các môn văn, sử, triết học, khoa Thể dục bao gồm toàn bộ hạng mục huấn luyện trong trường, khoa Điện ảnh có nội dung về chuyên ngành diễn xuất, biên đạo, quay phim...]

[Các bạn có thể chọn một trong ba khoa, hoàn thành môn học bắt buộc. Chỉ cần hoàn thành chương trình học thuộc khoa tương ứng, thư viện sẽ công nhận các bạn hoàn thành tầng 12.]

Kha Thiếu Bân không nhịn được nói: "Tinh Văn, có khoa Nhân văn thật này, cậu là tiên tri hở?"

Việt Tinh Văn bình tĩnh nói: "Suy đoán của tớ cũng có căn cứ mà. Chúng ta đã hoàn thành phần lớn các khoa rồi, thật sự không còn lại nhiều lắm."

Nghĩ kỹ lại, hiện giờ mọi người đã từng gặp hầu hết các khoa có trong trường đại học tổng hợp, cũng đã qua ba môn nghệ thuật là mỹ thuật, âm nhạc và vũ đạo, tầng 12 có Điện ảnh, Thể dục và khoa Nhân văn có số lượng người theo học đông đảo quả thật rất hợp lý.



Giang Bình Sách quay đầu hỏi: "Chọn khoa Nhân văn, mọi người không ý kiến gì chứ?"

Mọi người đồng loạt lắc đầu, "Đương nhiên không ý kiến!"

Việt Tinh Văn ấn chọn khung "Khoa Nhân văn", quả nhiên, vách tường trước mặt nứt đôi ra từ giữa, mọi người bước qua lối vào, ngay sau đó cổng vào khoa Nhân văn xuất hiện.

Tạo hình của khoa Nhân văn mang hơi hướng cổ xưa, phong cách kiến trúc từa tựa như Tô Châu Viên Lâm[119]. Hai bên hành lang là những giá sách bằng gỗ cao chạm trần, trên đó bày kín các loại sách, vừa bước vào nơi này đã như đặt mình vào trong biển sách.

Trác Phong vừa đi vừa nói: "Khoa Nhân văn thường bao gồm khoa tiếng Trung, khoa lịch sử, khoa triết học, những chuyên ngành này đều cần đọc rất nhiều sách vở tài liệu, yêu cầu về việc dự trữ kiến thức vô cùng cao. Chúng ta có Tinh Văn học khoa tiếng Trung, Tần Miểu học khoa lịch sử, hẳn khoa này sẽ dễ qua thôi!"



Hứa Diệc Thâm cười tít mắt vỗ vai anh, "Mong như cậu nói, chuyên ngành liên quan đến văn học chúng ta toàn dựa vào đấu văn, không ai đấu võ, cũng không hợp với môn trốn thoát, đúng không?"

Lưu Chiếu Thanh nói: "Mong là thư viện tử tế một chút, khoa Nhân văn thì đừng vung đao bắn súng, thi thơ từ ca phú gì đó, Tinh Văn cân team chúng ta cùng thắng là được."

Nói tới đây, mọi người đã vào đến trung tâm chọn lớp.

Giữa thư phòng tao nhã cổ điển bày một chiếc bàn gỗ, trên đó có một bức tranh chữ, là thời khóa biểu được viết bằng chữ thảo tự nhiên phóng khoáng, bên cạnh còn có nghiên mực và bút lông.

Thời khóa biểu khoa Nhân văn.

8:00-10:00 sáng thứ hai, thứ tư, môn bắt buộc "Mê cung thi từ", học phần: 4.

14:00-16:00 chiều thứ ba, thứ năm, môn bắt buộc "Mộng hồi Đại Đường", học phần: 4.
Cả ngày thứ sáu là các môn tự chọn, có hai môn tự chọn là "Triết học Trung Quốc" và "Triết học phương Tây".

Kha Thiếu Bân nhìn thời khóa biểu, mừng rỡ nói: "Môn học 4 tín chỉ, lại còn là thi thơ, từ, chắc chắn không làm khó được Tinh Văn của chúng ta!"

Lâm Mạn La cũng thở phào, nói: "Hai môn bắt buộc có một môn là tiếng Trung, một môn là lịch sử, rất có lợi cho chúng ta. Môn tự chọn là triết học, nhóm chúng ta không có đồng đội học ngành triết học, có thể bỏ qua."

Lưu Chiếu Thanh cười nói: "Vừa mới thoát chết ở khoa Vật lý xong, giờ cho hai môn không nguy hiểm lắm, khó dễ kết hợp, coi như thư viện vẫn có chút nhân tính nhỉ?"

Việt Tinh Văn nhìn mọi người, bình tĩnh nói: "Hai môn 4 tín chỉ đúng là dễ qua hơn một môn 7 tín chỉ. Nhưng chúng ta cũng không thể chủ quan, nhất là môn đầu tiên là môn mê cung, mọi người cẩn thận vẫn hơn."
Mọi người đồng loạt gật đầu tỏ vẻ đã hiểu.

Trước đây họ cũng từng gặp môn mê cung, "Mê cung số nguyên tố" ở khoa Toán, "Mê cung bậc thang" ở khoa Kiến trúc, lúc này khoa Nhân văn lại có thêm một "Mê cung thi từ" nữa, dựa theo kinh nghiệm trong quá khứ, môn mê cung của thư viện dù là 4 tín chỉ cũng sẽ không đơn giản.

Cũng may Giang Bình Sách giỏi suy luận không gian, cộng thêm kiến thức về thi từ của Việt Tinh Văn, cũng không cần quá lo.

Việt Tinh Văn tìm cả buổi vẫn không thấy nút chọn môn ở đâu, cậu quét mắt quanh mặt bàn, một ý tưởng chợt lóe lên, Việt Tinh Văn cầm bút lông, khoanh tròn lên môn "Mê cung thi từ" trên giấy Tuyên[120].

Quả nhiên, thông báo quen thuộc xuất hiện trước mắt...

[Môn bắt buộc: Mê cung thi từ]

[Khoa: Nhân văn]

[Học phần: 4]

[Quy tắc trường thi: Trường thi giới hạn 12 người (Không gồm thành viên X)]
[Mô tả: Thi từ cổ có lịch sử phát triển lâu dài đã thể hiện sức hút độc đáo nhất của tiếng Hán, luật bằng trắc, nhịp thơ, thi từ khi đọc lên lanh lảnh, là giá trị văn hóa truyền đời đáng để chúng ta tự hào.]

[Yêu cầu: Phá giải toàn bộ câu đố thi từ, ra khỏi mê cung trong 8 tiếng]

[Chú ý: Đề cử trong nhóm có thành viên khoa tiếng Trung hoặc có hiểu biết đa dạng về thi từ.]

Đọc mô tả chương trình học xong, Việt Tinh Văn bỗng nghi ngờ. Phá giải câu đố? Xem ra mê cung lần này không hề đơn giản như mọi người nghĩ.

Tiếng đồng đồ đếm ngược vang lên, mọi người lập tức bình tĩnh lại, chuẩn bị sẵn sàng vào trường thi.

Đúng 8 giờ sáng, khung cảnh trước mắt mọi người chợt thay đổi.

Khi mở mắt, mọi người đã xuất hiện tại một nơi bồng lai tiên cảnh.

Nơi đây non xanh nước biếc, hoa đào nở khắp trời. Có hai người đang đứng bên sông, một người đứng trên thuyền, người còn lại thì đứng bên bờ sông, khuôn mặt, dáng người cả hai đều vô cùng mờ mịt, tựa như hai bóng người được tạo ra từ sương mù.
Mọi người khó hiểu nhìn nhau, hoàn toàn không biết phải làm gì.

Lâm Mạn La khó hiểu hỏi: "Xung quanh không có đường gì hết, mê cung gì lại thế này?"

Kha Thiếu Bân gãi đầu, hai mắt chợt sáng lên: "Em biết rồi, đây là mê cung dạng thăm dò! Giống như kiểu mê cung sương mù trong game vậy. Chúng ta vừa mới vào mê cung, xung quanh toàn là sương mù, khi chúng ta tiến lên, sương mù tại những nơi chúng ta đi qua sẽ tản đi, những nơi chưa đi qua thì vẫn bị sương mù che lấp."

Giang Bình Sách nghe vậy, không khỏi nhíu mày, "Phạm vi sương mù càng rộng sẽ càng khó tìm ra con đường chính xác. Giới hạn thời gian 8 tiếng, mọi người tranh thủ thời gian, xem có manh mối gì không?"

Ngay sau đó, một cuốn "Từ điển tiếng Hán" khổng lồ xuất hiện trước mắt họ, bên cạnh còn có những khoảng trắng tựa như bài điền vào chỗ trống trong đề thi. Nếu như mỗi một ô trống đại biểu cho một chữ, vậy thì đáp án của câu đố lần này hẳn là một bài thất ngôn tứ tuyệt 28 chữ.
Việt Tinh Văn chăm chú nhìn từ điển trước mặt, nói: "Chỗ trống là một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt, cách giải hẳn là tìm ra chữ tương ứng trong 'Từ điển tiếng Hán' này rồi điền vào khung đáp án."

Trác Phong nhíu mày nói: "Cách giải đề này cũng đủ lạ đời. Đáp án là một bài thơ, nhưng lại không cho lấy một chữ đề bài nào?"

Trước đây họ thi văn thường là cho hai câu thơ, viết nốt những câu còn thiếu, hoặc cho tên bài thơ, yêu cầu học sinh viết cả bài thơ. Nhưng bài thi hôm nay là thế nào?

Việt Tinh Văn nhanh chóng nhìn quanh.

Hoa đào, sông nước, thuyền nhỏ, còn có sương mù tạo thành bóng hai người...

Đầu cậu chợt lóe lên, "Em biết đáp án rồi!"

Dứt lời, cậu nhanh nhẹn đọc một bài thất ngôn tứ tuyệt mọi người đều thuộc làu, "Lý Bạch lên thuyền sắp sửa xa; Trên bờ nhịp nhảy rộn lời ca; Đào hoa đầm rộng sâu ngàn thước; Khôn sánh tình Uông đưa tiễn ta."
* Tặng Uông Luân của Lý Bạch; Bản dịch của Ngô Văn Phú.

Các đồng đội sững sờ, vậy cũng được nữa?!

Đương nhiên mọi người đều thuộc bài thơ này, chỉ là bảo họ nhìn khung ảnh đối thơ, họ vẫn chưa phản ứng kịp.

Giang Bình Sách quyết đoán nói: "Chúng ta chia bốn nhóm, nhanh chóng tìm chữ trong từ điển."

12 người ăn ý xếp thành bốn hàng, 3 người phụ trách một câu thơ, như vậy có thể nâng cao hiệu suất lên tối đa. Thoáng chốc họ đã tìm được những chữ như "Lý" "Bạch" trong từ điển, nhanh chóng điền vào phần trả lời theo thứ tự.

Điền xong cả 28 chữ, quả nhiên, khung điền đáp án lóe lên ánh sáng dịu mắt.

Sau đó, sương mù trước mắt nhanh chóng tản đi.

Hai người bên bờ sông vốn có khuôn mặt và dáng người hình thành từ sương mù cũng dần dần rõ ràng.

Trước mắt họ, một người mặc đồ trắng đang đứng trên thuyền, ông ta đeo bầu rượu bên hông, tay cầm trường kiếm, thoạt trông vô cùng phóng khoáng. Người tiễn ông bên bờ mặc áo xanh, vẻ mặt vô cùng lưu luyến. Khi dáng vẻ của hai nhân vật đều rõ ràng, một thông báo xuất hiện trước mắt mọi người...
Mở khóa nhân vật: Lý Bạch.

Nhà thơ nổi tiếng thời Đường.

Xin hãy đi theo Lý Bạch, tiếp tục khám phá mê cung.

Tiến độ khám phá: 5%.

Ngay khi thông báo biến mất, con thuyền chở Lý Bạch bỗng nhanh chóng chạy vào màn sương.

Việt Tinh Văn sững sờ, vội vàng nói: "Mau đi theo ông ấy!"

Kha Thiếu Bân lập tức gọi Tiểu Đồ, khi tiếng ca "Chúng ta khua mái chèo nào" lanh lảnh vang lên, Tiểu Đồ cao một mét sáu bỗng biến hình thoăn thoắt... Nó biến thành một chiếc thuyền lớn, hai bên còn có mái chèo.

Mọi người: "..."

Kha Thiếu Bân thúc giục: "Mau lên thuyền! Lý Bạch đi thuyền, chúng ta cũng phải đi thuyền mới theo kịp được chứ."

Việt Tinh Văn dở khóc dở cười rảo bước lên thuyền, những người khác cũng nhanh chóng theo sau. Những nơi con thuyền đi qua như bức họa mờ sương được vén ra, sương mù nhanh chóng tản đi.
Cách đó không xa, Lý Bạch đứng trên chiếc thuyền con, băng băng chạy trên nước sông trong vắt, dáng người ông thẳng tắp, vạt áo bay bay, vô cùng phong độ. Ngay phía sau, 12 thành viên nhóm 183 đang ngồi trên con thuyền kim loại màu bạc có hình dáng "thuyền rồng", vừa nghe Tiểu Đồ hát "Chúng ta khua mái chèo nào", vừa bất lực khua mái chèo.

Cảnh tượng này thật sự không sao nhìn nổi.

Lâm Mạn La nói: "Sao chị lại thấy kỹ năng này của Tiểu Đồ hơi ngu ngu nhỉ?"

Lưu Chiếu Thanh thấp giọng nói: "Nếu như Lý Bạch có ý thức, chắc chắn ông ấy sẽ thấy chúng ta là một đám ngốc, sau đó viết một vài thơ đi du hồ gặp một đám ngu, lưu truyền ngàn đời."

Mọi người: "..."

May mà Lý Bạch chưa từng quay đầu nhìn họ.

Ông ấy hẳn là NPC của thư viện, di chuyển theo tuyến đường định sẵn.

Không biết bao lâu sau, khi Tiểu Đồ đã hát hết bài "Chúng ta cùng khua mái chèo", con thuyền chở Lý Bạch chợt dừng lại, một thác nước rất lớn xuất hiện đằng trước.
Kha Thiếu Bân tranh nói trước: "Lần này có phải là 'Nước bay thẳng xuống ba nghìn thước; Tưởng dải Ngân Hà tuột khỏi mây' không?"

* Vọng Lư sơn bộc bố của Lý Bạch, trích Thơ Đường (tập II), NXB Văn học, 1987.

Việt Tinh Văn nhận ra mê cung này cũng rất thú vị, khám phá sương mù, lại còn có Lý Bạch làm hướng dẫn viên?



Chú thích:

119, Tô Châu Viên Lâm là một kiến trúc lâm viên nằm tại nội thành Tô Châu, được công nhận là Di sản thế giới của UNESCO từ năm 1997.

120, Giấy Tuyên hay giấy huyện Kính là một loại giấy có nguồn gốc ở Trung Quốc cổ đại, được sử dụng để viết và vẽ. Giấy Tuyên nổi tiếng mềm mại và kết cấu mịn màng, phù hợp để truyền tải biểu cảm nghệ thuật cho cả thư pháp và hội họa Trung Hoa. 

~ TRƯỜNG THI CỦA LÝ BẠCH ~
Một khung trả lời giống như vừa rồi lại hiện ra trước mắt, bốn hàng, mỗi hàng bảy ô trống, vẫn là một bài thất ngôn tứ tuyệt. Việt Tinh Văn đưa mắt nhìn quanh, núi non trùng điệp, vô cùng xinh đẹp, cảnh sắc tựa cõi tiên. Một dòng thác trắng tinh khiết trút xuống từ trên đỉnh núi, rơi vào trong đầm nước trong veo, vô số bọt nước bắn lên.

Trong lịch sử, thơ, từ có viết về thác nước nhiều vô số kể, "Vọng Lư sơn bộc bố" của Lý Bạch là bài thơ được lưu truyền rộng rãi nhất. Huống chi, khung cảnh trước mắt thật sự rất giống "thác Tú Phong" trong thác nước Lư sơn, Việt Tinh Văn không do dự nữa, quyết đoán nói: "Mọi người chia nhóm tìm chữ, tranh thủ thời gian!"

Mọi người chia bốn nhóm như khi trả lời vừa nãy, Kha Thiếu Bân, Tân Ngôn, Lưu Chiếu Thanh tìm câu một, Trác Phong, Lâm Mạn La, Hứa Diệc Thâm tìm câu hai, Tần Lộ, Tần Miểu và đàn chị Lam câu ba, Việt Tinh Văn, Giang Bình Sách và Chương Tiểu Niên chốt cuối.
12 người cầm "Từ điển tiếng Hán hiện đại" trên tay, tiếng mọi người lật giấy vang lên bên tai, không đến 30 giây, họ đã tìm thấy đầy đủ 28 chữ trong bài thơ, đồng thời điền lên theo thứ tự.

Quả nhiên, khung đáp án trước mắt lại lấp lóe ánh sáng dịu mắt, con thuyền nhỏ chở Lý Bạch lại bắt đầu đi tiếp.

Việt Tinh Văn nói: "Đi theo."

Mọi người tiếp tục khua mái chèo, chạy sát theo sau Lý Bạch.

Đi qua thác nước hùng vĩ, con thuyền chạy đến một hồ nước với dòng chảy nhẹ nhàng, sương mù lượn lờ xung quanh, tựa như nơi ẩn cư của các "thế ngoại cao nhân" trong phim võ hiệp. Khung đáp án lại xuất hiện trước mắt họ, nhưng khác những lần trước, khung đáp án lần này không còn là thất ngôn tứ tuyệt nữa, mà là một bài thơ mười câu, mỗi câu năm chữ, đồng thời đã có sẵn đáp án.
Sống là khách qua ngõ; Trời đất là quán trọ; Dâu xanh hoá củi già; Thông xanh mặc xuân qua; Xương trắng không buồn nói;

Thỏ ngọc nghiền thuốc mãi; Bền chi sự vinh hoa; Việc đời luôn than thở; Chết là kẻ về nhà; Muôn đời bụi xót xa.

Sau khi thấy mười câu thơ ngắn này, mọi người ngơ ngác nhìn nhau, không lâu sau, Việt Tinh Văn đã kịp nhận ra, "Thứ tự câu thơ bị xáo trộn rồi, đề bài yêu cầu chúng ta sắp xếp lại nó."

Lưu Chiếu Thanh gãi ót, "Đây cũng là thơ Lý Bạch à? Anh chưa nghe bao giờ?"

Kha Thiếu Bân đọc kỹ mấy câu thơ trên khung đáp án, nói: "'Sống là khách qua ngõ; Chết là kẻ về nhà' hẳn là một cặp câu nhỉ? Hai câu này rất đối nhau. Mấy cái khác thì tớ không biết nữa, Tinh Văn có biết không?"

Việt Tinh Văn mỉm cười, nói: "Đương nhiên. Tớ từng chuyên tâm nghiên cứu thơ Lý Bạch, thơ của ông ấy cơ bản tớ đều thuộc hết." Dứt lời, Việt Tinh Văn vươn tay, nhanh chóng xếp lại mười câu thơ ngắn từ đầu.
Một lát sau, bài thơ trên khung đáp án đã biến thành một thứ tự hoàn toàn mới...

Sống là khách qua ngõ; Chết là kẻ về nhà;

Trời đất là quán trọ; Muôn đời bụi xót xa;

Thỏ ngọc nghiền thuốc mãi; Dâu xanh hoá củi già;

Xương trắng không buồn nói; Thông xanh mặc xuân qua;

Việc đời luôn than thở; Bền chi sự vinh hoa?

— Nghĩ cổ kỳ 5, Lý Bạch; Trích "Đường thi tuyển dịch", NXB Thuận Hoá, 1997.

Việt Tinh Văn giải thích: "Đây là bài thơ rất ít được chú ý của Lý Bạch, tên là 'Mười hai bài Nghĩ cổ (Bài chín) – Sống là khách qua ngõ', ông ấy viết về những triết lý trong đời mà mình cảm ngộ được, tổng kết cuộc đời gập ghềnh của mình, nhưng lại không tiêu cực quá mức, trái lại bài thơ sáng sủa, rộng mở. Ông cho rằng cuộc đời ngắn ngủi, công danh, lợi lộc không đáng để quý trọng."
Giang Bình Sách quay sang nhìn Việt Tinh Văn, hắn biết Việt Tinh Văn thật sự rất thích văn học, mỗi lần nhắc đến thứ này, mắt Tinh Văn đều như đang phát sáng. Kho kiến thức của Việt Tinh Văn dẫn đầu trong những người ở đại học Hoa An, trong cuộc thi tranh biện, cậu nói có sách, mách có chứng, cũng có thể đặt bút thành văn.

Nhà thơ cậu thích nhất là Lý Bạch, thời cấp ba, cậu đã dùng thời gian ngoài giờ học để đọc hết toàn bộ thơ của Lý Bạch. Vậy nên, mê cung thi từ lần này thật sự không thể làm khó cậu.

Các bạn học xung quanh thấy Tinh Văn trả lời chính xác, ai nấy vui sướng ra mặt.

Lưu Chiếu Thanh khẽ thở dài, nói: "Ngon đấy, Tinh Văn cân team chúng ta là được rồi. Anh hoàn toàn không thích thú với thơ từ chút nào, mấy bài thơ từ, văn cổ phải học thuộc hồi cấp ba anh còn không học nổi!"
Hứa Diệc Thâm nói: "Em nữa, khi làm văn thường xuyên lạc đề, giáo viên văn toàn bêu đầu em ra làm ví dụ cho mọi người."

Việt Tinh Văn mỉm cười nhìn họ, "Mỗi người có sở trường của riêng mình, lần này đụng trúng sở trường của em thôi, mọi người tranh thủ thời gian đi, có lẽ sắp tới sẽ có câu hỏi càng khó hơn."

Mọi người gật đầu, tiếp tục ngồi trên Tiểu Đồ đi theo Lý Bạch.

Khi con thuyền của Lý Bạch đi tới giữa hồ, ông dần dần dừng lại, một vách tường xuất hiện ngay phía trước cản đường đi của họ. Đúng lúc này, kỹ năng của Tiểu Đồ cũng sắp kết thúc, Kha Thiếu Bân vội nói: "Rất có thể đây là lối rẽ của mê cung, vách tường này chính là cửa khẩu."

Hành trình trước đó không gặp trở ngại gì, cũng không có lối rẽ. Lúc này, vách tường chắn trước mặt họ thật sự rất kỳ lạ, tựa như dựng trên không trung ngay giữa hồ nước.
Khi mọi người vẫn chưa hiểu chuyện gì, Lý Bạch trên thuyền bỗng bắt đầu múa kiếm!

Ông mặc đồ trắng, trường kiếm trong tay bay múa tùy thích, linh hoạt phóng khoáng, mặc sức thể hiện, tựa như thiên hạ này chỉ thuộc về mình ông.

Thanh kiếm không ngừng bay lượn, khắc một hàng chữ thảo phóng khoáng lên vách tường...

"Khách Triệu mũ giải thô; Gươm Ngô màu tuyết sáng; Yên bạc ngựa trắng ngời; Như sao băng lấp loáng."

Sau đó, năm hàng chỗ trống xuất hiện bên dưới dòng chữ này, mỗi hàng được chia thành bốn khoảng, mỗi khoảng có năm chữ. Một cây bút lông được treo lơ lửng bên cạnh vách tường, quả nhiên, Lý Bạch đã viết phần mở đầu, để thí sinh cầm bút viết nốt phần còn thiếu, nếu điền đúng, vách tường trước mặt sẽ mở ra.

Kha Thiếu Bân đẩy kính, nhìn hàng chữ thảo trên tường, "Chữ của Lý Bạch hơi trừu tượng đó! Tớ căng mắt ra cũng chỉ đọc được chữ 'tuyết sáng', 'ngựa trắng', 'sao băng' gì đó."
Giang Bình Sách dịu dàng nhìn Việt Tinh Văn, "Cả bài thơ có tổng cộng 120 chữ, cậu thuộc hết sao?"

Việt Tinh Văn gật đầu, bước lên một bước, cậu cầm bút, nhanh chóng viết đáp án...

Mười bước gϊếŧ một người; Ngàn dặm đâu rong ruổi; Việc xong giũ áo lui; Giấu mình không tên tuổi;

Nhàn, uống rượu Tín Lăng; Gươm đặt ngay đầu gối; Nâng chén mời Hầu Doanh; Nướng chả đãi Chu Hợi;

Ba chén vừa cạn xong; Năm núi lật như bỡn; Mắt hoa, tai nóng bừng; Chí toả như rồng giỡn;

Cứu Triệu vung chày sắt; Hàm Đan thành rung rinh; Nghìn thu hai tráng sĩ; Đại Lương rền uy danh;

Xương thơm dầu đã chết; Chẳng thẹn với anh hùng; Thái Huyền kinh tóc trắng; Viết sách ích gì không.

— Hiệp Khách Hành, Lý Bạch; Bản dịch thơ: Trương Việt Linh.

Bài thơ dài như vậy, Việt Tinh Văn viết không hề ngập ngùng, ngòi bút không dừng lại giây nào, viết liền một mạch!
Nét chữ của cậu vô cùng nghiêm chỉnh, tự nhiên, mặc dù vẫn kém xa phong cách chữ thảo của Lý Bạch, nhưng nhìn tổng thế cũng có một loại khí thế đặc biệt.

Lúc này Lưu Chiếu Thanh mới nhận ra, "'Mười bước gϊếŧ một người; Ngàn dặm đâu rong ruổi; Việc xong giũ áo lui; Giấu mình không tên tuổi', mấy câu này có lẽ hầu hết mọi người đều biết. Nhưng mấy câu đằng sau thì anh chưa thấy bao giờ!"

Việt Tinh Văn cười nói: "Đây là bài 'Hiệp khách hành' của Lý Bạch, biểu đạt khao khát của ông với hiệp khách, cũng là bài thơ em thích nhất."

Vừa rồi khi Việt Tinh Văn vung bút viết hoàn chỉnh bài thơ này lên vách tường, tâm trạng của mọi người cũng cảm nhận được, sự hào hiệp không dính bụi trần này người trên đời khó mà làm được. Thật ra Lý Bạch cũng không thể, nhưng ông hướng tới một cuộc sống như vậy."
Việt Tinh Văn đặt bút lại, quả nhiên, vách tường trước mắt tách đôi.

Hai lối rẽ xuất hiện ngay phía trước, còn kèm theo hai mũi tiên như các khu du lịch đánh dấu.

← Lầu Hoàng Hạc, Thành Sa Khâu →

Mọi người nhìn biển hướng dẫn, bỗng khựng lại.

Nói thật, Kha Thiếu Bân đã chơi game nhiều năm vậy rồi, cũng không ít lần chơi mê cung, nhưng đây là lần đầu tiên cậu nhìn thấy biển chỉ đường xuất hiện trong mê cung!

Lưu Chiếu Thanh cũng không nhịn được, nói: "Hình như lần này thư viện hơi tốt bụng quá đáng rồi đó, làm anh lại thấy không ổn, cảm giác như nó đang gài chúng ta vậy."

Trác Phong nhíu mày, nói: "Hai biển chỉ đường này hẳn là đại biểu rằng sắp tới chúng ta sẽ gặp phong cảnh khác nhau, mở khóa những bài thơ khác nhau?"

Lâm Mạn La nói chen vào, "Trong số các bài thơ Lý Bạch viết về lầu Hoàng Hạc, chị nhớ rất rõ một bài, là 'Lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng' mà học sinh tiểu học nào cũng thuộc."
Tần Miểu nói: "'Bạn cũ dời chân Hoàng Hạc lâu; Tháng ba hoa khói xuống Dương Châu; Bóng buồm chìm lẫn trong trời biếc; Chỉ thấy Trường Giang vẫn chảy mau'? Đây đúng là bài hát được lưu truyền rất rộng rãi."

— Lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng, Lý Bạch; Bản dịch thơ: Trần Trọng San.

Lâm Mạn La gật đầu, "Ừ. Vậy nên nếu chúng ta chọn bên lầu Hoàng Hạc, có lẽ sẽ gặp bài thơ này. Nhưng thành Sa Khâu là gì thế?"

Mọi người đều tù mù nhìn Việt Tinh Văn.

Việt Tinh Văn chau mày, cậu cẩn thận nghĩ lại những bài thơ Lý Bạch từng viết, bỗng nhiên, mắt cậu sáng rực, nói: "Em biết rồi, bên thành Sa Khâu này, hẳn là 'Dưới thành Sa Khâu gửi Đỗ Phủ'!"

Bài thơ này không nằm trong chương trình học trung học, vậy nên rất nhiều bạn học ở đây chưa từng nghe.
Việt Tinh Văn đọc liền cả bài thơ: "Tới đây chẳng vì đâu; Nằm dài thành Sa Khâu; Ngoài thành hàng cổ thụ; Ngày đêm vang tiếng thu; Rượu Lỗ mà say được?; Ca Tề mà hợp tai?; Ta nhìn dòng sông Vấn; Xuôi Nam, lòng nhớ ai?"

— Dưới thành Sa Khâu gửi Đỗ Phủ, Lý Bạch; Bản dịch thơ: Phụng Vũ Cửu Thiên.

Cậu dừng một lát, giải thích: "Đây là bài thơ Lý Bạch viết ở thành Sa Khâu để hoài niệm Đỗ Phủ. Mọi người hẳn cũng biết Đỗ Phủ và Lý Bạch rất thân thiết, Đỗ Phủ là fanboy của Lý Bạch, từng viết cho Lý Bạch rất nhiều bài thơ, Lý Bạch cũng viết vài bài cho Đỗ Phủ, bài này là nổi tiếng nhất."

Giang Bình Sách nghe tới đây, không khỏi nói: "Đi lầu Hoàng Hạc bên trái, là thơ Lý Bạch viết cho Mạnh Hạo Nhiên; đường bên phải đến thành Sa Khâu, là thơ Lý Bạch viết cho Đỗ Phủ?"
Việt Tinh Văn quay lại nhìn hắn, cười nói: "Đúng vậy. Tôi đoán Lý Bạch không phải NPC duy nhất trong mê cung này, sắp tới chúng ta sẽ mở khóa thêm nhiều nhân vật. Đi bên trái mở khóa Mạnh Hạo Nhiên; bên phải sẽ gặp Đỗ Phủ. Sau đó, Mạnh Hạo Nhiên hoặc Đỗ Phủ sẽ đưa chúng ta đi tiếp, mở khóa thêm nhiều nhà thơ nổi tiếng."

Kha Thiếu Bân chợt hiểu ra, "Hóa ra là vậy! Tớ đã bảo mà, nếu trong mê cung toàn là thơ Lý Bạch, Tinh Văn lại còn học thuộc hết cả thơ của Lý Bạch rồi, vậy không phải chúng ta nhắm mắt cũng qua sao?"

Tân Ngôn bình tĩnh nói: "Nghĩ cũng thấy không thể. Trong lịch sử không chỉ có mình Lý Bạch là nhà thơ, Lý Bạch dẫn đường trước, ngày càng mở khóa nhiều nhà thơ, xuất hiện thêm nhiều lối rẽ, như vậy mới giống một mê cung thi từ."

Hứa Diệc Thâm trêu chọc: "Mấy nhà thơ này, anh tiễn tôi, tôi nhớ anh, ai ai cũng có chút qua lại với nhau, vậy không phải giống một nhóm bạn sao?"
Việt Tinh Văn gật đầu, nói: "Đàn anh Hứa nói đúng, có lẽ mê cung thi từ lần này là một mạng lưới quan hệ khổng lồ được liên kết bằng những bài thơ."